Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

159. Lưu Phu Nhân

 

159. Phu Nhân Nhà Họ Lưu (Lưu Phu Nhân)

 

Liêm sinh người huyện Chương Đức (tỉnh Hà Nam), lúc trẻ ham học nhưng mồ côi sớm, nhà rất nghèo. Một hôm đi khỏi nhà, tối về lạc đường vào một thôn nọ, gặp một bà già đi tới nói "Liêm công tử đi đâu thế, trời tối lắm rồi". Sinh đang lo lắng nên cũng không kịp hỏi là ai, chỉ xin ngủ nhờ. Bà già dẫn sinh đi tới một phủ đệ lớn, có hai a hoàn cầm đèn lồng đưa một người đàn bà ra, thấy khoảng hơn bốn mươi tuổi, cử chỉ phong thái ra dáng đại gia. Bà già bước lên thưa "Liêm công tử đã tới," Sinh vội rảo bước tới làm lễ, người đàn bà vui vẻ nói "Công tử tuấn tú lắm, đâu phải chỉ là một phú ông". Lập tức bày tiệc đón tiếp, ngồi bên cạnh mời mọc rất ân cần, nhưng riêng mình nâng chén không mấy khi uống, cầm đũa không mấy khi gắp.


Sinh ngại ngùng áy náy, mấy lần hỏi thăm gia thế, bà cười đáp "Cứ uống cạn ba chén lớn ta sẽ nói cho chàng biết". Sinh uống xong, bà nói "Chồng ta họ Lưu, làm khách ở Giang Tả (vùng Giang Tây) gặp tai biến chết rồi. Ta góa bụa sống một mình ở nơi vắng vẻ này, nhà cửa ngày càng sa sút. Tuy có hai đứa cháu nội nhưng nếu không phải lũ ăn tàn phá hại thì cũng là hạng bất tài vô dụng. Công tử tuy khác họ nhưng kiếp trước là ruột thịt, vả lại tính tình thuần hậu cẩn thận nên ta mới ra mặt gặp gỡ. Cũng chẳng có chuyện gì phiền, chỉ là ta có một ít vàng chôn giấu, muốn gởi công tử đem đi buôn bán, có lời thì chia, cũng không tới nỗi chết già không được ai biết". Liêm từ chối, lấy cớ tuổi còn trẻ lại chỉ là kẻ học trò khờ khạo, sợ phụ sự ủy thác lớn lao.


Bà nói "Đọc sách trước hết là để mưu sinh, công tử lại vốn thông minh, chuyện gì mà không làm được”. Rồi sai tỳ nữ mang vàng ra giao, tất cả hơn tám trăm lượng, sinh lo sợ cố từ chối. Bà nói “Ta cũng biết công tử chưa quen giao thiệp buôn bán, nhưng cứ thử xem, chắc chắn không thua lỗ đâu”. Sinh lo rằng số vốn lớn như thế thì một người không đủ sức coi sóc nên bàn họp bạn đi buôn chung. Bà nói “Không cần đâu, chỉ cần tìm một người thành thật tháo vát theo giúp công tử là đủ” lại bấm đốt tay tính toán, nói “Được người họ Ngũ thì rất tốt". Rồi sai đầy tớ thắng ngựa chở vàng đưa sinh về, nói "Đến cuối năm xin chờ làm tiệc tẩy trần", lại ngoảnh lại dặn người đầy tớ rằng "Con ngựa này thuần, có thể cưỡi được, vậy tặng luôn cho công tử, khỏi cần dắt về". Sinh về tới nhà thì đã canh tư người đầy tớ buộc ngựa rồi chào về. Hôm sau sinh đi khắp nơi tìm người giúp việc, quả được một người họ Ngũ, bèn trả công hậu để thuê. Ngũ già đời trong việc đi xa, lại là người ngu tối vụng về song cẩn thận, sinh đưa hết tiền bạc cho giữ, cùng nhau qua lại buôn bán ở Kinh Tương (vùng Hồ Nam).


Cuối năm trở về, tính lại thì vốn đã tăng gấp ba lần, sinh cho rằng nhờ sức của Ngũ nhiều, nên ngoài công xá còn thưởng thêm cho rất hậu, định là không cho chủ nhân biết. Vừa về tới nơi, người đàn bà đã sai người ra đón, hai người cùng vào. Thấy trên sảnh đã bày tiệc sẵn, người đàn bà bước ra, hết lời khen ngợi an ủi. Sinh nộp cả tiền bạc, tính hết sổ sách, nhưng bà không ngó ngàng gì tới. Giây lát mời vào tiệc, có cả ban hát ca múa nhộn nhịp, Ngũ cũng được mời tiệc riêng ở nhà ngoài, say khướt mới về. Sinh thì vì chưa có vợ nên ở lại ăn Tết luôn. Hôm sau lại xin tính toán sổ sách, người đàn bà cười nói "Sau này không cần làm thế nữa, ta đã biên chép từ lâu rồi". Rồi giở sổ cho sinh xem, thấy ghi chép rất rành mạch, ngay cả khoản thưởng thêm cho Ngũ cũng thấy có trong đó, sinh kinh ngạc nói "Phu nhân quả là người thần”. Qua mấy hôm, cho ăn ở rất chu tất, đãi sinh như con cháu trong nhà. Một hôm bày tiệc trên sảnh, đặt một ghế chủ một ghế khách dưới thềm cũng bày một bàn, nói với sinh rằng "Ngày mai là ngày Tài tinh lâm chiếu, đúng dịp nên lên đường, hôm nay ta bày tiệc tiễn chủ tớ công tử cho thêm phần khởi sắc”. Ngũ cũng được gọi tới, cho ngồi ở bàn dưới thềm. Một lát thì ban hát ra diễn, chiêng trống vang tai, người của ban hát bước lên trình danh sách các vở tuồng. Sinh bảo diễn vở Đào Chu giàu có[194], người đàn bà cười nói "Đó là điềm báo trước đấy, chắc công tử sẽ được Tây Thi làm nội trợ”.
 
Tan tiệc lấy toàn bộ số vàng đưa sinh, nói "Lần này đi không kể ngày tháng, nếu không thu được vạn lượng vàng xin đừng về. Ta với công tử nương dựa nhau do phúc mệnh, tin cậy nhau như gan ruột, đừng nhọc công làm sổ sách làm gì. Việc bán buôn lời lỗ ở phương xa thế nào tự ta có thể biết được”, sinh vâng dạ lui về. Rồi lên đường tới đất Hoài Thương (huyện Hoài ân tỉnh Giang Tô) xin làm thầu buôn muối, hơn một năm thì vốn đã tăng gấp mấy lần. Nhưng sinh ham học, ngoài những lúc tính toán buôn bán vẫn không quên sách vở, bạn bè cùng giao du đều là kẻ văn sĩ. Lại thấy đã có nhiều tiền nên thầm muốn nghỉ buôn bán, dần dần giao hết công việc cho Ngũ. Sinh chơi thân với Tiết sinh ở huyện Đào Nguyên (tỉnh Hồ Nam), nhân đi ngang ghé thăm, nhưng cả nhà đều đang ở chỗ khác. Trời đã tối không sao gọi về, người giữ cổng giữ sinh lại, dọn giường nấu cơm tiếp đãi. Sinh hỏi kỹ về chủ nhân, thì ra đại để lúc ấy người ta đồn nhảm rằng triều đình muốn tuyển con gái nhà lương dân làm lễ vật hoà thân để yên biên cuơng, dân gian náo động, nghe nói ai trẻ tuổi chưa vợ thì không cần mai mối, cứ đưa con gái tới tận nhà gả cho, tới nỗi có người trong một đêm cưới luôn được hai vợ.


Tiết cũng vừa cưới một người vợ con nhà vọng tộc, nhưng sợ xe ngựa rầm rập quan huyện biết được nên dời về ở trong làng. Gần hết canh một, sinh vừa đi nằm chợt nghe tiếng mấy người gọi cổng vào nhà, không rõ người giữ cổng nói gì, chỉ nghe một người hỏi “Quan nhân đã không có nhà, vậy ai thắp đèn trong kia?". Người giữ cổng đáp là Liêm công tử, khách từ xa tới. Giây lát người vừa hỏi bước vào, áo mũ đẹp đẽ, vừa chào xong đã hỏi ngay tên họ quê quán. Sinh đáp xong, người ấy mừng rỡ nói "Té ra là đồng hương với ta, vậy nhạc gia là ai thế”. Sinh đáp còn chưa có vợ, người ấy càng vui mừng, rảo bước ra gọi một thiếu niên cùng vào, làm lễ chào hỏi rất cung kính rồi nói “Thưa thật với công tử, bọn ta họ Mộ, đêm nay tới đây là đưa cô em tới gả cho Tiết quan nhân, gặp tình cảnh thế này đang không biết làm sao, tiến lui đều khó, lại gặp được công tử há chẳng phải là số phận ư?".


Sinh vì chưa biết họ là ai nên còn ngần ngừ chưa dám ưng thuận, Mộ lại mặc kệ lời từ chối, cứ gọi người đưa cô dâu vào. Phút chốc có hai bà già đưa một cô gái vào ngồi trên giường, sinh liếc nhìn thấy khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, xinh đẹp không ai bằng. Sinh mừng rỡ, sửa mũ áo tạ ơn Mộ, lại bảo ngươi giữ cổng dọn rượu tiếp đãi, cùng nhau trò chuyện rất vui vẻ. Mộ nói "Tổ tiên bọn ta vốn là người huyện Chương Đức, dòng họ bên mẹ cũng là thế gia nhưng nay đã sa sút. Nghe nói ông bà ngoại còn có hai người cháu nội, không rõ tình cảnh ra sao". Sinh hỏi họ tên, Mộ đáp "Ông ngoại bọn ta họ Lưu tên Huy Nhược, nghe nói cư ngụ cách huyện thành ba mươi dặm về phía bắc". Sinh nói “Nhà ta ở phía đông nam huyện thành, cách nơi ấy khá xa, lại tuổi còn nhỏ nên giao thiệp chưa nhiều, quen biết cũng ít. Trong huyện có rất nhiều người họ ấy, nhưng nghe nói phía bắc huyện thành có Lưu Kinh Khanh, cũng là bậc văn sĩ nhưng không rõ có đúng không, có điều nhà thì nghèo". Mộ nói "Mồ mả tổ tiên bọn ta vẫn còn ở huyện Chương Đức, vẫn muốn đưa quan tài cha mẹ về ở quê cũ nhưng vì chưa lo đủ tiền bạc nên còn lần lữa. Nay em gái bọn ta được theo công tử về, bọn ta càng quyết ý về quê". Sinh nghe thế, khẳng khái nhận sẽ thu xếp. Hai người họ Mộ rất vui mừng, uống vài chén rượu rồi chào về. Sinh bảo người hầu thay đèn đi ngủ, đêm ấy vợ chồng yêu thương nhau rất đằm thắm.


Hôm sau Tiết nghe tin vội trở vào thành, xây một dãy nhà riêng cho sinh ở. Sinh trở lại đất Hoài, tính toán tiền bạc xong, lưu Ngũ ở lại rồi mang hành trang tiền bạc về lại Đào Nguyên, cùng hai người họ Mộ đưa quan tài cha mẹ và cả hai gia đình về quê. Về tới nhà, sinh thu xếp đâu đó xong, đem tiền bạc tới chỗ chủ nhân thì thấy ngùoi đầy tớ dắt ngựa trước kia đã đứng đón trên đường đưa vào nhà. Người đàn bà ra đón, vui vẻ nói "Đào Chu công đưa được Tây Thi về rồi. Hôm trước là khách, chứ hôm nay là cháu rể của ta rồi đấy nhé". Rồi bày tiệc đón mừng, đối xử càng thêm thân thiết. Sinh khâm phục là có tài biết trước, bèn hỏi phu nhân cùng mẹ vợ mình có họ hàng xa gần thế nào, bà đáp đừng hỏi, về sau sẽ tự biết thôi. Rồi chất vàng lên bàn, chia làm năm phần, tự mình lấy hai phần, nói "Ta thì chẳng dùng gì tới, chỉ giữ lại để cho cháu đích tôn thôi". Sinh thấy phần mình quá nhiều, chối từ không nhận. Bà buồn rầu nói "Nhà ta sa sút, cây cối trong sân bị người ta chặt làm củi, cháu nội lại ở xa quá, cửa nẻo ngày càng tiêu điều, phiền công tử lo giùm". Sinh vâng dạ, nhưng xin chỉ nhận một nửa số vàng. Bà ép cầm cả rồi tiễn sinh ra cổng, gạt lệ quay vào. Sinh lấy làm lạ lùng ngờ vực, ngoảnh lại nhìn toà phủ đệ thì là ngôi mộ lớn, mới hiểu ra rằng phu nhân chính là bà ngoại vợ mình. Về tới nhà bèn xuất tiền mua một khoảnh ruộng quanh mộ, tu bổ dọn dẹp rất đẹp đẽ tươm tất.


Họ Lưu có hai cháu nội, lớn tức Kinh Khanh còn thứ tên Ngọc Khanh, là kẻ rượu chè cờ bạc lêu lổng, cả hai đều nghèo. Hai anh em tới nhà sinh tạ ơn, sinh đều tặng cho rất hậu, từ đó thường qua lại với nhau. Sinh kể đầu đuôi việc mình đi buôn, Ngọc Khanh nghĩ thầm rằng trong mộ ắt có vàng, đêm tối rủ mấy tên cờ bạc tới đào mộ tìm, phá vỡ quan tài phơi cả xương cốt ra nhưng không được chút gì, thất vọng tan đi. Sinh được tin mộ bị phá, báo cho Kinh Khanh, Kinh Khanh tới gặp sinh rồi cùng đi xem. Vào tới huyệt mộ thì thấy số vàng phu nhân giữ lại trước đây vẫn chồng chất trên án, Kinh Khanh muốn chia đôi với sinh. Sinh nói "Phu nhân giữ số vàng này lại vốn là để chờ dịp cho huynh thôi mà", Kinh Khanh bèn chở cả về. Kế báo lên huyện, quan tư lùng bắt rất gấp, sau bắt đước người bán một chiếc trâm ngọc trong mộ, tra hỏi mới biết Ngọc Khanh là kẻ chủ mưu. Quan huyện muốn trị tội Ngọc Khanh thật nặng, Kinh Khanh hết sức kêu xin cho mới được khỏi tội chết. Cả hai nhà cùng ra sức sửa sang trong ngoài ngôi mộ, so ra còn bền chắc đẹp đẽ hơn lúc trước. Từ đó Liêm Lưu cùng giàu có, duy Ngọc Khanh vẫn nghèo như cũ. Sinh và Kinh Khanh thường chu cấp cho, song rốt lại vẫn không đủ cho y cờ bạc. Một đêm có bọn cướp vào nhà sinh trói người khảo của, sinh chôn vàng cứ một ngàn năm trăm lượng vàng là một vò, bèn chỉ chỗ cho chúng đào, bọn cướp lấy được hai vò. Lúc ấy chỉ có con ngựa ma trong tàu, chúng bèn thắng cương vào chở vàng đi, lại bắt sinh theo, ra tới ngoài đồng mới thả cho về.


Người trong thôn thấy ánh đèn đuốc của bọn cướp còn chưa xa lắm, hò hét đuổi theo, chúng hoảng hốt bỏ chạy. Mọi người đuổi tới chỗ ngôi mộ thì thấy vàng rơi tung toé trên đường mà con ngựa thì biến thành tro giấy, mới biết con ngựa cũng là ma. Đêm ấy nhà sinh chỉ mất có một chiếc vòng vàng mà thôi. Vốn trước đó bọn cướp bắt vợ sinh, thấy nàng xinh đẹp toan cưỡng hiếp, nhưng có một tên đeo mặt nạ quát thét bảo thôi, giọng nói giống như Ngọc Khanh. Bọn cướp bèn tha vợ sinh, chỉ lột chiếc vòng vàng nàng đeo ở tay. Sinh vì vậy ngờ đó là Ngọc Khanh, nhưng cũng thầm cám ơn y. Sau bọn cướp bán chiếc vòng vàng đánh bạc, bị công sai bắt được, tra hỏi bè đảng thì quả trong đó có Ngọc Khanh. Quan huyện tức giận, dùng trọng hình trị tội. Kinh Khanh bàn với sinh định đem nhiều tiền lo lót để cứu, nhung chưa kịp làm gì thì Ngọc Khanh đã chết trong ngục, từ đó sinh vẫn cấp dưỡng cho vợ con y. Về sau sinh thi đỗ Cử nhân, con cháu mấy đời đều giàu có. Than ôi, tự dạng chữ “tham" ngang sổ chấm phết rất giống chữ "bần", hạng người như Ngọc Khanh đủ để làm điều răn vậy.

 -----
[194] Đào Chu giàu có: Đào Chu tức Phạm Lãi, người thời Xuân Thu, theo giúp Việt Vương Câu Tiễn, sai mỹ nhân là Tây Thi qua dùng sắc đẹp để quyến rũ Ngô vương Phù Sai, ly gián triều dình, làm rối triều chính nước Ngô. Sau khi Câu Tiễn diệt Ngu, Phạm Lãi bỏ quan, đưa Tây Thi rời nước Việt, thay tên đổi họ đi buôn bán khắp nơi, trở thành cự phú, sau cùng ở lại nước Tề, tự xưng là Đào Chu công.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét