Ở một nơi ai cũng quen nhau
Phố cũ – Tranh: Thanh Châu
▀Từ đau đớn và truân chuyên, tôi gởi đến cho mọi người hạnh phúc vững bền của chữ nghĩa. (Hoàng Ngọc Tuấn)
1.
Năm 20 tuổi, tôi già nua theo năm tháng với nỗi ám ảnh của thứ triết lý thời thượng về một đời sống buồn bã. Mỗi ngày qua đi, tôi ngao ngán nhìn cuộc chiến khốc liệt trước mặt như con quái vật đang nhe răng gầm gừ sẵn sàng nuốt chửng lấy mình. Nỗi sợ hãi khiến tôi thu mình lại trong vỏ bọc một đời sống lơ lửng trên mây. Dầu vậy, tôi vẫn khao khát tình yêu (trong mơ) qua những trang văn Hoàng Ngọc Tuấn…
Năm 40 tuổi, tôi mới bắt đầu nhận ra rằng đời sống là có thật sau bao bất trắc của chiến tranh, của tù đày. Quái vật chiến tranh đã biến mất, nhưng để tồn tại trong một xã hội hoà bình mà đằng đằng sát khí ấy thật không dễ dàng gì. Cái buồn bã lúc này là sự buồn bã có thật, đến từ một đời sống có thật, chứ không phải từ những trang triết lý thời thượng ngày nào. Dẫu sao, tôi đã là kẻ sống sót, sau một cuộc chiến, sau một cuộc đổi đời. Và hơn lúc nào hết, tôi khao khát một tình yêu (có thực, chứ không phải hình như) để bắt đầu lại đời mình.
Năm 60 tuổi, tôi có cảm tưởng mình trẻ lại với tình yêu cuộc sống cứ ngày một mãnh liệt hơn. Và biết trân trọng những tình cờ ngọt ngào đến từ đời sống. Biết trân trọng những gặp gỡ, dẫu cho đó chỉ là những gặp gỡ trong một thế giới đầy ắp hoài niệm. Đời sống, đến bây giờ tôi mới hiểu được, đó là một nơi mà, ở đó, ai cũng quen nhau. Và yêu nhau. Sự hiểu biết muộn màng ấy, đến với tôi cũng thật tình cờ. Tình cờ như sự có mặt của chính mình trong đời sống này. Tình cờ như câu chuyện ngọt ngào đến với tôi trong những ngày cuối cùng của tháng Mười Một êm ái dịu dàng một cảm giác biết ơn vì tôi vẫn còn đủ đam mê nâng niu những con chữ ngập tràn hạnh phúc, thứ hạnh phúc thường làm chảy nước mắt, thứ hạnh phúc mà nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn gọi là hạnh phúc vững bền đến từ những đau đớn và truân chuyên.
Cũng từ nhà văn quá cố Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả Ở một nơi ai cũng quen nhau, mà tôi tình cờ biết đến một câu chuyện, được nhà thơ Hoàng Xuân Sơn – một người bạn thân của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn – gọi là như chuyện thần tiên.
2.
Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (hình chụp hai tháng trước khi ông qua đời)
Tháng 7 năm 2005, tôi về thăm quê nhà. Một buổi sáng lang thang trên những đường phố bụi bặm một thời quen thuộc của Sài Gòn, tôi đọc được tin trên báo về cái chết của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn ở tuổi 60. Bâng khuâng với cuộc tái ngộ thành phố mà ở đó, tôi đã lớn lên, đã biết yêu lần đầu, đã nhiều lần bỏ đi và nhiều lần trở về, cùng với cái tên nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả của nhiều truyện ngắn tuyệt vời viết về tình yêu, vốn gắn liền với tuổi trẻ Sài Gòn chúng tôi những ngày tháng ấy, tôi đã ghi lại cảm xúc của mình trong bài viết Sài Gòn và Hoàng Ngọc Tuấn, phổ biến ở một số tạp chí và mạng điện tử. Một ngày cuối tháng Mười Một năm 2009, từ hộp thư độc giả trên trang mạng điện tử của tôi (T-Van.Net), tôi nhận được thư của một người, nhân đọc bài viết về nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, tự giới thiệu cũng là một độc giả của nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn từ mấy chục năm nay. Chị cho biết, sau khi rời khỏi đất nước vào tháng 4 năm 1975, chị đã về Vịêt Nam vài lần, và cũng để ý dò tìm tông tích của nhà văn, mà một tình cờ của đời sống đã khiến chị đọc được những tác phẩm của ông từ ngày còn rất trẻ. Mãi cho đến chuyến về quê năm 2006, sau khi nhà văn đã qua đời gần một năm, chị mới liên lạc được với gia đình nhà văn. Cùng với phu quân, chị đã đến nhà thắp cho ông một nén hương tưởng nhớ. Sau đó, được sự cho phép của thân nhân nhà văn, quay lại Mỹ chị đã tái bản tác phẩm mà chị yêu thích nhất trong những tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn: Ở một nơi ai cũng quen nhau (1). Qua ấn bản lần này, tôi biết thêm nhiều điều thú vị về mối quan hệ độc giả – tác giả, ở đây là giữa chị và nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn.
“Tôi đọc Ở một nơi ai cũng quen nhau một lần là thương liền… Sau cuốn Ở một nơi ai cũng quen nhau, tôi vừa tiếp tục đọc ông, vừa đọc những tác giả khác. Có những tác giả làm tôi nể phục và kính trọng. Đọc Hoàng Ngọc Tuấn tôi vừa nể trọng, vừa kính phục, vừa thương” (2). Đó là tâm sự của chị trong lời giới thiệu ấn bản Ở một nơi ai cũng quen nhau in ở hải ngoại.
Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, trong bài viết mở đầu tập truyện, đã giới thiệu khá chi tiết về mối quan hệ của chị và nhà văn, mà ông cho là “dù bình thường hay khác thường, vẫn nghe ra Như Chuyện Thần Tiên”, như sau:
“…Hoà Bình là một độc giả trung thành của Hoàng Ngọc Tuấn. Chị đọc không sót một truyện nào của Tuấn. Đọc đi đọc lại nhiều lần, thuộc nằm lòng, mê và thương cảm tất cả nhân vật Hoàng Ngọc Tuấn đã dựng nên.
Chưa hết, Hoà Bình vẫn âm thầm theo dõi những bước chân của nhà văn mình ngưỡng mộ nếu không muốn nói là thần tượng trên mọi nẻo đường đời. Khi hay tin Hoàng Ngọc Tuấn đi trình diện nhập ngũ ở Trung Tâm 3, chị đã không ngần ngại gói ghém quà cáp, bươn bả tìm thăm, nhưng không được gặp mặt vì không phải là thân nhân trực tiếp! Nhưng rồi trời không phụ người có lòng: Hoà Bình đã được hội diện với nhà văn mình thương mến trong một dịp tiếp tân của Thủy Quân Lục Chiến tại Sài Gòn, khi Hoàng Ngọc Tuấn còn khoác áo binh chủng này. Dù chỉ dăm ba phút hàn huyên, mối hảo cảm giữa người viết và bạn đọc càng đậm đà thêm. Đôi cánh tâm hồn đã cùng nhau bay lượn theo trời xanh cao!” (3).
Đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa nhà văn và độc giả. Nhưng dư âm của nó kéo dài mãi đến hôm nay, kể cả khi nhà văn đã ra khỏi cuộc đời buồn nhiều hơn vui, thiếu thốn nhiều hơn no đủ, đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Chị lo lắng cho nhà văn:
“Ra khỏi Sài Gòn giữa tháng Tư, 1975, tôi có băn khoăn về ông. Đời sống bây giờ làm ông đau khổ nhiều hay ít? Làm thế nào để ông tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn thơ dại, lãng mạn kia? Làm sao ông giữ được tấm lòng chan chứa yêu thương sau những biến cố dồn dập thô bạo? Làm sao ông tiếp tục viết?” (4).
Năm 1972, bị bủa vây bởi những thiếu thốn không đáng thiếu thốn, Hoàng Ngọc Tuấn viết (như một cách tự trào): “Tôi cần một năm rảnh rang và đủ ăn cho một tác phẩm lớn, trị giá khoảng 360 ngàn đồng. Bây giờ ai cho tôi một năm như thế, tôi sẽ trả lại tất cả mọi người một kiệt tác.”. Dù biết nhà văn chỉ đem sự nghèo khổ của mình ra đùa cợt, chị vẫn “Những lần trở lại Sài Gòn sau năm 1975 tôi đi tìm tác giả để mang đến ông “một năm rảnh rang và đủ ăn”. Vậy mà ba chục năm nay tôi chưa bao giờ được dịp thực hiện ước muốn đơn giản và thiết thực đó” (5).
Dầu vậy, mối quan hệ ấy vẫn đơn thuần là mối quan hệ độc giả-nhà văn, từ một độc giả yêu mến và trân trọng chữ nghĩa của nhà văn.
3.
Như tôi đã viết trong Sài Gòn và Hoàng Ngọc Tuấn, tuổi trẻ chúng tôi (bao gồm cả chị Hoà Bình) những ngày ấy binh đao đã đến với những trang truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn để tìm một thế giới không có tiếng súng, không có những cái chết đang rình rập, và để ít nhất giả vờ sống… một thời để yêu trước khi vội vã bước chân vào nơi gió cát. Nếu không có cái tên Hoàng Ngọc Tuấn và những trang truyện ngắn đầy những chất thơ nói về tình yêu, hẳn là tuổi trẻ chúng tôi 40 năm trước chỉ có một thời để chết và một thời để nhớ mãi khôn nguôi.
Điều ấy giải thích được phần nào mối quan hệ khá khác thường giữa nhà văn nay đã quá cố và vị nữ độc giả Hoà Bình. Như chị đã viết “Tôi mang ơn tác giả vì ông đã tặng cho tuổi trẻ tôi những tác phẩm văn chương tạo bằng những gì tinh anh, tươi thắm, cùng với những đớn đau âm thầm trong tâm hồn ông”. Và việc chị đang làm “in lại Ở một nơi ai cũng quen nhau là một cách bày tỏ lòng yêu mến và trân trọng chữ nghĩa của Hoàng Ngọc Tuấn” (6).
Một người bạn văn của tôi, anh Đỗ Xuân Tê đã nhận xét về việc làm của chị Hoà Bình đối với trường hợp nhà văn quá cố Hoàng Ngọc Tuấn: “Một hiện tượng Khánh Ly-Trịnh Công Sơn trong văn học. Hiếm thấy một khuôn mặt nữ chịu ‘lộ diện’ như xác minh lòng ngưỡng mộ của mình với một tài năng văn học. Càng khâm phục khi người ấy đã có chồng và lại cùng ‘phu quân’ đốt nén hương lòng tưởng niệm người xưa”.
Ngược lại, về phía nhà văn, trong những trang Nhật ký viết năm 1972, ông đã trân trọng “mang ơn tất cả những người nào đã cho tôi nụ cười thân ái, một lời thăm hỏi ân cần, một lời khen ngợi dầu nhỏ nhặt đến đâu đi nữa…Cuộc đời mong manh và ngắn ngủi, nợ ân nghĩa thì nặng nề. Tôi biết làm sao đền đáp hết được, tôi có gì để trả nợ hết được. Cái gì đáng quý nhất ở một con người sáng tạo, nếu không phải là những tác phẩm của hắn” (7).
Dù giã biệt trần gian khá sớm, ông vẫn kịp để lại cho đời nhiều món quà vô giá. Nhà văn đã ra đi, nhưng cái tên của ông và những đứa con tinh thần của ông, thứ đáng quý nhất mà ông có, còn ở lại trần gian. Mãi mãi.
Và những tấm lòng hâm mộ, biết ơn của người đọc trải dài nhiều thế hệ, trải rộng từ trong nước ra đến ngoài nước, điển hình là người nữ độc giả Hoà Bình.▄
T.Vấn
(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)
Chú thích:
(1) Ở một nơi ai cũng quen nhau – tập truyện ngắn của Hoàng Ngọc Tuấn do Hoà Bình tái bản tại Hoa Kỳ, gồm những truyện ngắn nổi tiếng như: Ở một nơi ai cũng quen nhau, Buổi chiều Hạ Lan, Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên và nhiều truyện ngắn khác. Đặc biệt, tập truyện còn có phần Phụ Lục: Nhật ký sau một tác phẩm của chính Hoàng Ngọc Tuấn.
(2) (3) (4) Ở một nơi ai cũng quen nhau. Phần Mở Đầu – Không ghi số trang.
(5) (6) (7) Sđd – Phần Phụ Lục – Không ghi số trang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét