Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Hậu Phi truyện

      NGỤY THƯ QUYỂN 05 – Hậu Phi truyện

Vũ Tuyên Biện Hoàng hậu, Văn Chiêu Chân Hoàng hậu, Văn Đức Quách Hoàng hậu, Minh Điệu Mao Hoàng hậu, Minh Nguyên Quách Hoàng hậu.

 


Vũ Tuyên Biện hoàng hậu

HẬU PHI TRUYỆN

Kinh Dịch chép: "Trai giữ vị ở ngoài, gái giữ vị ở trong; trai-gái giữ vị là nghĩa lớn của trời đất vậy". Những bậc vua hiền ngày xưa, chẳng ai không định rõ phép tắc trông coi Hậu phi, thuận theo đức của trời đất, cho nên hai vị phi tần gả đến bến Quy(1) thì đạo của nhà Ngu được thịnh, Nhâm-Tự kết theo họ Cơ(2) thì nhà Chu yên ổn, việc hưng phế được mất, đều bởi nguyên nhân ấy. Kinh Xuân thư chép rằng thiên tử được lấy mười hai vợ, chư hầu được lấy chín vợ, xét về tình lý, đấy là phép tắc chẳng đổi vậy. Nhưng đời cuối phóng túng, mặc ý xa xỉ, khiến cho trai-gái kết oán, nhiễu động khí hòa, riêng sắc đẹp được tôn sùng, không chuộng tính hiền thục, cho nên giáo hoá đổ nát mà phép tắc huỷ hoại, há chẳng tiếc sao! Than ôi, bậc có nước có nhà, nên lấy đó làm tấm gương lâu dài vậy!


Theo phép chế của nhà Hán, bà nội của Đế gọi là Thái hoàng thái hậu, mẹ của Đế gọi là Hoàng thái hậu, phi của Đế gọi là Hoàng hậu, ngoài ra ở nội cung có hơn mười bốn bậc. Nhà Nguỵ dựa theo pháp chế nhà Hán, danh hiệu của mẫu hậu, đều như phép cũ, từ phu nhân xuống dưới, mỗi đời lại có thêm bớt. Thái Tổ dựng nước, bắt đầu mệnh đặt ra Vương hậu, dưới có năm bậc: có Phu nhân, có Chiêu nghi, có Tiệp dư, có Dung hoa, có Mĩ nhân. Văn Đế thêm Quý tần, Thục viện, Tu dung, Thuận thành, Lương nhân. Minh Đế tăng thêm Thục phi, Chiêu hoa, Tu nghi; bỏ chức Thuận thành. Giữa năm Thái Hoà mới lập lại Phu nhân, tăng ngôi vị ở trên bậc Thục phi. Từ bậc Phu nhân trở xuống có cả thảy mười hai bậc: Quý tần, Phu nhân, ngôi vị đứng sau Hoàng hậu, tước không ai sánh được; ngôi Thục phi ngang quan Tướng quốc, tước sánh Vương chư hầu; Thục viện ngang quan Ngự sử đại phu, bằng tước Huyện công; Chiêu nghi ngang tước Huyện hầu; Chiêu hoa ngang tước Hương hầu; Tu dung ngang tước Đình hầu; Tu nghi ngang tước Quan nội hầu; Tiệp dư ngang quan 'bổng hai nghìn thạch'; Dung hoa ngang quan "bổng hai nghìn thạch'; Mĩ nhân sánh ngang quan 'có bổng hai nghìn thạch'; Lương nhân ngang quan 'bổng nghìn thạch'.


Vũ Tuyên Biện hoàng hậu, người huyện Khai Dương quận Lang Da, là mẹ của Văn Đế vậy. Vốn là con nhà ca xướng,

Ngụy thư chép: Hậu sinh vào ngày kỉ tị  tháng mười hai năm Diên Hi thứ ba (năm 161 Công nguyên) thời nhà Hán ở huyện Bạch Đình quận Tề, khi sinh ra có đám khí màu vàng che mái nhà cả ngày. Cha của Hậu là Kính Hầu thấy lấy làm lạ, đem việc này hỏi thầy bói là Vương Đán, Đán nói: "Đấy là điềm lành vậy."


năm hai mươi tuổi, Thái Tổ ở huyện Tiêu lấy làm thiếp. Sau đó theo Thái Tổ đến Lạc Dương. Kịp lúc Đổng Trác làm loạn, Thái Tổ ẩn náu sang miền đông tránh nạn. Viên Thuật truyền tin xấu về Thái Tổ, bấy giờ tả hữu đến Lạc Dương của Thái Tổ đều muốn quay về, Hậu ngăn họ lại nói: "Việc lành dữ của Tào Công chưa biết được, hôm nay về nhà, nếu ngày mai lại đến thì còn mặt mũi nào gặp lại nhau nữa? Nếu đúng là hoạ đến, chết cùng khổ chi!" Bèn nghe lời Hậu. Thái Tổ nghe chuyện liền khen Hậu. Đầu năm Kiến An, Đinh phu nhân bị phế, liền lấy Hậu làm vợ cả. Những người con không có mẹ, Thái Tổ đều cho Hậu nuôi dưỡng.


Ngụy lược chép: Thái Tổ lúc đầu lấy Đinh phu nhân, lại có Lưu phu nhân sinh ra Tử Tu và Thanh Hà trưởng công chúa(3). Lưu thị chết sớm, Đinh thị nuôi dưỡng Tử Tu. Sau khi Tử Tu chết ở huyện Nhưỡng(4), Đinh thị thường nói: "Ông làm chết con ta, không nghĩ ngợi ư?" Rồi khóc lóc không kìm nén được. Thái Tổ giận phu nhân, đuổi về nhà, muốn phu nhân phải nhún mình. Về sau Thái Tổ đến gặp phu nhân, phu nhân đang dệt vải, người ngoài truyền tin rằng: "Công đến". Phu nhân vẫn đạp khung cửi như cũ. Thái Tổ đến nơi, vỗ lưng phu nhân nói: "Theo ta cùng lên xe về thôi!" Phu nhân chẳng ngoảnh lại, cũng không đáp. Thái Tổ lùi ra, đứng ở ngoài cửa, lại nói: "Không còn gì nữa sao!" Cũng không đáp, Thái Tổ nói: "Đã quyết thật rồi!" Bèn cùng dứt tình, Thái Tổ muốn người nhà gả chồng cho phu nhân, người nhà không dám. Khi trước, Đinh phu nhân đã làm vợ chính, có thêm Tử Tu, Đinh thị xem mẹ con Hậu chẳng ra gì. Đến lúc Hậu lên làm vợ cả, chẳng nghĩ đến cái xấu cũ, nhân lúc Thái Tổ ra ngoài, thường bốn mùa sai người cấp tiền của, lại đi riêng đón phu nhân, mời vào ngồi ở ghế giữa còn mình ở dưới, đón đến đưa đi như việc ngày xưa. Đinh thị tạ rằng: "Người bỏ đi như ta, phu nhân sao xem như thường được vậy?" Về sau Định thị mất, Hậu xin Thái Tổ liệm táng, hứa theo, rồi táng ở phía nam thành huyện Hứa. Sau này Thái Tổ bệnh nặng, tự nghĩ chẳng khỏi, than rằng: "Ta trước sau làm việc theo ý mình, trong lòng chưa từng có gì đáng trách. Nhưng nếu chết rồi mà có linh, Tử Tu nếu có hỏi rằng: 'Mẹ ta ở đâu'? Ta nói sao để đáp lời đây"!


Ngụy thư chép: Hậu tính tiết kiệm, chẳng chuộng hoa lệ, không dùng châu ngọc gấm thêu, đồ dùng đều sơn đen. Thái Tổ từng thu được mấy viên ngọc đẹp, cho Hậu tự chọn lấy một viên, Hậu chọn lấy một viên hạng trung, Thái Tổ hỏi nguyên cớ, đáp rằng: "Lấy vật hạng trên là tham, lấy vật hạng dưới là dối, cho nên lấy vật hạng trung vậy".


Văn Đế làm Thái tử, quan trưởng tả hữu mừng Hậu rằng: "Tướng quân được bái làm Thái tử, thiên hạ chẳng ai không vui mừng, Hậu nên dốc hết kho tàng ban thưởng." Hậu nói: "Vương tự cho là Phi tuổi lớn, cho nên lập người nối tự, ta chỉ thoát khỏi cái lỗi không dạy dỗ được là may lắm rồi, sao lại nên thưởng lớn cho mọi người đây!" Quan trưởng quay về, đem nói hết với Thái Tổ: Thái tổ mừng nói: "Giận không biến sắc, mừng chẳng thất tiết, việc ấy rất khó làm vậy".


Năm (Kiến An) thứ hai mươi bốn, (năm 219 Công nguyên) bái làm Vương hậu, sách rằng: "Phu nhân Biện thị, nuôi nấng các con, có đức của bậc mẫu nghi. Nay bái vị Vương hậu, các Thái tử chư hầu đứng quanh, các quan chúc thọ, các tử tội ở trong nước được giảm tội một bậc". Năm (Kiến An) thứ hai mươi lăm, (năm 220 Công nguyên) Thái Tổ băng, Văn Đế lên ngôi Vương, tôn Hậu làm Vương thái hậu, lúc lên ngôi Đế, tôn Hậu làm Hoàng thái hậu, gọi là Vĩnh Thọ Cung.


Ngụy thư chép: Hậu vì đồ dùng chẳng đủ, giảm bớt thức ăn, các đồ vật vàng bạc tài vật đều bỏ đi. Đông A Vương là Thực, là con út của Thái hậu, Hậu yêu mến nhất. Về sau Thực phạm pháp, bị quan coi việc tấu lên, Văn Đế sai con của em trai Thái hậu là Phụng xa đô úy Biện Lan cùng công khanh bẩm với Thái hậu, Thái hậu nói: "Ta không ngờ thằng ấy lại làm ra như thế, mi về nói với Đế, chẳng nên vì ta mà cố tình phá hỏng phép nước". Lúc tự đến gặp Đế, cũng chẳng nói xin tha.


Thần là Tùng Chi xét: Văn Đế nằm mơ mình mài đồng tiền, muốn xóa chữ trên tiền nhưng nó lại càng sáng, đem ra hỏi Chu Tuyên. Tuyên đáp rằng: "Ấy là việc nhà của bệ hạ, dù ý muốn như vậy, nhưng Thái hậu không nghe." Thế thì Thái hậu có ý rồi, chẳng đúng như lời nói mà sách này chép vậy.


Ngụy thư lại chép: Thái hậu hễ theo quân đi đánh, thấy các bậc tuổi cao đầu bạc, liền dừng xe gọi hỏi, ban cho vải lụa, đối mặt nhỏ lệ nói: "Ta hận rằng cha mẹ ta chẳng còn bên ta lúc này." Thái hậu hễ gặp người thân bên ngoại, chẳng dùng đồ trang sức, thường nói: "Ta ở chỗ phải tiết kiệm, chớ nên mong ta ban thưởng cho, chỉ nghĩ là đủ rồi. Nhà ngoại lấy làm lạ cho rằng ta đối đãi họ quá bạc bẽo, nhưng ta tự có phép thường ấy rồi. Ta thờ Vũ Đế bốn, năm mươi năm nay, làm việc tiết kiệm lâu ngày, chẳng tự biến thành xa xỉ được, ai phạm vào tội đã cấm, ta sẽ tăng thêm tội trạng lên một bậc nữa, chớ mong ban tặng tiền gạo." Đế dựng nhà cho người em của Thái hậu là Biện Bỉnh, dựng nhà xong, Thái hậu đến nhà mời người thân thích bên ngoại, làm cỗ ở dưới bếp, không có đồ ăn ngọn khác. Tả hữu của Thái hậu ăn cơm rau, không có thịt cá. Hậu tiết kiệm như thế.


Minh Đế lên ngôi, tôn Thái hậu làm Thái hoàng thái hậu.


Giữa năm Hoàng Sơ, Văn Đế muốn truy phong cho cha mẹ của Thái hậu, Thượng thư Trần Quần tấu rằng: "Bệ hạ lấy thánh đức ứng thời vận nhận mệnh trời, dựng nghiệp thay pháp, phải làm khuôn mẫu lâu dài cho đời sau. Xét các lời văn trong sách cũ, không có phép tắc nào cho đàn bàn được nhận tước chia đất. Theo phép thường, đàn bà theo theo tước của chồng. Nhà Tần làm trái với phép thường, nhà Hán cũng theo phép đó, chẳng phải là phép cũ của của bậc Đế vương ngày xưa vậy". Đế nói: "Lời bàn này là đúng, việc ấy chớ có thi hành. Hãy soạn chiếu lệnh cất giấu vào nơi đài gác, làm khuôn mẫu mãi mãi cho đời sau". Đến mùa xuân năm Thái Hòa thứ tư, (năm 230 Công nguyên) Minh Đế mới truy thụy cho ông nội của Thái hậu là Quảng là Khai Dương Cung Hầu, cha là Viễn hiệu là Kính Hầu, bà nội của Thái hậu là Chu thị được phong làm Dương Đô Quân và Cung Hầu phu nhân, đều tặng ấn thao. Tháng năm năm ấy, Hậu băng. Tháng bảy, hợp táng ở Cao Lăng.


Khi trước, em trai của Thái hậu là Bỉnh vì có công được phong làm Đô hương hầu, năm Hoàng Sơ thứ bảy được tiến phong làm Khai Dương Hầu, thực ấp hai trăm hộ, bái Chiêu liệt tướng quân.


Ngụy lược chép: Lúc đầu, người em trai của Biện Hậu là Bỉnh, vào năm Kiến An được làm Biệt bộ tư mã, sau thường đối mặt Thái Tổ nói lời oán thán, Thái Tổ đáp rằng: "Được làm em vợ của ta, chẳng phải là nhiều rồi sao?" Về sau lại muốn Thái Tổ cấp cho tiền lụa, Thái Tổ lại nói: "Những gì mi trộm được, chẳng phải đủ rồi sao?" Cho nên đến lúc Thái Tổ băng, chức quan của Bỉnh không đổi, tiền cũng chẳng thêm.


Bỉnh chết, con là Lan nối tự. Lan thời trẻ có tài học, làm Phụng xa đô úy, Du kích tướng quân, bái thêm chức Tán kị thường thị.


Ngụy lược chép: Lan dâng một bài phú khen Thái tử có đức đẹp, Thái tử bảo rằng: "Phú, là phụ giúp cho những lời nói và sự việc, tụng, là hình dung về cái đức cao đẹp tràn đầy, cho nên tác giả không dùng những câu từ sáo rỗng, kẻ nhận nó tất phải xứng đáng thực sự. Bài phú này của Lan, há ta được thế thật sao? Trước kia Ngô Khâu Thọ Vương làm phú về Bảo đỉnh, bọn học trò của Hà Vũ ngợi ca, bởi thế mới ban cho vàng bạc, việc Lan nói tuy ta không tin, nhưng về nghĩa cũng đủ để khen. Nay ban cho một cái đầu trâu." Bởi thế sau này cũng được kính trọng thân thiết. 


Lan chết, con là Huy nối tự.


Ngụy lược chép: Vào thời Minh Đế, Lan thấy bên ngoại có hai điều khó, mà Đế lưu ý đến cung thất, nên thường nhân việc đó đi theo hầu hạ, mấy lần tha thiết can gián. Đế tuy không theo lời, nhưng cũng vui lòng với lời khẩn khoản thành thật ấy. Về sau Lan khổ về rượu mắc bệnh giải khát, lúc ấy Đế tin nữ đồng cốt dùng nước phép chữa bệnh, sai người mang nước ban cho Lan, Lan không chịu uống. Đế hạ chiếu hỏi Lan có ý gì? Lan nói trị bệnh của mình phải dùng phương thuốc, sao lại tin vào đồng cốt như thế? Đế biến sắc, nhưng Lan rút cuộc không chịu phục. Sau cơn khát nặng dần cho đến chết. Bởi thế người đương thời thấy Lan hay nói thẳng, bảo rằng vì đã trách lỗi Đế trước mặt nên Lan phải tự sát, nhưng thật là chẳng đúng.


Lại chia tước của Bỉnh, phong em của Lan là Lâm làm Liệt hầu, làm đến Bộ binh hiệu úy. Con của Lan là Long có con gái làm Hoàng hậu của Cao Quý Hương Công, Long vì là cha của Hậu mà được làm Quang lộc đại phu, vị Đặc tiến, phong Tuy Dương Hương Hầu, vợ của Long là Vương thị làm Hiển Dương Hương Quân. Truy phong cho vợ trước của Long là Lưu thị làm Thuận Dương Hương Quân, tức mẹ ruột của Hậu vậy. Con gái của Lâm lại làm Hoàng hậu của Trần Lưu Vương, lúc ấy Lâm đã chết, phong cho vợ của Lâm là Lưu thị làm Quảng Dương Hương Quân.



Trích đoạn bức tranh Lạc Thần phú đồ của Cố Khải Chi

Văn Chiêu Chân Hoàng hậu, người huyện Vô Cực quận Trung Sơn, là mẹ của Minh Đế, hậu duệ của quan Thái bảo Chân Hàm thời nhà Hán, nhà nhiều đời làm quan ăn lộc hai nghìn thạch. Cha là Dật, làm Thượng Sái Lệnh. Năm Hậu lên ba tuổi thì mất cha.


Ngụy thư chép: Dật lấy người quận Thường Sơn là Trương thị, sinh ba con trai năm con gái: con trai cả là Dự, chết sớm; con thứ là Nghiễm, cử hiếu liêm, làm Đại tướng quân duyện, Khúc Lương Trưởng; con thứ nữa là Nghiêu, cử hiếu liêm; con gái cả là Khương, con gái thứ nữa là Thoát, rồi đến Đạo, đến Vinh, con út là Hậu. Hậu sinh vào ngày đinh dậu tháng mười hai năm Quang Hòa thứ năm thời nhà Hán. Hễ ngủ say, người trong nhà thấy phảng phất như có người trùm cái áo ngọc lên người Hậu, thường cùng lấy làm lạ. Dật chết, ban hiệu là Mộ, họ hàng nội ngoại càng cho là lạ. Về sau, thầy tướng là Lưu Lương xem tướng Hậu và các con, Lương chỉ vào Hậu nói: "Người con gái này quý hiển chẳng nói hết được." Hậu từ nhỏ đến lớn, không thích đùa bỡn. Năm lên tám tuổi, ở ngoài nhà có kẻ đứng trên ngựa diễn trò, người nhà và các chị gái lên lầu ngắm xem, riêng Hậu không đi. Các chị lấy làm lạ mới hỏi, Hậu đáp rằng: "Đó há phải điều mà con gái xem sao"? Năm Hậu chín tuổi, thích viết chữ, nhìn chữ liền biết, nhiều lần dùng nghiên bút của các anh, các anh bảo Hậu rằng: "Mi nên tập việc của con gái. Đụng vào sách vở học tập, muốn làm Bác sĩ nữ chăng?" Hậu đáp rằng: "Nghe nói các vị đàn bà thời xưa, không có ai không học những việc thành bại của đời trước, lấy đó để răn mình. Chẳng biết chữ, làm sao biết được việc ấy".Về sau thiên hạ binh loạn, thêm cảnh thiếu đói, trăm họ đều bán vật báu châu ngọc vàng bạc, bấy giờ nhà Hậu cất trữ rất nhiều lúa, cũng có mua thứ đó.


Năm Hậu hơn mười tuổi, bẩm mẹ rằng: "Nay đang thời loạn mà lại mua nhiều vật báu, làm kẻ thất phu thì vô tội, người đeo ngọc là có tội. Lại nữa tả hữu đều đói thiếu, chẳng bằng đem lúa phát chẩn cho họ hàng làng xóm, để mở mang ân huệ." Cả nhà khen hay, liền theo lời Hậu.


Ngụy lược chép: Năm Hậu mười bốn tuổi, anh giữa là Nghiễm mất, để tang qua kì, thờ chị dâu rất cung kính, chăm chỉ các việc, chăm sóc con của Nghiễm, thương yêu hết mực. Mẹ của Hậu bản tính nghiêm khắc, đối đãi các nàng dâu như đạo thường, Hậu mấy lần can mẹ rằng: "Anh con không may chết sớm, chị dâu còn ít tuổi mà vẫn giữ tiết, ngoảnh có một đứa con, theo nghĩa lớn mà nói, việc đối đãi phải như nàng dâu, yêu mến nên coi như con gái." Mẹ cảm lời Hậu mà rơi lệ, liền sai Hậu và chị dâu cùng ở, ngủ nghỉ đứng ngồi cùng theo nhau, tình cảm càng thân thiết.


Giữa năm Kiến An, Viên Thiệu cho con giữa là Hi lấy Hậu. Hi ra quản U Châu, Hậu ở lại chăm sóc mẹ chồng. Kịp lúc Kí Châu bình, Văn Đế thu nạp Hậu ở huyện Nghiệp, Hậu được sủng ái, sinh ra Minh Đế và Đông Hương công chúa.


Nguỵ lược chép: Hi ra quản U Châu, Hậu ở lại chăm sóc mẹ chồng. Kịp lúc thành Nghiệp bị phá, vợ của Thiệu và Hậu cùng ngồi ở trên nhà lớn. Văn Đế vào nhà Thiệu, thấy vợ của Thiệu và Hậu, Hậu sợ, nép đầu trên đầu gối mẹ chồng, vợ của Thiệu tự trói hai tay. Văn Đế bảo rằng: "Lưu phu nhân sao lại làm như thế? Để cho người đàn bà mới ngẩng đầu lên"! Người mẹ bèn nâng mặt Hậu ngẩng lên, Văn Đế tới xem, thấy vẻ mặt phi phàm, khen ngợi Hậu. Thái Tổ nghe được ý ấy, bèn cho đón lấy.


Thế ngữ chép: Thái Tổ hạ huyện Nghiệp, Văn Đế vào phủ của Viên Thượng trước, thấy có người đàn bà tóc xoã mặt lấm, đứng khóc bên cạnh vợ của Thiệu là Lưu hậu, Văn Đế hỏi về người ấy, Lưu thị đáp rằng: "Là vợ của Hi". Rồi ngoảnh sang vén búi tóc, lấy khăn lau mặt cho, vẻ mặt tuyệt trần. Việc đã qua, Lưu thị bảo Hậu rằng: "Chẳng lo chết nữa rồi"! Rồi được nạp, sủng ái.


Ngụy thư chép: Hậu càng được sủng ái lại càng tự khiêm tốn, ở hậu cung có ai được sủng ái thì Hậu lại khuyến khích, người không được sủng ái thì Hậu an ủi, hễ nhân lúc nhàn rỗi, thường khuyên Đế, nói "Ngày xưa Hoàng Đế con cháu đầy đàn, đó là bởi vợ lẽ đông đảo, mới có được cái lộc ấy vậy. Xin tìm rộng ở bậc Thục viên để có nhiều dòng nối tự". Ý Đế khen lời ấy. Về sau Đế muốn đuổi Nhâm thị, Hậu xin với Đế rằng: "Nhâm thị đã là họ lớn ở quê nhà, đức độ sắc đẹp bọn thiếp chẳng bằng được, sao lại đuổi đi"? Đế nói: "Nhậm thị tín hẹp hòi, chẳng hoà thuận, trước sau giận ta không chỉ một lần, thế nên đuổi đi thôi." Hậu rơi lệ cố xin rằng: "Thiếp nhận cái ân tri ngộ, điều mà mọi người đều biết, hẳn sẽ cho rằng Nhâm thị bị đuổi là do thiếp vậy. Sợ rằng người trên bị chê cợt là vì tình riêng, kẻ dưới mắc cái tội vì được sủng ái, xin hãy lưu ý cho!" Đế không nghe, bèn đuổi ra. Tháng bảy năm thứ mười sáu, Thái Tổ đi đánh miền Quan Trung, Vũ Tuyên Hoàng hậu đi theo, lưu lại ở bến Mạnh Tân, Đế ở lại giữ huyện Nghiệp. Bấy giờ Vũ Tuyên Hoàng hậu thân thể có chút không khỏe, Hậu không đến thăm hỏi được, lo lắng, đêm ngày khóc lóc; tả hữu ruổi ngựa đến hỏi rồi về báo, Hậu vẫn chưa tin, nói: "Phu nhân ở nhà, bệnh cũ hễ phát thì qua nhiều ngày. Nay bảo là bệnh đỡ, sao mau vậy? Đó là muốn an ủi ý ta thôi!" Vẫn lo lắm. Sau khi nhận được thư của Vũ Tuyên Hoàng hậu gửi về, nói là bệnh đã khỏi lại, Hậu mới vui vẻ. Tháng giêng năm thứ mười bảy, đại quân về huyện Nghiệp, Hậu vào hầu Vũ Tuyên Hoàng hậu, từ xa thấy người ngồi trong màn thì mừng rỡ, tả hữu cảm động. Vũ Tuyên Hoàng hậu thấy Hậu như thế, cũng khóc, liền bảo Hậu rằng: "Cô vợ mới nói là bệnh ta nặng như lúc trước sao? Ta chỉ bệnh nhẹ chút thôi, hơn chục ngày là khỏi, không tin hãy coi sắc mặt ta!" Rồi than rằng: "Đấy mới thực là nàng dâu hiếu thuận vậy!" Năm thứ hai mươi mốt, Thái Tổ đánh miền đông, Vũ Tuyên Hoàng hậu, Văn Đế cùng Minh Đế, Đông Hương công chúa đều đi theo, bấy giờ Hậu bị bệnh ở lại huyện Nghiệp. Tháng chín năm thứ hai mươi hai, đại quân về, tả hữu hầu bên Vũ Tuyên Hoàng hậu thấy vẻ mặt của Hậu rất đày đặn, lấy làm lạ hỏi Hậu rằng: "Hậu chia biệt với hai con đã lâu, cái tình với con cái, không nghĩ đến sao, nhưng vẻ mặt của Hậu lại càng đầy đặn, sao vậy"? Hậu cười đáp chúng rằng: "Bọn chúng đi theo phu nhân, ta hám lo sao!" Hậu sáng suốt lấy lễ tự giữ như thế.


Tháng giêng năm Diên Khang thứ nhất, (năm 220 Công nguyên) Văn Đế lên ngôi Vương; tháng sáu, đánh miền nam, Hậu ở lại huyện Nghiệp. Tháng mười năm Hoàng Sơ thứ nhất, (năm 220 Công nguyên) Đế lên ngôi. Sau khi lên ngôi, Sơn Dương Công dâng hai người con gái cho nhà Ngụy; Quách Hậu, Lý quý nhân, Âm quý nhân đều được sủng ái, Hậu càng thất ý, có lời oán. Đế cả giận, tháng sáu năm thứ hai, sai sứ giả bắt Hậu phải chết, táng ở huyện Nghiệp.


Ngụy thư chép: Con coi việc tấu xin dựng cung Trường Thu, Đế có ấn thư đón Hậu, chiếu đến tại phủ, Hậu dâng biểu rằng: "Thiếp nghe nói các triều đại trước hưng thịnh, được hưởng nước lâu dài, truyền lộc cho dòng dõi, không gì là không do từ Hậu phi. Cho nên phải xét tuyển kĩ người ấy, để sửa dựng chính giáo ở bên trong. Bệ hạ mới lên ngôi, thực là nên tiến cử người hiền thục để thống quản sáu cung. Thiếp tự thấy mình ngu lậu, chẳng gánh vác nổi việc cúng tế, lại thêm bệnh tật, sao dám giữ ngôi vị ấy." Ấn thư ba lần gửi đến nhưng Hậu ba lần từ chối, lời lẽ khẩn thiết. Bấy giờ tiết trời nóng nực, Đế muốn đợi sang thu trời mát mẻ lại đón Hậu. Vừa lúc Hậu bị ốm nặng, ngày đinh mão tháng sáu mùa hạ, băng ở huyện Nghiệp. Đế đau xót than thở, sách tặng ấn thao Hoàng hậu.


Thần là Tùng Chi cho rằng: Theo nghĩa Xuân thu, trong nhà có việc ác lớn thì tránh, có việc ác nhỏ thì không chép. Việc Văn Đế không lập Chân thị, lại còn giết hại, đã có xét rõ. Người chép sử nhà Ngụy nếu cho đó là việc ác lớn thì nên giấu đi mà không chép, nếu cho đó là việc ác nhỏ thì chẳng nên dùng lời văn giả dối, vậy mà dùng lời văn rỗng tuếch đến như thế, khác với những điều mà ta thấy ở sử cũ. Do đó mà nói, sách khen điều hay của các vị Hoàng hậu Biện thị, Chân thị đều khó mà xét được sự thật. Họ Trần gạt bỏ, chọn việc đáng tin vậy.


Minh Đế lên ngôi, quan coi việc tấu xin truy thụy cho Hậu, Đế sai Tư không Vương Lãng cầm cờ tiết đem sách mệnh làm cỗ thái lao cúng tế ở lăng, lại dựng lập miếu riêng.


Nguỵ thư chép bản tấu của Tam công rằng: "Cái đạo của hiếu kính là dốc lòng với người thân, do đó bốn cõi theo giáo hoá, trời đất cũng xét rõ, đấy gọi là người sinh ra thì phải dốc sức nuôi dưỡng họ, chết thì phải làm cho linh hồn được vẻ vang, khen tụng để tỏ hết đức cao đẹp, nêu lên tên tuổi rạng rỡ. Nay bệ hạ có đức sáng của bậc thánh nhân, nối thay nghiệp lớn, lòng hiếu ngời ngời, thấu cả thần minh, gặp cảnh đau buồn, thường vẫn khiêm nhường. Tiên đế dời táng ở lăng gò, lễ nghi đã sắm, còn với Tiên hậu, thụy chưa vẻ vang. Cúi nghĩ Tiên hậu khiêm cung chiếu sáng cả chỗ u tối, phẩm hạnh sáng tỏ đến mức không cần nói mà giáo hoá lan truyền khắp nước, đức xứng với những lời khen ở bài Nhị nam(5), cho nên mới được thần linh báo điềm lành, đời đời làm Hậu của nhà Đại Ngụy. Dù đã sớm đi xa, sau vạn năm nữa, vẫn mãi rạng rỡ, công lao của Hậu không nêu mà còn. Xét phép đặt thụy: thông đạt sáng suốt gọi là 'Chiêu', đức sáng có công cũng gọi là 'Chiêu'. 'Chiêu' là sáng nhất, sáng mãi không mờ vậy. Nên tôn hiệu là Văn Chiêu Hoàng hậu". Tháng ấy, Tam công lại tấu: "Từ đời xưa tổ tiên của nhà Chu là Hậu Tắc, lại dựng miếu riêng để tế Khương Nguyên. Ngày nay Văn Chiêu Hoàng hậu là Hoàng hậu của muôn đời, đức thánh đạo hay, há đếm được chăng! Hậu coi việc tế tự của nhà vua, lại dốc lòng khiêm cung, cố từ ngôi cao, đến lúc hóa thần mà chẳng có miếu thờ để hưởng lễ, đấy chẳng phải là báo đền đức cao, tỏ rõ đạo hiếu kính vậy. Xét theo phép cổ, nên theo như Chu lễ, lập riêng miếu thờ cho Hậu". Đều được cho làm.


Tháng ba năm Thái Hòa thứ nhất, (năm 227 Công nguyên) lấy một nghìn hộ dân ở làng An Thành huyện Ngụy Xương quận Trung Sơn để truy phong cho Dật, thụy là Kính Hầu. Cháu cả là Tượng nối tước. Tháng tư, mới dựng tông miếu, đào đất được cái ấn ngọc, vuông một tấc chín phân, có khắc chữ là "Thiên tử thương nhớ mẹ hiền". Minh Đế vì thế động lòng, lấy cỗ thái lao tế ở miếu. Lại thường nằm mơ gặp Hậu, do đó phân rõ cao thấp những người thân thích bên họ ngoại đều theo thứ bậc, ban thưởng đến hàng vạn; lấy Tượng làm Hổ bôn trung lang tướng. Tháng ấy, mẹ của Hậu mất, Đế mặc áo tang đến viếng, trăm quan đứng quanh. Tháng mười một năm thứ tư, vì lăng cũ của Hậu ở chỗ thấp, Đế sai Tượng làm Thái úy cầm cờ tiết đến huyện Nghiệp, bẩm cáo hậu thổ(6); tháng mười hai, đổi táng ở lăng Triều Dương. Tượng về, chuyển làm Tán kị thường thị. Mùa xuân năm Thanh Long thứ hai, (năm 234 Công nguyên) truy thụy cho anh của Hậu là Nghiễm làm An Thành hương Mục Hầu. Mùa hạ, giặc Ngô cướp Dương Châu, lấy Tượng làm Phục ba tướng quân, Trì tiết, coi xét các tướng đánh miền đông, về, lại làm Xạ thanh hiệu úy. Năm thứ ba thì chết, truy tặng chức Vệ tướng quân, đổi phong ở huyện Ngụy Xương, thụy là Trinh Hầu; con là Sướng nối tự. Lại phong cho em của Sướng là Ôn, Vĩ, Diễm đều làm Liệt hầu. Năm thứ tư, đổi phong tước cũ của Dật, Nghiễm đều là Ngụy Xương Hầu, thụy như cũ. Phong vợ cả của Nghiễm là Lưu thị là Đông Hương Quân, lại truy phong cho vợ cả của Dật là Trương thị là An Hỉ Quân.


Mùa hạ năm Cảnh Sơ thứ nhất, (năm 237 Công nguyên) quan coi việc bàn định bảy miếu. Mùa đông, lại tấu rằng: "Đế vương dựng nghiệp, đã có vua vâng mệnh trời, lại có Hậu phi hiền thục hợp với thần linh, do đó tạo thời hưng thịnh để thành nghiệp lớn. Xưa kia họ Cao Tân bói biết rằng con của bốn người phi đều có được thiên hạ, thế rồi Đế Chí, Đào Đường, Thương, Chu thay nhau(7). Người nhà Chu truy tôn Hậu Tắc, thờ cùng trời cao, xét kĩ nguồn gốc của nhà vua, vốn có từ Khương Nguyên, lập riêng cung miếu, đời đời dâng tế, Chu lễ chép rằng: 'Tấu nhạc có phép tắc, ca hát có vần điệu, múa như sóng cuộn, để dâng lên bà tổ'. Nhà thơ ca tụng việc ấy rằng: 'Dân chúng thủa trước là từ bà Khương Nguyên'. Ấy là nói đến cái gốc của phép vua, gốc của sinh dân. Lại chép: 'Miếu thờ thanh tĩnh, rộng rộng cao cao, Khương Nguyên hiển hách, đức chẳng che mờ". Kinh Thi, kinh Lễ khen cái thịnh của họ Cơ, lời lẽ hay đẹp như thế. Đại Ngụy ứng vận, nối theo nhà Ngu, vẫn tôn sùng phép vua, ba đời nổi hưng, kể số miếu thờ sánh với nhà Chu. Ngày nay Vũ Tuyên Hoàng hậu, Văn Đức Hoàng hậu đều được thờ cúng đến muôn đời, còn như Văn Chiêu Hoàng hậu nhận điềm lành của thần linh, nuôi dưỡng vua hiền, cứu giúp dân lành, đức trùm đất trời, mở mang dòng dõi, là gốc mà đạo hóa hưng thịnh vậy. Nên dựng miếu thờ cũng như miếu lớn thờ Khương Nguyên vậy. Thế mà chưa nêu lên được phép tắc bất hủ, sợ là cái nghĩa luận công báo đức, vạn đời có thiếu sót, đấy là không phải nêu rõ cái đạo hiếu cho đời sau vậy. Miếu của Văn Chiêu đáng được đời đời dâng tế tấu nhạc, giống như miếu tổ, soạn sách lễ mãi không mục để truyền phong tục thánh thiện". Vì thế lời bàn định về bảy miếu đều được khắc vào sách vàng, cất ở rương vàng.


Đế nghĩ đến họ ngoại không thôi. Sướng còn nhỏ, cuối năm Cảnh Sơ, lấy Sướng làm Xạ thanh hiệu úy, thêm chức Tán kị thường thị, lại dựng riêng một toà nhà lớn, xa giá tự đến thăm nhà. Lại nữa ở vườn sau ngôi nhà ấy dựng miếu thờ mẹ của Tượng, gọi cái làng có miếu thờ ấy là làng Vị Dương, để tưởng nhớ đến họ ngoại. Tháng giêng năm Gia Bình thứ ba, (năm 251 Công nguyên) Sướng chết, truy tặng chức Xa kị tướng quân, thụy là Cung Hầu; con là Thiệu nối tự. Năm Thái Hoà thứ sáu, (năm 232 Công nguyên) con gái yêu của Minh Đế là Thục chết, truy phong thụy cho Thục là Bình Nguyên Ý công chúa, cho lập miếu thờ. Đem người cháu họ đã chết của Hậu là Hoàng cùng hợp táng, truy phong cho Hoàng tước Liệt hầu, lấy em họ của phu nhân Quách thị là Đức làm con nối tự, nối dòng dõi họ Chân, phong Đức làm Bình Nguyên Hầu, nối tước của công chúa.


Tôn Thịnh nói: "Về lễ, đàn bà đã không có phép tắc phong tước, huống chi là trẻ con, vậy mà phong cho ấp lớn sao? Đức từ họ khác thì thay nối họ khác, chẳng có công lao không phải thân thích mà cho nối tước của mẹ mình, đấy là trái tình sai phép, như thế quá lắm vậy. Trần Quần dẫu nói lời chống đối, Dương Phụ nêu việc cũng thế, nhưng đều chẳng nêu được đến tận cùng cái lễ của bậc vua thời xưa, chẳng tỏ được phép tắc phong ấp nối tước, chẳng có lời trung trinh, cũng là thiếu sót vậy! Kinh Thi chép: 'Sư doãn(8) hiển hách, dân đều trông vào'. Giữ chức Tể tướng mà qua loa vậy sao"!


Tấn chư công tán chép: Đức tự Ngạn Tôn. Tư Mã Cảnh Vương làm phụ chính, gả con gái cho Đức. Vợ chết sớm, Văn Vương lại gả con gái cho Đức làm vợ cả, tức Kinh Triệu trưởng công chúa vậy. Hai vị Cảnh Vương-Văn Vương muốn tự liên kết với Quách Hậu, cho nên cho kết hôn nhiều. Đức dẫu không có tài học nhưng cung kính hoà mục. Chân Ôn tự Trọng Thư, cùng Quách Kiến và bọn Đức đều là họ hàng của Hậu, vì thế mà được sủng ái. Đầu năm Hàm Hi, phong Quách Kiến làm Lâm Vị huyện công, Đức làm Quảng An huyện công, thực ấp đều là một nghìn tám trăm hộ. Ôn vốn phong tước Hầu, bái làm Phụ quốc đại tướng quân, thêm chức Thị trung, lĩnh chức Xạ thanh hiệu uý; Đức làm Trấn quân Đại tướng quân. Năm Thái Thủy thứ nhất, nhà Tấn nhận ngôi trời, bái thêm cho ba người Kiến, Đức, Ôn vị Đặc tiến. Đức là người thật thà, lại là anh rể của Thế Tổ, vì thế được quý hiển ở đời. Đức tuổi già đổi sang làm quan Tông chính, chuyển làm Thị trung. Giữa năm Thái Khang, Đại tư mã Tề Vương là Du phải đi xa làm phiên vương, Đức và Tả vệ tướng quân Vương Tế cùng can gián, người bấy giờ đều khen họ. Thế Tổ vì thế trọng Đức, do đó cử Đức làm Đại hồng lư, bái thêm chức Thị trung, Quang lộc đại phu, rồi bệnh mất, tặng chức Trung quân đại tướng quân, Khai phủ, Thị trung như cũ, thụy là Cung Công, con là Hỉ nối tự. Hỉ là trong sạch có đức đẹp, làm qua chức Trung thư lang, Hữu vệ tướng quân, Thị trung, vị đến chức Phụ quốc đại tướng quân, bái thêm chức Tán kị thường thị. Hỉ thân thiện với thân thích của nhà vua, nhưng qua sự biến của Triệu Vương là Luân và Tề Vương là Quýnh, không tham dự hội mưu, cũng do mình tài kém, nhưng cũng vì lặng im mà bị bãi quan.


Giữa năm Thanh Long, lại phong cho con của anh họ Hậu là Nghị và ba người em của Tượng đều được Liệt hầu. Nghị nhiều lần dâng sớ bầy tỏ chính sự lúc bấy giờ, làm đến chức Việt kị hiệu úy. Giữa năm Gia Bình, lại phong cho hai người con của Sướng làm Liệt hầu. Cháu gái của anh Nghiễm của Hậu làm Hoàng hậu của Tề Vương; cha của Hậu đã mất, phong cho mẹ của Hậu làm Quảng Lạc Hương Quân.


Văn Đức Quách Hoàng hậu, người huyện Quảng Tông quận An Bình. Tổ tiên nhiều đời làm trưởng lại.


Ngụy thư chép: Cha là Vĩnh, làm đến Nam Quận Thái thú, thụy là Kính Hầu. Mẹ là Đổng thị, tức Đường Dương Quân, sinh ba con trai hai con gái: con trai cả là Phù, làm Cao Đường Lệnh; con gái thứ là Dục; con gái thứ nữa là Hậu; em trai của hậu là Đô, em trai là Thành. Hậu sinh vào ngày ất mão tháng ba năm Trung Bình thứ nhất thời nhà Hán, sinh ra có tướng khác thường.


Hậu thủa trẻ thì cha là Vĩnh cho là lạ, nói: "Đấy là vua của đám đàn bà vậy". Bèn lấy tên 'Nữ Vương' làm tên tự. Sớm mất cha mẹ, tang loạn li tán, vào ở nhà của Đồng Đê Hầu. Vào thời Thái Tổ làm Ngụy Công, được vào Đông cung. Hậu có trí xảo, nhiều lần có bày kế sách. Văn Đế được nối tự, Hậu có mưu vậy. Thái tử lên ngôi Vương, Hậu làm phu nhân; kịp lúc lên ngôi Đế, làm quý phi. Cái chết của Chân Hậu là do Hậu được sủng ái vậy. Năm Hoàng Sơ thứ ba, (năm 222 Công nguyên) sắp lên ngôi Hậu, Văn Đế muốn lập làm Hậu, Trung lang Sạn Tiềm dâng sớ nói: "Vào thời xưa bậc Đế vương thống trị thiên hạ, không chỉ nhờ bên ngoài giúp, mà cũng cậy bên trong đỡ, yên hay loạn do từ đó, thịnh hay suy cũng bắt nguồn từ đấy. Cho nên Tây Lăng(9) kết hôn Hoàng Đế, Anh-Nga đến bến Quy, đều vì hiền minh mà lưu tiếng thơm thời trước. Kiệt bị đày đến Nam Sào, họa từ Mạt Hỉ; Trụ bày hình cột dầu để làm vui lòng Đát Kỉ. Cho nên nên bậc thánh triết cẩn thận lập vợ cả, phải chọn nhà quyền quý thời trước, lựa người hiền thục để trông coi sáu cung, cúng tế tông miếu, dạy bảo lễ giáo. Kinh Dịch chép: 'Đạo nhà chính thì thiên hạ định'. Đấy là phép hay của bậc Đế vương thời trước, nêu gương cho trong và ngoài vậy. Kinh Xuân thư chép tông nhân Hấn Hạ nói rằng: 'Không dùng lễ lập nàng hầu làm phu nhân'. Tề Hoàn Công thề lệnh ở Quỳ Khâu cũng nói: 'Không lấy nàng hầu làm vợ'. Nay hậu cung được sủng ái, thường theo xe ngựa; nếu vì được yêu mà lên ngôi Hậu, khiến kẻ thấp hèn thành tôn quý, thì thần sợ rằng đời sau 'dưới lấn trên suy', mở dẫn vô phép, loạn từ trên nổi lên vậy". Văn Đế không nghe, bèn lập làm Hoàng hậu.


Ngụy thư chép: Hậu dâng biểu tạ rằng: "Thiếp không có tiết nhún nhường của Hoàng-Anh, lại chẳng có cái đạo sửa trị của Khương-Nhâm, thực là không đáng để trao ngôi cao trông coi các phu nhân, gánh việc lớn ở hậu cung". Hậu tự ở Đông cung, đến lúc lên ngôi vị, dẫu có quý sủng nhưng ý càng cung kính, chăm sóc Vĩnh Thọ Cung, nổi tiếng có hiếu. Bấy giờ những quý nhân khác cũng được sủng ái, Hậu dạy bảo khích lệ họ. Các quý nhân ở hậu cung có lúc mắc lỗi lầm, thường xét kĩ họ, nếu đáng trách phạt thì liền kể rõ góc ngọn cho Đế biết, Đế có lúc vì thế cả giận, lại vì họ mà cúi đầu xin tha tội, cho nên sáu cung không oán. Tính tiết kiệm, không ưa âm nhạc, thường ngưỡng mộ cách làm người của Minh Đức Mã Hoàng hậu thời nhà Hán.


Hậu sớm mất anh em, lấy anh họ là Biểu nối thay nghiệp của Vĩnh, bái làm Phụng xa đô úy. Người thân bên họ ngoại của Hậu là Lưu Bùi kết hôn với người nước khác, Hậu nghe tin, răn rằng: "Những người thân thích lấy vợ, nên chọn người ngang hàng với quê quán nhà cửa, không được cậy thế mà bắt ép người khác kết hôn". Con của chị Hậu là Mạnh Vũ về quê nhà lấy vợ bé, Hậu ngăn lại. Bèn lệnh các nhà rằng: "Ngày nay đàn bà ít, phải gả cho tướng sĩ, không được nhân cơ hội mà lấy làm vợ bé. Nên đều tự cẩn thận, không được làm sai".


Ngụy thư chép: Hậu thường răn bảo Biểu, bọn Biểu nói: "Người thân thích của nhà Hán ít kẻ tự trọn vẹn, đều do kiêu căng, nay ta không nên cẩn thận sao"!


Năm (Hoàng Sơ) thứ năm, (năm 224 Công nguyên) Đế đánh miền đông, Hậu lưu lại tại đài Vĩnh Thủy thành Hứa Xương. Bấy giờ mưa dầm hơn trăm ngày, nhiều thành lầu bị đổ, quan coi việc tấu xin dời chuyển. Hậu nói: "Ngày xưa Sở Chiêu Vương ra chơi, Trinh Khương lưu lại ở Tiệm Đài, nước sông dâng, sứ giả đến đón mà không có tín phù, bèn không đi mà chết chìm. Nay Đế ở nơi xa, ta chưa có cái nạn ấy mà lại dời chuyển, sao được"? Bầy tôi chẳng ai dám nói nữa. Năm thứ sáu, Đế lại sang đông đánh Ngô, đến quận Quảng Lăng, Hậu lưu lại ở Tiêu cung; bấy giờ Biểu ở lại bảo vệ, muốn ngăn nước bắt cá. Hậu nói: "Nước để thông đường vận chuyển, lại đang thiếu cây gỗ, bọn nô bộc không ở trước mắt, lại muốn lấy riêng tre gỗ của công để ngăn mương rạch. Nay làm Phụng xa còn chưa xong, há bắt cá được sao"?


Minh Đế lên ngôi, tôn Hậu làm Hoàng thái hậu, gọi là Vĩnh An Cung. Năm Thái Hòa thứ tư, (năm 230 Công nguyên) chiếu phong Biểu làm An Dương Đình Hầu, lại ban tước Hương hầu, tăng ấp cả năm trăm hộ lúc trước, chuyển làm Trung lũy tướng quân. Lấy con của Biểu là Tường làm Kị đô úy. Năm đó, Đế truy thụy cha của Thái hậu là Vĩnh làm An Dương hương Kính Hầu, mẹ là Đổng thị làm Đô Hương Quân. Chuyển Biểu làm Chiêu đức tướng quân, ban thao tía vàng, vị Đặc tiến; bái con thứ hai của Biểu là Huấn làm Kị đô úy. Kịp lúc mẹ của Mạnh Vũ chết, muốn táng rộ, dựng miếu thờ, Thái hậu ngăn lại, nói: "Từ thời tang loạn đến nay, phần mộ không đâu không bị đào bới, đều là do táng rộ vậy. Lăng Thú Dương nên lấy làm phép chuẩn". Mùa xuân năm Thanh Long thứ ba, (năm 235 Công nguyên) Hậu băng ở Hứa Xương, dựng lăng theo chế lệnh; ngày canh dần tháng ba, táng ở phía tây lăng Thú Dương.


Ngụy lược chép: Minh Đế đã thay lập, suy xét cái chết của Chân Hậu, cho nên Thái hậu lo lắng mà băng. Vào lúc Chân Hậu sắp mất, đem Đế gửi cho Lí phu nhân. Kịp lúc Thái hậu băng, Lí phu nhân bèn nói là Chân Hậu bị vu họa, không được thu liệm, xén tóc trùm mặt, Đế đau xót rơi lệ, sai liệm táng Thái hậu, đều như việc cũ của Chân Hậu.


Hán Tấn xuân thu chép: Lúc trước Chân Hậu bị giết là do Quách Hậu được sủng ái, đến lúc liệm, sai xén tóc trùm mặt, lấy vỏ trấu nhét vào miệng, rồi lập Quách Hậu, sai nuôi Minh Đế. Minh Đế biết, lòng thường mang hận, nhiều lần khóc hỏi cái chết của Chân Hậu. Quách Hậu nói: "Tiên đế tự bắt giết, sao lại trách hỏi ta? Vả lại mi là người con, đáng căm thù người cha đã mất, vì mẹ cũ mà giết uổng mẫu hậu sao"? Minh Đế giận, bèn ép giết Hậu, sai người liệm như việc cũ của Chân Hậu.


Ngụy thư chép sách lệnh điếu ai rằng: "Nghĩ về ngày nhâm thân tháng ba năm Thanh Long thứ ba, Hoàng thái hậu tể cung bắt đầu được liệm, đem táng ở lănh phía tây lăng Thú Dương. Kẻ làm con chịu tang Hoàng đế là Duệ cầm sách thư đưa tiễn tổ tiên, tự mình cúng tế, gõ đầu đấm ngực, kêu khóc ngẩng than, đau vì linh hồn bay về trời, buồn theo xe trên đường, ánh 'tam quang' cũng che lấp, đưa hậu về nơi suối vàng yên nghỉ. Than ôi thương thay! Ngày xưa hai vị phi gả cho họ Ngu vì thế mà phép vua sáng rõ, ba người mẹ gả cho nhà Chu thì nêu cao tiếng tốt, đã nhận nhiều phúc lành, lại hưởng lộc lâu dài. Thương ôi mẹ hiền, sửa dựng giáo hóa, rồng bay cực đỉnh, hóa hợp thánh hoàng, không lo tuổi đời, bệnh nặng thân băng. Con nhỏ xót xa, côi cút tự buồn, hồn dẫu rời xa, ngẫm nghĩ nhớ mong! Than ôi thương thay"!


Đế phong Biểu làm Quan Tân Hầu, tăng năm trăm hộ, gồm cả nghìn hộ lúc trước. Chuyển Biểu làm Phụ mã đô úy. Năm thứ tư, xét đổi phong Vĩnh làm Quan Tân Hầu, vợ là Đổng thị làm Đường Dương Quân. Truy phong thụy anh của hậu là Phù làm Lương Lí đình Đái Hầu; Đô làm Vũ Thành đình Hiếu Hầu; Thành làm Tân Nhạc đình Định Hầu, đều sai sứ giả đem sách lệnh đến, dùng đồ thái lao cúng tế. Biểu hoăng, con là Tường nối tự, lại chia tước của Biểu phong cho em của Tường là Thuật làm Liệt hầu. Tường hoăng, con là Chiêu nối tự.



Hán cung xuân hiểu đồ của Cừu Anh

Minh Trác Mao Hoàng hậu, người quận Hà Nội. Giữa năm Hoàng Sơ được tuyển vào Đông cung, bấy giờ Minh Đế làm Bình Nguyên Vương, tiến dâng được sủng ái, ra vào cùng ngồi xe kiệu. Kịp lúc lên ngôi Đế, lấy làm quý phi. Năm Thái Hòa thứ nhất, lập làm Hoàng hậu. Cha của Hậu là Gia, bái làm Kị đô úy, em của Hậu là Tăng, bái làm Lang trung.


Trước đây, Minh Đế làm Vương, mới lấy người quận Hà Nội là Ngu thị làm phi, lúc Đế lên ngôi, Ngu thị không được lập làm Hậu, Thái hoàng hậu là Biện Thái hậu vỗ về Ngu thị, Ngu thị nói: "Họ Tào ưa tự lập kẻ thấp hèn, không có ai có nghĩa mà được chọn vậy. Nhưng Hậu coi việc ở trong, vua nghe chính sự ở ngoài, cái đạo ấy dựa vào nhau mà thành; nếu không sửa nắn được thì chưa có ai được trọn vẹn cả. Cũng vì thế mà mất nước diệt tự thôi"! Ngu thị bèn bị đuổi về Nghiệp cung. Bái Gia làm Phụng xa đô úy, bái Tăng làm Kị đô úy, ban sủng hậu hĩnh. Chốc lát, phong Gia làm Bác Bình Đình Hầu, chuyển làm Quang lộc đại phu, chuyển Tăng làm Phụ mã đô úy. Gia vốn là thợ làm xe, chợt được tôn quý, Minh Đế sai bầy tôi hội người nhà ăn yến, dáng vẻ cử chỉ của họ rất thô kệch, nói liền tự bảo là 'Hầu thân', người thấy cho là đáng cười.


Tôn Thịnh nói: "Bậc Đế vương thời xưa đều phải tìm vợ hiền để nêu cao đức tốt, nắn phép vua như trong bài Quan thư(10), sửa phong tục như ở bài Lân chỉ(11). Kịp đến thời ba vị vua cuối, làm loạn nối tự, nghĩa tình chìm đắm, quyền rơi vào kẻ được sủng ái, quý và hèn không phân rõ, dưới lấn trên suy, hưng suy thịnh phế, đều do ở đó. Nhà Ngụy từ thời Vũ Vương cho đến thời Liệt Tổ(12), lập ba Hoàng hậu đều xuất thân từ nhà hèn kém; gốc đã thấp kém, sao mà lâu dài được? Kinh Thi chép: 'Vải thưa vải mỏng, gió thổi lạnh ghê'(13). Là nói về việc ấy chăng"!


Sau lại bái Gia vị Đặc tiến, bái Tăng chuyển làm Tán kị thị lang. Năm Thanh Long thứ ba, Gia hoăng, truy tặng chức Quang lộc đại phu, đổi phong An Quốc Hầu, tăng ấp năm trăm hộ, gồm cả nghìn hộ lúc trước, thụy là Tiết Hầu. Năm thứ tư, truy phong mẹ của Hậu là Hạ thị làm Dã Vương Quân.


Vào lúc Đế sủng ái Quách Nguyên hậu, càng ít sủng ái Hậu. Năm Cảnh Sơ thứ nhất, (năm 237 Công nguyên) Đế chơi ở vườn sau, gọi từ bậc Tài nhân trở lên dự yến bày nhạc, Nguyên Hậu nói: "Nên mời Hoàng hậu". Đế không nghe, bèn cấm tả hữu, sai không được nói ra. Hậu biết được, hôm sau Đế gặp Hậu, Hậu nói: "Hôm qua ăn chơi ở vườn bắc có vui không"? Đế cho là tả hữu tiết lộ việc này, giết mất hơn mười người, lại bắt Hậu phải chết, nhưng vẫn ban thụy, táng ở Mẫn Lăng. Chuyển Tăng làm Tán kị thường thị, sau lại chuyển làm Vũ lâm hổ bôn trung lang tướng, Nguyên Vũ điển nông.


Minh Nguyên Quách Hoàng hậu, người quận Tây Bình, nhà nhiều đời là hào tộc ở miền Hà Hữu. Giữa năm Hoàng Sơ, bản quận phản loạn, bèn bắt vào cung. Minh Đế lên ngôi, rất được sủng ái, bái làm phu nhân. Chú ruột là Lập làm Kị đô úy, chú họ là Chi làm Hổ bôn trung lang tướng. Đế bệnh nặng, bèn lập làm Hoàng hậu. Tề Vương lên ngôi, tôn Hậu làm Hoàng thái hậu, gọi là Vĩnh Ninh Cung, truy phong thụy cha của Thái hậu là Mãn làm Tây đô Định Hầu, lấy con của Lập là Kiến thay tước ấy. Phong mẹ của Thái hậu là Đỗ thị làm Cáp Dương Quân. Chuyển Chi làm Tán kị thường thị, Trường thủy hiệu úy, 


Ngụy lược chép: Trong những người họ Quách, Chi là người thẳng thắn nhất. Lúc trước tự có công khác mà được phong Hầu. 


chuyển Lập làm Tuyên đức tướng quân, đều phong Liệt hầu. Anh của Kiến là Đức ra chăm sóc Chân thị. Đức và Kiến đều làm Trấn hộ tướng quân, đều phong Liệt hầu, cùng nắm quân Túc vệ. Gặp lúc ba vị vua nhỏ dại(14), tể tướng nắm quyền, tranh cướp quyền lớn, đều bẩm báo với Thái hậu trước rồi mới làm việc. Vào lúc bọn Quán Khâu Kiệm, Chung Hội làm loạn, đều mượn lệnh của Hậu để làm lời lẽ vậy. Tháng mười hai năm Cảnh Nguyên thứ tư (năm 263 Công nguyên) thì băng; tháng hai năm thứ năm, táng ở phía tây lăng Cao Bình.


Tấn chư công tán chép: Kiến tự Thúc Thủy, có tài năng mà cứng cỏi, giữa năm Thái Thủy thì bệnh hoăng; con là Hỗ nối tự, làm Cấp sự trung.


Bình rằng: Người nhà của Hậu phi nhà Ngụy, dẫu nói là tôn quý nhưng không có cơ hội nắm quyền như thời nhà Hán suy kém, do tể tướng chuyên quyền cả. Soi xét phép cũ, như thế là tốt rồi. Lại nhớ lời bàn của Trần Quần, lời luận của Sạn Tiềm cũng đủ để làm tấm gương cho các vị vua, truyền phép tắc cho đời sau vậy.

 

Chú thích

(1) Hai vị phi tần gả cho họ Quy: chỉ hai con gái của vua Nghiêu là Nga Hoàng và Nữ Anh gả cho vua Thuấn họ Ngu ở bến Quy.

(2) Nhâm-Tự kết theo họ Cơ: Nhâm tức Thái Nhâm, con gái của họ Chí Nhâm, Tây Bá là Cơ Quý Lịch lấy làm phi, sinh ra Chu Văn Vương; Tự tức Thái Tự, con gái của họ Hữu Sân, Chu Văn Vương lấy làm phi, sinh ra Chu Vũ Vương.

(3) Tử Tu và Thanh Hà trưởng công chúa: Tử Tu tức Tào Ngang tự Tử Tu cùng với Thanh Hà trưởng công chúa là anh em cùng cha mẹ là Vũ Đế Tào Tháo và Lưu phu nhân. Thanh Hà trưởng công chúa không rõ tên, gả cho Hạ Hầu Mậu.

(4) Tử Tu chết ở huyện Nhưỡng: theo Vũ Đế kỉ, Tử Tu chết trận ở thành huyện Uyển.

(5) Nhị nam: chỉ hai bài thơ Chu nam và Thiệu nam trong kinh Thi.

(6) Hậu thổ: chỉ thần đất.

(7) Xưa kia họ Cao Tân bói biết rằng con của bốn người phi đều có được thiên hạ, thế rồi Đế Chí, Đào Đường, Thương, Chu thay nhau: Đế Khốc họ Cao Tân bói cho con của bốn người vợ rằng: vợ cả là bà Khương Nguyên sinh ra Hậu Tắc là tổ của nhà Chu; vợ thứ hai là bà Giản Địch sinh ra Tiết, là tổ của nhà Thương; vợ thứ ba là bà Trần Phong sinh ra Đế Nghiêu nhà Đào Đường; vợ thứ tư là bà Tu Tí, sinh ra Đế Chí.

(8) Sư doãn: chỉ quan Tể tướng, còn gọi là Sư phó, Thái sư.

(9) Tây Lăng: chỉ bà Luy Tổ, là con gái của họ Tây Lăng, gả cho Hoàng Đế.

(10) Quan thư: một bài thơ trong kinh Thi.

(11) Lân chỉ: một bài thơ trong kinh Thi.

(12) Liệt Tổ: chỉ Ngụy Minh Đế, thụy là Liệt Tổ Minh Hoàng Đế.

(13) Kinh Thi chép: 'Vải thưa vải mỏng, gió thổi lạnh ghê': ý nói vợ kẻ hèn kém thì nhà cũng suy kém như vải thưa thì gió thổi vào thì lạnh.

(14) Ba vị vua nhỏ dại: chỉ ba vị vua cuối của nhà Ngụy là Tào Phương, Tào Mao, Tào Hoán.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét