Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Xử Nữ

  
Tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân


Xử Nữ
Truyện ngắn: Hà Thúc Sinh




Người xinh, tính khép, tuy dáng đi hơi vẹo như có thương tật nơi chân, Nhi trọ nhà trên đường Chapel, sáng sáng đáp chuyến buýt sáu giờ lên trường, đã bốn năm. Ngoài bến đợi nàng hay kín đáo mở sách ôn bài, bữa nào chia trí lắm mới lọt tai chuyện của đám đồng hành chung quanh.



Bà Juanita người Mễ, tròn như hạt đậu đỏ hôm nào cũng vui như ngày Cinco de Mayo. Giống tờ báo sống bà biết làu làu mọi chuyện. Bà cân nhắc vụ án O.J. Simpson như một bồi thẩm lý tưởng vì “đây không đen cũng không trắng.” Bà bảo California dám đói vì “đội Rams chuồn khỏi quận Cam nay đến Raiders khỏi Los Angeles, điềm nào gở hơn cơ chứ?” Bà khen Clinton bảnh trai, nhưng “nếu con Maria cháu tôi mặn mà như Natalie Wood được tổng thống chọn làm bí thư, tôi sẽ khuyên nó nghĩ lại đấy nhé!” Ấy nhưng thấy Nhi bước đến là bà đổi ngay câu chuyện. Bà thích nàng, và do đó có vẻ cố tình lôi nàng ra trước “ánh sáng công chúng” dù chỉ bằng những quan tâm kỳ quặc. Thí dụ, “Cưng ơi, Jean mua đâu đẹp thế?” Nàng nghĩ bụng chiếc quần mình mặc có gì là đẹp nhưng vẫn thành thực, “Target đó, có mười hai đồng.” Thế là bà Jennifer, bà già Mỹ có máu da đỏ, hút thuốc liên miên, người duy nhất ở Mỹ nàng thấy có chiếc răng vàng, giật phéng lấy phần ngạc nhiên của bà Juanita, “Tôi đeo kính đấy chứ,” Bà nói. “Y như quần Guess ở Robinsons--May ấy thôi.” Giá ở quê nhà chắc Nhi đã chết vì ngượng. Ai đời mấy bà già xúm lại kéo cái quần cô gái đang mặc ra mà thảo luận bao giờ!



Nhưng đám trẻ như con Toni xem ra bất cần, thậm chí cả những thứ nó có bên trong. Nó như biểu tượng của một nền văn hoá trống trải mà sự diêm dúa không che giấu được gì, không bao bọc được gì, nhưng thiếu nó, thiếu những thế hệ tiếp nối như nó sợ nền văn minh này lại không trọn vẹn. Toni tóc vàng, mắt xanh, đẹp như thiên thần nhưng Nhi kinh nó như một loài hoa ăn thịt ong bướm dù có lần trò chuyện nàng biết nó cùng tuổi xử nữ với mình. Toni bảo, “Bạn trai cháu ư, đếm không xuể đâu bà Jennifer.” Bà Juanita kêu lên, “Dóc mày!” Toni nhún vai. “Thật đấy dì Juanita,” Nó nói. “Cho nhau quả táo còn tươi không hơn đợi lúc nó khô quắt đi à?” Nó đụng bức tường đạo đức u trán? Không, chẳng ai nhìn nó bằng ánh mắt ghê gớm cả, cười thông cảm thôi, có thắc mắc là chỗ không biết bao giờ con nhỏ nó báo tin lấy chồng. Tuy thế bà Juanita vẫn khẽ kêu lên, dù giọng khôi hài chứ không cay đắng, “Chúa ơi, đây rồi trinh nữ như loài thú hiếm tuyệt chủng trên địa cầu.” Chỉ Nhi thầm nghĩ xứ này không ai phá huỷ được người nữ trừ chính họ.



Một lần trên xe bà Juanita đùa hỏi, “Cưng tới tuổi có bạn trai chưa?” Nhi cười, “Tôi băm tư rồi, bà ạ.” Thế là bà ta lại lôi nàng ra trước ánh sáng công chúng. Bà cười rộ bảo mấy bà bạn, “Con nhỏ này tính khai gian tuổi ra ứng cử thị trưởng sao đây! Chúa ơi nó nói với tôi như với một trinh nữ mười ba vậy á. Há há há há... Nó bảo nó đã băm tư.”



Mặt tiền tiệm hoa Conroy's Flowers góc đường Atlantic thường bày sớm lắm loại rực rỡ, nhưng Nhi ít thấy loại nàng vốn yêu. Chút liên tưởng xa vời như hạt cát chui vào giày, hồn Nhi cộm một cảm xúc khó chịu. Ngày lên, trần gian rầm rập sức sống, vậy mà nàng vẫn nghe rõ hơn sự rùng mình dấy từ chiều sâu chịu đựng của lòng mình.



Nếu bà Jennifer hay than xe chật thì Nhi còn thấy xe nhớp, vì thế nàng thu mình nhỏ hơn trong chỗ ngồi.



*



Ba ngày liên tiếp Nhi thấy ông ta lên xe ở trạm Fremont--Valley, luôn ngồi vào chỗ phía sau băng ghế dành cho người già cả tàn tật, chỉ cách nàng lối đi giữa. Đây đầu đen nhiều nhưng không hiểu sao nàng cứ đinh ninh ông ta phải là người đồng hương, không thể là Tàu, Phi, Nhật hay Đại Hàn. Sao thế? Ăn mặc giản dị? Lặng lẽ trong đám đông? Bị một tên Mễ hung hăng lấn chỗ vẫn vui? Cười một cách rất dĩ hoà vi quý với một thằng bé Mỹ nghịch ngợm ném giấy kẹo vào người? Nhớ đến mấy ông đồng hương lối xóm Nhi bật cười thầm. Đàn ông mình kỳ. Họ có thể hùng hổ như lãnh chúa trên diễn đàn cộng đồng, quyền uy như vua với vợ con trong nhà, nhưng ra đường bị cảnh sát Mỹ nhét giấy phạt vào tay, đôi khi oan uổng trông thấy, lại nhã nhặn lí nhí cám ơn!



Tấm lòng dịu dàng của Nhi bất ngờ nổi tiếng kèn chiến thắng hơi ác khi xe dừng ở trạm đường Mission. Y chang! Hai thiếu niên Mỹ đen phóng lên xe, hung hãn như giặc, lôi hộp sơn xì ra xì tùm lum lên trần lên vách xe. Cảnh quen, chẳng ai cự nự kể cả bác tài nếu như chúng đừng xịt trúng họ. Nhưng một đứa quá tay, trước khi phóng chạy đã xịt một vệt trúng vai ông. Chiếc sơ mi trắng như ứa máu. Hành khách ái ngại âm thầm. Và Nhi cũng ái ngại âm thầm. Nhưng may. Ông ta chịu đựng nổi. Nàng rút tấm khăn giấy trong cặp đưa cho ông. Ông nhìn nàng bằng ánh mắt cảm kích.

Nhi hỏi nhỏ bằng tiếng Anh:

“Ông... người Việt?”

Ông ta từ tốn lau vết sơn, kéo nàng về tiếng mẹ đẻ:

“Thấy cô tôi cũng đoán vậy.”

Thế là quen. Xe chuyển bánh. Nhi lại hỏi:

“Ông sợ?”

Ông cười:

“Những người da trắng trên xe không sợ, sao mình sợ?”

“Sao ông biết họ không sợ?”

“Mặc cảm là trí khôn kẻ tự tử. Có thể người da trắng sẽ bắt đầu sợ khi người da đen biết ngưng phá huỷ.”



Xuống trạm đường Zonal thả bộ vào trường, Nhi hơi tiếc không hỏi gì thêm về ông. Chỉ vài chi tiết mơ hồ sót lại. Ông quãng năm mươi, đeo kính cận nhẹ, người tầm thước, tóc hơi dày chưa bạc, mặt hồng hào, tai to.

Đôi ba ngày sau không gặp lại Nhi quên ông nhanh chóng.



*



Một cuối tuần ngôi chùa trong vùng tổ chức lễ tế độ cho thuyền nhân bỏ mình trên biển Đông. Bà chủ nhà rủ Nhi đi. Nghĩ tới góp nén hương cho bao người không may là điều nên, Nhi vui vẻ. Bà chủ lại có chân trong ban tiếp tân thì nàng thoát sao khỏi sự chia việc của bà. Nàng giữ chân châm trà đãi khách. Đang loay hoay với mớ ấm tách, vị sư dẫn một người đàn ông đi qua. Ông ta!

“A,” Nhà sư dừng chân vui giọng. “Giới thiệu ông một đồng nghiệp tương lai nhé. Đây cô Nhi, học Y trên USC. Đây bác sĩ Hoặc, người cùng quê tôi đấy, cô mời hộ tôi một tách trà đậm đậm chút nhé.”



Vị sư bận tiếp khách. Sau một thoáng bối rối của kẻ bị bỏ lại, ông ta nói lơ lửng, “Trong lòng chảo thung lũng có khác.” Rồi ông thản nhiên lấy khăn tiếp Nhi lau thêm mớ tách.

Nhi thăm dò:

“Bác sĩ mở phòng mạch vùng này?”

Ông giơ cao chiếc tách nhìn kỹ một vệt đen, giọng ôn tồn:

“Có phòng mạch phòng miếc nào đâu. Thế chuyên khoa cô tính chọn...”

“Dạ Tâm Thần.”

“Á... đau đầu lây đấy.”

Tìm cách xưng hô cho là phổ thông và thích hợp nhất, Nhi cởi mở:

“Vì vậy chắc theo cách chú, ra trường cháu kiếm việc bệnh viện cho đỡ đau đầu hơn.”

“Tôi cũng đã tính như cô, có điều...”

“Thế...”

“Trâu chậm cô ơi! Tôi đã cố nhưng giờ không đâu nhận nội trú nữa.”



Nhi hiểu. Trường hợp này không chỉ riêng ông, nhiều. Chuyện xoay sang chiều hướng khác. Lan man mà thân mật. Và khi đủ thân mật, ông hỏi, “Nhi ở với gia đình đấy chứ?” Mất chữ cô khách sáo rồi. Nhi nhìn ông thật nhanh. Không hiểu sao đôi tai to của ông giúp nàng sự yên tâm khá vô cớ, và nàng quyết định, “Dạ một mình thưa chú!” Ông lấn tới, “Diện gì thế, lâu mau rồi?” Nàng cười chỉ ra bàn, đề nghị, “Chú uống trà kẻo nguội.” Nhìn xuống sân đông khách một lát ông buột miệng, “Nhanh. Mới hôm nào cây mận góc kia chỉ ngang tầm tay, mùa rồi đã có trái. Ba năm như ba ngày.” Nàng hỏi, “Gia đình chú sao?” Ông cười ngặt nghẽo. “Cũng như Nhi,” Kế thẳng thắn bảo. “Các cô dựng hàng rào phòng thủ dày quá có khi tự làm rách áo. Gọi khác đi.” Nhi hơi sầm nét mặt, khẽ gắt, “Trời đất, gọi sao nữa đây?” Ông thẳng thắn đến chối tai, “Có anh có em dỗ nhau khi buồn.”



Khi chùa hành lễ, ở góc sân có người đàn bà còn trẻ ngồi lại nơi chiếc ghế đẩu khóc rấm rứt. Ông Hoặc bảo đã thấy bà ta vài lần như thế, ngồi cùng chỗ, khóc cùng tiếng khóc, không dỗ được. Ông kể qua câu chuyện thương tâm trên biển của bà và gia đình bà. “Ấy là nghe nói thế, chuyện đã cũ nhiều năm,” Ông ngẫm nghĩ. “Mà như vậy thì đáng sợ thật vì chẳng có gì tự phá hủy hơn.”

Lời ấy ghim trong óc Nhi lâu lắm.



*



Họ tiếp tục gặp lại, lúc chỗ này, khi chỗ nọ toàn do tình cờ; nhưng dù tình cờ những câu chuyện vẫn như tơ như chỉ, cứ thoải mái rối vào nhau đến quên thời gian, dù trước một siêu thị hay trong một tiệm ăn. Một lần gặp nhau trong hội chợ Tết do người Tàu tổ chức trên đường Valley, tránh một đám đông ùn ùn kéo nhau đến xem đấu võ, ông và Nhi ra quán gọi nước ngồi xem diễn hành xe hoa.

Ông Hoặc nói:

“Lạ, đám đông thường nhắc tôi về một đám đông trước 75.”

“Ngày thay đổi chế độ?”

“Lại nói thời 75... lúc ấy Nhi ở đâu ha?”

“Dạ Sài Gòn,” Rồi để tránh dĩ vãng như tránh hòn đá, nàng nói lảng. “Anh đang nói chuyện đám đông.”

Ông hơi sửng, chợt nhớ, à một tiếng:

“Nhất là đám đông kiểu đốt Los Angeles. Nhi có đó?”

“Dạ lúc ấy còn học ở UCI, chỉ coi qua truyền hình.”

“Tôi mới đến, đang tạm trú nhà người bạn ở khu South Central.”

“Sợ không anh?”

“Phân vân thôi. Hôm ấy đứng trên ban-công nhà anh bạn nhìn xuống. Bạo động nào cũng na ná nhau. Kẻ tham dự không còn là chính họ mỗi ngày. Cũng đánh đấm túi bụi, rượt đuổi, hò la, súng nổ. Cảnh y như cảnh tôi chứng kiến hai mươi năm trước.”

“Sài Gòn?”

“Đúng hơn ở quãng ông Tạ--Bảy Hiền, trước một hiệu bán gạch ngói. Họ biểu tình chống chính phủ và tôi có đó.”

“Anh...”

“Không, kẹt xe thôi. Tôi vừa gắn lon là xuống trình diện trại Hoàng Hoa Thám ngay. Chiếc Vespa khi không oan mạng. Nhưng chẳng vì thế mà nhớ đâu, nhớ là vì dịp ấy tôi cứu nạn nhân đầu tay ngoài đường.”

Nhi thăm dò:

“Một người biểu tình?”

“Kẻ trong cuộc mình gọi nạn nhân có xúc phạm họ không, dù là viên cảnh sát hay người biểu tình? Không, một con bé.”

“...?”

“Mươi mười hai tuổi, chắc đứng xem bị lạc viên ngói vào hông, máu ra nhiều. Con bé thật lạ. Xin lỗi, tôi kéo quần nó xuống tìm vết thương nhưng cứ giữ cứng, nhất định không cho. Mà nào phải búp bê búp biếc gì cho cam, thương tích như thế vẫn cứ ôm chặt trong tay một bó huệ đã héo rũ. Tôi đành băng bó qua loa, bỏ xe bế nó chạy một mạch xuống Vì Dân.”

“Sau đó?”

“Nào biết. Trình diện xong ra trận ngay, mấy tháng sau mới có dịp về lại Sài Gòn.”

Khi không Nhi đổi đề tài:

“Hồi gặp anh mấy lần trên xe buýt, anh đi đâu thế?”

“À... à...”

Ông Hoặc không buồn đáp. Những chuyến xe hoa lộng lẫy lôi hồn ông theo rồi.

Trên đường về Nhi đùa:

“Xe hoa nhiều giai nhân quá, chọn được ai không?”

Ông đùa lại, khá sỗ sàng:

“Chắc mấy anh lùn thế nào chả táy máy, bằng không cô Bạch Tuyết yêu được!”

Lời ấy ghim trong tim Nhi lâu lắm.



*



Có lần chàng than nàng không hiểu chàng, Nhi cười, lục ngăn kéo lấy ra một tấm ảnh, ngắm nghía, nhất định không cho chàng xem. Như hai đứa trẻ họ vật nhau trên giường và chàng giằng được. Nàng nhìn chàng ngơ ngác trước trò chơi của mình. Chàng bảo, “Nghịch quá!” Nàng đáp, “Đã thấy hết ruột gan sao bảo không hiểu?” Lần ấy nàng cắt ảnh chàng, lấy đầu gắn vào một thân thể vẽ bộ phận tiêu hoá.



Nhi biết chàng muốn một đứa con nhưng tự cưỡng, dù đôi phen đã suýt mềm lòng. Có gì gần với sự sợ hãi. Nàng không sao có được sự rạo rực đủ để hiến chàng hưởng trọn cái rùng mình xấu hổ của một thân thể đàn bà. Thậm chí những lúc chàng liều lĩnh rúc vào nàng như đứa bé, nàng vẫn chỉ nuông chiều ở một chừng mực đáng ghét. Nàng mơ hồ thấy mình như bị liệm sống trong một tấm áo không khuy.



Những khi chàng bình tĩnh ra về Nhi càng thêm bấn loạn. Chàng đã chẩn đúng bệnh nàng? Chàng cũng hiểu không gì dễ sợ hơn những tấm ảnh dĩ vãng không hạnh phúc chẳng lục lọi mà cứ lòi ra? Và chàng là lương y, vẫn kiên nhẫn tìm sự hợp tác nơi chính nàng cho sự chữa trị đến thành công? Mình có vô lý khi bảo giở thêm trang mới không chữa được pho thảm kịch cũ? Ít nhất một lần chàng bóc quýt nàng ăn, nàng nhăn mặt bảo, “Để nguyên trái cho em, gì cũng bóc ra, ghê lắm!” Một lần khác giỗ mẹ nàng, chàng đem đến bó huệ, nàng nhìn nhanh, lạnh nhạt hỏi, “Sao lộn hoa gãy thế này?” Mới đây nhất nhân sinh nhật nàng chàng mua tặng một hộp nhạc có tượng Bạch Tuyết, nàng nhìn chàng trân trân, không nói.



Một đêm Nhi ngồi nhìn trăng, chợt hiểu. Tình yêu hai người như tuần trăng Thợ Săn Tháng Mười tráng lệ, soi tỏ lần cuối mặt đất buồn tênh cho mùa đông giá sớm muộn sẽ tràn về. Nàng không trốn được cảm giác khốn khổ đời làm hỏng của nàng một đêm thủa chưa ham vui, làm phí một thời thủa chưa biết tiêu, làm nhạt một mặn nồng thủa chưa muốn hưởng!



Làm sao giải thích chàng hiểu có một cuộc tình như đêm trăng, ngắm thôi, không ôm được vào lòng?



*



Cái chết đột ngột của một cô gái làm rộn khu phố nhỏ. Bà chủ nhà thì lắc đầu bảo, “Thiệt... con nhỏ điên”; ở bến xe bà Juanita cố nhớ lại điều gì, rồi lẩm bẩm, “Nó học bác sĩ mà, người ta bảo nó lạm thuốc là sao”; còn Toni thầm thì chi đó với bà Jennifer ngồi trầm ngâm điếu thuốc lá, và nó chỉ ngưng khi bà reo thầm, “Xe tới, vậy là hôm nay trống một chỗ ngồi”; riêng ở trường Y chắc có nhiều tin tức chính xác hơn, do thế người ta xầm xì nhắc lại chứng đột tử “đi trong giấc ngủ” mươi năm trước thấy xuất hiện trong cộng đồng Lào, H'Mong và Thái; còn ở chùa bá tánh lại gặp nhau ở chữ tội nghiệp, và sự tội nghiệp ấy xem ra còn có kín đáo đính thêm những dấu hỏi vào câu chuyện tình của hai người đồng hương. Ông Hoặc cúi đầu nhận sự chia buồn như nhận mớ hoa giả ném xuống mồ. Ông hiểu, nhưng nói làm sao nguồn cơn của tai biến, thành ra ông yên lặng, một sự yên lặng chì chiết làm bạc nhanh mái tóc ông cách không ngờ.



Đời ông cũng mất mát nhiều, quá nhiều, chẳng sót gì nguyên vẹn, có thể cả lòng trung thành với một hình bóng; phải vì thế chỉ sau lần giỗ đầu cô gái được ông đứng ra tổ chức ở chùa với tràn ngập hoa huệ, người đồng hương không ai gặp lại ông nữa trong thành phố thung lũng San Gabriel những ngày sau đó?./.



Alhambra 12-95

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét