NGỤY THƯ QUYỂN 20 - Vũ Văn thế Vương Công
truyện
Quắc quốc phu nhân du xuân đồ
Tranh họa sư cung đình Trương Huyên triều nhà Đường
PHẦN I.
Tào Ngang, Tào Thước,
Tào Xung, Tào Cứ, Tào Vũ, Tào Lâm, Tào Cổn, Tào Huyền, Tào Tuấn, Tào Củ, Tào
Cán, Tào Thượng, Tào Bưu, Tào Cần, Tào Thừa, Tào Chỉnh, Tào Kinh, Tào Quân, Tào
Cấc, Tào Huy, Tào Mậu, Tào Hiệp, Tào Nhuy, Tào Giám, Tào Lâm, Tào Lễ, Tào Ung,
Tào Cống, Tào Nghiễm.
Vũ Hoàng Đế có hai mươi lăm con trai: Biện Hoàng hậu sinh Văn Hoàng Đế, Nhâm Thành Uy Vương là Chương, Trần Tư Vương là Thực, Tiêu Hoài Vương là Hùng;
Lưu phu nhân sinh Phong Mẫn Vương là Ngang, Tương Thương Vương là Thước;
Hoài phu nhân sinh Đặng Ai Vương là Xung, Bành Thành Vương là Cứ, Yên Vương là Vũ;
Đỗ phu nhân sinh Bái Mục Vương là Lâm, Trung Sơn Cung Vương là Cổn;
Tần phu nhân sinh Tế Dương Hoài Vương là Huyền, Trần Lưu Cung Vương là Tuấn;
Doãn phu nhân sinh Phạm Dương Mẫn Vương là Củ;
Vương chiêu nghi sinh Triệu Vương là Cán; Tôn cơ sinh Lâm Ấp
Thương công tử là Thượng, Sở Vương là Bưu, Cương Thương công tử là Cần; Lí cơ
sinh Cốc Thành Thương công tử là Thặng, Mi Đái Công tử là Chỉnh, Linh Thương
công tử là Kinh; Chu cơ sinh Phàn An Công là Quân; Lưu cơ sinh Quảng Tông
Thương công tử là Cức; Tống cơ sinh Đông Bình Linh Vương là Huy; Triệu cơ sinh
Lạc Lăng Vương là Mậu.
Phong Mẫn Vương là
Ngang, tự Tử Tu. Tuổi 'nhược quán'(1) cử hiếu liêm, theo Thái Tổ đánh miền nam,
bị Trương Tú hại. Không có con. Năm Hoàng Sơ thứ hai, truy phong thụy là Phong
Trác Công. Năm thứ ba, lấy con của Phàn An Công là Quân tên là Uyển làm dòng
dõi của Ngang, phong Trung Đô Công; năm đó chuyển phong con cả tên là Công. Năm
thứ năm, truy tặng Ngang hiệu là Phong Trác Vương. Năm Thái Hòa thứ ba, đổi thụy
Ngang là Mẫn Vương. Năm Gia Bình thứ sáu, lấy Uyển nối tước Ngang làm Phong
Vương. Giữa năm Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, cùng hai nghìn bảy trăm
hộ lúc trước. Uyển hoăng, thụy là Cung Vương. Con là Liêm nối tự.
Tương Thương Vương là
Thước, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ ba, truy phong thụy. Năm Thanh Long thứ nhất,
con là Mẫn Vương tên là Tiềm nối tự; năm đó hoăng. Năm thứ hai, con là Hoài
Vương tên là Yển nối tự, thực ấp hai nghìn năm trăm hộ. Năm thứ tư, hoăng,
không có con. Nước trừ. Năm Chính Nguyên thứ hai, lấy con của Lạc Lăng Vương là
Mậu là Dương Đô Hương Công tên là Tủng nối dõi của Thước.
Đặng Ai Vương là
Xung, tự Thương Thư. Thủa bé thông minh tột vời, sinh được năm sáu tuổi đã trí
tuệ, có cái trí như của người lớn. Bấy giờ Tôn Quyền từng cống voi lớn, Thái Tổ
muốn biết cân nặng của nó, hỏi với bầy tôi, đều chẳng ai bày được cách cân.
Xung nói: "Đặt voi lên thuyền lớn, rồi khắc chỗ mà mực nước đến, đem vật
khác để thay vào thì sẽ biết được vậy". Thái Tổ cả mừng, liền cho làm
ngay. Bấy giờ quân lữ nhiều việc, dùng hình rất nghiêm. Yên ngựa của Thái Tổ ở
kho bị chuột gặm, quan coi kho sợ tất chết, bàn muốn trói đầu chịu tội, vẫn lo
không thoát được. Xung bảo rằng: "Đợi ba ngày nữa rồi mới tự bẩm". Do
đó Xung lấy đao cắt áo cộc làm như chuột gặm, rồi tỏ vẻ thất ý, mặt có vẻ buồn,
Thái Tổ hỏi sao, Xung đáp rằng: "Người đời cho là áo bị chuột gặm thì chủ
áo không được tốt. Nay áo cộc bị gặm, cho lên lo buồn". Thái Tổ nói:
"Đấy là nói bậy thôi, không sao cả vậy". Chốc lát thì quan coi kho bẩm
việc cái yên bị gặm, Thái Tổ cười rằng: "Cái áo trẻ con ở bên còn bị gặm,
huống chi là cái yên treo trên cột đây"? Rồi không hỏi nữa. Xung nhân ái
hiểu biết, đều đại loại như thế. Hễ ai phải tội chết mà được Xung bày lí lẽ biện
luận thì nhờ đó mà được cứu, trước sau có mấy chục người.
Ngụy thư chép: Xung hễ
gặp kẻ bị phạt, liền xét kĩ có oan uổng không mà nói lí lẽ. Đến như những quan
lại chăm chỉ có lỗi lầm mà bị tội, thường bày bẩm Thái Tổ, nên khoan thứ cho họ.
Tính ưa xem xét lại nhân ái, dáng vẻ đẹp đẽ, có khác với mọi người, cho nên rất
được sủng ái.
Thần là Tùng Chi cho
rằng: Câu nói một ý là "Dáng vẻ đẹp đẽ" mà chia ra nói làm ba lần,
cũng là một lỗi chép văn sai vậy.
Thái Tổ nhiều lần đối
với bầy tôi mà khen ngợi, có ý muốn truyền vị cho. Năm mười ba tuổi, vào năm Kiến
An thứ mười ba thì bệnh chết. Thái Tổ tự đến thăm chăm. Lúc mất, rất buồn. Văn
Đế an ủi Thái Tổ, Thái Tổ nói: "Đấy là điều không may của ta, lại là điều
may của bọn mi vậy".
Tôn Thịnh nói:
"Theo nghĩa Xuân thu, lập con trưởng làm người nối tự không kể hiền hay
không. Xung dẫu còn sống cũng không nên lập, huống chi đã chết mà nói ra lời ấy?
Kinh Thi chép: 'Chớ nói dễ dãi'. Ngụy Vũ Đế nói thế là dễ dãi vậy".
Nói mà rơi lệ, đem hợp
táng với con gái đã mất của Chân thị, tặng ấn thao Kị đô úy, sai con của Uyển Hầu
là Cứ tên là Tông nối dõi Xung. Năm thứ hai mươi hai, phong Tông làm Đặng Hầu.
Năm Hoàng Sơ thứ hai, truy tặng thụy Xung là Đặng Ai Hầu, lại thêm hiệu là
Công.
Ngụy thư chép lệnh rằng:
"Vào ngày bính ngọ tháng tám năm Hoàng Sơ thứ hai, Hoàng đế nói: Nhớ Đặng
Ai Hầu ngươi là Xung, ngày xưa trời cao truyền tính đẹp, tặng cái tài thông đạt
cho thân ngươi, thành danh ở tuổi trẻ; đáng được hưởng lộc lâu dài, thọ đến trọn
đời. Sao lại không may, giữa đời mệnh yểu! Trẫm nối ngôi trời, trị cả bốn cõi,
phong tặng người thân để làm phên dậu của nhà nước, nghĩ ngươi không kịp hưởng
vinh hiển, lại nữa lễ táng chưa đủ. Trong lòng thương cảm, đau buồn xót xa. Nay
chuyển táng ở Cao Lăng, sai Sứ trí tiết kiêm Yết giả bộc xạ Lang trung Trần Thặng
đến truy tặng hiệu là Đặng Công, lấy đồ thái lao cúng tế. Hồn mà có linh, hãy
nhận vinh sủng. Than ôi thương thay"!
Ngụy lược chép: Văn Đế
thường nói: "Anh ta hiếu liêm, tự biết phận mình. Nếu Thương Thư còn sống
thì ta cũng không có thiên hạ"!
Năm thứ ba, thêm tước
cho Tông, chuyển phong làm Quán Quân Công. Năm thứ tư, chuyển phong Kỉ Thị
Công. Năm Thái Hòa thứ năm, thêm hiệu Xung là Đặng Ai Vương. Năm Cảnh Sơ thứ nhất,
Tông bị khép tội ở phủ Thượng phương làm vật cấm, trừ ba trăm hộ, giảm tước làm
Đô hương hầu. Năm thứ ba, lại làm Kỉ Thị Công. Năm Chính Thủy thứ bảy, chuyển
phong làm Bình Dương Công. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm
ấp, cùng một nghìn chín trăm hộ lúc trước.
Bành Thành Vương là Cứ,
năm Kiến An thứ mười sáu được phong làm Phạm Dương Hầu. Năm thứ hai mươi hai,
chuyển phong làm Uyển Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ hai, tiến tước làm Công. Năm thứ
ba, làm Chương Lăng Vương; năm đó chuyển phong làm Nghĩa Dương Vương. Văn Đế vì
miền nam ẩm thấp, lại vì Hoài thái phi là người quận Bành Thành, bèn chuyển
phong làm Bành Thành Vương; lại chuyển phong Tế Âm Vương. Năm thứ năm, chiếu
nói: "Đế vương ngày xưa phân phong, tùy thời mà định. Hán Cao Tổ tăng quận
mà nhà Tần đặt, đến thời Quang Vũ Đế vì thiên hạ tổn giảm bèn cắt bớt quận huyện.
Đến nay cũng thế, ích chẳng gì hơn. Nay đổi phong các Vương, đều làm Huyện
vương". Cứ được đổi phong ở huyện Định Đào. Năm Thái Hòa thứ sáu, đổi
phong các Vương hầu, đều lấy quận làm nước, Cứ lại chuyển phong ở quận Bành
Thành. Năm Cảnh Sơ thứ nhất, Cứ bị khép tội sai người người đến phủ Thượng
phương làm vật cấm, cắt bớt hai nghìn hộ.
Ngụy thư chép chiếu
thư rằng: "Chiếu lệnh Bành Thành Vương: Quan coi việc tấu nói Vương sai Tư
mã Đổng Hòa đem ngọc châu đến phủ Thượng phương trong kinh sư, làm nhiều vật cấm,
qua lại với Công quan, ra vào phủ quan, chuyển dời vô độ, khinh lệnh trái phép,
dùng luật trói buộc. Trẫm lấy làm ngạc nhiên, trong lòng không yên. Vương ở
ngôi trọng của thân thích, nắm vị của phiên thần, điển tịch hằng ngày bày ở trước,
sách đọc không nghỉ ở bên; lại vốn tính nhã nhặn trong sạch, cung kính thận trọng,
làm việc tu đạo, chăm chỉ không nhác, há quên tu thân thuận ý, quên xét kĩ thiếu
sót sao? Nếu có lỗi nhỏ, hoặc bị tiểu nhân gièm pha, sao lại không biết được mà
để lầm lỗi như thế? Kinh Thư chép: 'Thánh nhân không lo suy nghĩ cũng sẽ thành
kẻ cuồng, kẻ cuồng lo suy nghĩ cũng thành được thánh nhân'. Người xưa răn bảo
mà đến như thế, cho nên quân tử suy nghĩ không ngừng về đạo hóa sâu xa vậy. Thường
nghĩ là vì tu đức mà bỏ thì đức sáng vậy; mở ý là vì nghẽn mà thông suốt thì ý
yên vậy; giữ hạnh là vì lỗi mà sửa thì hạnh trọn vậy; ba điều ấy là điều mà
Vương nên có. Nay hạ chiếu quan coi việc tha cho Vương, cắt một huyện, hai
nghìn hộ để nêu rõ phép tắc ra oai và phạt lỗi. Ngày xưa Hi-Văn soạn kinh Dịch(2),
chép lời hay đẹp, Trọng Ni luận đức hạnh, nói là có lỗi thì sửa được. Vương nên
sửa đức, nêu rõ nghĩa lớn, kính theo chớ biếng".
Năm thứ ba, trả lại hộ
ấp bị cắt. Giữa năm Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả bốn nghìn
sáu trăm hộ lúc trước.
Yên Vương là Vũ, tự
Bành Tổ. Năm Kiến An thứ mười sáu, phong Đô hương hầu. Năm thứ hai mươi hai, đổi
phong Lỗ Dương Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ hai, tiến tước làm Công. Năm thứ ba, làm Hạ
Bì Vương. Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Đan Phủ. Năm Thái Hòa thứ sáu, đổi
phong làm Yên Vương. Minh Đế thủa nhỏ ở cùng với Vũ, thường yêu mến Vũ. Đến lúc
lên ngôi, ban sủng khác với các Vương hầu. Năm Thanh Long thứ ba, mời vào chầu.
Năm Cảnh Nguyên thứ nhất, về huyện Nghiệp. Mùa hạ năm thứ hai, lại mời đến kinh
đô. Tháng mười hai mùa đông, Minh Đế bệnh nặng, bái Vũ làm Đại tướng quân, trao
cho việc sau. Nhận mệnh được bốn ngày, Vũ cố từ chối; ý Đế cũng đổi, bèn bãi chức
của Vũ. Mùa hạ năm thứ ba, về huyện Nghiệp. Giữa năm Cảnh Sơ, Chính Nguyên,
tăng thêm ấp, gộp cả năm nghìn năm trăm hộ trước kia. Thường Đạo Hương Công tên
là Hoán là con của Vũ, vào nối dòng cả.
Bái Mục Vương là Lâm,
năm Kiến An thứ mười sáu được phong làm Nghiêu Dương Hầu. Năm thứ hai mươi hai,
chuyển phong ở huyện Tiêu. Năm Hoàng Sơ thứ hai, tiến tước làm Công. Năm thứ
ba, làm Tiêu Vương. Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Tiêu. Năm thứ bảy, chuyển
phong ở huyện Quyên Thành. Năm Thái Hòa thứ sáu, chuyển phong ở nước Bái. Giữa
năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả bốn nghìn bảy trăm hộ
lúc trước. Lâm hoăng, con là Vĩ nối tự.
Xét Kê thị phả chép:
Vợ của Kê Khang là con gái của con Lâm vậy.
Trung Sơn Cung Vương là Cổn, năm Kiến An thứ hai mươi mốt được phong Bình Hương Hầu. Thủa trẻ ham học, hơn mười tuổi biết làm văn. Hễ đọc sách, quan Văn học tả hữu thường sợ vì chăm chỉ mà sinh bệnh, nhiều lần can ngăn. Nhưng tính vốn thích, không bỏ được vậy. Năm thứ hai mươi hai, chuyển phong làm Đông Hương Hầu, năm đó lại đổi phong làm Phí Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ ba, tiến tước làm Công, quan thuộc đều mừng, Cổn nói: "Ta sinh ở cung sâu không biết cái gian khổ của việc trồng trọt, lại phần nhiều kiêu ngạo. Các khanh đã chúc mừng ta, nên giúp sửa lỗi sót nữa". Hễ anh em chơi vui, riêng Cổn suy đọc kinh điển, quan Văn học phòng phụ nói với nhau rằng: "Ta vâng lệnh xét hành động của ngài, có lỗi phải tấu, có việc tốt cũng nên bẩm lên, không được giấu cái tốt vậy". Bèn cùng tấu khen tính tốt của Cổn. Cổn nghe tin, rất lo lắng, trách lỗi quan Văn học rằng: "Tu thân tự giữ là đức của người thường, vậy mà các ông lại bẩm lên, đấy là tang thêm lỗi của ta vậy. Vả lại nếu có tốt thì lo gì không được nghe biết mà lại cùng làm như thế? Đấy chẳng phải giúp ích cho ta vậy". Người này cẩn thận như thế. Năm thứ ba, làm Bắc Hải Vương; năm đó, rồng vàng hiện ở sông Chương phía tây huyện Nghiệp, Cổn dâng thư khen ngợi. Hạ chiếu ban mười cân vàng ròng, chiếu nói: "Ngày xưa Đường Thúc dâng lúa, Đông Bình hiến tụng(3), đấy đều là cốt nhục khen nhau để nêu rõ tình thân. Vương thông suốt tịch điển, xét kĩ đạo hóa, văn nhã sáng sủa, trẫm rất khen ngợi. Vương nên cẩn thận dưỡng đức để trọn tiếng tốt". Năm thứ tư, đổi phong làm Phí Vương. Năm thứ bảy, chuyển phong ở huyện Bộc Dương; năm Thái Hòa thứ hai đến nước, vẫn tiết kiệm, hạ lệnh thê thiếp thêu dệt vải lụa, tập làm việc trong nhà. Mùa đông năm thứ năm, vào chầu. Năm thứ sáu, đổi phong ở quận Trung Sơn.
Trước đây, Cổn đến chầu,
phạm cấm ở kinh đô. Năm Thanh Long thứ nhất, quan coi việc tấu hạch tội Cổn.
Chiếu nói: "Vương vốn thận trọng, chợt nhiên đến đây, nên lấy phép thân
thích mà bàn việc". Quan voi việc cố gàn, bèn hạ chiếu bớt hai huyện, bảy
trăm năm mươi hộ.
Ngụy lược chép chiếu
thư rằng: "Chế chiếu cho Trung Sơn Vương: Quan coi việc tấu nói Vương vừa
đến chầu, phạm cấm giao du ở kinh sư; trẫm nghĩ cái ân thân thích, bỏ lời bàn của
quan lại, nhưng phép tắc là cùng với thiên hạ, không được bãi bỏ. Nay cắt hai
huyện bảy trăm năm mươi hộ của Vương. Nên tu thân lập lễ, xứng lòng nhân của
thánh nhân, sớm lỗi chiều sửa là đức của quân tử. Vương nên kính theo, chớ có
gây lỗi nữa".
Cổn lo lắng, răn bảo
quan thuộc thêm nghiêm; Đế khen ý ấy. Năm thứ hai, trả lại huyện bị cắt. Mùa
thu năm thứ ba, Cổn bị bệnh tật, chiếu sai Thái y xem bệnh, lính hổ bôn trong
điện mang chiếu thư đến, ban món ăn ngon lạ, lại sai thái phi, Bái Vương là Lâm
cùng đêm thăm bệnh. Cổn bệnh nặng, hạ lệnh quan thuộc rằng: "Ta đức mỏng sủng
ít, mệnh lớn sắp hết. Ta đã ưa tiết kiệm, mà triều đình soạn lệnh xét hỏi, làm
phép tắc của thiên hạ. Vào ngày ta tắt thở, tự liệm và táng, việc hãy theo chiếu
thư. Ngày xưa Đại phu của nước Vệ là Cừ Viện táng ở Nghiệp Dương, ta xem mộ ấy
thường mong theo ý này, muốn mượn hồn thiêng để che răng tóc, dựng phần mộ của
ta, phải đến theo đó. Về lễ, con trai không chết trong trong tay đàn bà. Nên
nhanh làm xong sảnh đường". Sảnh làm xong, đặt tên là sảnh Toại Chí, ôm bệnh
lên kiệu đến ở đấy. Lại lệnh Thế tử rằng: "Mi tuổi nhỏ, chưa được biết tiếng,
nếu sớm làm chư hầu thì chỉ biết vui mà không biết khổ, tất tỏ lỗi kiêu căng vậy.
Nên dựa vào đại thần, lấy lễ đối đãi họ. Nếu không phải là đại thần, gặp người
già cũng phải đáp bái. Kính cẩn thờ anh, thân ái giúp em; nếu anh em có đức
không tốt thì phải quỳ gối can gián. Nếu can gián không được thì khóc lóc mà
khuyên; khuyên mà không đổi thì bẩm với mẹ. Nếu vẫn không sửa thì phải tấu lên,
xin từ tước phong. So với giữ sủng mà chước họa, không bằng nghèo hèn mà trọn
thân vậy. Đấy cũng gọi là tội lỗi lớn, nếu lỗi nhỏ việc nhỏ, nên che đậy lại.
Xét mi còn nhỏ, nên cẩn thận tu thân, trung trinh để giúp triều đình, hiếu kính
để thờ thái phi. Ở trong phòng khuê thì vâng lệnh với thái phi; ở ngoài cửa nhà
phải vâng lời Bái Vương; ý chớ lười biếng để làm yên lòng ta". Năm đó
hoăng. Hạ chiếu Bái Vương là Lâm ở lại táng, sai Đại hồng lư cầm cờ tiết đến
coi việc tang, quan Tông chính tế điếu, tặng thưởng rất hậu. Soạn văn chương cả
thảy hơn hai vạn chữ, tài không bằng Trần Tư Vương nhưng ham làm văn sánh được
cùng. Con là Phu nối tự. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp,
gộp cả ba nghìn bốn trăm hộ lúc trước.
Tế Dương Hoài Vương
là Huyền, năm Kiến An thứ mười sáu được phong làm Tây Hương Hầu, chết sớm,
không có con. Năm thứ hai mươi, lấy con của Bái Vương là Lâm tên là Tán nhận tước
ấp của Huyền, hoăng sớm, không có con. Văn Đế lại lấy em của Tán là Nhất nối
dõi Huyền. Năm Hoàng Sơ thứ hai, đổi phong làm Tế Dương Hầu. Năm thứ tư, tiến
tước làm Công. Năm Thái Hòa thứ tư, truy tiến tước cho Huyền, thụy là Hoài
Công. Năm thứ sáu, lại tiến hiệu là Hoài Vương, truy thụy Tán là Tây Hương Ai Hầu.
Nhất hoăng, thụy là Trác Công, con là Hằng nối tự. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính
Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả một nghìn chín trăm hộ lúc trước.
Trần Lưu Cung Vương
là Tuấn, tự Tử An. Năm Kiến An thứ hai mươi mốt, phong Mi Hầu. Năm thứ hai mươi
hai, chuyển phong ở huyện Tương Ấp. Năm Hoàng Sơ thứ hai, tiến tước làm Công.
Năm thứ ba, làm Trần Lưu Vương. Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Tương Ấp. Năm
Thái Hòa thứ sáu, chuyển phong ở quận Trần Lưu. Năm Cam Lộ thứ tư, hoăng. Con
là Áo nối tự. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả bốn
nghìn bảy trăm hộ lúc trước.
Phạm Dương Mẫn Vương
là Củ, chết sớm, không có con. Năm Kiến An thứ hai mươi hai, lấy con của Phàn
An Công là Quân tên là Mẫn nối dõi Củ, phong Lâm Tấn Hầu. Năm Cảnh Sơ thứ ba
truy phong thụy Củ là Phạm Dương Mẫn Công. Năm thứ năm, đổi phong Mẫn làm Phạm
Dương Vương. Năm thứ bảy, chuyển phong ở huyện Câu Dương. Năm Thái Hòa thứ sáu,
truy tiến hiệu Củ là Phạm Dương Mẫn Vương, đổi phong Mẫn làm Lang Da Vương. Giữa
năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả ba nghìn bốn trăm hộ
lúc trước. Mẫn hoăng, thụy là Nguyên Vương, con là Hỗn nối tự.
Triệu Vương là Cán,
năm Kiến An thứ hai mươi được phong Cao Bình Đình Hầu. Năm thứ hai mươi hai
phong Lại Đình Hầu; năm đó đổi phong làm Hoằng Nông Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ hai,
tiến tước, chuyển phong làm Yên Công.
Ngụy lược chép: Cán
còn có tên là Lương. Lương vốn là con của người thiếp là Trần thị, Lương sinh
thì Trần thị chết, Thái Tổ sai Vương phu nhân nuôi Lương. Lương năm tuổi thì
Thái Tổ bệnh nặng, truyền lệnh lại bảo Thái tử rằng: "Thằng bé ấy ba tuổi
mất mẹ, năm tuổi mất cha, gửi cho mi vậy". Do đó Thái tử thân thiết hơn
các em. Lương thủa nhỏ thường gọi Văn Đế là A Ông, Đế bảo Lương rằng: "Ta
là anh mi vậy". Văn Đế lại thương Lương như thế, thường lại rơi lệ.
Thần là Tùng Chi xét:
Truyện này cho rằng mẹ quý hay hèn là thứ yếu, không kể tuổi của anh em, cho
nên Sở Vương là Bưu tuổi dẫu lớn nhưng truyện chép ở sau Cán. Lại xét Chu Kiến
Bình truyện, biết rằng Bưu hơn Cán hai mươi tuổi.
Năm thứ ba, làm Hà
Gian Vương. Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Lạc Thành. Năm thứ bảy, chuyển phong
ở quận Cự Lộc. Năm Thái Hòa thứ sáu, đổi phong làm Triệu Vương. Mẹ Cán được
Thái Tổ sủng ái, kịp lúc Văn Đế làm người nối tự, mẹ Cán có công giúp. Văn Đế sắp
băng, có chiếu truyền lại, cho nên Minh Đế thường ban thêm ân. Năm Thanh Long
thứ hai, qua lại riêng với tân khách, bị quan coi việc tấu xét, ban ấn thư cho
Cán để khuyên răn, nói: "Kinh Dịch chép: 'Mở nước lập nhà, chớ dùng tiểu
nhân'; kinh Thi chép lời răn rằng: 'Xe lớn, bụi bẩn'(4). Từ buổi Thái Tổ vâng lệnh
dựng nghiệp, xét rõ nguồn gốc của thịnh loạn, soi lí lẽ của được mất, mới đầu
phong chư hầu, lấy lời rất thận trọng để dạy bảo, chọn kẻ sĩ đoan chính để
giúp, thường khen lời răn của Mã Viện(5), trọng điều cấm chư hầu giao du với
tân khách, không khiến cho tốt xấu cùng nhau. Há vì thế mà bạc bẽo với anh em
sao? Chỉ muốn con em không có lỗi sai sót, dân chúng không bị nạn họa hại mà
thôi. Cao Tổ lên ngôi, cẩn thận vạn bề, xét soạn lệnh chư hầu không được vào chầu.
Trẫm cảm nhà thơ làm bài Thường lệ, khen ý của bài Thái thục, cũng soạn lời chiếu
rằng: 'Nếu có chiếu thì đến kinh đô'. Cho nên lệnh các Vương hầu giữ lễ chầu gặp.
Vậy mà Sở-Trung Sơn(6) phạm điều cấm giao du, Triệu Tông-Đái Tiệp đều phải chịu
tội vạ. Gần đây Đông Bình Vương lại sai quan thuộc đánh quan lại của huyện Thọ
Trương, bị quan coi việc tấu xét, trẫm phải cắt huyện. Quan coi việc tấu là bọn
Tào Toản, Vương Kiều cậy mình là họ hàng tông thất, tụ hội ở nhà Vương, có khi
không đúng lúc, đều làm trái lệnh cấm. Trẫm nghĩ Vương vốn có tính kính thuận,
lại nhận lệnh truyền lại của Tiên đế, muốn chuộng ân lễ kéo dài đến đời sau, huống
chi chỉ có ở đời Vương sao? Vả lại không là thánh nhân, ai mà không có lỗi? Đã
hạ chiếu quan coi việc tha cho lỗi của Vương. Người xưa có nói: 'Quân tử thận
trọng đối với điều mà mình chưa được xem, sợ hãi đối với việc mà mình chưa được
nghe. Không thấy ở chỗ ẩn, không rõ ở chỗ tối. Cho nên quân tử thận trọng ở
hành động'. Chú học theo kinh điển của thánh nhân, lại đã nhận lệnh truyền của
Tiên đế, phải run run rẩy kính vâng ngôi vị, làm đẹp ý trẫm". Giữa năm Cảnh
Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả năm nghìn hộ lúc trước. Lâm Ấp
Thương Công tử là Thượng, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ năm, truy phong thụy.
Không có con.
Sở Vương là Bưu, tự
Chu Hổ. Năm Kiến An thứ hai mươi mốt, phong Thọ Xuân Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ hai,
tiến tước, chuyển phong làm Nhữ Dương Công. Năm thứ ba, phong Dặc Dương Vuơng;
năm đó chuyển phong làm Ngô Vương. Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Thọ Xuân. Năm
thứ bảy, chuyển phong ở huyện Bạch Mã. Mùa đông năm Thái Hòa thứ năm, chầu ở
kinh đô. Năm thứ sáu, chuyển phong ở quận Sở. Lúc trước, Bưu đến chầu, phạm cấm;
năm Thanh Long thứ nhất, bị quan coi việc tấu hạch, hạ chiếu cắt ba huyện, một
nghìn năm trăm hộ. Năm Gia Bình thứ nhất, Duyện Châu Thứ sử Lệnh Hồ Ngu cùng
Thái úy Vương Lăng mưu đón Bưu đến đóng đô ở Hứa Xương, chép tại Vương Lăng
truyện. Bèn sai Thái phó cùng Ngự sử đại phu đến nước xem xét, bắt những người
liên quan với nhau. Đình úy xin gọi Bưu về trị tội. Do đó noi theo việc cũ của
Yên Vương là Đán thời nhà Hán(7), sai Đình úy Đại hồng lư mang cờ tiết đến trao
ấn thư trách hỏi Bưu, sai phải tự xử.
Hán Ngụy xuân thu của
Khổng Diễn chép chiếu thư rằng: "Đế vương thời xưa phong thưởng không hiềm
thù hận, phạt tội không nể thân thích, đấy là nghĩa rất công bằng vậy. Cho nên
Chu Công rơi lệ xử tội của hai người chú, Hiếu Vũ đau xót mà xét tội ngục của
Chiêu Bình(8), đấy là phép thường xưa nay vậy. Nghĩ Vương là người rất thân cận
của nhà nước, làm phên dậu ở ngoài, vậy mà không chịu vâng phép vua làm gương
cho tông thất, mà lại mưu với kẻ gian tà, lại kết thông mưu nghịch với Thái úy
Vương Lăng, Duyện Châu Thứ sử Lệnh Hồ Ngu, muốn lấy xã tắc, có ý phản bội,
không có lòng trung hiếu. Tông miếu có linh, Vương còn mặt mũi nào mà nhìn Tiên
đế? Trẫm xét kĩ Vương tự giẫm vào tội vạ, đã biết ý của Vương, rất lấy làm kinh
ngạc. Quan coi viện tấu Vương đáng phải băt đến sở quan Đại lí, nhưng trẫm theo
nghĩa xét xử tông thất, không nỡ bắt Vương bỏ ở chợ, cho nên sai sứ giả đem
thư, Vương tự gây tội, chẳng phải do kia khác, việc cũ của Yên Thích cũng đủ để
xem. Vương hãy tự xử đi"!
Bưu bèn tự sát. Vợ
cùng các con đều tha làm dân thường, chuyển đến quận Bình Nguyên. Quan thuộc trở
xuống và Giám quốc yết giả của Bưu bị khép tội biết việc mà không có nghĩa
khuyên giúp, đều bắt giết. Nước trừ lập thành quận Hoài Nam. Năm Chính Nguyên
thứ nhất, hạ chiếu rằng: "Sở Vương là Bưu phản quốc theo gian, thân chết
con bỏ, dẫu tự chuốc lấy nhưng vẫn nên thương xót. Ngậm bẩn giấu bệnh là cái đạo
thương người thân vậy. Nay phong Thế tử của Bưu là Gia làm Thường Sơn Chân Định
Vương". Năm Cảnh Nguyên thứ nhất, tăng ấp, gộp cả hai nghìn năm trăm hộ
lúc trước.
Thần là Tùng Chi xét:
Gia vào nhà Tấn, phong làm Cao Ấp Công. Giữa năm Nguyên Khang, cùng với Thạch
Sùng làm Quốc tử bác sĩ. Sau đó Gia làm Đông Hoản Thái thú, Sùng làm Chinh lỗ
tướng quân, coi xét việc quân ở miền Thanh-Từ, đóng đồn ở Hạ Bì; Gia gửi thơ
cho Sùng rằng:
"Văn võ dùng đúng
lúc, đã tài lại sáng suốt. Đấy là Thạch tiên sinh, hào kiệt của nhà nước. Vào
thì hầu cạnh vua, ra thì lên chín bậc.
Oai trùm miền Thanh-Từ,
đức vỗ miền Ngô-Việt.
Ngày xưa can đồng
liêu, tình hơn cả Lỗ-Vệ.Chia li hơn mười năm, nghĩ kĩ lòng gắn kết. Mong ngài
giữ lòng thành, nóng lạnh đừngchuyển tiết".
Sùng đáp rằng:
"Xưa thường gặp
tiên sinh, cùng chơi giữa mây xanh, Dốc lòng dạy Thái tử, đạo hóa đã tốt lành.
Cùng tiếng chẳng khác
âm, cho nên được vinh sủng. Há chỉ có hữu hảo, giữ phận đến cuối cùng.
Khổng chẳng chê Đông
Di, Lão hướng về Tây Nhung. Tiêu dao ở góc biển, cũng giữ được dòng Vương. Việc
đời chẳng ngó ngang, mong chi làm Chu Công. Tĩnh lặng mà sâu xa, cho nên vẻ ung
dung".
Tấn thư của Vương Ẩn
chép sớ của Lại bộ thị lang Lí Trọng rằng: "Tông thất nhà Ngụy thần phục
là nhờ ân huệ của triều đình còn. Đông Hoản Thái thú Tào Gia có tài văn học dẫu
không bằng Chí-Ông(9) nhưng tính cách trong sạch tốt đẹp lại hơn; lại đã trải
hai quận. Thần cho là nên tiến cử dòng dõi của triều trước, nên lấy Gia làm Viên
ngoại tán kị thị lang".
Cương Thương công tử
là Cần, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ năm, truy phong thụy. Không có con.
Cốc Thành Thương công
tử là Thặng, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ năm, truy phong thụy. Không có con.
Mi Đái công tử là Chỉnh,
làm dòng dõi của chú ruột là Lang trung Thiệu. Năm Kiến An thứ hai mươi hai,
phong Mi Hầu. Năm thứ hai mươi ba, hoăng. Không có con. Năm Hoàng Sơ thứ hai
truy phong tước, thụy là Đái Công. Lấy con của Bành Thành Vương là Cứ tên là Phạm
nối dõi Chỉnh. Năm thứ ba, phong Bình Thị Hầu. Năm thứ tư, phong ở huyện Thành
Vũ. Năm Thái Hòa thứ ba, tiến tước làm Công. Năm Thanh Long thứ ba, hoăng, thụy
là Trác Công, không có con. Năm thứ tư, hạ chiếu lấy em Phạm là Đông An Hương
Công tên là Xiển làm Đái Công, nối dõi Chỉnh. Giữa năm Chính Nguyên-Cảnh
Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả một nghìn tám trăm hộ lúc trước.
Linh Thương công tử
là Kinh, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ năm, truy phong thụy. Không có con.
Phàn An Công là Quân, làm dòng dõi của chú ruột là Kế Cung Công tên là Bân. Năm Kiến An thứ hai mươi hai, phong Phàn Hầu. Năm thứ hai mươi tư, hoăng. Con là Kháng nối tự. Năm Hoàng Sơ thứ hai, truy tiến tước Công, thụy là An Công. Năm thứ ba, chuyển phong Kháng làm Kế Công. Năm thứ tư, chuyển phong làm Đồn Lưu Công. Năm Cảnh Sơ thứ nhất, hoăng, thụy là Định Công. Con là Kham nối tự. Giữa năm Cảnh Sơ, Chính Nguyên, Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả một nghìn chín trăm hộ lúc trước.
Quảng Tông Thương
công tử là Cức, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ năm, truy phong thụy. Không có con.
Đông Bình Linh Vương
là Huy, làm dòng dõi của chú là Lãng Lăng Ai Hầu tên là Ngọc. Năm Kiến An thứ
hai mươi hai, phong Lịch Thành Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ hai, tiến tướng làm Công.
Năm thứ ba, làm Lư Giang Vương. Năm thứ tư, chuyển phong làm Thọ Trương Vương.
Năm thứ năm, đổi phong ở huyện Thọ Trương. Năm Thái Hòa thứ sáu, đổi phong ở
huyện Đông Bình. Năm Thanh Long thứ hai, Huy sai quan thuộc đánh quan lại của
huyện Thọ Trương, bị quan coi việc tấu hạch, hạ chiếu cắt một huyện, năm trăm hộ;
năm đó trả lại huyện bị cắt. Năm Chính Thủy thứ ba, hoăng. Con là Ông nối tự.
Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên- Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả ba nghìn bốn
trăm hộ lúc trước.
Thần là Tùng Chi xét:
Ông vào nhà Tấn, phong làm Lẫm Khâu Công. Trong tông thất của nhà Ngụy, nổi
danh sau Quyên Thành Công(10). Đến năm Thái Thủy thứ hai, Ông sai Thế tử là Côn
mang biểu đến chầu. Hạ chiếu rằng: "Ông giữ đức tu đạo, là người tài của
nhà Ngụy; nay Côn từ xa đến, trao cho ấn thao Thế tử, bái thêm làm Kị đô úy,
ban một cái áo, mười vạn tiền, các đồ khác đủ dùng". Ông soạn sách Giải
hàn thực tán phương, cùng các sách mà Hoàng Phủ Mật soạn đều truyền ở đời.
Lạc Lăng Vương là Mậu,
năm Kiến An thứ hai mươi hai được phong làm Vạn Tuế Đình Hầu. Năm thứ hai mươi
ba, đổi phong làm Bình Dư Hầu. Năm Hoàng Sơ thứ ba, tiến tước, chuyển phong làm
Thặng Chi Công. Năm thứ bảy, chuyển phong ở huyện Trung Khâu. Mậu tính ngang bướng,
thủa nhỏ không được Thái Tổ sủng ái. Kịp đến thời Văn Đế, riêng không phong
Vương. Năm Thái Hòa thứ nhất, chuyển phong làm Liễu Thành Công; năm đó phong
Vương. Hạ chiếu nói: "Ngày xưa Tượng rất ngỗ ngược, nhưng Đại Thuấn vẫn
cho làm Hầu ở ấp Hữu Bí(11). Gần đây Hoài Nam-Phụ Lăng của nhà Hán đều là tôi
phản con nghịch mà có người vẫn được dựng lại nước(12), hoặc đến đời con thì được
phong đất. Họ Hữu Ngu phong đất ở thời xa xưa, các vua Văn-Minh-Chương của nhà
Hán chỉ mới trước đây thôi, họ đều chăm tỏ nghĩa với người thân thích vậy. Liễu
Thành Công là Mậu thủa nhỏ không chăm lễ giáo, lớn lên không lo tu đạo. Tiên đế
cho rằng người xưa phong tước chư hầu đều trao cho người hiền, trong những người
họ Cơ ngày xưa không hẳn là đều được phong Hầu, cho nên riêng Mậu không được
phong Vương. Thái hoàng thái hậu(13) nhiều lần đã nói xin. Nghe nói Mậu vừa rồi
biết hối lỗi trước đây, muốn tu thiện sau này. Quân tử đối với người thì tiến cử
không hiềm lỗi trước vậy. Nay phong Mậu làm Liễu Thành Vương để an ủi Thái
hoàng thái hậu ở chín suối". Năm thứ sáu, chuyển phong làm Khúc Dương
Vương. Năm Chính Thủy thứ ba, Đông Bình Linh Vương hoăng, Mậu xưng bệnh đau họng,
không chịu phát tang, ăn ở ra vào tự nhiên. Quan coi việc tấu xin trừ đất
phong, hạ chiếu cắt một huyện, năm trăm hộ. Năm thứ năm, chuyển phong ở huyện Lạc
Lăng, hạ chiếu rằng phụng ấp của Mậu ít mà các con lại nhiều, trả lại huyện bị
cắt, lại tăng bảy trăm hộ. Giữa năm Gia Bình-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng
thêm ấp, gộp cả năm nghìn hộ lúc trước.
Chú thích
(1) Tuổi 'nhược quán': thời Hán-Ngụy, trẻ con đến tuổi
hai mươi thì bắt đầu đội mũ để tỏ là người trưởng thành gọi là tuổi 'nhược
quán'.
(2) Ngày xưa Hi-Văn soạn kinh Dịch: Hi chỉ Phục Hi, Văn
chỉ Chu Văn Vương. Theo truyền thuyết Phục Hi tạo ra hình vẽ tám quẻ của kinh Dịch,
còn Chu Văn Vương soạn lời diễn giải từng quẻ.
(3) Ngày xưa Đường Thúc dâng lúa, Đông Bình hiến tụng: Đường
Thúc là chú của Chu Thành Vương, ở ấp Đường có cây lúa tốt mọc bèn đem dâng cho
nhà Chu, cho là vì đức của Chu Công nên mới thế. Đông Bình chỉ Đông Bình Vương
là Lưu Thương của nhà Hán, dâng bài tụng khen đức của Quang Vũ Đế, rất được
khen ngợi.
(4) Kinh Thi chép lời răn rằng: 'Xe lớn, bụi bẩn': trọn
câu chép là: 'Đừng đem xe lớn đến chỗ bụi bẩn'. Ý nói đừng đem xe lớn đến đón kẻ
tiểu nhân.
(5) Lời răn của Mã Viện: chỉ việc tướng của nhà Hán là Mã
Viện răn bảo cháu họ không được kết giao với tân khách khinh bạc mà nên học
theo người thận trọng tiết kiệm.
(6) Sở-Trung Sơn:Sở chỉ Sở Vương là Bưu, Trung Sơn chỉ
Trung Sơn Cung Vương là Cổn, đều vì phạm cấm giao du ở kinh đô mà bị tấu hạch,
cắt giảm hộ ấp, quan lại giao du là bọn Triệu Tông, Đái Tiệp cũng bị khép tội.
(7) Việc cũ của Yên Vương là Đán thời nhà Hán: chỉ việc
sau khi Hán Chiêu Đế lên ngôi, Yên Vương là Lưu Đán mưu phản, phải tự sát.
(8) Chu Công rơi lệ xử tội của hai người chú, Hiếu Vũ đau
xót mà xét tội ngục của Chiêu Bình: Chu Thành Vương nối ngôi, Chu Công phụ
chính, hai người chú của Thành Vương là Sái Thúc và Quản Thúc làm phản, Chu
Công đánh bại họ, giết Sái Quản Thúc và đày Sái Thúc. Thời Hán Vũ Đế, con của
Long Lự công chúa là Chiêu Bình Quân hung bạo, giết cả vú nuôi của mẹ, bị bắt
giam ngục, theo phép tắc mà xử tội chết.
(9) Chí-Ông: Chí chỉ Tào Chí là con của Trần Tư Vương là
Tào Thực, xem ở phần chú Trần Tư Vương truyện; Ông chỉ Tào Ông là con của Đông
Bình Vương là Tào Huy, xem ở phần Đông Bình Linh Vương truyện.
(10) Quyên Thành Công: chỉ Tào Chí là con của Trần Tư
Vương là Tào Thực, sau khi nhà Tấn lập, phong làm Quyên Thành Công.
(11) Ngày xưa Tượng rất ngỗ ngược, nhưng Đại Thuấn vẫn
cho làm Hầu ở ấp Hữu Bí: Tượng là em của Thuấn, tính ngang ngược từng mưu giết
Thuấn, sau khi Thuấn nối thay vua Nghiêu vẫn phong cho ở ấp Hữu Bí. Cũng vì
tình anh em nên mới thế.
(12) Gần đây Hoài Nam-Phụ Lăng của nhà Hán đều là tôi phản
con nghịch mà có người vẫn được dựng lại nước: Hoài Nam chỉ Hoài Nam Vương là
Lưu Trường, là con út của Hán Cao Tổ, vào thời Hán Văn Đế nhiều lần không theo
phép tắc nhưng Văn Đế tha cho không giết, sau khi chết thì Văn Đế lại phong cho
con là Lưu An làm Phụ Lăng Hầu rồi phong làm Hoài Nam Vương.
(13) Thái hoàng thái hậu: chỉ Biện thị, là vợ cả của Ngụy
Thái Tổ là Tào Tháo, mẹ của Ngụy Văn Đế là Tào Phi, bà nội của Ngụy Minh Đế là
Tào Duệ vậy. Bấy giờ Ngụy Minh Đế tôn Biện thị là Thái hoàng thái hậu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét