Thứ Hai, 17 tháng 4, 2023

Áo dài Việt Nam


Áo dài Việt Nam

Bài viết trên FB t. hờ. trong album: "Yêu Áo dài.".
Những thông tin mình cập nhật mang nhiều tính cá nhân, và nhất là nằm trong phạm vi khả năng bản thân có thể, nên nếu có sai xót mong các bạn đóng góp ý kiến để mình có thể tiếp thu và hoàn thiện. Nhé !

edit thêm: Mình cảm ơn các anh chị và các bạn đã yêu thích và quan tâm. Nhưng nhiều khi có những thông tin có thể không chuẩn xác vì cũng chỉ là bài tổng hợp của em á, nên các anh chị và các bạn cũng nên đọc góp ý của các bạn ở comment nữa nha. Để tụi mình có được những thông tin chính xác nhất, hen !



Tình yêu dành cho chiếc áo dài Việt Nam của mình bắt đầu từ thời mình học cấp 3. Đầu năm lớp 10, mình có đi học thêm Toán tại nhà của một người thầy, nhà của thầy thì có treo một cuốn lịch tường mà mỗi tháng sẽ là trang phục đại diện cho một quốc gia. Rồi đến một ngày, cuốn lịch được lật giở đến tháng 12, và hiện ra trước mắt mình lúc đó là hình ảnh của một nhóm nữ sinh trong trang phục áo dài trắng. Ngay lập tức mình khẳng định liền: “Đối với mình, áo dài Việt Nam là quốc phục đẹp nhất !”. Tà áo dài, nó không hề cầu kỳ nhưng vẫn tôn lên được nét duyên dáng của người con gái. Nó cũng không cần sặc sỡ nhưng vẫn khiến phụ nữ Việt Nam trở nên lộng lẫy. Nhưng ẩn sâu bên trong, áo dài vẫn mang một nét mộc mạc, giản dị, thanh cao và hồn hậu của người phụ nữ Việt nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Album tranh này mình ấp ủ từ ngày mình coi được bộ phim Cô Ba Sài gòn. Mặc dù bộ phim chỉ đề cập đến một thời kỳ chuyển mình rất ngắn của chiếc áo dài, trên nền phát triển của thời trang một giai đoạn ở Sài gòn, nhưng bộ phim vẫn khẳng định được giá trị trường tồn của tà áo dài Việt Nam. “Cô ba Sài gòn” càng khiến cho mình thêm yêu chiếc áo dài, nên mình đã tìm hiểu nhiều hơn và sâu hơn, trong phạm vi mình có thể, đặc biệt tại thời điểm mình nghe có người nói Áo dài Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và cho đến nay, mình xin tự hào khẳng định, Áo dài một trong những là tài sản tinh túy và quý giá nhất mà cha ông đã để lại cho chúng ta sau hàng ngàn năm thăng trầm của lịch sử dân tộc.


Những gì mà mình muốn gửi gắm qua những hình ảnh hôm nay, không đơn giản là tình yêu Áo dài kèm một chút đam mê về vẽ của bản thân mình, hay một chút kiến thức về tà áo Việt, mà mình còn hy vọng những người trẻ như mình, như các bạn sẽ có thể hiểu thêm về Áo dài, thêm yêu Áo dài, thêm yêu Việt Nam.

____
• Thuyết minh kèm theo hình được mình tham khảo từ Bảo tàng Lịch sử áo dài và bài diễn thuyết của Nhà báo (cô) Trác Thúy Miêu.






Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.

____
https://www.youtube.com/watch?v=T99SZMnAZ7I




Đến đầu thập niên 90, chiếc áo dài trắng lại xuất hiện cùng với những nữ sinh trên đường phố Sài gòn trong vai trò là một bộ đồng phục đến trường. Ký giả phương Tây lúc bấy giờ đứng đầy các cổng trường, họ ca tụng đó là kỳ quan nhân tạo mà không một nền văn minh nào khác có được.
____






Và cũng trong thời kỳ đó, cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.


____
• https://www.youtube.com/watch?v=X3sBnnm6ACM




• Áo Giao Lãnh •

Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài. Theo nhận định cảm quan của người Trung Quốc thì áo dài xuất thân từ sườn xám nhưng sườn xám mới xuất hiện từ năm 1920 còn áo dài đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm.


Sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lãnh – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lãnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được ghép lại từ 4 tấm vải, nguyên nhân là do khung cửi thủ công ngày xưa chỉ dệt được khổ vải 30cm, kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.


____





• Áo Tứ Thân •

Áo tứ thân ra đời khoảng năm 1645. Áo thường dùng màu vải nâu, không có khuy cài, được may rời 2 tà trước để buộc vào với nhau, hai tà sau may liền lại thành vạt áo. Bên trong mặc chiếc yếm có màu đậm dành cho phụ nữ đứng tuổi hay màu trắng, màu thắm đỏ hoa đào dành cho các cô gái trẻ.

Đây là chiếc áo thể hiện sự mộc mạc, khiêm tốn mang ý nghĩa tượng trưng cho 4 bậc sinh thành của hai vợ chồng.

____






• Áo Ngũ Thân •

Áo dài Ngũ thân ra đời khoảng năm 1884. Trên cơ sở áo tứ thân, đến thời vua Gia Long áo ngũ thân xuất hiện. Áo Dài ngũ thân gồm hai khổ vải được may nối lại với nhau, xẻ cao như áo Giao lãnh, nhưng quay tròn quanh thân như áo của người Chăm, mà nên một phong cách cho chiếc áo của người Việt. Áo có phần thân kín đáo, cùng một thân phụ nằm dưới về phía bên phải. Bốn thân áo bên ngoài tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu là cha mẹ mình và cha mẹ người thương, còn thân áo thứ năm tượng trưng cho người mặc. Áo luôn có 5 cúc cài thể hiện đạo lý làm người của người Việt Nam là Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín. Giai cấp quan lại quý tộc thường mặc áo ngũ thân để phân biệt với các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội.

Lúc này đã có sự giao động về độ ngắn dài của tà áo. Kiểu áo này được may theo phom rộng, có cổ và rất thịnh hành đến đầu thế kỉ XX.

____







Áo Nhật Bình

Kết hợp mọi nguồn ảnh hưởng của các nước Đồng văn, nhưng tạo ra một phong thái kiêu kỳ, ta sẽ không thể quên được cái khuôn dung đầy đặn và phúc hậu của bà Hoàng cuối cùng của nước Việt.

Ngày bà Nguyễn Hữu Thị Lan gặp cụ Hoàng Bảo Đại trên chiếc tàu từ Pháp trở về, ông đã phải lòng người vợ trẻ, chỉ vì đêm yến tiệc hôm ấy, bà đã thi lễ trước ông với nghi lễ của triều đình nước Pháp nhưng bên trong một chiếc áo dài. Ông yêu mến hình ảnh đó đến mức tuyên bố tấn phong bà là Hoàng Hậu. Nhưng chỉ không lâu sau đó, vị Hoàng đào hoa lại phải lòng bà thứ phi Mộng Điệp, người đàn bà sành điệu nổi tiếng bởi những chiếc áo dài cách tân do 2 đại danh họa thời bấy giờ đã lăng-xê: họa sĩ Cát Tường và họa sĩ Lê Phổ. Đưa được cái triết thuyết lãng mạn của người Pháp, và kỹ nghệ dệt tân kỳ cho người đàn bà nước Nam một manh áo lành…

____






• Áo Dài Lemur •

Áo dài Lemur được khởi xướng bởi họa sĩ Nguyễn Cát Tường vào những năm 1934. Áo dài Lemur là tên được đặt theo tên tiếng Pháp của ông. Cát Tường được cho là nhà cách tân táo bạo nhất. Ông đưa yếu tố phương Tây vào áo dài khoảng 30%. Áo chỉ có hai vạt trước và sau, đồng thời mang một số yếu tố như: không cổ, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xòe, có khuy, vạt áo ngắn,...

Nhưng có lẽ, cuộc lăng-xê cách tân đó đã vượt quá tỷ lệ 30% của cái phương Tây để phụng sự cho 70% cốt cách Đông phương người đàn bà nên kiểu áo dài này đã sớm đi vào lãng quên. Sau này, ta chỉ còn thấy sót lại những chiếc áo dài qua họa phẩm của họa sĩ Lê Phổ còn trường tồn với thời gian mà làm nên hình mẫu kinh điển của Áo dài Việt Nam.

____





• Áo Dài Lê Phổ •

Áo dài Lê Phổ xuất hiện từ những năm 1950. Đây cũng là một sự kết hợp mới từ áo tứ thân, biến thể của áo dài Lemur của họa sĩ Lê Phổ nên được gọi là áo dài Lê Phổ. Vạt áo được may dài, tay không phồng, cổ kín, nút bên phải áo, may ôm sát cơ thể. Yếu tố cải cách ở áo dài Lê Phổ là phần tay áo, kỹ thuật dệt may cho ra đời vải có khổ rộng. Tỷ lệ cách tân dừng lại 20%.

Kiểu áo dài Việt Nam xưa này mặc với quần ống loe màu trắng, được phụ nữ Việt rất ưa thích suốt thời gian dài. Mẫu này được coi là “vật tổ” của các áo dài sau này.

____





• Áo Dài Trần Lệ Xuân •

Kiểu áo dài này được gọi là áo dài bà Nhu, thiết kế và cải tiến vào thập niên 60, khi đạo diễn Thái Thúc Nha theo lệnh của bà đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân lăng-xê thêm một mốt áo dài nữa. Khi này, ông nhận được chỉ thị làm một buổi diễn thời trang ở đường Đồng Khởi. Người mặc đầu tiên này nữ tài tử Kiều Trinh. Phần cổ của áo được khai phóng, gọi là áo cổ thuyền. Kiểu cổ áo này lấy ý tưởng từ áo tầm vông của người Khơmer chưa lập gia đình. Dáng dấp áo dài khoe được phần cổ áo của phụ nữ. Phần eo được chít thon gọn.

Kiểu áo này được bà Trần Lệ Xuân đưa đi quảng bá khắp nơi với người nước ngoài, đi tiệc, đi chơi… Lúc đầu, thiết kế này bị phản đối vì đi ngược lại thuần phong mĩ tục, nhưng sau này lại rất được ưa chuộng vì sự đơn giản, tinh tế và thoải mái.

____





• Áo Dài Raglan •

Áo dài Raglan còn gọi là áo dài ráp-lăng, do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra vào cùng thời kỳ này. Nhà may Dung Đakao lại một lần nữa mang ảnh hưởng của cấu trúc Tây Phương và làm nên chiếc áo dài Raglan này, mà cho đến nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa có thuật ngữ nào để thay thế.

Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.

____







• Áo Dài Hippi •

Cuộc cách tân chưa dừng lại ở đó, thập niên 70, thanh niên trẻ Sài gòn du nhập Triết thuyết Hiện sinh của người Hoa Kỳ, để cho ra một chiếc áo dài rộng rãi, sặc sỡ, mang trào lưu quyền lực “Power flowers”. Phần eo của áo dài thời điểm đó được nới rộng hơn so với áo dài Trần Lệ Xuân. Vạt áo may hẹp và ngắn đến đầu gối, thân áo rộng lượn theo dáng người và không chiết eo, cổ áo thấp. Kết hợp với quần được may rất dài với ống rộng đến 60 cm hoặc quần tây ống pas, cài băng đô, đeo kính mát,…
Trong chiếc áo dài Hippi, mấy cô trẻ trẻ phóng xe honda trên đường, làm nên cái đẹp huyền thoại của Sài gòn.

____




ÁO CÔ DÂU





◆ THỜI NHÀ NGUYỄN ◆

Dưới triều nhà Nguyễn, ngoài áo tấc được sử dụng như một trang phục cưới thì “áo cặp” cũng được sử dụng khá rộng rãi. “Áo cặp” là phong tục chỉ sự “đủ đôi đủ cặp” trong lễ cưới, ngày trước ở vùng Gia Định có thời cô dâu, chú rể ngoài “áo cặp” còn mặc “quần cặp”. Áo cặp tức áo song khai, cô dâu dùng áo the lót gấm hồng, chú rể dùng hàng the lót gấm xanh có dệt chữ “thọ” nhỏ (chữ thọ lớn chỉ dùng cho người lớn tuổi). Chiếc áo dài của cô dâu, chú rể mặc bên ngoài người ta gọi là áo thụng. Đó là chiếc áo dài và rộng so với áo dài mặc bên trong, tay áo thụng cũng rất dài và rộng, cửa tay áo có khi lên đến 30 cm. Áo thụng thường được may bằng vải gấm dày, màu lục sậm, xanh sậm hoặc xanh lam có dệt hoa văn.

___
(*) Phỏng dựng cô dâu miền Nam thời Nguyễn mặc áo cặp của Viên Hoàng Tuấn.






◆ TRANG PHỤC CƯỚI TRUYỀN THỐNG THỜI XƯA ◆

◆ Trang phục cưới của cô dâu miền Bắc thời xưa

Trong ngày cưới của dân tộc Việt, các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba, ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và màu xanh hoặc màu vàng với màu hồ thủy. Tiếp theo, đến áo cánh trắng, cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải bằng lụa bạch.
Thắt lưng gồm hai chiếc bằng lụa màu hoa, hoa lý, ngoài cùng là thắt lưng sồi xe hay vải sa màu đen, cả ba thắt lưng đều có tua ở hai đầu.

Trong thời bấy giờ, kiểu trang điểm cho mái tóc rất đơn giản, chỉ là vấn khăn, đầu khăn gài chiếc đinh gim, có đính con bướm vàng chạm bạc, để tóc đuôi gà.

Lúc đưa dâu, đi đường, cô dâu đội nón thúng quai thao (chủ yếu là để che mặt cho đỡ thẹn với mọi người). Chân đi dép cong. Đồ trang sức có khuyên đeo tai bằng vàng hoặc bạc, cạnh sườn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi,… bằng bạc được chạm trổ tinh vi.

◆ Trang phục cưới của cô dâu miền Trung thời xưa

Cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, áo giữa bằng the hay vân màu xanh chàm, áo ngoài cùng bằng the hay vân màu đen. Có người chỉ mặc lồng hai áo, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, ngoài là vân màu xanh chàm để tạo nên hiệu quả một màu tím đặc biệt nền nã. Mặc quần trắng, đi hài thêu. Tóc chảy lật, buối sau gáy. Cổ đeo kiềng hoặc quấn chuỗi hột vàng cao lên quanh cổ. Cổ tay đeo vòng vàng, xuyến vàng.

◆ Trang phục cưới của cô dâu miền Nam thời xưa

Còn trang phục cưới của cô dâu miền Nam là bộ áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi giày thiêu. Tóc chảy lật, búi lại và quấn 3 vòng phía sau đầu. Đầu gài lượt bánh lái bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bạc. Có người cài trâm vàng, đầu trâm có đính lò xo nhỏ nối tiếp với một con bướm bằng vàng hoặc bạc tạo nên một độ rung, tăng thêm nhiều phần sinh động và thẩm mỹ. Đeo nhiều chuỗi hột vàng ở cổ.

◆ Trang phục cưới truyền thống Việt Nam của chú rể thời xưa

Trang phục cưới của chú rể ở cả 3 miền đều giống nhau. Thường thì mặc áo thụng bằng gấm hoặc the màu lam, quần trắng, ống sớ, búi tóc, chít khăn màu lam. Chân đi văn hài thêu đẹp.

___
(*) Theo “Tìm hiểu trang phục Việt Nam” của tác giả Đoàn Thị Tình, xuất bản năm 1987





◆ NHỮNG NĂM 1920 – 1930 ◆

Vào những năm 1920 đến 1930, ở thành thị miền Bắc, cô dâu mặc áo dài cài vạt. Hoặc bên ngoài là chiếc áo the thâm, bên trong là áo màu hồng hoặc màu xanh. Hoặc cũng có thể mặc bên ngoài là chiếc áo dài sa tanh màu đen. Bên trong, áo dài lụa trắng Cổ Ô. Mặc quần lĩnh hay sa tanh đen. Chân đi văn hài thêu hạt cườm hay đôi guốc cong. Vấn khăn nhung đen, đeo hoa tay bèo, cổ đeo vòng chuỗi hột bằng vàng.

Chú rể mặc áo the thâm, trên nền áo dài trắng bên trong. Quần trắng, ống sớ, đi giày Gia Định, đội khăn xếp. Khi lễ tơ hồng, lễ nhà thờ thì khoác áo thụng lam.





◆ GIAI ĐOẠN 1945 - 1954 ◆

Thời kì này, “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” chính là một khẩu hiệu không bao giờ quên của mọi người dân Việt Nam. Hôn lễ thường được diễn ra với thủ trưởng, hoặc cấp trên là người chủ hôn.

Những người là cán bộ, hoặc những người ở nông thôn cũng có trang phục cưới riêng. Theo đó, cô dâu thường mặc áo sơ mi trắng hoặc áo cánh trắng hay áo bà ba, quần đen, đi dép mới. Chú rể mặc áo sơ mi mới, quần âu, đi giày hoặc xăng đan cũng có khi đi cả dép nhựa. Đối với những người đi bộ đội, họ có thể mặc cả bộ quận phục trong ngày cưới. Cán bộ thì có khi mặc quần áo đại cán, tóc chải gọn gàng.






◆ GIAI ĐOẠN 1954 - 1975 ◆

Đám cưới ở thời điểm này được tổ chức giản dị theo đời sống mới, phù hợp với hoàn cảnh từng nơi. Trang phục lễ cưới cũng vì vậy mà không có gì khác biệt nhiều với trang phục thường ngày, chỉ là quần áo được may mới thay vì sử dụng những bộ quần áo đã từng mặc rồi.

Ở các vùng thành thị, cô dâu mặc áo dài trắng hoặc các màu sáng, nhạt. Quần trắng, giày cao gót được sử dụng phổ biến. Trên tay các cô dâu cũng xuất hiện các bó hoa lay ơn. Mái tóc phi dê hoặc chải bồng, cặp tóc là xu hướng thời đó. Mặt được trang điểm má hồng, tô môi son. Chú rể mặc áo comle, thắt cravat và đi giày tây.




◆ GIAI ĐOẠN 1954 - 1975 ◆

Về sau, do những thay đổi về xã hội và sự xâm nhập của văn hóa phương Tây vào Việt Nam đã tạo nên những thay đổi trong lối sống của người Việt. Nói về trang phục, trang sức cũng như trang điểm, ở miền Bắc đã tiếp thu một số hình thức trang điểm của Châu Âu.

Cô dâu trang điểm bằng son phấn, cài thêm bông hoa hồng trắng bằng vải voan ở ngực trái, tay ôm bó hoa lay ơn, tượng trưng cho sự trong trắng. Đồng thời bó hoa cầm tay cũng là một phụ kiện làm đẹp cho bộ áo cưới.






◆ GIAI ĐOẠN TỪ SAU NĂM 1975 ◆

Từ sau năm 1975, đất nước đã thống nhất, mối giao lưu văn hóa được mở rộng. Đặc biệt là những năm 1980 – 1981, do ảnh hưởng các mốt thời trang từ Châu Âu và Mỹ, trong đám cưới, một số cô dâu ở thành thị miền Nam và miền Bắc mặc áo liền váy màu trắng hoặc màu vàng. Đặc điểm của loại váy này là có gấp nếp ở tay, ở ngực, váy xòa rộng, dài quá gót chân. Có chiếc từ thắc lưng đến gấu chia làm nhiều đoại với những khoang đăng tên, gọi là váy ba từng hay váy năm tầng. Cũng có những chiếc váy cưới dài gấp nhiều đường, chiết ở ngực, thắt lưng. Các nàng dâu mặc những chiếc váy này kết hợp với những đôi giày cao gót màu trắng, đeo thêm găng tay mỏng. Còn trang sức, họ đeo các chuỗi hạt kim cương hoặc giả kim cương hoặc đá saphia lóng lánh trên cổ trong ngày rước dâu. Tóc phi dê là kiểu tóc phổ biến. Cô dâu nào có mái tóc dài thì làm phi dê giả. Cũng có những kiểu tóc uốn thành chín búp dài gọi là búp Ăng-lê rủ xuống quanh đầu.





◆ GIAI ĐOẠN 1986 - 2000 ◆

Trang phục của cô dâu và chú rể đã được chăm chút và đầu tư nhiều hơn.

Mái tóc phía trước cài vòng hoa trắng bằng vải hoặc chải tóc bồng cao, cài những vòng hạt có tua rủ xuống hai bên thái dương và ở giữa trán, chùm thêm một khăn voan trắng trên đầu. Lúc đưa dâu, có cô dâu kéo khăn xuống che phủ gương mặt của mình. Mặt trang điểm phấn son đậm nét. Nhiều người kẻ mắt đôi, mi mắt bôi xanh, gắn hàng lông mi giả dài và cong. Tay ôm bó hoa lay ơn trắng, còn có thêm một dây hoa hồng trắng dài đến chân. Tất cả làm cho cô dâu khác biệt và nổi bật giữa các phù dâu. Chú rể mặc áo comle màu be hoặc là comle kẻ caro màu đậm, cũng có thể mặc áo sơ mi nếu lễ cưới tổ chức vào mùa hè, thời tiết oi bức. Ngoài ra, chú rể còn thắt thêm cravat điểm hoa nhiều màu và đi giày da màu đen bóng. Đặc biệt, chú rể còn có cài một bông hoa hồng trắng ở túi áo ngực cho khác với những người phù rể.




◆ NHỮNG NĂM 2000 ◆

Cuộc sống có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hơn, phong tục cưới hỏi của người Việt cũng được tinh giản hóa, đơn giản hơn. Các bộ trang phục cưới cũng được cải tiến khác biệt nhiều so với trước kia.





◆ TỪ 2010 ĐẾN NAY ◆

Tại thời điểm hiện tại, ngoài những bộ váy cưới xòe rộng hơi Tây phương, mình vẫn thấy không ít những tà áo dài, áo tấc và áo Nhật Bình xuất hiện trong ngày trọng đại này của người trẻ hiện đại. Mình nghĩ đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng dành cho tương lai của những trang phục truyền thống Việt Nam, đúng không?

À, bật mí là hình này mình vẽ theo đám cưới chị mình đó!


Phim 

Cô Ba Sài Gòn - P1



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét