Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

TRUYỆN LƯƠNG TẬP

 


Trich  tranh  Đảo luyện đồ – họa sĩ Trương Huyên đời Đường

TRUYỆN LƯƠNG TẬP


Lương Tập tự Tử Ngu, người huyện Chá quận Trần, làm quan Cương kỉ(1) trong quận. Thái Tổ làm Tư không, gọi đến làm Chương Trưởng, chuyển qua các chức Thặng Chi, Hải Tây, Hạ Bì Lệnh, chỗ trị có tiếng tăm. Về làm Tây tào Lệnh sử, lại chuyển làm Tây tào thuộc. Tinh Châu vừa theo về, Tập làm Biệt bộ Tư mã, lĩnh chức Tinh Châu Thứ sử. Bấy giờ sau cuộc nổi loạn của Cao Hàn, người Hồ Địch vào cõi, ngang ngược bướng bỉnh, quan dân lại trốn theo làm phản, vào ở trong bộ lạc của chúng, các nhà đều dấy binh gây việc cướp hại, lại ganh chống lẫn nhau, đóng giữ các nơi. Tập đến nhận chức, vỗ về chiêu nạp, đều lấy lễ kêu gọi bọn cường hào, lại tiến cử họ, sai đến phủ quan; bọn cường hào đã hết, sau đó lấy bọn đinh tráng làm quân 'nghĩa tòng'(2); lại nhân đó phát đại quân đi đánh dẹp, chia ra làm dũng sĩ. Sau khi đại quân đã đi, rồi trước sau dời người nhà của họ đến đất Nghiệp, cả thảy mấy vạn người; những kẻ không nghe lệnh thì đem quân đến đánh, chém mấy nghìn đầu, kẻ hàng phục đến vạn người. Thiền vu kính thuận, các phiên vương đều cúi đầu, bọn bộ khúc phải theo chức vụ, cùng ghi tên vào sổ hộ. Do đó biên giới yên ổn, trăm họ ra đồng, chăm chỉ trồng trọt, vâng theo phép cấm. Lại chọn kẻ sĩ, đều là bọn nổi tiếng ở trên đời, lời nói tại truyện về Thường Lâm. Thái Tổ vui mừng, ban tước Quan nội hầu, lại bái chức như cũ. Bậc già cả khen ngợi, cho rằng từ trước đến nay chưa có ai làm Thứ sử tốt bằng Tập.


Năm Kiến An thứ mười tám, gộp Tinh Châu vào Kí Châu, lại bái làm Nghị lang, Tây bộ Đô đốc Tòng sự, coi việc Kí Châu, tổng lĩnh bộ khúc cũ. Lại sai người đến quận Thượng Đảng lấy gỗ lớn đem về làm cung điện ở đất Nghiệp. Tập xin đặt hai người nắm chức Đồn điền Đô úy, đều lĩnh sáu trăm người cày, trồng trọt cây túc(3), đậu ở bên đường để cấp các đồ dùng cho người và trâu. Sau đó Thiền vu vào chầu, miền tây bắc không có lo lắng, đấy là công của Tập vậy.


Ngụy lược viết: Quan Đại phu của người Tiên Ti là Dục Diên thường gây lo lắng cho người trong châu, lại một sớm đem hơn năm nghìn quân kị trong bộ lạc của mình đến chỗ Tập, xin được mua bán, Tập nghĩ nếu không nghe theo thì sợ hắn giận, nếu nghe theo cho hắn vào châu lại sợ hắn cướp bóc, rồi bèn hứa theo cho hắn đến và hẹn mua bán ở trong thành trống. Lại lệnh cho quận huyện, từ quan Trị trung trở xuống phải đến đó. Mua bán chưa xong, quan trông coi việc mua bán bắt trói một thằng người Hồ. Quân kị của Diên đều kinh ngạc, bèn lên ngựa giương cung vây Tập đến mấy vòng, quan dân lo sợ không biết làm sao. Tập liền thong thả gọi quan trông coi việc mua bán lại, hỏi vì sao bắt trói người Hồ thì đúng là người Hồ xâm phạm người khác. Tập lại sai người dịch tiếng đến gọi Diên, Diên đến, Tập trách Diên nói: "Người Hồ các ngươi tự phạm phép cấm, quan lại không xâm lấn các ngươi, các ngươi sao lại sai quân kị gây kinh sợ vậy"? Bèn chém Diên, bọn người Hồ còn lại vỡ mật không dám động. Từ đó không còn cướp bóc. Đến năm thứ hai mươi hai, Thái Tổ đánh lấy Hán Trung, các quân về đến Trường An, nhân đó giữ viên Đô đốc quận Thái Nguyên kiêm phiên vương của người Ô Hoàn là Lỗ Tích ở lại, sai đóng quân ở Trì Dương để phòng giữ huyện Lô Thủy. Tích có người vợ yêu ở tại Tấn Dương. Tích đã nhớ vợ, lại sợ không được quay về, bèn đem năm trăm quân kị của bộ lạc mình làm phản chạy về Tinh Châu, giữ số quân kị còn lại ở giữa hang núi, rồi một mình cưỡi ngựa vào thành Tấn Dương, cướp lấy vợ yêu. Đã ra thành, người trong châu quận biết được, nhưng quan dân lại sợ cái tài bắn tên của Tích, không dám đuổi theo. Tập bèn sai Tòng sự Trương Cảnh chọn người Tiên Ti đuổi theo Tích. Tích cõng vợ trên ngựa, bọn quân kị theo nhau cũng rút lui, chưa kịp hội với quân mình, liền bị người Tiên Ti bắn chết. Lúc đầu Thái Tổ nghe tin Tích làm phản, sợ hắn gây loạn ở miền bắc; kịp lúc nghe tin đã giết hắn, rất mừng, cho rằng đấy là kế sách trước sau của Tập, phong làm Quan nội hầu.


Văn Đế lên ngôi, đặt lại Tinh Châu, phục chức Thứ sử, tiến phong Thân Môn Đình Hầu, phụng ấp có trăm hộ, coi việc thường được thiên hạ khen. Năm Thái Hòa thứ hai, gọi về bái làm Đại Tư nông. Tập ở tại châu hơn hai mươi năm nhưng ăn ở nghèo khổ, không có ngọc báu vật đẹp, Minh Đế khen là lạ, đối đáp rất hậu. Năm thứ tư thì hoăng, con là Thi nối tự.


Trước đây, người huyện Tế Âm là Vương Tư cùng làm Tây tào Lệnh sử với Tập. Tư vào ngày trực báo việc, làm trái ý Thái Tổ. Thái Tổ cả giận, gọi quan chủ việc đến, muốn xử tội nặng. Bấy giờ Tư ra ngoài, Tập thay đến ứng đáp, sau khi đã bị bắt giữ, Tư bèn đi nhanh về, tự kể tội của mình, tội đáng phải chết. Thái Tổ than Tập không nói cho mình, Tư tự biết tội lỗi, nói: "Sao lại có hai nghĩa sĩ trong quân ta chăng"?


Thần là Tùng Chi cho rằng: Tập với Vương Tư chỉ là cùng làm quan mà thôi, không có tình thân cốt nhục, chẳng có nghĩa 'đâm cổ', vậy mà đem thân đỡ thay Tư, chịu nhận cái họa không lường. Thái Tổ cho là có nghĩa, chẳng phải là làm trái phép tắc của bậc thánh triết thời xưa sao! Thái sử Thiên nói: "Có cái chết nặng như núi Thái, có cái nhẹ như lông hồng", cho nên quân tử không sống ẩu, cũng chẳng chết bừa. Nếu Tư không tự gây tội thì chủ chẳng giận, đấy gọi là tự sát ở rãnh nước mà chẳng ai biết vậy. Tập thà chết vì nghĩa, há đúng vậy sao!


Sau đó cùng lúc cử làm Thứ sử, Tư làm Dự Châu Thứ sử. Tư cũng là quan lại tài năng nhưng khắc nghiệt không biết toàn cuộc, làm đến bậc cửu khanh, phong Liệt hầu.


Ngụy lược - Hà lại truyện viết: Tư và Tiết Đễ, Khích Gia cùng theo lời gọi, làm quan bậc nhỏ. Trong ba người, Đễ hơi biết đạo Nho, ở chỗ làm quan nổi tiếng là tiết kiệm. Gia với Tư làm việc cũng giống như thế. Văn Đế hạ chiếu nói: "Tiết Đễ là quan lại biết rộng, Vương Tư, Khích Gia là quan lại trong sạch, đều ban tước Quan nội hầu để báo đền công của các vị". Tư là người rườm rà nhưng thông thuộc văn thư, kính hiền trọng sĩ, dốc lòng mưu việc, cũng vì thế mà nổi tiếng. Giữa năm Chính Thủy làm Đại Tư nông, tuổi già mắt mờ, nổi giận vô cớ, quan thuộc ngao ngán chẳng biết vì sao. Tính lại ít tin cậy, bấy giờ có cha của viên quan thuộc bệnh nặng, ở gần ngoài phủ quan, tự xin nghỉ tạm. Tư ngờ là không thật, phát cáu nói: "Trên đời có người nhớ vợ muốn về quê mà nói dối là mẹ bị bệnh, chẳng lẽ là như thế"! Bèn không cho nghỉ. Ngày sau cha của quan thuộc chết, Tư cũng chẳng tiếc nuối. Người này khắc nghiệt đại loại như thế. Tư lại có tỉnh nóng nảy, từng cầm bút viết chữ, có con ruồi đậu trên cán bút, xua đi lại bay lại, cứ như thế ba lần. Tư giận dữ, tự đứng dậy bắt con ruồi nhưng không được, liền lấy bút ném xuống đất, dẫm nát bút. Bấy giờ có người quận Đan Dương là Thi Úy, người quận Lỗ là Nghê Nghĩ, người quận Nam Dương là Hồ Nghiệp cũng làm Thứ sử, Quận thú, người thời ấy gọi là quan lại khắc nghiệt. Lại có người huyện Cao Dương là Lưu Loại, trải qua các chức mục thú, nổi tiếng ác nghiệt, nhưng chăm chỉ làm việc, không bị bỏ chức. Giữa năm Gia Bình làm Hoằng Nông Thái thú, có hơn hai trăm quan thuộc, không cho nghỉ ngơi, chuyên sai làm những việc không cần thiết. Mắc lỗi không kể nặng hay nhẹ, liền nắm lấy đầu họ, lại dùng gậy đánh túi bụi, lôi ra kéo vào, cứ như thế đến mấy lần. Lại sai người bới đất tìm tiền, ở trong phố phủ đều có hang hố. Lại bề ngoài mượn cớ là tiết kiệm, hễ đi ra liền hạ lệnh quan Đốc bưu không được sai quan thuộc làm sai lễ kính, lại ngầm biết những kẻ không đến chào hỏi liền trong lúc phát giận mà đánh thương họ. Tính lại ít tin cậy, hễ sai quan to đi liền sai quan nhỏ đi theo xem xét, ban ngày thường tự ở giữa vách tường lén xem bọn ngồi tù, buổi đêm lại sai người dò xét các quan thuộc, cũng không cho là đủ tin, lại sai lính hầu và nô tì tự xét hỏi lẫn nhau. Từng đi xem xét, nghỉ tại nhà dân. Nhà dân có hai con chó đuổi một con heo, con heo sợ chạy, chui đầu vào bờ rào, kêu thé hồi lâu. Loại cho là quan lại ở ngoài tự ý ăn uống, không xem xét nữa, liền sai lính hầu kéo Ngũ quan duyện Tôn Bật đi vào, nắm đầu mà trách. Bật nói sự thật, Loại tự hổ thẹn không nói rõ được, nhân đó mượn cớ hỏi sang việc khác. Có người dân là Doãn Xương, đã gần trăm tuổi, nghe tin Loại đi ra, sắp đi qua chỗ mình, bảo cháu nhỏ rằng: "Đỡ ta đón phủ quân, ta muốn bày tỏ ân đức". Cháu nhỏ đỡ Xương ở bên trái đường, Loại nhìn thấy, quát đứa nhỏ nói: "Đỡ người sắp chết ấy mà đòi gặp ta sao"? Loại đối đãi người khác không có lễ độ, đều đại khái như thế. Tục cũ, dân giễu cợt quan trưởng có ba điều không chịu, gọi là 'chuyển', 'bỏ', 'chết' vậy. Loại ở tại Hoằng Nông, quan dân lo sợ, bèn đề chữ ở cửa phủ rằng: "Lưu phủ quân có ba điều không chịu". Loại dẫu nghe nói nhưng không chịu tự sửa đổi. Sau đó An đông Tướng quân Tư Mã Văn Vương đánh miền tây, đi qua Hoằng Nông, người Hoằng Nông nói là Loại già cả không nên giữ chức mục thú nữa, bèn gọi về làm Ngũ quan Trung lang tướng.


Chú thích

(1) Cương kỉ: tên gọi chung cho những quan lại cấp cao trong châu quận thời Hán, Tam quốc.

(2) Quân 'nghĩa tòng':quân theo nghĩa.

(3) Cây túc: là một loài cây lương thực, còn gọi là cây lúa tắc hoặc cây kê, giống cây lúa nước, hạt nhỏ, hợp ở vùng ôn đới, đất khô.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét