Họa phẩm Hội bộ liễn đồ (阎立本绘步輦圖) của tác giả Diêm Lập Bản triều Đường. |
Vũ Văn thế Vương Công truyện (tiếp theo)
Văn Hoàng Đế có chín
con trai: Chân thị Hoàng hậu sinh Minh Đế; Lí quý nhân sinh Tán Ai Vương là Hiệp;
Phan thục viện sinh Bắc Hải Trác Vương là Nhuy; Chu thục viện sinh Đông Vũ
Dương Hoài Vương là Giám; Cừu chiêu nghi sinh Đông Hải Định Vương là Lâm; Từ cơ
sinh Nguyên Thành Ai Vương là Lễ; Tô cơ sinh Hàm Đan Hoài Vương là Ung; Trương
cơ sinh Thanh Hà Trác Vương là Cống; Tống cơ sinh Quảng Bình Ai Vương là Nghiễm.
Tán Ai Vương là Hiệp, chết sớm. Năm Thái Hòa thứ năm, truy phong thụy là Kinh Thương Công. Năm Thanh Long thứ hai, lại truy đổi thụy hiệu. Năm thứ ba, con là Thương Vương tên là Tầm nối tự. Năm Cảnh Sơ thứ ba, tăng năm trăm hộ, gộp cả ba nghìn hộ lúc trước. Năm Chính Thủy thứ chín, hoăng, không có con. Nước trừ.
Bắc Hải Trác Vương là
Nhuy, năm Hoàng Sơ thứ bảy Minh Đế lên ngôi, lập làm Bình Dương Huyện Vương.
Năm Thái Hòa thứ sáu, đổi phong ở quận Bắc Hải. Năm Thanh Long thứ nhất, hoăng.
Năm thứ hai, lấy con của Lang Da Vương tên là Tán làm dòng dõi của Nhuy, phong
Xương Hương Công. Năm Cảnh Sơ thứ hai, lập làm Nhiêu An Vương. Năm Chính Thủy
thứ bảy, chuyển phong ở huyện Văn An. Giữa năm Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng
thêm ấp, gộp cả ba nghìn năm trăm hộ lúc trước.
Đông Vũ Dương Hoài
Vương là Giám, năm Hoàng Sơ thứ sau được phong; năm đó hoăng. Năm Thanh Long thứ
ba, ban thụy. Không có con. Nước trừ.
Đông Hải Định Vương
là Lâm, năm Hoàng Sơ thứ ba phong làm Hà Đông Vương. Năm thứ sáu, đổi phong ở
huyện Quán Đào. Minh Đế lên ngôi, theo ý truyền lại của Tiên đế, sủng ái Lâm
hơn các chư hầu khác, nhưng Lâm tính thô bạo, ở trong phòng the, các tì thiếp
phần nhiều bị tàn hại. Năm Thái Hòa thứ sáu, đổi phong ở quận Đông Hải. Năm Gia
Bình thứ nhất, hoăng. Con là Khải nối tự. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh
Nguyên, tăng thêm ấp, gộp cả sáu nghìn hai trăm hộ lúc trước. Cao Quý Hương
Công tên là Mao là con của Lâm vậy, vào nối dòng cả.
Nguyên Thành Ai Vương
là Lễ, năm Hoàng Sơ thứ hai được phong làm Tần Công, lấy quận Kinh Triệu làm nước.
Năm thứ ba, đổi phong làm Nguyên Thành Vương. Năm Thái Hòa thứ ba, hoăng. Năm
thứ năm, lấy con của Nhâm Thành Vương là Khải tên là Đễ nối dõi Lễ. Năm thứ
sáu, đổi phong làm Lương Vương. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng
thêm ấp, gộp cả bốn nghìn năm trăm hộ lúc trước.
Hàm Đan Hoài Vương là
Ung, năm Hoàng Sơ thứ hai được phong làm Hoài Nam Công, lấy quận Cửu Giang làm
nước. Năm thứ ba, tiến làm Hoài Nam Vương. Năm thứ tư, đổi phong ở quận Trần.
Năm thứ sáu, đổi phong ở huyện Hàm Đan. Năm Thái Hòa thứ ba, hoăng. Năm thứ
năm, lấy con của Nhâm Thành Vương là Khải tên là Ôn nối dõi Ung. Năm thứ sáu, đổi
phong ở huyện Lỗ Dương. Giữa năm Cảnh Sơ-Chính Nguyên-Cảnh Nguyên, tăng thêm ấp,
gộp cả bốn nghìn bốn trăm hộ lúc trước.
Thanh Hà Trác Vương
là Cống, năm Hoàng Sơ thứ ba được phong. Năm thứ tư, hoăng, không có con. Nước
trừ.
Quảng Bình Ai Vương
là Nghiễm, năm Hoàng Sơ thứ ba được phong. Năm thứ tư, hoăng, không có con. Nước
trừ.
Bình rằng: Vương hầu
của nhà Ngụy dẫu đã có danh là có tước ấp mà không có xã tắc thực, lại ngăn cấm
xa cách, giống với tù ngục; vị hiệu chẳng định, lớn nhỏ thay đổi hằng năm; cái
ân cốt nhục đã dở, cái nghĩa anh em lại bỏ. Lập phép tắc xấu tệ nên dẫn đến như
thế chăng!
Viên Tử nói: "Nhà Ngụy nổi dậy nối sau thời đại loạn, dân chúng giảm tổn, không noi theo được phép cũ. Do đó phân phong vương chư hầu, đều sai đến ở nước, chỉ có danh hão mà không có thực. Vương hầu chỉ có hơn trăm quân già để giữ gìn nước mình. Dẫu có hiệu Vương hầu nhưng chỉ ngang kẻ thất phu. Cách trở ở ngoài cõi nghìn dặm, không có lễ chầu gặp, nước bên không có phép hội họp. Chư hầu đi săn không được quá ba mươi dặm, lại sắp đặt quan Phòng phụ giám quốc để dò xét họ. Vương hầu đều mong làm kẻ áo vải mà cũng chẳng được. Đã trái với nghĩa lấy tông thất làm phên dậu, lại phá hỏng cái ân họ hàng cốt nhục".
Ngụy thị xuân thu
chép thư của tông thất là Tào Quýnh dâng rằng: "Thần nghe nói bậc Đế vương
thời xưa phải phong cho người cùng họ để tỏ rõ thân thích, phải lập người khác
họ để nêu rõ người hiền, cho nên kinh truyện chép: 'Phong thưởng người thân, gần
gũi người hiền'; kinh Thư chép: 'Nêu rõ đức cao để thân họ hàng; kinh Thi chép:
'Có đức thì yên, họ hàng làm thành'. Do đó mà xét, nếu không có người hiền thì
không lập được công, không có họ hàng thì không được giúp đỡ. Nếu theo cái đạo
chỉ gần gũi người thân thì dần dần cũng suy yếu, nếu theo cái đạo chỉ chọn dùng
người hiền thì sẽ bị cướp đoạt. Bậc thánh hiền thời xưa biết như thế cho nên
tìm cầu rộng rãi cả người thân cả kẻ xa mà cùng dùng họ; gần thì có cái vững của
tông thất làm phen dậu, xa thì có cái giúp của người hiền làm phụ tá, thời thịnh
thì cùng với họ coi việc, thời suy thì cùng với họ giữ đất, lúc yên thì cùng với
họ hưởng phúc, lúc nguy thì cùng với họ chung họa. Do đó mới có được nhà nước,
giữ được xã tắc, lịch số lâu dài, gốc cành trăm đời vậy. Nay phép gần người hiền
của nhà Ngụy dẫu rõ nhưng đạo gần người thân chưa đủ. Kinh Thi chẳng chép:
'Tích linh ở đồng, anh em cứu nạn'(1) sao? Do đó mà nói, nêu rõ anh em cứu nhau
ở lúc tang loạn, cùng lòng ở giữa buổi họa phúc, dẫu có khi tranh giành nhưng
không quên cái việc chống người ngoài bức hiếp. Vì sao? Vì cùng hoạn nạn vậy.
Nay thì không thế, hoặc dùng nhưng không coi trọng, hoặc bỏ mà không dùng, một
sớm biên giới báo việc, đóng cửa chống lại, đùi tay không giúp, tim bụng không
giữ. Thần trộm nghĩ như thế, ngủ không yên giấc, mưu tỏ lòng son, dâng lên cử
khuyết. Xin soạn tập những điều mà thần nghe, luận bàn thành bại, luận rằng:
Ngày xưa nhà Hạ-Thương-Chu trải qua mấy chục đời, vậy mà nhà Tần chỉ hai đời là mất. Sao thế? Vua của ba nhà cùng với chư hầu trị dân, cho nên chư hầu cùng coi việc. Vua của nhà Tần chỉ trị dân của mình, cho nên nguy khốn mà chẳng ai cứu. Nhà nào cùng vui với dân thì người khác tất cùng lo nỗi lo của mình; cùng yên với dân thì người khác tất cứu cái nạn của mình vậy.
Đế vương thời xưa biết trị riêng thì không lâu dài được, cho nên cùng trị với người ta; biết giữ riêng thì không giữ vững được, cho nên cùng giữ với người vậy. Chọn người thân kẻ xa mà dùng cả hai, coi cả khác giống mà cùng lập. Cho nên nặng nhẹ đủ để đối nhau, thân xa đủ để giữ nhau, con đường cướp chiếm bị nghẽn, tính phản nghịch không sinh. Đến lúc suy kém, Hoàn-Văn(2) dùng lễ; nước Sở không cống túi cỏ thì vua Tề đánh nước Sở. Vua Tống không phục nhà Chu thì vua Tấn đánh vua của họ.
Phép vua chùng mà lại căng, chư hầu kiêu ngạo mà phải nghiêm túc. Sau thời hai vị vua ấy, dần dần suy bại. Nước Ngô-Sở cậy sông Giang, dựa thành lớn, dẫu ý mong chín đỉnh(3) nhưng vẫn lo sợ họ Cơ, tính gian vỡ ở trong bụng, mưu nghịch tiêu ở miệng lưỡi; đấy há chẳng phải vì (nhà Chu) coi trọng tông thất, tin dùng người hiền, cành lá sum suê, gốc rễ được vững sao? Từ đó về sau, quay sang đánh nhau; nước Ngô bị nước Việt chiếm, nước Tấn chia làm ba(4), nước Lỗ bị nước Sở diệt, nước Trịnh gộp vào nước Hàn; trải đến thời Chiến quốc, họ Cơ bèn suy, riêng vua Yên-Vệ vẫn còn, nhưng đều nhỏ yếu; vì bá chủ miền tây là nước Tần mạnh, phía nam hiếp Tề-Sở, cho nên lo sợ diệt vong, không rỗi cứu nhau.
Đến thời vua là Noản, dẫu giáng làm dân thường nhưng cành nhánh giữ nhau, dẫu ngồi ở ngôi hão như trong nước không có chủ mà vẫn được hơn bốn mươi năm. Nước Tần ngồi ở đất thắng thế, dùng phép tắc trá quyệt, đánh dẹp miền Quan Đông, ăn nuốt chín cõi, đến thời Thủy Hoàng bèn định ngôi trời. Ngày dài như thế, dùng sức thế kia, há chẳng phải vì cái đạo rễ sâu gốc bền thì không nhổ được sao? Kinh Dịch chép: 'Nguy nan đã trừ, treo ở cây dâu'. Đức của nhà Chu có thể nói là như thế.
Nhà Tần thấy cái nạn của nhà Chu, cho là nhỏ yếu sẽ bị cướp, cho nên bỏ tước ngũ đẳng(5), đặt quan lại ở quận huyện, bỏ dạy lễ nhạc, dùng hình hà khắc; con em không một tấc thước đất phong, công thần không một mảnh đất cắm dùi, trong không có họ hàng để giúp đỡ, ngoài không có chư hầu để làm phên dậu, ý lòng không gần gũi thân thích, ân trạch không ban cho anh em; lại còn cắt xén đùi cổ, chỉ dùng tim bụng, cưỡi thuyền vượt biển mà còn vứt tay chèo; người đứng xem mà đau lòng; vậy mà Thủy Hoàng điềm nhiên tự cho là có cái vững của miền Quan Trung, có thành vàng nghìn dặm, cho là con cháu có cái rạng rỡ của Đế vương vạn đời; há chẳng lầm sao!
Bấy giờ Thuần Vu Việt(6) can rằng: 'Thần nghe nói vua của nhà Ân-Chu phong con em công thần có hơn nghìn thành. Nay bệ hạ làm vua của bốn cõi mà con em như thất phu, nếu chợt có bọn tôi thần như Điền Thường(7) và bọn 'lục khanh' (8) mà không có ai giúp đỡ thì lấy gì cứu nhau? Thần chưa nghe nói việc mà không theo phép xưa mà được lâu dài vậy'. Thủy Hoàng nghe lời lệch lạc của Lí Tư mà bỏ lời bàn ấy, kịp đến ngày thân chết, chẳng cứu vớt được nữa, gửi thiên hạ vào tay của của thất phu, trao việc phế lập vào miệng của gian thần, khiến cho bọn Triệu Cao giết chóc tông thất. Hồ Hợi thủa nhỏ đã quen cái thói hà khắc, lớn lên nối nghiệp của cha, không đổi thay đổi được phép tắc, không sủng ái anh em, mà lại bắt chước Thân-Thương(9), nghe mưu Triệu Cao; tự ở cung cấm, giao việc cho bọn siểm nịnh, thân mất ở cung Vọng Di, dẫu xin làm kẻ dân đen còn được nữa sao? Rút cuộc quận huyện vỡ tan, dân chúng phản loạn, bọn Thắng-Quảng(10) nổi lên ở trước, lũ Lưu-Hạng(11) nối theo ở sau.
Nếu Thủy Hoàng nghe kế của Thuần Vu Việt, bỏ lời bàn của Lí Tư mà chia cắt đất đai phong cho con em, noi theo phép tắc của ba nhà, trả đền công lao của tôi thần, khiến cho kẻ sĩ biết vua trên, dân chúng có chúa tể, anh em giúp nhau, đầu đuôi cứu được, dẫu là con cháu có lỗi hỏng đạo hạnh, nhưng thời ấy không có người hiền như Thang-Vũ(12); mưu gian chưa phát thì thân đã chết gục, lũ Lưu-Hạng nhỏ nhoi kia há còn bắt tay nhau được sao? Do đó Hán Cao Tổ giương thanh kiếm ba thước mà xua dân chúng ô hợp, trong khoảng năm năm bèn lập nên nghiệp Đế.
Từ thủa mở nước đến nay, lập công tạo thế chưa có ai dễ như nhà Hán vậy. Chặt cây rễ sâu thì khó dùng sức, bẻ cây khô mục thì dễ ra sức, đấy là lí lẽ dương nhiên vậy. Nhà Hán xét cái sai của nhà Tần, phong cho con em, kịp lúc họ Lữ chuyên quyền, mưu phế nhà Hán, nhưng thiên hạ không dao động, trăm họ chẳng thay lòng là vì chư hầu lớn mạnh như bàn đá vững chắc, cũng là vì Đông Mâu-Chu Hư(13) vâng mệnh ở trong, Tề-Đại-Ngô-Sở(14) làm phên dậu ở ngoài vậy. Nếu Hán Cao Tổ nối theo cái phép tắc của nhà Tần mất thì thiên hạ đã truyền không phải của nhà Hán vậy. Nhưng Cao Tổ phân phong, quyền vị hơn cả phép cũ, kẻ lớn thì chiếm châu cắt quận, kẻ nhỏ thì có mấy chục thành trì; trên dưới không biệt, quyền ngang nhà vua, cho nên có cái loạn của bảy nước.
Giả Nghị nói: 'Chư hầu lớn mạnh, lâu ngày sẽ gây loạn. Muốn thiên hạ yên ổn, chẳng bằng phong nhiều chư hầu mà giảm bớt sức của họ, khiến cho thế của cả nước như cánh tay của thân thể, như ngón tay của cánh tay, vậy thì thiên hạ chẳng còn lòng phản bội, vua trên chẳng phải nghĩ mưu đánh dẹp'. Văn Đế không nghe. Đến thời Hiếu Cảnh, chỉ dùng kế của Triều Thố(15), cắt xén chư hầu, khiến cho người thân oán giận, kẻ xa lo lắng, do đó Ngô-Sở bày mưu, năm nước theo gió(16).
Bắt đầu từ thời Cao Đế, kịp đến thời Văn-Cảnh(17) mắc nạn, là do phép tắc hơi lỏng lẻo, không được nghiêm ngặt vậy. Đấy gọi là ngọn lớn thì tất gãy, đuôi lớn thì khó vẫy. Đuôi cùng với thân vẫn có lúc không vẫy được, huống chi là đuôi không thuộc thân, nó mà vẫy được sao? Vũ Đế theo kế của Chủ Phụ(18), hạ lệnh ban ân, từ đó về sau, nước Tề chia làm bảy, nước Triệu phân làm sáu, nước Hoài Nam cắt làm ba, nước Lương-Đại xẻ làm năm, bèn bị lấn ép, con cháu suy yếu, chỉ thu tô thuế cơm áo, không được nắm chính sự, hoặc bị giảm vàng bỏ phong, hoặc vì không có nối dõi mà bỏ tước.
Đến thời Thành Đế, họ Vương nắm quyền(19). Lưu Hướng can rằng: 'Thần nghe nói tông thất là cành nhánh của nhà nước; cành nhánh rụng thì gốc rễ không còn được che chắn. Ngày nay người cùng họ bị xua đuổi, họ ngoại chuyên quyền, rũ bỏ tông thất, họ hàng suy yếu, đấy chẳng phải là giữ gìn xã tắc, dựng vững dòng dõi của nhà nước vậy'. Lời nói khẩn thiết, nhiều chỗ trích dẫn, Thành Đế dẫu bùi ngùi than thở nhưng không nghe theo. Đến thời Ai-Bình(20), họ khác nắm quyền, mượn việc của Chu Công mà làm cái loạn của Điền Thường, ngồi cao mà nắm ngôi trời, một sớm thì có được bốn cõi, Vương hầu tông thất của nhà Hán bỏ ấn cởi thao, dâng cống xã tắc, còn sợ không được làm tôi thần, hoặc thì cho là hợp mệnh, khen tụng ân đức của Mãng, há chẳng xót sao!
Do đó mà nói, nếu chẳng có tông thất trung hiếu ở thời Huệ-Văn(21) dẫu có phản nghịch ở buổi Ai-Bình thì quyền suy thế yếu, không thể định được vậy. Cậy vào cái tài hơn đời của Quang Vũ Hoàng Đế, bắt Vương Mãng đã xong, nối lại dòng dõi của nhà Hán ở lúc đã dứt, đấy há chẳng phải là công của tông thất sao? Vậy mà vẫn không xét cái phép sai của nhà Tần, không theo phép cũ của nhà Chu, không đi theo đường lối phân phong, lại mong chờ ở điều may mắn không cùng.
Đến thời Hoàn-Linh(22), hoạn quan nắm quyền, trong không có tôi thần liều chết cứu nạn, ngoài không có chư hầu cùng lo việc nước, vua lẻ loi ở trên, tôi phóng túng ở dưới, gốc ngọn không cứu được nhau, đầu đuôi không qua lại được. Do đó thiên hạ vỡ lở, kẻ gian tranh giành, tông miếu cháy thành tro than, cung thất hóa thành bụi cỏ. Vua ngồi ở trên chín cõi mà thân không được yên ổn, thương thay! Thái Tổ Vũ Hoàng Đế của nhà Ngụy ta tỏ đức thánh minh, gồm cả tài lược văn võ, thẹn vì phép vua cắt đứt, thương vì nhà Hán nghiêng lật, cho nên rồng bay ở Tiêu-Bái, phượng vỗ ở Duyện-Dự, quét trừ hung nghịch, cắt diệt kình nghê, ngưỡng nhìn vua ở tây kinh(23) định đô ở ấp Dĩnh(24), đức cảm trời đất, nghĩa động thần người.
Nhà Hán vâng mệnh trời, trao ngôi cho nhà Đại Ngụy. Nhà Đại Ngụy nổi lên đến nay đã hai mươi tư năm rồi, xem cái được mấy của năm nhà mà không dùng được kế hay, thấy cái nghiêng lật của xe trước mà không đổi xết xe; con em Vương hầu nắm ngôi hão, chỉ có dân không dùng được, tông thất tránh vào thôn ấp, không được bàn chính sự của nhà nước, quyền ngang thất phu, thế như dân thường; trong không không có cái vững khó lay của rễ sâu, ngoài không có cái giúp bàn đá của họ hàng, đấy chẳng phải là để giữ yên xã tắc, mưu nghiệp cho vạn đời vậy. Vả lại Châu mục, Quận thú ngày nay là phương bá thời xưa mà đều có đất đai nghìn dặm, có nhà có mấy người coi cả việc quân lữ, có kẻ anh em cùng nắm việc; vậy mà con em tông thất từng chưa có một người tham dự ở trong đó để tự giữ chống lẫn nhau, đấy chẳng phải làm cứng thân yếu cành, phòng ngừa nạn chợt đến vậy.
Ngày nay dùng người hiền, hoặc chọn làm chủ của quận lớn, hoặc làm tướng của quân mạnh, vậy mà tông thất có người tài văn chỉ làm chủ của huyện nhỏ, người có tài võ chỉ đặt trên trăm người. Nếu kẻ sĩ có đức cao thì tất để ý ở trong xe lớn, người có tài năng thẹn vì cùng bậc với bọn không cùng hàng. Đấy chẳng phải là lễ chọn người tài và khen thưởng tông thất vậy. Suốt cạn thì sông khô, rễ mục thì lá héo; cành rậm thì che rễ; lá rụng thì thân lẻ vậy.
Cho nên có câu rằng:
'Con sâu có trăm cái chân thì đến chết vẫn không nát'. Đấy là đông để giúp vậy.
Lời ấy dẫu nhỏ nhưng sánh ý lại lớn. Vả lại tường cao không phải chốc lát mà dựng
xong, tiếng nổi không phải một sớm mà có, đều phải dần dần mới thành, dựng có
phép thường. Ví như trồng cây, lâu ngày thì gốc rễ của nó cắm sâu, cành lá của
nó sum suê, nếu có dời từ giữ rừng núi đến trồng ở dưới cửa cung, dẫu lấy đất
đen để vun đắp, lấy nắng xuân để tỏa ấm, vẫn không cứu được khô héo, nói chi đến
làm cho sum suê đây? Cây vẫn có thân thích, đất vẫn có dân chúng, dựng lập
không lâu thì khinh dưới lấn trên, thời bình yên vẫn sợ bị bội phản, huống chi
là lúc nguy cấp đây? Cho nên bậc Đế vương hiền thánh dẫu yên mà vẫn không nghỉ
để ngừa nạn vậy, được mà vẫn phòng bị để tránh mất vậy. Cho nên gió lớn chợt thổi
đến mà không lo bị gãy nhổ, thiên hạ có biến mà không sợ nguy khốn vậy".
Quýnh là dòng dõi của
Trung thường thị Thúc Hưng, là bác họ của Thiếu Đế vậy. Bấy giờ thiên tử nhỏ dại,
Quýnh mong dùng lời bàn này để khuyên dụ Tào Sảng, nhưng Sảng không nghe theo.
Chú thích
(1) Kinh Thi chẳng chép: 'Tích linh ở đồng, anh em cứu nạn':
tích linh là một loài chim thường sống ở ven nước bắt cá nhỏ. Ý nói vốn quen ở
ven nước mà lại ở trên đồng thì không quen, phải kêu đồng loại cứu nạn. Mượn ý
này nói anh em giúp nhau trong lúc hoạn nạn vậy.
(2) Hoàn-Văn: chỉ Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công thời Xuân
thu, đều là thân thích của nhà Chu.
(3) Chín đỉnh: tương truyền vua Hạ Vũ dùng vàng đúc thành
chín cái đỉnh (còn gọi là vạc) có khắc
hình vẽ sông núi của chín châu, truyền qua nhà Thương rồi
truyền cho nhà Chu. Kịp lúc nhà Chu suy mà nước Sở mạnh lên, có cầu chín đỉnh
nhưng không được.
(4) Nước Tấn chia làm ba: chỉ cuối thời Xuân thu, nước Tấn
chia làm nước Hàn, Triệu, Ngụy.
(5) Ngũ đẳng: chỉ năm tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam.
(6) Thuần Vu Việt: thời Chiến quốc làm Bác sĩ của nước Tề,
sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước được làm Bộc xạ, khuyên Thủy Hoàng bỏ
chế độ quận huyện mà theo chế độ phân phong chư hầu như thời nhà Chu, nhưng bị
Thừa tướng Lí Tư phản bác, rồi bị bãi quan về quê, lại can gián Thủy Hoàng đừng
đốt sách chôn Nho mà bị giết.
(7) Điền Thường: là đại thần của nước Tề thời Xuân thu,
giết Tề Giản Công mà lập Tề Bình Công, tự làm Tướng quốc, thu quyền bính vào họ
Điền.
(8) Bọn 'lục khanh': chỉ sáu đại thần của nước Tấn thời
Xuân thu là họ Phạm, họ Trung Hàng, họ Trí, họ Hàn, họ Triệu, họ Ngụy tranh
giành lẫn nhau, cuối cùng chỉ có ba họ là Hàn, Triệu, Ngụy còn, chia nước Tấn
làm ba nước.
(9) Thân-Thương:Thân chỉ Thân Bất Hại, Thương chỉ Thương
Ưởng, theo thuyết pháp gia, cho rằng thống trị đất nước phải coi trọng hình
pháp, đây là phép tắc chủ yếu của nhà Tần.
(10) Thắng-Quảng: chỉ Trần Thắng và Ngô Quảng.
(11) Lưu-Hạng: chỉ Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) và Hạng Vũ.
(12) Thang-Vũ: chỉ vua Thang của nhà Ân và vua Vũ Vương của
nhà Chu.
(13) Đông Mâu-Chu Hư: Đông Mâu chỉ Đông Mâu Hầu là Lưu
Chương, Chu Hư chỉ Chu Hư Hầu là Lưu Hưng, đều là tông thất của nhà Hán giữ gìn
ở thành Tràng An, khi họ Lữ chuyên quyền bèn chống đối, rút cuộc cùng các đại
thần là Trần Bình, Chu Bột đánh bại được họ Lữ, giữ nghiệp của họ Lưu.
(14) Tề-Đại-Ngô-Sở: sau khi Hán Cao Tổ dựng nhà Hán,
phong Vương cho các con và anh em. Phong em là Lưu Giao làm Sở Vương; phong
cháu họ là Lưu Tị làm Ngô Vương; phong con là Lưu Hằng làm Đại Vương, con là
Lưu Phì làm Tề Vương.
(15) Triều Thố:người quận Dĩnh Xuyên, thời Hán Cảnh Đế thế
lực của chư hầu rất lớn, bèn bày kế sách trừ bỏ chư hầu để ngừa mưu phản, cho rằng
từ từ trừ bỏ không bằng nhanh chóng trừ bỏ chư hầu.
(16) Ngô-Sở bày mưu, năm nước theo gió: thời Hán Cảnh Đế,
các chư hầu mưu phản, khởi từ Ngô Vương là Lưu Tị và Sở Vương là Lưu Mậu rồi
liên kết với năm vị khác là Triệu Vương, Giao Tây Vương, Giao Đông Vương, Truy
Xuyên Vương, Tế Nam Vương chia đường hướng về phía tây đến thành Tràng An.
(17) Văn-Cảnh: chỉ vua Văn Đế và Cảnh Đế của nhà Hán.
(18) Chủ Phụ: tức Phủ Phụ Yển, người quận Lâm Truy, vào
thời Hán Vũ Đế bày kế chia nhỏ ấp phong của chư hầu để giảm bớt thế lực của họ.
(19) Họ Vương nắm quyền: chỉ thân thích họ ngoại là Vương
Mãng soán ngôi vị.
(20) Ai-Bình: chỉ vua Ai Đế và Bình Đế của nhà Hán.
(21) Huệ-Văn: chỉ vua Huệ Đế và Văn Đế của nhà Hán.
(22) Hoàn-Linh: chỉ vua Hoàn Đế và Linh Đế của nhà Hán.
(23) Tây kinh: chỉ thành Tràng An ở phía tây là kinh đô
cũ nhà Hán, đối với thành Lạc Dương là kinh đô phía đông.
(24) Định đô ở ấp Dĩnh: Tào Tháo đón Hán Hiến Đế đóng đô ở
Hứa Xương thuộc quận Dĩnh Xuyên, ở bên sông Dĩnh, cho nên gọi thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét