Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

2. KINH DỊCH – Vài lời thưa trước

 

Vài lời thưa trước

Cách đây vài năm, tôi thấy một anh bạn vừa đi làm về thì vội vàng như sắp đi đâu vậy. Tôi hỏi thì anh đáp ngắn gọn: “Đến nhà một ông thầy. Mình đang theo học Kinh Dịch.”

Sau đó tôi có hỏi anh ấy về “Kinh Dịch”. Anh nói là “Phức tạp lắm, e là học cả đời cũng chưa hiểu hết. Mà học nó thì phải có thầy giảng.”

Kinh Dịch khó hiểu như vậy sao? Vậy nó nói về bói toán hay nó là hệ thống triết học?


Trong lúc dò tìm thông tin về Kinh Dịch qua Internet, tôi tìm thấy quyển này, “Kinh dịch – Đạo của người quân tử”, ở trang vnThuQuan và cũng thấy eBook do Santseiya thực hiện. Nhưng xem lướt qua thì thấy bản này còn nhiều thiếu sót, nhất là thiếu Hán tự.

Vẫn mong muốn có một bản eBook tương đối rõ ràng, hoàn chỉnh để tìm hiểu. Nhưng làm sao để sửa các lỗi và những chỗ thiếu?

Sau đó tôi thấy anh Goldfish đăng mấy bài liên quan đến cuốn Kinh Dịch – Đạo của người quân tử (như bổ sung: một đoạn về phép nhị tiến của Leibniz, nguyên văn chữ Hán trong Hệ Từ truyện, bảng Tóm tắt ý nghĩa các quẻ, cách tìm một quẻ khi chỉ biết hình quẻ…), tôi liền gửi file.DOC – chuyển đổi từ file.PRC của Santseiya – để nhờ anh Goldfish hiệu chỉnh và bổ sung[1].

Trong eBook mới này, về mặt kỹ thuật, tôi cố gắng trình bày sao cho việc đọc tác phẩm này được dễ dàng hơn như đặt nhan đề các tiết mục lên đầu mỗi trang, tăng cường khả năng tìm kiếm các tiết mục (liên kết “Tìm” ở đầu mỗi trang, danh mục trong menu Contents), chép thêm một số hình quẻ…

Dù đã cố gắng, nhưng chúng tôi e là vẫn còn nhiều sai sót, rất mong các bạn góp ý.


Chân thành cảm ơn bạn Santseiya.

Trân trọng giới thiệu eBook này với các bạn.

16/02/2011
QuocSan.

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Kinh Dịch ra đời đã bao nghìn năm qua, nhiều nhà nghiên cứu Đông phương và Tây phương nói chung và các nhà nghiên cứu Trung Hoa nói riêng đều khẳng định đây là một công trình hiếm thấy trên thế giới.

Ở ta trước Cách Mạng Tháng Tám, Kinh Dịch đã được nhà nước đưa vào khoa trường, nó đã trở thành sách gối đầu giường của các nhà Nho.

Lần này nhà xuất bản Văn Học trân trọng giới thiệu với độc giả bản Kinh Dịch do Nguyễn Hiến Lê nghiên cứu và chú dịch.

Trong tất cả những bản Kinh Dịch chúng tôi có trong tay, từ bản Kinh Dịch khá phổ biến của Ngô Tất Tố đến bản của Phan Bội Châu, của Nguyễn Mạnh Bảo, Nguyễn Duy Trinh… chúng tôi chọn bản Kinh Dịch của Nguyễn Hiến Lê.

Nguyễn Hiến Lê không chỉ tìm hiểu, đối chiếu, so sánh với các bản dịch, các công trình nghiên cứu của các nhà triết học phương Đông về Kinh Dịch mà ông còn tham bác khá sâu về những công trình của các nhà nghiên cứu phương Tây về bộ sách kì lạ này. Từ đó tác giả tìm ra những điểm tương đồng giữa các học giả Đông và Tây về Kinh Dịch và qua đó giúp độc giả thấy được giá trị đích thực của Kinh Dịch ở nhiều chiều khác nhau khi áp dụng vào thực tế đời sống.

Bản dịch nhẹ, thoáng mà chính xác, phong phú, sáng sủa, thuần khiết; phần biên khảo, chú thích rõ ràng, khoa học. Về mặt nào đó, Nguyễn Hiến Lê lí giải khá thành công Kinh Dịch không thuần tuý là sách bói toán.

Nó là một công trình khoa học đầy những ẩn số. Nhiều nhà bác học đang lần tìm ra những ẩn số ấy.

Là một học giả đứng đắn, nghiêm túc và tài năng, Nguyễn Hiến Lê đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm dịch thuật và nghiên cứu. Mỗi tác phẩm của ông là một công trình khoa học thể hiện sự lao động cần mẫn, một trái tim say mê nồng nàn cuộc sống, một tâm hồn nhạy cảm, một trí tuệ uyên thâm tuyệt vời. Tất cả những điều đó cho ông một chỗ đứng đầy trân trọng trong người đọc trong và ngoài nước.

Được sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu, giảng dạy Nguyễn Q. Thắng và cụ Nguyễn Xuân Tảo nguyên biên tập viên Hán Nôm của nhà xuất bản Văn Học, chúng tôi trân trọng giới thiệu bản Kinh Dịch của Nguyễn Hiến Lê với độc giả.

Vì dịch giả đã mất, việc sửa chữa theo ý của nhà xuất bản thật khó khăn. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, với một người như Nguyễn Hiến Lê, dù luôn luôn tách mình ra khỏi thời cuộc, đứng ở một tầm cao khác mà nhận định, bình phẩm khách quan, nhưng chúng tôi tin rằng bất cứ công trình khoa học, dịch thuật, nghiên cứu nào cũng không thể tránh khỏi chủ quan, và khiếm khuyết. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc để lần in sau được tốt hơn.

Nhà xuất bản Văn Học.

Tiểu sử học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)

Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đình, sinh ngày 8-1-1912, quê làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Hà Sơn Bình).

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thuở nhỏ học tại trường Yên Phụ, Trường Bưởi, Trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội. Năm 1934 tốt nghiệp, làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên có điều kiện hiểu biết về đất nước và con người ở các địa phương thuộc khu vực này. Sau cách mạng Tháng Tám, ông bỏ đời sống công chức, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 thôi dạy, lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và sống bằng ngòi bút.

Những năm trước 1975 tại Sài Gòn, Nguyễn Hiến Lê là một trong vài người cầm bút được giới trí thức quí mến về tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong học thuật. Trong đời cầm bút của mình trước khi mất, ông đã xuất bản được đúng 100 bộ sách, về nhiều lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Tiểu luận phê bình, Giáo dục, Gương danh nhân, Du kí, dịch tiểu thuyết… Do thành quả lao động nghiêm cẩn của mình, ông được nhiều người trân trọng. Những năm 60, 70 chính quyền Sài Gòn đã tặng ông “Giải thưởng văn chương toàn quốc”, “Giải tuyên dương sự nghiệp văn học”, với một ngân phiếu lớn (tương đương mấy chục lượng vàng). Ông đã công khai từ chối với lí do “dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh” và bản thân tác giả không hề dự giải.

Tác phẩm của ông là những đóng góp lớn cho văn hóa Việt Nam. Năm 1980 ông về ẩn cư ở Long Xuyên, rồi bệnh mất ngày 22-12-1984 tại Sài Gòn, hỏa thiêu ở Thủ Đức, hưởng thọ 72 tuổi.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông:

Lịch sử thế giới, Đông Kinh nghĩa thục, Bán đảo Ả Rập, Văn minh Ả rập, Sử Trung Quốc, Lịch sử văn minh Trung Quốc, Nguồn gốc văn minh… Đại cương văn học sử Trung Quốc, Văn học hiện đại Trung Quốc, Cổ văn Trung Quốc, Hương sắc trong vườn văn, Luyện văn, Sử ký Tư Mã Thiên, Chiến Quốc sách, Tô Đông Pha, Đại cương Triết học Trung Quốc, Mạnh Tử, Liệt Tử và Dương Tử, Nhà giáo họ Khổng, Để hiểu văn phạm, Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam, Gương danh nhân, Gương hy sinh, Gương kiên nhẫn, Ý chí sắt đá, Gương phụ nữ, Những cuộc đời ngoại hạng, Tìm hiểu con chúng ta, Thế hệ ngày mai…

Kể từ năm 1975 đến năm mất (1984) ông viết thêm được trên 20 tác phẩm dài hơi (phần lớn về Trung Quốc học) như:

Mặc học, Hàn Phi Tử, Trang Tử, Kinh Dịch – Đạo của người quân tử, Hồi Ký… Tuân Tử, Gogol, Chekhov, và một tác phẩm lớn về Sử Trung Quốc.

(Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – NXB KHXH)

Lời nói đầu

Tôi viết tập này chủ ý để hướng dẫn các bạn muốn tìm hiểu triết lí trong Kinh Dịch, tức vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách xử thế trong Kinh Dịch mà tôi gọi là Đạo Dịch, đạo của bậc chính nhân quân tử thời xưa.

Vì vậy tôi bỏ bớt phần bói toán, huyền bí và rán trình bày một cách có hệ thống, sáng sủa tư tưởng của cổ nhân.

Mặc dầu vậy, sách vẫn khó đọc, và để cho các bạn đỡ tốn công, tôi xin có ít lời hướng dẫn dưới đây.

Việc đầu tiên là đọc Bảng Mục Lục để biết qua ba nội dung của sách.

Sách gồm 2 phần:

  • Phần I: Giới thiệu, có 6 chương, từ I đến VI.
  • Phần II: Kinh và truyện: Kinh thì tôi dịch tròn 64 quẻ, Truyện thì chỉ dịch Hệ Từ truyện.

Phần I – Chương I và II quan trọng, bạn nên đọc kĩ.

  • Chương III đọc để nhớ và hiểu được ý nghĩa Kinh Dịch.
  • Chương IV rất quan trọng, nên đọc rất kĩ, chỗ nào không hiểu thì đánh dấu ở ngoài lề để sau coi lại.

Đọc xong Chương IV rồi, nên hãy tạm nhảy chương V và VI mà đọc tiếp ngay bản dịch 64 quẻ trong phần II.

Mỗi ngày chỉ đọc 2, 3 quẻ thôi, đọc kĩ cho hiểu. Đọc được độ mươi quẻ thì những quẻ sau sẽ thấy dễ hiểu.

Chương IV giúp bạn hiểu 64 quẻ, mà 64 quẻ cũng giúp bạn hiểu thêm chương IV, vì vậy trong khi đọc 64 quẻ bạn nên thường tra lại chương IV, lúc đó bạn sẽ hiểu những chỗ đã đánh dấu ở ngoài lề mà lần đầu tiên bạn chưa hiểu.

Công việc đó xong rồi, bạn đọc kĩ Chương V và VI Phần I và lúc này bạn hiểu được ý nghĩa trong hai chương quan trọng đó, nhất là Chương VI. Đọc lần đầu dù kĩ tới đâu cũng chưa gọi là hiểu hết, nhất là chưa nhớ được gì nhiều.

Nghĩ một thời gian, bạn nên đọc lại lần thứ nhì, lần này mau hơn lần trước.

Rồi lâu lâu bạn nên coi lại những chỗ bạn cho là quan trọng cần nhớ.

Muốn hiểu thêm Kinh Dịch, bạn nên tìm đọc những sách tôi đã giới thiệu trong cuốn sách này.


Cách tìm một quẻ.

Mỗi quẻ có số thứ tự của nó trong Kinh, thành phần và tên.

Ví dụ: Quẻ  số thứ tự là 62, thành phần là Lôi  ở trên, Sơn  ở dưới, tên là Tiểu Quá.

  • Nếu bạn chỉ biết số thứ tự 62 thì tra ở bảng Mục lục sẽ thấy ở trang 519 có quẻ 62, thành phần là Lôi Sơn, tên là Tiểu Quá, số trang 427. Có cả đại ý của quẻ nữa[2].
  • Nếu bạn chỉ biết tên là Tiểu Quá thì tra bảng “Tên quẻ sắp theo ABC” tr. 508, sẽ thấy Tiểu Quá, số thứ tự 62, số trang là 427.
  • Nếu bạn chỉ biết thành phần thì tra ở “Đồ biểu 64 quẻ” trang 509 và 510, tìm Lôi ở hàng ngang (thượng), Sơn ở hàng dọc (hạ), rồi từ Lôi kéo xuống, từ Sơn kéo qua, sẽ gặp Tiểu Quá, số thứ tự là 62, số trang là 427[3].

       CHÚ THÍCH

       [1]. Trong eBook mới này, anh Goldfish còn chép thêm vào Phụ lục: Cách chồng các vạch của Sái Trầm (trích trong bộ Đại cương Triết học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê), trích một đoạn nói về cuốn Kinh Dịch – Đạo của người quân tử trong Hồi kí Nguyễn Hiến Lê.


 

       [2]. Trong ebook này, tôi chép “đại ý các quẻ” (tức đại ý 64 quẻ trùng) vào bảng “Tóm tắt ý nghĩa các quẻ” do tôi lập ra, trong đó tôi chép thêm đại ý 8 quẻ đơn. Sau mỗi quẻ tôi ghi thêm hình quẻ và số nhị tiến tương ứng (xem cách “nhị tiến hoá” một quẻ trong Phần I, Chương III, Tiết: Phát kiến của Leibniz). Với số nhị tiến, chúng ta có thêm một cách tìm quẻ nữa: nếu ta chỉ biết hình của quẻ (như trong trường hợp bói, ta vẽ được hình một quẻ mà ta không nhớ quẻ đó tên gì) thì ta “nhị tiến hoá” quẻ đó rồi dùng số nhị tiến của nó để tìm tên quẻ (thông qua chức năng Tìm kiếm). Bảng “Tóm tắt ý nghĩa các quẻ” tôi đặt trong phần Phụ lục. Trong phần Phụ lục tôi còn chép thêm “Kinh thế diễn dịch đồ” (trích trong bộ Đại cương triết học Trung Quốc). (Goldfish).


        [3].  Trang ở đây là số trang trong bản in của Nxb Văn học năm 1994. (Goldfish).

 

1 nhận xét: