9. Quẻ Phong Thiên Tiểu Súc
Trên là Tốn (gió), dưới là Càn (trời).
Tự Quái truyện bảo đã nhóm họp, gần gũi với nhau (tỉ) thì phải có chỗ nuôi nhau, cho nên sau quẻ Tỉ tới quẻ Tiểu súc 小畜.
Chữ súc này có nghĩa là nuôi (như mục súc); lại có nghĩa là
chứa, dùng như chữ súc tích (chứa chất), và nghĩa: ngăn lại, kiềm chế.
小畜:亨。密雲不雨,自我西郊。
Tiểu súc: Hanh. Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao.
Dịch: Ngăn căn
nhỏ (hoặc chứa nhỏ vì chứa cũng hàm cái nghĩa ngăn, bao lại, gom lại) hanh
thông.
Mây kịt (chưa
tan) mà không mưa ở cõi tây của ta.
Giảng: Có ba
cách giảng theo tượng của quẻ:
Quẻ Càn (cương kiện) ở dưới quẻ Tốn
(nhu thuận) có nghĩa là âm (Tốn) ngăn cản được dương (Càn), nhỏ ngăn cản được
lớn.
Hoặc: Gió (Tốn) bay
trên trời (Càn) còn xa mặt đất, sức ngăn cản của nó còn nhỏ, cho nên gọi là
Tiểu súc.
Xét các hào thì hào 4 là âm nhu đắc
vị; hào này quan trọng nhất trong quẻ (do luật: chúng dĩ quả vi chủ) ngăn cản
được 5 hào dương, bắt phải nghe theo nó, cho nên gọi là Tiểu súc (nhỏ ngăn được
lớn).
Ngăn được hào 2 và hào 5 đều dương cương thì việc chắc sẽ
hanh thông. Nhưng vì nó nhỏ mà sức ngăn cản nhỏ, nên chưa phát triển hết được,
như đám mây đóng kịt ở phương Tây mà chưa tan, chưa mưa được. Theo Phan Bội
Châu, chữ “ngã” (ta) ở đây trỏ Tốn, mà Tốn là âm, thuộc về phương Tây. Nhưng
theo Hậu thiên bát quái thì Tốn là
Đông Nam.
Chu Hi cho rằng chữ “ngã” đó là Văn Vương tự xưng. Khi viết Thoán Từ này, Văn Vương ở trong ngục Dữu
Lí, mà “cõi tây của ta” tức cõi Kì Châu, ở phương Tây của Văn Vương.
Đại Tượng
truyện khuyên người quân tử ở trong hoàn
cảnh quẻ này (sức còn nhỏ) nên trau dồi, tài văn chương (ý văn đức) chẳng hạn
viết lách, chứ đừng hoạt động chính trị.
Hào Từ
初九:復自道,何其咎?吉。
Sơ cửu: Phục tự đạo, hà kì cữu? Cát.
Dịch: Hào 1,
dương: Trở về đạo lí của mình, có lỗi gì đâu? Tốt.
Giảng: Hào này
là dương cương lại ở trong nội quái Càn, có tài, có chí tiến lên, nhưng vì ở
trong quẻ Tiểu súc, nên bị hào 4, ứng với nó ngăn cản. Nó đành phải quay trở
lại, không tiến nữa, hợp với đạo tùy thời, như vậy không có lỗi gì cả.
九二:牽復,吉。
Cửu nhị: Khiên phục, cát.
Dịch: Hào 2,
dương: Dắt nhau trở lại đạo lí thì tốt.
Giảng: Hào này
với hào 5 là bạn đồng chí hướng: cùng dương cương, cùng đắc trung, cùng muốn
tiến cả, nhưng cùng bị hào 4 âm ngăn cản, nên cùng dắt nhau trở lại cái đạo
trung[60], không để mất
cái đức của mình.
九三:輿說輻,夫妻反目。
Cửu tam: Dư thoát bức, phu thê phản mục.
Dịch: Hào 3,
dương: Xe rớt mất trục; vợ chồng hục hặc với nhau.
Giảng: Hào 3
quá cương (vì thể vị đều là dương) mà bất trung, hăng tiến lên lắm, nhưng bị
hào 4 ở trên ngăn chặn, nên tiến không được, như chiếc xe rớt mất trục. Hào này
ở sát hào 4, dương ở sát âm, mà không phải là ứng của hào 4, như một cặp vợ
chồng hục hặc với nhau. Lỗi ở hào 3 vì không biết tùy thời, không nhớ mình ở
trong thời Tiểu súc mà nhịn vợ.
六四:有孚,血去,惕出,無咎。
Lục tứ: Hữu phu, huyết khứ, dịch xuất, vô cữu.
Dịch: Hào 4,
âm: Nhờ có lòng chí thành, nên thương tích được lành, hết lo sợ, mà không có
lỗi.
Giảng: Hào này
là âm, nhu thuận mà đối với các hào dương thì khó tránh được xung đột, có thể
lưu huyết và lo sợ, nhưng nó đắc chính (âm ở ngôi âm), ở gần hào 5 là thân với
bậc chí tôn, lại ở vào thời Tiểu súc, có hào 1 ứng hợp với nó, hào 2 cùng giúp
nó, nên nó tránh được lưu huyết, lo sợ, không có lỗi.
Tiểu Tượng
truyện giảng: hết lo sợ, nhờ hào trên (hào
5) giúp đỡ nó.
九五:有孚富以其鄰。
Cửu ngũ: Hữu phu, luyên như, phú dĩ kì lân.
Dịch: Hào 5,
dương: Có lòng thành tín, ràng buộc dắt dìu (cả bầy hào dương), nhiều tài đức,
cảm hóa được láng giềng.
Giảng: Hào này
ở ngôi chí tôn, có uy tín, làm lãnh tụ các hào dương khác; nó trung chính, tức
có lòng thành tín, kéo các hào dương kia theo nó, mà giúp đỡ hào âm 4 ở cạnh nó,
ảnh hưởng tới 4, sai khiến được 4, khiến cho 4 làm được nhiệm vụ ở thời Tiểu
súc.
Chữ 攣 có người đọc là luyến và giảng là có lòng quyến luyến.
上九:既雨,既處,尚德載。婦貞厲。月幾望,君子征凶。
Thượng cửu: Kí vũ, kí xử, thượng đức tái. Phụ trinh lệ. Nguyệt cơ vọng, quân tử chinh hung.
Dịch: Hào trên
cùng, dương: Đã mưa rồi, yên rồi, đức nhu tốn của 4 đã đầy (ngăn được đàn ông
rồi), vợ mà cứ một mực (trinh) ngăn hoài chồng thì nguy (lệ) đấy. Trăng sắp đến
đêm rằm (cực thịnh), người quân tử (không thận trọng, phòng bị) vội tiến hành
thì xấu.
Giảng:
Đây đã tới bước cuối cùng của quẻ Tốn mà cũng là bước cuối cùng của quẻ Tiểu
súc. Hào 4 đã thành công đến cực điểm, các hào dương hòa hợp với nó cả rồi, như
đám mây kịt đã trút nước, mọi sự đã yên. Tới đó, hãy nên ngưng đi, cứ một mực
ngăn chặn các hào dương thì sẽ bị họa đấy. Mà các hào dương (quân tử) cũng nên
lo đề phòng trước đi vì sắp tới lúc âm cực thịnh (trăng rằm) rồi đấy. Âm có
nghĩa là tiểu nhân.
Đọc quẻ Tiểu súc này chúng tôi nhớ tới Võ Hậu đời Đường và
Từ Hi Thái Hậu đời Thanh. Họ như hào 4, thông minh, có tài, mới đầu nhu thuận,
nhờ ở gần vua (hào 5), được vua sủng ái, che chở, lại lấy được lòng người dưới
(hào 1, hào 2), gây phe đảng rồi lần lần “thống lĩnh quần dương”, cả triều đình
phải phục tòng họ. Tới khi họ thịnh cực, sắp suy, bọn đại thần có khí tiết, mưu
trí mới họp nhau lật họ. Ngoài đời không đúng hẳn như trong quẻ, nhưng cũng
không khác mấy.
Ở các thời đó, chắc nhiều nhà Nho Trung Hoa đọc lại quẻ này.
Chú thích
17
[60].
Chu Hi cho là hào 2 và hào 1 (chứ không phải là hào 5) cùng dắt nhau trở lại
đạo lí. Hiểu như vậy cũng được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét