Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

5. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN - Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ (Tiếp Theo)



5. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN

(Tư Mã Thiên)

Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ (Tiếp Theo)


(tiểu triện từ 220TCN)
Sau đó, trở về, đi qua đất Ngô theo sông Trường Giang qua đò ở Giang Thặng và đi dọc theo bờ biển lên phía bắc đến đất Lang Gia.

Bọn phương sĩ Từ Phúc ra ngoài biển tìm thuốc thần mấy năm không được, tốn kém rất nhiều. Chúng sợ bị trừng trị bèn lừa dối nói rằng thuốc của Bồng Lai có thể lấy được, nhưng bị con cá giao lớn làm khổ cho nên không đến được, xin nhà vua cấp cho người thiện xạ cùng đi, lấy cái nỏ bắn nhiều phát một lúc để bắn. Thuỷ Hoàng nằm mơ thấy mình đánh nhau với thần biển hình người. Bèn hỏi người đoán mộng.

Bác sĩ nói:

- Thuỷ thần không thể trông thấy nên hiện thành con cá giao. Xin nhà vua cầu khấn, thờ phụng có đủ lễ vật thì mới trừ được thứ thần ác và làm cho thần thiện có thể đến được.

Nhà vua bèn sai người ra biển mang đồ bắt cá lờn, còn tự mình cũng làm nỏ bắn nhiều phát một lúc, chờ khi nào cá lớn xuất hiện thì bắn. Nhà vua đi từ Lang Gia về phía bắc đến núi Huỳnh Thành nhưng không thấy cá. Đến Chi Phù thì thấy cá lớn, giết chết một con. Sau đó đi dọc theo đường biển. Khi đi về phía tây đến bến Bình Nguyên thì bị bệnh.

Thuỷ Hoàng ghét người ta nói đến việc chết, cho nên quần thần không ai dám nói với nhà vua về việc chết. Khi bệnh càng nặng, nhà vua bèn viết thư đóng dấu của vua gửi đến công tử Phù Tô nói, “Con về Hàm Dương với đám tang, và chôn cất ta ở đấy.” Bức thư đã niêm phong ở trong phủ trung xa thuộc quyền Triệu Cao. Bức thư có dấu của nhà vua làm tin chưa giao cho sứ giả, thì ngày bính dần, tháng bảy, Thuỷ Hoàng chết ở Bình Đài, thuộc đất Sa Khâu (Đoạn 4 – cái chết của Thuỷ Hoàng).

5. Thừa tướng Lý Tư thấy nhà vua chết ở xa kinh đô, sợ các công tử và thiên hạ có biến loạn, bèn giấu kín điều đó, không báo tang, chở quan tài trong một cái xe mát (Xe có cửa mở ra thì mát, đóng lại thì ấm), cho một người hoạn quan được vua yêu, ngồi trong xe, đến đâu thì dâng thức ăn, trăm quan vẫn tâu việc như thường. Viên hoạn quan ở trong xe nghe lời tâu, liền bảo, “Được!”. Chỉ có Hồ Hợi, Triệu Cao và một vài hoạn quan thân tín của nhà vua, tất cả có năm sáu người biết là nhà vua đã chết.

Triệu Cao trước đây đã có lần dạy Hồ Hợi học viết cùng với pháp luật, mệnh lệnh. Hồ Hợi yêu quý Triệu Cao. Triệu Cao bèn cùng công tử Hồ Hợi và thừa tướng Lý Tư âm mưu phá huỷ bức thư của Thuỷ Hoàng gửi cho công tử Phù Tô, mà bịa đặt thành ra chuyện thừa tướng Lý Tư đã nhận được tờ chiếu của Thuỷ Hoàng ở Sa Khâu, trước khi chết bảo lập Hồ Hợi làm thái tử. Lại làm một bức thư khác gửi cho công tử Phù Tô, và Mông Điềm kể tội hai người, ra lệnh cho hai người phải chết. Câu chuyện này nói kỹ trong truyện Lý Tư (Xem Lý Tư Liệt truyện, đoạn nói về âm mưu của Triệu Cao hết sức sinh động – xem quyển II). Xe đi từ Tỉnh Hình đến Cửu Nguyên. Gặp lúc trời nắng, chiếc xe mát phát ra mùi thối, bèn sai các quan đi theo chở trên xe một thạch cá muối để đánh lẫn mùi thối (Nhận xét tuy nhỏ, nhưng rất mỉa mai). Đi theo đường thẳng đến Hàm Dương, báo tang.

Thái tử Hồ Hợi lên nối nghiệp làm Nhị Thế Hoàng Đế. Tháng 9, chôn Thuỷ Hoàng ở Ly Sơn. Khi Thuỷ Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ, thì dời hơn 70 vạn người trong thiên đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên, có ai đào gần đến gần thì bắn ra. Sai lấy thuỷ ngân làm một trăm con sông, sông Trường Giang, sông Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy dầu cá nhân ngư (Con hải báo) để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy lâu không tắt.

Nhị Thế nói:

- Những người ở hậu cung của tiên đế nếu không có con mà cho ra ngoài thì không tiện.

Sai chôn theo tất cả. Số người chết rất nhiều. Sau khi chôn cất xong, có người nói: những người thợ làm máy và cất giấu đều biết chỗ cất giấu, thế nào họ cũng tiết lộ việc lớn. Cho nên sau khi cất giấu xong, sai đóng đường hầm đi đến huyệt, lại sai đóng cửa ngoài cửa hầm. Những người thợ và những người cất giấu của cải không làm sao thoát ra được (Khái niệm về người đối với Nhị Thế cũng như là súc vật). Rồi sai trồng cây, trồng cỏ lên trên để có vẻ như cái núi (Đoạn 5- những biến cố xảy ra sau khi Thuỷ Hoàng chết).

6. Năm thứ nhất, đời Nhị Thế Hoàng đế (209 trước Công nguyên), Nhị Thế lên ngôi lúc 21 tuổi. Triệu Cao làm lang trung lệnh, được tin dùng. Nhị Thế ra chiếu sai tăng thêm các vật tế ở miếu Tần Thuỷ Hoàng cũng như nghi lễ tế các thần núi, thần sông. Ra lệnh cho quần thần bàn việc suy tôn miếu của Thuỷ Hoàng. Quần thần đều dập đầu nói:

- Ngày xưa thiên tử có bảy miếu, chư hầu có năm miếu, đại phu có ba miếu, tuy đến vạn đời cũng không bỏ cái lệ ấy. Nay Thuỷ Hoàng làm Cực miếu, trong bốn biển đều biến cống vật, tặng các vật tế, lễ rất đầy đủ, không còn thêm gì được nữa. Miếu của tiên vương hoặc ở Tây Ung hoặc ở thành Hàm Dương. Thiên tử theo nghi lễ chỉ nên hiến rượu ở miếu Thuỷ Hoàng thôi.

Bỏ tất cả nhóm bảy miếu xây từ Tương Công trở xuống (Mỗi vua chết đi xây bảy miếu để thờ, làm thành một nhóm bảy miếu. Làm như vậy là huỷ bỏ các miếu từ trước của các vua, chỉ giữ những miếu thờ Thuỷ Hoàng). Quần thần đều theo lễ đến cúng để tôn miếu của Thuỷ Hoàng làm tổ miếu của các vị đế. Nhà vua lại tự xưng là “trẫm”.

Nhị Thế bàn với Triệu Cao:

- Trẫm tuổi còn nhỏ mới lên ngôi, bọn “đầu đen” chưa theo. Tiên đế trước đây đi tuần hành các quận và các huyện để tỏ uy thế, làm bốn biển phục tùng. Nay nếu trẫm để yên không tuần hành, tức là tỏ ra mình yếu, không làm cho thiên hạ thần phục.

Mùa xuân, Nhị Thế đi về hướng đông đến các quận, các huyện, Lý Tư đi theo đến Kiệt Thạch; Nhị Thế đi theo bờ biển phía nam đến Cối Kê rồi khắc lên tất cả những cái bia Thuỷ Hoàng đã dựng nên. Bên cạnh những cái bia này, dựng một cái bia viết tên các vị quan to đi theo để nêu cao công lao và đức lớn của tiên đế.

Hoàng đế nói:

- Những điêu khắc trên vàng trên đá, đều là những điều Thuỷ Hoàng đế đã làm, ta nay tuy nối tước hiệu của người, nhưng những lời khắc trên vàng, trên đá đều còn rất xa không thể sánh với công đức của người. Những người làm vua sau này nếu khắc thì chớ sánh ngang với công lao và đạo đức to lớn của người.

Thừa tướng Lý Tư, Khứ Tật, ngự sử đại phu là Đức liều chết nói:

- Chúng tôi xin khắc chiếu thư này ở khắp nơi, và khắc lên đá để cho sáng rõ. Chúng tôi liều chết xin làm thế.

Chế đưa ra nói: “Được”.

Nhị Thế đến Liêu Đông rồi trở về.

Nhị Thế bèn theo mưu mô Triệu Cao, tăng thêm nhiều luật lệ mệnh lệnh. Nhị Thế bàn mưu với Triệu Cao:

- Các quan đại thần không phục, quan lại còn mạnh, các công tử thế nào cũng tranh nhau với ta. Bây giờ nên làm thế nào?

Triệu Cao nói:

- Thần vốn muốn nói điều ấy đã lâu, nhưng chưa dám nói. Các quan đại thần của tiên đế, đều là những người có danh tiếng và quyền quý đã mấy đời, công lao chồng chất truyền lại đời đời. Nay Cao vốn là người hèn mọn được bệ hạ thương đến cho làm ở địa vị trên, lo những công việc quan trọng nhất, các quan đại thần đều bực bội chỉ theo thần ngoài mặt, chứ trong lòng thực không phục. Nay bệ hạ đi ra, không nhân cơ hội này xét những người làm thú, làm uý trong các quận, các huyện; thấy người nào có tội thì giết đi, trước hết để ra oai với thiên hạ, sau đó để trừ những người bình sinh bệ hạ không thích. Trong lúc này không thể theo văn mà phải dùng võ lực để quyết định, xin bệ hạ theo thời mà làm đừng nghi ngờ gì và quần thần không được bàn bạc. Vị vua sáng thu nhận, cất nhắc những người dân hèn; người nào hèn thì cho họ được sang; người nào nghèo thì cho họ được giàu; người nào xa thì cho họ được đến gần. Làm như thế, trên dưới sẽ theo mà nước được an.

Nhị Thế nói:

- Phải đấy!

Bèn giết các quan đại thần và các công tử, tội lỗi liên luỵ đến những viên quan nhỏ hầu hạ nên họ cũng đều bị giết. Các quan tam lang (Những người làm trung lang, ngoại lang, tân lang) không còn ai sống sót, sáu vị công tử bị giết ở đất Đỗ. Công tử Tương Lư anh em ba người bị tù ở trong nội cung, bị luận tội sau cùng. Sau đó Nhị Thế sai sứ giả bảo với Tương Lư:

- Công tử không làm tròn phận sự bầy tôi, tội đáng chết, quản lại đến thi hành pháp luật.

Tương Lư nói:

- Nghi lễ trong triều tôi chưa bao giờ không theo, ngôi thứ ở chốn miếu đường, tôi chưa bao giờ dám làm sai, nhận mệnh lệnh và ứng đối tôi chưa bao giờ dám lỡ lời. Bảo không làm nhiệm vụ bầy tôi là thế nào xin ông cho biết tội để rồi chịu chết?

Sứ giả nói:

- Tôi không được bàn việc ấy, chỉ mang thư đến đây làm tròn phận sự.

Tương Lư bèn ngẩng đầu lên trời kêu to ba tiếng: “Trời ơi! Ta không có tội!”. Anh em ba người đều khóc và tuốt kiếm tự sát.

Cả tôn thất run sợ, quần thần ai can ngăn thì phạm tội phỉ báng. Các quan đại thần thì lo giữ lộc để được yên thân, những kẻ “đầu đen” thì sợ hãi.

Tháng 4, Nhị Thế trở về đến Hàm Dương nói:

- Tiên đế cho triều đình ở Hàm Dương nhỏ, nên sai xây cung A Phòng. Nhà cửa chưa xong thì mất. Người ta bỏ việc ấy lo đổ đất lại lên Ly Sơn (Ý nói hoãn việc xây A Phòng, để xây lăng cho Thuỷ Hoàng. Vì xây lăng thì phải đào đất bỏ quan tài xuống rồi lại đổ đất lên nên nói đổ đất lại). Công việc ở Ly Sơn đã xong. Nay nếu ta bỏ cung A Phòng không làm thì tức là nêu rõ việc làm của tiên đế là sai lầm.

Vì vậy lại làm cung A Phòng, để bên ngoài ra uy với Tứ di (Danh từ chung để chỉ những dân tộc ở ngoài địa bản Trung quốc), như kế của Thuỷ Hoàng. Sai trưng tập tất cả những kẻ bắn giỏi gồm năm vạn người lập đồn để bảo vệ Hàm Dương. Sai dạy bắn. Lúc bây giờ phải nuôi chó, ngựa, chim muông rất nhiều, việc cung cấp không đủ. Nhà vua sai các quận và các huyện chuyên chở đổ, lúa, cỏ, rơm, người nào cũng phải thân hành mang lương thực mà ăn, không được ăn gạo trong vòng 300 dặm của thành Hàm Dương, pháp luật lại càng nghiêm ngặt (Đoạn 5 - Nhị Thế nghe theo Triệu Cao lại càng thiên về việc giết tróc, đàn áp và xây dựng cung thất).

6. Tháng 7, bọn lính thú là Trần Thắng (Xem Trần Thiệp thế gia) làm phản ở đất Kinh ngày trước, hiệu là “Trương Sở”. Trần Thắng tự lập làm vua Sở. Thắng ở đất Trần sai các tướng đi chiêu hàng các nơi. Những người trai tráng ở các quận, các huyện Sơn Đông (1), bị khổ sở vì bọn quan lại nhà Tần, đều giết bọn thú, uý, lệnh, thừa (2) làm phản để hưởng ứng Trần Thiệp lập nhau làm hầu, vương, liên hợp với nhau đi về hướng tây, lấy danh nghĩa đánh Tần, đông không kể xiết. Quan yết giả từ hướng đông lại báo với Nhị Thế về việc dân làm phản. Nhị Thế nổi giận giao yết giả cho quan lại trừng trị. Sau đó có sứ giả đến, nhà vua hỏi thì họ đều nói:

- Bọn ăn trộm đang bị các thú và các uý ở quận đuổi bắt, bây giờ đã bắt hết không cần phải lo nữa.

Nhà vua bằng lòng.

Vũ Thần tự lập làm Triệu Vương, Nguỵ Cữu làm Nguỵ Vương. Điền Đam làm Tề Vương, Bái Công nổi dậy ở đất Bái, Hạng Vũ dấy binh ở Cối Kê.

Năm thứ 2 (208 trước Công nguyên) mùa đông, Trần Thiệp sai bọn Chu Chương đem binh đi về hướng tây (3) đến đất Hý, binh mấy mươi vạn, Nhị Thế hoảng sợ bàn với quần thần:

- Bây giờ làm thế nào?

Chương Hàm làm Thiếu Phủ nói:

- Bọn giặc đã đông và mạnh. Nay nếu đem binh ở các huyện đến thì không kịp nữa. Những người bị đày phải làm ở Ly Sơn rất đông xin tha cho họ, giao cho họ binh khí để đánh giặc.

----------------------------

1. Chú ý Sơn Đông ở đây, là chỉ miền đất ở phía đông núi Hào Sơn, tức là tất cả sáu nước, còn miền đất ở phía tây tức là nước Tần chứ không phải Sơn Đông bây giờ.

2. Trong một quận có quan thú coi việc chính trị, quan uý coi về quân sự. Trong một huyện có lệnh và dưới lệnh có thừa. Đây nói giết những người cầm đầu các quận và các huyện.

3. Vì Tần ở phía tây, nên hễ nói đi về hướng tây, sang tây là đi về hướng nước Tần, còn đi về đông, sang đông là đi về các nước khác.

----------------------------

Nhị Thế liền đại xá thiên hạ, sai Chương Hàm cầm quân phá quân của Chu Chương. Chu Chương bỏ chạy. Sau đó giết Chu Chương ở Tào Dương. Nhị Thế lại sai thêm trưởng sử là Tư Mã Hân và Đổng Ế giúp Chương Hàm đánh quân giặc, giết Trần Thắng ở Thành Phụ, phá tan quân của Hạng Lương ở Định Đào, tiêu diệt quân của Nguỵ Cửu ở Lâm Tế. Các danh tướng của giặc ở đất Sở đều đã chết rồi. Chương Hàm bèn đem quân đi về hướng bắc vượt Hoàng Hà để đánh vua Triệu là Yết ở Cự Lộc.

Triệu Cao nói với Nhị Thế:

- Tiên đế cai trị thiên hạ đã lâu cho nên quần thần không dám làm bậy. Nhưng bệ hạ bây giờ còn trẻ, mới lên ngôi, lẽ nào lại bàn bạc công việc ở triều đình với các công khanh, lỡ ra mà có điều sai sót tức là để lộ chỗ kém của mình cho quần thần thấy. Thiên tử tự gọi là “trẫm” nghĩa là người ta không nghe tiếng nói.

Do đó, Nhị Thế thường ở trong cung cấm quyết định mọi việc với Triệu Cao. Về sau các công khanh ít khi được triều kiến.

Giặc cướp càng ngày càng nhiều, binh của Quan Trung đưa ra hướng đông để đánh giặc cứ phải đi mãi không thôi. Hữu thừa tướng là Khứu Tật, tả thừa tướng là Lý Tư, tướng quân là Phùng Kiếp can nhà vua nói, “Ở Quan Đông, bọn giặc nhao nhao nổi lên, Tần đem quân trừ khử giết cũng rất nhiều nhưng vẫn không thôi. Giặc phần lớn là những người đi thú và lo vận chuyển trên cạn dưới nước, họ làm giặc vì việc xây đắp khổ cực, vì thuế má nặng. Xin đình việc xây đắp ở cung A Phòng, giảm bớt lính thú ở các biên giới.

Nhị Thế nói:

- Ta nghe Hàn Phi (1) nói, Nghiêu, Thuấn có kèo nhà bằng gỗ, đẽo mà không bào, tranh mái nhà không cắt phẳng, uống chén đất, ăn bát bằng sành, một người giữ cửa ăn cũng không đến nỗi kém như thế. Vua Hạ Vũ đục núi Long Môn để cho nước thông với Đại Hạ, khơi dòng cho nước ứ đọng ở sông Hà đi ra biển. Thân mình mang thuổng để đắp đất, chân không còn lông, dù bọn tôi tớ và bọn tù cũng không khổ sở đến thế. Con người có thiên hạ sở dĩ được tôn quý là vì có thể làm thoả chí, theo sở thích của mình, muốn gì được nấy. Nhà vua cứ làm cho những pháp luật rõ ràng thì ở dưới không ai dám làm điều bậy, và như vậy, là khống chế được thiên hạ. Các vua như vua Thuấn, vua Vũ tuy có cái địa vị cao sang là làm thiên tử, nhưng thực ra họ ở nơi cùng khổ để nêu gương cho trăm họ. Như thế có gì đáng bắt chước? Trẫm được tiếng là Vạn Thặng (2) nhưng thực ra không có. Ta muốn làm một đoàn xe nghìn cỗ để đi, theo sau là một vạn cỗ, để xứng với tôn hiệu của ta. Vả chăng, tiên đế nổi lên từ địa vị chư hầu rồi thôn tính thiên hạ. Thiên hạ đã được bình định rồi lại đuổi tứ di ở bên ngoài để giữ an biên giới, xây cung thất để nêu cao ý thích của mình. Người xem công nghiệp của tiên đế đã được tiếp tục như thế nào. Nay ta lên ngôi trong vòng hai năm, bọn giặc nổi lên, nhà ngươi không cấm được họ lại muốn bỏ điều tiên đế làm, như thế thì trước hết không có gì báo ơn tiên đế, sau nữa không tận trung hết sức với trẫm, còn giữ chức làm gì!

--------------------------------

1. Hàn Phi là một du thuyết nổi tiếng, chủ trương thuyết dùng pháp luật trị nước gọi là phái pháp gia. Vì Lý Tư ghen tài nên xúi nhà vua giết chết. Nhắc lại lời của Hàn Phi là ý chế nhạo Lý Tư.

2. Theo quy chế nhà Chu, thiên tử có thể có một vạn cổ xe cho nên nói thiên tử người ta thường gọi là “vạn thặng”.

-------------

Bèn giao cho quan lại bắt Khứ Tật, Lý Tư, Phùng Kiếp, xét các tội khác. Khứ Tật và Phùng Kiếp nói:

- Kẻ làm tướng quân và thừa tướng không chịu nhục.

Bèn tự sát. Lý Tư bị tù và chịu năm hình phạt (Khắc chữ vào mặt, cắt mũi, chặt hai chân, đánh chết, chặt đầu, bêu thây ngoài chợ).

Năm thứ 3, đời Tần Nhị Thế, Chương Hàm cầm quân vây thành Cự Lộc, thượng tướng quân của Sở là Hạng Vũ cầm đầu quân Sở đến cứu Cự Lộc. Mùa đông, Triệu Cao làm thừa tướng, xét án Lý Tư rồi giết Lý Tư. Mùa hạ, bọn Chương Hàm đánh bị thua mấy lần, Nhị Thế cho người đến trách Chương Hàm. Chương Hàm sợ sai trưởng sử là Tư Mã Hân đến trình việc. Triệu Cao không cho tiếp kiến, lại tỏ ra nghi ngờ. Tư Mã Hân sợ bỏ trốn. Triệu Cao sai người đuổi theo nhưng không bắt được. Tư Mã Hân đến gặp Chương Hàm nói:

- Ở trong triều, Triệu Cao hoành hành, tướng quân có công cũng bị giết, không có công cũng bị giết. Hạng Vũ đánh quân Tần rất gấp, cầm tù Vương Ly. Bọn Chương Hàm bèn đem binh đầu hàng chư hầu (Đoạn 6 – Dân chúng nổi dậy, quân Tần thua to).

7. Tháng tám ngày kỷ hợi, Triệu Cao muốn làm phản, nhưng sợ quần thần không nghe, nên trước tiên phải thử. Y dâng Nhị Thế một con hươu, và bảo rằng đó là con ngựa.

Nhị Thế cười nói:

- Thừa tướng lầm đấy chứ! Sao lại gọi con hươu là con ngựa? Nhị Thế hỏi các quan xung quanh. Những người xung quanh im lặng, có người nói là “ngựa” để vừa lòng Triệu Cao, cũng có người nói “hươu”.

Nhân đấy Triệu Cao để ý những người nào nói là “hươu” để dùng pháp luật trị tội. Sau đó quần thần đều sợ Cao.

Trước đấy Cao thường nói: “Bọn ăn trộm ở Quan Đông không làm được gì. ” Nhưng đến khi Hạng Vũ đã cầm tù được tướng Tần là Vương Ly ở chân thành Cự Lộc và đem quân tiến đánh, bọn Chương Hàm bị thua trận rút lui, dâng thư xin tiếp viện, các nước Yên, Triệu, Tề, Sở, Hàn, Nguỵ đều lập vua, từ Quan Trung về phía đông, phần lớn nhân dân đều chống lại quan lại nhà Tần, hưởng ứng theo chư hầu, chư hầu đều đem tất cả nhân dân đi về hướng tây. Bái Công cầm mấy vạn quân đã làm cỏ thành Vũ Quan, cho người bàn riêng với Triệu Cao. Triệu Cao sợ Nhị Thế giận giết cả mình bèn cáo bệnh không đi chầu. Nhị Thế nằm mộng thấy con hổ trắng cắn chết con ngựa bên trái trong cỗ xe của nhà vua trong lòng không vui. Nhị Thế lấy làm lạ, hỏi người bói mộng.

Người bói mộng nói:

- Nguồn gốc của tai hoạ là do sông Kinh.

Nhị Thế bèn ăn chay ở “Vọng Di Cung” muốn cúng sông Kinh, dìm bốn con ngựa trắng xuống sông và sai sứ giả trách Triệu Cao về việc giặc cướp. Triệu Cao sợ bèn bàn mưu quy tội cho chúng ta. Ta muốn thay đổi vua lập công tử Anh. Tử Anh là người nhân đức, cần kiệm, trăm họ đều kính trọng lời nói của ông ta.

Triệu Cao liền sai lang trung lệnh làm nội ứng giả vờ báo cáo có giặc lớn, sai Diễm Nhạc triệu tập các tướng đem quân đuổi giặc. Ép mẹ của Diễm Nhạc đưa vào nhà của Cao (Vì sợ Diễm Nhạc phản mình, nên phải nắm lấy mẹ y làm con tin ), sai Diễm Nhạc cầm hơn một nghìn người đến cửa “Vọng Di Cung”. Nhạc trói người vệ binh giữ cung và các bộc xa (chức quan võ nhỏ) mà nói:

- Quân giặc đã vào thành tại sao không ngăn cản chúng lại.

Viên quan giữ thành nói:

- Ở những nhà xung quanh thành, tôi đã bố trí binh sĩ rất cẩn thận làm sao lại có giặc dám vào cung được?

Diễm Nhạc bèn chém quan giữ thành, đem quân đi vào, vừa đi vừa bắn. Các quan lang và bọn hoạn quan hoảng hốt, có người bỏ chạy, có người kháng cự. Ai kháng cự thì chết, chết tất cả mấy mươi người. Lang trung lệnh và Diễm Nhạc đều bước vào, bắn vào cái màn Nhị Thế ngồi.

Nhị Thế nổi giận gọi những người hầu đến. Mọi người đều hoảng sợ không dám chống cự, chỉ có một viên hoạn quan hầu ở bên cạnh không dám bỏ đi. Nhị Thế bước vào cuối trướng nói:

- Tại sao nhà ngươi không báo với ta từ trước để đến nỗi gặp tình cảnh này?

Viên hoạn quan nói:

- Thần sở dĩ được sống là nhờ không dám nói. Nếu nói trước thì thần đã bị giết rồi, làm sao còn sống đến ngày nay được?

Diễm Nhạc tiến đến trước mặt Nhị Thế mắng:

- Túc hạ kiêu ngạo ngang ngược, giết người, vô đạo, thiên hạ đều phản lại túc hạ. Túc hạ liệu xem mình nên như thế nào?

Nhị Thế nói:

- Ta có được gặp mặt thừa tướng hay không?

- Không được!

- Ta muốn làm vua một quận.

Diễm Nhạc không cho, Nhị Thế đành nói:

- Muốn làm vạn hộ hầu.

Cũng không cho, Nhị Thế nói:

- Xin làm bọn “đầu đen” với vợ con cũng như các công tử khác.

Diễm Nhạc nói:

- Tôi vâng lệnh thừa tướng vì thiên hạ, giết túc hạ. Tuy túc hạ có nhiều lời, tôi cũng không dám báo lại.

Diễm Nhạc vẫy cờ cho binh sĩ tiến đến. Nhị Thế tự sát. Diễm Nhạc quay về báo với Triệu Cao. Triệu Cao bèn triệu tập tất cả công tử và các đại thần báo việc giết Nhị Thế, nói:

- Nguyên nước Tần là một vương quốc, Thuỷ Hoàng làm vua cả thiên hạ, nên xưng đế. Nay sáu nước lại tự lập, đất đai của Tần càng nhỏ đi, làm đế là chỉ có cái tên hão mà thôi, như thế không nên, nên làm vương như trước.

Bèn lập con người anh của Nhị Thế là công tử Anh, làm Tần Vương, sai chôn Nhị Thế theo lễ một thường dân ở phía nam đất Đỗ, trong vườn Nghi Xuân, bảo Tử Anh, trước khi ra miếu để nhận ấn làm vua, phải ăn chay năm ngày (Đoạn 7 - Nhị Thế bị Triệu Cao giết).

8. Tử Anh bàn với hai người con:

- Thừa tướng Triệu Cao giết Nhị Thế ở “Vọng Di Cung”, sợ bị quần thần giết nên giả vờ lập ta. Ta nghe nói Triệu Cao đã giao ước với Sở tiêu diệt dòng họ nhà Tần, và làm vương ở quan Trung. Nay ông ta bảo ta ăn chay, ra miếu, tức là muốn nhân đấy giết ta ở trong miếu. Ta cáo bệnh không đi, thừa tướng thế nào cũng thân hành đến, khi đến thì ta sẽ giết.

Triệu Cao sai người mời Tử Anh mấy lần. Tử Anh không đi. Quả nhiên, Triệu Cao thân hành đến hỏi:

- Việc tôn miếu là việc quan trọng. Tại sao nhà vua lại không đi?

Tử Anh bèn cầm giáo đâm chết Triệu Cao ở trai cung, giết ba họ (Cha mẹ, anh em, vợ con. Có sách nói cha, mẹ, vợ) Triệu Cao để nêu gương cho dân Hàm Dương.

Tử Anh làm vua Tần được bốn mươi sáu ngày thì tướng Sở là Bái Công, đã phá quân Tần vào Quan Trung, sau đó đến Bái Thượng, sai người bảo Tử Anh đầu hàng. Tử Anh bèn buộc dây ấn vào cổ (tỏ ra sẵn sàng thắt cổ chết ) ngồi trên một chiếc xe gỗ, không sơn do một con ngựa trắng kéo (Dấu hiệu đám ma), mang ấn, phù của thiên tử đầu hàng ở gần Chỉ Đạo. Bái Công bèn vào Hàm Dương niêm phong cung thất, các kho rồi về đóng quân ở Bái Thượng. Được hơn một tháng thì quân chư hầu đến, Hạng Tịch cầm đầu chư hầu giết Tử Anh và các công tử nhà Tần, diệt dòng họ nhà Tần, làm cỏ thành Hàm Dương, đốt cung thất, bắt con trai con gái làm tù, lấy của cải châu báu cùng chia nhau với chư hầu.

Sau khi diệt Tần. Hạng Vũ chia đất Tần cho ba vua gọi là: Ung Vương, Tắc Vương, Địch Vương hiệu là Tam Tần. Hạng Vũ làm Tây Sở Bá Vương, làm chủ việc chia thiên hạ, phong vương cho chư hầu. Thế là nhà Tần bị diệt.

Năm năm sau thiên hạ theo về nhà Hàn (Đoạn 8 - Tử Anh giết Triệu Cao, đầu hàng Lưu Bang và nhà Tần diệt vong. Lược bỏ đoạn cuối là một đoạn trong “Quá Tần luận” của Giả Nghị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét