Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TRUYỆN VIÊN THIỆU (Phần II)

 


Viên Thiệu được mô tả là suy sụp về tinh thần
dẫn đến bệnh nặng sau những thất bại chí mạng

TRUYỆN VIÊN THIỆU (Phần II)

 

Lúc trước, Thái Tổ sai Lưu Bị đến Từ châu chống Viên Thuật; kịp lúc Thuật chết, Bị giết Thứ sử Xa Trụ, dẫn quân đóng đồn ở nước Bái. Thiệu sai quân kị giúp Bị. Thái Tổ sai Lưu Đại- Vương Trung đánh Bị, không thắng. Năm Kiến An thứ năm, (năm 200 Công nguyên) Thái Tổ tự sang phía đông đánh Bị. Điền Phong khuyên Thiệu đánh úp mặt sau của Thái Tổ nhưng Thiệu vì con bệnh mà không theo; Phong ném gậy xuống đất nói: "Đây là thời cơ khó gặp, vì con nhỏ bệnh mà làm mất cơ hội, tiếc thay"!


Thái Tổ đến, đánh phá Bị, Bị sang chỗ Thiệu.


Ngụy thị xuân thu chép văn của Thiệu hịch gọi châu quận rằng: "Thường nghe vua sáng mưu cứu nguy để dẹp loạn, tôi trung mưu trừ nạn để lập quyền. Ngày xưa nhà Tần cường bạo mà vua lại yếu kém, Triệu Cao nắm quyền, chuyên chế triều đình, tự gây oai phúc, rút cuộc có mối họa ở cung Vọng Di, để tiếng xấu nhục đến nay. Kịp đến thời Lữ Hậu-Lộc-Sản chuyên chính, nắm giữ quyền lệnh, coi xét hình pháp, lấn trên hiếp dưới, người cả nước đau lòng. Do đó Giáng Hầu-Chu Hư tỏ oai trổ giận, diệt trừ nghịch loạn, tôn lập Thái Tông, thế nên mới nêu dậy đạo hóa, sáng rõ rạng rỡ; đấy là tấm gương sáng của bậc đại thần lập quyền vậy. Ngày nay Tư không Tào Tháo, ông nội là Đằng vốn làm Trung thường thị, cùng với bọn Tả Quán-Từ Hoàng gây tai nghiệt, phóng túng hung ác, tàn ngược dân chúng. Cha là Tung, xin làm con nuôi, nhân đó mua chức, xe vàng bánh ngọc chở tiền vào nhà bọn quyền quý, cướp vị Tam công, đảo lộn triều đình. Tháo nối tính xấu, không có đức lành, cậy mạnh hiếp yếu, ưa loạn gây họa. 


Khi trước mạc phủ(7) thống lĩnh bọn anh hùng quét trừ bọn hung nghịch, kế đó gặp buổi Đổng Trác hiếp quan hại nước, do đó vung kiếm gõ trống, phát lệnh ở miền đông, thu nạp bọn anh hùng, bỏ xấu chọn dùng. (8) Cho nên cùng bày mưu với Tháo, cho rằng hắn có tài ưng khuyển, nên dùng làm nanh vuốt. Thế nhưng hắn lại ngu dốt nghĩ kém, khinh thường hiệu lệnh, dẫn đến thua vỡ, nhiều lần mất quân. Mạc phủ liền lại chia quân khỏe bù đắp sửa sắm cho hắn, cử làm Đông Quận Thái thú, Duyện châu Thứ sử, cho mặc da hổ, cho lĩnh quân mạnh, trao gửi quyền oai, mong rằng sẽ thắng quân Tần một trận. Vậy mà Tháo lại thừa cơ giày xéo, phóng túng hung bạo, giết chóc dân chúng, tàn hại người hiền. Cửu Giang Thái thú Biên Nhượng trước kia là bậc anh tài hơn đời, nổi danh thiên hạ, vì nói thẳng cứng cỏi, bàn chẳng a dua, thế mà thân bị giết treo đầu, vợ con cũng bị họa di diệt. Từ đấy kẻ sĩ tức giận, dân oán càng nhiều, một người giương tay thì cả châu ứng lời, cho nên Tháo bị người Từ châu đánh phá, bị Lữ Bố đoạt lấy đất, vất vưởng ở miền đông, không có chỗ đứng chân. 


Mạc phủ nghĩ đến cái nghĩa gốc mạnh cành yếu, lại không khép hắn vào bọn phản loạn, cho nên lại trao cờ cấp quân, ra lệnh đánh dẹp, gõ trống vang lừng, quân Bố thua vỡ, cứu hắn khỏi cái họa chết người, lập lại chức quan cho hắn; đấy là mạc phủ không có đức với dân ở Duyện châu mà lại có công giúp Tháo vậy. Sau kịp lúc nhà vua về lại miền đông, bọn giặc gây loạn. Bấy giờ Kí châu đang có việc ở biên ải phía bắc, ta chưa ra khỏi châu được, cho nên sai Tòng sự trung lang Từ Huân đến dụ lệnh Tháo, sai phải đắp sửa tông miếu, giúp đỡ vua nhỏ. Nhưng hắn lại tự ý chuyên quyền, ép vua dời đô, ức hiếp trăm quan, làm loạn kỉ cương, ngồi trên tam đài, nắm giữ chính sự, phong tước tùy ý, xử phạt tùy miệng. Kẻ mà mình thích thì cho năm họ rạng rỡ, kẻ mà mình ghét thì bắt ba họ diệt cả. Bọn nào dám bàn luận thì bị giết trước mặt, bọn nào bàn nghị để trong lòng thì bị giết ngấm ngầm, do đó người đi đường chỉ liếc mắt, trăm quan ngậm miệng, các quan Thượng thư đến chầu hội, công khanh làm quan chỉ có chỗ đứng mà thôi. 


Thái úy Dương Bưu từng nắm vị Tam công, chức cao cả nước, do đó Tháo ganh hiềm, khép cho tội lỗi, kéo ra đánh đập, đủ năm hình phạt, tự ý càn rỡ, không theo phép tắc. Lại nữa Nghị lang Triệu Ngạn, nói thẳng can gián, lời bàn đáng làm, cho nên triều đình nghe theo, vui lòng ban thưởng, nhưng Tháo muốn cướp đoạt quyền bính, cấm ngăn bàn nghị, liền bắt giết đi, không cần báo lên. Lại nữa Lương Hiếu Vương là em ruột của tiên đế, lăng mộ tôn quý, tùng bách trên đó còn phải kính nghiêm, thế mà Tháo tự đem quan tướng quân sĩ đến đào bới, phá quan lộ thây, cướp lấy vàng ngọc, khiến cho triều đình rơi lệ, quân dân đau xót. Lại nữa đặt quan Phát khâu trung lang tướng, Mô kim hiệu úy, (9) qua đâu bới đó, không xương cốt nào không phơi lộ. Thân tự nắm vị Tam công mà lại làm việc bạo ngược, phá dân hại nước, tuôn độc thần người như thế. Lại thêm chính sự phiền hà, (10) bày cách ngăn ngừa, như giăng lưới chặn đường, đào hố ngăn lối, giương tay thì mắc lưới, động chân thì vướng bẫy, cho nên miền Duyện-Dự không có dân yên vui, miền kinh đô có tiếng oán than thở. Xem qua sách vở xưa nay chép về những bầy tôi vô đạo tàn ngược, như Tháo là quá lắm. 


Mạc phủ đang phạt tội kẻ gian ngoài cõi, chưa kịp dạy hắn, có ý rộng lượng, mong hãy sửa lỗi. Thế nhưng Tháo mang lòng lang sói, ngầm mưu gây họa, lại muốn bẻ gãy cột trụ, làm cho nhà Hán suy yếu, diệt trừ người trung lương, chuyên làm việc kiêu hùng. Năm ngoái ta gióng trống lên miền bắc đánh Công Tôn Toản, ngăn quân hung nghịch, chống giữ một năm; Tháo nhân lúc quân ta chưa phá được giặc, ngầm gửi thư qua lại, muốn mượn cớ giúp quân ta để đến đánh úp, cho nên dẫn quân đến sông Hoàng Hà. Đang chèo thuyền sang bờ bắc thì gặp lúc người đi đường tiết lộ, lúc ấy Toản cũng bị diệt, cho nên mũi nhọn cùn nhụt, mưu kế không thành. Hắn giữ Ngao Thương, dựa sông Hoàng Hà làm chỗ vững, lại muốn lấy cánh tay bọ ngựa để chặn bánh xe lớn. Mạc phủ vâng oai linh của nhà Hán, chiếu rọi vũ trụ, mang trăm vạn cây kích dài, phát tướng khỏe như Trung Hoàng-Dục-Hoạch, (11) tỏ thế nỏ cứng cung bền, từ Tinh châu qua núi Thái Hàng, từ Thanh châu vượt sông Tế-Lũy, đại quân bơi sông Hoàng Hà đến đánh trước, từ Kinh châu xuống thành Uyển-Diệp mà đánh mặt sau, sấm động hổ vồ, cùng đến hang giặc như phóng lửa bừng để đốt cỏ khô, múc nước biển lớn mà dập than cháy, có gì chẳng tiêu diệt được đây? Ngày nay nhà Hán suy yếu, kỉ cương đứt gãy. Tháo đem trăm vạn quân khỏe vây giữ cung cấm, ngoài xưng là bảo vệ, nhưng trong thực là bắt giữ. Ta sợ hắn gây họa tiếm nghịch từ đó mà ra. Đây là buổi trung thần phải gan óc lấy đất, là thời tráng sĩ nên lập công vậy. Chẳng đáng gắng sao"! Đây là lời văn của Trần Lâm.


Thiệu đem quân đến Lê Dương, sai Nhan Lương đánh Lưu Diên ở huyện Bạch Mã. Thư Viện lại can Thiệu rằng: "Lương tính nóng vội, dẫu kiêu dũng nhưng không nên dùng một mình". Thiệu không nghe. Thái Tổ cứu Diên, đánh với Lương, phá chém Lương.


Hiến Đế truyện chép: Thiệu sắp đi đánh, Thư Viện họp họ hàng của mình, chia của cải để cho họ, nói: "Quyền còn thì oai không nơi nào không đến, quyền mất thì không giữ được một tấm thân. Thương thay"! Em là Tông nói: "Quân mã của Tào Công khó địch được quân ta, anh sao lại sợ"! Viện nói: "Dựa vào cái mưu sáng của Tào Duyện châu, lại kẹp thiên tử để làm thế riêng, quân ta dẫu đã thắng Công Tôn Toản nhưng quân thực là yếu kém, lại nữa tướng kiêu chủ căng thì quân thua bại, là do ở đấy. Dương Hùng có nói: 'Sáu nước ngu si, giúp họ Doanh diệt họ Cơ', là nói về ngày nay vậy".


Thiệu vượt sông Hoàng Hà, đóng lũy ở phía nam Diên Tân, sai Lưu Bị-Văn Sửu dụ đánh,Thái Tổ đánh phá chúng, chém Sửu; đánh nữa, bắt được đại tướng của Thiệu, quân của Thiệu cả kinh.


Hiến Đế truyện chép: Thiệu sắp vượt sông, Thư Viện can rằng: "Thắng thua biến hóa, không thể không rõ. Nay nên đóng đồn ở bến Diên Tân, lại chia quân đến Quan Độ. Nếu thắng được thì trở về không muộn. Nếu đánh gặp khó thì quân chẳng về được". Thiệu không nghe. Viện sắp vượt sông, than rằng: "Trên thì tỏ chí lớn, dưới thì ham lập công, sông Hoàng Hà mênh mông, ta không quay về được chăng"! Bèn lấy cớ bệnh từ chối, Thiệu giận, liền cắt quân bản bộ của Viện trao cho Quách Đồ.


Thái Tổ về Quan Độ. Thư Viện lại nói: "Quân bắc dẫu đông nhưng không khỏe mạnh bằng quân nam; nhưng quân nam lương thiếu ít mà đồ dùng lại không bằng quân bắc; quân nam lợi lở đánh nhanh, quân bắc lợi ở đánh lâu. Nên thong thả chờ đợi để ngày tháng dây dưa". Thiệu không theo, các đội liên tiếp tiến lên, đến gần Quan Độ, gặp đánh, quân của Thái Tổ không được lợi, rút về giữ lũy. Thiệu làm khiên lớn, đắp gò đất, bắn tên vào trong lũy, quân trong lũy đều che khiên, quân Thái Tổ cả sợ. Thái Tổ bèn làm xe bắn đá, bắn lầu của Thiệu, đều phá được, quân của Thiệu gọi là 'xe sấm sét'.


Ngụy thị xuân thu chép: Vì thời xưa có bắn đá, lại nữa kinh truyện có chép: "Quái động thì đánh trống". Giải thích rằng: "Quái là bắn đá vậy". Do đó làm xe bắn đá.


Thiệu sắp đi đánh, Thư Viện họp họ hàng của mình,chia của cải để cho họ, nói:
"Quyền còn thì oai không nơi nào không đến, quyền mất thì không giữ được một tấm thân. 
Thương thay"!


Thiệu đào hầm đất, muốn đánh úp trại của Thái Tổ. Thái Tổ liền dựng lũy dài ở trong để chống lại, lại sai quân mạnh đánh úp xe vận lương của Thiệu, đại phá chúng, đốt sạch lương thóc. Thái Tổ chống nhau với Thiệu lâu ngày, trăm họ thiếu đói, nhiều người phản theo Thiệu, quân sĩ thiếu lương. Kịp lúc Thiệu sai bọn Thuần Vu Quỳnh đem hơn vạn quân lên phía bắc chở lương, Thư Viện khuyên Thiệu rằng: "Nên sai tướng là Tưởng Kì đi riêng làm một đội để chặn Tào Công đi cướp". Thiệu lại không theo. Quỳnh đóng quân ở Ô Sào, cách chỗ quân của Thiệu bốn mươi dặm. Thái Tổ bèn để Tào Hồng ở lại giữ, buổi đêm tự đem năm nghìn quân bộ kị lẻn đi đến đánh Quỳnh; Thiệu sai quân kị cứu Quỳnh, nhưng thua chạy. Thái Tổ phá bọn Quỳnh, chém hết chúng. Thái Tổ về, chưa đến trại, tướng của Thiệu là bọn Cao Lãm-Trương Cáp đem quân bản bộ đến hàng. Quân của Thiệu vỡ lở, Thiệu cùng Đàm cưỡi ngựa rút qua sông. Quân còn lại giả hàng, Thái Tổ chôn sống hết chúng.


Hán kỉ của Trương Phan chép: Giết quân của Thiệu cả thảy tám vạn người.


Thư Viện không kịp qua sông, bị quân bắt được, đưa đến chỗ Thái Tổ.


Hiến Đế truyện chép: Viện kêu to rằng: "Viện này không hàng, để quân địch bắt thôi". Thái Tổ có quen với Viện, đón bảo Viện rằng: "Thân phận khác biệt, cho nên ngăn cách. Không ngờ hôm nay lại bắt nhau thế này"! Viện đáp nói: "Kí châu không có sách lược mà chuốc lấy thua vỡ. Viện trí lực đều khốn nên mới bị bắt vậy". Thái Tổ nói: "Bản Sơ không có mưu, không dùng kế của ông. Nay tang loạn nhiều năm, nhà nước chưa yên, ta nên cùng cứu giúp". Viện nói: "Chú ruột, mẹ, em treo mạng ở nhà họ Viên. Nếu được ngài mở ân, dẫu chết cũng là phúc". Thái Tổ than rằng: "Ta sớm có được ông thì thiên hạ chẳng đáng lo".


Thái Tổ đãi hậu Viện, sau lại mưu về chỗ họ Viên, bị giết.


Lúc trước, Thiệu xuống phía nam, Điền Phong khuyên Thiệu rằng: "Tào Công giỏi dùng binh, biến hóa không lường. Quân dẫu ít nhưng không nên khinh thường. Không bằng chống giữ lâu ngày. Tướng quân dựa vào cái vững của sông núi, nắm quân của bốn châu, ngoài kết anh hùng, trong sửa việc nông, rồi kén chọn quân tinh nhuệ, chia làm quân lạ, chọn chỗ hở mà ra đánh để lấy miền Hà Nam, cứu hữu thì đánh bên tả, cứu tả thì đánh bên hữu, khiến cho quân địch mệt mỏi vì rong ruổi, dân không được ở yên; lúc ấy ta chưa mệt mà địch đã khốn, chưa đến hai năm thì có thể ngồi mà đánh thắng vậy. Nay bỏ kế chắc thắng mà lại quyết được thua ở một trận, nếu chẳng như ý thì hối chẳng kịp nữa". Thiệu không theo. Phong cố can, Thiệu giận lắm, cho là ngăn trở quân sĩ, bắt trói lại. Quân của Thiệu đã thua, có người bảo Phong rằng: "Ông tất được coi trọng". Phong nói: "Nếu quân có lợi thì ta được sống. Nay quân thua, ta tất chết thôi". Thiệu về, bảo tả hữu nói: "Ta không nghe lời Điền Phong, quả nhiên bị chê cười". Bèn giết Phong.


Tiên hiền hành trạng chép: Phong tự Nguyên Hạo, người quận Cự Lộc, có kẻ nói là người quận Bột Hải. Phong bản tính kiệt hiệt, quyền biến nhiều mưu. Thủa trẻ mất người thân, để tang rất đau buồn. Kì tang dẫu qua nhưng vẫn không cười. Học rộng biết nhiều, nổi danh trong châu. Lúc đầu được mời đến phủ Thái úy, cử mậu tài, chuyển làm Thị ngự sử. Bọn hoạn quan chuyên quyền, kẻ anh hiền bị hại, Phong bèn bỏ quan về nhà. Kịp lúc Viên Thiệu khởi nghĩa, nói lời nhún nhường tặng tiền nhiều để mời Phong đến, Phong vì nhà vua nhiều nạn, có chí cứu giúp, liền vâng lệnh của Thiệu, cho làm Biệt giá. Khuyên Thiệu đón thiên tử, Thiệu không nghe, sau Thiệu dùng mưu của Phong mà dẹp Công Tôn Toản.


Phùng Kỉ ngại tính thẳng thắn của Phong, nhiều lần gièm Phong với Thiệu, Thiệu bèn ngờ Phong. Vào lúc quân của Thiệu thua, vỡ lở trốn về phương bắc, quân sĩ mất cả, quân đều đấm ngực mà khóc nói: "Nếu để Điền Phong ở đấy thì không đến nỗi thế này". Thiệu bảo Phùng Kỉ nói: "Người Kí châu nghe tin quân ta thua đều đang giận ta, riêng Điền Biệt giá lúc trước can ngăn ta, không giống với mọi người, nếu ta gặp hắn cũng thẹn". Kỉ lại nói: "Phong nghe tin tướng quân rút về, liền vỗ tay cười lớn, vui vì lời mình đúng". Do đó Thiệu có ý giết Phong. Trước đây, Thái Tổ nghe nói Phong không theo quân, mừng nói: "Thiệu tất thua thôi". Kịp lúc Thiệu chạy trốn, lại nói: "Nếu mà Thiệu dùng kế của Điền Biệt giá thì còn chưa biết thế nào"! Tôn Thịnh nói: "Ta xem mưu của Điền Phong-Thư Viện, dẫu là Lương-Bình há hơn được thế? Cho nên vua quý phải người tài, tôi phải chọn vua; vua dùng người trung lương thì nghiệp bá vương mới lập được. Tôi thờ vua ngu tối thì chỉ chuốc họa nguy vong. Được mất vinh nhục thường do ở đấy. Phong biết Thiệu sắp thua, thua thì mình tất chết, vui lòng xông vào miệng hổ để tỏ hết lòng trung, tráng sĩ đối với việc ấy, chẳng nghĩ thân mình được sống vậy. Đối với bầy tôi của chư hầu, về nghĩa thì có thể bỏ đi hoặc theo về, huống chi là Phong không phải là bầy tôi thân cận của Thiệu đây! Kinh Thi chép: 'Ta từ bỏ người, đến chỗ yên vui', ý nói bỏ nơi loạn là cũng phải đạo vậy".


Thiệu ngoài thì rộng rãi, có khí độ, vui buồn không lộ ra mặt nhưng trong lại nghi kị, đều đại loại như thế.


Nhiều thành ấp ở Kí châu làm phản, Thiệu lại đánh dẹp được. Từ sau khi quân thua bèn sinh bệnh. Năm (Kiến An) thứ bảy, (năm 202 Công nguyên) lo lắng mà chết.


Thiệu sủng ái con nhỏ là Thượng, có vẻ đẹp, muốn lấy làm nối tự mà chưa nói ra.


Điển lược chép: Đàm là con cả lại có ân huệ, Thượng là con út mà có dáng đẹp. Vợ của Thiệu là Lưu thị yêu Thượng, nhiều lần khen tài của Thượng, Thiệu cũng khen dáng vẻ của Thượng, muốn cho nối dõi, chưa kịp nói ra thì Thiệu chết. Lưu thị tính ganh kị, Thiệu chết, thây liệm chưa xong thì năm người thiếp được Thiệu sủng ái đã bị Lưu thị giết cả. Cho là người chết cũng biết, sẽ lại gặp Thiệu ở dưới đất, liền cắt tóc bôi mực lên mặt để hủy dáng vẻ của họ. Thượng lại giết sạch người nhà của những người đã chết kia.


Thẩm Phối - Phùng Kỉ tranh quyền với Tân Bình-Quách Đồ, Phối-Kỉ kết với Thượng, Bình-Đồ kết với Đàm. Mọi người vì Đàm là con cả, muốn lập Đàm. Bọn Phối sợ Đàm lập thì bọn Bình sẽ hại mình, bèn theo ý cũ của Thiệu, rồi lấy Thượng thay vị của Thiệu. Đàm đến, không được lập, tự hiệu làm Xa kị tướng quân. Do đó Đàm-Thượng hiềm khích. Thái Tổ lên phía bắc đánh Đàm-Thượng. Đàm dẫn quân đến Lê Dương; Thượng cấp cho Đàm ít quân, lại sai Phùng Kỉ đến chỗ Đàm; Đàm xin thêm quân, bọn Phối bàn không cho, Đàm giận, giết Kỉ.


Anh hùng kí chép: Kỉ tự Nguyên Đồ. Trước đây, Thiệu bỏ Đổng Trác chạy ra, cùng với Hứa Du và Kỉ đến Kí châu. Thiệu vì Kỉ thông đạt có kế sách, rất tin dùng Kỉ, cùng Kỉ dấy binh. Sau đó lại dùng Thẩm Phối, Phối không hòa với Kỉ. Có kẻ gièm Phối với Thiệu, Thiệu hỏi Kỉ, Kỉ nói: "Phối bản tính cứng cỏi, có khí tiết của người xưa, không nên nghi ngờ hắn". Thiệu nói: "Ông chẳng ghét hắn sao"? Kỉ đáp nói: "Ngày trước tranh giành là vì tình riêng, nay thần nói là vì việc nước". Thiệu khen lời, rút cuộc không bỏ Phối. Do đó Phối càng thân thiện với Thiệu.


Thái Tổ vượt sông Hoàng Hà đánh Đàm, Đàm gấp báo cho Thượng. Thượng muốn chia quân cứu Đàm, nhưng sợ Đàm chiếm lấy quân của mình, bèn sai Thẩm Phối giữ thành Nghiệp, còn Thượng tự đem quân giúp Đàm, chống nhau với Thái Tổ ở Lê Dương. Từ tháng hai đến tháng chín, (năm Kiến An thứ tám) đánh lớn ở dưới thành, Đàm-Thượng thua chạy vào giữ thành. Thái Tổ lại vây thành, Đàm-Thượng bèn buổi đêm chạy trốn. Đuổi đến thành Nghiệp, thu gặt lúa mạch ở đấy, lại phá thành Âm An, rồi dẫn quân về đất Hứa. Kịp lúc Thái Tổ xuống phía nam đánh Kinh châu, dẫn quân đến quận Tây Bình; Đàm-Thượng bèn phát quân đánh nhau, Đàm thua trốn đến quận Bình Nguyên. Thượng gấp đánh Đàm, Đàm sai Tân Bì đến chỗ Thái Tổ xin cứu, Thái Tổ bèn về cứu Đàm; Tháng mười, (năm Kiến An thứ tám) Thái Tổ đến Lê Dương.


Ngụy thị xuân thu chép thư của Lưu Biểu gửi Đàm rằng: "Trời xanh giáng hại, họa nạn nhiều đầy. Tiên công mất đi khiến cho người khắp bốn cõi đau lòng. Kịp lúc con hiền nối dõi, mọi người trông mong, đều muốn tỏ rõ tài sức để thờ minh chủ; dẫu đến lúc mất vẫn còn mong như thế. Sao lại để ruồi xanh bay ở cán cờ, vi vu lượn qua hai trại, khiến cho đùi tay chia làm hai phần, lưng bụng cắt làm thân khác! Ngày xưa từ thời Tam vương-Ngũ bá đến thời Chiến quốc, cha con giết nhau, đã có thế ấy. Nhưng nếu muốn lập thành nghiệp vương, hoặc muốn định công bá, hoặc muốn làm rạng rỡ tổ tiên, hoặc muốn giữ gìn dòng dõi thì chưa có ai bỏ người thân mà chia cắt gốc rễ của mình, mà chỉ chăm chỉ lập công, truyền lộc cho đời sau vậy. Như Tề Tương Công trả thù mối thù của chín đời, Sĩ Cái lập nên công của Tuân Yển, cho nên kinh Xuân thu khen nghĩa của họ, bậc quân tử quý cái tín của họ. Bá Du đã oán với vua Tề không bằng tiên công oán Tháo vậy; Tuyên Tử nối nghiệp không bằng ngài nối nghiệp vậy. Vả lại quân tử tránh nạn thì không đến đất địch, há quên cái oán của thái công mà bỏ đi cái tình của người thân, làm gương cho vạn đời, để lại nỗi nhục của đông đồng minh sao! 


Em ngài ở Kí châu kiêu căng đã thế rồi; ngài nên nhẫn chí nhịn nhục để làm việc giúp nước; dẫu bị phu nhân ghét cũng không bằng Trịnh Trang Công bị Khương thị ghét. Anh em ngài hiềm khích cũng không bằng Trọng Hoa hiềm ganh với Tượng vậy. Thế mà Trịnh Trang Công vẫn có buổi bày nhạc ở hầm đất, Tượng được phong ở ấp Hữu Tị. Mong hãy vứt bỏ oán trước, nghĩ kĩ nghĩa cũ, lập lại tình anh em như xưa". 


Lại gửi thư cho Thượng rằng: "Ta biết loạn do ở Tân-Quách, gây họa cho anh em, nhớ việc cũ của Át Bá-Thực Thẩm quên cái nghĩa để tang chép trong bài Thường khang mà gây loạn can qua, thây phơi máu chảy, ta đọc đến đây mà nghẹn ngào, dẫu còn mà như mất vậy. Ngày xưa Hiên Viên đánh trận ở cánh đồng Trác Lộc; Chu Vũ Vương phát quân đánh ở ấp Thương-Yểm, đều là vì trừ diệt tai hại mà dựng nghiệp vương, không phải là tranh mạnh yếu, chẳng phải là tỏ lòng vui giận vậy. Cho nên dẫu diệt người thân mà vẫn không cho là lo, giết anh em mà không tổn nghĩa. Nay hai ngài mới nối nghiệp lớn, noi theo phép cũ, tiến thì có nỗi lo nghiêng đổ của nhà nước, lùi thì có mối thù oán giận của tiên công, phải nên làm việc giữ nghĩa, cứu giúp nhà nước. Vì sao? Kim-mộc-thổ-thủy-hỏa lấy cứng mềm giúp nhau, rồi mới được hòa hợp, cho dân lấy dùng. Nay anh ngài ở Thanh châu bản tính nóng nảy, lầm lẫn phải trái. Ngài khí độ rộng rãi, khoan dung có thừa, nên lấy lớn giúp bé, lấy tốt giúp kém, nên diệt trừ Tào Tháo trước để rửa mối hận của tiên công; sau khi việc này xong mới ban kế phải trái, cũng chẳng hay hơn sao! Nếu suy nghĩa sâu xa, nhún mình giữ lễ, nên xua quân ruổi dài cùng giúp nhà vua; nếu mê lầm không sửa, trái mà không đổi thì rợ Hồ còn có lời trách hỏi, huống chi là đồng minh? Lúc ấy ai còn gắng sức giúp ngài đánh dẹp đây? Đấy là Hàn Lô-Đông Quách (12) tự gây khốn mà bị người làm ruộng bắt được vậy. Nhảy nhót đứng trông, mong được nghe tin hòa mục. Nếu là lành thì họ Viên sẽ hưng vong với nhà Hán chăng? Nếu là xấu thì đồng minh mãi không còn đứng trông vậy". 


Đàm-Thượng không nghe. 


Hán Tấn xuân thu chép thư Thẩm Phối gửi Đàm rằng: "Theo nghĩa kinh Xuân thu, vua của một nước chết với xã tắc, trung thần chết vì mệnh vua. Nếu có mưu gây loạn tông miếu, phá vỡ nhà nước thì đã có kỉ cương phép vua, dẫu thân sơ đều xử như nhau vậy. Cho nên Chu Công rơi lệ mà xử ngục Quản-Sái, Quý Hữu nức nở mà chuốc độc cho chú mình. Vì sao? Nghĩa nặng người nhẹ, đấy là việc bất đắc dĩ vậy. Ngày xưa Vệ Linh Công bỏ Khoái Hội mà lập Khoái Triếp là vì Khoái Hội vô đạo, vào ấp Thích để soán ngôi, do đó Vệ Linh Công đánh hắn. Xuân thu truyện chép: 'Theo nghĩa của Thạch Mạn Cô cũng chống lại được Khoái Hội'. Cho nên Khoái Hội rút cuộc bị phạt tội phản nghịch mà Thạch Mạn Cô có tiếng là trung thần. Cha con còn thế, huống chi là anh em đây? Ngày xưa tiên công phế bỏ tướng quân là vì lấy người hiền thay anh, lập tướng quân ta làm người nối tự, trên cáo tổ tiên, dưới chép vào sách, tiên công gọi tướng quân là cháu, tướng quân cũng gọi tiên công là chú, người gần xa trong nước, ai chẳng biết việc này? Vả lại tiên công đã qua đời, tướng quân ta tạm để tang ở nhà cỏ, mà tướng quân cũng trai giới ở phòng mình, thân phận ra vào đều đã rõ ràng. 


Bấy giờ nghịch thần là Phùng Kỉ xằng bậy vẽ rắn thêm chân, nói lời siểm nịnh, gây loạn tình thân, do đó tướng quân tỏ nỗi giận đùng đùng, đánh không mấy chốc thì tướng quân cũng vâng mệnh theo ý, bày thêm hình phạt. Từ đó về sau, ung nhọt bị phá, cốt nhục không có chút gây hiềm, những bầy tôi từng nghi ngờ đều giữ được toàn mạng sống. Cho nên rợ Hồ mạnh bạo cũng kén tướng giỏi, sửa sang binh khí, lựa chọn quân sĩ, dốc hết tiền của trong kho tàng, vét sạch lương lực trong bờ cõi để cung cấp cho tướng quân mà không đòi hỏi gì cả. Vua tôi hòa thuận cùng dưới cờ trống, đánh như nhạn bay, thuế đến cho chủ, dẫu kho tàng nghiêng lật, tàn hại dân chúng nhưng trên dưới gắng chịu, không dám nói là khổ. Sao thế? Nghĩ đến tấm lòng son trung thành, dốc kế sách còn để trong bụng ngực, như răng môi, trục xe không mong được thưởng. Bảo là vì tướng quân mà cùng lòng hợp ý, cong thẳng một thể, tất sẽ trổ oai tỏ thế, chống giặc giữ nhà. Thế mà kẻ hung ác siểm nịnh, vu vạ không cùng, dụ dẫn lợi lộc, đến nỗi khiến cho tướng quân chốc lát đổi ý, quên lòng nhân hiếu thuận, nghe mưu của bọn sói lang, gièm lời phế lập của tiên công, trái ngôi vị lúc để tang mới đây, phản lẽ của phép tắc, không xét khí tiết thuận nghịch, mưu đổi chủ của Kí châu, muốn làm người nối nghiệp của tiên công. Rồi phát quân cướp bóc, phá thành giết quan, thây phơi đầy đồng, dân ngã đầy nội, có kẻ phải cắt tóc rạch da, chặt đứt tay chân, oán thán nỉ non ở cõi âm, đau đớn kêu gào ở bụi gai. Lại còn mưu đánh thành Nghiệp, hứa tặng tiền của đàn ba cho người Tần-Hồ, hẹn cùng chia đất. 


Có kẻ nghe nói tướng quân cáo lệnh quan quân rằng: 'Ta còn có mẹ già, chỉ muốn cho bà ấy được thân thể trọn vẹn mà thôi'. Nghe nói đến đây, chẳng ai không kinh ngạc thất sắc, đau lòng rơi lệ, khiến cho thái phu nhân cũng buồn rầu căm giận ở phòng buồng, chủ tớ quan quân trong châu ta nằm nghỉ cũng than thở, không có chỗ đặt tay chân; nghĩ rằng nếu muốn lặng im suy nghĩ để nghe mưu nắm việc thì sợ trái với khí tiết chết vì mệnh vua trong kinh Xuân thu, gây thêm nỗi lo không cùng của thái phu nhân, tổn cơ nghiệp nhiều đời của tiên công. Vả lại ba quân hăng hái, mọi người đều mang oán, tướng quân ta bất đắc dĩ mới đánh trận ở huyện Quán Đào. Bấy giờ ngoài là chống nạn, trong thực là chịu tội, đã không được tha mà lại đều tỏ hai ba ý, vào trận thì phản loạn. Tướng quân ta tiến lùi đều không có công, đầu đuôi gặp địch, bèn dẫn quân bỏ trốn, không dám từ biệt. 


Cũng vì tướng quân tỏ lòng nhân của người thân, ban cái ân dừng đuổi cho nên vướng vào vũng lầy, không có chỗ nương thân. Thú khốn thì tất đấu, dốc hết sức mình, mà quân sĩ của tướng quân tan lở thua vỡ, đấy không phải là do sức người, mà còn là ý trời vậy. Từ đó lại mong tướng quân đổi ý sửa tính, cúi mình giữ lễ, lập lại tình thân anh em như xưa; vậy mà vẫn tự ý oán giận, đánh phá nhà cửa, đứng lên nhảy nhót, liên kết giặc ngoài, thổi gió vào lửa, tăng thêm độc hại, khói lửa mù mịt, máu chảy nghìn dặm, nghiêng thành nguy dân, gây thêm oán hờn; dẫu muốn chẳng đánh, há được ngừng sao! Cho nên bèn dẫn quân sang miền đông, giữ gìn bờ cõi, dẫu đến gần lũy nhưng chưa lấn đất đai, chỉ đứng trông cờ tinh, than mãi không thôi! Bọn Phối là bây tôi của tiên công, vâng theo lệnh phế lập. Vậy mà bọn Đồ hại nước loạn nhà, phải phạt theo phép thường. Cho nên phát quân của châu nhỏ này để dẹp trừ cái bệnh của tướng quân. Nếu mà trời có ý giúp, sớm tỏ rõ hình phạt thì tướng quân ta cúi mình kêu gọi ở trên bàn tay của tướng quân, bọn Phối cũng cởi trần lộ thân mà chịu phạt lấy rìu chém. Nếu chẳng sửa lỗi, có ý hại nước, không treo đầu Đồ thì quân ta chẳng dừng. Mong tướng quân nghĩ kĩ việc nên làm để được theo về". Điển lược chép: Đàm nhận được thư mà thở dài, lên thành mà khóc. Nhưng đã bị Quách Đồ ép, cũng đem quân nhiều lần đánh đấu, rút cuộc đánh không nghỉ.


Thượng nghe tin Thái Tổ lên phía bắc, bèn bỏ quận Bình Nguyên mà về thành Nghiệp, tướng của Thượng là Lữ Khoáng-Lữ Tường phản theo Thái Tổ. Đàm lại ngầm khắn ấn tướng quân trao cho Khoáng-Tường. Thái Tổ biết Đàm dối, bèn gả hôn để làm hắn yên lòng, rồi dẫn quân về. Thượng sai Thẩm Phối-Tô Do giữ thành Nghiệp, lại đánh Đàm ở quận Bình Nguyên. Thái Tổ tiến quân đi đánh thành Nghiệp, đến sông Hoàn cách thành Nghiệp năm mươi dặm; Do muốn làm nội ứng, mưu lộ, đánh với Phối ở trong thành, thua chạy ra theo Thái Tổ. Thái Tổ bèn đến đánh thành, đào hầm đất, Phối cũng dựng lũy ở trong để chống lại. Tướng của Phối là Phùng Lễ mở toang cửa thành, cho hơn ba trăm quân của Thái Tổ vào, Phối biết được, từ trên thành lấy đá to ném phá cửa lũy trong thành; lúc cửa lũy đóng lại, những người đi vào đều bị giết chết. Thái Tổ lại vây thành, đắp lũy xung quanh dài bốn mươi dặm, đào rãnh nước, tỏ ý như vượt qua. Phối thấy mà cười việc ấy, không ra tranh lợi. Thái Tổ một đêm đào rãnh nước, sâu rộng hai trượng, dẫn nước sông Chương chảy vào thành; từ tháng năm đến tháng tám, người trong thành chết đói quá nửa. Thượng nghe tin thành Nghiệp nguy cấp, đem hơn vạn quân về cứu thành, men theo vùng núi phía tây mà đến, sang phía đông đến đình Dương Bình, cách thành Nghiệp bảy mươi dặm, đến gần sông Phũ, đốt lửa lên để cho người trong thành biết, người trong thành cũng đốt lửa để đáp lại. Phối đem quân ra phía bắc thành, muốn cùng Thượng phá vòng vây. Thái Tổ đón đánh Phối, Phối thua rút về, Thượng cũng thua chạy, dựa vào sông Khúc Chương để dựng trại, Thái Tổ bèn vây trại ấy; chưa gặp, Thượng sợ, sai Âm Quỳ-Trần Lâm ra xin hàng, Thái Tổ không nghe. Thượng chạy về cửa Lạm Khẩu; Thái Tổ lại gấp đến vây Thượng, tướng của Thượng là bọn Mã Diên vừa vào trận liền xin hàng, quân của Thượng tan vỡ, Thượng trốn đến quận Trung Sơn. Thái Tổ thu hết đồ xe nặng, lấy được ấn thao, tiết việt và đồ áo của Thượng đem cho người nhà của Thượng biết, do đó người trong thành vỡ lở. Con anh của Phối là Vinh giữ của đông thành, buổi đem mở cửa cho quân của Thái Tổ vào, đánh với Phối ở trong thành, bắt sống Phối. Phối nói lời tráng liệt, cuối cùng chẳng chịu phục, người xem chẳng ai không than thở, bèn chém Phối.


Tiên hiền hành trạng chép: Phối tự Chính Nam, người quận Ngụy. Thủa trẻ trung liệt khảng khái, có khí tiết không thể đổi. Viên Thiệu lĩnh Kí châu, tin dùng làm tim bụng, cho làm Trị trung biệt giá, coi quản phủ trướng. Trước đây, Đàm bỏ đi, đều gọi người nhà của Tân Bì-Quách Đồ đi theo nhưng riêng người nhà của Tần Bì không chịu đi. Kịp lúc con anh của Phối mở cửa thành đón quân ngoài vào, bấy giờ Phối ở trên lầu tại góc đông nam thành, nhìn thấy quân của Thái Tổ vào, giận Tân-Quách phá hỏng Kí châu, bèn sai người đi nhanh đến nhà ngục trong thành Nghiệp, bắt giết người nhà của Trọng Trị. Bấy giờ Tân Bì ở trong quân, nghe tin cửa thành mở, chạy nhanh đến nhà ngục, muốn cứu người nhà của anh mình, nhưng người nhà của anh đã chết. Hôm đó bắt sống Phối, đem đến dưới trướng, bọn Tân Bì chặn lại lấy roi ngựa đánh vào đầu Phối, mắng Phối rằng: "Thằng nô kia, hôm nay mi chết chắc rồi"! Phối ngoảnh lại nói: "Bọn chó! Cũng vì bọn mi phá Kí châu, ta hận không giết được bọn mi vậy! Vả lại bọn mi hôm nay giết được ta sao"! Chốc lát, Tào Công dẫn vào gặp, bảo Phối rằng: "Có biết ai mở của thành của khanh không"? Phối nói: "Không biết được". Nói: "Từ cháu khanh là Vinh vậy". Phối nói: "Thằng nhỏ kia không đáng được dùng nên mới thế"! Tào Công lại bảo rằng: "Khi trước ta đến vây thành, sao lại nỏ bắn nhiều thế"? Phối nói: "Chỉ hận còn ít"! Tào Công nói: "Khanh trung với cha con họ Viên, cũng là không được không như thế". Có ý muốn cho hắn sống. Phối đã không chịu phục, lại nữa bọn Tân Bì kêu khóc không thôi, bèn giết Phối. Trước đây, người Kí châu là Trương Tử Khiêm hàng trước, vốn không hòa với Phối, cười bảo Phối rằng: "Chính Nam, khanh sao bằng được ta"? Phối lớn tiếng nói: "Mi là tên giặc phản hàng, Thẩm Phối là tôi trung, dẫu chết nhưng há sống như mi sao"! Sắp chịu chết, quát bọn lính cầm giữ sai phải để đầu hướng về phía bắc, nói: "Chủ ta ở miền bắc". Sơn Âm Công tái kí của Nhạc Tư và Hiến Đế xuân thu của Viên Diệp đều chép: Quân của Thái Tổ vào thành. Thẩm Phối đánh ở trong cửa, đã thua, trốn ở trong giếng, bắt được Phối ở giếng. Thần là Tùng Chi cho rằng: Phối là tráng sĩ một thời, là tôi chịu chết của họ Viên, há vào ngày vận cùng mà trốn mình ở trong giếng? Việc này khó tin, nhưng kể ra cũng dễ như thế. Không biết bọn Tư-Diệp là người thế nào, chưa phân biệt được đúng sai mà lại khinh thường viết bút mực, xằng bậy bày ra điều quái lạ để chép vào sách mình. Cách chép như thế, đấy là nói gièm mà không chịu nghe nhìn, khiến cho người đời sau nghi ngờ. Đấy là việc có lỗi với sách vở, là điều mà kẻ soạn sách không nên làm vậy.


Cao Cán đem cả dân Kí châu hàng, lại lấy Cán làm Thứ sử.


Vào lúc Thái Tổ vây thành Nghiệp thì Đàm cướp lấy các nơi Cam Lăng-An Bình-Bột Hải-Hà Gian, đánh Thượng ở Trung Sơn. Thượng chạy đến huyện Cố An theo Hi; Đàm thu hết quân của Thượng. Thái Tổ đến đánh Đàm, Đàm bèn đánh lấy quận Bình Nguyên, chiếm huyện Nam Bì, tự đóng trại ở huyện Long Thấu. Tháng mười hai, (năm Kiến An thứ chín) Thái Tổ đem quân đến cửa trại của Đàm, Đàm không ra, buổi đêm lẻn trốn đến Nam Bì, rồi đến quận Thanh Hà mà đóng trại. Tháng giêng năm (Kiến An) thứ mười, (năm 205 Công nguyên) Thái Tổ đánh lấy trại, chém bọn Đàm và Đồ. Hi-Thượng bị tướng của mình là Tiêu Xúc-Trương Nam đánh, trốn đến chỗ người Ô Hoàn ở quận Liêu Tây. Xúc tự hiệu làm U châu Thứ sử, thống lĩnh các quan Lệnh trưởng-Thái thú của các quận phản họ Viên theo họ Tào, bày mấy vạn quân, giết ngựa trắng để thề, lệnh rằng: "Kẻ trái lệnh thì chém"! Mọi người chẳng ai dám nói, đều lấy máu uống thề. Đến chỗ Biệt giá Hàn Hành, Hành nói: "Ta nhận ân dày của cha con họ Viên, nay sắp phá diệt, nếu có trí mà chẳng cứu được, có dũng mà không chết cùng, thì về nghĩa là sai vậy. Nếu ngoảnh mặt về phía bắc theo họ Tào thì ta chẳng làm được". Mọi người ngồi đều vì Hành mà thất sắc. Xúc nói: "Đã làm việc lớn thì nên giữ nghĩa lớn, việc thành hay không chẳng phải do ở một người, nên theo ý của Hành để khuyến khích việc thờ chủ". Cao Cán phản, bắt Thượng Đảng Thái thú, đem binh giữ cửa Hồ Khẩu; Thái Tổ sai Nhạc Tiến-Lí Điển đánh hắn, không thắng. Tháng mười một, Thái Tổ đánh Cán, Cán bèn giữ tướng của mình là Hạ Chiêu-Đặng Thăng giữ thành, rồi tự đến chỗ Thiền vu của của người Hung Nô xin cứu, không được, một mình cùng mấy quân kị chạy trốn, muốn xuống phía nam đến Kinh châu; Thượng Lạc Đô úy bắt chém Cán.


Điển lược chép: Thượng Lạc Đô úy Vương Diễm bắt được Cao Cán, xét công phong Hầu; vợ của Diễm khóc ở trong phòng, cho là Diễm giàu có rồi sẽ lấy thê thiếp mà bỏ sủng ái mình vậy.


Năm (Kiến An) thứ mười hai, (năm 207 Công nguyên) Thái Tổ đến quận Liêu Tây đánh người Ô Hoàn. Thượng-Hi cùng người Ô Hoàn đem quân đón đánh, thua chạy đến quận Liêu Đông, bị Công Tôn Khang dụ bắt chém, đem đầu đến.


Điển lược chép: Thượng là người có sức khỏe, muốn đoạt lấy quân của Khang, mưu với Hi rằng: "Nay đến đây, Khang tất gặp nhau. Ta muốn cùng anh bắt lấy hắn. Có được quận Liêu Đông vẫn tự mở rộng được vậy". Khang cũng tự mưu nói: "Nay không bắt Hi-Thượng thì không biết nói gì với nhà nước". Bèn đặt quân tinh nhuệ ở trong chuồng ngựa, rồi mời Hi-Thượng. Hi-Thượng vào, quân phục của Khang xổ ra, đều bắt trói bọn Thượng, cho ngồi đất băng. Thượng lạnh, xin ngồi chiếu, Hi nói: "Đầu sọ sắp rời đến chỗ vạn dặm rồi, xin chiếu chi nữa"! Bèn chém đầu. Đàm tự Hiển Tư. Hi tự Hiển Dịch. Thượng tự Hiển Phủ. Ngô thư chép: Thượng có em trai tên là Mãi, cùng với Thượng chạy đến Liêu Đông. Tào Man truyện chép: Mãi là em của anh Thượng. Chưa rõ.


Thái Tổ khen khí tiết của Hàn Hành, nhiều lần mời mà không đến, chết ở nhà.


Tiên hiền hành trạng chép: Hành tự Tử Bội, người quận Đại. Trong sạch lại nhã nhặn. Thủa trẻ mất cha mẹ, kính thuận anh chị, họ hàng khen là hiếu đễ.


Chú thích

 (7) Mạc phủ: chỉ phủ trướng của Viên Thiệu. Lúc đầu Thiệu tự hiệu làm Xa kị tướng quân, chủ minh, lập ra phủ trướng để thống lĩnh quân hào kiệt của miền Sơn Đông đi đánh Đổng Trác.

(8) Bỏ xấu chọn dùng: ý nói thời loạn cần dùng người, dẫu người xấu thì cũng gạt bỏ tiếng xấu cũ của người đó mà chọn dùng.

(9) Phát khâu trung lang tướng, Mô kim hiệu úy: là những chức quan do Tào Tháo đặt ra, coi việc đào mộ cổ để lấy vàng bạc châu báu ở trong mộ.

(10) Chính sự phiền hà: chỉ chính sự rườm rà, khắc bạo.

(11) Trung Hoàng-Dục-Hoạch: Trung Hoàng là Trung Hoàng Bá, Dục là Hạ Dục, Hoạch là Ô Hoạch, đều là những dũng sĩ thời cổ, có sức khỏe hơn người.

(12) Hàn Lô-Đông Quách: Hàn Lô tức Hàn Tử Lô, là một con chó nổi tiếng khỏe mạnh; Đông Quách là Đông Quách Thuân, là con thỏ nổi tiếng khôn ngoan. Theo Chiến quốc sách kể câu chuyện rằng: Hàn Lô đuổi Đông Quách ba vòng quanh, năm lần trèo lên núi, hai con ra sức chạy, cuối cùng đều mệt mỏi mà chết ở dưới núi. Lúc đó có người làm ruộng thấy mà bắt được mà không khó nhọc gì. Ý nói hai bên đều mệt thì bên thứ ba được lợi vậy.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét