Nguyễn Ngọc Tư
Giao Thừa
Bởi Yêu Thương
Bao giờ qua cửa Sáu Tâm cũng cằn nhằn. Bao giờ qua cửa anh cũng thấy Điệp lúi húi dọn dẹp, nấu nướng gì đó, "Mấy chuyện lặt vặt, để tôi làm, sao không chịu nằm nghỉ không biết". Bữa nay thì tới lượt chị nhằn, Sáu Tâm về nhà với đôi đầu gối bê bết máu:
- Tâm lại té à. Đi đường phải cẩn thận chớ.
- Không - Anh bảo - Hôm nay dạy con San nó đi gối.
- Tuồng gì ?.
- Phàn Lê Huê.
Chị bắt anh ngồi xuống gường, khẽ khàng vén ống quần lên, tháo cái chân giả ra, băng bó lại đầu gối cụt chỏng chơ vẫn còn tươm máu. Sáu Tâm nghe một giọt nước mặn nhỏ xuống làm rát bỏng chỗ vết thương, anh càm ràm ( như tía chị ); "Khóc cái gì. Chút xíu vậy cũng khóc ".
Hồi trưa này, San cũng ôm đầu gối anh mà khóc.
San là học trò của anh, nó làm tiếp viên ở quán Mây Lang Thang. Trưa nào, anh kéo cái bội khăn đi ngang cũng thấy nó ngồi băng đá đằng trước sân ngó cuộc đời. Son tô, phấn trát đậm như mấy người lên đồng. Có bữa anh dừng lại chỗ gốc bàng, đứng rao : " Mười ngàn năm cái khăn. Khăn Mỹ... Tho có ho như thầy Minh cũng không rách. Mua khăn cô nhỏ. Khăn mới lau tủ cũ, cũ lau xe...", anh thấy nó cười. Một bữa nó hỏi, có phải ngày xưa Sáu Tâm từng làm kép hát không ? Sáu Tâm tự trào, tôi mặt rổ như " ga-mo-qua-xa-ky "( gà mổ quá xá kỹ), đầu tóc bù xù, xi cà que, mình mẩy lúc nào cũng hôi mồ hôi mà là kép chánh sao? Nói chơi hoài.
Nhưng San tin. Hồi đó đoàn Mây Mùa Thu về hát ở đình Tân Thuận. Hôm ấy, đoàn hát vở "Đời cô Lựu" thiệt khuya. Ông bán khăn này còn trẻ lắm, ông đóng vai Luân, mặc bộ đồ bà ba vá chằng vá đụp, quần thì xăn ống thấp ống cao. Lúc xả giàn là tới đoạn Luân quỳ xuống ngang gối, ôm cô Lựu ngẩng mặt lên, kêu mẹ. Trời ơi, San bưng rổ khoai ế đứng nhìn mà rưng rưng nước mắt, sao mà cô Lựu ôm Luân gọn gàng trìu mến đến như vậy, sao Luân hạnh phúc và sung sướng đến như vậy.
Đó là lúc San ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành đào hát. Ừ, trở thành đào hát, không cần phải đóng vai chánh, nổi tiếng làm gì, hát phụ cũng được, đóng vai ác, vai hầu gái, cung nữ, bà già cũng được... Nhưng San mê vai có má nhất. Dù người mẹ nghèo bị hắt hủi cỡ nào, người mẹ giàu tàn nhẫn cỡ nào để chia cắt duyên con (như mấy tuồng cải lương bây giờ hay hát), nhưng có làm gì thì hết thảy đều vì quá thương con mình.
San hai mươi bốn tuổi, hai mươi bốn năm má mất. Bà chết vì sinh khó. Cha San thường sau rượu, lúc say phà cái mùi hèm khăm khẳm vô mặt San, " Tại cái con vô dụng này nên tao mới khổ sở như vầy, vợ cũng chết, tiền cũng hết".
San cố sống để khỏi phải là đứa vô dụng. Áo cha rách, San khâu. Cha kêu buồn ói, San chạy lấy thau lại hứng, dấp khăn nóng cho người. Sáu tuổi nó đã è ạch nách cái rổ khoai lang luộc, xách thùng mía lạnh rảo chân khắp làng trên xóm dưới. Mười hai tuổi nó xin chạy bàn, rửa chén ở quán " Mây Lang Thang", mười tám tuổi nó lấy chồng. Phải lấy chồng mới có tiền lễ để cha nó đổi chiếc xích lô lấy cái Honda. Mà, đời kỳ thiệt, San lấy ngay cái thằng hồi nhỏ nó ghét cay ghét đắng. Nó nhớ như in những lần na cái thùng mía lạnh ngang qua nhà, thằng chồng nó lúc đó chừng mười, mười hai tuổi chuyên chặn nó lại, giật mía mà ăn. Có bữa San cự, thằng nọ vạch quần ra đái tỏn tỏn vô thùng mía, vừa đái vừa cười ha hả. Hôm đó, San về nhà mà trong tay không có tiền. Dì nắm tóc nó mà đánh, San có nói gì thì dì cũng không tin. Bây giờ lại lấy nhau, mỗi lần thấy chồng tuột quần, lòng San dậy lên một nỗi căm thù. Được hai tuần, San thôi, lại bỏ về quán Mây Lang Thang, nhưng không còn rửa chén mà ngồi trong mấy cái buồng vuông vuông nhỏ nhỏ để tiếp khách.
Ước mơ xưa chưa bao giờ trở thành hiện thực. Những khi quán vắng, San cố ngủ cho nhiều, ngủ là khỏi thấy lòng buồn, má hy sanh cho cái phận bọt bèo này làm chi không biết. Ngủ để coi có mơ thấy mình trở thành đào hát không. Ngủ vì không thích tụm lại với chị em để đánh bài, bàn số đề, giũa móng tay, nặn mụn hay đi mua sắm áo dây, váy ngắn.
Mất gần một tháng Sáu Tâm mới nghe hết câu chuyện đời của nó. Mỗi bữa ngồi đụt nắng dưới gốc cây còng trước quán, San kể anh nghe một đoạn. Nhưng anh kép cũ không nhắc gì đến vầng hào quang cũ, chỉ San ngồi nhắc hoài, nó kêu anh dạy nghề. Sáu Tâm bảo, " Nghề hát bạc lắm ". San bảo, nghề của em còn bạc hơn, bạc tại chỗ, những thằng mằn nắn mình, kêu mình bà xã ơi, cưng ơi, toàn là tụi coi khinh mình như rác. Dứt khoát, em phải trở thành đào hát, như đào Điệp ở đoàn chú vậy.
San nhớ, cô đào thiệt hiền, dân dã, tan buổi diễn để nguyên bộ áo dài nâu, cái đầu bới ngồi ăn cháo vịt. Thấy San cứ tần ngần nhìn, cô hỏi San đói không. San gật đầu, không đói nhưng vẫn gật đầu. Cô gọi thêm một tô cháo, biểu San ăn đi, ngồi kế cô mà ăn. San ngồi trước tô cháo nhưng cứ nhìn cô, chỉ mong được nép vô lòng kêu tiếng má. Đào Điệp hỏi, con bán khoai hả, sao tan hát rồi mà không về? Khoai còn hết? Cô mua cho. Ăn xong, con mau về đi, tan hát rồi, đường tối lắm.
San nhớ hoài cái khuôn mặt dịu dàng đó, bao giờ nó cũng nghĩ, má mình còn sống dứt khoát giống cố ấy. Nó kết luận, chỉ gặp một lần thôi mà em thương cổ suốt đời.
Câu chuyện làm cho Sáu Tâm xúc động, gương mặt đen đúa trầm lặng như tượng gỗ bỗng mềm lại. Anh bảo anh sẽ dạy. Ở đâu ư? Tại cái sân dưới gốc cây bàng này. Sân chật đầy lá rụng có bữa bỗng dưng biến thành sân triều. Sáu Tâm gọi, "Cung nữ !", San dạ, te te đi ra tay dâng chén rượu ngang mày. Người đời qua lại, có cười.
Đám khách nhậu trong quán biết Sáu Tâm là anh kép hết thời, cứ đòi nghe cho được. Mấy lần bà chủ quán ra biểu anh, " hát vài câu đi rồi có tiền" (như bà mẹ biểu đứa con nít ăn cơm đi rồi cho kẹo), lần nào Sáu Tâm cũng lắc đầu. Bà phật lòng, nghèo còn sĩ diện, nghèo mà không biết nghe lời người có tiền. San hỏi, anh bảo :
- Có làm gì, đi đâu, chưa bao giờ tôi quên mình là nghệ sỹ, nghệ sỹ là người của công chúng, người ta yêu mình bởi họ thấy mình cao quý hơn họ, tôi không thể vì tiền mà sống hèn được. Cô nhỏ, sau này có trở thành đào hát, cô nhớ lời tôi nghen.
Mỗi ngày, Sáu Tâm ghé chỗ San chừng mười mười lăm phút. Thời gian còn lại anh kéo cái bội đan bằng nan tre có gắn mấy cái bánh xe đi bán khăn, áo dạo. Anh cần tiền, nhiều tiền. Nhưng anh cũng muốn về nhà. Nên lúc nào trong lòng anh cũng như lửa đốt.
Nhà Sáu Tâm ở xóm Gò Mả. Xóm nhỏ tụm lại trên nền nghĩa địa cũ. Những ngôi nhà cửa trước luôn mở về phía nội ô như bị người ta lấn tới nên giật lùi đến đây. Nhà anh cất kề chòm mả lạng, anh không sợ, ma cũng như người, mình tử tế với họ thì họ cũng tử tế với mình. Chỉ ngại, những lúc anh không ở nhà, chị thế nào cũng mở cửa ra, nhìn những chòm cỏ xa xanh kia và nghĩ về cái chết.
Điệp càng ngày càng yếu. Chị ốm, mỏng như hột cốm dẹp. Tóc đã rụng đến nỗi ở xa chừng mười bước có thể đếm được từng sợi, từng sợi còn sót lại. Chị thôi xót xa rồi. Thôi từ cái bữa Sáu Tâm đã làm vỡ gương, chị nhắc hoài anh chưa mua lại. Thôi từ cái bữa mơ màng thấy anh nhặt tóc chị rụng trên gường đem đi giấu ở cái thùng đạn hồi trước đựng đồ nghề vá xe. Chị níu lấy anh, vùi nước mắt vô ngực anh mà ướt :
- Tâm ơi ! Tâm khổ vì tôi chi vậy ?.
Đâu mà biết nà. Tại duyên nợ. Điệp lớn hơn Tâm tròn con giáp. Lúc anh mới vô đoàn hát, anh gọi Điệp bằng chị, xưng em. Điệp toàn hát vai má anh, ráng lắm thì cũng vai em trai, loại em chuyên đi đưa thơ cho người yêu chị gái mình. Vậy mà yêu, yêu tréo cẳng ngỗng, cũng không biết để lòng thương lúc nào, ghê lắm cái lối thương thầm, thấy đầm đầm vậy chứ rứt không ra. Lúc đầu thì Điệp thấy buồn cười lắm, chị cứ theo chọc anh hoài, thí dụ tụi mình làm vợ chồng, phải gọi làm sao, Tâm ha ?.
Cho tới cái bữa về hát Vàm Lẽo, nữa đêm trải chiếu nằm ngủ dưới khán đài, sàn diễn đổ sập xuống, Sáu Tâm đẩy Điệp ra, chỉ anh là còn kẹt lại trong đống đổ nát. Xương ống quyển bị dập. Đau lắm, nằm một chỗ, không xoay mình được. Ông bầu cũng nghèo, tiếc tiền, cứ bảo, trặc chân chút đỉnh rồi sai người đi hái thuốc về bó, đắp thuốc tới khúc chân bị hoại, lầy lụa, người ta mới đưa anh đến bệnh viện. Tháo khớp. Nỗi đau không nói được bằng lời, lìa khúc chân là mãi mãi đứt lìa sân khấu.
Đó là những năm sân khấu cải lương lâm vào cảnh khó khăn. Đoàn hát phải biễu diễn khắp cùng quê xó, phải trưng dụng những dụng cụ phụ diễn đã bị nắng mưa làm mục nát. " Mưa Mùa Thu" rã gánh, ông bầu bảo, còn ai hát hò gì nữa, tới Hồng Điệp cũng phải bỏ nghề rồi, trông mong gì. Điệp cùng Sáu Tâm dìu dắt nhau đến cái xóm Gò Mả này. Chị không hối tiếc, cuộc đời người ta ngoài ăn với ngủ, thời gian còn lại là đi tìm một nữa của chính mình. Chị thì có anh.
Hai người, hai đôi tay hồi nào giờ chỉ quen múa gươm, lẫy roi, sảy ngựa với ba cái chân để kiếm sống. Cực khổ nhọc nhằn nhưng không nguôi thương nhớ nghề xưa. Điệp xin từ ông bầu rất nhiều món đồ diễn, đem về cất kỹ, thỉnh thoảng, chị mặc áo đính kim sa hát Mạnh Lệ Quân với anh. Lúc đó Điệp vẩn chưa phát bệnh.
Bây giờ chị không còn sống bao lâu nữa. Khối u ở cổ đã đi vào não. Gương mặt xinh đẹp của chị biến đổi, nhiều bữa ngủ thức dậy, đôi mắt sưng húp, mũi chảy máu ròng ròng. Tai bắt đầu ù ù không nghe rõ. Nếu không phải trang trãi tiền thuốc cho chị, Sáu Tâm đã không lang thang ngoài đường. Anh muốn được ở nhà, ở bên chị, nắm nuối từng giây từng phút, để lúc chị đau anh giúp cho ly nước, vốc thuốc, cái khăn ướt lau mặt, để ôm ghì chị vào lòng mỗi khi lên cơn vật vã. Nhiều bữa mưa dầm đụt ở mái hiên nhà nào đó, Sáu Tâm thèm được khóc. Anh nhìn mãi đôi tay mình. Đôi tay từng đi làm mướn, đi bốc mả, vá xe, đôi tay từng bưng bê ở nhà hàng này, quán nhậu nọ sao lại bất lực không thể níu giữ người mình thương.
Nhưng bao giờ anh cũng về nhà với khuôn mặt tươi cười. Cười không phải vì vui. Anh nghĩ, may mình là nghệ sỹ, nếu không, sao có thể cười giòn khi đang tan nát lòng đau. Nhiều khi, về tới đầu xóm, Sáu Tâm phải dừng lại, đốt điếu thuốc để lắng cảm xúc của mình lại.
Anh sợ cả lúc bước vào nhà thấy chị đang nằm ngủ, Điệp biết hết. Nên mệt mỏi thế nào chị cũng làm cái gì đó để đợi anh về. Chị thương anh quá.
May mà có San. Câu chuyện của nó làm cho cả hai người nhận ra họ đã sống một đời nghệ sỹ đầy ý nghĩa. Như San, họ chưa thay đổi được cuộc đời bất hạnh của nó nhưng đã an ủi nó nhiều. Điệp bảo :
- Em không tiếc gì đâu. Tâm đừng buồn cho em nữa, nghen.
Chị dặn, đừng nói cho San biết chị sống với anh, lại bệnh hoạn như vầy, " nó đã giữ trong lòng một hình ảnh đẹp để ước mơ, mình đừng phá hư đi ". Nhưng rồi một đêm chị không ngủ mà nằm nghe trái tim anh đập từng nhịp gấp rãi, anh đang sống, chị nói với lòng, cái cơ thể này đang sống, mình nỡ nào để anh tạnh nguội theo mình. Vô tình, chị nghĩ đến San.
Bất ngờ, một buổi trưa, San tới. Hôm đó Sáu Tâm không đi bán mà ở nhà lợp lại cái mái che đằng trước, lúc này trời trở gió, mưa cứ tạt vô nhà. Anh còn kịp chạy lại lấy cái khăn vắt đầu gường đội lên đầu cho chị như vẫn thường làm khi khách đến nhà. San hơi khựng lại, nhưng nó nhận ra cô đào Điệp năm nào. Vẫn còn đó một đôi mắt hiền, hơi ướt, dịu dàng :
- San phải không ?.
Và còn đó một giọng nói mềm như lá lụa non.
Đó là một ngày trời oi nắng, mây đứng trân trên trời. Đó là ngày San nhận ra, trước người đàn bà đau ốm này đây, mình vô tình gây nên tội, tội đẹp. Và tim nó thắt lại một cái đau nhói, vậy ra, người đàn ông bán khăn áo dạo không ở một mình. Không biết làm gì, San lại mở cửa sổ ra, nhìn những chòm cỏ xa xanh,nó kêu lên, "trời ơi, ở đây bảnh thiệt, em thích một căn nhà như vầy lắm", lòng vừa đau vừa thẹn thùa cười cái cọc đi kiếm con trâu.
Sau này, mỗi khi rảnh, dù Sáu Tâm có kéo cái bội khăn lang thang trên đường phố, San cũng lại nhà. Căn nhà mà hồi mới thấy xa xa, nó tưởng là nhà của mình. Bây giờ, lại đó, San quét nhà, nấu cơm, đợi Điệp ngủ San kéo mềm tới cằm cho chị rồi lượm những sợi tóc buồn xơ xác như những chiếc lá lìa cành đem đi giấu. Bữa trưa đầy gió, chị biểu San đem lược lại chị chải tóc cho. Nó có mái tóc hệt chị ngày còn trẻ. "Tụi mình có nhiều cái giống nhau nghen. Chị cũng không có má, lớn lên trong trại mồ côi. Chị đến với sân khấu để vay mượn những thâm tình mà mình chưa hề có. Hồi nhỏ chị cũng cực lắm, nhưng không đến nỗi sa chân như San. Chị em mình còn một chuyện giống nhau nữa, đố San biết, tụi mình cùng thương anh Sáu, thương lắm, phải không ?".
San ngơ ngác hết mấy giây rồi lắc đầu. Chị bảo đừng giấu chị. " Ừ, nếu không chê Tâm tàn tật thì bao giờ chị đi cho chị gởi lại. Em làm lại cuộc đời đi, Tâm rộng lòng lắm, không chấp nhứt chuyện này nọ đâu. Tâm dễ tánh. Mặc gì cũng được, ăn gì cũng xong. Con người đàng hoàng, nghệ sỹ mà đàng hoàng, không phù phiếm, buông thả. Kiếm người tin được không phải dễ đâu, San".
San không trả lời, không thể nói dối lòng rằng " Thôi! ", nhưng cũng không thể gật đầu cái rụp. Có phải là trao trái chanh trái bưởi cho nhau đâu mà một người đàn bà trao người mình thương yêu nhất cho một người đàn bà.
Sáu Tâm không biết chuyện này. Tối lại nằm gối đầu lên tay anh, chị bảo, " San nó thương anh lắm". Anh cười, "Tôi bây giờ đã thành ông già, còn cô nhỏ đó..." Chị cũng cười, "Có sao, như Tâm với em". Sáu Tâm biểu, " Ngủ à nghe". Nhưng chị biết anh vẫn thức bởi những ý nghĩ mới mẻ trong lòng. Chị thì ngủ, giấc cuối cùng, sâu thiệt là sâu. Đắp cỏ muôn đời.
.... San bỏ quán Mây Lang Thang, chiều chiều ngồi bán chuối, khoai lang nướng mỡ hành bán ngoài cổng nhà văn hoá. Hỏi về giấc mơ trở thành đào hát. Nó cười đã bỏ lâu rồi. Đi hát lỡ nổi tiếng, thí dụ thôi nghen, người ta biết lúc trước tôi từng làm tiếp viên quán bia thì nhơ danh cả một giới nghệ sỹ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả nền sân khấu nước nhà.
Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét