Thứ Tư, 23 tháng 8, 2023

20. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN - Truyện Trang Tử



20. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN
(Tư Mã Thiên)
Truyện Trang Tử

Trang Tử, người huyện Mông tên là Chu. Chu có lần làm lại ở thành Tất Viên thuộc huyện Mông, đồng thời với Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương (tức là đồng thời với Mạnh Tử, nhưng có điều rất lạ, là hai người này trong tác phẩm không hề nhắc đến nhau một lời).

Học thuyết của ông không có việc gì là không xét đến, nhưng gốc là theo thuyết của Lão Tử. Ông làm sách có hơn mười vạn chữ, đại để đều theo lối ngụ ngôn. Ông làm những thiên «Ngư Phủ», «Đạo Chích», «Khư Kíp», để chê cười Khổng Tử và làm sáng tỏ học thuyết của Lão Tử. Những thiên «Ổi Hỹ Hư», «Canh Tang Tử» đều là lời bịa đặt, chẳng có việc thực, nhưng ông khéo ghép các đoạn sách, tách ra từng lời để nêu sự việc, xét rành mạch sự tình, nhằm công kích đạo Nho, đạo Mặc, dầu có những bậc túc học cũng không tài nào biện bạch được. Lời của ông mong lung, phóng túng, để thoả ý mình, cho nên từ bậc vương công, đại nhân trở xuống đều không ai biết quý trọng tài năng của ông. Uy Vương nước Sở nghe Trang Chu là người hiền, sai sứ mang hậu lễ đón ông để cho ông làm tể tướng, Trang Chu cười bảo sứ giả nước Sở:

- Nghìn vàng là lợi to, khanh tướng là ngôi quý đấy. Nhưng ông không thấy con bò lúc tế giao hay sao? Nó được ăn mấy năm, được mặc đồ vóc thêu để đưa vào nhà thái miếu. Lúc bấy giờ, muốn làm con lợn nhỏ có được không? Ông đi ngay cho, đừng làm bẩn đến ta. Ta chỉ chơi đùa trong nơi ngòi vũng để tự vui, không để cho kẻ có nước trói buộc, trọn đời không ra làm quan để thoả chí ta.


--------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét