Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Họa sĩ Egon Schiele

 12. 6. 1890: Kẻ nổi loạn Egon Schiele chào đời 

 

Bop Lavender tổng hợp và biên dịch

Nguồn soi.today

 


Egon Schiele, “Tự họa”, 1912


Egon Schiele (1890 – 1918), người Áo, là một trong những họa sĩ biểu hình quan trọng nhất của những năm đầu thế kỷ 20.

Hội họa của Schiele cực kỳ ấn tượng bởi lối thể hiện vô cùng bạo liệt. Các dáng vẻ cơ thể xoắn vặn và những đường nét biểu cảm là đặc điểm nổi bật trong tranh ông.

Schiele là nhân vật đầu đàn của chủ nghĩa biểu hiện Áo, mặc dù hội họa của ông vẫn có sự kết nối với phong trào nghệ thuật mới (Jugendstil).

Với cái nhìn độc đáo, lối miêu tả cơ thể tự nhiên và kỹ thuật tạo hình cực kỳ điêu luyện, hội họa của Schiele đã có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại.

Egon Schiele, “Weiblicher Akt mit gelbem Handtuch”, 1917

Bộ sưu tập quan trọng nhất của Schiele hiện nằm ở Bảo tàng Leopold, Vienna.

Tiểu sử của ông không hề xa lạ với những người yêu hội họa.


Nhưng 5 BÍ MẬT dưới đây của đời Egon Schiele không phải ai cũng biết:

1. Egon Schiele là kẻ đã bỏ trường nghệ thuật

Là một tài năng sớm phát lộ, Schiele thi đỗ vào Học viện Mỹ thuật Vienna ngay từ năm 16 tuổi. Tuy nhiên, ông không thích lối đào tạo mỹ thuật cứng nhắc của học viện, mà luôn hướng tới những lối tiếp cận tiên phong hơn, tìm kiếm cảm hứng trong các tác phẩm của Oskar Kokoschka và Gustav Klimt – người sau này trở thành thầy dạy vẽ của ông. Schiele công khai đả phá các nguyên tắc giảng dạy của các giáo sư và rời bỏ học viện vào năm 1909. Sau khi biết được quyết định bỏ học của Schiele, vị giáo viên dạy môn hình họa của ông đã nói: “Cậu chớ có nói với bất kỳ ai là tôi từng dạy dỗ cậu đấy, rõ chửa.”

 

Egon Schiele, “Mẹ và hai con”, 1915

 

2. Egon Schiele từng là một nhà thơ

Schiele đã sáng tác một số bài thơ trong cuộc đời ngắn ngủi của mình; Tuy không có những bài tầm cỡ các thi phẩm xuất sắc của các thi sĩ biểu hiện nổi tiếng thời bấy giờ như Georg Heym, Gottfried Benn, song một số bài thơ của ông là những thi khúc thể hiện sinh động tầm nhìn của người họa sĩ thiên tài. Nhiều thi khúc của ông có tiêu đề liên quan tới màu sắc hoặc phương pháp tiếp cận của họa sĩ, chẳng hạn như “Phác thảo cho một bức chân dung tự họa” hoặc “Chân dung tự họa”. Trong một bài thơ tên “Viễn cảnh” có câu: “Những thiếu nữ xanh xao lộ ra những cẳng chân đen đúa đi vớ đỏ; họ ra hiệu bằng những ngón tay thâm tím…” gợi lên một bức tranh sống động như thể được ông vẽ ra trước mắt.

"Chân dung tự họa nam khỏa thân mặt nghiêng trái” 1910

 

3. Egon Schiele là kẻ trăng hoa

Schiele là một người đàn ông trăng hoa khét tiếng; cách ông bố trí người mẫu và lối phục trang của họ cho thấy rõ niềm đam mê và sự thèm khát thân hình đàn bà của ông. Ông ghi nhận có không dưới 180 “khách” nữ từng đến thăm xưởng họa của mình trong một khoảng thời gian tám tháng.

 

Người mẫu của bức này là Wally Neuzil (sinh 1894, chết trẻ 1917), vốn là người mẫu của Klimt, sau thành người mẫu của Shiele và cũng là nàng thơ, người tình của ông

Không có gì ngạc nhiên khi ông kết hôn với Edith Harms vào năm 1915, người vợ mới này đã luôn bày tỏ sự ghê rợn cái thói quen “dùng” các cô người mẫu của chồng, và bản thân cô cũng cảm thấy khó xử khi làm mẫu khỏa thân cho ông vẽ – bởi cô xuất thân là người theo đạo Tin lành. Trong năm đầu tiên sau ngày cưới, Schiele vẫn trung thành với Edith, và trong thời gian đó, họ đã “quấn chặt lấy nhau” (như cách Harms nói), “càng nhiều càng ít để quên đi thế giới xung quanh”. Nhưng khi Harms bắt đầu tăng cân, không còn phù hợp với mẫu người gầy gò mảnh mai của Schiele, họa sĩ đã quay lại với những cô người mẫu khác.

 

“Nằm nghiêng với tất xanh, hay AdeleHarms”. Adele Harms chính là chị/em gái của Edith Harms, vợ Schiele, về sau cũng mê hoạ sĩ 

 

4. Egon Schiele từng bị bỏ tù một thời gian ngắn

Năm 1912, Schiele bị buộc tội dụ dỗ trẻ vị thành niên. Mặc dù về sau được chứng minh là không phạm pháp, và sau đó được giảm án, song Schiele vẫn bị tạm giam 24 ngày vì một “tội trạng” khác: “sỗ sàng trưng bày tranh khiêu dâm trước mặt trẻ vị thành niên”. Trong lúc ở tù, Schiele đã vẽ một loạt 12 bức tranh (màu và bút ở đâu ra ? sao lại cho tù nhân vẽ vời tự do như ở nhà thế nhỉ?) mô tả những chấn thương tâm lý và sự bức bối của một người sống trong cảnh giam cầm.

  

“Cô gái quỳ, chống hai khủy”, 1917

 

5. Egon Schiele là một họa sĩ phân tâm học

Schiele là người sống cùng thời với Sigmund Freud và cũng là nhà phân tâm học, và, giống như Freud, ông đã tìm cách khai quật cái vô thức – như là nguồn gốc của tâm lý và những tính khí bất thường của con người: trong các bức chân dung của mình, Schiele khám phá những chiều sâu tâm linh của các đối tượng thông qua cuộc đối đầu triền miên với thể xác, tình dục và cái chết.

 

Egon Schiele, “Tình bạn”, 1913

Nhiều học giả cho rằng hội họa của Schiele, đặc biệt là những bức chân dung tự họa, là những thực hành nghệ thuật hướng nội, nhằm phản ánh một trạng thái tâm lý của đời sống. Những nhân vật gầy gò, hốc hác, góc cạnh của ông thường có bộ dạng của những người có nội tâm luôn căng thẳng, dằn vặt và như “bị tra tấn”.

**

Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi vỏn vẹn 28 năm bị cắt đứt thật bi kịch bởi dịch cúm Tây Ban Nha, Schiele đã từng gây nên nhiều cơn bão dư luận bởi cách tiếp cận hội họa khỏa thân đầy thô ráp và phi lý tưởng hóa. Những bức tranh mô tả cơ thể con người vô cùng chân thực, cấp tiến, biểu cảm và hoàn toàn không khoan nhượng đã bộc lộ thật tuyệt mỹ, đầy bản năng và hấp dẫn những yếu tố của sự tự biểu hiện, sự sinh sản, tình dục, sự khêu gợi và cái chết – những mối quan tâm chính trong bầu không khí tâm lý và xã hội đầy biến động, căng thẳng của thành Vienna trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

 

“Hai cô gái nằm quấn lấy nhau”, 1915

Dù Schiele đã từng có một tuyên bố rất nổi tiếng rằng “nghệ thuật gợi tình cũng thiêng liêng lắm”, song nhiều bức tranh của ông đã bị công chúng và giới phê bình la ó và gắn mác “rác rưởi”, “khiêu dâm”.

Tuy nhiên, giờ đây, các bức tranh màu nước phi phàm của ông với những hình thể nam nữ khỏa thân đã được cả thể giới ca ngợi là những kiệt tác, còn sự nghiệp ngắn ngủi của ông được lịch sử nghệ thuật thế kỷ 20 ghi nhận là đã có những đóng góp vô song về lối mô tả sáng tạo các chủ thể, nhất là CƠ THỂ CON NGƯỜI.

*

Một số bức… không phải vẽ người của Schiele:


”Cửa sổ” (Mặt tiền nhà)

 

Egon Schiele, “Cây cầu”

 


”Đồng hoa”

 

“Phòng khách ở Neulengbach”, 1911

 

“Nhà giặt khô”, 1917

*

Nguồn: Từ FB của Bop Lavender

 Một số tác phẩm khác.

Tự họa với cây hoa lồng đèn Trung Quốc



Chân dung Arthur Rössler, 1910

Chân dung Anton Peschka 1909

Tự họa


Edith Schiele 1915



Chân dung Wally , 1912


Self-portrait, 1910


Self-portrait grimacing, 1910

Self-portrait with black clay pot, 1911

Xem các tranh nữa Ở đây


Đọc thêm

/Tách Lớp/ Chúng ta thấy gì trong ánh mắt ưu tư của Egon Schiele


Mỗi bức chân dung tự họa của Egon Schiele là một mảnh ghép tâm hồn thấu cảm, đưa người xem lang thang trong thế giới dị biệt của vô vàn cung bậc khác nhau.

Những bức chân dung tự họa vốn không còn xa lạ trong thế giới nghệ thuật, ngoài “trưng bày” cái tôi mà người nghệ sĩ nào cũng có, đây còn là cuộc tâm tình trực tiếp với bản ngã để họ thực sự biết bản thân mình là ai. Với Rembrantd, ông phô diễn kỹ thuật hội họa Impasto điêu luyện song song với đó là sự nghiền ngẫm về dòng chảy thời gian đã đi qua sau nhiều năm thực hành nghệ thuật. Trong khi đó, chúng ta nhìn thấy ở Van Gogh là hành trình du ngoạn trong thế giới sắc màu, đào sâu vào những cảm xúc lẩn khuất bên trong tâm hồn để khơi dậy những chất chứa dung dị.

Egon Schiele thì sao? 12 năm ngắn ngủi của sự nghiệp, họa sĩ người Áo đã cho ra đời hơn 300 tác phẩm sơn dầu và vài nghìn bức tranh màu nước, rất nhiều trong số đó là những bản vẽ chân dung tự họa. Không phải ngẫu nhiên mà Schiele lại thực hiện số lượng vô kể như vậy, chúng là những ghi chép chi tiết về “cuộc sống” tâm lí phức tạp; có khi là sự tự tin, đôi lúc lại u uất, giằng xé, thậm chí là cả khiêu gợi khiến người ta cảm thấy thô thiển.

Được xem là người đạt đến đỉnh cao trong chủ nghĩa Biểu Hiện ở Áo so với những nghệ sĩ cùng thời, Egon đã bác bỏ những quy ước điển hình về cái đẹp để đưa “cái xấu” và cảm xúc phóng đại vào trong nghệ thuật. Hôm nay chúng mình sẽ ghé thăm thế giới nhỏ bên trong cuộc sống nội tâm đầy phức tạp ấy của Schiele trong tác phẩm tự họa nổi tiếng nhất của ông – Bức tranh “Self-portrait with Chinese Lantern Plant” (tạm dịch: Chân dung tự họa với cây lồng đèn Trung Hoa).

Self-portrait with Chinese Lantern Plant“, 1912 – Egon Schiele.

Kích thước: 32,2 x 39,8 cm. Chất liệu: Sơn dầu.

Nơi trưng bày: Bảo tàng Leopold, Áo.

Nguồn ảnh: Wikipedia.

 

Bối cảnh nghệ thuật

Bức “Chân dung tự họa với cây lồng đèn Trung Hoa” được xem là một trong số những tác phẩm khép lại thời kì nổi loạn cực thịnh của Egon Schiele trong nghệ thuật từ năm 1909-1912. Nói qua một chút, đây là giai đoạn mà nghệ sĩ người Áo khẳng định cái tôi mãnh liệt nhất trong sự nghiệp cầm cọ ngắn ngủi của mình. Tính dục và sự thấu tâm cực độ luôn thường trực trong mỗi bức chân dung mà ông thể hiện.

Bức “Lưng trần với mũ đỏ” – 1910. Ảnh: Wikiart

Năm 1910 là thời điểm mà Schiele dần thoát ly khỏi phong trào Ly khai Vienne khi trước đó nghệ sĩ người Áo chịu ảnh hưởng rất nhiều từ danh họa đồng hương nổi tiếng Gustav Klimt. Ông tiến gần đến chủ nghĩa Biểu Hiện mới nổi lúc bấy giờ, vẫn là những bức tranh sơn dầu nhưng kỹ thuật điêu luyện hơn cho thấy sự tự nhiên trong bút lực miêu tả và tạo hình nhân vật.

Đặc biệt, các bức chân dung tự họa bày tỏ sâu sắc những dằn vặt nội tâm, nỗi thống khổ của cuộc sống, của tình dục và cái chết trong vô thức. Schiele dành một tình yêu nồng cháy với cơ thể trần tục của chính mình cũng như các người mẫu nữ. Để rồi, ông đưa “hình ảnh khiêu gợi” ấy trở thành một lĩnh vực nghiên cứu nhằm lột tả sự “trần trụi” trong đời sống tinh thần của con người thông qua các sáng tạo nghệ thuật.


Chân dung tự họa – 1910. Ảnh: Wikiart 

Với những tác phẩm khỏa thân táo bạo như vậy, cuộc sống của Schiele luôn bị soi mói bởi xã hội bảo thủ ở Áo ngày ấy và những người dân sống xung quanh ông. Năm 1912, ông cùng nàng thơ Wally Neuzil trốn khỏi thành thị và chuyển về thị trấn nhỏ Neulengbach, cách Vienna 30 dặm về phía tây sinh sống. Xưởng vẽ của ông là nơi trẻ em trong làng thường xuyên lui tới và sự việc gây tranh cãi nhất xảy ra khi Schiele bị tình nghi dụ dỗ và bắt cóc một cô bé 13 tuổi.

Schiele nhanh chóng được xóa bỏ những tội danh đó sau 21 ngày tạm giam, tuy nhiên, một cáo buộc khác nảy sinh khi cảnh sát thu giữ 125 bức tranh khỏa thân trong xưởng vẽ của ông. Thẩm phán coi đây là văn hóa khiêu dâm kích động trẻ em vị thành niên, kết án ông thêm 3 ngày tù nữa và đốt một vài bức tranh trước mặt nghệ sĩ người Áo.

Chính sự kiện trên cùng khoảng thời gian sau song sắt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cũng như tâm lí của Schiele. Đây là tiền đề khiến ông hướng đến giai đoạn “Trưởng Thành” trong nghệ thuật sau đó và “Bức chân dung tự họa với cây lồng đèn Trung Hoa” là hình ảnh rõ nét nhất để thấy bước chuyển mình này.


Hiệu ứng thị giác

Có thể coi “Self-portrait with Chinese Lantern Plant” là tác phẩm chân dung xuất sắc nhất của Egon Schiele trong cả sự nghiệp. Kỹ thuật bút pháp hoàn hảo kết hợp cùng sự hài hòa trong hình ảnh với màu sắc tinh tế đã tạo ra một ấn tượng khó có thể rời mắt.

Về phần bố cục, dù trước đó ông khẳng định đã cố gắng thoát ly khỏi nghệ thuật của Klimt, nhưng, dấu ấn ảnh hưởng vẫn tồn tại đậm nét ở đây; tiêu biểu là “tính phẳng” trong biểu hiện thị giác khi được bố cục bởi các mảng hình màu lớn. Tuy nhiên khác với KlimtSchiele xây dựng ít chi tiết nhỏ hơn để tập trung điểm nhìn vào biểu cảm của cơ thể và gương mặt.

Bố cục chân dung 2/3.

Một tổng thể cân bằng được sắp đặt có chủ ý với diện tích chân dung chiếm 2/3 bức tranh. Schiele miêu tả hình ảnh bản thân với cầu vai nghiêng về bên trái, phần đầu hơi quay sang bên phải, cằm đưa ra và mắt nhìn về hướng chính diện. Mái tóc và phần thân cơ thể được cố tình cắt bớt trên dưới để phù hợp với nhịp điệu đặc tả cảm xúc gương mặt trong bức chân dung.

Đặc biệt là cái nhìn rất tách biệt khi hướng thẳng về phía người xem với đôi mắt đen to quá khổ phản ánh sự chuyển động trong tâm hồn. “Schiele hững hờ” dường như đang tự miêu tả mình là một chàng trai nhạy cảm và ông đắm mình trong chính những suy tư của bản thân khi tìm kiếm sự thay đổi.

Bảng màu trong bức tranh.

Về phần màu sắc, Schiele sử dụng cặp tương phản để nhấn mạnh hai đối tượng riêng biệt giữa “chân dung cùng cây lồng đèn” có gam màu thuộc dải tối chủ đạo với nền trắng trung tính ở phía sau. Không chỉ vậy, bên trong đối tượng chính là chân dung và cây lồng đèn cũng có sự tương tác qua lại. Ngoài là hình dáng mảnh mai cho thấy sự đồng điệu, Schiele sử dụng cặp màu bổ túc của Đỏ Vermilion (hoa) – Lục Phthalo + Tím (áo Schiele) để tăng hiệu ứng thị giác cho bức tranh.

Thêm vào đó là sự xuất hiện sắc đỏ ở chân dung Schiele (gương mặt, đôi môi, đồng tử) cho thấy tính kết nối của hai chủ thể trong đối tượng chính với nhau. Với phong cách chấp nhận sự bóp méo hình tượng và mạnh dạn thách thức các quy chuẩn thông thường về cái đẹp. Mặc dù ở đây Schiele tạo ra ít biến dạng hơn so với các bức chân dung tự họa khác, nhưng “Self-portrait with Chinese Lantern Plant” vẫn có các đường nét gợi hình dứt khoát trong phong cách đồ họa đặc trưng.


Một số chi tiết cận cảnh.








Nếu nhìn cận cảnh chúng ta sẽ thấy những vệt bút khá rõ ràng, Schiele đã sử dụng sơn loãng và cọ với độ cứng vừa phải để tạo chất cho bức tranh. Phương pháp này đem đến hai tác dụng chính: Một là tăng tính chi tiết hiển thị, giúp cho tổng thể không bị trơ trọi khi có nhiều mảng màu lớn – Hai là gợi khối ba chiều cho đối tượng, rõ ràng nhất với phần áo tạo cảm giác nếp gấp của vải và phần khuôn mặt gầy gò cho người xem cảm giác khối xương bên trong.


Ý nghĩa hình tượng


Dù vấp phải nhiều đàm tiếu từ xã hội về nghệ thuật của mình có phần mang tính gợi dục nhưng Egon Schiele chưa bao giờ mất đi sự tự tin về cá tính bản thân. Ông không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Ngay cả nghệ thuật gợi dục cũng có một sự tôn nghiêm nhất định…. Tôi không phủ nhận rằng tôi đã tạo ra những bức vẽ và màu nước có tính khiêu gợi. Nhưng chúng luôn là các tác phẩm nghệ thuật chân chính.”

Người ta truyền tai nhau rằng chỉ khi có hình ảnh “khỏa thân” thì Egon Schiele mới lột tả hết nội tâm trong Biểu Hiện và nghệ sĩ người Áo đã chứng minh cho họ thấy rằng không cần đến sự trần trụi kia, ông vẫn có một tác phẩm để đời khiến người xem phải suy tưởng trong chiều sâu của những dòng tâm sự miên man.

 

Biên tập: Hoàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét