Tranh Tuyền Nguyễn |
Cái hòm
Edgar Allan Poe
Vài năm trước tôi có việc phải đi từ Charleston Anh quốc đến New York ở Hoa Kỳ. Tôi đặt chỗ trên con tàu thư tín “Independence”, một chiếc tàu tuyệt vời do Thuyền trưởng Hardy chỉ huy. Theo lịch trình, chúng tôi sẽ nhổ neo vào ngày 15 tháng 6, thời tiết lúc này đang rất thuận lợi. Và thế là vào ngày 14, tôi bước chân lên boong tàu để thu xếp chuyện buồng ở cho mình trong chuyến đi.
Nhìn vào danh sách, tôi thấy số hành khách đi chuyến này cũng không ít, trong đó số hành khách là các quý bà quý cô có vẻ nhiều hơn bình thường. Trong danh sách có vài người tôi quen, và tôi rất mừng khi nhìn thấy cái tên Cornelius Wyatt, một họa sĩ trẻ mà giữa chúng tôi từng có nhiều kỷ niệm rất dễ chịu. Anh với tôi là bạn cùng lớp ở Đại học C., và chúng tôi vốn rất thân thiết với nhau. Anh có tính khí thường thấy ở các thiên tài, một sự kết hợp của tính khinh người, sự nhậy cảm và lòng nhiệt tình. Thêm vào cho những phẩm chất này, anh còn là một người có trái tim nồng nhiệt và trung thành nhất mà tôi từng biết.
Tôi thấy tên của anh được đăng ký cho ba buồng trên tàu, hai buồng chính và một buồng phụ, và nhìn vào danh sách hành khách tôi mới biết anh đặt chỗ cho anh cùng với cô vợ mới cưới và hai cô em gái của anh. Buồng ở cho khách ở trên tàu này cũng khá rộng, mỗi buồng có hai giường ngủ chồng lên nhau. Giường ngủ trên tàu chắc chắn là khá hẹp vì chỉ dành cho một người; nhưng, điều khiến tôi lấy làm lạ là tại sao lại phải có những ba buồng cho bốn người này. Hồi đó tôi là một trong số những kẻ hay tọc mạch những chuyện riêng của người khác, một thói xấu làm cho người ta trở nên tò mò khác thường với những chuyện vặt vãnh không đâu. Và tôi phải xấu hổ mà thú nhận rằng lúc đó tôi cứ mải loay hoay với những phỏng đoán xấu thói và hết sức ngớ ngẩn về vấn đề số buồng quá nhiều này. Rõ ràng đó đâu phải là việc của tôi; nhưng chẳng qua chỉ tại cái tính ngang ngạnh cố chấp mà tôi đâm ra ép mình phải giải đáp điều bí ẩn này. Cuối cùng tôi đi đến một kết luận rất đơn giản, một kết luận khiến tôi phải ngạc nhiên là tại sao tôi lại không đoán ra ngay cơ chứ. “Buồng đó dành cho người hầu, dĩ nhiên là như thế rồi” tôi tự nhủ, “mình ngốc thế, sao lại không nghĩ ra sớm chứ!” Và rồi tôi nhìn lại bản danh sách - nhưng trong danh sách tôi thấy rõ là không có người hầu đi cùng trong nhóm người này: mặc dù thoạt đầu trong đó có ghi “và người hầu”, nhưng sau đó nó đã được gạch đi. “Ô, chắc là có thêm hành lý, hẳn thế”. Bấy giờ tôi mới tự nhủ - “có thứ gì đó mà anh không muốn để ở khoang hành lý nhỉ, một thứ gì đó mà anh muốn lúc nào cũng để mắt đến. À, mình nghĩ ra rồi, một bức tranh hay thứ gì đó tương tự, và đó là thứ mà anh đã thương lượng với Nicolino, gã người Ý gốc Do Thái”. Ý nghĩ này làm tôi thỏa mãn, và trí tò mò của tôi cũng tạm thời được xoa dịu.
Tôi biết rất rõ hai cô em gái của Wyatt, đó là những cô gái hết sức dễ thương và thông minh. Còn cô vợ mới cưới của anh thì tôi chưa từng biết mặt. Nhưng anh vẫn thường kể cho tôi nghe về nàng bằng những lời lẽ hết sức cuồng nhiệt. Anh miêu tả nàng như một người phụ nữ có sắc đẹp khác thường, rất hóm hỉnh và rất có tài. Vì thế lẽ dĩ nhiên là tôi vô cùng hồi hộp chờ đợi giây phút được làm quen.
Vào cái ngày tôi đến đăng ký buồng (ngày 14) thì Wyatt và bầu đoàn thê tử cũng sẽ đến - ông thuyền trưởng đã báo cho tôi biết thế. Vì vậy tôi cố nấn ná chờ trên boong cả giờ đồng hồ, hy vọng sẽ được giới thiệu với cô dâu mới; nhưng thay vì thế là một lời xin lỗi được chuyển đến. “Bà Wyatt hơi khó ở, vì thế sẽ chỉ lên tàu vào ngày mai, trước khi tàu nhổ neo”.
Sáng hôm sau, tôi đang sửa soạn rời khách sạn để ra cầu tàu thì Thuyền trưởng Hardy cho người đến gặp tôi và bảo rằng “Vì hoàn cảnh đặc biệt” (một cách nói ngớ ngẩn nhưng khá tiện lợi), “nên con tàu Independence không thể ra khơi trong một hai ngày tới. Khi nào mọi việc đã thu xếp xong, ông sẽ cho người đến báo cho tôi ngay”. Tôi nghĩ chuyện này hơi lạ lùng, vì lúc này là đang thời điểm có gió nam; nhưng ‘hoàn cảnh đặc biệt’ là gì thì ông không cho tôi biết, mặc dù tôi đã rất cố gắng để gặng hỏi. Vậy là tôi chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc quay về khách sạn ngồi chờ.
Trong gần một tuần lễ tôi không nhận được tin tức gì từ thuyền trưởng. Cuối cùng rồi cũng có thông báo mà tôi vẫn chờ đợi, và tôi lập tức lên tàu. Có khá đông hành khách tụ tập trên boong, và mọi thứ huyên náo lộn xộn như vẫn thường thấy mỗi khi tàu nhổ neo. Bầu đoàn nhà Wyatt lên tàu chỉ sau tôi chừng mười lăm phút. Có hai cô em, cô dâu mới và chàng họa sĩ - anh chàng mang cái vẻ mặt lạnh lùng u ám quen thuộc. Anh thậm chí không buồn giới thiệu tôi với cô vợ mới cưới, mà đùn nghi thức này cho cô em gái Marian - một cô gái rất dễ thương và rất thông minh - cô ta giới thiệu hai chúng tôi với nhau bằng vài lời vội vàng.
Cô vợ mới của Wyatt choàng tấm khăn voan che kín mặt; và khi nàng nâng khăn lên để đáp lại lời chào của tôi, thì phải thú nhận là tôi vô cùng sửng sốt. Có lẽ tôi đã kỳ vọng quá nhiều, tuy kinh nghiệm trường đời dù chưa nhiều nhặn gì cũng đã cảnh cáo tôi chớ có quá ngây thơ tin tưởng vào những lời miêu tả cuồng nhiệt của anh bạn tôi, nhất là khi anh ta đang yêu mê mẩn. Còn nói về sắc đẹp, thì tôi đã quá rành anh ta có thể bốc đồng và cao hứng đến cỡ nào trong cái lĩnh vực chỉ toàn là những ảo tưởng thuần túy này.
Sự thực thì tôi không thể không coi bà Wyatt như một người đàn bà không được ưa nhìn cho lắm. Nàng không đến nỗi xấu quá, nhưng tôi nghĩ bảo nàng khá xấu thì cũng không quá xa sự thật bao nhiêu. Nhưng được cái nàng ăn mặc rất trang nhã - và rồi tôi không nghi ngờ gì, chắc chắn là nàng đã cầm tù trái tim tội nghiệp của anh bạn tôi bằng những vẻ đẹp bên trong, vĩnh cửu hơn của nàng - đó là trí tuệ và tâm hồn. Nàng chỉ nói với tôi vài lời ngắn ngủi rồi lập tức đi vào buồng cùng với ông chồng.
Trí tò mò của tôi lúc này lại quay trở lại. Không có người hầu - đó là điều dứt khoát. Do đó tôi tìm hiểu đống hành lý. Chẳng bao lâu sau một chiếc xe ngựa chạy vào cầu cảng chở theo một chiếc hòm dài bằng gỗ thông với ba ổ khóa to tướng, có vẻ đó chính là thứ mà tôi chờ đợi. Ngay sau khi chiếc hòm được mang lên boong thì con tàu lập tức nhổ neo. Chẳng mấy chốc nó đã an toàn vòng qua kè chắn sóng và thẳng đường ra biển khơi.
Vấn đề của cái hòm, như tôi đã nói, là nó khá dài. Nó dài chừng hai mét, rộng một mét và cao chừng sáu tấc. Tôi đã quan sát nó rất chăm chú, kích thước chính xác là như vậy. Hình dáng cái hòm đúng là đặc biệt; và ngay khi nhìn thấy nó, tôi đã biết phỏng doán của tôi là chính xác. Tôi đi đến kết luận rằng thứ hành lý đặc biệt mang theo của anh bạn tôi - một họa sĩ - chắc chắn là những bức tranh, hay ít ra cũng là một bức tranh; vì tôi biết vài tuần lễ trước đây anh đã có cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với tay Do Thái buôn tranh Nicolino. Và bây giờ cái hòm ở đây, cứ theo hình dáng của nó thì vật bên trong chẳng thể là cái gì khác trên đời ngoài bản sao bức tranh “Bữa tiệc ly” của Leonardo de Vinci, một bản sao rất giá trị, do chính Rubini con ở Florence thực hiện. Nhân một lần nọ tôi đã biết bản sao này thuộc sở hữu của Nicolino. Đến lúc này thì tôi xem như vấn đề đã được giải quyết. Tôi vô cùng khoái trá khi nghĩ đến sự sắc sảo nhạy bén của mình. Đây là lần đầu tiên tôi biết Wyatt giấu tôi một bí mật trong nghề nghiệp nghệ sĩ của anh; nhưng anh rõ ràng là định qua mặt tôi, mang lậu một bức danh họa đến New York ngay dưới mũi tôi; cho rằng tôi sẽ chẳng biết gì về chuyện này. Nhưng tôi đã giải được câu đố của anh, bây giờ và mãi mãi.
Tuy vậy, có một điều làm cho tôi thắc mắc không ít. Đó là cái hòm không được đưa vào căn buồng phụ, mà lại đặt ngay trong buồng của Wyatt. Ở đó nó chiếm hầu như toàn bộ không gian còn trống trong buồng, không nghi ngờ gì là nó sẽ gây rất nhiều bất tiện cho chàng họa sĩ và cô vợ của anh ta. Một điều đặc biệt khác nữa là những dòng chữ viết trên nắp hòm, chúng được kẻ bằng nhựa đường hay sơn ta, hay một thứ gì đó có mùi hăng hắc khó chịu: “Bà Adelaide Curtis, Albany, New York. Người gởi: Cornelius Wyatt. Mặt này lên trên. Xin nhẹ tay”.
Lúc này tôi đã biết bà Adelaide Curtis ở Albany là mẹ vợ của chàng họa sĩ. Nhưng rồi tôi nhìn toàn bộ dòng địa chỉ mà lấy làm khó hiểu, tất nhiên là chỉ với chính tôi. Bởi vì tôi vẫn nghĩ rằng cái hòm và những gì chứa trong đó sẽ chẳng đi đâu xa hơn về phía bắc, quá xưởng vẽ của anh bạn tôi nằm trên đại lộ Chamber thành phố New York.
Ba bốn ngày đầu tiên trên biển thời tiết rất đẹp, mặc dù gió cứ lặng dần đi. Con tàu thả trôi chêch một chút về hướng bắc ngay sau khi bờ biển biên mất trong tầm nhìn của chúng tôi. Kết quả là các hành khách đang cơn cao hứng tranh thủ làm quen với nhau. Tuy vậy, tôi cho là vợ chồng Wyatt và hai cô em gái quá khó tính, và tôi không thể không nghĩ rằng, họ không được lịch sự cho lắm trong lối cư xử với những hành khách còn lại. Tôi không quan tâm lắm đến thái độ của Wyatt. Anh có vẻ ủ dột, thậm chí hơi quá so với vẻ mặt thường ngày - thực tế anh là típ người đa cảm, hay buồn rầu - nhưng tính khí lập dị của anh thì tôi đã quá quen rồi. Nhưng còn với các cô em gái thì tôi không thấy có lý do gì có thể bào chữa cho họ. Hai cô cứ ở lỳ trong buồng suốt phần lớn cuộc hành trình, và nhất định từ chối làm quen với những hành khách trên boong, dù tôi đã nhiều lần tỏ ý thúc giục.
Riêng cô vợ của Wyatt thì có vẻ dễ gần hơn nhiều. Tức là cô ta thích chuyện phiếm, và để chuyện phiếm thì không lúc nào thích hợp hơn là khi đi lâu ngày trên biển. Cô ta trở nên thân mật quá mức với hầu hết các bà các cô có mặt trên tàu; và, theo sự tò mò có căn cứ của tôi, thì cô ta tỏ ra không ngại ngần gì trong việc làm duyên làm dáng với cánh đàn ông. Cô ta đùa cợt rất nhiều với tất cả chúng tôi. Tôi nói là “đùa cợt” - và chắc chắn là tôi biết phải giải thích chuyện đó như thế nào. Sự thật là tôi đã sớm nhận ra cô ta thích cười nhạo người khác hơn là cười đùa với họ. Các quý ông thì chẳng có gì nhiều để nói về cô ta. Nhưng còn các quý bà, thì chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã coi cô ta là một cô gái “cởi mở, thích làm dáng, hoàn toàn thiếu giáo dục và thiếu tế nhị”. Thật ngạc nhiên là làm sao mà Wyatt lại có thể bị mắc vào một đám như thế. Của cải là một giải đáp thường thấy - nhưng tôi thì tôi biết rõ hoàn toàn không phải như thế. Vì Wyatt đã từng bảo với tôi là cô ta không mang về cho anh một đồng nào, và cô cũng không chờ đợi một một món thừa kế gia tài nào cả. “Tôi lấy vợ vì tình, và duy nhất chỉ vì tình. Nàng đối với tôi còn quý giá hơn mọi thứ của cải trên đời, hơn cả chính tình yêu của tôi”. Anh đã bảo với tôi như vậy. Khi nhớ lại những lời của anh, phải thú nhận rằng tôi vô cùng lúng lúng. Lẽ nào anh đánh mất khả năng xét người tinh tường của mình rồi hay sao? Tôi còn có thể nghĩ được điều gì khác hơn thế nữa? Anh ta, một người tinh tế đến thế, thông minh đến thế, khó tính đến thế, nhạy cảm đến thế trong việc nhận ra những khiếm khuyết của người đời, và cũng y như thế trong việc thưởng thức cái đẹp! Rõ ràng là quý cô kia tỏ ra rất si mê anh ta - nhất là khi không có mặt anh - cô ta làm cho mình trở nên kỳ quặc bằng cách thường xuyên nhắc đi nhắc lại những lời mà “ông chồng yêu quý của tôi, ông Wyatt” đã nói. Những từ “ông chồng yêu quí” - một cách nói ưa thích của cô ta - dường như lúc nào cũng chực sẵn trên đầu lưỡi của cô. Chẳng mấy chốc mọi người trên tàu đều quen với những lời cửa miệng đó, khiến cho anh chồng cứ phải tìm cách tránh né cô vợ ra mặt. Phần lớn thời gian anh ta cứ giam mình trong buồng ngủ, có lẽ anh ta cảm thấy ở đó thoải mái hơn, để mặc cho cô vợ hoàn toàn tự do, tha hồ mà giải trí cho thỏa thích với các hành khách thường tụ tập trên boong. Tôi cũng nhận thấy cô ta rất ít khi chịu ngồi trong buồng cùng với chồng, tất nhiên là trừ buổi tối đi ngủ thì không kể.
Từ những gì đã nhìn thấy và nghe thấy, tôi đi đến kết luận rằng chàng họa sĩ, do một sự trớ trêu không lường trước được nào đó của số phận, hay do trời xui đất khiến như thế nào đó, mà đã lầm lẫn cưới một người không xứng đáng với anh. Và kết quả tự nhiên của sự nhầm lẫn đó là trong lòng anh đã nảy sinh một sự chán ghét hoàn toàn và nhanh chóng đối với cô ta. Từ tận đáy lòng tôi cảm thấy thương hại cho anh - nhưng không vì thế mà tôi có thể tha thứ cho cái tội của anh định giấu diếm chuyện bức tranh “Bữa tiệc ly” với tôi. Vì chuyện đó tôi quyết định phải cho anh một bài học xứng đáng.
Một hôm, khi anh đi lên boong, tôi liền tiến đến choàng tay anh như thói quen vốn có giữa chúng tôi, và chúng tôi cùng nhau tản bộ. Tuy vậy, vẻ ủ ê của anh hình như vẫn không bớt đi chút nào - tôi thì thấy chuyện đó là hoàn toàn tự nhiên, nếu xét đến cái tình cảnh trớ trêu mà anh đang kẹt trong đó. Anh nói rất ít, giọng thì rầu rĩ, và rõ ràng anh đã phải rất cố gắng mới thốt ra được vài lời. Tôi đánh bạo đùa cợt một hai câu, còn anh phải cố lắm để làm bộ nhếch mép. Anh chàng mới bất hạnh làm sao! Nghĩ đến cô vợ của anh, tôi cho rằng anh không có tâm trạng nào để mà cười đùa cả. Cuối cùng, tôi quay về chủ đề chính. Tôi quyết định sẽ bắt đầu bằng một vài lời ám chỉ bóng gió về chiếc hòm - chỉ cốt để cho anh dần dần nhận ra rằng tôi không phải là kẻ để anh có thể đùa giỡn bằng cái bí mật nho nhỏ đó được. Phương pháp của tôi là bóc dần từng lớp cho đến cốt lõi bên trong. Tôi bắt đầu nói vài điều về “hình dáng đặc biệt của cái hòm”, và khi nói ra những lời này, tôi mỉm cười một cách đầy ngụ ý, nháy mắt và chọc chọc ngón tay vào mạng sườn anh.
Cái cách mà Wyatt phản ứng với trò đùa vô hại của tôi khiến tôi ngay lập tức nghĩ rằng anh bị điên. Thoạt đầu anh nhìn chằm chằm vào tôi, cứ như anh thấy những lời nhận xét dí dỏm của tôi là không ngửi nổi. Nhưng khi những lời nói của tôi chầm chậm ngấm vào đầu anh, thì mắt anh lồi hẳn ra tưởng như sắp bắn ra khỏi hốc mắt. Mặt anh đỏ tía lên, sau đó lại tái nhợt đi xanh lè. Rồi dường như rất buồn cười với điều mà tôi định ám chỉ, anh phá lên cười ầm ỹ. Và điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là anh cứ cười mãi không thôi, càng ngày càng cười to, kéo dài trong khoảng mười phút liền. Rồi thật bất ngờ, anh ngã lăn đùng ra đập đầu xuống sàn tàu. Khi tôi vội vàng chạy lại đỡ anh dậy thì toàn bộ vẻ bề ngoài của anh cho thấy là anh đã chết!
Tôi vội gọi người đến giúp, và phải khó khăn lắm chúng tôi mới cứu cho anh tỉnh lại được. Khi tỉnh lại, anh cố lắp bắp vài từ rời rạc. Cuối cùng chúng tôi cho anh uống một chút rượu mạnh rồi đưa anh trở về giường. Sáng hôm sau anh đã hoàn toàn hồi phục, đó là nói về mặt sức khỏe thân thể của anh. Còn về đầu óc anh thì dĩ nhiên là tôi không dám chắc. Tôi tránh mặt anh trong suốt thời gian còn lại trên tàu, đó là theo lời khuyên của thuyền trưởng Hardy, ông ta hình như cũng đồng ý với nhận xét của tôi về cái vẻ điên điên khùng khùng của anh, nhưng ông cảnh cáo tôi không được nói gì về chuyện này với bất kỳ ai khác trên tàu.
Có một vài chuyện xảy ra từ sau cơn ngất xỉu của Wyatt hôm đó, chúng lại càng kích thích cao độ óc hiếu kỳ vốn có của tôi. Có một sự việc như sau: hôm đó tôi hơi căng thẳng - tôi đã trót uống quá nhiều trà đặc của thuyền trưởng Hardy nên rất khó ngủ - nói cho đúng thì tôi hầu như không ngủ được suốt hai đêm liền. Buồng ngủ của tôi có cửa mở ra ca bin chính (cũng là phòng ăn) giống như tất cả các buồng ngủ cho khách đi một mình khác. Ba buồng của gia đình Wyatt nằm phía sau ca bin chính, tách biệt với ca bin này bằng một cánh cửa trượt không khóa vào ban đêm. Vì chúng tôi bơi theo một góc lệch với hướng gió và gió cũng khá mạnh, nên con tàu bị nghiêng đi khá nhiều. Nó khiến cho cánh cửa trượt bị mở ra và cứ nằm nguyên như thế suốt đêm mà chẳng có ai buồn đóng lại cả. Nhưng giường ngủ của tôi nằm ở một vị trí mà khi cửa buồng của tôi, cũng là cửa trượt, mở ra khi tàu bị nghiêng, thì tôi có thể nhìn thấy rất rõ ràng phần phía sau ca bin, cũng chính là nơi bố trí những căn buồng của gia đình nhà Wyatt. Vậy là, trong hai đêm mất ngủ đó, tôi nằm thao thức và nhìn thấy rõ ràng cô vợ của Wyatt, cứ vào khoảng 11 giờ đêm là lại rón rén ra khỏi buồng của hai vợ chồng rồi chui vào căn buồng phụ. Cô ta ở lại trong đó cho đến sáng, khi chồng cô sang gọi cô về. Chuyện họ sống ly thân là đã rõ rành rành. Họ ngủ riêng phòng - không nghi ngờ gì nữa, họ đang chuẩn bị để ly hôn thực sự. Tôi nghĩ bụng, bí ẩn của căn buồng phụ rốt cuộc là như thế đấy.
Một chuyện khác cũng khiến tôi rất quan tâm. Trong hai đêm thức trắng đó, ngay sau khi cô vợ của Wyatt chui vào căn buồng phụ, tôi nghe thấy có những tiếng động khác thường, rất khẽ, dường như cố giữ, vẳng ra từ căn buồng của anh chồng. Sau khi ra sức dỏng tai lên nghe, từ những tiếng động vẳng ra, tôi có thể mường tượng anh ta đang làm gì. Nhất định là anh ta đang mở cái hòm vì có tiếng lạch cạch như tiếng mở khóa, rồi tiếng bản lề rít lên khe khẽ. Rồi tiếp theo là những tiếng loạt soạt giống như khi người ta mở lớp giấy bóng kính gói một vật gì ra. Đến đây thì tôi đã hiểu rõ, những phán đoán của tôi quả đã không lầm. Không nghi ngờ gì là Wyatt, do thói quen bất trị của những người say mê các họa phẩm lừng danh, anh đang chiều theo niềm đam mê kiểu nghệ sĩ của mình. Anh ta đã không kiềm được mình mà phải mở cái hòm ra, để chiêm ngưỡng cho mãn nhãn cái kho báu nghệ thuật vô giá cất ở trong đó. Những tiếng động tiếp theo có vẻ khó hiểu hơn. Tôi nghe thấy những tiếng xào xạo, giống như khi người ta đang bới cát khô, không hiểu anh ta đang làm gì. Rồi bỗng tôi nghe thấy những tiếng ục ục trầm trầm, dường như anh ta đang cảm thán mà phải kêu lên, nhưng lại cố nén để không cho tiếng động phát ra. Kể từ đó cho đến sáng, anh ta cố giữ im lặng, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy những tiếng sụt sịt khe khẽ, có lẽ anh ta không nén nổi mà phải xuýt xoa, mỗi khi nhìn ra một nét cọ thần kỳ nào đó trên bức tranh. Vào khoảng bốn hay năm giờ sáng, tôi lại nghe thấy những tiếng xào xạo, loạt soạt, dường như anh ta đang gói ghém lại kho báu của mình. Rồi có tiếng nắp hòm đóng lại, tiếng các ổ khóa lạch cạch, tiếng xô đẩy khe khẽ khi anh ta đẩy cái hòm về vị trí cũ. Chừng hai mươi phút sau, tôi thấy anh ta mở cửa buồng bước ra, ăn mặc tề chỉnh, anh ta đi sang căn buồng phụ gọi cô vợ trở về.
Hai đêm mất ngủ tôi đều thấy cùng những sự việc như vậy. Có lẽ đêm nào anh ta cũng làm như thế. Vốn đã biết niềm đam mê hội họa như điên như cuồng của bạn mình, nên tôi cũng không quá ngạc nhiên với những hành động kỳ quặc khác người của anh ta.
Chúng tôi lênh đênh trên biển đã được bảy ngày, và lúc con tàu đang đi ngang qua mũi Hatteras thì bỗng có một cơn gió mạnh nổi lên từ phía Tây nam. Thực ra thì thuyền trưởng đã chuẩn bị sẵn sàng, vì vào thời gian này thời tiết trên biển vẫn hay có những mối đe dọa bất thường như vậy. Mọi thứ đều đã được buộc néo gọn gàng, dù dưới hầm tàu hay ở trên boong. Và khi gió càng lúc càng mạnh lên thì thuyền trưởng rốt cuộc phải cho hạ buồm mũi và buồm lái xuống.
Thu xếp như thế chúng tôi đã yên ổn được 48 tiếng đồng hồ - con tàu đã chứng tỏ được phẩm chất ưu tú về mọi phương diện của nó, nó không hề hấn gì qua sóng gió. Thế nhưng vào cuối ngày thứ hai thì cơn gió mạnh đã biến thành cuồng phong, bánh lái tàu vỡ ra thành từng mảnh, con tàu bị cuốn vào giữa những con sóng biển cao ngất cứ thay nhau kéo tới hết đợt này đến đợt khác. Sóng lớn đập vỡ một cabin trên boong, cuốn theo ba thủy thủ và gần như toàn bộ thành mạn trái của con tàu. Chúng tôi chỉ vừa mới kịp định thần thì buồm chính đã bị xé toang khi tàu lọt vào giữa một con sóng khổng lồ. Cứ thế này thì giỏi lắm chúng tôi cũng chỉ có thể trụ được vài giờ, trong khi con tàu đang phải đương đầu với sóng biển mỗi lúc càng mạnh hơn.
Cơn bão vẫn hoành hành, chẳng có dấu hiệu gì là sẽ dịu đi. Các thiết bị buồm dây trên tàu bị cuồng phong kéo giật gần như hỏng cả. Sang ngày thứ ba bị bão, vào khoảng 5 giờ chiều, buồm lái bị một cơn gió giật xé rách toang, cuốn phăng khỏi boong. Chúng tôi đã nỗ lực trong hơn một tiếng đồng hồ để lèo lái mà không ăn thua, vì con tàu đang chao đảo dữ dội. Rồi anh thợ mộc chạy đến báo cho chúng tôi hay là nước biển đang rò rỉ vào tàu, hầm tàu đã ngập gần hai mét nước. Rắc rối hơn nữa là các bơm nước trên tàu đều đã bị va đập hỏng cả.
Lúc này mọi người ai nấy đều bối rối tuyệt vọng. Thuyền trưởng ra lệnh vứt xuống biển tất cả những đồ vật trên tàu để làm cho tàu càng nhẹ càng tốt, hai cánh buồm còn lại cũng bị cắt bỏ. Chúng tôi làm ngay những việc đó, nhưng những cái bơm thì vẫn không sửa được, trong khi nước ngấm qua thành tàu ngày càng nhanh.
Vào lúc hoàng hôn, bão đã dịu hẳn. Và khi mặt biển lặng đi, chúng tôi vẫn còn ấp ủ một hy vọng mơ hồ là sẽ thoát chết nhờ những chiếc thuyền cứu nạn trên tàu. Đến 8 giờ tối, mây tan đi, chúng tôi nhìn thấy ánh trăng tròn vằng vặc chiếu xuống - một chút thế thôi cũng đủ để vực dậy tinh thần đang sa sút của mọi người.
Sau những nỗ lực tuyệt vọng, cuối cùng chúng tôi cũng đưa được chiếc thuyền lớn xuống nước mà không bị sứt mẻ gì. Hầu hết thủy thủ đoàn và hành khách chen chúc nhau trên đó. Con thuyền lập tức rời đi. Sau này tôi được biết nó đã phải trải qua bao nhiêu tai họa nữa, nhưng cuối cùng cũng đến được vịnh Ocracoke một cách an toàn ba ngày sau vụ đắm tàu.
Mười bốn người trong đó có thuyền trưởng Hardy còn lại trên boong, quyết định phó thác số phận cho chiếc thuyền nhỏ phía đuôi tàu. Chúng tôi không khó khăn gì lắm để hạ thủy nó, dù phải nhờ vào một sự may mắn thần kỳ chúng tôi mới không làm cho nó bị lật sấp khi chạm mặt nước. Trên thuyền có thuyền trưởng và vợ ông, gia đình nhà Wyatt, viên sĩ quan người Mehicô cùng bà vợ và bốn đứa con, tôi cùng với cậu người hầu da đen.
Chúng tôi ngồi chen chúc trên chiếc thuyền nhỏ, dĩ nhiên chẳng còn chỗ đâu để mang theo hành lý gì khác ngoài những quần áo vật dụng tối cần thiết buộc gọn trên lưng. Chẳng ai nghĩ đến việc cố cứu thêm vật gì. Vì thế nên khi con thuyền mới rời đi được chừng vài mét, thì mọi người đều vô cùng kinh ngạc khi thấy Wyatt nhổm dậy từ phía đuôi thuyền, lạnh lùng yêu cầu thuyền trưởng Hardy quay lại để anh ta lấy cái hòm!
— Ngồi xuống, ông Wyatt! - Thuyền trưởng cũng lạnh lùng đáp trả với một vẻ hơi nghiệt ngã - Ông sẽ làm thuyền bị lật nếu không chịu ngồi cho im. Nước đã mấp mé thành thuyền, ông không thấy sao?
— Cái hòm! - Wyatt quát trong khi vẫn không chịu ngồi xuống. - Cái hòm! Ông nghe chưa, thuyền trưởng Hardy, ông không thể, ông không được từ chối tôi. Nó đâu có nặng gì. Hãy vì mẹ ông, vì tình yêu Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi của ông, tôi cầu xin ông đấy, hãy quay thuyền lại cho tôi lấy cái hòm!
Trong một thoáng, thuyền trưởng dường như động lòng trước những lời khẩn cầu tha thiết của chàng họa sĩ, nhưng rồi ông lấy lại được sự kiên định sắt đá của mình và chỉ nói:
— Ông Wyatt, ông điên rồi. Tôi không thể chiều ý ông được. Hãy ngồi xuống, nếu không ông sẽ làm lật thuyền đấy. Dừng lại! Giữ lấy anh ta! Giữ anh ta lại! Anh ta định nhảy khỏi thuyền! Đấy! Tôi biết mà, anh ta nhảy mất rồi!
Đúng vậy, khi thuyền trưởng đang nói thì Wyatt đã lao khỏi thuyền. Anh bơi lại thành con tàu đang chìm, còn chúng tôi thì vội chèo ra xa, vì khi con tàu chìm, nó sẽ kéo chiếc thuyền nhỏ xíu của chúng tôi theo xuống đáy biển. Chúng tôi thấy Wyatt, với một sức lực kinh người không hiểu từ đâu mà ra, anh vọt từ mặt nước lên cao đến hai mét để tóm lấy sợi dây thừng lơ lửng nơi mạn tàu. Thêm một cử động nữa, thế là anh đã ở trên mặt boong, rồi ngay lập tức anh cắm đầu lao xuống ca bin.
Một lúc sau, chúng tôi đã rời xa đuôi tàu và thoát ra ngoài vùng nguy hiểm. Suýt nữa đã chúng tôi quay thuyền lại, nhưng chúng tôi biết rõ chiếc thuyền của chúng tôi chẳng khác gì một cọng lông trước gió, có mạo hiểm cũng chỉ vô ích mà thôi. Trong một thoáng chúng tôi biết rõ rằng số phận của chàng họa sĩ bất hạnh đã được phán quyết rồi.
Từ đằng xa, chúng tôi nhìn thấy anh chàng điên rồ đó (làm sao có thể hiểu khác về anh ta được) xuất hiện nơi cầu thang lên đài quan sát, với một sức lực kinh khủng, anh ta leo lên đó, người gập xuống, bước từng bước dưới sức nặng của cái hòm, trong khi con tàu vẫn đang chìm xuống. Chúng tôi còn đang trợn tròn mắt vì ngạc nhiên, thì đã thấy anh ta thoăn thoắt quấn chiếc dây chão lớn vài vòng, thoạt đầu là quanh chiếc hòm, rồi sau đó quấn quanh thân hình anh ta. Con tàu đang chìm rất nhanh. Rồi chỉ một thoáng sau, cả chiếc hòm và thân người buộc chặt vào đó đã chìm mất dạng dưới mặt nước biển, biến mất thình lình - một lần và mãi mãi.
Chúng tôi buồn rầu cúi người trên mái chèo, nấn ná thêm một lúc nữa, mắt không rời cái nơi anh vừa biến mất. Rồi chúng tôi cũng chèo đi. Trong suốt một tiếng đồng hồ không ai mở miệng nói ra được lấy một lời. Cuối cùng tôi đánh bạo đưa ra một nhận xét.
— Thuyền trưởng, ông có nhận thấy anh ấy chìm nhanh quá không? Ông không thấy chuyện đó khá lạ lùng hay sao? Thú thật là khi thấy anh ấy buộc mình vào cái hòm, tôi đã mừng rỡ và hy vọng anh ấy sẽ thoát, cái hòm lẽ ra phải giữ cho anh ấy nổi trên mặt biển mới phải chứ!
— Anh ta làm sao mà không chìm cho được, - Thuyền trưởng đáp - như một cục đá ấy chứ! Nhưng anh ta sẽ lại nổi lên ngay thôi, có điều phải chờ cho muối tan hết đã.
— Muối à! - Tôi thốt lên không hiểu.
— Suỵt! - Thuyền trưởng bảo, tay chỉ về phía cô vợ và hai cô em gái của người vừa chết - Chúng ta sẽ nói chuyện này sau, vào một lúc khác thích hợp hơn.
***
Chúng tôi còn phải trải qua bao nhiêu nguy hiểm nữa trong một cuộc hành trình hầu như vô vọng, nhưng số phận đã mỉm cười với chúng tôi, cũng giống như với những người của chúng tôi trên chiếc thuyền lớn. Cuối cùng chúng tôi cũng cập được một bãi biển đối diện với đảo Roanoke, dở sống dở chết sau bốn ngày gian nan khổ cực. Chúng tôi ở lại đó một tuần, những người hôi của từ các con tàu đắm cũng không đối xử tệ lắm với chúng tôi. Cuối cùng, chúng tôi cũng được đưa về New York.
Khoảng một tháng sau ngày con tàu “Independence” mắc nạn, tôi tình cờ gặp Thuyền trưởng Hardy trên đường Broadway. Câu chuyện của chúng tôi tất nhiên quay về với vụ đắm tàu, và đặc biệt là sớ phận đáng buồn của anh chàng Wyatt bất hạnh. Và tôi được biết thêm những chi tiết sau đây.
Chàng họa sĩ đã đặt chỗ trên tàu cho anh ta, cô vợ, hai cô em gái và một cô hầu. Cô vợ đúng như anh đã quả quyết, là một người phụ nữ cực kỳ xinh đẹp, khả ái, tao nhã. Thuyền trưởng Hardy nói rằng ông chưa từng gặp một phụ nữ nào hoàn hảo đến như thế. Vào buổi sáng ngày 14 tháng Sáu (ngày mà tôi lên thăm con tàu), người phụ nữ đó bất hạnh bị bạo bệnh và chết thình lình. Anh chồng trẻ suýt hóa điên vì đau khổ. Nhưng hoàn cảnh bắt buộc, anh không thể hoãn lại chuyến đi đến New York. Anh một mực đòi phải mang thi hài người vợ yêu dấu về cho mẹ của nàng. Nhưng mặt khác thì những thành kiến của người đời lại ngăn cản không cho anh ta làm cái việc đó một cách công khai đàng hoàng. Chín mươi hành khách trên tàu sẽ thà phải hủy chuyến đi còn hơn là lênh đênh trên biển bao nhiêu ngày trời cùng với một xác chết.
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, Thuyền trưởng Hardy nghĩ ra một cách để chuyển cái xác lên tàu. Trước hết, cái xác phải được xử lý và ướp formon, sau đó được gói bọc lại bằng giấy dầu cùng với một lượng muối lớn đổ ngập xung quanh. Nó sẽ được đặt trong một cái hòm có kích thước phù hợp, rồi sau đó sẽ được chuyển lên tàu giống như một thùng hàng thông thường. Không ai được nói một lời nào về cái chết của người phụ nữ xấu số. Và để các hành khách khác nghĩ là ông Wyatt đi tàu cùng với người vợ mới cưới, nên cần phải có một ai đó đóng vai của nàng trong cuộc hành trình. Cô hầu gái của nàng chính là người thích hợp nhất để đảm nhận công việc này. Căn buồng phụ, vốn được dành cho cô hầu gái khi cô chủ còn sống, bây giờ vẫn được giữ lại. Dĩ nhiên là để cho cô vợ giả mạo ngủ trong đó vào ban đêm. Còn vào ban ngày thì cô ta đem hết những khả năng có hạn của mình ra để đóng vai cô chủ - thuyền trưởng Hardy đã tìm hiểu cẩn thận, và thật may là trên tàu không có ai biết mặt nàng cả.
Sự nhầm lẫn của tôi, tất nhiên là do tính khí bồng bột, do quá tò mò và quá hấp tấp. Nhưng mãi về sau này, tôi vẫn hiếm khi ngủ được ngon giấc. Có một khuôn mặt vẫn cứ ám ảnh tôi. Có một giọng cười điên loạn vẫn cứ không ngừng vang lên trong tai tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét