353. Ông Thiệu Ở Lâm Tri (Thiệu Lâm Tri)
Con gái ông Mỗ ở huyện Lâm Tri (tỉnh Sơn Đông) là vợ Thái học Lý sinh. Lúc chưa lấy chồng, có người thuật sĩ xem số, nói chắc chắn phải gặp chuyện hình ngục. Ông Mỗ nổi giận, kế lại cười nói "Nói bậy tới như thế là cùng, đừng nói con gái nhà thế gia ắt không bao giờ phải tới công đình, chẳng lẽ nó chẳng lấy được một anh Giám sinh à?". Đến khi lấy chồng rồi, chị ta rất hung dữ, xỉa xói chửi bới chồng là chuyện thường. Lý chịu không nổi, uất ức kêu lên quan. Tri huyện là ông Thiệu theo lời xin, phát lệnh sai bắt chị ta. Ông Mỗ nghe chuyện cả sợ, dắt con em tới huyện đường năn nỉ xin bỏ qua nhưng không được. Lý cũng hối, xin thôi không kêu ca gì nữa. Ông Thiệu giận nói “Chỗ công đường này đâu phải là nhà của ngươi mà muốn sao thì muốn?", rồi lập tức sai bắt vợ Lý lên, hỏi qua một hai câu rồi nói “Đúng là đàn bà dữ dằn, phạt đánh ba mươi trượng", dập nát cả mông.
Dị Sử thị nói: Ông Thiệu có thương xót đàn bà yếu ớt không? Sao mà giận dữ tới như thế? Nhưng huyện có quan hiền thì làng không có đàn bà dữ, nên ghi lại chuyện này để bổ khuyết vào những chuyện quan lại còn chưa làm được.
354. Quan Huyện Không Con (Đơn Phụ Tễ)
Người dân ở huyện Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông) là Mỗ, hơn năm mươi tuổi lại lấy người thiếp còn trẻ. Hai đứa con trai sợ ông ta lại sinh con, bèn nhân lúc cha say rượu, ngầm thiến đi rồi băng bó lại. Ông ta biết, thác bệnh không nói gì, lâu sau vết thương đã gần lành. Chợt một hôm gần vợ, vết dao cũ toác ra, máu chảy không cầm được, kế chết. Người thiếp biết, kiện lên quan. Quan bắt hai người con, quả nhiên đều nhận tội. Quan hoảng sợ nói "Nay ta lại làm quan huyện không con[303] rồi!". Bèn đem giết hai người.
Huyện ta có Vương sinh, cưới vợ được hơn tháng thì bỏ vợ, người cha vợ kiện lên quan. Lúc ấy ông Tân làm Tri huyện huyện Truy, hỏi Vương vì sao bỏ vợ, Vương đáp là không thể nói được. Hỏi mãi mới đáp rằng “Cô ta không thể sinh nở". Ông Tân nói "Nói bậy! Mới cưới hơn một tháng, làm sao đã biết là không thể sinh nở". Vương ngượng nghịu hồi lâu mới đáp "Vì chỗ kín của cô ta méo". Ông Tân phì cười nói "Té ra là vì méo mó nên trong gia đình không êm thắm"[304]. Đây cũng là một chuyện nên chép lại cùng chuyện Quan huyện không con để cười vậy?
---
[303] Quan huyện không con: nguyên văn là "Đơn phụ tễ" (Quan huyện là người cha cô đơn). Ngày xưa quan lại thường được gọi là "dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), quan huyện này gặp phải việc hai người con thiến cha nên nói như vậy. Chữ Đơn (Đan) còn có một âm là Thiện, "Thiện Phụ”, lại là một huyện cũng trong tỉnh Sơn Đông, nên ba chữ trên còn có nghĩa là "Quan huyện Thiện Phụ”, ở đây có chỗ chơi chữ không dịch được.
[304] Té ra... êm thắm: nguyên văn là "Thị tắc thiên chi vi hại, nhi gia chi sở dĩ bất tề dã". Tề gia (sắp xếp việc nhà cho êm đẹp) là một trong những nhiệm vụ của người quân tử theo quan niệm Nho giáo, đây quan huyện chơi chữ, đem chữ tề đối với chữ thiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét