Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TRUYỆN TƯ MÃ LANG

 


Quắc quốc phu nhân du xuân đồ
Trương Huyên đời nhà Đường


TRUYỆN TƯ MÃ LANG

Tư Mã Lang tự Bá Đạt, người huyện Ôn quận Hà Nội.


Lời tựa của Tư Mã Bưu viết: Ông nội Lang là Tuấn, tự Nguyên Dị, học rộng ưa việc xưa, tài giỏi lại rộng lượng. Thân dài tám thước ba tấc, buộc dây eo đến mười vòng, dáng vẻ hùng vĩ, khác với mọi người, người làng họ hàng đều nương dựa vậy. Làm đến Thái thú Dĩnh Xuyên. Cha là Phòng, tự Kiến Công, tính thật thà thẳng thắn, dẫu ở nơi xa lánh nhưng uy nghi không đổi. Ưa đọc truyện các danh thần trong Hán thư, có viết lời bàn đến mấy vạn chữ, làm quan ở châu quận, trải các chức Lạc Dương Lệnh, Kinh Triệu Doãn, vì tuổi già mà chuyển làm Kị Đô úy, nuôi chí nơi thôn ấp, tự giữ nhà cửa. Các con dẫu đã thành người lớn nhưng không sai đi thì không dám đi, không sai ngồi thì không dám ngôi, không chỉ tay gọi đến hỏi thì không dám nói, giữa cha con nghiêm túc đến như thế. Năm bảy mươi mốt tuổi thì chết, tức năm Kiến An thứ hai mươi tư. Có tám con trai. Lang là lớn nhất, thứ là Tuyên Hoàng Đế của nhà Tấn vậy.


Năm chín tuổi, có người khách nói thẳng tên chữ của cha Lang, Lang nói: "Coi khinh người thân của người khác là không kính người thân của mình vậy". Người khách tạ lỗi. Năm mười hai tuổi, thi kinh làm Đồng tử lang, người coi thi vì thân thể mình to lớn, ngờ Lang nhỏ tuổi, gạn hỏi, Lang nói: "Anh em nội ngoại của Lang nhiều đời đều to lớn, Lang dẫu nhỏ yếu nhưng không có ý nhìn lên cao, nếu nói dối tuổi nhỏ để cầu tiếng sớm thành danh, đấy không phải là chí của ta vậy". Người coi thi cho là lạ. Sau đó quân miền Quan Đông nổi dậy, người nhà của Thứ sử Kí Châu Lí Thiệu ngày trước ở tại huyện Dã Vương, gần núi hiểm, muốn dời đến ở huyện Ôn. Lang khuyên Thiệu nói: "Như răng với môi, há chỉ có nước Ngu với nước Quắc(1), còn có huyện Ôn và huyện Dã Vương; nay bỏ chỗ ấy mà đến ở đây, đấy là mong tránh cái nạn một sớm mà thôi. Vả lại ông là người có danh vọng của nhà nước, nay giặc chưa đến mà dời đi trước, các huyện ven núi tất kinh hãi, đấy là cái gốc làm dao động lòng dân và mời bọn gian làm loạn, nên lo cho người trong quận". Thiệu không nghe theo. Quả nhiên dân ven núi làm loạn, có kẻ dời vào thành, có người cướp bóc.


Bấy giờ Đổng Trác chuyển Thiên tử đóng đô ở Trường An, Trác nhân đó ở lại tại Lạc Dương. Cha Lang là Phòng làm Trị thư Ngự sử, muốn dời về phía tây, vì bốn phương rối loạn, bèn sai Lang đem người nhà về huyện cũ. Có người nói Lang muốn chạy trốn, bắt đem đến chỗ Trác, Trác bảo Lang nói: "Ngươi cùng tuổi với đứa con đã chết của ta, sao lại làm trái nhau quá thế"? Lang nhân đó nói: "Minh công có đức cao trên đời, gặp thời loạn lạc, xóa trừ bọn xấu, cất nhắc hiền sĩ, nếu ngày nay dốc lòng suy nghĩ sẽ phục hưng chính trị vậy. Uy đức đã lớn, công lao đã rõ, nhưng binh nạn ngày càng nổi lên, châu quận sôi sục, ở vùng ngoài thành, dân chẳng an nghiệp, vứt bỏ của cải, chạy trốn ẩn nấp, dẫu ngăn cấm bốn ải, tăng thêm hình phạt, cũng không yên ổn, đấy là nguyên nhân Lang dời về quê vậy. Mong minh công soi xét việc cũ, ban phát ân trạch, như vậy sẽ rạng danh cùng với nhật nguyệt, dẫu Y, Chu(2) cũng không hơn được vậy". Trác nói: "Ta cũng biết rồi, khanh nói có lí"!


Thần là Tùng Chi xét: Lời đáp của Lang chỉ là kể khen công đức của Trác, không phải khuyên răn mà thôi. Trác không tự xét kĩ mà lại nói: "Ta cũng biết rồi, khanh nói có lí"! Lời khách và chủ như là không không đối đáp nhau vậy.


Lang biết Trác tất thua, sợ bị giữ lại, liền đem tiền của để hối lộ những người coi việc của Trác, xin về quê nhà. Lại bảo người già cả rằng: "Đổng Trác ác nghịch, bị thiên hạ ghét, nay là lúc trung thần nghĩa sĩ chuẩn bị nổi dậy. Quận này liền kề nhau với kinh đô, phía đông Lạc Dương có huyện Thành Cao, phía bắc là sông lớn, nếu người dấy binh trong thiên hạ chưa tiến được tất dừng lại ở đấy. Đấy là đất tranh chiếm chưa năm xẻ bốn, khó mà ở yên, không bằng nhân lúc đường đi còn thông mà đem họ hàng đi về phía đông đến ở huyện Lê Dương. Ở Lê Dương có quân đồn đóng, là quê nhà vợ của Triệu Uy Tôn, làm chức Giám doanh Yết giả, lĩnh quân mã, đủ để làm chủ. Nếu sau này có biến, thong thả đứng xem cũng chưa muộn". Người già cả vương vấn chỗ cũ, chẳng ai nghe theo, chỉ có người cùng huyện là Triệu Tư cùng đem người nhà với Lang đến đấy. Mấy tháng sau, các châu quận miền Quan Đông dấy binh đến mấy chục vạn người, đều tụ ở Huỳnh Dương và Hà Nội. Các tướng không cùng thống nhất, thả quân ra cướp bóc, dân chúng chết đến gần nửa. Lâu sau, quân miền Quan Đông tan rã, Thái Tổ chống với Lữ Bố ở Bộc Dương, Lang bèn đem người nhà về huyện Ôn. Năm đó đói to, người dân ăn thịt nhau, Lang cứu chẩn họ hàng, dạy bảo các em, không vì thời loạn mà bỏ nghiệp.


Năm ba mươi hai tuổi, Thái Tổ gọi đến làm Tư không Duyện thuộc, cho làm Thành Cao Lệnh, lại vì mắc bệnh mà bỏ chức, chuyển làm Đường Dương Trưởng. Lang làm quan khoan hòa, không dùng roi gậy mà dân không phạm cấm. Lúc trước, có người dân dời vào trong kinh đô, sau huyện lại sai làm thuyền, người dân sợ Lang không làm nổi, bèn cùng nhau góp tiền riêng về giúp Lang, Lang được yêu mến như thế. Chuyển làm Nguyên Thành Lệnh, vào làm Thừa tướng Chủ bạ. Lang cho rằng thế của thiên hạ vỡ lở là do từ thời nhà Tần bỏ chế độ năm bậc tước, mà quận huyện lại không gom góp chuẩn bị luyện tập chiến đấu. Nay dẫu chưa lập lại được năm bậc tước nhưng có thể sai châu quận cùng sắp đặt quân sĩ, ngoài phòng bị người rợ, trong uy hiếp kẻ không nghe lệnh, đấy là kế hơn cả. Lại cho rằng nên lập lại phép 'tỉnh điền'(3). Ngày xưa dân đều nối đời có ruộng, nay vì thời loạn mà cướp đoạt ruộng ấy, như thế đến nay. Nay nhân lúc sau cơn loạn lạc, dân chúng tản mát, ruộng đất không có chủ, đều làm thành ruộng công, nên mượn cơ hội này mà lập lại phép ấy. Lời bàn này dẫu không được làm theo nhưng châu quận được lĩnh quân là do ý của Lang vậy. Chuyển làm Thứ sử Duyện Châu, ban hành đạo chính, trăm họ khen ngợi. Dẫu ở trong quân đội nhưng thường mặc áo cũ ăn cơm thô, tiết kiệm để làm gương cho kẻ dưới. Ưa bàn luận sách kinh việc người, người cùng làng là bọn Lí Địch có tiếng tăm nổi rõ, Lang thường nhún nhường đứng dưới họ. Sau bọn Địch thua bại, người đời mới chịu phục Lang. Chung Do, Vương Xán bàn luận rằng: "Không có thánh nhân thì không thể dẫn đến thái bình". Lang cho rằng: "Bọn Y, Nhan(4) dẫu không phải là thánh nhân nhưng được nhiều đời sau truyền tụng, vẫn dẫn đến thái bình".


Ngụy thư viết: Văn Đế khen lời bàn của Lang, sai Bí thư ghi lại lời ấy.


Tôn Thịnh nói: "Do đã không có ý hay, Lang cũng chẳng có ý đẹp vậy. Ngày xưa vua Thang dùng Y Doãn thì người bất nhân phải xa rời. KinhDịch nói: 'Thầy họ Nhan là người đại hiền chăng! Chưa từng không biết cái không tốt, biết rồi chưa từng làm trái'. Theo đó mà nói, thánh nhân so với người đại hiền, đức hạnh như nhau, ý chí giống nhau, giúp đời dạy đạo, lí lẽ chẳng khác, dẫn đến thái bình, há đợi nhiều đời sao? Người giỏi giúp nước được trăm năm, cũng có thể bỏ ác vứt xấu. Lại nói: 'Không học theo người hiền xưa thì không thể giỏi được'. Bàn về việc nhiều đời trước, phải như thế chăng! Như người đại hiền ngày nay, vẫn noi theo vậy".


Năm Kiến An thứ hai mươi hai, cùng bọn Hạ Hầu Đôn, Tang Bá đánh Ngô. Đến Cư Sào, quân sĩ mắc bệnh dịch lớn, Lang tự đi xem xét, cấp phát thuốc chữa, bị bệnh chết, bấy giờ bốn mươi bảy tuổi. Truyền lệnh lại phải lấy bằng áo vải khăn lụa, áo thường mà liệm, người trong châu ghi nhớ.


Ngụy thư viết: Lang sắp chết, bảo tướng sĩ nói: "Thứ sử ta nhận ân dày của nhà nước, coi việc ngoài nơi vạn dặm, chưa báo được công nhỏ mà mắc phải bệnh dịch này, đã không tự cứu được mình, lại phụ lại ân của nhà nước. Sau khi thân chết, phải lấy áo vải khăn lụa, áo thường mà liệm, chớ làm trái ý ta".


Minh Đế lên ngôi, phong con Lang là Di làm Xương Vũ Đình Hầu, thực ấp trăm hộ. Em Lang là Phu lại lấy con là Vọng làm dòng dõi của Lang. Di hoăng, con Vọng là Hồng nối tự.


Tấn chư công tán viết: Vọng tự Tử Sơ, là con cả của Phu. Có tài học, sớm nổi tiếng. Giữa năm Hàm Hi làm đến Tư đồ, vào thời nhà Tấn phong làm Nghĩa Dương Vương, chuyển làm Thái úy, Đại Tư mã. Bấy giờ Phu làm Thừa tướng, cha con ở ngôi cao trọng, từ thời giữa đến nay chưa từng có. Hồng tự Khổng Nghiệp, được phong làm Hà Gian Vương.


Lúc trước Triệu Tư cùng dời đi với Lang, làm quan đến Thái thường, là kẻ sĩ giỏi thời ấy.


Tư tự Quân Sơ, con là Phong, tự Tử Trọng, thời Tấn làm Phiếu kị Tướng quân, phong Đông Bình Lăng Công, đều được chép trong Bách quan danh chí.

 

Chú thích

(1) Nước Ngu với nước Quắc: nước Ngu và nước Quắc là hai nước nhỏ thời Xuân thu, có địa thế hiểm yếu, cùng bảo vệ nhau. Vua nước Tấn là Hiến Công mượn đường của nước Ngu để diệt nước Quắc, rồi diệt nốt nước Ngu.

(2) Y, Chu: tức Y Doãn và Chu Công. Y Doãn giúp vua Thang nhà Thương diệt nhà Hạ. Chu Công phụ chính cho Thành Vương của nhà Chu.

(3) Phép 'tỉnh điền': phép chia ruộng đất thời xưa, chia thành chín khoảnh như hình chữ tỉnh, khoảnh giữa là ruộng công, tám khoảnh xung quanh là ruộng riêng.

(4) Nhan: tức Nhan Uyên, một học trò giỏi của Khổng Tử.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét