Trương Nguyên
Bia Mộ Liễu Tuyền Bồ Tiên Sinh
Tiên sinh húy Tùng Linh, tự Lưu Tiên, lại tự Kiếm Thần, biệt hiệu Liễu Tuyền. Văn chương ý khí hào hùng một thời, người học bất kể thân sơ xa gần, quen hay không quen, cũng không ai không biết Liễu Tuyền tiên sinh, vì thế danh tiếng tiên sinh lẫy lừng khắp thiên hạ. Tiên sinh đầu tiên dự thi khóa Đồng tử, lập tức đỗ đầu cả ba kỳ ở huyện ở phủ ở tỉnh, được bổ Bác sĩ đệ tử, nổi tiếng văn chương trong các Chư sinh. Nhưng cứ vào thi hội là trượt, cảm khái nói “Là do mệnh chăng!". Vì thế quyết ý bỏ đường khoa danh, dốc sức vào cổ văn, phấn phát rèn luyện, ngày càng tinh tiến. Mà bình sinh chán chường thất chí, rơi rụng uất ức, nhìn ngắm chuyện đời, bi phẫn cảm khái, lại có chỗ khích phát chí khí, nên văn chương trong lòng nảy hoa, kỳ lạ chập chùng, vì thế có thể dứt bỏ sự rỗng tuếch, tự thành một nhà. Mà chỗ uẩn súc chưa dùng hết, nên lại sưu tập chuyện quái lạ, soạn thành bộ Chí dị, tuy việc dính líu tới chuyện xa xôi hư ảo, nhưng gọt sửa nghiêm cẩn, yếu chỉ ở chỗ sửa tục răn người, phù trì chính giáo, cũng như vì thế mà trước tác cổ văn thôi, chứ không phải soạn thuật bừa bãi.
Tiên sinh tính chất phác trọng hậu, ưa thích giao du, coi trọng danh tiết, nhưng riêng cao tự thẳng, nhất là không thể cùng cúi ngựa với đời. Lúc trẻ cùng người trong huyện là các tiên sinh Lý Hy Mai và bác họ tôi là Lịch Hữu, Thị Toàn kết thành thi xã Sính Trung, lấy phong nhã đạo nghĩa chơi thân với nhau, thủy chung không hề có chút xích mích. Cấp gián Tôn công trong hương là danh thần đương thời, rất có oai vọng, nên tôi tớ có khi lén lút rông càn. Hương lý không ai dám nói, chỉ có một mình tiên sinh cương quyết dâng thư hơn ngàn chữ chê trách, Tôn công được thư kinh ngạc khen ngợi, lập tức răn sức tôi tớ, họ đều thu mình giữ phép. Tư khấu Vương tiên sinh ở Tân Thành vốn coi tiên sinh là người có tài lạ, mấy lần gửi thư muốn nhận tiên sinh làm môn hạ, nhưng sau cùng tiên sinh lấy cớ có bệnh từ tạ, không tới ra mắt.
Than ôi, người học chưa gặp tiên sinh, mà mắt đọc văn chương, tai nghe danh tiếng, thì cho rằng người này ắt là kẻ sĩ cao đàm hùng biện, ý khí hiên ngang. Đến khi gặp con người thì thấy là bậc trưởng giả trang nghiêm, nghe trò chuyện thì ấp úng như không nói nên lời, mà xét bên trong thì uẩn súc sâu xa, đều có thể lấy điều trong lòng mà giúp cho đời. Thế mà nghèo túng lận đận, cuối đời chỉ là một Minh kinh già, chỉ có văn chương có thể lừng lẫy đương thời lưu truyền hậu thế. Đó là điều không may của tiên sinh, chứ há có thể theo đó mà biết hết tiên sinh đâu?
Ông nội của tiên sinh húy x[353] Nột (trên chữ Nột có một chữ không đọc được, bản Liêu Trai của Quốc học Phù Luân xã cho là chữ Sinh)[354]. Cha húy Bàn, cưới Lưu thị, là con gái cửa Lưu công Quý Điều Táng Quảng. Có bốn con trai, tám cháu nội, bốn chắt nội, cháu năm đời chỉ mới có một người. Trước tác có Văn tập 4 quyển, Thi tập 6 quyển, Liêu Trai chí dị 8 quyển. Mất ngày 22 tháng 1 năm Khang Hy thứ 54, hưởng thọ 76 tuổi trong năm ấy chôn ở gò cao phía đông thôn.
Qua mười một năm, đến năm Ung Chính thứ 3, con ông muốn dựng bia nêu đức, bảo tôi viết văn bia. Vì tôi là kẻ hậu tiến người cùng huyện, lại biết nhiều về tiên sinh, nên không từ chối mà viết bài văn để dựng trên mộ Minh rằng:
Hữu văn bất hiển,
Hũu tích bất thi.
Súc cửu nhi xí,
Vi hậu chi ky (cơ).
Dĩ trưng dĩ tín,
Thị thử minh tỳ (từ).
(Tài không thành đạt,
Giỏi không phô bày,
Chứa lâu phát sáng,
Lưu tiếng lâu dài.
Để tin để biết,
Xem bài minh này).
Kẻ hậu học người cùng huyện là Trương Nguyên soạn.
Dựng ngày Thanh minh tháng 2 năm ất tỵ Ung Chính thứ 3 (1725).
Mặt Sau Bia Mộ Liễu Tuyền Bồ Tiên Sinh
x sinh x giờ Tuất ngày 16 tháng 4 năm Sùng Trinh thứ 15, mất vào giờ Dậu ngày 22 tháng 1 năm Khang Hy thứ 54.
Mẹ sinh vào giờ Thân ngày 26 tháng 11 năm Sùng Trinh thứ 18, mất vào giờ Mùi ngày 26 tháng 9 năm Khang Hy thứ 52.
Ghi thêm năm trước tác khác
x thân ngữ lục, Hoài hình lục, Lịch tự văn, Nhật dụng tục tự, Nông tang kinh mỗi loại 1 tập.
Ba vở hý khúc Khảo từ cửu chuyển hóa lang nhi, Chung muội khánh thọ, Náo quán.
Mười bốn vở hý khúc thông tục
Tường đầu ký, Cô phụ khúc, Từ bi khúc, Phiên yểm ương, Hàn sâm khúc, Cầm sắt lạc, Bồng Lai yến, Tuấn Dạ Xoa, Cùng hán từ, Xú tuấn ba khoái khúc mỗi loại 1 tập. Nhương đố sấm, Phú quý thần tiên khúc sau đổi thành Ma nan khúc, Tăng bổ Tường vân khúc mỗi loại 2 tập...[355] .
---------
[353] Nguyên bản in một hình vuông biểu thị thiếu một chữ, ở đây dùng hiệu x để thay thế.
[354] Chú thích này có lẽ của Hồ Thích .
[355] Nguyên bản còn phần tên họ con cháu Bồ Tùng Linh, ở đây tạm lược.
志異書成共笑之,
布袍蕭索鬢如絲。
十年頗得黃州意,
冷雨寒燈夜話時。
Thứ vận đáp Vương tư khấu Nguyễn Đình tiên sinh kiến tặng
“Chí dị” thư thành cộng tiếu chi,
Bố bào tiêu sách mấn như ty.
Thập niên phả đắc ý,
Lãnh vũ hàn đăng dạ thoại thì.
Dịch nghĩa
Sách “Chí dị” đã xong cùng cười với nhau
Cảnh áo vải buồn thiu tóc như tơ
Mười năm tạm vừa ý Hoàng Châu
Chuyện đêm bên đèn lạnh mưa rơi
Bài này tuyển từ Liêu trai thi tập, tác giả làm để đáp lại thơ do Vương Sĩ Trinh tặng. Vương có hiệu là Nguyễn Đình, từng làm thượng thư bộ Hình, tương đương với chức tư khấu thời cổ, nên tác giả dùng đại tư khấu để tôn xưng. Vương tặng thơ sau khi đọc Liêu trai chí dị có câu “Liệu ưng yếm tác nhân gian gian ngữ, Ái thính thu phần quỷ xướng thi” (Lời của con người chừng ngại viết, Thích nghe thơ quỷ hát mồ thu). Tác giả đáp lại bằng bài thơ này, kiên định nhưng uyển chuyển tỏ rõ chí hướng của mình viết Liêu trai chí dị.
----
玄夜淒風卻倒吹﹐
流螢惹草復沾幃。
幽情苦緒何人見﹖
翠袖單寒月上時。
Liên Toả truyện
Huyền dạ thê phong khước đảo xuy,
Lưu huỳnh nhạ thảo phục triêm vi.
U tình khổ tự hà nhân kiến ?
Thuý tụ đơn hàn nguyệt thượng thì.
Dịch.
Ðêm xuân gió nhẹ lạnh căm căm,
Ðom đóm theo hoa lướt buổi rằm.
Nỗi niềm buồn tủi nào ai thấy,
Áo biếc cô đơn dưới bóng trăng.
Bài này chép trong truyện Liên Toả (Lấy người, ma sống lại), kể về Tử Uý và Liên Toả. Hai câu đầu của Liên Toả, hai câu sau do Tử Uý làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét