GIẢ HỦ TRUYỆN
Giả Hủ tự Văn Hoà,
người quận Vũ Uy huyện Cô Tang. Thuở nhỏ người đời chẳng ai biết đến, chỉ người
ở Hán Dương là Diêm Trung cho là người khác thường, nói rằng Hủ có cái tài lạ của
Lương-Bình(1).
Đến kỳ xét Hiếu liêm
Hủ được làm chức Lang, vì bị ốm nặng bèn từ quan, quay về phía tây tới đất
Khiên, trên đường đi gặp lúc rợ Đê làm phản, mấy chục người đi cùng đều bị bắt
giữ ở đó. Hủ nói: "Ta là của cháu ngoại Đoàn công, mày đem giấu ta đi, gia
đình ta tất đem tiền chuộc đến cho mày." Bấy giờ Thái uý Đoàn Quýnh, trước
đó ít lâu là tướng ở biên ải, uy chân tây thổ, Giả Hủ mượn danh để doạ rợ Đê. Rợ
Đê quả nhiên không dám hại, cho người đưa đi, những người khác đều chết cả. Hủ
quả thật chẳng phải là cháu ngoại của Đoàn, quyền biến để xong việc, hết thảy đại
loại như thế.
Đổng Trác vào Lạc
Dương, Hủ được lấy làm Thái uý duyện rồi Bình tây Đô uý, lại thăng lên làm Thảo
lỗ Hiệu uý. Con rể của Trác là Trung lang tướng Ngưu Phụ đóng quân ở Thiểm tây,
Hủ ở đó giúp việc quân. Trác bại vong, Phụ cũng chết, mọi người rất sợ hãi, bọn
Hiệu uý Lý Thôi-Quách Dĩ-Trương Tế muốn giải tán, sắp sửa quay về quê. Hủ nói:
"Nghe nói người trong thành Trường An bàn định muốn giết hết người Lương
Châu, mà các ông bỏ mọi người ra đi một mình, thì một người đình trưởng cũng có
thể bắt được các ông vậy. Chẳng bằng thống lĩnh mọi người ở phương tây, thu nhặt
binh sĩ ở đó, vây đánh Tràng An, vì Đổng công mà báo hận, may mà nên việc, phụng
sự quốc gia để chinh phạt thiên hạ, nếu chẳng xong việc, bỏ chạy cũng chưa muộn
vậy." Chúng cho là phải. Thôi bèn ở phía tây đánh Trường An. Việc này có ở
truyện về Trác.
Thần là Tùng Chi cho
rằng trong truyện có lời khen ngợi rằng: "Hành động nhân nghĩa, lợi khắp
thiên hạ!" Đương nhiên là lời nói bất nhân, tác dụng tương phản. Nhân
nghĩa, công đức rất khó thực hiện mà mầm loạn dễ thành, do đó mối họa một khi
đã phát động thì gây hại trăm đời vậy. Vào lúc đó kẻ cầm đầu phát động họa loạn
đã ra tay thì rất khó chế phục. Chiến loạn tứ phương, quốc gia phân liệt, tai
ương xuất hiện liên tục. Bang quốc có nguy cơ bị diệt vong, lê dân chịu muôn điều
oan khốc. Há chẳng vì lời nói suông của Giả Hủ chăng? Tội ác của Hủ, không gì
to hơn! Những trận động loạn từ xưa đến nay, chưa từng thảm liệt như loạn Đổng
Trác vậy!
Về sau Hủ ở Tả Phùng Dực,
bọn Thôi định xét công cho tước hầu, Hủ nói: "Cái kế cứu mệnh ấy, có chi
đáng kể!" Rồi cố từ không nhận. Chúng lại cho làm Thượng thư Bộc xạ, Hủ
nói: "Thượng thư Bộc xạ, là chức trưởng trong quân, thiên hạ đều mong mỏi,
tiếng tăm của Hủ chẳng đủ nặng, không thể khiến người ta phục. Thả kẻ ám muội
như Hủ vào chốn vinh lợi, sao mà ra quốc triều được!" Chúng bèn đổi bái Hủ
làm Thượng thư, giữ việc tuyển cử, Hủ nhiều lần giúp đỡ cho, bọn Thôi vừa quý mến
mà kiêng sợ.
Hiến Đế kỷ chép:
Quách Dĩ-Phàn Trù cùng với Thôi lìa bỏ nhau, mấy lần muốn đánh nhau. Hủ liền lấy
đạo lý trách cứ, chúng đều nghe lời Hủ.
Nguỵ thư chép: Hủ giữ
việc tuyển cử, nhiều lần chọn người trước đây có danh tiếng cho làm lệnh phó, kẻ
bàn luận việc ấy đều khen Hủ.
Lúc mẹ mất Hủ từ
quan, được bái làm Quang lộc đại phu. Bọn Thôi-Dĩ đánh nhau ở trong thành Tràng
An.
Hiến Đế kỷ chép: Bọn
Thôi cùng với Hủ bàn định, đón Thiên tử vào trong doanh trại. Hủ nói:
"Không nên. Bức hiếp Thiên tử, là việc phi nghĩa vậy." Thôi không
nghe. Trương Tú bảo Hủ rằng: "Chốn ấy chẳng nên ở lâu, sai ngài chẳng bỏ
đi?" Hủ nói: "Ta đã nhận quốc ân, nghĩa chẳng thể phản bội. Ngài hãy
tự đi, ta chẳng thể đi vậy."
Thôi lại mời Hủ làm
Tuyên Nghĩa tướng quân.
Hiến Đế kỷ chép: Lúc
bấy giờ Thôi triệu mấy nghìn người Khương-Hồ tới, trước tiên lấy lụa màu của
vua cấp cho chúng, lại hứa ban cho đàn bà con gái ở trong cung, muốn sai chúng
đánh Quách Dĩ. Người Khương-Hồ liền kéo lại chọc tường nhòm vào cửa của nhà
vua, nói: "Thiên tử ở trong đó sao! Lý tướng quân hứa cho ta cung nhân mĩ nữ,
nay đều ở đây ư?" Đế lo lắm, sai Hủ tính kế giúp cho. Hủ bèn ngầm gọi các
đầu lĩnh người Khương-Hồ đến cho ăn uống, hứa sẽ phong tước lớn, vì thế chúng đều
bỏ đi. Bởi thế mà thế lực của Thôi suy yếu đi.
Bọn Thôi lại dàn hoà,
Thiên tử thoát được ra ngoài, đại thần theo giúp đỡ, ấy là nhờ vào công sức của
Hủ.
Hiến Đế kỷ chép:
Thiên tử đã về phía đông, nhưng Lý Thôi lại đuổi theo, vương sư đổ nát. Quan Tư
đồ là Triệu Ôn, Thái thường Vương Vĩ, Vệ uý Chu Trung, Tư lệ Vinh Thiệu đều làm
Thôi không vừa ý, Thôi muốn giết đi. Hủ bảo Thôi rằng: "Đấy đều là những đại
thần của Thiên tử, sao ngài lại muốn hại họ?" Thôi mới dừng việc ấy.
Thiên tử đi rồi, Hủ
dâng trả ấn thụ. Bấy giờ tướng quân Đoàn Ổi đóng ở Hoa Âm, Ổi với Hủ là người đồng
quận, Hủ bỏ Thôi đi theo Ổi.
Điển lược nói lúc bấy
giờ Ổi ở Hoa Âm, làm ruộng, chẳng phải là giặc cướp. Thiên tử về đông, Ổi đón ở
trên đường dâng cống chu cấp quà cáp.
Hiến Đế kỷ chép: Sau
này Đế lấy Ổi làm Đại hồng lư Quang lộc đại phu, năm Kiến An thứ mười bốn, được
chết lành.
Hủ có tiếng là người
trong sạch, quân lính của Ổi rất ngưỡng vọng. Ổi trong bụng sợ bị Hủ đoạt quyền,
mà bề ngoài lại cung phụng Hủ lễ nghĩa rất đầy đủ, Hủ càng thấy bất an hơn.
Chú thích:
(1) Trương Lương, Trần Bình, đều là những mưu sĩ nổi danh
của Hán Cao Tổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét