Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

CHÂN DUNG BIỆT KÍCH

 


 Nguyễn Trung vẽ Nhã ca


CHÂN DUNG BIỆT KÍCH


Nhã Ca

 

 

Hôm nào? Chẳng thể nhớ nổi. Khoảng bốn giờ chiều. Nguyễn Trung tới.

 

“Vân. Về sao không lại đằng tao, mầy?

 

“Biết về, sao mày không chịu vác mặt tới. Còn hỏi.”

 

“Hơ. Con già mồm. Không lại là gì đây. Mày đang nói chuyện với ai vậy?”

 

“Với thằng chó. Tao tưởng mày ngán, hết dám lại.”

 

“A. Cũng ngán tí ti. Chúng nó biểu thằng Từ với mày là Xê I A . Hắn ra sao rồi?”

 

“Sao với trăng gì. Còn tù dài dài.”

 

“Lên nhà cũ ở Gia Định, tưởng tiêu hết rồi chớ. Bữa qua, gặp thằng Nghiễm, mới biết mẹ con mày ở đây. Tao có quà cho mày. Hết xẩy.”

 

“Quà gì đâu?”

 

“Từ từ. Lạ thiệt. Thằng chồng mày tên Từ mà mày thì nóng nẩy. Có đế không đã?”

 

“Đưa quà ra đã mới có rượu.”

 

“Từ từ. Rượu đã.”

 

Đành phải kiếm cho Trung một xị. Trong bạn bè của Từ, Trung thân với tôi nhất. Hai đứa quen mày tao chi tớ từ nhỏ.

 

“Nghe bọn bay bị bắt, chẳng biết sống chết ra sao. Tao phải làm cho xong.”

 

“Xong cái gì?”

 

“Cái tranh. Có croquis của mày từ hồi còn ở Ngô Tùng Châu. Đẹp hết xẩy. Nhưng phải mướn xích lô, mới chở cho mày được. Tao đi xe đạp một mình, làm sao cầm.”

 

Có vài ly đế, chuyện cũ bắt đầu ấm. Trung kể:

 

“Bữa lang thang gần khu nhà cũ của bọn bay, tao gặp Nguyễn Đức Sơn. Nó mặc áo đà, đầu cạo nhẵn bong. Coi gồ ghê lắm. Nghe đâu trên núi vừa hạ san. Nhìn cái đầu trọc lóc, nhớ mày với nồi cá kho hồi ở Trương Minh Giảng, tao buồn cười quá.”

 

“Có duyên dữ. Bọn tao thì ngồi tù. Còn mày thì cười.”

 

“Bộ mày với thằng Từ không cười à.”

 

Cũng phải cười thật. Nguyễn Đức Sơn, hồi trẻ ký là Sao TrênRừng, cùng đăng thơ trên các tạp chí Hiện Đại, Thế kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ thời sáu mươi. Anh có tài lạ: Ngồi yên, hai tai nhúc nhích rồi phe phẩy như hai con bướm. Thấy tôi phục quá, có lần anh còn dọa có thể vận công cho tóc dựng đứng lên được. Thơ Sơn cũng như người, nhiều bất ngờ kỳ dị.

 

Năm 1961, có hồi Trung thất tình, về khu cầu Trương Minh Giảng ở với vợ chồng tôi. Hai đứa đi làm, Trung ở nhà rầu rĩ, thường phụ tá tôi chợ búa, nấu nướng. Có khi còn trổ tài một mình, chế được nhiềumón ăn lạ. Thấy Nguyễn Đức Sơn giang hồ, than đói,

 

Từ kêu Sơn mỗi ngày tới bữa, đạp xe đến nhà cùng ăn.

 

Được vài tháng vui vẻ, bỗng thấy Nguyễn Đức Sơn biến mất. Một mảnh giấy quăng vô cửa:

 

“Gửi mấy đứa khốn nạn. Tao biết thừa rồi. Chúng mày có nồi cá kho. Thấy tao tới, giấu biệt đi không dám mang ra ăn. Chúng mày giấu cá kho để tế mồ mả cha ông nhà chúng mày.”

 

Ba đứa nhìn nét chữ nguệch ngoạc của anh bạn, ngơ ngác một lát rồi phá ra cười. Thư được đọc đi đọc lại, đứa nào cũng thuộc lòng. Bao nhiêu năm sau, giờ này nhắc lại, cũng vẫn còn cười được.

 

Dạo ấy, trưa đi làm về, tôi phải ba chân bốn cẳng ghé chợ Trương Minh Giảng, mua tí rau, tí cá. Cá đang kho trên bếp chưa kịp chín, đã phải ăn cơm trước cho kịp đi làm. Thấy mùi cá kho mà không được ăn, thi sĩ nổi ngay cơn lôi đình, bỏ quách Saigon lên giang hồ trên núi.

 

Ít năm sau, nhận được thư Sơn gởi từ Blao. Không nói chuyện cá kho nữa, Thi sĩ đòi gửi ngay thơ lên cho anh để anh viết lại văn học sử.Đọc những bài thơ Nguyễn Đức Sơn sau này, chúng tôi biết anh đã vợ con đề huề. Có thơ điên vì mẹ cằn nhằn vợ, vợ cằn nhằn mẹ. Lại có thơ thiền:

 

Sáng mênh mông

Ta đi dạo

Giữa vườn hồng

Ồ bông

Ồ mộng

Ồ không.

 

Trung kể thêm về Nguyễn Đức Sơn:

 

“Bọn bay đi tù. Nó cũng đi tù vậy. Nghe kể, nó để vợ con đâu trên núi, một mình hạ san tìm lương thực. Coi bộ vó kỳ dị quá, bọn công an bắt nó khai hai ba lần. Có lần đánh gẫy cả xương sườn. May mà bắt chán nó lại thả.”

 

Tội nghiệp. Đã biết lên non cạo đầu rồi, thi sĩ còn hạ san làm gì, đến nỗi bị công an đánh gẫy cả xương sườn. Những năm sau này, nghe đâu Nguyễn Đức Sơn còn mang vợ con giấu hết vô hang núi, sống như người thái cổ, không tiếp xúc với đồng loại nữa.

 

Rượu ngấm. Trung bốc:

 

“Mày dám ngồi sau xe đạp không, tao chở. Về đằng tao lấy tranh.”

 

“Mày dám chở là tao dám ngồi. Xê I A mà sợ gì xe đạp.”

 

Xe cà tàng. Trung vừa thở vừa đạp. Vợ chồng Trung ở Đa kao. Đoạn đường đủ dài để nhớ bao nhiêu chuyện.

 

Anh chàng họa sĩ Nam kỳ dễ thương của chúng tôi, không dè lại mang thân làm rể một danh gia Bắc kỳ. Anh em nhà vợ đều tài hoa xuấtchúng, học giỏi, hát hay, có người là cầm thủ nổi tiếng thế giới. Ông nhạc quá cố là nhân vật lừng lẫy một cõi, có thái ấp riêng, triều thần binh tướng riêng, từng làm nghiêng ngả thời cuộc Bắc Hà, cho tới khi bị cộng sản ám sát chết.

 

Năm 1975, cả nhà vợ di tản. Riêng Trung lắc đầu. Lĩnh Mai bấm bụng ở lại theo chồng, tiếp tục lãnh biết bao cơ cực.

 

Sau này, có bạn hữu đóng sẵn tầu, kêu Trung cho vượt biên ké, anh vẫn tiếp tục lắc. Hỏi. Trung cười:

 

“Tao từng là người vượt biên đầu tiên ở Việt Nam. Bây giờ chán rồi. Thời thế không ăn nhậu gì đến tao, Tao khoái cởi trần, đi ra đi vô ở Saigon, khổ cực mấy cũng chịu.”

 

Quả có chuyện ấy. Sau vụ Nguyễn Đức Sơn nổi giận lên núi, năm 1962, tới phiên Trung nổi máu phiêu lưu:

 

“Thôi, hai đứa bây ở lại mà sanh con đẻ cái. Tao chán đất này rồi. Không chừng sẽ có tin tao từ Paris.”

 

Vậy là biến. Trung cùng hai họa sĩ khác, hình như cùng họ Nguyễn, rủ nhau vượt biên đường bộ sang Cao Mên, chắc mẩm sẽ lê la tới Paris như Chagal, người họa sĩ Nga lưu vong mà Trung vốn yêu thích.

 

Paris đâu chả thấy. Cuộc vượt biên trái mùa (so với thời cả nước vượt biên sau 1975, sớm sơ sơ mất có….mười lăm năm), nghe đâu chỉ đưa ba chàng họa sĩ phiêu lưu tới được mấy nhà tù nào đó bên xứ chùa Tháp.

 

Ba năm sau, nhà Ngô đổ, chiến tranh lan rộng, Trung trở lại Sài Gòn. Thời thất tình đã qua. Bên cạnh Trung lúc này là một tiểu thư áo trắng kiều diễm, sắc sảo.

 

Vô nhà, bồng cháu Sớm Mai hai tuổi trên tay, Trung chửi:

 

“Con mẹ mày. Ở đâu ra mà có mày lẹ vậy. Hơ. Hơ. Con ạ cô Lĩnh Mai đi. Nào. Giỏi.”

 

Cô Lĩnh Mai áo trắng leo tuốt lên cây trứng gà trong sân nhà hái trái.

 

Năm sau, đám cưới thân mật ở trụ sở sinh họat thanh niên trong khuôn viên đại học văn khoa cũ.

 

Từ 1958, trong đám bạn bè đua đòi văn chương, Trung vừa vẽ, vừa viết những bài phê bình hội họa cho tạp chí Sáng Tạo, rồi Văn Nghệ.Các bậc trưởng thượng Nguyễn Đức Quỳnh, Thái Tuấn, … coi tranh Trung, đều bảo đây là tài ba khác thường.

 

Vượt biên hụt trở về, một mảnh giấy tờ tùy thân cũng không có, vợ chồng Trung đã trải qua những năm khó khăn suốt thời chiến. Nhưng sơn dầu Nguyễn Trung được coi như một tiêu biểu cho thế hệ hội họa mới mẻ, tài ba ở miền Nam. Chính thế hệ ấy cũng công nhận điều này. Trung trở thành chủ tịch hội họa sĩ trẻ, rồi đựơc nhìn nhận là bậc thầy ở cao đẳng mỹ thuật, ngôi trường mà anh đã bỏ ngang thời trẻ.

 

Ít lâu sau ngày cộng sản vô Sài Gòn, các chuyên gia sưu tập mỹthuật Nga, Đông Âu, rồi Bắc Âu ngả nón trước sơn dầu Nguyễn Trung. Nghe kể viện bảo tàng quân đội Nga ở Moscou nhất định phải có bằng được tranh Nguyễn Trung. Hội mỹ thuật rồi bảo tàng nhà nước bổn xứ noi gương. Tính Trung vốn nhỏ nhẹ, chẳng bao giờ chú ý đến thời thế, lại quen sống thanh bần, không làm ai xốn mắt. Có lẽ nhờ vậy, anh chàng chủ tịch hội họa sĩ miền Nam thoát được cái nhãn xê i a.

 

Cô Lĩnh Mai áo trắng ngày nào, lỡ chọn phải ông chồng nghệ sỹ, đã thành một bà vợ tần tảo, vất vả. Thấy Trung ì ạch chở được tôi về tới nhà, Mai cười:

 

“A. Đây rồi. Bà biệt kích văn hóa. Em trông chị mãi. Lên gác ngay.Ông ấy hì hục với cái portrait của chị mấy tuần lễ đấy. Hết xẩy. Ai thấy cũng lé mắt.”

 

Trên căn gác gỗ ọp ẹp, bụi bậm, bức tranh dựng giữa đống chai, hũ sơn cọ ngổn ngang. Tôi đó sao, con mụ tóc tay tơi tả, chân tay xù xì ngồi bó gối chịu trận?

 

Trung bật ngọn đèn, chiếu vào tranh, cằn nhằn:

 

“Hết cha nó vải bố. Phải hy sinh cái tranh cũ, vẽ phủ lên. Mầu lại thiếu, dầu cá cũng cạn. Chất sơn vì vậy không mịn màng được, lại hóa ra hay. Trịnh Công Sơn ngắm hoài. Hắn kêu dữ. Không biết tranh dữ hay mày dữ. Thật chỉ thiếu cái bê rê xanh là y chang biệt kích. À Sơn hắn lại mày chưa?”

 

“Có ghé thăm. Hôm kia.”

 

Biệt kích văn hóa là tên một cuốn sách do Trần Văn Giầu, Vũ Hạnh, Lữ Phương…viết về mười tác giả miền Nam. Trong sách này, nữ biệt kích duy nhất là tôi, được xếp hàng thứ sáu. Những người khác là Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Doãn Quốc Sỹ, Nhất Hạnh, Võ Phiến, Duyên Anh…

 

Lĩnh Mai giúp chồng trải giấy gói báo chân dung biệt kích.

 

“Nữa.” Trung tiếp tục kể. “Sau khi bọn mày bị bắt, có bữa tao đang ngồi vẽ mày, Mai Thảo ghé qua. Lâu lắm rồi không gặp lại. Nghe nói bọn nó vẫn đang lùng bắt chả gắt lắm. E khó thoát quá.”

 

Cả năm rồi. Vẫn tiếp tục lùng bắt. Đúng là Mai Thảo chưa sa lưới. Cuối năm, ngày ngắn. Trời chập choạng tối. Trung lại ì ạch đạp xe, chở dùm cả người lẫn tranh về tận nhà.

 

….

 

Anh chị Hoàng Anh Tuấn và Toàn mang tới một bạn trẻ người Pháp, tùy viên tòa lãnh sự.

 

Thời trước, chúng tôi có một bộ sưu tập nhỏ, gồm tranh của Trung và bạn hữu. Nhà cửa tan tác, tranh Trung chỉ còn sót ba tấm, thêm chân dung biệt kích vừa xách về là bốn. Cả bọn xem tranh.

 

Cùng tên với một danh họa Pháp, Bernard khoái sơn dầu. Chị Tuấn nói chàng ta có một bộ sưu tập tranh Việt Nam khá đồ sộ, hẹn cùng lại coi.

 

Cả bọn kéo lại nhà Bernard. Tất cả tranh được hạ xuống từ trước, úp mặt vô tường. Gia chủ dí dỏm giải thích với chị Tuấn:

 

“Coi tranh Nguyễn Trung ở nhà bà Nhã Ca rồi, ngượng lắm, không thể khoe bộ sưu tập này được. Thay vì tranh, xin mời coi tủ rượu.”

 

Có thể chính là do Bernard, tranh “Chân dung biệt kích” ngày càng nổi tiếng, nhiều khách ngoại giao tới yêu cầu cho coi.

 

Hoàng, tay buôn đồ cổ và tranh dẫn đầu khu Tự Do, mấy lần tới nằn nì chị để cho em, giá đề nghị 500 rồi 1,000 đôla. Số tiền này, thời điểm ấy là cả một gia tài. Nguyễn Trung trở lại, chửi thề:

 

“Đù má. Được quá. Tao với mày chia hai.”

 

Ngồi thêm một lát, cả hai cùng lắc đầu:

 

“Không thể để mất tranh này được. Dứt khoát. Giữ.”

 

Trung lấy sơn, viết nguệch ngọac bên góc trái tấm tranh: “Chân dung Nhã Ca, 20.4.76.” Khoảng ngày này, tôi đang nằm trong cát sô sở công an thành phố.

 

Anh chàng Bernard trẻ tuổi dễ thương thường lui tới, chở cả bọn trẻ con về nhà riêng ở khu biệt thự Pháp, đường Phan Thanh Giản, đùa nghịch trong hồ bơi, hoặc tới nhà chúng tôi đàn hát om xòm với chị em Sớm Mai. Công an tức thì ập vô nhà, hạ lệnh không được tiếp xúc với ngọai quốc. Xe riêng Bernard bị chận xét khi chở lũ nhỏ. Chàng trẻ tuổi máu nóng, cự lại dữ dội, suýt thành to chuyện.

 

Vẫn không tởn, Bernard bảo Sớm Mai:

 

“Mẹ cấm cửa, mới sợ. Chúng nó không cấm được tao.”

 

Thay vì vô nhà, Bernard kéo bọn nhỏ ngồi ngay trên thềm nhà ở vỉa hè, ăn uống cười giỡn.

 

Chỉ ít lâu sau, Bernard được lệnh phải rời khỏi Việt Nam.

 

 

NHÃ CA

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét