Tư Mã Nhương Thư |
22. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN
1. Tư Mã Nhương Thư (Nhương Thư họ Điền nhưng vì làm đại tư mã nên gọi là Tư Mã), là con cháu Điền Hoàn. Trong thời Tề Cảnh Công, nước Tần đánh các đất A, Chân; nước Yên xâm phạm đất Hà Thượng. Quân Tề bị đánh bại. Cảnh Công lo lắng. Án Anh bèn tiến cử Điền Nhương Thư, nói:
- Nhương Thư tuy là đứa con vợ mọn (con của người tì thiếp. Ở dưới lại nói Nhương Thư là kẻ thấp hèn), của họ Điền nhưng người này về mặt văn thì có thể làm cho dân chúng theo mình; về mặt võ có thể làm cho quân địch sợ uy. Xin nhà vua thử dùng xem.
Cảnh Công cho mời Nhương Thư cùng bàn việc binh. Cảnh Công rất thích Nhương Thư, cho làm tướng quân, cầm binh chống lại quân Yên và quân Tấn. Nhương Thư nói:
- Thần vốn là kẻ thấp hèn được nhà vua cất nhắc từ nơi làng xóm lên giữ địa vị ở trên các đại phu. Sĩ tốt chưa theo, trăm họ không tin; người không có tiếng tăm, uy quyền ít. Xin nhà vua cho một người tôi yêu của nhà vua, được cả nước quý trọng để làm giám quan (chức quan coi kỷ luật trong quân đội), như thế mới được.
Cảnh Công bèn nghe lời cho Trang Giả đến. Sau khi từ giã nhà vua, Nhương Thư hẹn với Trang Giả:
- Sáng ngày mai vào lúc mặt trời đứng bóng thì họp ở cửa quân doanh.
2. Nhương Thư ruổi ngựa đến quân doanh trước, sai đặt một cái đồng hồ nước, và dựng dưới một cái cột gỗ để làm nêu nhìn bóng mặt trời, đợi Giả. Giả vốn là người kiêu ngạo xuất thân nơi quyền quý, cho rằng mình cầm đầu quân lại làm giám quân cho nên không vội vã. Thân thích bạn bè tiễn đưa ông ta, giữ ông ta ở lại uống rượu. Mặt trời đã đứng bóng mà Gỉa vẫn chưa đến. Nhương Thư bèn vật ngã cây gỗ làm nêu, đổ nước trong đồng hồ ra, đoạn vào duyệt hàng ngũ điều khiển quân đội, nêu cao kỷ luật. Sau khi ban bố kỷ luật xong, đến chiều Trang Gỉa mới đến. Nhương Thư hỏi:
- Tại sao đến muộn?
Gỉa xin lỗi đáp:
- Thân thích bà con tiễn đưa tôi, cho nên đến chậm.
Nhương Thư nói:
- Làm tướng, một khi đã nhận mệnh lệnh là quên nhà, khi coi kỷ luật của quân ngũ thì quên cha mẹ, khi tiếng trống đánh gấp thì quên thân mình. Nay quân địch xâm nhập sâu, trong nước nhốn nháo, sĩ tốt phơi bày ở nơi biên giới, nhà vua nằm không ấm chiếu, ăn không biết ngon, tính mệnh trăm họ đều trông ở ông, tại sao lại nói chuyện tiễn đưa nhau?
Bèn gọi người coi việc pháp luật trong quân ngũ, hỏi:
- Theo phép quân, hẹn mà đến muộn thì thế nào?
Người kia nói:
- Bị tội chém.
Trang Giả hoảng sợ, sai người ruổi ngựa báo với Cảnh Công, xin nhà vua cứu cho. Người kia ra đi, chưa về kịp thì Trang Gỉa đã bị chém để nêu gương cho ba quân. Tướng sĩ trong ba quân đều run sợ.
3. Mãi về sau, Cảnh Công sai sứ giả cầm cờ tiết đến tha cho Giả. Sứ giả phi ngựa vào trong quân doanh. Nhương Thư nói:
- Viên tướng đã ở trong quân ngũ thì có khi không theo lệnh nhà vua.
Và hỏi người coi việc pháp luật trong quân ngũ:
- Ở trong quân doanh không được phi ngựa! Nay sứ giả phi ngựa thì thế nào?
- Đáng chém!
Sứ giả hoảng sợ. Nhương Thư nói:
- Sứ giả của nhà vua không thể giết.
Bèn chém cái cây gỗ ở bên trái thành xe và con ngựa đi bên trái trong số ba con ngựa để nêu gương cho ba quân. Nhương Thư bảo sứ giả trở về báo, sau đó mói cho quân ra đi.
Quân sĩ dừng lại nghỉ, lấy nước, nấu cơm, ăn uống. Nhương Thư thân hành thăm hỏi sức khoẻ, cho thuốc, vỗ về thăm hỏi họ, đem tất cả tiền lương của vị tướng quân chia cho sĩ tốt, cùng sĩ tốt nhận phần lương thực như nhau, hết sức giúp đỡ người yếu đuối mệt mỏi.
Sau ba ngày cầm quân ra trận, binh sĩ người nào ốm cũng xin đi, tranh nhau xông ra giao chiến. Quân Tấn nghe vậy bãi binh về. Quân Yên nghe vậy vượt sông bỏ chạy và giải vây. Nhương Thư đuổi đánh lấy lại được tất cả đất đai ở biên giới cũ đã bị mất. Nhương Thư đem quân về. Trước khi về kinh đô, Nhương Thư cho binh sĩ về, bỏ những điều ràng buộc (ý nói bãi bõ những điều lệ, kỷ luật quân sĩ phải theo khi có chiến tranh), ăn thề rồi mới vào thành. Cảnh Công cùng các quan đại phu ra ngoài thành đón tiếp, uỷ lạo quân sĩ, làm lễ xong mới trở về nghỉ.
Tề Cảnh Công bèn tôn Nhương Thư làm đại tư mã.
Họ Điền ngày càng được tôn quý ở nước Tề. Được ít lâu các đại phu Bào Thị, bọn Cao và Quốc định hại Nhương Thư, nói xấu Nhương Thư với Cảnh Công. Cảnh Công bỏ Nhương Thư. Thư phát bệnh mà chết. Bọn Điền Khuất, Điền Báo oán bọn Cao và Quốc. Về sau Điền Thường giết Giản Công, giết tất cả họ của Cao và Quốc. Chắt của Điền Thường là Điền Hoà bèn tự lập làm Tề Uy Vương, Uy Vương dùng binh và ra uy đều theo phép tắc của Nhương Thư. Các chư hầu triều cống nước Tề.
Tề Uy Vương sai các quan đại phu khảo sát binh pháp của Tư Mã ngày xưa trong đó có thêm Nhương Thư, do đó gọi quyển sách ấy là Tư Mã Nhượng Thư binh pháp.
Thái Sử Công nói:
- Tôi đọc Tư Mã binh pháp thấy bao la, sâu sắc, tuy việc chinh phạt trong thòi Tam Đại cũng chưa nói hết cái nghĩa của nó. Cái văn ấy khó lòng thêm được gì. Nhưng nếu Nhương Thư cầm đầu đạo quân của một nước nhỏ bé thì còn ai công hơi đâu nói đến sách Tư Mã binh pháp nữa! Trong đời nhiều người khen sách binh pháp của Tư Mã Nhương Thư, cho nên tôi không nói đến sách ấy mà viết liệt truyện về Nhương Thư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét