Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

297. Ngũ Cổ Đại Phu, 298. Hắc Thú

297. Đại Phu Năm Bộ Da Dê (Ngũ Cổ Đại Phu)

 

Sướng Thể nguyên người huyện Hà Tân (tỉnh Sơn Đông) tự Nhữ Ngọc. Lúc còn là Chư sinh, nằm mơ thấy có người gọi mình là Quan Đại phu năm bộ da dê[292] mừng rỡ cho là điềm tốt. Sau gặp lúc giặc giã, bị chúng bắt lột hết áo quần, nhốt trong phòng vắng. Lúc ấy là mùa đông rất lạnh, Sướng mò mẫm trong bóng tối được mấy tấm da khoác lên người nên không tới nỗi chết rét. Trời sáng nhìn lại, thì đúng là năm tấm da dê, bật cười việc thần đùa giỡn với mình. Sau từ chân Cống sinh được bổ làm Tri huyện Lạc Nam (tỉnh Thiểm Tây).


Phụ: Một Truyện Trong Trì Bắc Ngẫu Đàm (Trì Bắc Ngẫu Đàm Nhất Tắc)

Sướng Thể Nguyên người huyện Hà Tân, lúc trẻ nằm mơ thấy thần gọi mình là Quan Đại phu năm bộ da dê, lấy làm tự đắc. Sau gặp lúc giặc giã, Thể Nguyên bị giặc bắt nhốt vào một gian phòng. Mùa đông lạnh quá, Thể Nguyên tìm trong góc vách được năm tấm da dê đắp lên người, mới sực hiểu ra là thần đùa giỡn với mình. Sau thi đỗ khoa Minh kinh được bổ làm Tri huyện Lạc Nam.

  ---

[292] Quan Đại phu năm bộ da dê: nguyên ván là “Ngũ cổ Đại phu” lấy tích Bách Lý Hề thời Xuân thu có tài chính trị nhưng xuất thân nghèo hèn phải làm nô lệ cho người ta, Tần Mục công biết là kẻ có tài bèn sai người đem năm bộ da dê chuộc về, cất nhắc lên chức Đại phu, người đương thời nhân đó gọi Hề là Ngũ cổ đại phu. Hán ngữ gọi dê là dương, dê cái đen là cổ.


298. Con Thú Đen (Hắc Thú)

 

Nghe Thái công Lý Kính Nhất kể rằng ông Mỗ ở Thẩm Dương (tỉnh thành Liêu Ninh) họp bạn ăn tiệc trên núi, nhìn dưới núi có con cọp tha con vật tới, lấy chân đào hố chôn rồi bỏ đi. Ông Mỗ sai người đào lên xem, thấy có con hươu chết, bèn lấy đi rồi lấp đất lại như cũ. Giây lát cọp dẫn con thú đen lông dài hơn một tấc tới. Cọp đi trước, dáng như kính cẩn đón khách. Tới chỗ huyệt, con thú ngồi xuống nhìn chằm chằm chờ, cọp đào hố lên thì hươu đã mất, sợ sệt nằm mọp xuống không dám động đậy. Con thú tức giận vì bị lừa dối, lấy chân tát vào trán cọp, cọp chết ngay lập tức, con thú cũng bỏ đi.


Dị Sử thị nói: Chẳng biết con thú kia tên gọi là gì, nhưng hỏi lại hình dáng thì không hề to hơn cọp. Thế mà cọp giơ đầu chịu chết, sợ sệt tới mức ấy hay sao? Phàm loài vật đều có giống khắc chế nhau, về lý thì không thể hiểu nổi. Như khỉ rất sợ đười ươi, từ xa nhìn thấy là xếp hàng lạy rạp xuống, không con nào dám bỏ trốn, trố mắt nín thở chờ. Đười ươi tới, lấy tay nắn bóp xem gầy hay béo, con nào béo thì đặt một viên đá lên đầu đánh dấu. Khỉ cứ đội viên đá nằm im thin thít, cứng đờ như con gà gỗ, chỉ sợ làm rơi viên đá. Đười ươi đánh dấu xong cứ theo thứ tự các viên đá mà bắt khỉ ăn thịt, no rồi mới đuổi đám còn lại đi. Ta thường nói quan lại tham lam giống như đười ươi, cũng nắn bóp thăm dò xem dân gầy hay béo mà đánh dấu rồi lần lượt bắt lấy ăn thịt, mà dân thì cứ nghiêng tai chờ ăn tới mình, không dám hó hé, nín bặt giống như khỉ vậy, đáng thương xót thay!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét