393. Chân Sinh (Chân Sinh)
Giả Tử Long là sĩ nhân ở Trường An (tỉnh Thiểm Tây) tình cờ qua nhà hàng xóm gặp một người khách phong thái tiêu sái thoát tục, hỏi thăm thì biết là Chân sinh. Giả rất hâm mộ, hôm sau tới đưa danh thiếp ra mắt, lại gặp lúc Chân sinh đi vắng. Ba lần tới đều không gặp, bèn sai người rình chờ lúc có nhà về báo, lại tới xin gặp. Chân sinh lánh mặt không ra, Giả vào tìm mới chịu ra gặp, ngồi gần nhau trò chuyện, cùng mừng rỡ là gặp kẻ tương tri. Giả bèn về nhà trọ sai tiểu đồng đi mua rượu. Chân lại mạnh rượu, khéo đùa giỡn, hai người rất vui vẻ. Rượu gần hết, Chân mò trong tráp lấy ra đồ dùng uống rượu, thì là một cái bình ngọc không đáy, đặt chén không vào, cái chén chợt đầy ắp rượu, rồi múc ra đổ vào bầu rượu, mãi vẫn không hết. Giả lấy làm lạ, năn nỉ xin học phép lạ ấy. Chân nói “Ta không muốn cho người khác thấy, ông không có chỗ nào kém cỏi, chỉ là lòng tham chưa hết mà thôi. Đây là phép thuật của nhà tiên, làm sao dạy được?". Giả nói “Oan cho ta quá! Ta có tham lam gì đâu, chỉ tình cờ nảy lòng mong muốn thôi, thôi từ nay trở đi xin cam phận nghèo”, hai người cười rộ rồi chia tay.
Từ đó thường qua lại với nhau, kết bạn quên cả hình hài. Mỗi khi thiếu thốn, Chân lại lấy một viên đá đen ra, thổi vào rồi niệm thần chú, chà xát lên gạch ngói, gạch ngói lập tức hóa thành bạc trắng xóa, đưa tặng cho Giả, nhưng cũng chỉ vừa đủ chi dùng, không mấy khi thừa. Giả cứ xin thêm, Chân nói "Ta đã nói ông tham, bây giờ thì sao, bây giờ thì sao?". Giả nghĩ hỏi thẳng quyết không được, phải nhân lúc Chân say ngủ, đánh cắp viên đá mới xong. Một hôm, hai người say rượu đã đi nằm, Giả lén dậy lục lọi túi Chân, Chân biết được nói “Anh thật là không còn lương tâm, không thể ở chung được". Rồi từ biệt, dọn đi ở chỗ khác. Hơn năm sau Giả dạo chơi bên bờ sông, nhìn thấy một viên đá trong suốt giống hệt viên đá của Chân, bèn nhặt lấy giữ gìn như của báu. Qua vài hôm Chân chợt tới, buồn rầụ như đánh mất vật gì Giả hỏi han, Chân đáp “Viên đá ông thấy trước đây là đá điểm kim của tiên. Trước ta kết giao với Bão Chân tử, ông ta thương ta biết giữ phận nên tặng cho, vừa rồi say rượu làm rơi mất, bấm độn thì biết đang ở chỗ ông, nếu có thể trả lại cho nhau, thật không dám quên ơn”, Giả cười nói "Ta bình sinh không dám lừa dối bạn bè, đúng như ông bói đấy. Nhưng biết Quản Trọng nghèo mà không làm được như Bão Thúc Nha[318] bây giờ ông định làm gì?". Chân xin tặng trăm đồng vàng, Giả nói "Trăm đồng vàng không phải ít, nhưng truyền cho ta câu thần chú đã, tự ta điểm kim một lần thử xem, thì không tiếc gì nữa”.
Chân sợ Giả nuốt lời, Giả nói “Ông là tiên mà không biết xưa nay Giả Mỗ không bao giờ thất tín với bạn bè à?". Chân bèn truyền cho câu thần chú, Giả ngoái lại định mài lên một hòn đá to, Chân nắm khuỷu tay kéo lại không cho thử. Giả bèn cúi xuống nhặt một mảnh ngói đặt lên phiến đá giặt áo nói "Bấy nhiêu thì không nhiều chứ?”, Chân ưng thuận. Nhưng Giả không mài viên đá điểm kim lên mảnh ngói mà lên phiến đá giặt áo, Chân biến sắc, định giật lấy viên đá thì phiến đá giặt áo đã biến thành khối bạc ròng. Giả trả lại viên đá, Chân than "Số kiếp đã như thế, còn nói gì nữa? Đem phúc lộc sai trái tới cho người ắt bị trời phạt, nếu ông muốn cho ta được thoát thì xin phân phát số tiền này cho nhiều người, có được không?”. Giả đáp “Sở dĩ ta muốn có tiền là không phải để hưởng riêng một mình, ông vẫn coi ta như hạng bo bo giữ của à?", Chân mừng rỡ chào đi. Giả được tiền vừa đem cho vừa đi buôn, không đầy ba năm đã cho hết số tiền có được. Một hôm Chân chợt tới, nắm tay Giả nói “Ông thật là người tín nghĩa, sau khi chia tay lần ấy Phúc thần tâu với Thượng đế nên ta bị xóa tên khỏi sổ tiên. May là được ông rộng rãi bố thí, đến nay cũng đủ công đức để chuộc lỗi rồi. Xin ông gắng thêm, đừng bỏ phế”.
Giả hỏi Chân giữ chức ở ty tào nào trên trời, Chân đáp "Ta là hồ tu tiên đắc đạo, xuất thân hèn mọn, không kham được chuyện phiền nhiễu, nên bình sinh chỉ giữ phận, không dám nhận chức tước gì". Giả mời rượu, hai người lại cùng nhau ăn uống vui vẻ như trước. Đến năm Giả hơn chín mươi tuổi, thỉnh thoảng hồ vẫn ghé chơi. Mỗ ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông) làm nghề bán thuốc giải độc, cho dù nguy cấp tới mức nào cứ uống thuốc của y cũng sống. Nhưng y giữ kín bài thuốc, họ hàng thân thích cũng không truyền cho. Một hôm gặp tai bay vạ gió bị bắt, người em vợ mang cơm vào trại giam, lén trộn thuốc độc vào, ngồi chờ y ăn xong mới nói. Y không tin, nhưng giây lát thấy bụng đau quặn lên, mới hoảng sợ chửi lớn "Thằng súc sinh đi mau, trong nhà tuy có thuốc giải độc, nhưng chỉ sợ đường xa không trở lại kịp, mau mau vào thành tìm lấy một bó dây tơ hồng và một chén nước trong, đi mau lên!”. Người em vợ nghe lời, tìm được các thứ tới thì y đã nôn mửa gần chết. Vội đổ thuốc cho, lập tức đỡ ngay, bài thuốc ấy từ đó mới được truyền ra. Chuyện này cũng giống như việc hồ giữ kín viên đá vậy.
----
[318] Biết Quản Trọng... Bão Thúc Nha: Quản Trọng và Bão Thúc Nha là người thời Xuân thu, chơi thân với nhau. Quản Trọng có tài nhưng nhà nghèo, đi buôn chung với Bão Thúc Nha, khi chia lời thường lấy phần nhiều hơn. Có người cho Quản Trọng là tham, Bão Thúc Nha nói đó là vì Quản Trọng nghèo, cần tiền nuôi gia đình chứ không phải là tham.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét