15. Quẻ Địa Sơn Khiêm
Trên là Khôn (đất), dưới là Cấn (núi).
Đại hữu là thời rất thịnh, không nên để cho quá đầy, mà nên
nhún nhường, nên Khiêm.
Thoán Từ
謙:亨,君子有終。
Khiêm: Hanh, quân tử hữu chung.
Dịch: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối.
Giảng: Trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường, khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông.
Quẻ này chỉ có mỗi một hào dương, dùng nó làm chủ quẻ.
Thoán truyện bàn thêm: Khiêm là đạo của trời, đất và người.
Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ;
đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho
khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích
khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự
kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ
khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình
được.
Đại Tượng
truyện. Khuyên người quân tử nên bớt chốn
nhiều, bù chốn ít, để cho sự vật được cân xứng, quân bình (Biều đa ích quả,
xứng vật bình thí).
Hào Từ
初六:謙謙君子,用涉大川,吉
Sơ lục: Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát.
Dịch: Hào 1,
âm: Nhún nhường, nhún nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn thì
tốt.
Giảng: Hào này
âm nhu mà lại ở dưới cùng, thật là khiêm hạ, dầu gặp hoàn cảnh hiểm nguy nào
cũng vượt được.
Tiểu Tượng
truyện khuyên người quân tử trau giồi tư
cách mình bằng đức khiêm hạ, (Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục).
六二:鳴謙,貞吉。
Lục nhị: Minh khiêm, trinh cát.
Dịch: Hào 2,
âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức khiêm, nếu chính đáng thì tốt.
Giảng: Hào này
nhu thuận, đắc trung, đắc chính, rất tốt, cho nên bảo là tiếng tăm lừng lẫy về
đức khiêm. Nhưng ngại tiếng tăm lừng lẫy thì dễ ham danh, mà hóa ra quá khiêm
(đến mức giả nhún nhường hoặc nịnh bợ), nên Hào Từ khuyên phải giữ đức trung,
chính (trinh) của hào 2 thì mới tốt.
九三:勞謙,君子有終,吉。
Cửu tam: Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát.
Dịch: Hào 3,
dương: Khó nhọc (có công lao) mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn,
tốt.
Giảng: Hào này
có đức dương cương, làm chủ cả quẻ, năm hào âm đều trông cậy vào, như người có
địa vị (ở trên cùng nội quái), có tài năng (hào dương) mà khiêm tốn (vì ở trong
quẻ Khiêm), không khoe công, nên càng được mọi người phục, mà giữ được địa vị,
đức độ tới cùng.
Theo Hệ Từ Thượng
truyện chương VIII, Khổng Tử đọc hào này, giảng thêm: “Khó nhọc mà không
khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày”.
六四:無不利,撝謙。
Lục tứ: Vô bất lợi, huy khiêm.
Dịch: Hào 4,
âm: Phát huy sự nhún nhường thì không gì là không lợi.
Giảng: Hào này
nhu thuận mà đắc chính, tốt đấy, nhưng vì ở trên hào 3 là người có công lao, mà
lại ở gần hào 5, là vua, nên càng phải phát huy thêm đức khiêm, mới tránh được
mọi khó khăn mà không gì là không lợi.
六五:不富以其鄰,利用侵伐,無不利。
Lục ngũ: Bất phú dĩ kì lân, lợi dụng xâm phạt, vô bất lợi.
Dịch: Hào 5,
âm: Chẳng cần giàu (có thế lực) mà thâu phục được láng giềng (được nhiều người
theo); nhưng phải có chút uy, chinh phạt kẻ nào chưa phục mình thì mới không gì
là không lợi.
Giảng: Hào này
âm nhu, đắc trung, ở địa vị chí tôn, nên tự nhiên thâu phục được nhiều người,
nhưng nếu nhu quá, thiếu uy thì không phải là tư cách một ông vua, nên Hào Từ
khuyên nên dùng uy võ đối với kẻ nào chưa phục mình. Hào này có thể dùng uy
được vì ở vị dương (lẻ).
上六:鳴謙,利用行師,征邑國。
Thượng lục: Minh khiêm, lợi dụng hành sư, chinh ấp quốc.
Dịch: Hào trên
cùng, âm: Tiếng tăm lừng lẫy về đức khiêm, được nhiều người theo có thể lợi
dụng điều đó mà ra quân, nhưng cũng chỉ trị được những kẻ trong ấp của mình
không phục mình thôi.
Giảng: Hào này thể nhu, vị nhu, ở vào thời cuối cùng quẻ Khiêm, cho nên khiêm nhu cùng cực, tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người theo đấy; nhân đó mà có thể ra quân chinh phạt những kẻ không theo mình, nhưng vì tài kém, nên chỉ trị được những kẻ trong ấp mình thôi, chưa thỏa chí được.
Quẻ này hào nào cũng tốt không nhiều thì ít, không kém quẻ
Đại hữu bao nhiêu.
Đa số các triết gia Trung Hoa rất đề cao đức Khiêm, nhất là
Khổng Tử và Lão Tử, vì họ cho rằng luật trời hễ đầy quá thì vơi, trong khi đầy
phải nghĩ tới lúc sẽ vơi, phải khiêm hạ, đừng tự phụ.
Không thể dẫn hết những châm ngôn của Trung Hoa về đức khiêm
được; trong quẻ này chúng ta đã thấy được mấy câu như Thiên đạo khuy doanh nhi
ích khiêm, nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm; Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục.
Trong Đạo Đức Kinh, cũng rất nhiều
câu, như: Hậu kì thân nhi thân tiên; Quí dĩ tiện vi bản, cao dĩ hạ vi cơ; Dục
tiên dân tất dĩ thân hậu chi; Bất cảm vi thiên hạ tiên…
Nhưng khiêm nhu của Lão Tử có vẻ triệt để, tuyệt nhiên không
tranh hơn với ai, mà khiêm nhu trong Dịch thì không thái quá, vẫn trọng đức
trung (hào 2).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét