Giang Hồ
Truyện ngắn: Hà Thúc Sinh
Freedom lies in being bold.
(Robert Frost)
Lão Mai Định hành nghề đồ tể nơi một nông trại Mễ gần siêu lộ 605. Có người biết gốc gác bảo ba đời nhà lão làm nghề này. Chiều lão thường tha về ít đầu thừa đuôi thẹo, khi mớ huyết, khi miếng gan, khi một đoạn thối linh. Lão nói, “Tươi, không đông lạnh, truyền thống ăn phải vậy.” Nhưng lão chỉ luộc, luộc chấm mắm tôm mắm nêm chanh ớt, ai đòi chiên xào lão cự, “Không biết ăn!” Vặn hỏi, lão dạy, “Nhớ, trong các cách nấu truyền thống luộc khó nhứt. Chó, bò, heo, gà, vịt, thịt gì cũng vậy, món luộc đánh giá bản lãnh đầu bếp. Thơm trinh nguyên.” Đám thanh niên đồng hương xăm mình, khó phân thiện ác, thường là bạn nhậu của lão. Lão có món ăn chúng tha bia đến. Huề. Ngồi nhậu lai rai, hứng, lão hay kể những chuyện sôi nổi bắt nguồn từ miền tây cố hương xa vời. Thường lão hay kết thúc câu chuyện bằng tiếng chắt lưỡi, “Nhớ thấy bà!”
Lúc quá chén lão Định cũng gây dữ lắm. Bọn trẻ chỉ cười. Có đứa nào chọc giận lão hay đe trỏng, “Tao đã giết chín mươi chín đứa, thêm đứa nữa thành thần.” Chúng nháy nhó bảo nhau, “Giết heo đó.” Rồi thôi, rồi lại xí xái, lại nhậu. Nhưng bọn trẻ đến đây chắc không để chia nhau món luộc của lão mà cũng không phải để đồng lòng khơi khơi xưng tụng lão “Bố già,” ngồi nghe lão kể làm xàm mấy chuyện đầu Ngô mình Sở, nhưng “nhớ thấy bà” thì chia sẻ được, chia sẻ trong vị trí chúng.
Lão có hai cô con gái đẹp. Mai Kim hai mươi Mai Ngọc mười tám.
º
Vân, Kiều như vận vào Kim vào Ngọc. Kim mảnh như cây Kim, Ngọc tròn như viên ngọc. Dù không đủ mùi ca ngâm nhưng xứ này gái tiếp cha xoay đủ tiền nhà, đủ chi dụng hàng tháng đã là gái thảo. Có dạo túng quẫn Kim lên Santa Monica bán bar, Ngọc không dám liều nên quanh năm làm bà Táo. Giờ Kim thôi bán bar, làm nem chua, bánh dầy, bánh giò bỏ mấy chợ gần; Ngọc nhận hàng về may. Hai chị em thường chia nhau ánh nhìn về phía trước, bâng khuâng cấy hy vọng như cấy hạt ớt giữa mùa đông, chậm đấy nhưng vẫn mong ngày không xa sẽ có chút vốn, sẽ dọn nhà khỏi cái vùng bình dân vốn có quá nhiều hạng anh chị này. Có lần trong mâm cơm Ngọc bàn chuyện dọn nhà, Kim im lặng nhưng lão Định phản đối ngay, “Đem bay từ đảo qua đây lúc còn sún răng. Quen rồi. Đi chỗ khác chắc có nông trại không, không lấy chi tao hành nghề?” Ngọc nhằn, “Bộ Mỹ chỉ đây có heo bò sao ba!” Kim mang máng nhớ quê nhà, nhớ cái quán cơm tấm vùng công-xi, nhớ ngày ấu thơ lăng xăng lít xít giúp má; nàng thở dài, “Còn má không ra thế này.”
Cứ lằng nhằng mãi họ đã sống nơi cái xó El Monte này nay tròn mười năm.
º
Thằng Ngạc anh chị nhứt đám nhưng lại được lão Định ưng bụng hơn hết. Cốt cách nó từa tựa lão thời còn trẻ. Có lần lão thấy nó đấu lý với viên cảnh sát cộng đồng người đồng hương, kết quả nó thong dong lái xe đi. Lão hỏi, nó tiết lộ, “Thì nói thẳng thôi. Tui có một bà má nuôi, ở nhà thuê; chú có bà già ruột, vợ năm con, hai con chó, một con mèo, nhà mua góc đường Hellman và New, chú muốn đổi thì đổi.” Lão chịu quá, vì thế bữa có cổ-nhắc, rót cho nó lão thường nặng tay.
Một lần sưa sứa, nó thú:
“Tui thương cô Kim quà hè, bác gả tui hôn?”
Lão tỉnh rượu, ngó trân, lát gãi cái đầu hói, giọng cố tỏ hào hứng:
“Gái lớn gả chồng. Tao giữ nó làm mắm sao. Có điều…”
“Chi vậy bác?”
“Chuyện đó mày hỏi nó, hỏi tao mà chi.”
Rồi thôi, lão uống tiếp. Và thằng nhỏ cũng uống tiếp. Có điều hiếm khi nó phải chịu một cảm giác nửa mừng nửa lo thế này. Nó không lo người nó thầm yêu từ thủa gặp nàng chạy quán rượu, lo là lo con em mới kỳ. Con nhỏ trông lành tựa cục bột nhưng lòng hà bá lắm. Vượt qua con lạch này chắc cũng trầy vi tróc vảy.
º
Một bữa thằng Ngạc chở tới một chiếc máy may, còn tốt, nói hồi mới qua má nó cũng may kiếm sống, nay không xài, xin đem qua tặng “dì Ba.” Mai Ngọc giãy nảy khiến lão Định nghĩ bụng, “A lạ, gái tham tài trai tham sắc, con này ngược ngạo vậy sao,” rồi lão lườm con, vui nhận.
Mai Ngọc hiểu chuyện, chống:
“Chị ưng thằng đó chị rục tùng.”
Mai Kim nhăn mặt:
“Tao ưng hồi nào. Thời tao bán quán nó quậy như đỉa. Ba biểu đó.”
Lão Định la lên:
“Tao chớ hề biểu mày nha Kim. Tao cho mày biết chuyện vậy thôi. Tao không ý kiến.”
Ngọc như nổi mề đay:
“Sao ba lại không ý kiến? Chuyện hệ trọng làm vậy ba tiêu cực được sao?”
Lão Định nén giận:
“Chớ mày muốn tao sao? Biểu thì mấy đứa nói không dân chủ, không biểu thì nói tiêu cực. Ông cố nội tao cũng thua tụi bay.”
º
Vào tháng Mười âm lịch giỗ vợ. Lão Định năm nay làm giỗ có chút rềnh ràng, kêu cả thằng Ngạc đến ăn, coi như con cháu trong nhà. Trong mâm cỗ có đến quá nửa món nó đặt nhà hàng đem tới. Khi chủ nhà cúng vái, nó ngồi xớ rớ dưới bếp, lâu lâu lựa lời nói đôi câu như xoa bóp dì Ba.
Lão Định cầm nhang khấn thật lâu trước đôi mắt không hề chớp của vợ. Lão nghĩ bả chết còn giận. Nhưng chuyện hệ trọng không thể không vấn ý vợ. “Bà sống khôn thác thiêng,” lão khấn, “thì chỉ tui cách chọn rể cho hạp với con.” Cắm xong ba cây nhang, lão thấy mắt vợ coi bộ hiền hơn, thông cảm hơn.
Trong mâm lão Định ăn uống cầm chừng như kẻ phải bấm bụng coi lại một cuộn phim đời đang chạy ngược. Lâu lâu lão nhìn hai con lòng mềm khác thường. Cũng đôi phen lão dã lã giục thằng Ngạc nâng ly, “Cái gì như sắp lên đoạn đầu đài vậy bay. Ăn mạnh đi chớ!” Lão nói khơi khơi nhưng Mai Kim Mai Ngọc hiểu cha đang nói với thằng Ngạc. Mai Ngọc lắng mãi không thấy tiếng lạo xạo bất bình trong bụng còn dữ dằn như trước, bằng chứng có lúc chính nàng gắp bỏ thức ăn vào chén cho nó, cười bí hiểm. Chỉ Mai Kim có lúc kín đáo liếc đôi bàn tay xương xương, bàn tay phải cụt hai ngón, của Ngạc hiền từ đặt trên bàn mà rùng mình.
Tiệc tàn. Lão Định bước vào nhà tắm. Lát lão bước ra, cởi trần, trên bụng nổi một đường rạch khâu như con rết.
Ngọc cằn nhằn:
“Ba khoe cái phẹc-mơ-tuya chi vậy ba?”
Lão nói:
“Hai đứa bay dọn lần đi, để tao nói vài chuyện thằng Ngạc nghe chơi.”
Rồi mỗi người một lon bia, lão kéo nó ra ngồi ngoài hàng ba. Lão Định to nhỏ với nó một chập, rồi kết, “Thời tao đi hỏi vợ vậy đó. Vẫn chỉ cách đó đo được chân giả tình yêu ở một thằng ngang dọc như mình.”
º
Đúng giờ bà Bảy dẫn con tới, có dăm bảy người quen mang theo ít sính lễ. Họ ăn mặc nghiêm chỉnh, đứng ngoài nhìn vào, nhỏ to, có người ngờ mình tới lầm nhà. Sao trống trơn vậy nè? Phòng khách không bàn thờ hương nến, chỉ giữa nhà trải một tấm khăn bông trắng tinh. Rồi họ cũng kéo vào, rán nói rán cười, đặt sính lễ trên bàn trong phòng ăn. Uống miếng trà, trao đổi đôi ba câu xã giao, họ trở ra phòng ngoài xếp hàng đứng gần cửa ra vào. Lão Định vẫn bộ quần áo thợ xuềnh xoàng, nhìn bà sui cảm kích ánh mắt bà ta, ánh mắt như ngầm an ủi, “Không vợ nó vậy, anh sui đừng quá chú trọng bề ngoài.”
Lão Định đứng nhìn khách, xoa tay, giọng trịnh trọng, “Thưa bà con đàng trai, cảnh nhà tui quý vị đã rành. Nay cậu Ngạc thương con Kim, thiệt tui hết sức cảm động, cảm tình, cảm tạ.” Lão nhìn kín thằng rể tương lai. Bữa nay coi nó in hệt một sinh viên đại học. Cao ráo, chỉnh tề, nghiêm trang rất mực. Lấy làm yên bụng, lão nói thêm ba điều bốn chuyện nữa, rồi kết, “Làm cái việc này coi thì dị, nhưng thiệt thì tui chỉ tiếp nối một truyền thống. Tui đã có nói với cậu Ngạc như vậy, như vậy. Chẳng chết chóc gì.”
Chẳng ai hiểu “như vậy, như vậy” là chuyện chi, thì Kim có Ngọc theo sau, trong áo dài xanh, đầu cúi thấp bước ra. Kim cầm bó hoa nhiều màu, Ngọc cầm một con dao nhỏ có bao da. Họ ra đứng cách tấm khăn lông mấy bước. Có một thằng thanh niên thấy Kim, thầm thì với người đàn ông sau lưng, “Bánh dầy bánh giò nó ngon lắm á!”
Lão Định quay nhìn hai con, nói, “Khi ba lấy má ngoại không đòi chi hết, chỉ đòi một là lạy vợ tương lai ba lạy, hai cầm lấy con dao. Ấy vì cái nghề ba xưa nay vốn mang tiếng, mà người có tiếng không mạnh cũng bạo, bị xếp hạng chọc trời khuấy nước. Ông ngoại biểu bạo ai thì bạo, chớ bạo với vợ con, vì đó mà phải…”
Đàng trai có người ngờ mình tốn thì giờ đi xem màn xiếc của một tên điên. Bà sui không hiểu ất giáp và thôi nhìn ông sui bằng ánh mắt xí xái, bà chỉ nhìn thằng con chờ phản ứng nó thôi.
Nét đanh làm mặt thằng Ngạc thốt quắt lại như nó vừa vượt qua một cánh đồng tuyết. Nó run run nhìn người yêu giây lát. Mới đầu nàng có bẽn lẽn, giờ sao thấy tự tin quá trời, kiêu hãnh nữa. “Đ.m mày muốn tao lạy sống hả, còn khuya,” nó nghĩ thầm. “Tao sẽ rạch bụng để dấu cho mày ớn.” Nó mím môi bước tới nhận con dao, liếc nhanh nước thép xanh ngời, quay nhìn vào đôi mắt lồi lão Định—đôi mắt duy nhứt rực nét chờ đợi hào hứng. Nó thoáng nhớ đời ngang dọc của nó còn ngắn, mới mấy năm đây thôi, nhưng rành không ít luật; riêng luật này một tuần qua chìm trong nghĩ ngợi nó vẫn mơ hồ. Nhưng đã đến lúc phải chơi tới rồi, nó giật toang cúc áo bằng phong thái mã thượng, và cứ theo lời kể của lão Định, nó nhớ nó bảnh hơn lão ta nhiều. Giữa những tiếng la chói lói, nó vẫn đứng thẳng nhìn đường rạch máu tuôn xối xả./.
Hà Thúc Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét