Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ (Chương 21,22)

NHỮNG CHƯƠNG BỊ KIỂM DUYỆT BỎ
CỦA HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ (Chương XXI và Chương XXII)

NHỮNG CHƯƠNG BỊ KIỂM DUYỆT BỎ CỦA HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ


Hồi ký Nguyễn Hiến Lê



Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) quê ở Sơn Tây, Xứ Đoài, là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, ...

Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.

Sau ngày 30/4 năm 1975, ông vẫn ở lại trong nước mà không chọn cách đi ra khỏi đất Việt, mặc dù ông cũng có điều kiện thực hiện việc đó. Lúc đầu, Ông cũng có cảm tình với "quân giải phóng", với Việt cộng. Nhưng chỉ sau môt thời gian ngắn ngủi, ông đã nhận ra nhiều điều và gửi gắm ít nhiều trong cuốn Hồi Ký của ông.

Cuốn Hồi ký Nguyễn Hiến Lê đã được tái bản tại Việt Nam tới ngót 30 lần. Nhưng có 6 chương và nhiều đoạn bị cắt bỏ khi in tại Việt Nam. (Một cuốn hồi ký mà có đến 6 chương bị kiểm duyệt bỏ thì biết là chế độ kiểm duyệt ở VN như thế nào).


Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất Bắc - Nam, chúng tôi đăng tải lại 6 chương Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê để chúng ta cùng hiểu tấm lòng, nhân cách và trí tuệ của một học giả uyên bác và có nhãn quan xa rộng, trong một cách nhìn độc lập và khách quan. (Tham khảo Wikipedia).


***

Chương XXI - Việt Nam chia hai (1954-1965)

A. Miền Nam
Gia đình Ngô Đình Diệm
Dẹp giáo phái - Truất Bảo Đại
Chính sách nhà Ngô
Dân nổi dậy chống đối - Hai vụ 11-11-60 và 26-2-62
Ấp chiến lược - Trận Ấp Bắc
Phật nạn - Đảo chánh 1-11-63

B. Miền Bắc
Pháp mất hết quyền lợi
Kinh tế suy - Đời sống khắc khổ
Cải cách điền địa - Vụ Quỳnh Lưu
Vụ Nhân văn - Giai phẩm
Kinh tế phát triển rất chậm
Bắc giúp Mặt trận Giải phóng miền Nam


Chương XXI: Việt Nam Chia Hai


Chủ ý tôi là viết về gía đình và đời viết văn của tôi, nhưng không thề bỏ qua thời đại được, cho nên phải xen vài chương ngắn về chiến tranh độc lập và tình hình xã hội. Trong chương này và chương sau tôi sẽ ghi vài nét chính về chiến tranh thứ nhì của dân tộc mình, tức chiến tranh Việt-Mĩ. Về chiến tranh Việt-Pháp tôi có được tạm đủ tài liệu (đã kê ở cuối chương XIX), về chiến tranh Việt-Mĩ, trái lại tôi chỉ có ba cuốn:
- Les deux Viêt nam của Bernard Fall (Payot - 1967)
- Indochine - dix ans d'indépendance của G. Chaffard (Calman Lévy - 1964)
- La seconde resistance - Viêt nam 1965 của W. Burchett (Gallimard - 1965)
Cuốn sau cùng chỉ là một tập phỏng vấn chiến sĩ trong bưng, dùng được rất ít. Cả ba cuốn đều chép đến 1965, giai đoạn 1965-1975 quan trọng nhất, tôi chưa thấy tác giả nào viết, ngay ở Pháp năm 1979 cũng chưa có.


A- Miền Nam
Gia đình Ngô Đình Diệm

Từ 1950, sau khi Mao Trạch Đông nhìn nhận chính phủ Kháng chiến Việt nam và ra mặt giúp đỡ về quân sự, sau khi buộc Hồ Chí Minh phải tái lập đảng Cộng sản - đổi tên là đảng Lao động - thì Pháp cho rằng quân đội viễn chinh của họ có một nhiệm vụ mới: ngăn chặn làn sóng Cộng sản lan xuống Đông Nam Á để bảo vệ thế giới tự do. Mĩ cũng thay đổi đường lối, không còn cảm tình với Việt Minh như hồi 1945 mà tích cực giúp tiền bạc, khí giới cho Pháp (600 tỉ đồng quan cũ như chương trên tôi đã nói).

Sau hiệp ước Genève thì trên danh nghĩa, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào vẫn ở trong liên hiệp Pháp, nhưng Mĩ tự lãnh nhiệm vụ thay Pháp để ngăn làn sóng Cộng sản ở Đông dương, cho nên viện trợ cho Pháp và Bảo Đại rất nhiều. Công việc chở bằng phi cơ, tàu biển 850.000 người di cư, trợ cấp, giúp đỡ họ định cư đều do đô la của Mĩ cả. Mà bao giờ cũng vậy, kẻ nào bỏ tiền ra thì kẻ ấy làm chủ. Ngay trước khi kí hiệp định Genève, Mĩ đã ép Pháp và Bảo Đại phải thay thế Bửu Lộc mà dùng Ngô Đình Diệm làm thủ tướng.


Ngô Đình Diệm là một quan lại cũ của triều đình Huế, làm tuần vũ Phan thiết, có tiếng là liêm khiết, cương quyết, dám chống với Pháp. Năm 1932, Bảo Đại về nước, có nhiều thiện chí, mời ông ta về Huế giữ chức thượng thư bộ Lại (cũng như tổng trưởng nội vụ ngày nay); sáu tháng sau ông ta từ chức vì thấy Pháp vẫn nắm hết quyền, triều đình Huế chỉ là bù nhìn. Năm 1945, sau khi Nhật đảo chánh, hình như ông ta tử chối không giúp Bảo Đại đứng ra lập nội các; rồi theo G. Chaffard, tháng 2-1946, Hồ Chí Minh có mời ông ta hợp tác để lập chính phủ thống nhất quốc gia, ông ta cũng từ chối. Ông có một người anh, Ngô Đình Khôi bị Việt Minh giết. Sau đó ông qua Hương cảng, Mĩ, Pháp, rồi lại qua Mĩ ở khá lâu, được một số chính khách Mĩ để ý, tin cậy (một phần vì họ Ngô theo công giáo). Rốt cuộc Mĩ ép Pháp và Bảo Đại phải dùng Diệm thay Bửu Lộc. Ông có một người anh nữa là Ngô Đình Thục, giám mục ở Vĩnh long, ba người em: Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Luyện đều có bằng cấp cao của Pháp (Nhu ở trường Chartre ra, Luyện ở trường Centrale ra), còn Ngô Đình Cẩn vô học, rất hách và dữ. Chính Diệm thì đã hách lại phong kiến, tin rằng được Chúa giao phó sứ mạng trị dân, diệt Cộng.


Nhưng ở Nam rất ít người nghe nói đến Ngô Đình Diệm, nên Ngô Đình Nhu và Trần Chánh Thành (một người có cử nhân luật theo kháng chiến ít năm rồi về thành) phải họp báo, quảng cáo mạnh cho ông ta, bảo ông là "một người mới", sẽ thành lập một "chính phủ thực sự quốc gia", để thực hiện một cuộc "cách mạng thực sự". Mặc dầu vậy, ngày ông về Sài gòn với chức thủ tướng, dân chúng thờ ơ, chỉ có khoảng 500 “bạn” ông đón ông ở sân bay, và khi ông đọc lời hiệu triệu của quốc trưởng Bảo Đại, lời ra mắt của ông với quốc dân ở trước dinh Độc Lập thì chỉ độ một ngàn người tới nghe và đa số thất vọng: ông ta ngượng nghịu, lúng túng giọng đều đều như giọng học sinh đọc bài, mà bộ tịch thì là bộ tịch một đại thần nghiêm nghị.

Ông lập một nội các phần lớn gồm anh em, bà con, bạn bè của anh em ông: Trần Trung Dung, Nguyễn Hữu Châu, Trần Chánh Thành... Nhu, em ông, làm cố vấn, quyền rất lớn, lí thuyết gia của chế độ, Cẩn làm cố vấn ở Trung, gần như ông vua một miền. Tôi đã thấy ló cái mòi gia đình trị của họ Ngô, hỏi một ông bạn trong chính quuyền vào hàng bộ trưởng, ông ta đáp:

- Ông ấy mới về, không biết ai, nên phải dùng những người tin cậy, mà tin cậy thì ai bằng em, cháu trong nhà, vả lại em cháu ông ấy “đâu phải là hạng cùi”.

Bạn tôi muốn nói: bọn đó có bằng cấp cao, thông minh, tài giỏi, chứ kém gì ai. Chính ông ấy sau thành nạn nhân của chế độ gia đình trị của họ Ngô.

Diệm về được một hai tháng thì Bắc Việt phải lo việc tập kết 140.000 người ra Bắc trong hạn 100 ngày từ ngày kí hìệp ước Geneve; Nam phải lo vụ định cư cho trên 850.000 người Bắc vào. Hết một năm, chính phủ Diệm vẫn chưa gây được sự ủng hộ của nhân dân, tráí lại nhiều giới còn bất bình nữa. Giới trí thức cho ông là độc tài, quan liêu; giới công chức bảo ông thiên vị người Trung và người Bắc di cư; các giáo phái không ưa ông vì ông theo công giáo; còn dân chúng thì không biết ông vì ông là người Trung chưa có công lao gì với nước cả.


Dẹp giáo phái - Truất Bảo Đại

Sự chống đối mạnh nhất về phía giáo phái. Cao đài, Hòa hảo, cả Bình xuyên nữa, đều bất mãn. Lẽ thứ nhất: hết chiến tranh rồi, Pháp không trợ cấp hằng tháng cho họ nữa, mà trước kia họ có công chống Việt Minh. Họ lại mất lần quyền chúa tể trong vùng của họ, không còn được tự do “làm ăn", hoành hành, như vậy lấy gì để nuôi quân đội. Họ xin cho quân đội của họ được sát nhập vào quân đội quốc gia, còn chính họ thì phải được một ghế gì trong chính phủ. Diệm đưa ra những điều kiện họ không thể nhận được: bắt họ phải bỏ hết quyền lợi lãnh chúa của họ đi (chẳng hạn Bảy Viễn - Bình xuyên - không thu thuế cờ bạc ớ khu Sài gòn - Chợ lớn nữa, không nắm công an Sài gòn - Chợ lớn nữa...), còn quân đội của họ thì phải xé lẻ, mỗi nhóm sát nhập vào quân đội quốc gia ở một miền.

Họ bất bình, liên kết với nhau, đòi lật đổ Diệm, phái người qua Cannes yêu cầu Bảo Đại cử người thay Diệm. Bảo Đại lúc đó tuy làm quốc trưởng mà không về nước là do sự thỏa thuận ngầm giửa Mĩ và Pháp chăng? Ông ta chịu làm bù nhìn để lãnh một số tiền viện trợ vì biết vai trò của mình chấm dứt rồi chăng?

Chính tướng Nguyễn văn Hinh, quốc tịch Pháp, con Nguyễn văn Tâm, làm tổng tư lệnh quân đội quốc gia cũng ghét Diệm, đứng về phe giáo phái, và có lúc thế của Diệm lung lay, ngay người thân tín của ông ta - như giám mục Ngô Đình Thục - cũng khuyên ông từ chức. Nhưng ông tin ở sứ mạng Chúa trao cho mình, cương quyết chống các giáo phái, chống cả Bảo Đại lẫn Pháp. Nhờ Mĩ tung Mĩ kim ra, ông ta mua chuộc, chia rẽ các tướng Cao đài, lôi kéo được Trịnh Minh Thế về với mình, cách chức tướng Hinh, rồi dẹp được Bình xuyên (5-1955), Bảy Viễn phải bay qua Pháp; đánh tan phe Cao đài chống đối, Phạm Công Tắc phải trốn qua Miên (1956). Trong giáo phái Hòa hảo, Trần văn Soái (Năm Lửa), Lê Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ thấy thế yếu, phải đầu hàng, chỉ còn Lê Quang Vinh (Ba Cụt) ngang ngạnh, nổi tiếng tráo trở, sớm đầu tối đánh, nên Diệm phải dùng mưu, mời Ba Cụt tới một nơi ở Long xuyên để điều đình, rồi phục kích, bắt sống được Ba Cụt, xử tử.

Thế là trật tự lập lại, Nam việt được thống nhất. Tướng Lê văn Tị thay Nguyễn văn Hinh. Dương văn Minh được lên chức, trọng dụng. Trịnh Minh Thế tử trận, Diệm tiếc lắm. Hồ Hữu Tường, quân sư của Bảy Viễn bị đày ra Côn đảo.

Bảo Đại, Pháp đều không cứu được các giáo phái vì Mĩ chi tiền, bảo sao mà họ chẳng phải nghe? Rồi sẽ tới lúc chính họ cũng bị Mĩ gạt ra ngoài nữa.

Việc dẹp giáo phái đáng kể là một thành công của Ngô Đình Diệm.

Dẹp xong các giáo phái, chặt hết tay chân của Bảo Đại rồi, Diệm hạ luôn Bảo Đại. Bảo Đại biết vậy và cũng biết thế mình yếu, chỉ phản kháng một cách yếu ớt: tới phút chót, ngày 18-10-55, tuyên bố chấm dứt sứ mệnh của Diệm thì hai ngày sau có cuộc trưng cầu dân ý của Diệm: dân muốn truất phế Bảo Đại mà nhìn nhận Ngô Đình Diệm hay ngược lại? Ngày 23-10 Diệm thắng vớì 98% số phiếu, (Mĩ khuyên ông ta độ 60% cũng được rồí, ông ta không nghe) và tuyên bố thành lập chính phủ Cộng hòa.

Vậy là Mĩ đã thắng Pháp, người của Mĩ đã nắm hết quyền ở Nam. Ngày 20-7-56, hết hạn đóng quân ở miền Nam, Pháp rút 30.000 quân viễn chinh để đưa qua Algérie dẹp nghĩa quân Algérie; lúc đó Mĩ mới hoàn toàn mãn nguyện, ồ ạt đưa cố vấn quân sự qua giúp Diệm.


Chính sách nhà Ngô

Đối với miền Bắc, chính sách của Ngô Đình Diệm là

• từ chối cuộc bàu cử 1956 để thống nhất hai miền, lấy lẽ rằng ngoại trưởng miền Nam là Trần văn Đỗ không kí vào hiệp ước Geneve, nên chính phủ miền Nam không phải thi hành hiệp ước dó. Mĩ ủng hộ Diệm, cho rằng “ở Bắc chưa có những điều kiện thuận tiện cho một bầu cử tự do ở toàn cõi Việt nam”. Sự thực thì Mĩ không kí vào hiệp ước Geneve là đã có ý đó từ 1954 rồi.

• diệt tất cả những cán bộ Việt Minh nằm vùng ở miền Nam, dò xét, đàn áp những người trước có cảm tình với Việt Minh, tuy không theo kháng chiến, nhưng cũng không bợp tác với Pháp.

Công việc này, người của Diệm làm mạnh tay quá. Ở các thành phố còn khá: như trên tôi đã nói, tôi chỉ bị mật vụ dò xét, không được phép mở lớp mẫu giáo, chứ không bị tra hỏi gì hết; một anh bạn tôi ở Long xuyên mặc dầu đã dạy ở trường Trung học Thoại Ngọc Hầu lại có hồi làm quyền hiệu trưởng trường đó nữa, mà xin thôi để mở một lớp luyện thi Trung học đệ nhất cấp tại nhà, người ta cũng không cho. Ở thôn quê, tại những miền Kháng chiến như Cà mau, Đồng Tháp, không khí nghẹt thở hơn nhiều, nhiều người không thể ở được, phải bỏ nhà cửa ruộng nương ra tỉnh, ra quận sống. Nhất là ờ các tỉnh Quảng nam, Quảng ngãi, nơi mà thời chiến tranh Việt-Pháp hoàn toàn là khu giải phóng, bây giờ thuộc quyền của Ngô Đình Cẩn thì dân chúng bị đàn áp tàn khốc: người ta bắt dân phải làm xâu có nơi tám tháng một năm, người ta tịch thu tài sản những gia đình có người tập kết, người ta bắt vợ những người tập kết phải li dị chồng. Có chỗ nhà nào có người tập kết thì tối phải thắp một ngọn đèn đỏ ở trước cửa, y như các nhà thổ (nhà chứa gái mãi dâm) thời Pháp thuộc trước thế chiến. Đâu đâu cũng có phong trào tố cộng, buộc người dân phải tố cáo những người đã hoạt động cho kháng chiến. Đại đa số những người này theo kháng chiến vì tinh thần quốc gia, muốn đuổi Pháp ra khỏi nước, chứ không vì theo chủ nghĩa cộng sản; ngay các kí giả ngoại quốc cũng nhận như vậy, mà chính quyền họ Ngô thì cho rằng cứ chống Pháp là theo cộng. Do đó từ trí thức tới nông dân, ai cũng bất bình; chính phủ Diệm bất chấp Ủy ban kiểm soát Quốc tế gồm Ấn độ, Gia nã đại, Ba lan) và ủy ban không làm được gì cả.

Năm 1958 là năm thịnh nhất của nhà Ngô: bốn phần năm miền Nam đã được bình định, kinh tế cũng hơi thịnh lên nhờ viện trợ của Mĩ; nhưng đáng lẽ thành công rồi phải cởi mở lần lần cho dân dễ thở thì họ lại càng độc tài, càng có tinh thần gia đình trị, ưu đãi công giáo, đè nén Phật giáo: nhiều nơi Phật giáo không được cất thêm chùa, mà linh mục có quyền hơn tỉnh truởng.

Báo chí, sách bị kiểm duyệt gắt, lại thêm việc phát hành do một cơ quan của chính phủ (nhà Thống nhất) giữ độc quyền; mặc dầu vậy, ngôn luận vẫn còn tự do hơn Bắc nhiều.

Ngô Đình Nhu lập đảng Dân chủ và đảng Cần lao, công chức cao cấp nào cũng phải vô một trong hai đảng ấy; rồi lại lập thêm đảng Thanh niên Cộng hòa, đồng phục màu xanh dương. Vợ Nhu, Trần Lệ Xuân (con Trần văn Chương đại sứ ở Mĩ) lập hội Phụ nữ liên đới, "bà lớn" nào cũng phải vô; lại nắm đầu Quốc hội, hống hách sỉ vả bất kì ai dám trái ý mụ. Cẩn làm Chúa miền Trung, bộ trưởng nào ở Sài gòn ra Huế cũng phải vào yết kiến hắn; còn Ngô Đình Thục ở Vĩnh long thì tạo ra thuyết Duy linh chống với thuyết Duy vật của Cộng sản, bắt công chức nào cũng phải học. Họ chẳng được học điều gì mới cả, chỉ phảỉ nghe mạt sát đạo Phật và đạo Khổng. (1)

Những ngườí theo học đại đa số thờ Phật, đau lòng mà không dám cãi. (2)

Diệm-Nhu theo chính sách "ba Đ": Đảng (Cần lao), Đạo (Công giáo) và Địa phương (miền Trung). Chỉ công chức nào có đủ ba Đ đó mới được tin dùng, cho nên số tín đồ Công giáo tăng vọt lên, nhất là ở miền Trung; có giáo đường làm lễ rửa tội hằng trăm người một lúc.

Kinh tế bị họ Ngô và tay chân lũng đoạn: hầu hết các xí nghiệp lớn, công ti lớn bị họ nắm: ở Trung thuộc về Cẩn và bà Cả Lễ, chị của Diệm; ở Nam thuộc về vợ Nhu. Vụ bà Cả Lễ năm 1956 không chịu bán 5.000 tấn gạo theo giá chính thức là 656đ một tấn cho dân miền Trung lúc đó đương đói, mà cho chở lén ra Bắc bán lấy 1.700đ một tạ, làm sôi nổi dư luận, rồi cũng êm.

Rồi những vụ chuyển ngân, những vụ hối lộ, cấp giấy phép xuất nhập cảng nữa.

Người dân ghét nhất là vợ chồng Nhu lên mặt đạo đức, ra lệnh cấm hút thuốc phiện (mà có ai không biết là Nhu nghiện?), cấm đánh bài, uống rượu, cấm có nhiều vợ, cấm khiêu vũ cả trong tư gia.

Lại thêm cuộc cải cách ruộng đất thí nghiệm năm 1956-1957 không làm vừa lòng cả điền chủ lẫn nông dân.

Trong chiến tranh chống Pháp, các điền chủ bỏ ra thành thị hết, Việt minh chia đất của họ cho nông dân. Bây giờ Diệm bắt nông dân phải trả lại cho chủ cũ, nông dân bất bình. Còn điền chủ, tuy lấy lại được đất, nhưng mỗi người tối đa chỉ được giữ 100 héc ta, và chỉ đuợc thu của tá điền 25% số lúa gặt được (trước kia họ được thu 40%) nên cũng bất bình. Do đó, chính sách tuy công bằng, tiến bộ, mà thường có xung đột giữa chủ điền và tá điền, chủ điền nhờ cảnh sát quận can thiệp, nông dân càng phẫn uất, và Việt minh lợi dụng tình thế đó.

Dân nổi dậy chống đối
Hai vụ 11-11-60 và 26-2-62

Kết quả là từ thành thị đến thôn quê, mười người thì có tới chín người ghét gia đình họ Ngô.

- Ở thôn quê, những cán bộ Việt minh nằm vùng không sống nổi trong làng xóm, phải trốn vào bưng, lôi cuốn theo một số thanh niên. Mới đầu là ở miền Cà mau, Đồng tháp, từng nhóm nhỏ một không liên lạc với nhau. Họ đào vũ khí đã chôn giấu lên, chống lại với cảnh sát và quân đội của Diệm. Họ liên kết với tàn quân của Hòa hảo, nhất là của Ba Cụt, còn sót lại. Một số thanh niên, trí thức ờ Sài gòn cũng theo họ. Lần lần các nơi khác ở Nam, ở Trung cũng có những tổ chức như vậy, đó là nguồn gốc của Mặt trận Giải phóng miền Nam.

- Ở thành thị thì giới trí thức và chính quân đội của Diệm nổi lên chống. Năm 1960, một nhóm 18 nhà trí thức (trong số đó có 10 cựu bộ trưởng của Diệm) kí một tuyên ngôn tố cáo chế độ gia đình trị, độc tài của họ Ngô.

Họ bị bắt giam một thời gian; sau đó có mấy trăm công chức, quân nhân bị thanh trừng (tháng 9-10-1960). Ngày 11-11-60 bọn nhảy dù Vương văn Đông và Nguyễn Chánh Thi, ba giờ sáng đem quân chiếm các điểm quân sự ở Sài gòn, bao vây dinh Độc lập. Cảnh sát theo họ, sinh viên biểu tình ủng hộ họ. Đông muốn tấn công, Thi muốn điều đình với Diệm, chỉ buộc Diệm đưa vợ chồng Nhu đi xa, rồi sửa đổi chính sách. Một số cơ quan đã hạ hình Tổng thống Diệm. Diệm dùng kế hoãn binh, hứa láo, đợi quân của đại tá Khiêm ở Mĩ tho lên cứu. Rốt cuộc Khiêm giải vây được cho Diệm; Thi và Đông phải lên phi cơ trốn ra nước ngoài. Sau đó là một vụ thanh trừng lớn lao trong các công sở và trong quân đội.

Ngày 26-2-62, một cuộc nổi dậy nữa cũng thất bại. Sáng sớm, hai phi cơ dội bom dinh Độc lập. Vợ Nhu bị thương nhẹ. Diệm kịp xuống hầm núp. Dinh bị sập một nửa. Một phi cơ bị súng cao xạ ở dinh hạ, chiếc kia bay thoát được qua Cao miên. Diệm phải dọn qua dinh Gia long. Người Mĩ được báo tin trước vụ đó, không giúp mà cũng không cản. Họ mong rằng vợ chồng Nhu bị giết, nhưng vẫn muốn Diệm sống, và hình như kịp báo cho Diệm để Diệm xuống hầm núp.

Ấp Chiến lược - Trận Ấp Bắc

Năm 1962, Mĩ và Diệm thực hiện chương trình ấp Chiến lược, họ tính lập trên 11.000 ấp để gom 80% dân chúng vào trong những khu họ chỉ định, chung quanh có hàng rào dây kẽm gai. Nông dân phải bỏ ruộng nương, dời nhà cửa vào những ấp đó để họ dễ kiểm soát mà không tiếp tế, che chở cho quân giải phóng được nữa. Mĩ đốt phá, rắc thuốc khai quang những làng, xóm mà nông dân đã phải rời bỏ. Vào ấp chiến lược rồi, nông dân được chia ruộng cho làm, nhưng tối phải về ấp. Họ được phát súng để tự vệ. Nhưng dân càng ghét Mĩ, Diệm và trong nhiều ấp, Việt cộng vẫn len lỏi vào được.

Tinh thần phản kháng của dân càng tăng thì tinh thần quân đội càng xuống, đầu năm 1963 thua Việt cộng một trận lớn ở Ấp Bắc (Mĩ tho). Ngày 2-1 Mĩ-Diệm thấy 2 trung đội Việt cộng xuất hiện thình lình ở Ấp Bắc, tức tốc đem một lực lượng hùng hậu mạnh gấp 5-6 lần gồm 3 đại đội, sáu trung đội, với súng đại bác, nhiều xe tăng lội nước, nhiều trực thăng với lính nhảy dù, phi cơ phóng pháo... để tấn công, mà kết quả là thiệt hại 400 người, còn Việt cộng vừa chết vừa bị thương chỉ độ 30 người.

Washington uất ức về trận đó lắm, thấy rõ tinh thần kém cỏi của quân đội Diệm, bắt đầu chán Diệm, muốn thay đổi Diệm.


Phật nạn - Đảo chánh 1-11-63

Tháng 5 năm đó xảy ra vụ đàn áp Phật giáo. Hai ngày trước ngày Phật đản, Ngô Đình Cẩn ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo ở Huế, lại cấm đài phát thanh thông tin về lễ Phật đản. Dân chúng Huế bất bình, biểu tình trước đài phát thanh Huế. Chính quyền đem xe thiết giáp và lính lại giải tán. Có vài tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ. Có 8-9 người chết, khoảng 20 người bị thương.

Phật giáo miền Trung và miền Nam đòi chính phủ phải cấm ngay những sự kì thị, ngược đãi Phật giáo, bảo đảm cho Phật giáo được hưởng những giáo qui như Ki Tô giáo, phải bồi thường cho gia đình nạn nhân, trừng trị những kẻ chịu trách nhiệm.

Diệm do dự không chịu giải quyết. Chín giờ sáng ngày 11-6 thượng tọa Thích Quảng Đức 84 tuổi, tự thiêu ở góc đường Phan Đình Phùng và Lê văn Duyệt (Sài gòn) giữa một đám 800 nhà sư và tín đồ, làm xúc động cả thế giới. Người Việt nào cũng nguyền rủa anh em nhà Ngô. Sau vụ đó còn cả chục vụ tự thiêu nữa của các thượng tọa, đại đức ở nhiều nơi, từ Nam ra Trung.

Diệm chịu nhượng bộ một chút, hứa tôn trọng tự do tín ngưỡng, thả các tu sĩ bị giam, nhưng vẫn bảo ở Huế do Việt cộng gây ra chứ không phải nhân viên, quân đội của chính quyền. Vụ đó có nhiều bí mật, sự thực ra sao, không thể biết được.


Sáng sớm ngày 21-8 Nhu phái quân lính tới chùa Xá lợi, Sài gòn, bắt các thượng tọa. Thượng tọa Trí Quang trốn kịp vào tòa Đại sứ Mĩ. Ở Huế chùa Từ đàm bị phá. Nhiều giáo sư Đại học Huế, vài người ở chung quanh Diệm từ chức.

Cuối tháng 9, không khí Sài gòn gần như không khí ở Paris trong hồi Terreur (khủng bố) năm 1793-94. Mười gia đình thì chín gia đình theo Phật giáo mà Phật tử nào cũng có thể bị bắt giam nếu có kẻ tố cáo bậy bạ. Nửa đêm mà có xe cam nhông bít bùng tới đậu trước cửa nhà thì cả nhà run lên: hung thần đã tới. Nhà văn kiêm giáo sư Hư Chu bị bắt, vợ con không được thăm. Ông Paulus Hiếu lúc đó đã đổi tên là Ngô Trọng Hiếu làm bộ trưởng Công dân vụ, đuợc Diệm Nhu rất tin dùng, là bạn của Hư Chu khi ông ta từ Long xuyên mới lên Sài gòn, làm tổng giám đốc Ngân khố. Tôi viết thư cho ông ta nhờ ông xét xem Hư Chu có bị oan hay không. Ông ta không trả lời.

Tổng thống Kennedy không thể dùng Diệm được nữa, phái đại sứ Cabot Lodge qua thay Nolting và 13 giờ ngày 1-11-63, quân đội do Dương văn Minh, Trần văn Đôn, Tôn thất Đính cầm đầu, bao vây dinh Độc lập. Sáng hôm sau, quân lính xông vào thì Diệm và Nhu đã do một đường hầm trốn thoát, nhưng rồi quân lính tìm được họ trong một giáo đường ở Chợ lớn, bắt họ nhốt vào xe thiết giáp, đưa về Tổng hành dinh. Giữa đường họ bị giết.

Lúc đó Ngô Đình Thục ở Rome, vợ và con gái Nhu ở Mĩ. Cẩn ở Huế bị bắt đưa vào Sài gòn, sau bỉ xử tử. Nhà Ngô chấm dứt sau chín năm cầm quyền. Toàn dân thở phào ăn mừng.

Tướng Duơng văn Minh lên làm quốc trưởng, Nguyễn Ngọc Thơ, phó tổng thống thời Diệm, làm thủ tướng. Bọn thân tín của Ngô bị nhốt khám hết, gia sản bị tịch thu. Tượng hai bà Trưng ở đầu đuờng Hai Bà Trưng, phía sông Sài gòn, bị đập phá.

Thời Pháp thuộc, chỗ đó do tượng Rigault de Genouilly, một trung tướng hải quân Pháp đã đánh phá cửa Đà nẵng, dân chúng gọi là tượng Một hình. Sau cách mạng 1945, tượng đó bị hạ. Gần cuối đời, Ngô Đình Diệm cho dựng tượng Hai Bà Trưng thay vào, kẻ điêu khắc, nghe đâu được giải thưởng điêu khắc La mã (Prix de Rome) muốn nịnh vợ chồng Nhu, cho tượng có những nét của vợ và con gái Nhu, dân chúng thấy vậy, ghét lắm, gọi tượng đó là tượng Hai hình.

Thi sĩ Đông Hồ rất ít khi làm thơ thời sự, vậy mà sau khi tượng Hai hình bị đập phá, làm hai bài thơ Đường luật đăng báo Bút Hoa số 3 năm 1964,

Bài thứ nhất:


Tượng ai đâu phải tượng Bà Trưng
Tóc uốn lưng eo kiểu lố lăng
Đón gió lại qua người ưỡn ẹo
Chờ chim Nam Bắc dáng tung tăng
Khuynh thành mặt đó y con ả
Điêu khắc tay ai khéo cái thằng!
Chót vót đứng cao càng ngã nặng
Có ngày gẫy cổ đứt ngang lưng.

Bài thứ nhì:

Đây Một hình xưa nhục nước non,
Thay Hai hình mới đứng thon von.
Mình ni-lông xát lưng eo thắt,
Ngực xú-chiên nâng ngực nở tròn.
Tường đúc hiên ngang em với chị,
Hóa ra dìu dắt mẹ cùng con.
Dòng sông Bến Ngé dòng sông Hát,
Lưu xú lưu phương tiếng để còn.

Lòng thi sĩ oán mụ Nhu thâm thật. Hai bài đó là những bài Đuờng luật hay nhất về vụ đảo chánh 1-11-63. Xét chung thì bài dưới hay hơn bài trên, nhưng bài trên có hai câu tôi rất thú:

Khuynh thành mặt đó y con ả
Điêu khắc tay ai khéo cái thằng!

Bảo Đại bù nhìn của Pháp thì bị dân chúng khinh; tay sai của Mĩ, Ngô Đình Diệm thì bị toàn dân ghét; những “người hùng” (tướng) do Mĩ đưa lên sau này vừa bị khinh vừa bị ghét. Sự thất bại của Tây phương ai cũng thấy rõ.



B- Miền Bắc
Pháp mất hết quyền lợi


Chiều ngày 10-10-54 ở Hà nội không còn một lính Pháp, một ngọn cờ Pháp. Đạo quân viễn chinh của họ đã rút hết qua cầu Long biên để xuống Hải phòng.



Ngay từ khi kí hiệp ước Genève, Phạm văn Đồng, ngoại trưởng của chính phủ Cộng hòa nhân dân Việt nam đã gởi cho thủ tướng Pháp Pierre Mendès France một bức thư xác nhận những liên quan kinh tế và văn hóa giữa hai quốc gia: các xí nghiệp kĩ nghệ, thương mãi của Pháp vẫn tiếp tục hoạt động, không bị ngăn cản chút gì, tài sản của Pháp được tôn trọng, trường học của Pháp vẫn được mở cửa, các cơ quan văn hóa vẫn hoạt động.

Pháp phái Sainteny, người rất được cảm tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở qua Hà nội, để nối lại tình giao hảo với Bắc việt, cứu vãn những quyền lợi kinh tế và văn hóa ở Bắc, như các hoạt động ở mỏ Hồng Gai, nhà máy xi măng Hải phòng, nhà máy dệt Nam định, xưởng lắp xe hơi Renault...; viện Pasteur, viện ung thư, trường Viễn Đông bác cổ, trường trung học Albert Sarraut...

Sainteny được Hồ Chủ tịch tiếp đón niềm nở. Nhưng lần lần tình Việt-Pháp mỗi ngày một nhạt, vì ba nguyên do:

• Chính phủ Mĩ cho rằng Pháp đi nước đôi, chỉ lo bảo vệ ít quyền lợi của họ mà lơ là với việc chống cộng của phương Tây. Anh cũng đứng về phía Mĩ.

• Các nhà kinh doanh Pháp ở Bắc rất nghi ngờ cộng sản, sợ cộng sản quốc hữu hóa các xí nghiệp, đuổi họ về, nên đòi hỏi nhiều bảo đảm làm cho cộng sản bực mình. Rốt cuộc, công ti lớn nhất của Pháp là công ti than Bắc việt phải bán hết xưởng, bàn giấy, máy móc, đường rầy cho chính phủ Bắc việt.

• Chính phủ Pháp không chịu để cho Bắc việt có đại biểu ngoại giao ở Paris (như Sainteny ở Bắc), và cũng không can thiệp để buộc miền Nam phải tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 như đã ghi trong hiệp ước Genève. Pháp không thể vừa lấy lòng Bắc vừa lấy lòng Nam được, mà càng không thể không nhờ Mĩ viện trợ trong những năm 1954-56.

Ngày 13-5-55, hết kì hạn 300 ngày, quân đội Pháp rút khỏi Hải phòng, ảnh hưởng, quyền lợi của Pháp ở Bắc gần như không còn gì.

Trong 5 năm sau (1956-60) Bắc nhờ Trung hoa và Nga viện trợ để kiến thiết. Trung hoa cho vay 120 tỉ quan (cũ) Pháp, Nga cho không 34 tỉ. Bắc thiếu rất nhiều kĩ thuật gia, phải đào tạo gấp quá, kết quả tất nhiên là kém. Lại thêm, quá theo Trung hoa, trọng hồng hơn chuyên, nghĩa là cho những người có công trong kháng chiến, trung thành với tư tưởng cách mạng (hồng) giữ những chức vụ chỉ huy, mặc dầu về kĩ thuật (chuyên) họ không biết chút gì, vì chưa bao giờ được học. (3)



Kinh tế suy - Đời sống khắc khổ

Mấy tháng đầu, mức sống không xuống thấp lắm nhờ có hàng hóa nhập cảng các công ti Pháp, các nhà buôn Trung hoa, Việt nam để lại. Từ giữa năm 1955, hết những dự trử đó rồi, lại thiếu ngoại tệ để nhập cảng những hàng để tiêu thụ - phảỉ lo mua máy móc trước hết - cho nên toàn dân phải sống khắc khổ.



Vì chính sách “hồng hơn chuyên", sự quản lí xí nghiệp rất kém: không làm kế toán đàng hoàng, cuối năm không tính lời lỗ, nhiều xí nghiệp không biết thu được bao nhiêu, tiêu mất bao nhiêu, mất mát bao nhiêu.

Khi thấy công việc không chạy, người ta không nghĩ cách cải thiện phương pháp làm việc, cứ tuyển thêm người, tuyển thật nhiều mà hầu hết không biết việc, rốt cuộc số tiền trả lương thợ tăng hơn sức sản xuất nhiều. Theo G. Chaffard (sách đã dẫn) thì nhà máy xi măng Hải phòng trong một năm, số thợ tăng 34%, số lương trung bình tăng 24%, như vậy là số tiền trả lương tăng gần 70%, mà sức sản xuất chỉ tăng có 3,5%.

Về canh nông cũng vậy. Hợp tác xã quốc gia (coopérative nationale) có nhiệm vụ tập trung sự sản xuất thực phầm, quản lí dở quá, cũng lỗ, hụt.

Phải mua dược phẩm, vải, xe đạp, nhất là xăng của nước ngoài, mà các nhà máy phốt-phát, trà… chưa sản xuất để bán ra ngoài được, rốt cuộc chỉ trông cậy vào than Hồng gai và xi măng Hải phòng mà hãng xi măng Hải phòng thì như chúng ta đã thấy, quản lí dở quá, còn than Hồng gai thì trong mười lăm năm đầu, bán được bao nhiêu phải trả nợ cho Pháp hết (coi hai trang trên).

Dân chúng bắt đầu thất vọng. Nhất là những ngườỉ Nam tập kết chỉ mơ tưởng tới lúc được về Nam, lúa gạo đầy đồng, cá tôm đầy rạch. Một người đại diện của họ dám nói với Phạm Ngọc Thạch lúc đó làm bộ trưởng Y tế “Chúng tôi tập kết ra đây không phải để làm cu li trong các doanh nghiệp của chính phủ." Nhiều người đòi trở về Nam khi thấy năm 1956 không có tổng tuyển cử để thống nhất quốc gia như chính phủ đã hứa.



Cải cách điền địa - Vụ Quỳnh lưu

Cũng trong năm 1956 chính phủ còn bị một sự phản kháng nghiêm trọng của dân chúng vì việc cải cách điền địa. Chính phủ muốn tiến mau đến xã hội chủ nghĩa mà không hiểu hoàn cảnh nước mình, tâm lí nông dân - hoặc hiểu nhưng bất chấp - cho nên áp dụng đúng đường lối và kĩ thuật của Mao Trạch Đông.




• Mới đầu gây cho nông dân căm thù địa chủ. Người ta phái cán bộ trẻ về làng cùng làm, cùng ăn, cùng ở (tam cùng) với những bần cố nông trong làng, gây lòng tin của họ rồi vạch cho họ thấy họ bị điền chủ bóc lột ra sao, phải căm thù, diệt bọn đó, chính quyền sẽ ủng hộ, đừng ngại.

• Bước thứ nhì là chia dân làng thành nhiều thành phần: đại điền chủ, phú nông, bán nông, người làm nghề tự do...

• Qua bước thứ ba, cho hạng bần cố nông đã được học tập như trên, tố cáo rồi xử tội những kẻ thuộc thành phần địa chủ, tư bản.

Trong chương VII tôi đã nói đa số những người giầu nhất ở thôn quê Bắc việt chỉ có năm sáu mẫu ruộng (khoảng 1 héc-ta rưỡi tới hai héc-ta), cả vợ chồng con cái lảm mới đủ sống, không thể coi như các điền chủ, các lãnh chúa ở Trung hoa, Nga, Mĩ châu được. Một số rất ít có vài chục mẫu ruộng, dăm bảy chục mẫu đồi, chỉ bằng hạng điền chủ trung bình trong Nam thôi.

Việt Minh sở dĩ thắng được Pháp là nhờ sự góp sức của toàn dân: không gia đình nào ở nông thôn không có con cháu, anh em đi bộ đội, làm dân công, không giúp lúa gạo cho bộ đội. Chính quyền biết như vậy, nên ban hành một đạo luật riêng bồi thường cho những điền chủ nào không bóc lột, không tàn bạo với dân, hoặc đã có công giúp kháng chiến, mà chỉ trừng trị bọn cho vay nặng lãi thôi.

Nhưng nếu thi hành đúng thì mỗi làng chưa chắc đã có một người bị truất hữu, làm sao có một tỉ số dân bị xử tội cao bằng hay hơn Trung cộng được? Cho nên nhiều cán bộ muốn lập công, xử với dân thật tàn nhẫn; lại thêm nhửng vụ oan vì thù cá nhân, vì hống hách, những bất công khi chia đất, khiến dân chúng bất bình, nổi loạn. Theo Bernard Fall (sách đã dẫn - trang 184) thì trong vụ cải cách điền địa đó có 50.000 người bị giết và 100.000 người bị đưa vào các trại cải tạo.

Trường Chinh, một đảng viên thân Trung cộng, tổ chức vụ cải cách điền địa đó, bị dân chúng oán nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cách chức ông ta, bắt ông ta tự kiểm thảo, nhưng rồi lại giao cho một chức vụ quan trọng khác. (4)

Chính phủ sửa sai: những người nào bị xử oan thì được trả lại tự do, phục hồi quyền công dân... Tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Tài sản của các chùa, giáo đường được trả lại; bỏ cái lệ giam bắt người một cách độc đoán...

Sự sửa sai đó xảy ra khoảng đầu tháng 11, ảnh hưởng chưa kịp lan khắp nước thì từ 10 đến 20-11, hằng ngàn nông dân ở Quỳnh lưu, Nghệ an (quê hương Hồ Chủ tịch) nổi loạn lên chống sự kì thị công giáo và những sự bất công trong vụ cải cách điền địa. Quân đội tới dẹp, hơn một ngàn người chết hoặc bị thương, theo G. Chaffard. Nhưng theo B. Fall trong Les deux Việt nam (Payot 1967) thì có tin rằng gần 6.000 người bị đày đi xa hoặc bị giết.

Sau đó, Võ Nguyên Giáp, đại diện chính phủ, trong một buổi họp trước nhân dân Hà nội, tự thú tất cả những “lỗi lầm nặng” của chính quyền: cán bộ đã hành động một cách máy móc, coi tất cả các địa chủ là kẻ thù, cả nbững người đã theo kháng chiến... Lòng dân lúc đó mới dịu xuống.


Vụ Nhân văn - Giai phẩm

Nhưng ngay tháng sau (12-56) lại xảy ra vụ Nhân văn - Giai phẩm làm cho giới trí thức bất bình.



Cũng lại bắt chước Mao Trạch Đông nữa. Nguyên do là ở Nga, sau khi Staline chết năm 1953, Kroutchev trong đại hội 20 của đảng, cởi mở một chút cho văn nghệ sĩ - người ta gọi là thời “băng rã” (dégel) - và ra chỉ thị cho các nước đàn em làm theo. Mao nghe Kroutchev, tháng 5 năm 1956 đưa ra khẩu hiệu "Trăm hoa đua nở, trăm nhà lên tiếng" (5), cho các văn nghệ sĩ tự do hơn trong việc sáng tác, miễn là theo đường lối xã hội của đảng. Bọn văn nghệ sĩ mới đầu rụt rè phê bình, sau đả đảo mạnh tác phong “công thức”, sáng tác theo một chiều trong mấy năm trước, sau cùng họ được thể, chống lại đảng. Tới mức đó thì Mao đâm hoảng, lật ngược chính sách, thắt chặt lại hơn trước, tấn công bọn "xét lại" đó và thẳng tay trừng trị Đinh Linh, Phùng Tuyết Phong v.v...

Nhà cầm quyền Bắc việt lúc đó đương kẹt về vụ Quỳnh lưu, nên bảy tháng sau mới cho "trăm hoa đua nở". Một nhóm giáo sư và trí thức trong hai tạp chí Nhân văn và Giai phẩm mùa xuân liền viết bài tấn công tác phong công thức trong văn nghệ. Tờ Đất Mới của sinh viên hùa theo, chống đường lối chỉ huy trong đại học. Ngay tờ Nhân Dân nhật báo, cơ quan của Đảng, cũng đăng một loạt bài về nguyên tắc chuyên chính và vai trò của đảng chính trị trong một chế độ dân chủ nhân dân (démocratie populaire).

Một số lớn trí thức: học giả, văn sĩ, nghệ sĩ, cựu học, tân học, gặp cơ hội đó, cho phát ra tất cả những uất ức, dồn ép của họ, người thì khách quan, bình tĩnh phân tích những sai lầm như Đào Duy Anh, người thì đả phá với những lí luận sắc bén như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, người thì dùng giọng mỉa mai kín đáo mà cay độc như Phan Khôi; bừng bừng nhất là bọn thanh niên Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm...

Đầu năm 1957, chính phủ thấy họ hăng quá, ra lệnh phá ngầm: Mậu dịch không bán giấy in cho những tờ báo chống đối (họ không sợ, mua chợ đen); khủng bố người phát hành báo (họ cho sinh viên đi bán); Bưu điện không phân phát báo, cán bộ đi từng nhà khủng bố người đọc... Những biện pháp đó đều vô hiệu, cuối cùng chính phủ phải đóng cửa tờ Nhân văn, ông Hồ Chí Minh kí một sắc lệnh tước quyền tự do ngôn luận của báo chí, phạt từ 5 năm đến khổ sai chung thân những kẻ phạm cấm. Những tờ báo Trăm hoa, Đất mới, Giaì phẩm đều tự đình bản.

Năm 1958, ba trăm lẻ bốn văn nghệ sĩ phải đi chỉnh huấn, tự kiểm thảo rồi "học tập lao động", trong số đó có thạc sĩ Trần Đức Thảo (bạn của Sartre, Camus, ở Pháp về phục vụ quốc gia năm 1951, người buộc tội ông là thạc sĩ sử học Phạm Huy Thông), Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, nữ sỉ Thụy An. Phan Khôi vì đã bảy mươi ba tuổi, có công chống Pháp, bị tù hồi trẻ, theo kháng chiến từ đầu, một phần cũng nhờ con là Phan Thao, một cán bộ cao cấp, nên được yên, nhưng gần như bị giam lỏng, không được giao thiệp với ai.

Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường (có một bài diễn văn vạch những sai lầm trong cải cách ruộng đất, rất hay, lọt ra ngoại quốc, dịch ra tiếng Pháp) đều mất chức giáo sư đại học. Gia đình Trương Tửu bị bao vây kinh tế, mãi sau này mới được làm nghề châm cứu. Đào Duy Anh, người ôn hòa nhất trong nhóm học giả viết bài “Muốn phát triển học thuật", chỉ đưa ra ý kiến này: “Tư tưởng không tự do thì không tự do thảo luận được. Mặc dầu không ai cấm tranh luận (...) nhưng trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với nhừng người ấy, công tác học thuật trở thành những trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là đường cái, thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợỉ dây căng của người làm xiếc. Phải từ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật".

Ông chỉ viết có vậy mà bị treo giò mười lăm năm: bản thảo Tự điển chuyện Kiều bị gìm trên mười năm, sau nhờ Phạm văn Đồng can thiệp, nó mới được in và phát hành năm 1975. Học trò cũ của ông không ai dám lại thăm ông. Ông buồn rầu viết một tập Hồi kí kể những hoạt động chính trị và văn hóa của mình tử hồi hai mươi lăm tuổi để tỏ nỗi lòng ân hận đã lỡ nhúng bút vào vụ Trăm hoa đua nở và để phân trần rằng trước sau ông vẫn trung thành. Tập đó không in, chỉ đưa cho bạn thân đọc. Nhưng từ khi Việt-Hoa xung đột nhau, Mao bị chỉ trích, ông đã thành con người khác.

Năm 1956 thực là năm có nhiều biến cố trong chủ nghĩa xã hội: ở Đông âu là vụ Poznan ở Ba lan, vụ Budapest ở Hung gia lợi; ở Đông Á là Trung hoa, Việt nam.


Kinh tế phát triển rất chậm

Mới chia đất cho dân nghèo năm 1956, dân làm chủ chưa đuợc hai năm thì năm 1958, Phạm văn Đồng đã đưa ra chính sách tập sản (collectivisation) để mau tiến lên xã hội chủ nghĩa, rồi cộng sản chủ nghĩa. Đâu đâu cũng thành lập Hợp tác xã nông nghiệp: mỗi gia đình chỉ đuợc giữ một khoảnh nhỏ để cất nhà, làm vườn. Còn bao nhiêu ruộng đều là của chung hết: cầy bừa, cấy gặt chung, hoa lợi chia theo số ngày làm lụng của mỗi người, sau khi nộp cho nhà nuớc một số, bán cho nhà nước một số khác với giá chính phủ ấn định (rất rẻ). Nông dân bắt buộc phải vô hợp tác xã nhưng không hăng hái làm cho hợp tác xã, chỉ lo săn sóc việc nuôi gà, nuôỉ heo, trồng rau ờ nhà. Cho nên mặc dầu phương pháp canh tác có cải thiện, công trình thủy lợi có phát triển, chỗ nào cũng làm được hai mùa, có nơi ba mùa, còn thêm miền thượng du được khai phá, số lúa và hoa màu có tăng hơn năm đầu chế độ (1955) kha khá đấy, nhưng mức sống của dân năm 1960 vẫn rất thấp, vì dân đã quá đông mà lại tăng lên mau: 3% mỗi năm. Đã vậy, dân còn phải bớt ăn để chính phủ xuất cảng gạo mà trả nợ hoặc thu ngoại tệ!

Về kĩ nghệ, thiếu vốn, thiếu viện trợ, Bắc việt chỉ xây được những lò đúc thép ở Thái nguyên, một xưởng đóng tàu ở Hải phòng, vài nhà máy trà, còn hầu hết là những nhà máy cũ: nhà máy điện, nhà máy diêm, nhà máy dệt, nhà máy xi măng, mỏ than... Sự quản lí kém quá, nên không sản xuất được nhiều.

Dân chỉ đuợc bảo đảm hai bửa ăn mỗi ngày thôi, mà không có thực phẩm dự trữ. Vì vậy nhà cầm quyền tính trao đổi thương mãi với miền Nam; miễn miền Nam tách ra khỏi Mĩ, là Nam Bắc có thể đoàn kết với nhau được, giúp đỡ lẫn nhau.


Bắc giúp Mặt trận Giải phóng miền Nam

Ở trên tôi đã nói cán bộ cộng sản và nông dân miền Nam không chịu nổi sự đàn áp của Diệm, bỏ vô bưng từ năm 1957, tự tổ chức lấy chiến khu. Hai năm đầu, họ không được Bắc việt giúp đỡ gì cả, mà lực lượng cũng mỗi ngày một tăng, thắng quân chính phủ Diệm được vài trận nhỏ. Năm 1960 họ mới thành lập Mặt trận Giải phóng Miền Nam do một ủy ban lâm thời lãnh đạo.

Cuối năm 1961, một luật sư ớ Sài gòn, Nguyễn Hữu Thọ được mặt trận đón ra bưng và bầu làm chủ tịch. Đầu năm sau, Mặt trận đưa ra chương trình hành động mà những điểm chính như sau:


• tôn trọng hiệp ước Geneve. Mĩ rút các cố vấn về, không gửi vủ khí qua miền Nam nữa,

• thực hiện hòa bình ngay ở miền Nam, không bắt bớ, tra hỏi, khủng bố, đàn áp dân nữa,

• thi hành tự do dân chủ,

• thả tất cả tù nhân chính trị,

• bỏ chính sách độc quyền kinh tế; nhận viện trợ kinh tế của bất kì nước nào, miễn nước viện trợ không đặt điều kiện chính trị,

• theo chính sách trung lập; lập một khu trung lập ờ Đông dương, gồm Nam việt, Cao miên và Lào, ba nước này được hoàn toàn độc lập.

Mỹ không chịu mà còn tăng viện trợ cho miền Nam về quân sự và kinh tế hơn nữa.

Bắc việt mới đầu không giúp đỡ gì cả ngoài một số nhỏ khí giới chuyển vô qua đường Lào. Hồ Chí Minh do dự: Nga muốn sống chung hòa bình với Mĩ, không khuyến khích Bắc đem quân vô Nam, vả lại, Bắc cũng muốn yên ổn dể kiến thiết trong một thời gian; nhưng Trung hoa thúc Bắc việt giúp Mặt trận Giải phóng vì ghét Mĩ, lại thêm các cán bộ tập kết cũng hăng hái đòi trở vô Nam giúp bạn chiến đấu của họ. Rốt cuộc Bắc phải lén đưa quân vô. Theo Bernard Fall (sách đã dẫn tr. 408) thì trước 1960, trong ba bốn năm chỉ đưa vô từ 1.800 đến 2.700 người, năm 1963 khoảng 4.000 người.

Cũng theo Bernard Fall (tr. 466) thì năm 1962 Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đều nhận rằng thống nhất ngay Việt Nam lúc đó không có lợi gì vì Nam đã tan rã (các giáo phái, phe công giáo di cư, cả trăm ngàn người mang vũ khí. các châu thành lớn quá..., những cái đó gây ra rất nhiều vấn đề khó khăn), như vậy chỉ tạo thêm một gánh nặng cho Bắc, thà cứ để Nam làm một nước trung lập thịnh vượng như Finlande hoặc Autriche, một "cái cửa sổ ngó ra thế giới bên ngoài" mà lại có lợi hơn.

Nếu quả thực như vậy thì trước sau Hồ Chí Minh không muốn chiến tranh, sẵn sàng muốn thương thuyết, nhưng Mĩ thay Pháp ở Đông dương đâu có chịu giải pháp đó mà Diệm lại càng không chịu. Khi Diệm bị giết, quân nhân lên cầm quyền, Mĩ ồ ạt đổ quân lên Nam việt thì chiến tranh qua giai đoạn khốc liệt.


Chú thích:

[1] Một linh mục đăng báo bảo Trung Hoa sở dĩ thành Cộng sản vì theo đạo Nho vì Nho trọng dân mà khinh vua, xúi dân nghèo lật đổ chính quyền.

[2] Theo G. Chaffard trong Indochine, dix ans d’indépendance, thì bộ Thông tin của Trần Chánh Thành in một tài liệu cho biết kết quả từ 1954 đến 1960 như sau:

- có 893.291 buổi dậy thuyết Duy Linh, 18.759.111 người theo học, nhờ vậy mà bắt được 516 cán bộ cộng sản nguy hiểm, thu phục được 3.250 cán bộ khác.

- Công an, cảnh sát bắt được 25.700 cán bộ cộng sản, Bảo an đoàn bắt được 22.500 cán bộ khác.

[3] Năm 1980 Trung Hoa thấy chính sách đó sai, đổi khẩu hiệu là “Hồng thì nhất định phải chuyên”, dù là đảng viên mà không có khả năng kỹ thuật thì cũng không dùng. Nhưng họ thực hiện nổi chính sách mới đó không, lại là một chuyện.

[4] Năm 1981, ông được bầu làm chủ tịch nhà nước.

[5] Chữ Hán là “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh”, một câu mà học giả đời Hán đặt ra để ca tụng cổ học thời Đông Chu.



***


Chương XXII - Chiến tranh Việt Mỹ (1965-1975)

Các chính phủ quân nhân
Mĩ đưa quân sang
Vụ Mậu Thân
Vừa đánh vừa đàm - Hiệp định Paris
Những bí mật trong chiến tranh Việt Mỹ
Mĩ rút về, quân Nam tan rã, chiến tranh chấm dứt


Chương XXII: Chiến Tranh Việt Mĩ (1965-1975)

Về giai đoạn này tôi hoàn toàn thiếu tài liệu. Các học giả Âu Mĩ chưa viết về chiến tranh Việt-Mĩ từ 1965 (1) đến 1974; dù có viết rồi thì ở Việt nam chúng tôi cũng không sao có mà đọc được. Còn tài liệu của mình (báo hằng ngày, vài cuốn sử biên niên của Đoàn Thêm (Nam Chi tùng thư) thì sau hai lần chính quyền Cách mạng ra lệnh hủy bỏ sách vở, lần trước vào khoảng cuối 1975 hay đầu 1976; lần sau vào đầu 1978, rất ít gia đình dám giữ, phải bán cho “ve chai” (2) hoặc đun bếp, nên tôi không thể kiếm được. Tôi lại ngại tới thư viện để tra cứu vì thủ tục lúc này rất phiền phức đối với người như tôi. Vả lại những tài lỉệu đó rời rạc, có tính cách một chiều, không đáng tin lắm. Tôi đành nhớ đâu chép đấy, chắc chắn là sai - nhất là về niên đại - chỉ mong ghi lại được hướng của các biến chuyển cùng cái không khí của thời đại, tình hình của xã hội trong mười năm sau khi nhà Ngô bị lật đổ thôi.



Các chính phủ quân nhân

Một số kí giả phương Tây gọi thời đó là thời của “chính sách Diệm mà không có Diệm” (Diemisme sans Diem). Xét chung lời đó đúng; trừ chính quyền Dương văn Minh trong mấy tháng đầu, các chính quyền quân nhân thời sau đều chủ trương diệt Cộng, và lần lần hóa độc tài như họ Ngô, kiểm duyệt sách báo mỗi ngày một gắt, dân chúng vẫn khổ như trước, chỉ khác không có kì thị tôn giáo nữa. Những năm cuối của thời đó các tướng tá vơ vét cho thật mau thật nhiều bằng mọi cách: mua quan bán tuớc, chuyển ngân, buôn lậu vàng và thuốc phiện. Bọn cầm quyền sống cực kì xa xỉ: người ta tiêu không biết bao nhiêu triệu bạc trong một tiệc gả con: một chiếc bánh cưới cao mấy thước phải bắc thang lên để cắt, sâm banh chảy như suối.

Mới đầu dân chúng tin ở chính phủ Dương văn Minh (quốc trưởng), Nguyễn Ngọc Thơ (thủ tướng) nhưng chỉ một hai tháng sau người ta thất vọng: dùng người cũ, không có chính sách gì mới, không phải là một chính phủ cách mạng.

Nguyễn Ngọc Thơ muốn dùng lại lực lượng của hai giáo phái Cao đài và Hòa hảo; Mĩ cũng tin rằng chỉ giáo phái mới thực tâm chống cộng, và hi vọng dùng chính sách đó có thể rút lần cố vấn Mĩ về được.

Johnson lên thay tổng thống Kennedy bị ám sát khoảng hai mươi ngày sau khi Diệm bị giết, giữ đúng đường lối của Kennedy và có vẻ lạc quan, tăng cường viện trợ cho Nam việt, tính cuối năm 1965 sẽ diệt xong Việt cộng.


Theo W.G. Burchett trong sách đã dẫn thì Dương văn Minh tuyên bố muốn trung lập hóa miền Nam như De Gaulle đề nghị. Mĩ chống giải pháp đó, kiếm một “người hùng” - tướng Nguyễn Khánh - để thay Minh. Cuộc đảo chánh thứ nhì xảy ra không tốn một viên đạn. Dương văn Minh và các tướng Đôn, Đính, Kim đều bị Khánh bắt - sau Minh được thả. (Nguyễn Ngọc Thơ đã từ chức từ trước rồi).

Cabot Lodge (đại sứ Mĩ) chỉ muốn Khánh nắm quyền quân sự thôi nhưng Khánh lăm le nắm cả quyền dân sự, tỏ vẻ độc tài, ban hành hiến chương Vũng tàu, bị sinh viên biểu tình phản đối, và Mĩ lại phải “thay ngựa”. Khánh qua Pháp rồi, Mĩ thí nghiệm một chính quyền dân sự, đưa một kĩ sư canh nông ái quốc, khá có tiếng, Phan Khắc Sửu lên làm quốc trưởng, nhưng quân đội chống đối, đưa tướng Nguyễn văn Thiệu lên làm Chủ tịch ủy ban lãnh đạo Quốc gia, tướng Nguyễn Cao Kỳ làm phó chủ tịch.

Năm 1967, Thiệu và Kì được bầu làm tổng thống và phó tổng thống. Thiệu làm tổng thống bảy tám nãm, lúc thì dùng tướng Trần Thiện Khiêm, lúc thì dùng Trần văn Hương, một giáo sư già về hưu, có tiếng cương quyết, làm thủ tướng.

Chỉ trong mấy năm, Mĩ thay ngựa bốn năm lần mà tình hình cứ mỗi ngày một thêm bi đát.

Mĩ đưa quân sang

Năm 1964, Mặt trận Giải phóng thừa cơ Nam việt lục đục, chiếm được mấy ngàn ấp chiến lược. Chính sách ấp chiến lược là sáng kiến của Anh ở Mã lai. Anh đã thành công vì Mã lai chỉ có 8.000 Cộng sản mà quân đội Anh-Mã tới 450.000; lại thêm số dân trong các ấp chiến lược của họ ít - chỉ bằng 6% toàn dân - họ có thể dễ bảo vệ; còn ở Nam việt: Diệm tính nhốt hơn 9 triệu người, non 2/3 nông dân vào những ấp chiến lược, xây cất vội vàng, không đủ công sự, quân lính, khí giới để bảo vệ, cho nên các ấp sụp đổ rất mau.



Năm 1965, Bắc Việt được sự giúp đỡ cả của Trung hoa lẫn Nga, do đường Hồ Chí Minh (dọc theo dãy Trường sơn trên địa phận Lào) đưa hằng chục ngàn quân vô Nam, năm sau đưa thêm vô 40.000 và số quân của Mặt trận Giải phóng tổng cộng lên tới 282.000 (Bernard Fall – sách đã dẫn) và lúc đó 2/3 Nam việt đã bị Việt cộng kiểm soát.

Để cứu vãn tình thế, Mĩ phải đưa quân vô Nam, năm 1965 khoảng 100.000 người, sau tăng lần lần lên tới trên 500.000, cộng với quân của chính phủ miền Nam thì được trên 1.000.000, như vậy cũng chỉ bằng bốn lần số quân Giải phóng, mà như một chương trên tôi đã nói, Anh ở Mã lai đã phải dùng một số quân gấp 20 lần - có lúc 40 lần - mới thắng được Mã cộng.

Năm 1964 hay 1965, khi hay tin quân Mĩ sẽ đổ bộ lên miền Trung, tôi đã có một đoạn cảnh cáo trong một bài đăng trên tạp chí Bách Khoa, sau cho in lại trong cuốn Một niềm tin, nhưng bị kiểm duyệt đục bỏ, đại ý rằng sự đổ quân Mĩ vào nước mình đó sẽ gây rất nhiều xáo trộn trong xã hội mà người Mĩ sẽ bị dân chúng ghét. Người Mĩ chỉ làm cố vấn thôi thì dân chúng chấp nhận họ được (tổng thống Diệm hiểu điều đó, nên bắt cố vấn Mĩ đi ra đường không được bận quân phục); nhưng khi họ mang vũ khí tảo thanh, diệt người Việt - dù là Việt cộng - thì trong con mắt dân chúng, họ thành quân xâm lăng rồi. Trung hoa và Nga giúp Bắc việt nhưng không đưa quân qua chiến đấu, do đó, Bắc vẫn giữ được chính nghĩa.

Có thể chính quyền Mĩ cũng hiểu vậy nhưng không thể làm khác được vì tình hình Nam việt đã sắp sụp đổ đến nơi.

Ảnh hưởng về phương diện xã hội còn tai hại hơn nhiều. Quân Mĩ vung tiền ra để mua những thú vui nhục thể. Rất nhiều chị ở, chị bếp bán thân cho họ để họ “bao” và cuối tháng lănh một số tiền bằng mười số tiền khi giúp việc cho người Việt. Chúng mướn nhà và chịu trả một số tiền thuê gấp năm gấp mười tiền thuê bình thường. Rất nhiều người Việt chịu ở chật chội trong vài phòng sau nhà, để nhà chính cho Mĩ thuê. Kẻ có tiền thì cất nhà cho Mĩ mướn.

Chúng dâm loạn, nghiện bạch phiến, ăn cắp đồ để bán chợ đen. Chúng lại ngạo mạn, tàn nhẫn: ngồi trên xe nhà binh, xả súng vào trẻ em, liệng đá vào xe qua đường mà cười hô hố, cán người rồi dông.

Mỗi tên lính Mĩ tiêu mỗi tháng không biết mấy trăm đô la ở Việt nam; nửa triệu lính Mĩ mỗi năm đổ cả tỉ đô la vào nước mình; kinh tế phồn thịnh lên một cách giả tạo và trong xã hội xuất hiện một giới biếng nhác, sa đọa mà lại có nhiều tiền, cả quyền thế nữa. Một số thanh niên hóa điếm đàng, hút sách.

Do đó ai biết suy nghĩ một chút cũng oán Mĩ, thấy miền Nam chỉ là “một sân banh cho Mĩ quần nhau với Nga và Trung hoa”; đi lính cho miền Nam không phải là để bảo vệ tự do hay tổ quốc gì cả mà chỉ để đỡ đạn cho Mĩ, cho nên bị kêu nhập ngũ thì trốn, không trốn được thì vận động để được làm ở phòng giấy, khỏi phải ra mặt trận vừa bắn vào đồng bào của mình. Tinh thần chiến đấu rất thấp. Và một số trí thức biết rằng sống dưới chế độ Cộng sản không được tự do, nhưng vẫn mong cho Bắc Việt thắng vì tin rằng xã hội ngoài đó lành mạnh hơn, con người ngoài đó có lí tưởng hơn, nhà cầm quyền ngoài đó trong sạch hơn, có nhân cách hơn bọn tướng tá chính khách trong Nam. Họ không sống ở ngoài đó nên không biết dược sự thật ra sao, và sau này họ mới vỡ mộng.

Vì tinh thần chiến đấu của miền Nam mỗi ngày một sút - nhiều bài ca phản chiến được dân chúng rất thích - cho nên Mĩ dù đổ thêm quân vô, dùng khí giới tối tân, cũng chỉ chống đỡ được thôi chứ không thắng nổi Bắc Việt.

Năm 1965, Mĩ dùng một lực lượng hủng hậu tảo thanh “tam giác sắt” (chiến khu D) cách Sài gòn năm sáu chục cây số về phía bắc để quân Giải phóng hết chỗ núp. Họ đưa rất nhiều quân, xe thiết giáp bao vây khu đó, dùng phi cơ B-52 dội bom 500 ki lô xuống, theo chiều dọc, chiều ngang, không chừa một chỗ nào, như để cầy khu đó lên; lại dùng bom Napalm, hóa chất để đốt phá rừng bụi, rồi mới cho quân vào dò những chỗ có hầm, gặp thì phá hủy, vậy mà Việt cộng vẫn thoát được. Chiến dịch đó thất bại nặng hơn chiến dịch Navarre năm 1953 ở “con đường sầu thảm” nữa.

Trong hai năm sau, có những vụ kịch chiến ờ Pleime, Tây ninh, Chu lai, Khe sanh, hai bên đều tổn thất nặng.



Vụ Mậu Thân

Kinh khủng nhất là vụ Tết Mậu thân (1968). Tối ba mươi tết, dân Sài gòn vừa mới làm lễ rước tổ tiên thì có tiếng súng nổ mỗi lúc một nhiều, và nhà nào nhà nấy vội khóa cửa, đem theo ít quần áo thức ăn, dẩt díu nhau tản cư. Việt cộng đã đột nhập miền Chợ lớn, Bình hòa (Gia định), tiến vào giữa thành phố, bao vây tòa Đại sứ Mĩ trong sáu giờ. Từ trước vẫn có lệ Tết thì hai bên ngưng chiến trong vài ba ngày. Năm đó các tướng tá của mình từ trên xuống dưới quá tin hoặc khinh địch, không đề phòng gì cả, đều rời Sài gòn, đi xa ăn Tết, nên không kịp chống đỡ.


Lần này là một cuộc tổng tấn công: cùng một lúc hoặc cách nhau độ một hai ngày, 36 đến 44 thị trấn từ Huế vào tới Bạc liêu bị Việt cộng đột nhập như vậy. Toàn dân hoảng hốt, tưởng lần này thì Việt cộng chiếm trọn miền Nam rồi, vào ăn tết ở thành, chứ không phải là tuyên truyền như mấy tết trước.

Khắp thế giới ngạc nhiên và phục Việt cộng tổ chức cách nào mà chính phủ miền Nam không hay biết gì cả. Họ đã lén chở khí giới, đưa cán bộ vào Sài gòn, Huế... từ hồi nào, chôn giấu, ẩn núp ở đâu? Chắc chắn dân chúng đã che chở họ, tiếp tay với họ, không ai tố cáo cho nhà cầm quyền miền Nam biết. Trái lại mỗi cuộc hành quân lớn nhỏ nào của miền Nam họ đều biết trước ngày và giờ để kịp thời đối phó. Nội điểm đó thôi cũng đủ cho thế giớỉ biết họ được lòng dân miền Nam ra sao và tại sao Mĩ thất bại hoài.

Phải mất một tuần hay nửa tháng, Mĩ mới đuổi được quân Việt cộng ra khỏi Sài gòn; Sài gòn thiệt hại không nặng lắm. Ở Huế, tình hình bi đát hơn nhiều. Việt cộng hoàn toàn làm chủ trong một tháng, bắt giết kẻ hợp tác với Mĩ, vùi thây ngay trong vườn hoặc bên lề đường, hoặc trong những hầm tập thể. Họ bắt dân thường tiếp tay họ. Không rõ bao nhiêu người bị giết - có sách nói ít nhất 10.000 người, riêng một hầm chôn thây tập thể cũng đã chứa 1.000 thây người. Sau có nhiều kí giả chép lại vụ đó và một nữ sĩ, Nhã ca, quê ở Huế, viết Dải khăn sô cho Huế, Tình ca cho Huế đổ nát, lời rất xúc động. (3) Hình như không có phóng viên báo ngoại quốc nào có mặt ở Huế lúc đó.


Tại các thị trấn miền nam Trung việt, dân cũng bỏ nhà, tản cư hết. Có nơi heo đói quá, ăn thịt người; gà mổ gỉòi từ các thây ma bò ra. Chưa bao giờ dân tộc mình thấy những cảnh rùng rợn như vậy.

Mọi công việc buôn bán gần như ngưng trệ trong hai tháng vì thiếu phương tiện giao thông. Ngay đến quân nhân muốn trở về đơn vị mà cũng phải đợi nửa tháng mới có máy bay.

Khi Việt cộng rút ra hết các thị trấn rồi thì Sài gòn bị cái nạn hỏa tiễn địa-địa Việt cộng từ xa bắn vào. Một số nhà bị hủy ở gần chợ Bến thành và nhiều nơi khác. Khu của tôi yên ổn, nhưng nhà tôi cũng sợ quýnh lên, đòi lại khu Bàn cờ ở với mấy cô em mà khu đó không yên gì hơn khu tôi. Đa số dân chúng đều như vậy, hoảng hốt thì bỏ nhà mà đi, không suy nghĩ gì cả, có khi bỏ chỗ yên lại chỗ không yên. Tôi rất bình tĩnh, cứ ngồi ở phòng viết trên lầu mà dịchChiến tranh và Hoà bình của Tolstoi cho nhà Lá Bối. Thời đó xe cộ ít qua lại, ngoài đường ít người, khu tôi thật tĩnh mịch, rất thích hợp cho việc viết lách.

Một anh bạn lại chơi hỏi tại sao không xuống ngồi ở tầng dưới để được thêm một cái trần nữa che chở. Tôi đáp: “Các tủ sách để cả ở đây, viết ở đây tiện hơn. Tôi cứ coi như hồi còn ở căn nhà trệt, không lầu ở đường Huỳnh Tịnh Của.”

Sau biến cố Mậu thân, một số bạn tôi như gia đình Thiên Giang, giáo sư Lê văn Hảo ở Huế bỏ ra bưng rồi ra Hà nội.

Mấy năm trước đó, Thiên Giang đã hoạt động cho Cách mạng, muốn rủ tôi theo, tôi từ chối, tự xét chỉ thích hợp với việc trước tác thôi. Như hầu hết các nhà làm chính trị, ông ta có tinh thần đảng phái (sataire). Từ đó chúng tôi lần lần xa nhau, nhưng tôi vẫn giữ niềm hòa hảo với ông.

Khoảng 1970 hay 1971, một anh bạn khác dụ tôi ra ứng cử tổng thống vì anh ta cho rằng tôi có tiếng tăm trong nước, liêm chính mà lại không bị một vết nào: không hợp tác với Pháp, với Diệm, với Thiệu, không thân với Mĩ. Tôi mỉm cười đáp: “Chịu thôi, không đủ sức khỏe và mánh khóe.” và nghĩ bụng: “Cứ làm một thư sinh độc lập thì còn được một số độc giả mến, chứ ra làm chính trị thì chẳng được việc gì mà còn bị thiên hạ khinh.”



Vừa đánh vừa đàm - Hiệp định Paris

Từ năm 1965, Mĩ đã dùng phi cơ oanh tạc Bắc việt, có ý buộc Bắc phải điều đình. Mãi đến giữa 1968, hai bên mới bắt đầu thương thuyết với nhau ở Parỉs. Mĩ buộc Bắc phải rút hết quân về. Bắc cũng đòi Mĩ phải rút hết quân về. Nam không chấp nhận Mặt trận Giải phóng. Bắc đòi phảí chấp nhận. Từ đó đến 1973 họ vừa đàm vừa đánh. Để làm áp lựp, Mĩ oanh tạc mỗi ngày một mạnh hơn, nhưng càng oanh tạc thì thái độ của Bắc càng cứng rắn, dân chúng càng sát cánh với nhà cầm quyền. Phá hủy khu kĩ nghệ Thái nguyên, Bắc cũng không núng, oanh tạc các đường sắt, đê điều họ cũng không núng; Nga và Trung hoa càng viện trợ khí giới, đại bác. hỏa tiển, phi cơ cho họ.

Cuộc oanh tạc lớn nhất xảy ra năm 1972, sau vụ Bắc việt đại tấn công thành phố Quảng trị, san phẳng thành bình địa. Liên tiếp mười hai ngày, Hà nội bị dội bom. Mĩ còn thả thủy lôi trên các sông Bắc Việt, nhất là biển Hải phòng, không cho tàu Nga ra vô. Trung hoa chỉ lên tiếng phản đối gọi là, còn Nga thì trước sau làm thinh. Một số người ở Sài gòn nguyền rủa Mĩ mà cũng nguyền rủa cả Nga lẫn Trung hoa.

Chúng ta nên để ý: năm 1972, Nixon, tổng thống Mĩ qua thăm Mao rồi thăm Nga, chắc chắn là để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt nam, có lẽ vì vậy mà Mĩ mới dám ngang tàng dội bom Hà nội và phong tỏa hải cảng Hải phòng.

Cả thế giới bất bình với Mĩ: một anh khổng lồ mà ăn hiếp một chú bé, dùng những đòn nặng như vậy, thật vô liêm sỉ. Chính dân chúng Mĩ cũng chê kẻ cầm đầu của họ. Một triết gia Anh, Bertrand Roussell, lập một tòa án ở Na uy (?) để xử tội Mĩ.

Dội bom Hà nội 12 ngày rồi Mĩ ngừng để thương thuyết với Bắc Việt, và ngày 27-1-73, Mĩ, miền Nam Việt nam kí với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng hiệp định Paris có nhiều nước chứng kiến: Nga, Trung hoa, Pháp, Anh.

Tôi không nhớ rõ nội dung hiệp định đó, đại khái là Mĩ rút hết quân về. Bắc cũng vậy; Nam và Bắc trao đổi tù binh với nhau; ở miền Nam sẽ có một chính phủ lâm thời gồm ba thành phần: người của chính phủ miền Nam, người của Mặt trận Giải phóng và một số người không đứng về phe Nam hay phe Bắc, do hai chính phủ Nam và Giải phóng đề cử, số người đó là thành phần thứ ba.



Những bí mật trong chiến tranh Việt Mĩ

Trong chiến tranh Việt Mĩ có nhiều bí mật tôi không hiểu nổi. Mĩ thay Pháp ở Đông dương để chặn làn sóng cộng sản Trung hoa tràn xuống Đông nam Á. Vậy là mới đầu Mĩ thù Trung hoa, sau tại sao lại thân thiện với Trung hoa? Chỉ vì thị trường hàng tỉ người ở Trung hoa chăng? Hay là còn vì Mĩ biết Trung hoa thù Nga từ 1960, mà Trung hoa yếu hơn Nga, cho nên đứng về phía Trung hoa để cho thế lực của Nga giảm đi?

Nga, Hoa đều phải giúp Bắc Việt để chống Mĩ, nhưng cả hai đều gờm nhau: có hồi Trung hoa không cho khí giới Nga viện trợ đi qua Trung hoa để tới Bắc Việt, còn Nga thì không muốn Bắc Việt lệ thuộc vào Trung hoa nhiều quá. Nhờ uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh mà Bắc Việt giữ được tình hòa hảo với hai nước đó.

Hình như Nga có hồi khuyên Bắc Việt nhượng bộ Mĩ. Tại sao? Và chính trong hội nghị Paris, Trung hoa cũng muốn vậy chăng? Có phải là cả ba cường quốc Mĩ, Nga, Hoa đều muốn cho miền Nam trung lập, không lệ thuộc vào nước nào chăng?

Còn nhiều bí mật nữa, các sử gia chưa thể công bố được, mà các phóng viên báo Âu Mĩ chưa hề xuất bản một cuốn nào về chiến tranh Việt Mĩ, cho nên chúng ta đành chịu, không hiểu chút gì về những âm mưu của các nước anh chị để định đoạt thân phận của chúng ta.

Ngay từ 1968. trong bài tựa cuốn Bài học Israel tôi đã viết:

“Thực dân nào, bất kì đông hay tây, cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết; còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp. Do thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ; Ai cập bị Mĩ bỏ, rồi Nga bỏ (…)

“Càng đọc lịch sử thế giới tôi càng thấy đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại. Phải là một dân tộc có thực lực, có bản lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng, nhưng nếu lỡ mà gắn bó với họ thì sớm muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ. Còn các nước nhược tiểu thì chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế. Có lẽ chính Israel cũng hiểu như vậy nên năm 1967 họ đòi trực tiếp thương thuyết với Ả rập, không muốn Nga, Mĩ làm trung gian.

“Nội một điều này cũng đủ cho ta suy nghĩ. Từ sau thế chiến đến nay, cường quốc nào cũng đua nhau chế tạo võ khí cho thật tinh xảo, có sức mạnh tàn phá mỗi ngày một khủng khiếp. Năm nào cũng có những phát minh mới, thành thử võ khí nào tối tân nhất cũng chỉ ít năm hóa cổ lỗ. Họ có liệng xuống biển không, có phá hủy không, hay phải tìm cách “tiêu thụ” mà tiêu thụ ở đâu? Có ở trên đất họ không?”

Đoạn đó, năm 1979, đầu chiến tranh Việt Hoa, môt cán bộ Nam bảo tôi, bây giờ đọc nó mới thấm thía. Và cuốn Bài học Israel được nhiều người tìm mua ở chợ sách cũ mà không còn.
Đầu năm 1972, thấy Nixon sắp bỏ rơi miền Nam, tôi chua chát viết bài “Sau 18 năm tiếp xúc với người Mĩ” đăng trên tạp chí Bách Khoa. Xin dẫn dưới đây một đoạn:

“Họ (người Mĩ) đã tiêu hai trăm tỉ Mĩ kim, hi sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng triệu tấn bom, làm cho non triệu người mình bi giết, hằng vạn hằng ức mẫu vườn ruộng, hằng ngàn làng mạc bị tàn phá, gây biết bao tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi quả phụ, non mười năm rồi mà vẫn chưa giải quyết nổi chiến tranh này (…), rốt cuộc phải tìm cách thương thuyết.
Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một mặt họ lo vuốt ve Trung cộng (mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ) hi vọng tìm một giải pháp cho Đông dương, một mặt họ cấp tốc Việt hóa chiến tranh để rút lui. Họ hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút hết cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên cương” của họ như họ chủ trương, lên vai 17 triệu dân Việt nam, mà lại tính cắt hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đánh trống bỏ dùi không? Lương tâm họ ở đâu nhỉ? Thể diện của họ ở đâu nhỉ?”

Giọng gay gắt như vậy mà sở kiểm duyệt không bỏ một chữ, chỉ vì niềm phẫn uất của tôi là tâm trạng chung của mọi người.

Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh...) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng. Mĩ thất bại ở Trung hoa và Việt nam, nguyên nhân chính ở đó. Mà các thực dân da trắng không nhiều thì ít như vậy hết, tệ nhất là Mĩ. Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách thì dần dần đệ tam thế giới sẽ theo phe Cộng hết mặc dầu dân chúng không ưa chế độ độc tài của Nga, Trung hoa.



Mĩ rút về, quân Nam tan rã. Chiến tranh chấm dứt

Đúng là Mĩ chạy làng. Họ vội vã rút hết quân về, và khi không còn một lính Mĩ nào ở Việt nam nữa thì Bắc, Nam lại choảng nhau. Chủ trương Việt nam hóa chiến tranh của Nixon đã được thực hiện.

Mới đầu Nixon cũng cho phi cơ từ Phi luật tân hay đảo Guam trợ chiến với quân đội của Thiệu; nhưng khi nửa triệu quân Mĩ còn ở trên đất miền Nam, quân đội của Thiệu đã không có tinh thần thì bây giờ làm sao có tinh thần được? Thiệu xin thêm viện trợ tiền bạc và võ khí, quốc hội Mĩ không cho, Thiệu nổi khùng, chửi Mĩ thậm tệ hơn một giờ trên đài truyền hình.

Ngày 10-3-75 Việt cộng tấn công Ban mê thuột, ngày 11-3 Ban mê thuột thất thủ.
Ngày 15-3, Thiệu họp các tướng. quyết đinh bỏ Pleiku, Kontum một cách vội vàng, để lại hàng núi chiến cụ. Hai trăm ngàn dân bị bỏ rơi, mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân; Cộng quân chặn đường pháo kích; hai vạn dân bỏ mạng, hằng ngàn người kiệt sức, chết dọc đường.
Ngày 19-3 Quảng trị di tản.
Hôm sau, An lộc thất thủ, sau một thờí gian bị bao vây ngày đêm bị đại bác, hỏa tiễn nã vào.
Kế đó là Huế, Quảng ngãi, Đà nẵng, Qui nhơn, Nha trang bị Cộng quân chiếm một cách rất dễ. Cũng có một vài tướng rán chống cự, nhưng quân lính không tuân lệnh thì chỉ còn cách đào tẩu để thoát thân.

Đà lạt bỏ ngỏ, Phan rang đầu hàng, Phan thiết tan rã.

Ngày 21-4 Xuân lộc thất thủ (trước đó bốn ngày, Nam vang lọt vào tay Khmer đỏ). Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.

Ngày 26-4 Trần văn Hương yêu cầu lưỡng viện bàu người khác thay ông để thương thuyết với Mặt trận Giải Phóng.

Hôm sau đại tướng Dương văn Minh được bàu lên thay Hương.

Ngày 30-4 Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi buông súng cho đỡ chết dân. Mười hai giờ trưa, tướng Trần văn Trà ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Chiến tranh chấm dứt.


Có sách hay báo nói: trong chiến tranh Việt Mĩ này, miền Nam chết khoảng 200.000 quân, miền Bắc chết non 1.000.000 quân; thường dân cả hai miền chết trên một triệu. Trong số này chắc không kể những thường dân miền Nam chết trong khi chạy loạn tháng 3 và tháng 4-1975. Bi đát hơn cuộc chạy loạn của dân Paris tháng 6-1940 nhiều.

Từ miền thượng xuống miền đồng bằng, từ Huế vô Phan thiết, Biên hòa, trên khắp các lộ xe hơi, xe căm nhông chật đường, nhích từng thước một; dân chúng dắt díu, bồng bế nhau chạy. Vợ hay con chết ở dọc đường, đành phải vùi nông ở ngay bên đường rồi chạy... Chạy để tránh cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu thân mà người ta không sao quên được. Tới bờ biển Qui nhơn, Nha trang, Phan thiết… người ta nhảy ùm xuống biển, cố lội ra mấy tầu của Mỹ. Người trên tầu cũng là dân tị nạn, xô đẩy, có khi chém vào tay kẻ ở dưới biển đòi leo lên. Trẻ em chết đói, chết khát, chết bệnh ở trên bãi biển, cha mẹ gạt nước mắt, vủi thây chúng xuống cát.

Ở các phi trường, cảnh còn hỗn độn hơn nữa. Người ta bỏ lại hết các va li quần áo, tiền của, vàng bạc để cố leo lên phi cơ, mà cũng bị hất xuống, thế là của cải mất hết mà vẫn không thoát thân. Phi trường Tourane như vậy, phi trường Nha trang, Biên hòa đều như vậy, mà ngay phi trường Tân sơn nhất cũng vậy. Nghe nói có người bám lấy đuôi một chiếc xc Jeep để vào phi trường, bị xe kéo lết cả câv số.

Không có trận Điện Biên Phủ ở miền Nam - tướng Mĩ hứa từ trước như vậy và họ giữ đúng - nhưng còn nhục nhã gấp chục lần Điện Biên Phủ nữa vì họ chịu thua trước rồi, có chống cự tới cùng đâu. Thà như quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn được tiếng anh dũng. Chính người Mĩ cũng nhận chưa bao giờ nước Mĩ thất bại lớn như vây. Nguyên nhân thất bại cũng như Pháp mà lại mang tiếng phản bạn.

Vậy là hiệp định Paris kí ngày 27-1-73, chưa ráo nét mực đã bị xé. Ai xé trước? Lỗi tại ai? Không biết. Chỉ biết trong mười hai tháng đầu sau hiệp định, trung bình ở Việt nam chết thêm 1.000 người mỗi tuần nữa.

Năm 1976 có thuyết cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp không cho quân Bắc tiến vô quá Đà nẵng, nhưng rồi không cản được. Có thực vậy không? Cũng không biết. Vận mạng của bốn năm chục triệu dân Việt do cái gì quyết định? Không ai biết được.

Chiển tranh Việt-Mĩ chấm dứt sau 15 năm nếu kể từ ngày Mặt trận Giải phóng chính thức thành lập (1960), dài gần gấp hai chiến tranh Việt-Pháp.

Theo P. Singh trong Le jeu des puissances en Asie (Marabout 1974) thì chiến tranh đó làm thiệt hai triệu mạng người (chắc cho cả hai bên) và ở Việt nam cả Nam lẫn Bắc, Mĩ đã liệng trung bình nửa tấn bom xuống mỗi héc-ta đất.

Mĩ đã đổ vào chiến tranh đó trên 200 tỉ đô la.
____________

Chú thích
[1] Mĩ thay Pháp ở Việt nam từ 1954, nhưng chỉ thực sự đưa quân vào miền Nam từ 1965.
[2] Danh tử này như danh từ “đồng nát” ở Bắc, chỉ những người đi từng nhà mua đồ phế thải.
[3] Sau ngày 30-4, Nhã Ca phải đi trại cải tạo, mới được về năm 1979.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét