Sa Hồi Tử học được công phu Thiết bố sam, xòe bàn tay ra có thể chém đứt đầu trâu, đâm thủng bụng trâu. Từng ở nhà Cừu công tử và Bành tam gia, treo khúc gỗ trên không, sai hai người đầy tớ khỏe mạnh nắm một đầu hết sức thúc vào bụng, bình một tiếng, khúc gỗ văng ra xa. Lại lấy hết sức thúc vào hạ bộ cũng không hề hấn gì, duy chỉ sợ đao kiếm mà thôi.
Có bọn khách thương ngụ ở kinh, nhà trọ liền với hàng xóm, cách một bức vách, vách ván bị mục thủng một lỗ to bằng cái chậu. Chợt có một cô gái thò đầu vào nhìn, búi tóc cài trâm rất lộng lẫy, kế lại đưa một cánh tay qua, thấy trắng như ngọc. Mọi người hoảng sợ cho là yêu quái, toan nắm lấy thì đã rút ra. Giây lát lại thò vào, cách vách nên không thấy người, chạy mau ra xem thì đã biến mất. Một người bèn cầm dao núp dưới vách, giây lát cái đầu thò vào, y vùng dậy chém, cái đầu theo dao rơi xuống, máu bắn tung tóe lên vách. Mọi người phát hoảng báo cho chủ nhà trọ, chủ nhà trọ sợ hãi đem cái đầu lên báo quan. Quan bắt bọn khách thương tới hỏi cung thấy thưa bẩm rất hoang đường bèn giam giữ suốt nửa năm, họ đều kêu van là không biết gì, kế không thấy ai kiện tụng bèn tha ra, sai chôn cái đầu cô gái.
Lý Hội Đẩu ở Ích Đô (tỉnh Tứ Xuyên) ngẫu nhiên đi ngang qua núi, gặp vài người đang ngồi dưới đất uống rượu, thấy Lý đều cung kính đứng dậy mời cùng ngồi, rót rượu mời mọc. Nhìn vào mâm thấy đủ thứ rau cỏ, uống với nhau một lúc rất vui vẻ, nhưng rượu rất nhạt. Chợt có một người đi tới, mặt hẹp mà dài khoảng hai ba thước, đội mũ cao mà nhỏ. Cả bọn hoảng sợ nói “Thần núi tới rồi", cùng nhao nhao bỏ chạy. Lý cũng nằm rạp xuống núp dưới hố, lát sau dậy xem thì không thấy rượu thịt gì cả chỉ có vài món bát đĩa vỡ đầy cát bụi vứt lăn lóc, trên mảnh ngói có mấy con rắn mối mà thôi.
211. Tướng Quân Họ Khố (Khố Tướng Quân)
Khố Đại Hữu tự Quân Thục là người huyện Dương ở Hán Trung (tỉnh Tứ Xuyên) đậu Cử nhân võ, theo làm tướng trong quân Tổ Thuật Vũ[251]. Tổ rất quý trọng, cất nhắc mấy lần, dần thăng tới chức Tổng nhung của nhà ngụy Chu. Sau thấy thế đã nguy, ngầm đem quân đánh Tổ, chém Tổ bị thương ở tay rồi bắt sống giải về nộp cho Tổng đốc Thái. Tới kinh đô, Khố nằm mơ thấy bị giải tới âm ty, Diêm Vương giận là bất nghĩa, sai quỷ tất lấy dầu sôi đổ vào chân. Tỉnh dậy thì chân đau không sao chịu nổi, kế lở ra máu mủ bê bết, các ngón rụng hết, lại thêm bị mê sảng, cứ gào lớn rằng “Ta quả là kẻ bất nghĩa, ta quả là kẻ bất nghĩa!", rồi chết.
Dị Sử thị nói: Thờ ngụy triều thì vốn không thể nói là trung, nhưng được coi như bậc quốc sĩ hay kẻ tầm thường thì chịu ơn cũng phải báo đáp, chỉ là người hào kiệt thì buộc mình phải báo đáp sao cho xứng đáng mà thôi[252]. Chuyện này quả cũng có thể để răn những kẻ bầy tôi ăn ở hai lòng trong thiên hạ vậy.
---
[251] Tố Thuật Vũ: tướng của Bình Tây vương Ngô Tam Quế thời Thanh, theo giúp Ngô Tam Quế làm phản chống lại nhà Thanh, chiếm cứ vùng đất phía nam Trung Quốc, xưng quốc hiệu là Chu, sau bị nhà Thanh đánh bại.
[252] Được coi như... mà thôi: Dự Nhượng người nước Tấn thời Chiến quốc theo thờ họ Phạm Trung Hàng, họ Phạm không biết tài bèn bỏ theo thờ Trí Bá, được Trí Bá rất kính trọng. Sau Trí Bá bị Triệu Tương tử giết, Dự Nhượng nuốt than sơn mặt đổi giọng nói thay vẻ mặt để hành thích Tương tử nhưng bại lộ bị bắt. Tương tử hỏi "Trước ông đã thờ họ Phạm Trung Hàng rồi, sao lại liều chết báo thù cho Trí Bá?", Nhượng đáp "Họ Phạm coi ta là kẻ tầm thường thì ta báo đáp như kẻ tầm thường còn Trí Bá coi ta như bậc quốc sĩ nên ta báo đáp theo kiểu quốc sĩ" Cả câu ý nói kẻ hào kiệt phải đền ơn theo kiểu hào kiệt chứ không thể tính toán so kè là chịu ơn nhỏ hay lớn được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét