Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

227. Cuồng Sinh ... 232: Cúc Dược Như


227: Thư Sinh Ngông (Cuồng Sinh)


Học sứ họ Lưu kể ở châu Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông) có thư sinh ngông, tính hay rượu. Nhà không có được hai thạch gạo, nhưng kiếm được tiền là mua rượu, không hề lo lắng tới chuyện cùng quẫn. Gặp lúc có quan Thứ sử mới đáo nhiệm, tửu lượng cao chưa gặp ai uống bằng, nghe tiếng sinh bèn mời tới cùng uống rượu, thích lắm, thường uống với nhau. Sinh cậy quen biết, nên cứ có ai kiện tụng chuyện nhỏ muốn được kiện biếu xén món tiền còm lại nói hộ, Thứ sử đều ưng thuận. Sinh quen lệ cứ thế làm mãi, Thứ sử đâm ghét. Một hôm, Thứ sử vừa ra công đường buổi sáng, sinh cầm thiếp bước lên trình. Thứ sử nhìn xong cười khẩy, sinh lớn tiếng nói “Ông thấy được thì cho, không được thì thôi, chứ cười cái gì? Vẫn nghe kẻ sĩ có thể giết chết chứ không thể làm nhục, chuyện khác thì không thể báo hờn, chứ chẳng lẽ một cái cùm lại không báo được à?". Nói xong cười lớn một tràng vang dội cả công đường. Thứ sử nổi giận nói "Ngươi dám vô lễ à? Không nghe tiếng quan Lệnh doãn làm tan nát nhà cửa sao?” Sinh phẩy tay áo bước xuống thềm, lớn tiếng đáp "Thằng học trò này không có nhà cửa gì để tan nát cả” Thứ sử càng tức giận, sai bắt trói lại. Rồi hỏi tới nhà cửa, thì sinh chẳng có nhà đất gì, chỉ dắt vợ tới ở trên tường thành. Thứ sử nghe thế bèn thả ra, nhưng ra lệnh đuổi không cho ở trên tường thành nữa. Bè bạn thương vì ngông, góp tiền mua cho vài thước đất, xây cho một cái lều trong thành. Sinh vào ở, than rằng “Từ nay trở đi thì phải sợ quan Lệnh doãn rồi!".

Dị Sử thị nói: Kẻ sĩ quân tử theo pháp luật, giữ lễ nghi, không dám ăn cướp giữa chợ, thì dẫu là nhà vua đi chăng nữa cũng làm gì được mình? Nhưng nếu có kẻ thù oán mà ngày càng ghét thêm, thì đó là vì mình có nhà cửa mà thôi. Còn nếu như chẳng có nhà cửa gì để tan nát, thì kẻ căm ghét tới đâu cũng không có chỗ nào để hại cả. Ôi, người kia chắc như lời người ta nói, là cậy nghèo hèn để khinh người chăng! Song chỉ có bậc quân tử mới có thể tuy nghèo nhưng không khinh suất mà xúc phạm người, thế mà y vì miếng ăn để lụy thân, hò hét ở công đường, cũng mất phẩm giá lắm. Có điều ngông như thế thì không ai bằng được thật.



228: Tôn Tất Chấn


Tôn Tất Chấn qua sông, gặp lúc mưa to gió lớn, thuyền bè nghiêng ngã, người trong thuyền sợ lắm. Chợt thấy một vị thần mặc giáp vàng đứng trong mây cầm một cái bài vàng đưa xuống cho nhìn. Mọi người cùng ngẩng lên xem, thấy ở trên đề ba chữ “Tôn Tất Chấn” rất rõ ràng. Mọi người nói với Tôn Tất Chấn rằng "Ngươi đã phạm tội bị trời phạt, xin mời qua một thuyền riêng, đừng làm lụy cho cả bọn ta". Tôn còn chưa kịp nói gì, họ cũng không đợi là có ưng thuận hay không, thấy cạnh thuyền có chiếc xuồng con, liền xúm vào đẩy Tôn qua đó. Tôn vừa ngồi yên xong, quay nhìn thì chiếc thuyền lớn đã chìm rồi.



229: Trương Bất Lượng


Nhà buôn nọ đi tới ranh giới tỉnh Trục Lệ chợt gặp mưa đá, bèn núp vào đám lúa. Nghe trên không có tiếng nói "Đây là ruộng của Trương Bất Lượng, đừng làm hại lúa của y". Nhà buôn nghĩ thầm không biết họ Trương là ai, mà "bất lương” tại sao còn được trời che chở. Trời tạnh bèn vào thôn hỏi thăm, quả có người tên như thế, liền thuật lại điều mình nghe, lại hỏi cái tên "Bất Lượng" có nghĩa là gì. Thì ra họ Trương giàu có, thóc lúa rất nhiều, cứ đến mùa xuân lại có nhiều người nghèo túng tới vay, lúc trả thường không đủ số, nhưng Trương vẫn nhận cả không hề đong lường tính toán chi ly nên người làng gọi là “Bất Lượng" (không đong). Mọi người ùa ra đồng xem, thấy lúa khắp nơi xơ xác, chỉ riêng ruộng của họ Trương là không tổn hại gì.



230: Tấm Nệm Hồng Mao (Hồng Mao Chiên)


Nước Hồng Mao trước có hẹn qua buôn bán ở Trung Quốc, chủ tướng ở biên cương thấy họ đông người không cho lên bờ. Người Hồng Mao cố nài, chỉ xin cho được đặt chân lên một khoảnh đất rộng bằng tấm nệm lông thôi. Viên chủ tướng nghĩ một tấm nệm lông thì có được bao nhiêu, bèn cho. Người Hồng Mao đặt tấm nệm lên bờ, thoạt tiên chỉ đủ chỗ cho hai người, kế nở ra đủ chỗ cho bốn năm người, trong chớp mắt tấm nệm nở rộng ra hơn một mẫu đất, đủ chỗ cho mấy trăm người. Họ cùng rút đoản đao ra, nhân lúc bất ngờ cướp phá cả mấy dặm rồi bỏ đi.



231: Quảy Xác Chết (Phụ Thi)


Có người tiều phu ra chợ bán củi, vác đòn gánh trở về, chợt thấy đầu đòn gánh như có vật nặng máng vào, quay nhìn thấy một cái xác chết không đầu treo lủng lẳng, phát hoảng rẫy đòn gánh ra đập túi bụi, chợt không thấy đâu nữa. Y sợ hãi chạy vào một thôn gần đó, lúc ấy trời đã sập tối, thấy có mấy người đốt đuốc soi trên mặt nước như tìm vật gì. Tới gần hỏi thăm thì ra bọn họ đang ngồi chơi, chợt có cái đầu trên không rơi xuống, râu tóc bòm sờm, trong phút chốc thì biến mất. Người tiều phu kể lại việc mình gặp, tính ra thì đủ một xác người, nhưng nghĩ mãi không biết từ đâu tới. Sau cũng có người quảy sọt muối đi trên đường, người ta thấy trong sọt muối có cái đầu người, lấy làm kỳ quái căn vặn. Y quay nhìn mới phát hoảng đổ ụp cái sọt ra đất, cái đầu người lăn tròn rồi biến mất.



232: Cúc Dược Như


Cúc Dược Như là người phủ Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), vợ chết, bỏ nhà đi mất. Mấy năm sau ăn mặc như lối đạo sĩ trở về ngủ lại một đêm rồi định đi. Họ hàng họ hàng ép ở lại, giữ riệt lấy quần áo pháp trượng. Cúc nói thác là đi dạo, ra tới ngoài thôn thì áo quần đồ vật từ trong nhà đều phấp phới bay ra, theo Cúc đi mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét