Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

TRUYỆN TÀO HOÁN

 


Tào Hoán – Ảnh sound of hope

TRUYỆN TÀO HOÁN

Trần Lưu Vương tên là Hoán(1), tự Cảnh Minh, là cháu của Vũ Đế, con của Yên Vương là Vũ vậy.


Năm Cam Lộ thứ ba, phong Thường Đạo Hương Công ở huyện An Thứ. Cao Quý Hương Công chết, công khanh bàn đón lập công. Tháng sáu ngày giáp dần, vào đến Lạc Dương, gặp Hoàng thái hậu, hôm đó lên ngôi Hoàng đế ở điện trước Thái Cực, đại xá, đổi niên hiệu, ban tước và lụa gạo cho mọi người theo thứ bậc.


Năm Cảnh Nguyên thứ nhất, mùa hạ tháng sáu ngày bính thìn, bái Đại tướng quân Tư Mã Văn Vương làm Tướng quốc, phong Tấn Công, tăng thực ấp hai quận, cùng thực ấp lúc trước là đầy mười quận, ban lễ 'cửu tích' như chiếu lệnh lúc trước; trong các con em những ai chưa phong Đình hầu thì ban cho nghìn vạn xâu tiền, vạn thất gấm, Văn Vương cố từ, lại thôi. Ngày kỉ mùi, phu nhân của Hán Hiến Đế ngày xưa là Tiết(2) hoăng, Đế đến tại vườn Hoa Lâm, sai sứ giả cầm cờ tiết truy thụy cho phu nhân là Hiến Mục Hoàng hậu. Lúc táng, đem xe áo theo như phép chế ngày trước của nhà Hán. Ngày quý hợi, lấy Thượng thư Hữu bộc xạ Vương Quán làm Tư không; mùa đông tháng mười, Quán hoăng.


Tháng mười một, Yên Vương dâng biểu chúc mừng ngày đông chí, xưng thần.


Tháng mười hai ngày giáp thân, rồng vàng hiện trong giếng ở huyện Hoa Âm. Ngày giáp ngọ, lấy Tư lệ Hiệu úy Vương Tường làm Tư không.


Năm thứ hai, mùa hạ đầu tháng năm, Mặt trời có chỗ khuyết. Mùa thu tháng bảy, người rợ Hàn, Uế, Mạch ở ngoài quận Lạc Lãng đều đem thân thuộc đến chầu cống. Tháng tám ngày mậu dần, Triệu Vương là Cán hoăng. Ngày giáp dần, lại phong Đại tướng quân lĩnh tước Tấn Công, thêm chức Tướng quốc, sắm lễ 'cửu tích' như chiếu lúc trước; lại cố từ, bèn thôi.


Năm thứ ba, mùa xuân tháng hai, rồng xanh hiện trong giếng ở huyện Chỉ. Mùa hạ tháng tư, người quận Liêu Đông báo là vua của nước Túc Thận sai sứ giả phiên dịch vào cống, dâng ba mươi cây cung dài ba thước năm tấc, cây tên làm bằng gỗ cây hộ dài một thước tám tấc, ba trăm cây tên đá, hai mươi bộ áo giáp làm bằng xương da và sắt tạp, bốn trăm tấm da chồn. Mùa đông tháng mười, Đại tướng quân Khương Duy của nước Thục vào cướp miền Thao Dương, bị Trấn tây Tướng quân Đặng Ngải chống lại, phá Duy ở huyện Hầu Hòa, Duy trốn chạy. Năm đó, hạ chiếu tế Quân sư tế tửu Quách Gia ngày xưa ở miếu đình Thái Tổ.


Năm thứ tư, mùa xuân tháng hai, lại phong Đại tướng quân lĩnh tước, vị như chiếu lúc trước, lại cố từ bèn thôi.


Mùa hạ tháng năm, hạ chiếu nói: "Thục là nước bé tí, đất hẹp dân ít, vậy mà Khương Duy ngỗ ngược điều dùng quân dân nước ấy, chưa từng bỏ chí; năm ngoái sau khi phá được quân giặc, nay vẫn trồng trọt ở Đạp Trung, cắt xén rợ Khương, lao dịch không nghỉ, dân chẳng chịu nổi. Đánh yếu phá kém là cách hay của việc quân, dắt người mà không bị người dắt là phép đầu của nhà binh vậy. Kẻ mà người Thục dựa cậy là chỉ có Duy mà thôi, nhân lúc hắn rời xa khỏi hang ổ mà đem quân đánh thì dễ. Nay sai Chinh tây Tướng quân Đặng Ngải đốc lĩnh các quân đến các xứ Cam Tùng, Đạp Trung để bắt lấy Duy, sai Ung Châu Thứ sử Gia Cát Tự đốc lĩnh các quân đến các xứ Vũ Đô, Cao Lâu, đầu đuôi đánh dẹp. Nếu bắt Duy thì nên cùng đi hai phía đông tây, tất quét dẹp được đất Ba Thục vậy". Lại sai Trấn tây Tướng quân Chung Hội theo đường Lạc Cốc đi đánh Thục.


Mùa thu tháng chín, Thái úy Cao Nhu hoăng. Mùa đông tháng mười ngày giáp dần, lại lệnh Đại tướng quân nhận tước vị như chiếu lúc trước. Ngày quý mão, lập Hoàng hậu Biện thị. Tháng mười một, đại xá.


Từ khi Đặng Ngải, Chung Hội đem quân đánh Thục, đến đâu thắng đó. Tháng ấy, vua Thục là Lưu Thiện đến chỗ Ngải hàng, đất Ba Thục đều bình. Tháng mười hai ngày canh tuất, lấy Tư đồ Trịnh Xung làm Thái bảo. Ngày nhâm tí, chia Ích Châu lập ra Lương Châu. Ngày quý sửu, tha tội cho quân dân Ích Châu, lại miễn nửa tô thuế trong năm năm.


Ngày ất mão, lấy Chinh tây Tướng quân Đặng Ngải làm Thái úy, Trấn tây Tướng quân Chung Hội làm Tư đồ. Hoàng thái hậu băng.


Năm Hàm Hi thứ nhất, mùa xuân tháng giêng ngày nhâm tuất, đem xe cũi đến bắt Đặng Ngải. Ngày giáp ti, đi đến Trường An. Ngày nhâm thân, sai sứ giả đem tiền ngọc tế ở núi Hoa Sơn. Tháng ấy, Chung Hội phản ở đất Thục, bị quân sĩ đánh; Đặng Ngải cũng bị giết. Tháng hai ngày tân mão, tha tội cho quân sĩ ở Ích Châu. Ngày canh thân, táng Minh Nguyên hoàng hậu. Tháng ba ngày đinh sửu, lấy Tư không Vương Tường làm Thái úy, Chinh bắc Tướng quân Hà Tăng làm Tư đồ, Thượng thư Tả bộc xạ Tuân Nghĩ làm Tư không. Ngày kỉ mão, phong tước Vương cho Tấn Công, thực ấp mười quận, cùng lúc trước là hai mươi quận.


Ngày đinh hợi, phong Lưu Thiện làm An Lạc Công. Mùa hạ tháng năm ngày canh thân, Tướng quốc Tấn Vương tấu xin đẳt lại tước 'ngũ đẳng'. Ngày giáp tuất, đổi niên hiệu. Ngày quý mùi, truy phong Vũ Dương Tuyên Văn Hầu làm Tấn Tuyên Vương, Vũ Dương Trung Vũ Hầu làm Tấn Cảnh Vương. Tháng sáu, Trấn tây Tướng quân Vệ Quán dâng tấu nói quân Ung Châu ở huyện Thành Đô thu được một cái ấn ngọc bích, có khắc chữ 'thành tín', noi theo nghĩa 'tặng cây lúa' của Chu Thành Vương(3), đem cho trăm quan xem, rồi cất ở phủ Tướng quốc.


Tôn Thịnh nói: "Ngày xưa Công Tôn Thuật tự thấy nổi lên ở Thành Đô, bèn đặt hiệu là Thành. Hai chữ trên cái ấn ngọc có lẽ là do Thuật khắc vậy".


Lúc đầu, từ lúc sau khi bình Thục, giặc Ngô đóng đồn ép gần Vĩnh An, bèn sai các quân miền Kinh, Dự hai đầu đến cứu. Tháng bảy, giặc đều rút lui. Tháng tám ngày canh dần, sai Trung phủ quân Tư Mã Viêm giúp làm việc Tướng quốc, theo nghĩa phong tước Lỗ Công cho dòng dõi(4).


Ngày quý tị, hạ chiếu nói: "Tên phản nghịch là Chung Hội ngày trước liên kết phản loạn, tụ tập kêu gọi tướng sĩ, dùng oai quân cướp phá, bắt đầu bày mưu gian, nói lời ngang ngược, ép bức quân sĩ, đều sai bàn nghị, trong bọn quân lính chẳng ai không sợ hãi. bấy giờ Tướng quốc Tả tư mã Hạ Hầu Hòa, Kị sĩ tào thuộc Chu Phủ đi sứ tại Thành Đô, Trung lĩnh quân Tư mã Giả Phụ, Lang trung Dương Tú đều bàn việc quân của Hội; nhưng Hòa, Tú, Phủ đều giữ tiết chẳng phục, chống lời ác của Hội, gặp nạn không lùi, lời lẽ trung liệt. Phụ bảo tướng rời Hội là Vương Khởi rằng: 'Hội gian nghịch hung bạo, muốn giết hết tướng sĩ', lại nói: 'Tướng quốc đã đem ba mươi vạn sang tây đánh Hội', muốn để phô trương thanh thế, kích động lòng quân. Khởi ra, đem lời Phụ mà tuyên cáo cho các quân, do đó tướng sĩ thêm mang lòng hăng hái. Ban tặng vinh sủng là để nêu rõ kẻ trung nghĩa vậy. Nay phong Hoà, Phụ tước Hương hầu, Tú, Phủ tước Quan nội hầu. Khởi tuyên truyền lời của Phụ, cáo lệnh tướng sĩ, nên được thưởng lớn. Nay lấy Khởi làm Bộ khúc tướng".


Ngày quý mão, lấy Vệ tướng quân Tư Mã Vọng làm Phiếu kị Tướng quân. Tháng chín ngày mậu ngọ, lấy Trung phủ quân Tư Mã Viêm làm Phủ quân Đại tướng quân.


Ngày tân mùi, hạ chiếu nói: "Giặc Ngô chính trị bạo ngược, tô thuế chẳng cùng. Tôn Hưu sai sứ là Đặng Câu đến lệnh Giao Chỉ Thái thu điều động dân trong quận ấy, phát để làm lính. Do đó tướng Ngô là Lữ Hưng nhân lòng dân oán giận, lại thừa cơ quân ta đã dẹp bằng Ba Thục, liền liên kết hào kiệt, giết trừ bọn Câu, xua đuổi quan Thái thú, trưởng lại, vỗ về quân dân để đợi lệnh của nhà nước. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam nghe tin Hưng bỏ nghịch theo thuận, cũng dốc lòng ứng theo, hợp sức với Hưng. Hưng gửi thư đến các châu quận miền nam, tỏ bày kế lớn, đem quân đến quận Hợp Phố, báo rõ họa phúc; sai bọn Đô úy Đường Phổ đến huyện Tiến Thặng, dâng thư cho Nam Trung Đô hộ quân Hoắc Dặc tự bày tỏ. Lại nữa quan lại quận Giao Chỉ đều dâng tấu nói là 'Hưng gây dựng sự nghiệp, lớn nhỏ đều vâng mệnh. Trong quận có giặc trên núi, dẫu ra vào các quận nhưng đều sợ kế lạ của Hưng, đều có ý rời bỏ. Nay tùy thời mà làm, chọn Hưng đốc lĩnh các quân của quận Giao Chỉ, Thượng đại tướng quân, An Định Huyện Hầu, xin ban tặng khen thưởng để vỗ về miền biên giới'. Lại có lòng thành thật, tỏ rõ ở lời nói. Ngày xưa Nghi Phủ theo nước Lỗ, được kinh Xuân thu khen hay; Đậu Dung theo nhà Hán, được đãi lễ lớn. Nay oai nước lừng xa, vỗ về sáu cõi, đang cất nhắc xứ lạ, thống nhất bốn miền. Hưng ngoảnh đầu theo giáo hóa, đem quân cúi phục, dốc nghĩa nơi vạn dặm, sẽ đến bái chức, ban cho vinh sủng, phong tước vị cao. Nếu khiến cho Hưng vui mừng cảm kích thì người phương xa nghe tin ấy tất càng hăng hái. Nay lấy Hưng làm Sứ trì tiết, đốc lĩnh các quân của Giao Châu, Nam trung Đại tướng quân, phong An Định Huyện Hầu, được tùy lúc thích hợp mà làm việc, làm trước tấu sau". Chiếu lệnh chưa đến thì Hưng đã bị kẻ dưới giết.


Mùa đông tháng mười ngày đinh hợi, hạ chiếu nói: "Ngày xưa vua hiền chúa sáng dẹp loạn giúp đời, định công phong thưởng, văn võ khác hàng nhưng cùng chung oanh liệt. Cho nên có vua chỉ múa khiên để dạy dỗ kẻ không phục, có vua chỉ bày quân lữ để uy hiếp kẻ bạo ngược. Còn như việc yêu dân giữ nước, ban ân chúng dân, phải tu sửa văn giáo trước, tỏ rõ phép tắc, bất đắc dĩ mới dùng binh, đấy là điều giống nhau của bậc có đức dày vậy. Lúc trước vỗ yên Hoa Hạ, nay không rảnh rỗi, bèn khiến cho giặc gây gổ nhiều đời. May nhỏ oai linh của tổ tiên, tể phụ trung vũ, trùm khắp bốn phương, dẹp định miền Dung, Thục mà chẳng cần đánh lâu, một trận là thắng. Mới rồi miền Giang Biểu suy kém, chính trị tối tăm. Nay miền Ba Hán đã định, khiến cho bên ấy lẻ loi không có cứu giúp, các miền Giao, Kinh, Dương, Việt lướt theo hướng về. Nay tướng ngụy ở quận Giao Chỉ là Lữ Hưng đã lĩnh ba quận, ở nơi vạn dặm mà theo lệnh; hầu tướng ở quận Vũ Lăng là bọn Tương Nghiêm liên kết năm huyện xin làm tôi thần; dân miền núi ở các quận Dự Chương, Lư Lăng đều dấy binh phản Ngô, lấy danh là Trợ bắc Tướng quân. Lại còn Tôn Hưu bệnh chết, ngôi vua chuyển đổi, trong nước phản nghịch, đều có lòng riêng. Tướng ngụy là Thi Tích, là danh thần của giặc vẫn nghi ngờ mà tự chán ghét, bị kẻ khác ghét hiềm. Quân phản thân rời, chẳng ai có chí vững, từ xưa đến nay chưa có điềm nguy diệt như thế. Nếu sáu quân rầm rộ, sang nam vượt Giang, Hán thì miền Ngô Cối tất cõng già dắt trẻ để đón quân ta, đấy là cái lí chắc chắn vậy. Nhưng phát động quân lớn vẫn có tổn hao, chỉ nên dụ cáo oai đức, tỏ rõ nhân tín, báo cho biết cái lợi của việc theo phục hòa thuận. Ngày xưa Tướng quốc Tham quân Từ Thiệu, Thủy tào duyện Tôn Úc ở tại Thọ Xuân đều bị quân ta bắt giữ. Thiệu vốn là quan Nam Lăng Đốc của ngụy, tài năng cứng cỏi, Úc vốn là họ hàng của Tôn Quyền, trung lương được khen. Nay sai Thiệu về miền nam, lấy Úc làm phó để nêu rõ lệnh vua, đều đem việc thực mà khuyên dụ người Ngô, tuyên cáo khắp chốn. Nếu bên ấy hiểu biết thì không cần tổn kế đánh dẹp, đấy là kế hơn cả, là phép cũ thời xưa vậy. Nay lấy Thiệu làm Tán kị Thường thị, bái Phụng xa Đô úy, phong Đô đình hầu; lấy Úc làm Cấp sự Hoàng môn thị lang, ban tước Quan nội hầu. Những người nhà trai gái và vợ ban cho bọn Thiệu ở đấy, đều cho tự đi theo để nêu rõ ân đức của nhà nước, không cần sai về để tỏ lòng thành tín".


Ngày mậu ngọ, sai Phủ quân Đại tướng quân Tân Hương Hầu là Viêm làm Thế tử của Tấn Vương. Năm đó, bãi quan Đồn điền để cân bằng việc lao dịch, các quan Điển nông đều được làm Thái thú, quan Đô úy đều được làm Lệnh trưởng; chiêu mộ người Thục dời vào Trung Quốc, cấp cho thóc lúa dùng trong hai năm, lại miễn thuế hai mươi năm. Các huyện An Du, Phúc Lộc đều nói có cây lúa tốt mọc.


Năm thứ hai, mùa xuân tháng hai ngày giáp thìn, người huyện Câu Nhẫn bắt được rùa thần đến dâng, đem vào ở phủ Tướng quốc. Ngày canh tuất, vì lính hổ bôn là Trương Tu ngày xưa ở tại Thành Đô ruổi ngựa đến các trại cáo dụ Chung Hội phản nghịch, dẫn đến bỏ mạng, bèn ban cho em Tu là Kì lĩnh tước Quan nội hầu. Mùa hạ tháng tư, huyện Nam Thâm Trạch nói là có sương ngọt sa xuống. Nước Ngô sai sứ là Kỉ Trắc, Hoằng Cầu đến xin hòa.


Tháng năm, hạ chiếu nói: "Tướng quốc Tấn Vương bày đặt mưu thần, đức bọc bốn cõi, võ công lẫy lừng thì oai trùm xứ lạ, lan truyền giáo hóa thì các nước bên cạnh chẳng rời bỏ. Vỗ về miền Giang Biểu, vẫn nghĩ giúp đỡ, bỏ võ chuộng nhân, nêu bảo oai đức. Văn dức truyền đến đâu thì đều ngưỡng theo hướng về, sai sứ dâng nạp để tỏ rõ ý thuận, đem vật báu đồ lạ đến mà tỏ lòng vui mừng. Vậy mà Vương vẫn khiêm nhường như thế, đều sai trả về, chẳng phải là vì vỗ về mà khiến cho người ta theo phục, mà là theo mộ lòng thành thật vậy. Nay các đồ mà Tôn Hạo dâng đến mà Vương chở về thì đều đem đến chỗ vương để hợp với phép cổ". Vương cố từ lại thôi. Lại sai Tấn Vương đội mũ miện có mười hai dải, dùng cờ tinh của Thiên tử, ra thì có quân phòng vệ, vào thì sai quân dẹp đường, ngồi xe nạm vàng bạc, có sáu con ngựa kéo, sắm năm cỗ xe đi bảo vệ, đặt cờ mao cờ xí, tám đội nhạc múa, treo chuông khánh ở trong cung. Lại phong phi của vương làm Vương hậu, Thế tử làm Thái tử, các con trai, con gái, cháu của vương đều được ban tước như phép cũ. Ngày quý mùi, đại xá. Mùa thu tháng tám ngày tân mão, Tướng quốc Tấn Vương hoăng. Ngày nhâm thìn, Thái tử Viêm của Tấn Vương được phong nối tước, trông coi trăm quan, sắm sửa chiếu lệnh, đều như lúc cũ. Tháng đó, huyện Tương Vũ tấu có người lớn hiện, cao hơn ba trượng, vết dân dài ba thước hai tấc, tóc trắng, mặc áo cộc vàng, khăn vàng, cầm gậy, gọi người dân là Vương Thủy đến bảo rằng: "Thời nay yên bình". Tháng chín ngày ất mùi, đại xá. Ngày mậu ngọ, lấy Tư đồ Hà Tăng làm Thừa tướng của Tấn Vương. Ngày quý hợi, lấy Phiếu kị Tướng quân Tư Mã Vọng làm Tư đồ, Chinh đông Đại tướng quân Thạch Bao làm Phiếu kị Tướng quân, Chinh nam tướng quân Trần Khiên làm Xa kị Tướng quân. Ngày ất hợi, táng Tấn Văn Vương. Tháng nhuận ngày canh thìn, các nước Khang Cư, Đại Uyển sai sứ đến dâng ngựa tốt, đem vào phủ Tướng quốc để tỏ rõ công lao vỗ về vạn nước phương xa.


Tháng mười hai ngày nhâm thìn, lộc trời mãi dứt, lịch số chuyển sang nhà Tấn. Hạ chiếu công khanh bầy tôi sắm bày lễ nghi đắp đàn ở chỗ ngoài phía nam thành, sai sứ giả dâng ấn thao của Hoàng đế, truyền ngôi cho Vương nối tự của nhà Tấn, theo như việc cũ của nhà Hán truyền ngôi cho nhà Ngụy. Ngày giáp tí, sai sứ giả đem chiếu đến. Bèn đổi phong ở huyện Kim Dung, rồi lại dựng quán ở đất Nghiệp, bấy giờ hai mươi tuổi.


Tranh vẽ Tào Hoán nhường ngôi cho Tư Mã Viêm.


Ngụy thế phả chép: Phong Đế làm Trần Lưu Vương. Đến năm Đại An thứ nhất, vào lúc năm mươi tám tuổi thì băng, thụy là Nguyên Hoàng Đế.


Bình rằng: Ngày xưa vì thiên hạ lập người nối tự, chỉ có người hiền mới được lập. Đời sau nối ngôi, lập con cả để thay; nếu con cả không được nối ngôi thì nên chọn người có đức sáng trong họ hàng gần gũi như thời Văn, Tuyên của nhà Hán vậy, đấy là phép chuẩn thường không đổi. Vậy mà Minh Hoàng Đế không theo phép ấy, chỉ theo tình ý riêng, nuôi nấng trẻ con, trao cho ngôi cao, chẳng có người đỡ giúp, tất làm loạn họ tộc, rút cuộc Tào Sảng bị giết, Tề Vương nối ngôi. Cao Quý Hương Công thông minh sớm lớn, ưa hỏi kinh truyện, đại khái cũng có phong thái của Văn Đế vậy, nhưng vội vàng phóng túng, tự dẫm vào họa lớn. Trần Lưu Vương cung kính ngoảnh mặt về phía nam để cho tể phụ coi việc, làm theo phép cũ, nhường mà truyền ngôi, bèn được phong ở nước lớn, được nhà Tấn xem như khách, sánh với Sơn Dương(5) lại còn được ban sủng vậy.


Chú thích

(1) Trần Lưu Vương tên là Hoán: tức Thường Đạo Hương Công tên là Hoàng, đổi tên là Hoán, sau khi truyền ngôi cho nhà Tấn, được phong làm Trần Lưu Vương.

(2) Phu nhân của Hán Hiến Đế ngày xưa là Tiết: chỉ con gái của Thái Tổ Tào Tháo là Tào Tiết, từ thời Tháo làm Thừa tướng, gả Tiết cho Hiến Đế của nhà Hán.

(3) Nghĩa 'tặng cây lúa' của Chu Thành Vương: vào thời Chu Thành Vương có cây lúa lạ mọc lên ở bờ ruộng, hợp thành một bó, cho rằng lúa tốt biểu thị thiên hạ yên ổn, là do đức của Chu Công dẫn đến vậy. Do đó Chu Thành Vương đem tặng cho Chu Công.

(4) Nghĩa phong tước Lỗ Công cho dòng dõi: Chu Công là em của Vũ Vương của nhà Chu. Vào lúc giúp Vũ Vương đánh vua Trụ, được phong làm Lỗ Công nhưng chưa đến nước. Sau này phụ chính cho Thành Vương, bái con của Chu Công làm Lỗ Vương.

(5) Sơn Dương: chỉ vua Hiến Đế của nhà Hán, sau khi truyền ngôi cho nhà Ngụy, được phong làm Sơn Dương Công.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét