Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TRUYỆN VIÊN THIỆU (Phần I)

 

10. TRUYỆN VIÊN THIỆU (Phần I)



Viên Thiệu tự Bản Sơ, người huyện Nhữ Dương quận Nhữ Nam. Ông tổ là An, làm quan Tư đồ của nhà Hán. Từ đời An đến bốn đời sau đều nắm vị Tam công, do đó thế nghiêng thiên hạ.


Hán thư của Hoa Kiệu chép: An tự Thiệu Công, ham học lại có oai danh. Vào thời Minh Đế làm Sở quận Thái thú, trị tội của Sở Vương, tự xét xử hơn bốn trăm nhà, đều được cứu giúp, An bèn trở thành danh thần. Vào thời Chương Đế làm đến quan Tư đồ, sinh Thục quận Thái thú là Kinh. Em của Kinh là Xưởng làm Tư không. Con của Kinh là Thang, làm Thái úy. Thang có bốn con trai: con cả là Bình, em của Bình là Thành, làm Tả trung lang tướng, đều chết sớm; em của Thành là Phùng, em của Phùng là Ngôi, đều giữ vị Tam công. Ngụy thư chép: Từ đời An về sau đều rộng lượng thương yêu mọi người, không có kén chọn; tân khách vào nhà mình, không kể hiền ngu đều được như ý mình, cho nên được thiên hạ theo về. Thiệu là con thứ của Phùng, và là anh khác mẹ của Thuật, ra làm con nối dõi của Thành. Anh hùng kí chép: Thành tự Văn Khai, khỏe mạnh có khí hiệp, bọn quý thích cường hào từ Đại tướng quân Lương Kí trở xuống đều kết bạn với Thành, nói ra thì không gì không theo. Cho nên người kinh sư làm câu ngạn là: "Việc chẳng tày, hỏi Văn Khai".


Thiệu có dáng vẻ oai phong, biết nhún nhường kẻ sĩ, cho nên nhiều kẻ sĩ nương về, Thái Tổ thủa trẻ cũng giao du với Thiệu. Từ chức Đại tướng quân duyện làm Thị ngự sử,


Anh hùng kí chép: Thiệu sinh thì vừa lúc cha chết, hai người chú thương Thiệu. Thủa trẻ cho làm Lang, đến tuổi 'nhược quán' thì cử làm Bộc Dương Trưởng, có tiếng tốt. Gặp lúc mẹ mất, để tang xong, lại nghĩ để tang cha, ở tại nhà mồ cả thảy sáu năm. Lễ tang xong, ẩn cư ở Lạc Dương, không tùy tiện qua lại với tân khách, nếu không phải là kẻ nổi danh cả nước thì không gặp nhau. Lại ưa du hiệp, làm bạn rong ruổi với bọn Trương Mạnh Trác, Hà Bá Cầu, Ngô Tử Khanh, Hứa Tử Viễn, Ngũ Đức Du. Không vâng lệnh quan gọi. Trung thường thị Triệu Trung bảo các Hoàng môn rằng: "Viên Bản Sơ ngồi nơi hay đẹp, vậy mà không vâng lệnh gọi lại nuôi dưỡng kẻ đáng tội chết, không biết thằng này muốn làm điều gì đây"? Chú ruột của Thiệu là Ngôi nghe tin, trách mắng Thiệu nói: "Mi sẽ phá nhà ta thôi"! Do đó Thiệu bèn đến vâng lệnh của Đại tướng quân.


Thần là Tùng Chi xét: Ngụy thư chép: "Thiệu là con thứ của Phùng, ra làm dòng dõi cho bác ruột là Thành". Như lời mà sách này chép thì như đúng là con mà Thành sinh. Người ta để tang người sinh ra mình, Lễ kí thì không có chép, huống chi là con nuôi mà lại làm lễ như thế! Hai sách chép không rõ ai đúng.


dần dần chuyển làm Trung quân hiệu úy, làm đến Tư lệ hiệu úy.


Linh Đế băng, anh của Thái hậu là Đại tướng quân Hà Tiến cùng Thiệu mưu đánh bọn hoạn quan, Tục Hán thư chép: Thiệu sai khách là Trương Tân khuyên Tiến rằng: "Bọn quan Hoàng môn-Thường thị nắm quyền lâu ngày, lại nữa Vĩnh Lạc Thái hậu cùng bọn Thường thị chuyên qua lại mưu lợi, tướng quân nên chỉnh đốn thiên hạ, trừ hại giúp đất nước". Tiến cho là phải, bèn kết mưu với Thiệu.


Thái hậu không theo. Tiến bèn gọi Đổng Trác, muốn để ép Thái hậu. Bọn quan Thường thị-Hoàng môn nghe tin, đều đến chỗ Tiến tạ tội, xin vâng theo sắp đặt. Bấy giờ Thiệu khuyên Tiến nên nhân đó mà quyết làm đi, nhưng đến ba lần mà Tiến không nghe, sai Thiệu lệnh những quan võ có mưu lược coi xét bọn hoạn quan. Lại sai em của Thiệu là Hổ bôn trung lang tướng Thuật chọn hai trăm quân hổ bôn ôn hòa vào trong cung, thay các quan Hoàng môn cầm quân giữ nhà cửa. Bọn Trung thường thị Đoàn Khuê giả truyền lệnh của Thái hậu, gọi Tiến vào bàn nghị, rồi giết Tiến, trong cung bèn loạn.


Cửu châu xuân thu chép: Lúc trước Thiệu khuyên Tiến rằng: "Hoàng môn-Thường thị nhiều đời lớn mạnh, oai trùm cả nước, khi trước Đậu Vũ muốn giết chúng mà trái lại bị chúng hại, chỉ là vì nhân lời nói bị tiết lộ mà đem quân của năm doanh gây biến vậy. Quân của năm doanh sinh trưởng ở kinh sư, sợ phục người trong cung, vậy mà họ Đậu trái lại dùng sức mạnh của họ, rút cuộc họ phản chạy theo bọn Hoàng môn, cho nên tự chuốc lấy thua diệt. Nay tướng quân dựa vào sự tôn quý của cậu vua, hai phủ đều nắm quân khỏe, quan tướng bộ khúc của mình đều là kẻ sĩ anh hùng, vui lòng dốc hết sức, việc ở trong lòng bàn tay, cũng là trời cho gặp thời vậy. Nay vì thiên hạ mà trừ diệt tham ô, công lao hiển hách, lưu danh đời sau, dẫu Thân Bá của nhà Chu há đủ để sánh được? Nay nhà vua ở điện trước, tướng quân nên mượn chiếu thư mà lĩnh quân giữ gìn, nhưng chớ vào cung". Tiến nghe lời ấy, sau lại nghi ngờ; Thiệu sợ Tiến đổi ý, ép tiếp nói: "Nay giao kết đã xong, hình thế đã lộ, tướng quân sao lại không sớm quyết đi? Việc dừng thì sinh biến, họa sẽ đến sau đấy"! Tiến không theo, rút cuộc thua bại.


Thuật đem quân hổ bôn đốt cửa Thanh Tỏa ở điện Gia Đức thuộc nam cung, muốn để ép bọn Khuê chạy ra; bọn Khuê không ra, bắt đế và em của đế là Trần Lưu Vương chạy đến bến Tiểu Bình. Thiệu bèn chém viên Tư lệ hiệu úy là Hứa Tương mà bọn hoạn quan sắp đặt, rồi xua quân bắt bọn hoạn quan, không kể lớn bé đều giết cả. Có kẻ không có râu mà bắt lầm sắp giết, đến lúc tự cởi lộ thân thể mới được tha. Hoạn quan có kẻ tự giữ làm việc thiện mà vẫn bị họa. Thiệu bừa bãi như thế, đến hơn hai nghìn người bị giết. Gấp đuổi bọn Khuê, bọn Khuê đều nhảy xuống sông mà chết. Đế được về cung.


Đổng Trác gọi Thiệu, bàn muốn phế đế, lập Trần Lưu Vương. Bấy giờ chú ruột của Thiệu là Ngôi làm Thái phó, Thiệu bèn giả hứa theo, nói: "Việc lớn này nên ra bàn với Thái phó". Trác nói: "Tông thất họ Lưu không đáng để lập lại". Thiệu không đáp, cầm đao vái chào rồi đi.


Hiến Đế xuân thu chép: Trác muốn phế đế, bảo Thiệu rằng: "Hoàng đế tối tăm, không phải là vua của nước có vạn cỗ xe. Trần Lưu Vương vẫn hơn, nay ta muốn lập hắn. Người ta đã ít khôn thì lớn lên vẫn ngu, cũng biết được ra sao, chỉ biết tạm như thế; khanh không thấy Linh Đế sao? Nghĩ đến thế cũng khiến cho người ta tiếc giận"! Thiệu nói: "Nhà Hán trị thiên hạ hơn bốn trăm năm, ân trạch thấm nhuần, triệu dân theo phục đã lâu. Nay đế dẫu nhỏ dại nhưng chưa có điều không tốt truyền ra thiên hạ. Ngài muốn phế trưởng lập thứ, sợ rằng mọi người không theo lời ngài vậy". Trác bảo Thiệu nói: "Trẻ con! Việc của thiên hạ há chẳng do ta quyết? Nay ta làm việc, ai dám không theo? Ngươi bảo sức của Đổng Trác ta không mạnh sao"! Thiệu nói: "Kẻ mạnh trong thiên hạ, há chỉ có Đổng Công"? Rồi dẫn đao ngang chào mà đi ra. Thần là Tùng Chi cho rằng: Bấy giờ Thiệu chưa gây hiềm khích với Trác nên mới bàn mưu với Trác. Nếu chỉ vì bàn nghị không cùng ý mà bị mắng là 'trẻ con', lại cầm đao vái chào đi ra? Lại nữa lúc Thiệu đáp lại, rất là ngang bướng, vậy mà Trác há nhẫn nhịn mà không gây hại sao? Vả lại như lời ấy của Thiệu, tiến đã chẳng chính đáng, lùi lại trái với đạo khiêm tốn, lại tỏ rõ ý hào sảng để chạm vào răng nhọn của hổ rống, nếu có chí lập công nghiệp thì lí nào như thế? Như lời chép này, rất là xằng bậy vậy.


Thiệu đã ra, rồi trốn đến Kí châu. Bọn Thị trung Chu Bí, Thành môn hiệu úy Ngũ Quỳnh, Nghị lang Hà Ngung đều là kẻ sĩ nổi danh, Trác tin họ nhưng họ ngầm giúp Thiệu, bèn khuyên Trác rằng: "Phế lập là việc lớn, không phải là việc người thường bàn đến. Thiệu không biết việc lớn, sợ hãi mà chạy ra, đấy là chẳng có chí khác vậy. Nay nếu vội bắt hắn thì hắn tất gây biến. Họ Viên tạo ân bốn đời, quan lại tân khách quen biết có khắp ở thiên hạ, nếu họ thu hào kệt để tụ dân chúng thì anh hùng nhân đó mà nổi lên, lúc ấy ngài chẳng có miền Sơn Đông nữa. Không bằng tha cho hắn, bái làm một viên Quận thú, vậy thì Thiệu mừng vì được tha tội, tất chẳng lo nữa". Trác cho là phải, bèn bái Thiệu làm Bột Hải Thái thú, phong làm Kháng hương hầu.


Thiệu liền dấy binh ở quận Bột Hải, sắp đến đánh Trác. Chép tại Vũ Đế kỉ. Thiệu tự hiệu làm Xa kị tướng quân, chủ minh(1), cùng Kí châu mục là Hàn Phức lập U châu mục là Lưu Ngu làm đế, sai sứ giả đem thư đến chỗ Ngu, Ngu không dám nhận. Sau đó Phức đem quân đến huyện An Bình, bị Công Tôn Toản đánh bại. Toản bèn dẫn quân vào Kí châu, mượn danh là đánh Trác, nhưng trong là muốn đánh úp Phức, do đó Phức mang lòng không tự yên.


Anh hùng kí chép: Phùng Kỉ khuyên Thiệu rằng: "Tướng quân làm việc lớn mà phải trông người ta cấp lương, nếu không chiếm một châu thì không tự giữ được". Thiệu đáp nói: "Kí châu quân mạnh, quân ta lại đói thiếu, nếu chẳng đánh được thì chẳng còn chỗ đứng". Kỉ nói: "Nên qua lại với Công Tôn Toản, sai hắn xuống phía nam đánh lấy Kí châu. Công Tôn Toản đến thì Phức tất sợ, nhân đó nói lợi hại, bày kể họa phúc, Phức tất trao nhường. Ở vào lúc ấy, tất chiếm được chức". Thiệu theo lời ấy, vừa lúc Toản đến.


Gặp lúc Trác sang phía tây vào cửa quan, (2) Thiệu đem quân về Diên Tân, nhân lúc Phức kinh hoảng, bèn sai người quận Trần Lưu là Cao Cán, người quận Dĩnh Xuyên là Tuân Kham đến khuyên Phức rằng: "Công Tôn Toản thừa thắng xuống phía nam mà các quận ứng theo hắn; Viên Xa kị dẫn quân về hướng đông, không biết được ý ngài ra sao? Trộm nghĩ đấy là mối nguy của tướng quân". Phức nói: "Phải làm thế nào"? Kham nói: "Công Tôn Toản dẫn quân Yên-Đại, khí mạnh của hắn khó mà chống nổi. Họ Viên là hào kiệt một thời, tất chẳng chịu đứng dưới tướng quân. Kí châu là nơi của cải đầy nhiều của thiên hạ, nếu hai kẻ kia hợp sức đem quân đánh đến ở dưới thành, lúc ấy chỉ đứng đợi nguy vong vậy. Họ Viên là người quen của tướng quân, lại là đồng minh. Nay bọn ta muốn bày kế giúp tướng quân, chẳng bằng đem Kí châu nhường cho họ Viên. Họ Viên được Kí châu thì Toản không tranh được với họ Viên nữa, họ Viên tất khen đức của tướng quân. Kí châu vào tay người thân quen, lúc ấy tướng quân có tiếng là nhường người hiền, thân mình cũng yên vững như núi Thái Sơn vậy. Mong tướng quân chớ nghi"! Phức vốn khiếp sợ, bèn theo kế ấy. Trưởng sử Cảnh Vũ, Biệt giá Mẫn Thuần, Trị trung Lí Lịch can Phức rằng: "Kí châu dẫu là nơi biên giới, nhưng có trăm vạn quân mặc giáp, thóc đủ cấp mười năm. Viên Thiệu quân cùng thế lẻ, trông vào ta cung cấp, như trẻ con ở trên lòng bàn tay, nếu ngăn dứt mớm bú mà đứng lên giết đi cũng được, sao lại muốn đem cả châu này trao cho hắn"? Phức nói: "Ta là quan thuộc cũ của họ Viên, vả lại tài không bằng Bản Sơ, lượng đức mình mà nhường người, đấy là điều mà người xưa quý trọng, các ông sao còn ngăn trở"! Tòng sự Triệu Phù-Trình Hoán xin đem quân chống Thiệu, Phức lại không nghe. Rồi nhường cho Thiệu, Cửu châu xuân thu chép: Phức sai Bộ đốc tòng sự Triệu Phù-Trình Hoán đem vạn cây nỏ cứng đi đóng đồn ở bờ bắc sông Hoàng Hà; bọn Phù nghe tin Phức muốn đem Kí châu cho Thiệu, bèn từ bến Mạnh Tân đi nhanh xuống phía đông. Bấy giờ Thiệu còn ở cửa sông Thanh thuộc huyện Triều Ca, bọn Phù từ phía sau đến, đem mấy trăm chiếc thuyền, hơn vạn quân, buổi đêm diễu binh gõ trống đi qua trại của Thiệu, Thiệu rất ghét họ. Bọn Phù đến, bảo Phức rằng: "Viên Bản Sơ quân chẳng còn một đấu lương, đều đã tan rã, dẫu có Trương Dương-Ư Phù La mới theo nhưng chưa chịu giúp sức, không đáng đối địch vậy. Bọn Tòng sự ta xin tự đem quân chống hắn, trong vòng một tuần tất phá vỡ được hắn; tướng quân chỉ cần vào phòng nằm cao gối thôi, sao phải lo sợ"! Phức không theo, bèn nhường chức, ra ở tại nhà cũ của Triệu Trung, sai con đem ấn thao Kí châu mục đến Lê Dương cho Thiệu.



Viên Thiệu chủ trương dùng bạo lực
để đập tan lực lượng chính trị-quân sự của địch


Thiệu bèn lĩnh chức Kí châu mục.


Tòng sự Thư Viện Thư, đọc là 'tư'. khuyên Thiệu rằng: "Tướng quân vào tuổi nhược quán vào chầu, đến nay nêu danh khắp cả nước; kịp đến buổi phế lập thì tỏ rõ trung nghĩa; một ngựa chạy ra thì Đổng Trác lo sợ; vượt sông Hoàng Hà lên phía bắc thì quận Bột Hải cúi đầu; dấy quân của một quận mà nắm được binh của Kí châu, oai lừng miền bắc sông Hoàng Hà, danh lừng ở thiên hạ. Dẫu giặc Khăn vàng gây loạn, giặc Hắc Sơn bạo ngược nhưng nếu xua quân về phía đông thì Thanh châu tất định; lại về đánh giặc Hắc Sơn thì Trương Yến cũng diệt được; rồi dẫn quân lên phía bắc, Công Tôn Toản chắc thua; uy hiếp rợ Nhung-Địch thì người Hung Nô tất theo. Lúc ấy bao trùm miền bắc sông Hoàng Hà, hợp lấy đất của bốn châu, thu nạp bọn anh hùng, phát trăm vạn quân sĩ mà đón nhà vua ở tây kinh, dựng lại tông miếu ở Lạc Dương, hiệu lệnh thiên hạ để đánh kẻ chưa phục; lấy đó mà tranh giành, ai còn chống nổi? Như thế đến mấy năm, lập công không khó". Thiệu mừng nói: "Đấy là ý ta vậy". Liền cử Viện làm Giám quân, Phấn uy tướng quân.


Hiến Đế kỉ chép: Thư Viện là người quận Quảng Bình. Thủa trẻ có chí lớn, nhiều mưu lược; làm Biệt giá trong châu, cử mậu tài, làm quan Lệnh qua ba huyện, lại làm Biệt giá của Hàn Phức, cử bái làm Kị đô úy. Viên Thiệu lấy được Kí châu, lại gọi đến. Anh hùng kí chép: Bấy giờ là vào năm Sơ Bình, mà Thiệu tự Bản Sơ, tự cho là năm hợp với tên tự của mình, tất dẹp trừ được họa loạn vậy.


Trác sai Chấp kim ngô Hồ Mẫu Ban, Tướng tác đại tượng Ngô Tu đem chiếu thư dụ Thiệu, Thiệu sai Hà Nội Thái thú Vương Khuông giết họ.


Hán mạt danh sĩ lục chép: Ban tự Quý Bì, người quận Thái Sơn. Thủa trẻ cùng với tám kẻ là người huyện Sơn Âm là Độ Thượng, người huyện Đông Bình là Trương Mạc đều khinh tiền trọng nghĩa, cứu giúp kẻ sĩ, người đời gọi là 'bát trù'. Hậu Hán thư của Tạ Thừa chép: Ban là em rể của Vương Khuông. Đổng Trác sai Ban đem chiếu thư đến quận Hà Nội khuyên cởi bỏ nghĩa quân. Khuông vâng lệnh của Viên Thiệu, bắt Ban vào ngục, muốn giết Ban để răn chúng. Ban gửi thư cho Khuông nói: "Từ xưa đến nay, chưa có chư hầu nước nhỏ đem quân hướng đến kinh sư. Lưu Hướng truyện chép: 'Đánh chuột còn sợ hỏng đồ'. Huống chi Trác ở trong cung cấm, lấy thiên tử làm tấm che; vua nhỏ ở trong cung mà nên đánh sao? Ta với Thái phó Mã Công, Thái bộc Triệu Kì, Thiếu phủ Âm Tu đều nhận chiếu lệnh. Các quận miền Quan Đông dẫu thực là ghét Trác nhưng vẫn phải vâng phép vua, không nên làm nhục. Vậy mà túc hạ lại bắt ta vào ngục, muốn để tế cờ, đấy là việc làm của kẻ rất hung bạo vô đạo vậy. Ta với Đổng Trác nào có thân thích chi để cùng gây xấu mà túc hạ mở lời hổ sói, tuôn xả nọc rắn, ghét Trác mà giận sang ta, sao lại tàn khốc như thế! Chết là điều mà người khó tránh, chỉ nhục vì bị thằng cuồng gây hại. Nếu người chết có linh, sẽ tố cáo túc hạ với trời xanh vậy. Ôi, hôn nhân là then chốt của họa phúc, hôm nay đã rõ là thế. Trước kia một lòng, hôm nay gây thù. Kẻ sắp chết này có hai người con, là cháu rể của ông, sau khi thân ta chết đi, chớ cho chúng đến bên xác cốt của ta". Khuông nhận được thư, ôm hai con của Ban mà khóc. Ban bèn chết ở trong ngục. Ban từng gặp Thái Sơn Thái thú và hà bá, (3) việc này chép tại sách Sưu thần kí, lời văn nhiều nên không chép ở đây.


Trác nghe tin Thiệu có được miền Quan Đông, bèn giết hết họ hàng của Thiệu là bọn Thái phó Viên Ngôi; lúc bấy giờ, nhiều kẻ hào hiệp theo Thiệu, đều muốn vì Thiệu mà báo thù ấy; châu quận nội dậy, chẳng ai không mượn danh của Thiệu; Phức lo sợ, từ chỗ Thiệu bỏ đi, đến nương dựa Trương Mạc.


Anh hùng kí chép: Thiệu lấy người quận Hà Nội là Chu Hán làm Đô quan tòng sự. Lúc trước Hán bị Phức không giữ lễ, cho nên mang lòng oán hận, bèn có muốn mời đón Thiệu, tự phát binh trong thành quách giữ nhà Phức, xách đao lên phòng, Phức chạy lên lầu, bắt được con lớn của Phức, đánh gãy hai chân; Thiệu cũng bèn bắt Hán, giết đi. Phức vẫn lo sợ, cho nên từ chỗ Thiệu mà bỏ đi.


Sau đó Thiệu sai sứ đến chỗ Mạc, có việc bàn nghị, nói bên tai với Mạc; Phức đang ngồi ở trên, cho là bị họ mưu hại, không lâu sau đó đi đến nhà xí mà tự sát.


Anh hùng kí chép: Công Tôn Toản đánh giặc Khăn vàng ở Thanh châu, đại phá chúng, về đóng quân ở huyện Quảng Tông, thay đổi quan Thú-lệnh, bọn quan lại ở Kí Châu không ai không trông mong ứng theo, mở cửa đón nghênh. Thiệu tự đến đánh Toản, gặp đánh ở phía nam Giới Kiều hai mươi dặm. Quân bộ của Toản có hơn ba vạn người bày trận hình vuông, quân kị ở hai bên, tả hữu đều có hơn năm nghìn quân kị; quân 'bạch mã nghĩa tòng' (4) làm trung quân, cũng chia làm hai cánh, tả sang hữu, hữu sang tả, cờ xí mũ giáp sáng rợp trời đất. Thiệu sai Khúc Nghĩa đem tám trăm quân làm tiền phong, lấy nghìn cây nỏ cứng lướt theo, Thiệu tự dẫn mấy vạn quân bộ bày trận ở sau. Nghĩa lâu ngày ở Lương châu, hiểu quen cách đánh trận của người Khương, quân sĩ đều kiêu dũng. Toản thấy quân địch ít, liền xua quân kị muốn vào dày xéo; quân của Nghĩa đều nép dưới khiên không động, chưa đến mấy chục bước thì cùng lúc đều đứng dậy, tung bụi hô lớn, đi lên xông xáo, lúc ấy nỏ lớn cũng bắn, trúng liền tất ngã, vào trận chém hơn nghìn thủ cấp là quân của viên Kí châu Thứ sử Nghiêm Cương mà Toản sắp đặt; quân của Toản tan vỡ, bộ kị bỏ chạy, không còn về trại được. Nghĩa đuổi đến Giới Kiều, hậu quân của Toản quay lại đánh ở trên cầu, Nghĩa lại phá chúng, rồi đến trại của Toản, nhổ phá cửa trại, quân còn lại trong trại đều tan chạy. Thiệu ở phía sau, chưa đến cầu mấy chục dặm, xuống ngựa cởi yên, thấy Toản đã vỡ, không thèm phòng bị, chỉ đặt mấy chục cây nỏ cứng ở dưới trướng, hơn trăm quân cầm kích lớn đi theo. Chợt có hơn hai nghìn quân kị của Toản chạy đến, liền vây Thiệu mấy vòng, tên bắn như mưa; Biệt giá tòng sự Điền Phong đỡ Thiệu muốn lui vào tường trống, Thiệu cởi mũ trụ ném xuống đất nói: "Đại trượng phu nên đánh đến chết, vậy mà vào giữa tường vách, há cũng sống được"? Nỏ cứng lại bắn loạn, giết thương rất nhiều. Quân kị của Toản không biết đấy là Thiệu, cũng từ từ rút lui; kịp lúc Khúc Nghĩa đến đón, bèn tan chạy. Toản hễ đánh với địch thường cưỡi ngựa trắng, đã đuổi theo là khó thoát, nhiều lần bắt được giặc mạnh, giặc tự bảo nhau rằng: "Nên tránh quân cưỡi ngựa trắng". Vì quân địch kiêng dè, bèn chọn mấy nghìn con ngựa trắng, lựa quân cưỡi ngựa bắn tên, gọi là quân 'bạch mã nghĩa tòng'. Có người nói rằng những người rợ Hồ khỏe mạnh thường cưỡi ngựa trắng, Toản có mấy nghìn quân kị khỏe, phần nhiều cưỡi ngựa trắng, cho nên gọi thế. Thiệu đã phá Toản, dẫn quân xuống phía nam đến bến Bạc Lạc; đang cùng hội họp với các tướng tân khách, nghe tin quân ở quận Ngụy làm phản, cùng với giặc Hắc Sơn là bọn Vu Độc đánh thành Nghiệp, giết chết Thái thú Lật Thành, Giặc có hơn mười đội, có đến mấy vạn quân, tụ hội ở trong thành Nghiệp. Những tân khách đang ngồi có người nhà ở thành Nghiệp đều sợ hãi thất sắc, có kẻ đứng dậy kêu khóc, Thiệu vẻ mặt không đổi, vẫn tự yên. Có tên giặc là Đào Thăng vốn là viên quan nhỏ ở huyện Nội Hoàng, có ý tốt, đem riêng quân bản bộ qua thành phía tây đi vào, đóng giữ cửa châu, không cho quân giặc khác đi vào, lấy xe chở người nhà của Thiệu và các đồ mũ áo ở trong châu, tự mình hộ vệ, đưa đến huyện Xích Khâu mới về. Thiệu đến, bèn đóng quân ở Xích Khâu, lấy Đào Thăng làm Kiến nghĩa trung lang tướng. Lại dẫn quân vào hang Thương Nham ở núi Lộc Tràng thuộc huyện Triều Ca để đánh Vu Độc, vây đánh năm ngày, phá hắn, chém Độc và viên Kí châu mục mà triều đình ở Tràng An sắp đặt là Hồ Thọ. Rồi men theo núi đi lên phía bắc, đánh phá bọn giặc Tả phát trượng bát, đều chém chúng. Lại đánh bọn giặc Lưu Thạch-Thanh ngưu giác-Hoàng long-Tả hiệu- Quách Đại Hiền-Lí Đại Mục-Vu Để Căn, đều giết cả đồn lũy, kẻ chạy trốn mới thoát, chém mấy vạn thủ cấp. Thiệu lại về đóng quân ở thành Nghiệp. Năm Sơ Bình thứ tư, thiên tử sai Thái phó Mã Nhật Đê, Thái bộc Triệu Kì hòa giải miền Quan Đông. Kì đi riêng đến miền bắc sông Hoàng Hà, Thiệu ra đón ở ngoài trăm dặm, vâng nhận lệnh vua. Kì ở trại của Thiệu, gửi thư báo cho Toản, Toản sai sứ gửi thư cho Thiệu rằng: "Triệu Thái bộc lấy đức của Chu Thiệu, nhận lệnh sang đông, tuyên dương ân trạch, tỏ ý hòa mục, sáng như vén mây thấy mặt trời, còn gì vui như thế? Ngày xưa Giả Phục-Khấu Tuân cũng tranh quân sĩ, muốn gây hại nhau, gặp ý rộng lượng của vua Quang Vũ, tự cùng bái gặp, cùng kiệu cùng đi, người thời ấy cho là vinh. Ta tự xét là kẻ nơi biên giới, được hòa cùng với tướng quân là điều phúc. Đấy thực là lòng chú ý của tướng quân, là điều may của Toản vậy". Khúc Nghĩa sau đó cậy công mà kiêu căng, Thiệu bèn giết đi.


Trước đây, thiên tử được lập vốn không phải là ý của Thiệu; lúc ở tại miền Hà Đông, Thiệu sai người quận Dĩnh Xuyên là Quách Đồ đi sứ. Đồ về khuyên Thiệu đón thiên tử đóng đô ở thành Nghiệp, Thiệu không nghe.


Hiến Đế truyện chép: Thư Viện khuyên Thiệu rằng: "Nhà tướng quân nhiều đời làm tướng quốc, trung nghĩa giúp đời. Nay triều đình chao đảo, tông miếu vỡ đổ. Xem châu quận, ngoài mượn việc dấy nghĩa binh, trong đánh diệt nhau, chưa có ai có ý cứu dân. Vả lại ngày thành châu mới định, nên đón nhà vua đến dựng đô ở thành Nghiệp, kẹp thiên tử mà lệnh chư hầu, nuôi quân mã để đánh kẻ không phục; lúc đấy còn ai chống được"! Thiệu mừng, muốn nghe theo. Quách Đồ-Thuần Vu Quỳnh nói: "Nhà Hán suy bại đã lâu ngày rồi, nay nếu dựng lại, cũng chẳng khó sao? Lại nữa ngày nay anh hùng chiếm lấy châu quận, trăm họ dao động, đấy gọi là nhà Tần làm mất con hươu, kẻ bắt được trước tất làm vua. Nếu đón thiên tử để tự thân cận thì có việc thì phải dâng biểu, phải vâng lệnh thì quyền ít, nếu trái ý thì chống lệnh; đấy chẳng phải là kế hay". Viện nói: "Nay đón triều đình là rất có nghĩa, lại là kế lớn hợp với thời vậy. Nếu không sớm làm đi thì tất có người làm trước. Nắm quyền chớ để mất cơ hội, lập công cốt tại nhanh nhạy, tướng quân hãy làm đi"! Thiệu không làm được. Xét sách này nói là kế của Thư Viện, đấy là trái với truyện gốc.


Kịp lúc Thái Tổ đón thiên tử đóng đô ở đất Hứa, thu đất Hà Nam, miền Quan Trung đều theo phục; Thiệu tiếc, muốn sai Thái Tổ dời thiên tử đóng đô ở huyện Quyên Thành để tự thân cận, Thái Tổ chống lại. Thiên tử lấy Thiệu làm Thái úy, phong tước Nghiệp Hầu;


Hiến Đế xuân thu chép: Thiệu nhục vì thứ bậc ở dưới Thái Tổ, giận nói: "Tào Tháo mấy lần suýt chết, ta liền cứu mới sống. Nay lại phản ân, kẹp thiên tử để sai ta chăng"! Thái Tổ nghe tin, liền đem chức Đại tướng quân nhường cho Thiệu.


Thiệu nhường tước Hầu không nhận. Chốc lát, Thiệu đánh phá Toản ở thành Dịch, thu quân của Toản. Điển lược chép: Từ đấy Thiệu ít dâng cống cho thiên tử, sai riêng Chủ bạ Cảnh Bao bẩm kín rằng: "Vận hỏa suy kiệt, họ Viên là dòng dõi của vận thổ, (5) nên theo ý trời". Thiệu vì Bao bẩm kín việc này cho quan thuộc trong phủ quân. Người bàn đều cho là Bao xằng bậy, đáng giết; Thiệu bèn giết Bao để tự giải thích. Cửu châu xuân thu chép: Thiệu mời gọi người quận Bắc Hải là Trịnh Huyền mà không có lễ, Triệu Dung nghe tin, nói: "Người hiền là người quân tử mong gặp. Người làm vua còn không dám làm mất ý vui của vạn dân, huống chi là đối với quân tử đây? Nếu làm mất ý mong của quân tử thì khó mà có được quân tử vậy". Anh hùng kí chép bài hát Đổng Trác ca, lời rằng: "Đức hạnh không sót thiếu, biến cố khó xem thường, Trịnh Khang Thành uống rượu mà ngã xuống đất tắt thở, Quách Cảnh Đồ cũng mất mạng ở vườn dâu". Như lời văn này thì Huyền không bị bệnh mà chết. Các sách khác không thấy chép, cho nên chép bài này ra đây.


Lấy con cả là Đàm ra làm Thanh châu Thứ sử, Thư Viện can Thiệu rằng: "Tất gây mầm họa". Thiệu không nghe, nói: "Ta muốn sai các con đều giữ một châu vậy".


Cửu châu xuân thu chép lời can gián của Thư Viện rằng: "Người đời nói rằng một con thỏ chạy trên đường mà vạn người đuổi bắt, nếu một người bắt được nó thì những người tranh bắt đều dừng lại, đã phân định vậy. Vả lại tuổi thọ do ở hiền năng, đức hạnh do ở bói đoán, đấy là phép cũ vậy. Mong trên nghĩ lời răn thành bại của đời trước, dưới xét cái nghĩa bắt thỏ phân định". Thiệu nói: "Ta muốn sai bốn đứa con đều giữ lấy một châu để xem tài của chúng". Viện lui ra, nói: "Họa bắt nguồn từ đấy sao"! Đàm mới đến Thanh châu, làm Đô đốc, chưa làm Thứ sử; châu ấy từ sông Hoàng Hà về phía tây, đại khái chỉ đến chỗ không quá quận Bình Nguyên mà thôi. Bèn lên phía bắc diệt Điền Khải, sang phía đông đánh Khổng Dung, giễu binh đến bờ biển. Bấy giờ trăm họ không có ai làm chủ, mừng rỡ đi theo. Nhưng tin dùng bọn tiểu nhân, ưa nghe lời ngon ngọt, xa xỉ phóng túng, không biết rằng việc trồng lúa vất vả. Hoa Ngạn-Khổng Thuận là bọn tiểu nhân gian nịnh mà tin dùng làm tim bụng; bọn Vương Tu chỉ làm quan nhỏ mà thôi. Nhưng lại biết đối đãi tân khách, kính trọng kẻ sĩ. Sai em vợ lĩnh quân ở trong, để cho cướp bóc, ngoài chốn phố chợ còn cướp lấy ở chốn đồng ruộng; sai riêng hai tướng quân mộ binh ở các huyện, kẻ hối lộ thì được tha, không thì bị lấy. Nhiều người nghèo yếu, đến nỗi phải chui nấp trong đồng gò, bèn xua quân bắt trói như bắt cầm thú. Ấp có vạn hộ dân mà chép vào sổ bạ không đầy mấy trăm hộ, thu thuế nạp tô không đến một phần ba. Sai gọi người hiền, nếu họ không đến hay không đến hẹn quân dịch mà ở yên nơi thôn ấp cũng không bị phạt tội thêm.


Lại lấy con giữa là Hi làm U châu Thứ sử, con rể là Cao Cán làm Tinh châu Thứ sử. Thiệu có mấy chục vạn quân, lấy Thẩm Phối-Phùng Kỉ coi việc quân, Điền Phong-Tuân Kham-Hứa Du làm mưu sĩ, Nhan Lương-Văn Sửu làm tướng súy, chọn mười vạn quân, một vạn quân kị khỏe, mưu đánh đất Hứa.


Thế ngữ chép: Thiệu có năm vạn quân bộ, tám nghìn quân kị. Tôn Thịnh bình rằng: "Xét Ngụy Vũ Đế bảo Thôi Diễm rằng: 'Vừa xét sổ hộ của châu này, có thể thu đến ba mươi vạn quân'. Do đó mà suy, riêng quân của Kí châu đã như thế, huống chi cả U châu-Tinh châu và Thanh châu đây? Thiệu phát đại binh, tất gom hết quân mà dùng, phải đến mười vạn quân vậy". Hiến Đế truyện chép: Thiệu muốn đem quân đánh miền nam, Thư Viện-Điền Phong can rằng: "Phát quân nhiều năm, trăm họ mỏi mệt, kho tàng không chứa, tô thuế càng nhiều, đấy là nỗi lo sâu nặng của nhà nước vậy. Nên sai người báo tin vui cho thiên tử trước, rồi chăm chỉ trồng trọt mà cho dân nghỉ ngơi, nếu chẳng làm được thì dâng biểu tấu họ Tào chặn đường thờ vua của ta rồi mới tiến quân đến Lê Dương, dần dần chiếm miền Hà Nam, làm thêm thuyền bè, sửa sang khí giới, chia sai quân kị khỏe đi đánh lấy nơi biên giới, khiến cho nên ấy không được yên mà ta lại được ổn. Như thế trong ba năm thì ngồi mà định được vậy". Thẩm Phối-Quách Đồ nói: "Theo phép dùng binh, 'thập vây ngũ công' (6) thì mới đánh địch được. Nay dựa vào thần vũ của minh công, xua quân mạnh của miền Hà Bắc để đánh họ Tào thì dễ như trở bàn tay. Nay không lấy thì sau khó đánh được". Viện nói: "Cứu nạn dẹp bạo gọi là quân nghĩa; cậy đông dựa mạnh, gọi là quân kiêu. Quân nghĩa thì không ai địch, quân kiêu tất diệt trước. Họ Tào đón thiên tử đóng đô ở đất Hứa; nay ta phát quân xuống phía nam, về nghĩa là trái. Vả lại kế hay hơn cả là không tại ở hiếp yếu. Họ Tào đã đặt pháp lệnh, quân sĩ thành thạo, không phải như Công Tôn Toản ngồi chịu vây đâu. Nay bỏ kế vẹn toàn mà dấy quân không có danh nghĩa, thần trộm lo cho minh công"! Bọn Đồ nói: "Vũ Vương đánh Trụ, không gọi là không có nghĩa, huống chi đem quân đánh họ Tào mà gọi là không có danh nghĩa sao? Vả lại minh công tỏ sức thần võ, tướng sĩ hăng hái, người ta tự theo, vậy mà không sớm hợp thời định nghiệp lớn, đấy là ý lầm vậy. Nếu trời cho mà không lấy thì chỉ chước lấy họa, đấy là nguyên nhân vua Việt làm bá vương mà Ngô mất nước vậy. Kế của quan Giám quân chỉ như giữ lấy tù ngục mà không phải là cái quyền biến của người biết thời cơ". Thiệu nghe theo. Bọn Đồ nhân đó gièm Viện với Thiệu rằng: "Viện coi xét trong ngoài, oai lừng ba quân. Nếu bên ấy cường thịnh thì lấy gì mà ngăn được? Tôi không nắm quyền ngang với vua thì hưng, vua nắm quyền ngang tôi thì vong, đấy là điều mà sách Hoàng thạch kị vậy. Vả lại nắm quân ở ngoài thì không nên coi việc ở trong". Thiệu nghi ngờ, bèn chia quan chủ việc quân làm ba vị Đô đốc, sai Viện và Quách Đồ-Thuần Vu Quỳnh đều nắm một cánh quân, rồi hợp mà xuống đánh miền nam.


Chú thích

(1) Chủ minh: chỉ việc đứng đầu hội thề. Bấy giờ hào kiệt của miền Sơn Đông hội thề để đánh Đổng Trác, tôn Thiệu làm chủ minh.

(2) Trác sang phía tây vào cửa quan: chỉ việc Trác dời đô từ Lạc Dương sang phía tây vào cửa quan Hàm Cốc mà đến thành Tràng An.

(3) Hà bá: chỉ thần sông.

(4) Quân 'bạch mã nghĩa tòng': tức quân theo nghĩa cưỡi ngựa trắng.

(5) Vận hỏa suy kiệt, họ Viên là dòng dõi của vận thổ: ý nói nhà Hán của họ Lưu thuộc vận hỏa đã suy kiệt, họ Viên thuộc vận thổ sẽ nối thay.

(6) 'Thập vây ngũ công': ý nói theo binh pháp thì quân nhiều hơn địch mười lần mới vây, nhiều hơn địch năm lần mới đánh.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét