Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Mèo nào cũng tốt!

Chuyện ngoài Liêu Trai


"Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt"
, phát ngôn này của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình được coi là danh ngôn nổi tiếng thế giới. Giới nghiên cứu lý luận Trung Quốc đã mở rộng câu nói này thành “thuyết con mèo”, hơn nữa nỗ lực phát triển học thuyết.

Tuy nhiên, dù rất quen với câu nói này, nhưng ngay cả người Trung Quốc không phải ai cũng biết câu nói này bắt nguồn từ đâu, thậm chí có không ít người còn nhầm “mèo vàng” thành… “mèo trắng”.

"Thuyết con mèo" của Đặng Tiểu Bình xuất hiện sớm nhất trong 2 lần phát biểu vào tháng 7/1962: lần thứ nhất là ngày 2/7, trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 khóa 3 Đoàn Thanh niên Đảng cộng sản Trung Quốc; lần thứ hai, trong bài phát biểu tại Hội nghị Ban bí thư Trung ương Đảng thảo luận về vấn đề làm thế nào để khôi phục nền nông nghiệp.

Đặng nói:

"Bất kể mèo vàng hay mèo đen, phương pháp nào có lợi cho khôi phục sản xuất thì áp dụng phương pháp đó. Tôi tán thành việc nghiêm túc nghiên cứu khoán sản lượng đến từng hộ gia đình."

(Đặng Tiểu Bình văn tuyển - Làm thế nào để khôi phục sản xuất nông nghiệp)

Mặc dù thuyết “con mèo” rất nổi tiếng và gắn với tên tuổi Đặng Tiểu Bình, nhưng trên thực tế, nhà lãnh đạo này lại không phải là người đầu tiên đưa ra khái niệm.

Trong bộ tiểu thuyết Liêu trai chí dị, quyển 3, cuối thiên Khu quái (Trừ tà) có câu:

“Dị sử thị viết: hoàng li hắc li, đắc thử giả hùng.”, dịch sang tiếng Trung hiện đại nghĩa là” “Bất kể mèo vàng mèo đen, chỉ cần bắt được chuột thì đều là mèo tốt.”

Về điểm này, có thể kiểm chứng qua lời giới thiệu của bà Trác Lâm, phu nhân của Đặng Tiểu Bình. Bà Trác Lâm cho biết: “Đặng Tiểu Bình rất thích Liêu trai chí dị, ông ấy không chỉ thường xuyên đọc Liêu trai chí dị khi ở Bắc Kinh, mà khi ra ngoài cũng thường xuyên mang theo Liêu trai chí dị”.

Tờ Văn vựng báo của Hongkong có đăng bài cho biết, Đặng Tiểu Bình từng yêu cầu nhân viên tháo cuốn “Liêu trai chí dị” ra thành các trang rời, khi ra ngoài thì mang theo vài thiên, lúc rỗi thì đọc. Trong đó, các thiên như “Họa bì”, "Khẩu kĩ", "Khu quái",... thiên thì vạch trần xã hội đen tối, thiên thì hàm ngụ đầy triết lí, giúp độc giả biết cách nhìn nhận thế giới, hiểu được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, được Đặng Tiểu Bình yêu thích hơn cả.


Sáng Nguyễn (Theo Xinhua)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét