Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

HOÁ THÂN TRONG TÁC PHẨM

 


                                                                                          Hà Vũ Trọng giới thiệu

 

 

"Trong tác phẩm của mình, tôi muốn thể hiện nữ tính đại đồng đã tồn tại trong thế giới chúng ta từ thời đại cổ sơ. Nhiếp ảnh và trình diễn của tôi trình bày kĩ thuật và thân thể phụ nữ, nhưng đồng thời bắt rễ sâu xa trong huyền thoại Nhật Bản. Trong Nhật Bản sử kí, một trong những cuốn sách cổ nhất về huyền thoại Nhật, mô tả Thượng đế là một người đàn bà và là một nữ thần phồn thực”. 

Nữ nghệ sĩ Noriko Yamaguchi (sinh năm 1983) sống và làm việc ở thành phố Kobe, Nhật Bản. Cô tốt nghiệp Đại học Kyoto ngành Nghệ thuật và Thiết kế. Năm 2004 đoạt giải cuộc thi Thiết kế châu Á thế kỉ 21. Tác phẩm của cô mang nhiều thể loại, gồm nhiếp ảnh, video, trình diễn, điêu khắc, và hội hoạ. 

Noriko Yamaguchi trải qua nhiều cuộc hoá thân kì lạ trong tác phẩm của cô, làm ta nhớ đến những phim khoa học viễn tưởng như Tetsuo hay Terminator. Cô xử lí các vấn đề đa dạng như khoa học kĩ thuật, huyền thoại và nữ quyền qua sự chuyển hoá và sức cam chịu của thân thể. “Một trong những chủ đề của tôi là cảm giác của làn da được kinh nghiệm qua thị giác. Tôi thể hiện việc này qua nhiều chất liệu như có thể mặc vào người hoặc đặt lên thân thể”. 



Trong loạt trình diễn Công chúa Ogurara (2004), Yamaguchi phủ lên thân thể đầy đậu hạt đỏ để tái tạo cảnh tượng một huyền thoại Nhật Bản về nhân vật Công Chúa Ogurara có thân thể nảy mầm thành một ngôi vườn đậu đỏ. Yamaguchi sử dụng câu chuyện cổ tích này như một ẩn dụ khi hình dung thân thể người phụ nữ như một vùng sản sinh phong nhiêu. Trong hình ảnh, cho thấy những chuỗi dây đậu đỏ dài nảy chồi từ trên đầu của Yamaguchi rồi bắt rễ xuống mặt đất ngay bên dưới thân thể cô đang nằm. Màu da trắng nhạt và bộ ngực phô bày trở thành mặt đất phì nhiêu sinh sản hoa màu, và có thể là đối tượng cho cả sự khao khát dục tình của nam giới. 

Trong loạt Zazame vàng kim, cô phủ toàn thân bằng ghim bấm khiến gây nên cảm giác đau đớn đối với người xem. Yamaguchi nói điều này làm cho cô có sự “đồng cảm với ghim bấm”.


 

Tác phẩm của Yamaguchi bao gồm những vấn đề chính trị tính dục cho đến những biến thể cao độ khi cô diễn xuất trong những cuộc nghệ thuật trình diễn hoặc trước ống kính camera. Trong Keitai Girl (2003), nghệ sĩ mặc bộ đồ bó sát da như có vảy cá óng ánh kim loại được ghép ráp công phu từ những bàn phím điện thoại di động. Khuôn mặt cô được bôi phấn theo truyền thống hoá trang của vũ đạo Butoh, cô đeo một cái headphone lớn, từ đầu đến chân tuôn những chùm dây điện như thể bị dồn vào sự bị chi phối và điều khiển của trung tâm viễn thông, khiến cho cô như đang lênh đênh và cô độc trên một hành tinh khác. Bộ quần áo nhờ có những phím bấm digital, nó xin được bấm gọi số, và điều này cho thấy vị thế dễ tổn thương của người nghệ sĩ khi chịu sự nắm bắt của bất cứ con số và từ bàn tay vô danh nào cũng có thể vươn ra và “chạm vào ai đó”. Thật ra, những vị khách nhất đinh được cho sẵn số phôn từ bộ quần áo này của cô và người đó có thể gọi cho cô từ chiếc điện thoại cầm tay của mình rồi trò truyện với cô trong cuộc trình diễn. Do sự lan tràn việc sử dụng loại điện thoại di động (tiếng Nhật gọi là keitai tức huề đái = dắt mang), Yamaguchi đã tạo nên bộ quần áo này với toàn thân lắp ráp biến cô thành một thiết bị “cellular” có thể bước đi và nói chuyện – và để khảo sát tương lai phát triển của thân thể con người và những tương tác của nó với khoa học kĩ thuật.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét