Tào Tháo đón Tuân Úc và cháu - Tuân Du |
TUÂN DU TRUYỆN
Tuân Du tự Công Đạt,
là cháu của Úc. Tổ phụ là Đàm, là Thái thú Quảng Lăng.
Tuân thị gia truyện(1)
chép: Đàm tự Nguyên Trí. Anh là Dục, tự Bá Tu.
Hán kỷ của Trương
Phan khen Dục, Đàm đều có tài hơn người. Dục cùng với bọn Lý Ưng, Vương Sướng,
Đỗ Mật có danh hiệu là Bát tuấn, ngôi vị đến Bái tướng. Cha của Du là Di, làm
Tòng sự trong châu. Di với Úc là anh em con chú con bác ba đời.
Du mồ côi từ nhỏ. Khi
Đàm chết, có kẻ lại cũ là Trương Quyền xin coi giữ mộ phần của Đàm. Năm Du mười
ba tuổi, hoài nghi việc ấy, bảo với người chú là Cù rằng: "Kẻ lại ấy có sắc
diện phi thường, ngờ rằng là kẻ gian tà!" Cù ngộ ra, bèn tìm cách tra hỏi,
quả nhiên là tên giết người bỏ trốn. Bởi thế lấy làm lạ về Du.
Nguỵ thư chép: Năm Du
được bảy, tám tuổi, Cù từng say rượu, hiểu lầm Du; về sau Du ra ngoài rong
chơi, thường lánh mặt không muốn cùng với Cù tương kiến. Sau này Cù nghe chuyện
ấy, mới kinh sợ vì Du sớm hiểu biết đến như thế.
Tuân thị gia truyện chép: Con của Cù là Kỳ, tự Bá Kỳ, cùng với người chú họ là Âm đều nổi danh. Những lời Kỳ cùng với Khổng Dung luận về nhục hình(2),
lời Âm cùng với Khổng Dung luận
về những điều hơn kém của thánh nhân, đều chép ở Dung tập(3). Kỳ làm quan đến
Thái thú Tế Âm; Âm về sau được vời làm Hữu đạo, rồi làm đến chức Thừa tướng Tế
tửu.
Hà Tiến cầm quyền
chính, cho vời những người có danh ở trong nước ra làm quan như bọn Tuân Du được
hơn hai mươi người. Du đến nơi, được bái làm Hoàng môn Thị lang. Loạn Đổng
Trác, binh Quan Đông nổi dậy, Trác dời đô về Trường An. Du cùng với bọn Nghị
lang là Trịnh Thái, Hà Ngung, Thị trung là Chủng Tập, Việt kỵ Hiệu uý là Ngũ Quỳnh
bàn tính rằng: "Đổng Trác vô đạo, còn hơn cả Kiệt, Trụ(4), thiên hạ đều
oán hận, dẫu rằng có binh mạnh, thật ra chỉ là kẻ thất phu mà thôi. Nay chúng
ta trực tiếp đâm chết y để tạ tội với trăm họ, rồi sau đó chiếm cứ vùng Hào,
Hàm(5), phù tá quân vương, lấy đó để hiệu triệu thiên hạ, ấy là việc làm của
Hoàn, Văn(6) vậy." Việc sắp nên thì bị phát giác, Ngung, Du bị bắt hạ ngục,
Ngung lo sợ tự sát. Còn Du vẫn nói năng ăn uống tự nhiên, khi Trác chết, Du được
thoát.
Nguỵ thư nói rằng Du
sai người đến thuyết phục Trác nên được thoát, điều ấy với bổn truyện bất đồng.
Hán kỷ của Trương
Phan chép: Ngung tự Bá Cầu, thời trẻ cùng với bọn Quách Thái, Giả Bưu du học ở
Lạc Dương, bọn Thái đều thích phong cách của Ngung. Ngung nổi danh ở nhà Thái học,
vì thế các danh thần ở trong triều là bọn Thái phó Trần Phồn, Tư lệ Lý Ưng đều
rất muốn giao kết với Ngung. Lúc tai hoạ bè đảng nổ ra, Ngung cũng có tên trong
danh sách, bởi thế phải đổi danh tính trốn tránh ở vùng Nhữ Nam, giao kết với
các hào kiệt ở đất ấy. Ngung đã cho Thái tổ là người kỳ lạ, lại nhận biết được
Tuân Úc, Viên Thiệu rất hâm mộ Ngung, giúp cho chạy trốn đến chỗ bạn bè. Bấy giờ
sĩ đại phu trong thiên hạ đa phần gặp cái hoạ bè đảng, mỗi năm Ngung một mình tới
Lạc Dương vài ba bận, cùng với Thiệu mưu tính, cứu giúp những kẻ sĩ cùng quẫn
thoát khỏi hoạ hoạn. Nhưng Viên Thuật cũng là kẻ hào hiệp, cùng với Thiệu tranh
dành danh vọng. Ngung chưa lần nào đến chỗ Thuật, Thuật rất căm giận Ngung.
Hán mạt danh sĩ lục chép: Thuật từng ngồi với mọi người kể ra ba tội của Ngung, rằng: "Vương Đức Di trước đây là người hiểu biết, tài tuấn lão luyện, danh vọng đức độ thanh cao, mà Bá Cầu xem thường ông ấy, đó là một tội. Hứa Tử Viễn là kẻ hung dâm, tính hạnh bất thuần, mà Bá Cầu thân gần với hắn, đó là hai tội. Quách, Giả là bọn nghèo hèn khốn khổ, không có tiền nong sản nghiệp gì, mà Bá Cầu cưỡi ngựa béo, mặc áo cừu nhẹ, sáng choang ở trên đường, đó là ba tội vậy(7).
"Đào Khâu
Hồng(8) nói: "Vương Đức Di là người đại hiền nhưng ít khi cứu giúp người
ta, Hứa Tử Viễn dẫu bất thuần nhưng lăn lộn cứu người trong hoạn loạn chẳng
chút chậm chân. Bá Cầu tiến cử việc thiện thì lấy Đức Di làm đầu, nói đến việc
cứu giúp người ta thì cho Tử Viễn là nhất. Vả lại Bá Cầu từng vì Ngu Vĩ Cao mà
tự tay báo cừu, làm việc nghĩa mà thanh danh rung động(9). Mà kẻ thù gia tài cự
vạn, ngựa hay trăm con, lại muốn sai Bá Cầu mang trâu ốm, ngựa còi, nằm phục
kích nơi đạo lộ, như thế khác nào vạch trần ngực ra mà đón ngọn dao sắc của kẻ
thù vậy." Thuật vẫn có ý bất bình. Sau cùng với người ở Nam Dương là Tôn
Thừa gặp nhau ở dưới cửa khuyết, Thuật nổi giận nói: "Hà Bá Cầu, là kẻ ác
đức, ta phải giết nó đi." Thừa nói: "Hà sinh là kẻ sĩ anh tuấn, túc hạ
khéo đãi ngộ hắn, sẽ được nổi danh là biết dùng kẻ sĩ trong thiên hạ." Thuật
mới thôi. Về sau lệnh cấm họp bè đảng được cởi bỏ, Ngung được vời vào phủ làm
Tư không. Mỗi khi thuộc hạ ở Tam phủ(10) họp bàn, sách lược mưu kế của Ngung đều
hơn người khác, kẻ bàn luận đều tự cho là mình không bằng được. Ngung được
thăng làm Bắc quân Trung hậu, Đổng Trác lấy làm Trưởng sử. Sau này Tuân Úc làm
Thượng thư lệnh, phái người đi đưa tang thúc phụ mình là Tư không Sảng, cho đặt
thi thể Ngung vào đó, đem táng bên cạnh mộ Sảng.
Du bỏ chức quan về
quê, lại được vời vào Công phủ, tiến cử làm Cao đệ, rồi đổi ra làm Nhâm Thành
tướng, Du không chịu đi nhậm chức. Nhân vì thấy đất Thục Hán hiểm trở mà yên ổn,
nhân dân phong thịnh, Du bèn xin làm Thái thú Thục Quận, bởi đường đất cách tuyệt
không đến được, mới lưu trú lại đất Kinh Châu.
Thái tổ đón Thiên tử
về huyện Hứa, gửi thư cho Du rằng: "Hiện nay thiên hạ đại loạn, ấy là lúc
bậc trí sĩ phải lao tâm vậy, mà ngươi lại vào Thục Hán ngóng đợi thiện hạ có biến,
chẳng là bỏ phí mất thời gian hay sao?" Lập tức cho triệu Du tới làm Thái
thú Nhữ Nam, rồi về triều làm Thượng thư. Thái tổ nghe nói Du là người có danh
vọng, cùng nhau nói chuyện rất hợp ý, bảo với Tuân Úc, Chung Do rằng:
"Công Đạt, là người phi thường vậy, ta có được ông ấy để cùng bàn kế sách,
việc thiên hạ có gì phải lo nữa đây!" Rối lấy Du làm Quân sư. Năm Kiến An
thứ ba, theo Thái tổ đi đánh Trương Tú. Du nói với Thái tổ rằng: "Tú liên
hoà với Lưu Biểu, hai kẻ nương dựa vào nhau tự cho mình là cường mạnh, mà quân
đội của Tú trông đợi vào lương thảo của Biểu, Biểu không thể cung cấp nổi, thế
tất phải chia lìa nhau. Chi bằng ta dụng kế hoãn binh chờ đợi, có thể dụ dỗ
chúng mà yên được vậy; nếu ta đánh gấp, thế tất chúng phải cứu giúp lẫn
nhau." Thái tổ không nghe, rồi tiến binh đến đất Nhưỡng, giao chiến với
Tú. Tú nguy cấp, Biểu quả nhiên đến cứu. Việc quân gặp bất lợi. Thái tổ bảo Du
rằng: "Ta chẳng nghe lời ngươi mới đến nỗi thế này." Lại sắp đặt kỳ
binh giao chiến tiếp, đại phá được quân của Tú.
Năm ấy, Thái tổ từ
huyện Uyển đi đánh Lã Bố, đến Hạ Bi, Bố thua trận lui về cố thủ, Thái tổ vây
đánh không thắng nổi, giao chiến liên miên, sĩ tốt mỏi mệt, Thái tổ muốn dẫn
quân về.
Nguỵ thư chép: Kẻ bàn
luận nói rằng Biểu, Tú còn ở phía sau mà quay về đánh Lã Bố, thì sẽ rất nguy hiểm.
Du cho rằng Biểu, Tú mới bị phá, thế tất chẳng dám vọng động. Bố là kẻ kiêu
mãnh, lại nương cậy vào Viên Thuật, nếu để hắn tung hoành ở vùng Hoài, Tứ, bọn
hào kiệt tất hưởng ứng hắn. Nay thừa lúc hắn mới làm phản, mọi người chưa cùng
một bụng, đến đánh có thể phá được. Thái tổ nói: "Hay." Lập tức hành
quân, Bố bị Lưu Bị đánh bại, bọn Tang Bá liền hưởng ứng Thái tổ.
Du cùng Quách Gia
thuyết Thái tổ rằng: "Lã Bố là kẻ hữu dũng vô mưu, nay giao chiến ba trận
đều thua cả, nhuệ khí đã suy rồi vậy. Ba quân lấy tướng soái làm đầu não, tướng
đã suy thì quân thì quân không có ý chí phấn đấu. Trần Cung có trí mưu nhưng chậm
chạp, nay chí khí của Bố chưa hồi phục, mưu kế của Cung chưa định, ta tiến đánh
gấp, có thể bắt được Bố vậy." Thái tổ bèn khơi nước sông Nghi, sông Tứ rót
vào thành, thành tan lở, bắt sống được Bố.
Sau theo đi cứu Lưu
Diên ở Bạch Mã, Du hoạch định kế sách chém Nhan Lương. Chuyện đã nói ở Vũ kỷ.
Thái tổ lấy được thành Bạch Mã rồi quay về, đưa các xe truy trọng men sông
Hoàng Hà về phía Tây. Viên Thiệu vượt Hoàng Hà truy kích, thốt nhiên gặp Thái tổ.
Chư tướng đều kinh hoảng, khuyên Thái tổ quay về bảo vệ doanh trại, Du nói:
"Đây là cơ hội để bắt địch, sao lại bỏ đi nhỉ!" Thái tổ liếc nhìn Du
cười. Rồi đem đồ truy trọng ra nhử bọn giặc, giặc tranh nhau chạy đến lấy, vỡ
trận. Thái tổ liền tung quân bộ kỵ ra đánh, đại phá được giặc, chém được tướng
quân kỵ của địch là Văn Xú, Thái tổ sau cùng với Thiệu cầm cự nhau ở Quan Độ.
Lương nuôi quân sắp hết, Du nói với Thái tổ rằng: "Thiệu cho vận lương sớm
tối đến đây, tướng của Thiệu là Hàn (Tuân Thái) dũng mãnh nhưng khinh địch, ta
đánh có thể phá được vậy." Thái tổ hỏi: "Có thể sai ai đi được?"
Du đáp: "Tử Hoảng có thể đi được."
Thần Tùng Chi xem mọi
thư tịch, Hàn (Tuân Thái) hoặc chép là Hàn Mãnh, hoặc gọi là Hàn Nhược, chưa rõ
người đấy là ai
Thái tổ lập tức sai
Hoảng cùng Sử Hoán đón đánh phá tan quân giặc, thiêu huỷ đồ truy trọng của địch.
Vừa hay gặp Hứa Du đến hàng, nói rằng Thiệu phái bọn Thuần Vu Quỳnh dẫn hơn vạn
binh đến tiếp ứng cho quân vận lương, tướng kiêu căng quân sĩ biếng nhác, có thể
chặn đánh được. Mọi người đều nghi ngờ. Duy có Du và Giả Hủ khuyến khích Thái tổ.
Thái tổ bèn lưu Du và Tào Hồng ở lại phòng giữ. Thái tổ thân chinh dẫn quân đi
phá địch, chém hết được bọn Quỳnh. Tướng của Thiệu là Trương Cáp, Cao Lãm thiêu
huỷ thuyền bè xe cộ đến hàng, Thiệu rút cục phải vứt bỏ quân đội chạy trốn.
Trương Cáp đến hàng, Hồng nghi ngờ không dám tiếp nhận, Du bảo Hồng rằng:
"Mưu kế của Cáp chẳng được dùng, mới phẫn nộ mà tới hàng, ngài còn nghi ngờ
gì nữa?" Hồng bèn thu nhận Cáp.
Năm thứ bảy, Du theo đi đánh Viên Đàm, Viên Thượng ở Lê Dương. Năm sau, Thái tổ đi chinh phạt Lưu Biểu, Đàm và Thượng tranh đoạt Ký Châu. Đàm phái Tân Bì tới xin hàng cầu cứu, Thái tổ định đồng ý, đem việc ấy ra hỏi thuộc hạ. Thuộc hạ đa phần cho rằng Biểu cường mạnh, nên đánh dẹp trước đi, Đàm, Thượng chẳng đáng phải lo lắng. Du nói: "Giờ đang là lúc thiên hạ có nhiều việc, mà Lưu Biểu ngồi yên giữ lấy vùng Giang, Hán, như thế có thể biết được y không có chí khí tiến thủ bốn phương vậy. Họ Viên chiếm giữ đất đai bốn châu, binh sĩ mặc giáp chục vạn, Thiệu lấy khoan hoà hậu đãi mọi người thu được nhân tâm, ví thử hai con của Thiệu hoà mục với nhau giữ lấy Nghiệp Thành, thì việc thiên hạ khó mà yên ngay được. Nay anh em họ ghét nhau, thế hẳn là cả hai chẳng thể vẹn toàn được. Nếu như để cho họ hợp sức với nhau làm một, binh lực của họ hợp lại thì chúng ta khó mà mưu đồ được. Nhân lúc họ loạn ta đánh lấy, việc thiên hạ có thể định được vậy, cơ hội này không thể để lỡ được." Thái tổ nói: "Hay." Vì thế mới đồng ý hoà với Đàm, rồi quay về đánh tan Thượng. Sau này Đàm làm phản, Du theo Thái tổ đi chém Đàm ở Nam Bì. Ký châu bình định, Thái tổ dâng biểu lên Hoàng đế khen ngợi Du rằng: "Quân sư Tuân Du, phụ tá thần từ thuở ban đầu, không lần chinh chiến nào không đi theo, công lao thắng địch trước nay, đều là mưu của Du vậy." Đế liền phong Du làm Lăng Thụ đình hầu. Năm thứ mười hai, Đế hạ lệnh xét công lao khi trước để tiến hành phong thưởng, Thái tổ nói: "Người trung trinh chính trực có kế sách bí mật, phủ dụ kẻ trong người ngoài, ấy là Văn Nhược(11). Công Đạt là người thứ hai vậy." Đế tăng thêm thực ấp cho Du bốn trăm hộ, cộng cả trước đó là bảy trăm hộ, thăng chức Du lên Trung quân sư. Nước Nguỵ mới kiến lập, lấy Du làm Thượng thư lệnh.
Nguỵ thư chép: Thái tổ từ Liễu Thành trở về, đi qua nhà Du, kể lại những mưu kế và công lao trước nay của Du, rằng: "Ngày mà thiên hạ được an định rồi, Cô nguyện sẽ cùng với các bậc hiền sĩ đại phu cùng chung hưởng yên vui. Xưa kia Cao tổ cho Trương Tử Phòng được tự chọn lấy ba vạn hộ làm thực ấp(12),
nay Cô cũng muốn ban cho ngươi được tự chọn đất phong của
mình.
Du là người rất kín
đáo lại khéo phòng hoạ hoạn, từ khi theo Thái tổ đi chinh phạt, thường ở trong
màn trướng bày mưu tính kế, người đương thời kể cả con em của Du tuyệt chẳng ai
biết hai người bàn tính những gì.
Nguỵ thư chép: Con trai của cô ruột Du là Tân Thao từng hỏi Du về việc Du khuyên Thái tổ lấy Ký Châu. Du nói: "Tá Trị(13)
vì Viên Đàm mà xin hàng, vương sư vì vậy mà bình
định được đất ấy, ta có biết gì đâu?" Từ đấy Thao cùng họ hàng nội ngoại
chẳng ai dám lần nữa hỏi Du về việc quân quốc đại sự nữa.
Thái tổ thường khen Du rằng: "Công Đạt ngoài mặt tỏ ra là mình ngu dốt mà bên trong có nhiều mưu kế, vẻ ngoài hèn nhát mà trong tâm dũng mãnh, bên ngoài tỏ vẻ yếu đuối mà trong bụng cương cường, chẳng hề khoa trương, không khoe công lao, bậc trí nhân mới có thể sánh cùng, người ngu chẳng thể nào theo kịp được, dẫu Nhan Tử, Ninh Vũ(14)cũng không sao hơn được vậy." Thời Văn Đế thời còn làm Đông cung Thái tử, Thái tổ bảo rằng: "Tuân Công Đạt, chính là người đáng bậc sư biểu, mày phải hết lòng kính lễ người ấy." Du có lần bị ốm, Thế tử đến thăm bệnh, một mình quỳ lạy trước giường, Du được kính trọng khác thường đến như thế. Du và Chung Do có quan hệ thân thiết, Do nói: "Ta mỗi khi có hành động gì khó, nghĩ đi nghĩ lại, tự nhận thấy mình không có cách gì làm nổi; đem ra bàn tính với Công Đạt, lập tức thu được những ý kiến khác thường." Trước sau Công Đạt vạch ra mười hai kế sách lạ kỳ, chỉ có mình Do biết được. Do biên soạn thành sách, còn chưa xong, thì chết, cho nên người đời chẳng ai thấy được những kế sách kỳ lạ ấy
Thần Tùng Chi xét: Sau khi Du mất mười sáu năm, Chung Do mới
chết, chép lại những kế sách lạ của Du, nào có khó gì? mà tuổi đến tám mươi rồi,
còn nói là chưa soạn xong, khiến cho kỳ mưu kế sách tòng chinh của Du chẳng được
truyền lại ở đời, đáng tiếc thay!
Du theo Thái tổ đi đánh Tôn Quyền, mất ở giữa đường. Thái tổ mỗi khi nhắc đến Du lại rơi nước mắt.
Nguỵ thư viết: Bấy giờ
là năm Kiến An thứ mười chín, Du được năm mươi tám tuổi. Xét về tuổi tác thì Du
hơn Úc sáu tuổi.
Nguỵ thư chép lại lời của Thái tổ rằng: "Cô cùng với Tuân Công Đạt ruổi rong hơn hai mươi năm trời, tuyệt đối không hề thấy có chút lỗi lầm nào." Lại nói: "Tuân Công Đạt thực sự là hiền nhân vậy, có thể nói là đã 'đạt đến mức ôn lương cung kiệm nhượng được(15).'
Khổng tử từng khen rằng 'Án Bình Trọng(16) khéo giao kết với người
khác, ta kính trọng ông ấy đã lâu'. Công Đạt gần được như người ấy vậy.
Phó Tử nói: Có người hỏi ta về các bậc quân tử đại hiền gần đây, ta đáp rằng: "Tuân lệnh quân là bậc nhân đức, Tuân quân sư là bậc trí mưu(17),
những người ấy có thể gọi là
bậc quân tử đại hiền gần đây vậy. Tuân lệnh quân lấy nhân để lập đức, sáng suốt
tiến cử hiền tài, khi thi hành không hề
siểm nịnh ai, mưu việc
thì tuỳ cơ ứng biến. Mạnh Kha nói rằng 'Cứ năm trăm năm lại có bậc vương giả nổi
lên, khi ấy tất sinh ra bậc danh tiếng giúp đời', người ấy là Tuân lệnh quân đó
chăng(18)! Thái tổ từng khen 'Tuân lệnh quân tiến việc thiện, chưa tiến cử được
không chịu thôi, Tuân quân sư trừ ác, chưa trừ bỏ xong không chịu dừng'.
Con trưởng Du là Tập,
có phong độ của Du, chết sớm. Con thứ Du là Thích nối tự, không có con, tuyệt tự.
Năm Hoàng Sơ trung, phong cho cháu của Du là Tôn Bưu làm Lăng thụ Đình hầu, hưởng
thực ấp ba trăm hộ, sau chuyển phong làm Khâu Dương đình hầu. Năm Chính Thuỷ
trung, truỵ thuỵ hiệu cho Du là Kính hầu.
Chú thích:
(1) Truyện nhà họ Tuân.
(2) Những hình phạt phạm đến da thịt người ta.
(3) Dung tập là những sách vở, thư từ do Khổng Dung làm
ra, người đời sau thống kê, ghi chép lại, gom thành một tập sách.
(4) Vua Kiệt nhà Hạ, vua Trụ nhà Thương đều là những vị
vua tàn bạo nổi danh trong lịch sử Trung Hoa.
(5) Tức là núi Hào và cửa Hàm Cốc.
(6) Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công, những người làm bá chủ
chư hầu đời Xuân Thu.
(7) Vương Đức Di không rõ là ai? Còn Hứa Tử Viễn tức Hứa
Du, người hiến kế đốt lương ở Ô Sào trong trận Quan Độ giúp Tào Tháo đánh bại
Thiệu; Quách, Giả ở đây là chỉ Quách Thái, Giả Bưu, là những người bạn học với
Hà Ngung. Viên Thuật ở đây cho rằng mấy người ấy là bạn học, nhưng Quách, Giả
nghèo túng đói rét, còn Ngung lại ăn no mặc ấm không san sẻ với bạn bè, đó là tội.
(8) Đào Khâu Hồng, tự Tử Lâm, người Bình Nguyên rất giỏi
biện bác, nổi danh cùng với Khổng Dung ở Bắc Hải, Trần Lưu ở Biên Nhượng.
(9) Người bạn của Ngung là Ngu Vĩ Cao có thù cha chưa báo
được, Ngung đến thăm, Vĩ Cao khóc lóc kể sự tình. Ngủng cảm nghĩa khí, vì Vĩ
Cao báo thù, tự tay giết kẻ kia, đem đầu đến tế trước mộ cha của Vĩ Cao.
(10) Tức là ba phủ, Tư Không, Tư Đồ, Tư Mã.
(11) Là Tuân Úc vậy.
(12) Hán Cao tổ đánh thắng Hạng Vũ, cho phép đệ nhất mưu
sĩ của mình là Trương Lương tự chọn lấy ba ngàn hộ làm thực ấp. Trương Lương
không nhận, bỏ đi ở ẩn.
(13) Tá Trị là tên tự của Tân Bì, bản Tam quốc diễn nghĩa
của cụ Phan Kế Bính dịch tên nhân vật này là Tân Tỷ.
(14) Nhan Tử là Nhan Hồi, một trong mười hai đại đệ tử của
Khổng Tử, nổi tiếng là bậc tài hoa; còn Ninh Vũ, chưa rõ là ai.
(15) Có đủ các đức tính tốt đẹp, đó là ôn hoà, thuần hậu,
khiêm cung, cần kiệm, nhún nhường.
(16) Bình Trọng là tên tự của Án Anh. Án Anh là tể tướng
nổi danh nước Tề thời Chiến Quốc, nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa với rất nhiều
điển tích hay, một trong số đó là câu chuyện Hai quả đào giết ba dũng sĩ.
(17) Tuân lệnh quân là trỏ vào Tuân Úc, Tuân quân sư là
trỏ vào Tuân Du. Úc lo việc triều chính, hết lòng tìm kiếm đề bạt những kẻ hiền
tài phụng sự quốc gia; Du theo đi tòng chinh, vạch mưu định kế, quyết thắng kẻ
địch, đều là hiền tài rường cột của đất nước.
(18) Mạnh Kha tức là thầy Mạnh Tử, từng đưa ra chứng lý rằng:
Từ đời Nghiêu, Thuấn đến vua Thành Thang nhà Thương là trên năm trăm năm; từ
Thành Thang đến vua Văn Vương nhà Chu là trên năm trăm năm; Từ Văn Vương đến thầy
Khổng Tử lại chừng năm trăm năm. Thế tức là cứ trong khoảng năm trăm năm thế
gian lại sinh ra bậc hiền tài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét