1.
SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN
(Tư Mã Thiên)
Lời
Giới Thiệu
Sử ký là cả một thế giới. Nó làm thoả mãn tất cả mọi người. Người
nghiên cứu sử tìm thấy ở đấy một kho tài liệu vô giá, chính xác, với giá trị
tổng hợp rất cao. Nhà nghiên cứu tư tưởng tìm thấy qua Sử ký “một trong những
nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời cổ đại” (1). Người bình thường tìm thấy vô số
những hình tượng điển hình, những câu chuyện hấp dẫn, những con người đầy sức
sống mãnh liệt. Họ thấy quá khứ sống lại và không phải chỉ có thế. Người nghiên
cứu văn học còn tìm thấy ở đấy một tác phẩm văn học, mãi mãi tươi trẻ như sự
sống, họ thấy ở đấy một tâm hồn, một tâm sự đau xót đầy sức mạnh của thơ trữ
tình, “một tập Ly tao không vần” như lời đánh giá của Lỗ Tấn.
------------------------
1. Bách khoa toàn thư xô-viết mục: Sử ký.
------------------------
I. CON NGƯỜI
Tư Mã Thiên, tên tự là Tử Trường, sinh năm 145 trước Công nguyên,
ở Long Môn hay là huyện Hàn Thành, tỉnh Thiểm Tây. Tổ tiên của ông từ đời Chu
đã làm Thái sử. Đến đời cha của ông là Tư Mã Đàm làm thái sử lệnh của nhà Hán.
Đàm là một người học rất rộng, rất thích học thuyết Lão Trang. Chức sử quan
ngoài việc chép sử còn coi thiên văn, làm lịch, bói toán. “Nghề viết văn, viết
sử, xem sao, xem lịch thì cũng gần với bọn thầy bói, thầy cúng. Chúa thượng vẫn
đùa bỡn nuôi như bọn con hát, còn thế tục vẫn coi thường”. Tuy vậy, Tư Mã Đàm
vẫn thấy cái nghề của mình cao quý, vì ông biết nó có tác dụng to lớn đối với
sự thịnh suy, hưng vong của một nước. Trong các sử quan đời trước, cũng có
những người dám hy sinh đời mình để viết sự thật, dù sự thật ấy làm vua chúa
tức giận. Chẳng hạn khi Thôi Trữ giết vua Tề, thì quan thái sử nước Tề viết:
“Thôi Trữ giết vua của mình là Trang Công”. Quan thái sử bị giết, người em lên
thay vẫn viết như vậy, nên bị giết luôn. Ngay lúc đó, người em thứ ba xin lên
thay không thêm bớt một chữ. Thôi Trữ sợ không dám giết. Khổng Tử làm kinh Xuân
Thu cũng là chép lại những sự thực lịch sử cốt để “chế thiên tử, ức chế chư
hầu, phạt tội các đại phu, nêu rõ vương đạo.”
Tư Mã Thiên sống thời thơ ấu ở Long Môn, cày ruộng, chăn cừu, làm
bạn với những người nông dân bình thường, và học các sách sử cổ. Lên mười tuổi,
ông đã học Tả Truyện, Quốc Ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi
tiếng của thời trước.
Tư Mã Đàm hết sức chú ý đến việc giáo dục con. Năm Tư Mã Thiên hai
mươi tuổi, ông bảo con lên đường đi du lịch để xem tận mắt những nơi sau này Tư
Mã Thiên sẽ phải viết sử. Tư Mã Thiên trước tiên đi về nam đến Trường Giang, vượt
sông Hoài, sông Tứ, thăm mộ mẹ Hàn Tín, đoạn lên núi Cối Kê xem nơi vua Hạ Vũ
triệu tập chư hầu, vào hang Vũ Động tìm di tích vua Vũ. Ở Cối Kê ông đã nghe
những chuyện kể về vua Việt, Câu Tiễn. Ông lên Cô Tô tìm di tích Ngũ Tử Tư, đi
thuyền trên Thái Hồ sưu tầm truyền thuyết về Tây Thi, Phạm Lãi. Sau đó, ông đi
ngược lên Trường Sa, đến bến Mịch La khóc Khuất Nguyên, đến sông Tương trèo lên
núi Cửu Nghi nhìn dấu vết mộ vua Thuấn, và khảo sát những tục cũ từ thời Hoàng
Đế. Ông lên miền Bắc vượt sông Vấn, sông Tử đến nước Tề, nước Lỗ, bồi hồi nhìn
lăng miếu của Khổng Tử, say sưa nghe nhân dân kể chuyện Trần Thiệp, đến đất
Tiết thăm hỏi di tích của Mạnh Thường Quân, lên Bành Thành quê hương Lưu Bang,
để tìm hiểu rõ thời niên thiếu của những con người đã dựng nên nhà Hán. Ông
sang nước Sở thăm đất phong của Xuân Thân Quân, đến nước Nguỵ hỏi chuyện Tín Lăng
Quân rồi trở về Tràng An. Sau chuyến đi ấy kéo dài ba năm, ông còn đi những
chuyến khác cũng để tìm tài liệu. Trong thời xưa, việc đi lại rất khó khăn,
trên đường giặc cướp rất nhiều, những nhà du thuyết có bôn ba từ nước này sang
nước khác thì cũng chỉ ở trong một địa bàn rất hẹp, chứ chưa có ai vì mục đích
khoa học mà lại đi xa như vậy. Có thể nói trừ miền Quảng Đông, Quảng Tây, còn
từ Vân Nam, Tứ Xuyên cho đến Vạn Lý Trường Thành, ở đâu cũng có vết chân của
ông. Ông là một trong những nhà du lịch lớn nhất của Trung Cổ.
Những cuộc du lịch đã cung cấp cho ông vô số tài liệu, truyền
thuyết, giúp ông thấy được thái độ của nhân dân đối với những nhân vật, những
biến cố lịch sử và cho ông rất nhiều chi tiết điển hình về đời sống từng người
trong lúc còn hàn vi.
Chính những cuộc “đi chơi” như vậy đã làm cho Tư Mã Thiên thấy cái
bao la hùng vĩ của đất nước, có được một ý thức sâu sắc về sự vĩ đại của tổ
quốc, về tất cả mọi mặt để thành nhà sử gia vĩ đại của cả một dân tộc. Mã Tồn
một văn sĩ đời sau nói, “Muốn học cái văn của Tư Mã Tử Trường thì trước tiên
phải học cái chơi của Tử Trường. ” Câu nói đó không phải là quá đáng.
Sau lúc đi du lịch về, ông làm lang trung. Lang trung là chức quan
nhỏ có trách nhiệm bảo vệ nhà vua khi đi ra ngoài. Trong thời gian ấy, ông biết
Lý Lăng cùng làm lang trung như ông, và thường gặp Lý Quảng.
Năm 110 trước Công Nguyên, Vũ Đế chuẩn bị làm lễ phong thiên ở
Thái Sơn, Tư Mã Đàm trên đường đi theo nhà vua, mắc bệnh nặng, cầm tay con khóc
mà dặn rằng:
- Tổ ta đời đời làm sử quan. Sau khi ta chết đi, thế nào con cũng
nối nghiệp ta làm thái sử. Khi làm thái sử chớ quên những điều ta muốn bàn,
muốn viết… Hiện nay bốn biển một nhà, vua sáng tôi hiền, ta làm thái sử mà
không chép được rất lấy làm xấu hổ. Con hãy nhớ lấy!
Ông khóc mà vâng lời.
Ba năm mãn tang, ông thay cha làm thái sử lệnh (-108) chuẩn bị
viết bộ Sử ký, thực hiện cái hoài bão lớn nhất của người cha, đồng thời là điều
mong ước duy nhất của mình. Từ - 106, ông không giao tiếp với khách khứa, bỏ cả
việc nhà, ngày đêm miệt mài biên chép. Như thế được bảy năm thì xảy ra cái vạ
Lý Lăng.
Năm 99 trước Công Nguyên, Vũ Đế sai Lý Quảng Lợi cầm ba vạn quân
đánh Hung Nô. Bấy giờ Lý Lăng, cháu của danh tướng Lý Quảng, cầm năm ngàn quân
vào biên giới Hung Nô. Bị tám vạn quân Hung Nô bao vây. Lăng chỉ huy cuộc chiến
đấu suốt mười ngày liền, giết hơn vạn quân địch. Nhưng cuối cùng vì cách xa
biên giới, bị chặn mất đường về, quân sĩ chết hầu hết, mệt mỏi không còn sức
chiến đấu, Lăng phải đầu hàng. Vũ Đế nổi giận muốn giết cả nhà Lăng, quần thần
đều hùa theo ý nhà vua. Thiên biết Lăng từ hồi hai người còn làm lang trung,
tuy không đi lại chơi bời, nhưng mến phục Lăng là người can đảm có phong thái
của người quốc sĩ, nên tâu:
- Lý Lăng mang năm nghìn quân thâm nhập vào nước địch, đánh nhau
với quân địch mạnh, luôn mười ngày liền, giết và làm bị thương vô số. Vua tôi
Thuyền Vu sợ hãi, đem tất cả kỵ binh toàn quốc bao vây. Lăng một mình hăng hái
chiến đấu ở ngoài ngàn dặm, tên hết, đường về bị cắt, cứu binh không đến, người
chết và bị thương chồng như núi, nhưng nghe Lý Lăng hô hào, binh lính đều phấn
chấn vuốt máu, chảy nước mắt giơ nắm tay không, xông vào mũi nhọn cùng Hung Nô
quyết chiến. Thần cho rằng Lý Lăng có thể sánh với những danh tướng ngày xưa.
Nay tuy thất bại, nhưng xem ông ta còn muốn có cơ hội báo đáp nước nhà.
Ông hy vọng lời nói của mình có thể giảm nhẹ tội Lý Lăng, không
ngờ Vũ Đế càng giận, cho ông cố ý đề cao Lăng để chê Lý Quảng Lợi nhút nhát
không lập nên công lao gì, mà Quảng Lợi lại là anh của Lý phu nhân rất được nhà
vua yêu quý. Vũ Đế bèn sai bắt giam Tư Mã Thiên giao cho Đỗ Chu xét xử.
Nhân vật Đỗ Chu đã được Thiên nói đến trong Khốc lại truyện. Có
người trách y, “Ông thay nhà vua coi pháp luật, tại sao không căn cứ vào pháp
luật mà xét, trái lại chỉ lo chìu theo ý nhà vua? ” Đỗ Chu đáp, “Luật lệnh ở
đâu mà ra? Chẳng phải do nhà vua mà ra đó sao?” Gặp phải bọn quan lại như vậy,
cố nhiên ông không có cách nào khỏi tội.
Bấy giờ có phép lấy tiền chuộc tội. Chỉ cần năm mươi vạn đồng tiền
là chuộc được tội chết. Trong bức thư ông viết sau này cho Nhâm An, một người
bạn cũ sắp bị chém, một người cùng chung cảnh ngộ (Xem thư trả lời Nhâm An).
Ông đã kể lại nỗi cay đắng của mình. Nhà ông nghèo, ông mải mê theo đuổi sự
nghiệp của mình quên cả gia sản, nên không sao chuộc được tội. Bạn bè, thân
thích, không ai nói hộ một lời, không ai giúp cho một đồng. Kết quả, con người
ngang tàng, hai mươi ba tuổi đầu đi khắp Trung quốc, nhà học giả lớn nhất của
thời đại, con người ôm cái hoài bão làm Chu Công, Khổng Tử, cuối cùng bị khép
vào tội “coi thường nhà vua”, và bị thiến!
Đã mấy lần uất ức quá, ông nghĩ đến việc tự vẫn. Những ông thấy
rằng nếu chết đi thì chẳng ai khen mình là tử tiết, mà thế tục sẽ bảo đó là vì
xấu hổ mà tự sát. Vả chăng, sự nghiệp chưa tròn, Sử ký còn dở dang, lời dặn của
cha còn đó. Ông gạt nước mắt, nói, “Người ta ai cũng có một lần chết, có cái
chết nặng như Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông hồng”, và cố gắng gượng sống.
Cái ấn tượng nhục nhã, cô độc theo dõi ông cho đến khi chết. Mỗi
khi nghĩ đến cái nhục bị hình phạt, mồ hôi vẫn cứ đầm lưng ướt áo! Nhưng ông
không vì thế mà chán nản. Trái lại, ông càng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Ông thấy rõ hình phạt đó là một thử thách đối với những “người trác việc phi
thường”. Ông càng thấy cần phải viết “cho hả điều căm giận”. Và chính cái hình
phạt nhục nhã ấy đã làm cho ông hiểu rõ cái mặt trái của xã hội phong kiến và
dũng cảm đứng về phía nhân dân. Ông trở thành nhà sử gia vĩ đại của một nhân
dân vĩ đại.
Quyển Sử ký trước kia là ý nghĩa của đời ông, bây giờ còn là nơi
ông giải bày nổi lòng uất ức. Càng cảm thấy nhục nhã, ông càng thấy thiết tha
với công việc, đem cả tâm huyết gửi vào cái tác phẩm vĩ đại, hy vọng rằng dù
mình tàn phế, bị ô nhục, nhưng quyển sách kia sẽ thay mình nói với cuộc đời.
Ở ngục ra, ông được làm trung thư lệnh. Đó là một chức quan to, ở
gần vua, được ra vào cung cấm, xem tất cả các tài liệu mật. Tuy ở chức quan cao
như vậy, nhưng ông chỉ cảm thấy xấu hổ vì đó là chức quan chỉ dành cho những
hoạn quan.
Hiện nay người ta vẫn chưa biết ông mất vào năm nào. Người ta chỉ
biết ông viết bức thư trả lời cho Nhâm An năm ông 53 tuổi (-93), và sau đó
không có những tài liệu gì về ông. Theo Vương Quốc Duy trong Thái sử công hành
niên khảo có lẽ ông mất năm 60 tuổi (-86) cùng một năm với Vũ Đế.
Quyển Sử ký như tác giả nó nói, không phải viết ra để mưu danh
tiếng trước mắt. Sau khi ông chết, cũng không mấy ai biết đến nó. Quyển này
được cất kỹ mãi đến thời cháu ngoại của ông là Dương Vận, thời Tuyên Đế mới
được công bố.
Ngoài Sử ký, ông còn làm một công việc khác cũng rất quan trọng.
Năm –104, ông cùng Công Tôn Khanh Hồ Toại sửa lại lịch cũ, chế định Hán lịch.
Âm lịch còn dùng đến ngày nay là công trình của nhóm này, trong đó ông đóng vai
trò chủ chốt.
II. TÁC PHẨM
Sử ký là một tác phẩm đồ sộ, tất cả 52 vạn chữ, 130 thiên, gồm năm
phần: Bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện.
1. Bản kỷ – chép sự tích của các đế vương, gồm có: Ngũ đế (Hoàng
đế, Chuyên Húc, Cốc, Nghiêu, Thuấn)
2. Hạ, Thương, Chu - mỗi thời đại một bản kỷ
3. Tần hai bản kỷ - một bản kỷ từ khi có nước Tần đến Tần Thuỷ
Hoàng; một bản kỷ về Tần Thuỷ Hoàng.
4. Hạng Vũ
5. Các bản kỷ về nhà Hán: Cao Tổ, Lữ Hậu, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh,
Hiếu Vũ.
Tất cả có 12 bản kỷ, nhưng hiện nay thiếu mất bản kỷ Hiếu Cảnh,
Hiếu Vũ. Vương Túc đời Nguỵ nói, “Vũ Đế nghe nói ông ta viết Sử ký bèn lấy bản
kỷ của Hiếu Cảnh và của mình xem, giận lắm vứt đi, cho nên phần này chỉ có mục
đề thôi, không viết gì”. Về sau Chử Toại Lương lấy những phần này ở quyển Hán
Thư của Ban Cố để điền vào cho đủ. Điều đó không phải không có lý vì Tư Mã
Thiên có thái độ rất nghiêm khắc đối với các vua chúa, cũng không kiêng nể gì
ông vua đang sống mà ông đã công kích mãnh liệt trong phần Phong thiện thư.
Chính vì thế, Vương Doãn đời Hậu Hán gọi Sử ký là một quyển “báng thư” (một
quyển sách phỉ báng). Mục đích của bản kỷ là chép lại sự việc của những người,
những nước có tác dụng chi phối cả thiên hạ. Ngay ở đây, trong cách sắp đặt của
ông cũng có những điều đời sau không dám nghĩ đến. Ông chép riêng lịch sử nước
Tần, trước Tần Thuỷ Hoàng thành một bản kỷ, vì trong thời Chiến quốc, nước Tần
là nước chi phối vận mệnh của tất cả các nước. Ông làm bản kỷ Lữ Hậu, mặc dầu
Lữ Hậu chỉ là thái hậu chứ không trị vì trên danh nghĩa. Trái lại, ông không
làm bản kỷ của Huệ Đế, mặc dù trên danh nghĩa, Huệ Đế vẫn là vua. Đó là vì, tuy
Huệ Đế làm vua nhưng tất cả quyền hành đều nằm trong tay Lữ Hậu. Đặt một người
đàn bà lên địa vị “kỷ cương” một nước, là điều không một sử gia nào đời sau dám
làm. Táo bạo hơn, ông dành cho Hạng Vũ những trang đẹp nhất, mặc dù Hạng Vũ
chưa làm đế, là kẻ thù của nhà Hán. Đó cũng là vì ông tôn trọng sự khách quan.
Hạng Vũ tuy về danh nghĩa không phải là người làm chủ các chư hầu đánh lại nhà
Tần (đó là địa vị của Nghĩa đế), nhưng trong thực tế, người có công lớn nhất
trong việc tiêu diệt nhà Tần, người phong đất cho chư hầu cai trị thiên hạ
trong năm năm, chính là Hạng Vũ. Các bản kỷ cung cấp cho người đọc, cái nhìn
khái quát về từng thời đại để sau đó đi sâu vào từng sự kiện và từng nhân vật.
2. Biểu: Để có cái nhìn đối chiếu các sự kiện hoặc căn cứ vào niên
đại, hoặc căn cứ vào sự tương quan đồng thời giữa các nước, Tư Mã Thiên lập ra
mười biểu gồm có:
1. Thế biểu thời tam đại
2. Niên biểu mười hai nước chư hầu.
3. Niên biểu sáu nước thời Chiến quốc
4. Nguyệt biểu những việc xảy ra thời Hán Sở.
5. Niên biểu các nước chư hầu từ thời Hán.
6. Niên biểu các công thần của Hán Cao Tổ
7. Niên biểu các nước chư hầu thời Huệ Đế và Cảnh Đế.
8. Niên biểu các nước chư hầu từ niên hiệu Kiến Nguyên.
9. Niên biểu các vị vương thời Vũ Đế.
10. Niên biểu các danh thần từ khi nhà Hán lên.
Những bản biểu là những công trình khoa học rất quý, ghi chép,
năm, tháng, biến cố, giúp cho các nhà sử học hiểu được vị trí của từng sự kiện
và sự tương quan của nó về thời gian cũng như về không gian với các sự kiện
khác, đặc biệt ở trong một nước mênh mông lại chia cắt phân tán như Trung quốc
cổ.
3. Thư: Lịch sử một nước chủ yếu là lịch sử của những thiết chế
của nó. Tư Mã Thiên nhận thấy điều đó nên viết tám “thư” dành cho tám mặt. Điều
này cũng biểu hiện rằng ông có một kiến thức bách khoa. Tám thư ấy là:
1. Lễ thư
2. Nhạc thư
3. Luật thư
4. Lịch thư
5. Thiên quan thư
6. Phong thiện thư
7. Hà cừ thư
8. Bình chuẩn thư
Phần này rất quý về mặt nghiên cứu. Tác giả nêu rõ sự biến đổi,
những cống hiến về lễ, nhạc, luật lệ, việc làm lịch, thiên văn, v…v… qua các
thời đại. Điều làm chúng ta hết sức ngạc nhiên là ông có những hiểu biết chính
xác về mọi mặt và ở đâu ông cũng có những nhận xét tổng quát rất thấu đáo.
Thiên “Phong thiện thư”, nói về những mê tín, cúng tế, của vua chúa với một giọng
châm biếm chua chát. Thiên “Hà cừ thư” nói về các con sông đào ở Trung quốc.
Thiên “Bình chuẩn thư” nói về kinh tế. Những thiên này viết chính xác đến nỗi
người đời sau thường dựa vào đó để đính chính những sai sót trong các sách cổ,
nói về những thiết chế xã hội. Chúng làm ta thấy tác giả có một cái nhìn duy
vật vào lịch sử và thấy tầm quan trọng của những sự kiện kinh tế, khoa học, văn
hoá đối với lịch sử một nước. Rất tiếc vì phạm vi quyển tuyển tập hạn chế, chỉ
có thể giới thiệu được thiên “Bình chuẩn thư”, và do đó, không thể nào nêu lên
được một cái nhìn toàn diện của một bộ óc vĩ đại.
4. Thế gia: Phần thế gia bao gồm 30 thiên, chủ yếu nói đến lịch sử
các chư hầu, chẳng hạn các nước Tề, Lỗ, Triệu, Sở, v…v… Những người có địa vị
lớn trong quý tộc như các thái hậu, những người được phong một nước như Chu
Công, Thiệu Công, và những người có công lớn như Trương Lương, Trần Bình, v…v…
Đáng chú ý nhất là tác giả xếp vào thế gia hai người thường dân không hề có một
tấc đất phong. Đó là Khổng Tử, một người có địa vị đặc biệt trong lịch sử tư
tưởng của Trung quốc, và Trần Thiệp, anh chàng cố nông đã cầm đầu cuộc nông dân
khởi nghĩa đầu tiên của lịch sử dân tộc Hán. Cách nhìn như vậy chứng tỏ một tầm
con mắt khác thường.
5. Liệt truyện: Danh từ này do chính tác giả đặt ra. Phần này gồm
70 thiên bao gồm những nhân vật khác nhau và những sự việc rất khác nhau. Đáng
để ý trước hết là phần liệt truyện dành cho những nước ở ngoài địa bàn Trung
quốc mà ông là người đầu tiên đưa vào lịch sử với tính cách những bản khái quát
đứng đắn và khoa học (Nam Việt, Đông Việt, Triều Tiên, Tây Di, Đại Uyển, Hung
Nô). Cố nhiên, một phần liệt truyện sẽ dành cho những người tai mắt trong xã
hội cũ như những danh tướng (Mông Điềm, Lý Quảng, Vệ Thanh), những người làm
quan to (Trương Thích Chi, Công Tôn Hoằng, v…v.. ) Điều đáng chú ý nhất ở đây
là ông đã nhìn thấy vai trò to lớn của những con người bình thường, thường
không có chức tước gì nhưng có ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với cả dân tộc.
Đó là những du hiệp, những thích khách, trọng nghĩa, khinh tài mà ông đã ghi
lại trong những trang sôi nổi (Thích khách Liệt truyện, Du hiệp Liệt truyện).
Đó là những nhà tư tưởng mà tác phẩm của ông đã ghi lại cuộc đời, hành trang và
đánh giá học thuyết (Lão Tử, Trang Tử, Tuân Khanh, v.. v.. ) Đó là những nhà
văn như Khuất Nguyên, Tư Mã Tương Nhu mà ông nêu lên giá trị và nhận xét về
nghệ thuật. Đó là những thầy thuốc, thầy bói, thậm chí những anh hề mà trong
con mắt của ông lời nói có thể xếp vào Lục Kinh. Và cố nhiên một con người yêu
nhân dân và sự thật như Tư Mã Thiên không thể nào quên những tên sâu, mọt, đàn
áp bóc lột dân chúng, những bọn “khốc lại” chỉ lo a dua nhà vua, tàn sát dân
lành, những bọn ngoại thích lộng quyền và vô số những nhân vật ti tiện mà ông
mạt sát bằng những lời phẩn nộ. Thế giới của Tư Mã Thiên bao la như vậy! Quy mô
của tác phẩm làm ta ngợp, bút lực của tác giả làm ta sợ. Đối với những người
yêu văn học Trung quốc, tác phẩm đưa đến một cảm giác rất lạ. Ở đây có cái biến
ảo của Nam Hoa Kinh, có cái rạch ròi của Hàn Phí Tử. Nhưng còn một cái nữa mà
văn học từ Hán trở về trước (trừ Kinh Thi) không thấy có, đó là ý thức bám chắc
vào sự thực, không rời cuộc sống dù chỉ nửa bước. Chúng ta cảm thấy mình đứng
cả hai chân trần trên mảnh đất của sự thực.
Ấn tượng ấy đến với chúng ta không phải ngẫu nhiên. Đó là vì Sử ký
chính là Tư Mã Thiên sống, và con người ấy sống với những tư tưởng lớn.
III. TƯ TƯỞNG
Tư Mã Thiên tự định nghĩa mình là một con người “bất cơ”. “Bất cơ”
tức là không chịu trói buộc mình theo tập tục, vượt ra ngoài lề thói. Chẳng hạn
hai mươi tuổi, cha còn sống, vẫn cứ “viễn du” đi khắp địa bàn Trung quốc, đó là
một hành động bất cơ. Nhà vua đặt chức sử quan chẳng qua chỉ để ghi chép việc
làm của vua, ăn ở đâu, ngồi ở đâu, ngủ ở đâu, nói câu gì, v.. v… từng một ngày.
Và thế là tròn trách nhiệm. Nhung ông lại muốn “nối nghiệp Khổng Tử, soi sáng
cho đời, chỉnh lý được Dịch Truyện, tiếp tục được Kinh xuân Thu nắm được cái
gốc của Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, tóm lại ông muốn làm một Khổng
Tử thứ hai ngay trong thời đại chuyên chế cực độ. Đó cũng là một ý nghĩ “bất
cơ”.
Tư Mã Thiên là con người của một giai đoạn lịch sử rất cụ thể. Lúc
ông lên sáu thì Hán Vũ Đế lên ngôi, và ông chết cùng một năm với Vũ Đế. Thời Vũ
Đế chính là lúc uy tín nhà Hán đạt đến cực điểm, biểu lộ tất cả cái vĩ đại, huy
hoàng làm người ta ngợp mắt. Trong Bình Chuẩn Thư, tác giả đã nói đến cái cảnh
tượng phồn thịnh ban đầu, kho đạn đầy rẫy, tiền tiêu không thể hết, dân ăn gà,
thịt, có ngựa hàng đàn. Uy tín nhà Hán đã đạt đến trình độ xưa nay chưa hề có.
Biên giới phía Nam đến Nam Việt, phía Bắc đến Triều Tiên, buôn bán giao thông
với Trung Á, Ấn độ, La Mã. Thành phố tấp nập, cung điện nguy nga. Năm – 138
trước Công Nguyên, Trương Khiên đi sứ về phía Tây, qua Hung Nô đến tận miền
Trung Á thuộc Liên Xô ngày nay (gọi gộp là Tây Vực). Nước nhà thống nhất, chế
độ tập quyền cực thịnh, tất nhiên đưa đến những sự thay đổi về văn hoá. Vũ Đế
nghe lời Đổng Trọng Thư bãi truất bách gia, độc tôn nho học. Thời đại “trăm nhà
đua tiếng” đến đây chấm dứt. Văn học chuyển thẳng sang việc ca ngợi lâu đài,
ngựa xe, vườn tược nhà vua, mà tiêu biểu nhất là những bài phú của Tư Mã Tương
Như. Bấy giờ trước mắt những con người học rộng tài cao có hai con đường. Con
đường thứ nhất là vứt bỏ cái mộng làm một sự nghiệp to lớn, thừa nhận trong
hoàn cảnh này chỉ còn một cách là làm một anh hề, sống qua ngày đoạn tháng ở
trước cửa Kim mã. Đó là con đường của Đông Phương Sóc, của hầu hết tất cả các
học giả đương thời. Lại có một con đường khác “xét trong khoảng trời đất, thấu
suốt sự biến đổi từ xưa đến nay, làm thành lời nói của một nhà. ” Đó là con
đường làm một Khổng Tử thứ hai, không phải ở trong hoàn cảnh Xuân Thu, Chiến
quốc mà ở trong hoàn cảnh chuyên chế cực thịnh. Tư Mã Thiên đã chọn con đường
ấy, và điều đó cắt nghĩa tại sao con người này sống bơ vơ, lạc lõng, tội nghiệp
như vậy.
Cái gì đã khiến ông làm một việc bất cơ như vậy? Đó là vì ông thấy
mình gắn liền với số phận của dân chúng. Ông thấy cái vẻ thái bình, phồn thịnh
trước mắt chỉ là tạm thời. Bọn vua chúa lợi dụng hoàn cảnh yên ổn càng ra sức
bóc lột, đàn áp nhân dân, gây chiến tranh để mở rộng đất đai, xây cung thất,
dựng lâu đài, tế phong thiên… Cái cảnh phồn vinh tan đi như một giấc mơ. Nhân
dân nhao nhác cùng cực, bọn khốc lại xuất hiện ra sức chém giết, hàng chục vạn
người bị tù đày, trong ngoài điêu đứng tan hoang, làm cho nhà Hán tưởng chừng
sẽ lao theo bánh xe nhà Tần đã mất. Ông không thể làm một anh hề như Đông
Phương Sóc tìm cách sống an thân hay một thứ nhà văn như Tư Mã Tương Như lúc
chết còn khuyên nhà vua làm lễ phong thiện. Chính cái thời Vũ Đế đã làm cho ông
thấy tất cả cái vinh dự được làm con người Trung quốc. Nó đưa đến cho ông cái ý
thức về sự vĩ đại, bao la và thống nhất của tổ quốc mà ông yêu quý. Nhưng càng
yêu quý tổ quốc, ông càng gắn bó với nhân dân. Và do đó, bức tranh ông vẽ đương
thời không phải là một bức tranh khoa trương tráng lệ như một bài phú của
Trương Như, mà nó đầy vẻ bi hùng. Cái mâu thuẫn đau đớn này trong tư tưởng đã
đẻ ra cách quan niệm về sử hết sức độc đáo, xứng đáng gọi là một cống hiến về
tư tưởng. Có thể nói, Tư Mã Thiên là sử gia đầu tiên trên thế giới viết về lịch
sử của một nước. Trước đấy, ở Trung quốc chỉ có những người viết lịch sử một
công quốc hay kể lại một vài biến cố quan trọng như Xuân Thu Thượng Thư. Những
bộ sử như Lịch Sử của Hêrôđôt (481-425). Lịch sử chiến tranh ở Pelpôônne của
Thuxiđit (460-396) trong văn học Hy Lạp hay Chiến Tranh ở Gôlơ của Xêđa trong
văn học La Mã, chẳng qua chỉ kể lại một trận đánh hay một chiến dịch.
Quyển Lịch sử La Mã của Titut Livut (69- 17) sau Sử ký viết toàn
bộ lịch sử một đô thị, nhưng đó chỉ là lịch sử một đô thị. Sử ký thì khác, nó
là lịch sử của toàn bộ dân tộc Trung hoa kéo dài trên ba ngàn năm từ Hoàng Đế
đến Vũ Đế và bao gồm một địa bàn mênh mông. Chính vì có ý thức rất rõ về tính
chất thống nhất và tiếp tục của lịch sử, nên tác giả mới có hai phần khác nhau
là biểu và bản kỷ, lại có phần thế gia nói những điểm chủ yếu trong lịch sử
từng công quốc. Không những thế, ông cũng là người đầu tiên nói về những dân
tộc mà người ta gọi là “mọi rợ” và ở đây tuyệt nhiên không có thái độ khinh
miệt.
Ông cũng là người đầu tiên viết một quyển thông sử bao gồm mọi mặt
của xã hội. Ông chú ý đến tất cả, đọc tất cả, biết tất cả kiến thức của thời
đại. Những thiên Hà Cừ Thư, Bình Chuẩn Thư, viết với nhãn lực của một nhà kinh
tế học. Ông tìm thấy sự liên quan giữa kinh tế với luật pháp và chính trị. Ông
đặc biệt chú trọng đến những thiết chế về văn hoá như lễ, nhạc, văn học. Ông đã
làm cái công việc phi thường là xét tất cả các học thuyết của bách gia, trình
bày và phê phán, làm công việc của một nhà tư tưởng sử. Ông là người đầu tiên
cho ta biết về Khuất Nguyên và sự đánh giá của ông về Khuất Nguyên là quyết
định. Quả thật ông đã làm được cái hoài bão to lớn nhất của một con người. Ông
đã tổng kết văn hoá Trung quốc lần thứ hai sau Khổng Tử và xứng đáng với lời
khen của Quách Mạt Nhược “công lao của Tư Mã Thiên so với Khổng Tử không hơn
không kém”.
Phương pháp viết sử của ông cũng rất đáng chú ý. Tư Mã Thiên nói,
“tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các chuyện trong đời chứ có phải
sáng tác đâu.”. Câu nói này thể hiện đúng cái quan điểm của tác giả và sử. Ngày
nay chúng ta không nắm được tất cả những tài liệu ông đã dùng, nhưng có một
điều chắc chắn là ông không bao giờ thay đổi tài liệu. Những nhân vật thời Ân,
Chu, chính là những nhân vật của Thượng Thư, những nhân vật thời Xuân Thu,
Chiến Quốc là những nhân vật của Xuân Thu, Quốc Ngữ, Tả Truyện, Chiến quốc
sách. Lời nói của họ là lời họ nói trong thực tế, theo những tài liệu tin cậy
nhất. Những bài văn bia của nhà Tần là do chính tay tác giả chép lại. Và ông đã
để lại cho chúng ta cả một kho tàng văn kiện vô giá, nào chế, biểu, nào văn
bia, thư phú, bài hát, lời ca, cả những bài nghị luận rất dài, tất cả chiếm một
phần ba tác phẩm; trong số đó phần lớn còn sống đến ngày nay vì nó gắn liền với
số phận của Sử Ký. Đành rằng, đây đó, có những chi tiết sai lầm vì tài liệu lúc
bấy giờ số lớn là tài liệu truyền miệng. Nhưng nói chung ông hết sức nghiêm
túc. Quan niệm viết sử này khác xa quan niệm những nhà viết sử cổ Hy Lạp, La
Mã. Các nhà viết sử cổ đại, trừ Thuxiđit, thường xem sử là một công trình nghệ
thuật. Những nhân vật của họ đọc những bài diễn văn rất hay, nhưng do họ sáng
tác ra, những nhân vật ấy tồn tại với tính cách những giả thuyết tiêu biểu cho
chính kiến của họ. Chính vì vậy sử học hiện đại không xem đó là những công
trình khoa học, không ai lấy đó làm cơ sở chính cho sự nghiên cứu La Mã, Hy Lạp
cổ. Trái lại, Sử Ký từ trước đến nay vẫn là uy tín lớn nhất của cổ sử Trung
hoa. Bất kỳ ai muốn nghiên cứu bất kỳ phương diện nào của Trung quốc cổ cũng
không thể coi thường nó. Trịnh Tiểu nói, “một trăm đời sau, các sử quan không
thể thay đổi cái phép tắc của ông, kẻ học giả không thể bỏ quyển sách của ông”,
chính là vì vậy.
Tư Mã Thiên là người cha của sử học Trung hoa, nhưng là một người
cha khó bắt chước nhất. Đối với sử học Trung quốc, ông là người duy nhất nói về
đương thời. Các sử gia về sau chỉ viết về một triều đại khi triều đại ấy đã
chấm dứt. Họ sợ hiện tại và lẩn tránh nó. Trái lại Tư Mã Thiên đã dành một nửa
tác phẩm cho giai đoạn từ Hạng Vũ đến Vũ Đế, và việc càng gần, ông chép càng
rõ. Ông để lại những trang vô cùng sinh động về Cấp Ám, con người dám nói thẳng
sự thực, không kiêng nể gì Vũ Đế. Ông kết tội Lữ Hậu, nêu bản tính lưu manh của
Cao Tổ, phơi bày một bức tranh đau thương về xã hội trước mắt. Ông đau xót
trước cái cảnh vua chúa mê tín (Phong thiện thư), phung phí tài sản nhân dân
(Bình Chuẩn Thư), ngoại thích lộng hành (Nguỵ Kỳ Vũ An Hầu liệt truyện), quan
lại tàn ác (Khốc lại liệt truyện), nhà nho cầu an, giả dối (Công Tôn Hoằng
truyện, Thích Tôn Thông truyện). Ông run sợ cho tương lai. Và chính ở đây,
người ta mới hiểu hết cái tâm sự của ông, lòng yêu nước, yêu nhân dân cũng như
sự trung thực của một nhà khoa học.
Nhưng quan trọng hơn hết, ông hiểu tác phẩm của ông là viết cho
ai. Ông nói quyển Sử Ký viết cho “những người của nó”. Người của nó đây không
phải là một vị ân chủ, một mỹ nhân, mà là nhân dân vĩ đại và bất tử. Ông có ý
thức rõ về việc đó, cho nên hai ngàn năm sau đọc Sử Ký, ta thấy nó sinh động,
mãnh liệt vô cùng, đồng thời tràn ngập cái hào khí của chính nghĩa. Nhìn vào
quyển sách của ông, ta thấy hiện lên rõ rệt sự bất bình đẳng trong xã hội, cảnh
nghèo khổ của những nông dân mất hết đất đai, sự giàu có phè phỡn cua bọn phong
kiến, con buôn lớn. Ta thấy bức tranh hiện thực về xã hội mà bọn bồi bút phong
kiến cố hết sức che đậy bằng những danh từ trống rỗng. Cố Viêm Võ nói rất đúng,
“Người xưa làm sử không cần bàn luận, nhận xét, mà cái ý của tác giả thấy ngay
trong việc trình bày thì chỉ có một mình Thái sử công làm được mà thôi”. Cái
khó ở đây không ở phương pháp mà ở con tim. Cũng vì Tư Mã Thiên không viết tác
phẩm theo những khuôn khổ có sẵn về đạo đức phong kiến, nên những nhận xét của
ông về lịch sử rất là trác việt.
Ông luôn luôn lấy quyền lợi của nhân dân, lấy sự sống của họ để
đánh giá nhân vật lịch sử. Đặc biệt khi viết lịch sử nhân vật nào, ông cũng nêu
rõ sự gắn bó của nhân vật với số phận của dân chúng. Ông thấy rõ Trần Thiệp
“tài năng ở dưới mức trung bình”, nhưng đã làm được một việc oanh liệt, chỉ vì
được dân chúng ủng hộ. Sự phân tích của ông về sự thành công của Lưu Bang và sự
thất bại của Hạng Vũ có một ý nghĩa to lớn. Dưới con mắt của ông, Hạng Vũ là
một con người phi thường “tài năng và chí khí hơn người”, “từ cận cổ đến nay
chưa ai có được như thế”. Về tư cách cá nhân mà nói, thì Lưu Bang kém Hạng Vũ
về tất cả mọi mặt. Hạng Vũ là viên tướng bách chiến bách thắng, quân chư hầu sợ
Hạng Vũ đến nỗi “đi bằng đầu gối, không ai dám ngẩng lên nhìn”. Hạng Vũ thương
người và trọng nghĩa. Trái lại Lưu Bang là một người “không lo làm ăn”, “tham
tiền và ham gái”, ngạo mạn, vô lễ, “thấy khách đội mũ nhà nho, Bái Công liền
giật lấy mũ đái vào trong”. Thế nhưng cuối cùng Lưu Bang lại lấy được thiên hạ.
Đó là vì Lưu Bang biết tự kiềm chế mình, lắng nghe theo lòng dân, luôn luôn chú
ý đến dân chúng cho nên dân chúng tin. Đúng như Hàn Tín nói, Hạng Vũ chỉ có cái
nhân của người đàn bà, cái dũng của một kẻ thất phu, tiếc tiền, tiếc đất, chỉ
tin vào tài năng của cá nhân mình, nghi ngờ tất cả; đã thế lại hiếu sát làm cho
nhân dân thất vọng. Lưu Bang đã thắng vì biết dựa vào dân, tận dụng tài năng
các tướng. Cách nhìn nhận như vậy rất đúng và khoa học. Nó làm người ta nhớ đến
những tác phẩm của Makiaven, ở đây, Tư Mã Thiên có thể sánh với những sử gia
lớn nhất của thời cổ đại.
IV. NGHỆ THUẬT
Tư Mã Thiên đã để lại hàng ngàn nhân vật điển hình, sống mãi trong
văn học. Riêng về mặt này, ông có thể sánh với những nhà văn lớn nhất của nhân
loại. Cả một nhân loại mênh mông hiện ra trước mắt chúng ta, đủ các thành phần,
đủ các nghề nghiệp, đủ các tầng lớp. Hình ảnh những chàng nông dân như Trần
Thiệp, Ngô Quảng, những người du thuyết như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Thư,
những hiệp khách như Kinh Kha, Nhiếp Chính, những anh hàng thịt như Chu Hợi,
Cao Tiệm Ly, những triết gia như Khổng Khâu, Trang Chu, nhưng danh tướng như
Hàn Tín, Lý Quảng, những công tử như Tín Lăng Quân, Mạnh Thường Quân, những bạo
chúa như Tần Thuỷ Hoàng, Nhị Thế…v…v… và vô số những hình ảnh khác là những
hình ảnh bất tử. Những hình ảnh ấy đã du nhập vào kho tàng văn học, làm thành
nhân vật của những truyện kỳ, thoại bản, hỷ khúc, kịch, thơ, lời nói và hành
động của họ nhờ Tư Mã Thiên nêu lên đã thành tài sản của dân tộc. Đó là một
điều lạ. Nhưng điều lạ hơn là đời sau có thể tô điểm thêm bớt nhưng dường như
khó lòng dùng năng lực hư cấu của mình để tạo nên một Kinh Kha, một Hàn Tín,
hay một Hạng Vũ khác hẳn hình tượng Tư Mã Thiên đã tạo nên mà cũng sinh động
như vậy. Có thể nói những hình tượng Tư Mã Thiên tạo ra đã được nhân dân tiếp
nhận toàn vẹn. Điều đó không phải là một hiện tượng thường thấy trong lịch sử
văn học. Nếu ta xét những nhân vật lịch sử Âu châu thì ta thấy rõ họ được biểu
hiện trong văn học một cách rất khác nhau ở từng nhà văn. Hiện tượng Catilina
của sử gia La Mã Xanlut rất khác hình tượng Catilina của Ben Jonxôn. HÌnh tượng
Catilina của Ipxen lại càng khác hẳn. Tư Mã Thiên làm thế nào cho nhân vật của
mình sống mãnh liệt đến nỗi họ tồn tại khách quan ở ngoài nhà văn, và dân chúng
khó lòng chấp nhận sự thay đổi?
Khi miêu tả một nhân vật lịch sử, các sử gia thường chỉ nhận xét
họ trong những giờ phút họ đóng một vai trò lịch sử, họ chỉ xét nhân vật trong
“tư thế lịch sử” của nó. Nhưng làm như thế, tức là cắt xén nhân vật, biểu hiện
nó một cách phiến diện và thậm chí có khi xuyên tạc vì trong những lúc cá nhân
có ý thức về vai trò lịch sử cảu mình, họ thường đóng kịch. Tư Mã Thiên không
làm như vậy. Ông chỉ nắm Hàn Tín khi làm thượng tướng quân của Lưu Bang, mà còn
nắm Hàn Tín ngay từ khi ăn nhờ, chui qua háng người ta ở ngoài chợ. Nhờ sống
trong nhân dân và đến tận nơi điều tra, nên ông thấy Trần Bình từ khi chia
thịt, thấy Phàn Khoái từ khi bán thịt chó. Ông chú ý đến Trương Nghi từ khi anh
chàng bị đánh gần chết, gãy hết cả răng, chú ý đến Lưu Bang từ khi ăn quỵt tiền
rượu. Tư Mã Thiên theo dõi một nhân vật và cốt tìm cho được cái bản chất của
nó. Chính vì thế ông không ao giờ bỏ qua những cảnh thiếu thốn, nhục nhã mà
nhân vật đã trải qua, vì ông biết bản chất con người thường lộ ra ở những lúc
ấy. Đối với ông, nhân vật lịch sử vĩ đại đến đâu trước hết cũng chỉ là một
người bình thường. Khổng Khâu trước khi được tôn sùng như một vị thánh cũng chỉ
là một người mong muốn được làm quan, phiêu bạt đi tìm công danh, mấy lần suýt
theo những kẻ mà ông gọi là loạn thần, tặc tử. Trong khi theo dõi nhân vật, ông
không chạy theo sự kiện mà cốt tìm được cái quyết định tính cách của con người.
Ông thấy tính cách con người do nhiều yếu tố quyết định. Có khi nó là một thiên
hướng từ nhỏ. Nhân vật Trương Thang điển hình cho bọn quan lại tàn ác, lúc nhỏ
giữ nhà để chuột ăn mất thịt, bị cha đánh đòn. Thang bắt được chuột làm một bản
án kết tội chuột. “Người cha xem thấy lời văn quả là một tay quan lại coi ngục
sành sỏi, cả kinh. ”. Có khi nó là kết quả của nghề nghiệp, giáo dục. Lữ Bất
Vi, một thương nhân giàu thấy Tử Tương, con vua Tần làm con tin ở Triệu, thì
nói, “món hàng này có thể bán được đây”. Y xuất tiền bạc quảng cáo cho hàng và
cuối cùng được lãi to, làm tể tướng nước Tần. Ông thấy cái điều làm một vĩ nhân
khác con người tầm thường là ở chỗ họ có một hoài bão lớn ngay trong những cảnh
ngộ cùng khốn nhất. Ông lắng nghe chàng cố nông Trần Thiệp đang cày, bỗng dừng
lại nói với các bạn cày, “sau này phú quý chớ quên nhau”. Ông chú ý đến cậu bé
Hạng Vũ học kiếm chẳng thành, nhưng đòi “học cái đánh lại vạn người”. Một khi
tìm được tính cách của nhân vật, ông cố gắng tìm những câu nói điển hình và
những hành động điển hình, để làm cho hình tượng càng nổi bật. Nói đến Hàn Tín
là người ta nhớ đến câu, “nhà vua không muốn lấy thiên hạ sao, tại sao lại chém
tráng sĩ? ”. Nói đến Lý Tư, không ai quên được câu, “người ta ở đời hiền hay
bất hiếu cũng như con chuột, chẳng qua do hoàn cảnh cả”. Những câu như vậy có
hàng ngàn. Có nhiều nhân vật chỉ xuất hiện trong một vài câu, nhưng họ được
điển hình hoá ngay vì tác giả đã nắm được câu nói điển hình cua họ. Chẳng hạn
những nhân vật như Cáp Nhiếp, Phàn Ư Kỳ, trong Thích khách liệt truyện, nói
không quá hai câu, nhưng đủ làm người ta thấy rõ cái phong thái trọng nghĩa
khinh tài và lòng căm thù chồng chất của họ đối với nhà Tần. Những câu nói điển
hình và những hành động điển hình thường không phải là những câu nói và hành
động gì có tầm quan trọng lịch sử. Tônxtôi trong bài nhận xét về Chiến tranh và
hoà bình, nói nhà viết tiểu thuyết lịch sử miêu tả nhân vật lịch sử khi họ mang
áo ngủ. Tư Mã Thiên còn đi xa hơn. Để miêu tả thái độ ngạo mạn của Vũ Đế, chỉ
cần một chi tiết, “nhà vua có khi ngồi xổm ở bên giường để tiếp đại tướng quân
Vệ Thanh. ” Để miêu tả sự suồng sã của Lưu Bang chỉ cần một chi tiết nhỏ, “Chu
Xương có lần vào tâu thấy Cao Tổ đang ngồi ôm con gái. Xương chạy ra. Cao Tổ
đuổi theo cưỡi lên cổ hỏi, “ta là vị vua như thế nào? Xương ngẩng đầu lên đáp,
“Bệ hạ là ông vua Kiệt, Trụ. Nhà vua liền cười ha hả”. (Trương thừa tướng truyện).
Một chi tiết như vậy cũng đủ làm cho ngàn năm sau không ai có thể bênh vực cho
Vũ Đế và Cao Tổ về việc quý trọng kẻ sĩ.
Một khi đã nêu lên tính cách chủ đạo của nhân vật, tác giả không
bao giờ dừng lại để bàn bạc, trái lại ông trình bày dồn dập những sự việc điển
hình tự bản thân nó có đủ sức thuyết phục hùng hồn hơn mọi lý luận. Đó là then
chốt của phương pháp tự sự của ông mà đời sau không ai bắt chước được. Bản kỷ
Hạng Vũ chẳng hạ, viết với lối văn khô khan của biên niên sử. Ở đây, chỉ có sự
kiện và năm tháng, nhưng vì biết rút từ sự kiện ra cái làm thành cá tính của
Hạng Vũ và thời đại Hạng Vũ cho nên chính cái lối trình bày đơn giản khách quan
này lại lôi cuốn người đọc hơn mọi thứ từ chương.
Văn của Tư Mã Thiên là lối văn giản dị, chắc nịch của thời Tây
Hán. Cách tự sự của ông có được cái tính chất rắn chắc, khúc chiết của đương
thời, nhưng còn có một điều đặc sắc hơn là rất sinh động và đa dạng. Những con
người của Tư Mã Thiên đồng thời biểu hiện những đặc sắc chung của thời đại họ,
nhưng lại giữ được những nét nổi bật làm thành bản sắc của họ.
Muốn làm nổi bật cái cá tính của nhân vật cũng như màu sắc chung
của thời đại, không bao giờ tác giả xét nhân vật một cách cô lập, mà đặt nó
trong sự đối lập với các nhân vật khác. Đọc Lý Tư người ta nhất định phải thấy
Triệu Cao, đọc Bình Nguyên Quân thì thấy ngay Tín Lăng Quân, bên cạnh Lưu Bang
luôn luôn có mặt Hạng Vũ. Để làm nổi bật sự đối lập, tác giả rất chú ý đến sự
đánh giá về nhân vật của người đương thời. Mỗi nhân vật như vậy ít nhất cũng
được vài ba người đánh giá. Để đánh giá Lưu Bang, tác giả nhắc lại những lời
đáng giá của Tiêu Hà, Phạm Tăng, Lịch Sinh, Trương Lương, Trần Bình, Hàn Tín,
v..v… Để đánh giá Tín Lăng Quân, tác giả không quên những nhận xét của Hầu
Sinh, Mao Công, Tiết Công, Bình Nguyên Quân, v..v… Tác giả nhiều khi gộp họ vào
một chương để càng làm nổi bật chủ ý của mình. Đó là những lúc đối lập rõ rệt.
Nhưng có những lúc đối lập kín đáo hơn thì thật là thú vị. Chẳng hạn không phải
ngẫu nhiên mà tất cả những quan lại tốt trong Tuần lai liệt truyện đều là người
trước đời Tần. Trái lại tất cả những người trong Khốc lại liệt truyện đều là
những nhân vật thời Hán. Cũng vậy, ai cũng phải thừa nhận hình tượng về Vũ Đế,
sao mà giống Tần Thuỷ Hoàng làm vậy, cũng huênh hoang, tự đắc, thích chiến
tranh, thích thần tiên, thích xây dựng, thích xu nịnh.
Chính cái phương pháp tự sự bậc thầy, công phu và chu đáo vô cùng
đã làm cho nhân vật sống một cách trọn vẹn, và cũng do đó, đời sau không thể
nào thay đổi được. Sự thực vốn hùng hồn hơn lời nói, và khi các sự thực đã xếp
thành hệ thống nguy nga thì tự nó sẽ nói lên tiếng nói của chân lý.
Phải chăng vì thế mà tác giả vắng mặt? Không, tác giả luôn luôn có
mặt. Hình ảnh của Tư Mã Thiên rất rõ ở từng trang, tâm sự của ông hiện lên như
một tiếng đàn tuy rất khẽ nhưng rất rền trong bản hợp tấu vĩ đại. Chúng ta biết
bản thân sự đối lập là biểu hiệu một thái độ. Ngoài ra tác giả còn sử dụng rất
thạo phương pháp viết sử của Kinh Xuân Thu. Mục đích của nó là trình bày sự
thực khách quan, nhưng bằng cách đối lập với các việc khác hay thêm bớt một chữ
mà tỏ thái độ của mình. Chẳng hạn trong Hoài Âm Hầu liệt truyện để nói rằng,
Hàn Tín chết vô tội chứ không phải làm phản, ông gọi Tín là “Hoài Âm Hầu”, chứ
không gọi Hàn Tín như gọi Kinh Bố trong Kinh Bố liệt truyện. Ông kể tỉ mỉ ba
lần người ta thuyết phục Tín làm phản, mà Tín không nghe, nhắc đến năm lần cái
câu Hán Vương sợ Hàn Tín. Đến lúc Tín chết, thì hối hận không biết trước thái
độ lật lọng của Lưu Bang, trái lại Lưu Bang nghe tin vừa giận vừa mừng, v..v…
Lối bút pháp ấy rất là nghiêm và rất rõ ràng đối với những người quen đọc Xuân
Thu. Ngoài ra mỗi khi hết chương, tác giả thường đưa ra những nhận xét của
mình, để ký thác tâm sự hay đính chính lại những cách nhìn sai lầm của tập tục.
Sử ký là một tác phẩm khó nhưng rất hay. Nó làm cho người đọc say
mê và giáo dục họ rất nhiều. Nhưng vì nội dụng phong phú, cách diễn đạt kín đáo
nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thấy hết cái hay của nó. Chúng tôi cố
gắng dịch những chương tiêu biểu, chương nào dịch thì dịch trọn vẹn, chỉ lược
bớt những đoạn ít quan trọng đối với văn học. Vì cách hành văn theo lối Xuân
Thu rất xa lạ đối với chúng ta, nên chúng tôi cố gắng chú thích, phân đoạn, tóm
tắt để làm sao cho người đọc làm quen với tác phẩm một cách dễ dàng. Tuy vậy, chúng
tôi cũng biết không thể nào giới thiệu hết cái hay của tác phẩm. Một ngày gần
đây, khi Tư Mã Thiên đã quen thuộc với bạn đọc hơn, chắc Sử Ký sẽ được dịch
toàn bộ.
Trong việc dịch, chúng tôi đã được cụ Phan Võ xem lại và cụ Phan
Duy Tiếp giúp đỡ. Chúng tôi biết rằng vì trình độ dịch giả hạn chế, bản dịch
thế nào cũng có nhiều thiếu sót. Nhưng chúng tôi tin rằng dù bản dịch có nhiều
thiếu sót, các bạn sẽ thấy ở đây một tác phẩm vĩ đại và một con người lỗi lạc.
Chắc chắn bạn đọc Việt Nam sẽ thấy Sử Ký là quyển sách của mình và dành cho Tư
Mã Thiên một mối tình nồng hậu như các bạn đã có đối với Khuất Nguyên và Đỗ
Phủ. Suốt đời Tư Mã Thiên không muốn gì hơn là có những người hiểu mình. Chúng
tôi tin chắc rằng sau hai ngàn năm con người vĩ đại ấy sẽ được yêu hơn bao giờ
hết, vì bạn đọc của ông là những con người của một thời đại huy hoàng và vô
cùng vĩ đại.
Nhữ Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét