TRUYỆN ĐIỀN DỰ
Điền Dự tự Quốc Nhượng,
người huyện Ung Nô quận Ngư Dương. Lúc Lưu Bị đến nương nhờ Công Tôn Toản thì Dự
còn nhỏ tuổi, tự gửi thân nơi Bị, Bị rất coi trọng. Lúc Bị làm Dự Châu Thứ sử,
Dự vì mẹ già mà xin về, Bị khóc lóc cùng chia tay, nói: "Chỉ hận không được
cùng ông làm nên nghiệp lớn".
Công Tôn Toản sai Dự
làm Đông Châu Lệnh, tướng của Toản là Vương Môn phản Toản, giúp Viên Thiệu đem
hơn vạn quân đến đánh. Quân sợ, muốn hàng, Dự lên mặt thành bảo Môn nói:
"Ông được họ Công Tôn coi trọng mà lại bỏ đi, trong lòng chắc là bất đắc
dĩ thôi; vậy mà nay lại làm giặc, biết ông là kẻ làm loạn rồi. Người có trí
nông cạn như cái bình nhỏ mà vẫn biết giữ lòng trung không đổi, ta đã nhận lệnh,
sao ngươi đánh gấp vậy"? Môn thẹn mà rút quân. Toản dẫu biết Dự có mưu lược
nhưng lại không dùng vậy. Toản thua, rồi Tiên Vu Phụ được người trong quận bầu
chọn, coi việc quan Thái thú, vốn khen tài Dự, dùng làm Trưởng sử. Bấy giờ hào
kiệt cùng nổi dậy, Phụ chẳng biết theo về ai, Dự bảo Phụ nói: "Người cuối
cùng định được thiên hạ tất là họ Tào vậy, nên nhanh theo về thì sau này không
rước họa". Phụ theo kế của Dự, bèn được phong thưởng. Thái Tổ gọi Dự đến
làm Thừa tướng Quân mưu duyện, làm Dĩnh Âm, Lang Lăng Lệnh, chuyển làm Dặc
Dương Thái thú, các chỗ đến nhậm chức đều được sửa trị.
Yên Lăng Hầu
Chương(1) đánh Đại Quận, lấy Dự làm Tướng. Đem quân đến phía bắc huyện Dịch, giặc
ém quân kị chặn đánh, quân sĩ rối loạn, chẳng biết làm sao, Dự dựa vào thế đất,
đem quân về lập thế trận vòng tròn, đặt cung nỏ dày đặc ở trong trận, làm nghi
binh để che giấu chỗ kém của mình. Quân Hồ không tiến được, tan chạy. Đuổi
đánh, đại phá chúng, cuối cùng đi đến bình Đại Quận, đều là kế của Dự vậy.
Chuyển làm Nam Dương
Thái thú. Lúc trước, người trong quận là Hầu Âm phản, tụ tập mấy nghìn người
trong núi làm bọn cướp, gây hại lớn cho quận. Thái thú lúc trước bắt được phe đảng
và hơn năm trăm người của chúng, dâng tấu xin xử tội chết, Dự đến gặp hết bọn tội
tù, an ủi, mở con đường tự sửa mới cho chúng, cùng lúc cởi trói ra mà sai khiến.
Bọn tội tù đều cúi đầu, xin tự chuộc tội, liền tự bảo nhau, bọn cướp một sớm đều
tan rã, trong quận được yên ổn. Đem việc tấu lên, Thái Tổ khen Dự.
Đầu thời Văn Đế, người
Địch miền bắc cường mạnh, xâm nhiễu biên ải phía bắc, bèn sai Dự lĩnh chức Trì
tiết Hộ Ô Hoàn Hiệu úy, Khiên Chiêu, Giải Tuấn cùng làm Hộ Tiên Ti Hiệu úy. Từ
huyện Cao Liễu đến phía đông, từ chỗ của người Uế Mạch về phía tây, mấy chục bộ
lạc Tỉ Năng, Di Gia, Tố Lợi người Tiên Ti cắt đất chiếm giữ, đều có chia ranh
giới, lại cùng thề ước, đều không muốn đem ngựa trao đổi với Trung Quốc. Dự cho
rằng người Di Địch hợp làm một thì không phải là điều lợi của Trung Quốc, bèn
li gián chúng trước, khiến cho chúng tự thù ghét, đánh giết lẫn nhau. Bộ lạc Tố
Lợi làm trái lời thề, đem nghìn con ngựa trao cho quan quân, bị bộ lạc Tỉ Năng
đánh, xin cứu với Dự. Dự lo chúng tự hợp lại với nhau, sẽ gây hại nhiều thêm,
bèn cứu kẻ thiện, đánh kẻ ác, tỏ ân tín với người Địch, tự đem quân tinh nhuệ
đi sâu vào trại giặc, người Hồ đông nhiều, đem quân vây trước sau, chặn ngang
đường về. Dự bèn tiến quân, lập đồn trại cách giặc hơn mười dặm, tụ nhiều phân
trâu ngựa khô lại mà đốt, rồi từ đường khác dẫn quân đi. Người Hồ thấy khói lửa
không dứt, cho rằng Dự vẫn ở đó, bèn bỏ đi, được mấy chục dặm mới biết, lại đuổi
theo Dự đến Mã Thành, vây đến mười vòng, Dự phòng giữ nghiêm ngặt, sai quan Tư
mã dựng cờ tinh, đánh gõ trống, đem quân bộ kị ra từ cửa nam, người Hồ đều dõi
mắt đến đuổi theo. Dự đem quân tinh nhuệ ra từ cửa bắc, đánh trống hò reo mà
ra, hai đầu cùng ập đến, ra chỗ giặc không ngờ, quân giặc rối loạn, đều tự dẫn
dắt ngựa mà chạy, đuổi đánh đến hơn hai mươi dặm, thây chết đầy đất. Lại có vua
của người Ô Hoàn là Cốt Tiến ương ngạnh không thần phục, do đó Dự ra biên ải
xem xét, tự đem hơn trăm quân kị thuộc hạ vào trại, Tiến đón bái, bèn sai tả hữu
chém Tiến, kể rõ tội lỗi của hắn để ban lệnh cho quân dân, quân dân đều sợ hãi
không dám động đậy, lại lấy em của Tiến thay Tiến. Từ đấy, người Hồ vỡ mật, oai
lừng sa mạc. Bọn giặc trên núi là Cao Ngải có mấy nghìn người cướp bóc, gây hại
ở miền U, Kí, do đó Dự dụ bộ lạc Tố Lợi người Tiên Ti chém Ngải, đưa đầu đến
kinh đô, phong Dự làm Trường Lạc Đình Hầu. Làm Hộ Ô Hoàn Hiệu úy được chín năm,
ngăn ngừa người Di Địch, thường bẻ gãy ra mà chiếm lấy, chia rẽ bọn cường mạnh.
Như những kẻ trốn tránh gian xảo giúp người Hồ tính kế gây việc không có lợi
cho quan quân, Dự đều quấy phá chia rẽ, khiến cho mưu ác xấu của chúng không
thành, những bộ lạc tụ họp không được yên ổn. Việc còn chưa xong, mà bè đảng của
U Châu Thứ sử Vương Hùng muốn Hùng lĩnh chức Ô Hoàn Hiệu úy, phá kế của quấy
biên của Dự(2), gây khó cho nhà nước, bèn chuyển Dự làm Nhữ Nam Thái thú, thêm
chức Điễn Di Tướng quân.
Cuối năm Thái Hòa,
Công Tôn Uyên đem quận Liêu Đông phản, Đế muốn đánh Uyên nhưng khó chọn người,
Trung lĩnh quân Dương Kị cử Dự nên dùng.
Thần là Tùng Chi xét:
Kị tự Hưu Tiên, người huyện Huỳnh Dương, việc này thấy ở truyện Lưu Diệp. Con Kị
là Triệu, làm Kinh Châu Thứ sử thời Tấn. Khải sự của Sơn Đào khen Triệu có tài
năng. Con Triệu là Đàm, tự Đạo Nguyên, con thứ là Hâm, tự Công Tự, con Đàm là
Úc, tự Trường Văn, con thứ là Kinh, tự Trọng Vũ, đều thấy ở trong Phan Nhạc tập.
Bèn sai Dự giữ chức
cũ, đô đốc các quân của vùng Thanh Châu, cầm cờ tiết đến đánh Uyên. Gặp lúc giặc
Ngô sai sứ đến liên kết với Uyên. Đế cho là giặc đông nhiều, lại đã vượt biển,
hạ chiếu Dự phải bãi binh. Dự tính thuyền giặc sẽ quay về, cuối năm gió to, tất
sợ trôi dạt, mà đi về phía đông lại không có bờ, phải đến Thành Sơn. Thành Sơn
không phải là chỗ chứa thuyền, phải men theo bờ biển, xem xét thế đất và các
núi đảo, ngăn chặn nơi hiểm yếu, bày binh đóng giữ. Dự tự vào Thành Sơn, trèo
lên đài Hán Vũ mà trông. Giặc về, quả đúng gặp gió to, thuyền đều va vào núi đá
chìm nghỉm, sóng xô ngập bờ, không có chiếc thuyền nào được thoát, rút cuộc bắt
hết quân giặc. Lúc đầu, các tướng đều cười Dự đợi giặc ở chỗ trống vắng, đến
lúc giặc phá, mới chịu cùng mưu tính, xin vào biển vớt lấy thuyền trôi, Dự sợ
giặc thế cùng liều chết mà đánh, đều không nghe. Lúc trước, Dự làm Thái thú, đô
đốc các quân của Thanh Châu, Thanh Châu Thứ sử Trình Nhất trong lòng không phục,
lúc có việc quân, nhiều lần làm sai lầm. Nhất biết Đế thích ngọc châu, bèn ngầm
dâng biểu nói: "Dự dẫu có công đánh trận nhưng hiệu lệnh buông trễ, bắt được
đồ khí giới vàng ngọc rất nhiều mà lại chia ra, đều không nạp vào sở
quan". Do đó không được xét công.
Sau đó, Tôn Quyền đem
mười vạn quân đánh Tân Thành, Chinh đông Tướng quân Mãn Sủng muốn đem các quân
đến cứu. Dự nói: "Giặc phát hết quân lớn, không những tìm lấy cái lợi nhỏ
mà còn muốn đánh Tân Thành để dụ đại quân ta đến đánh thôi. Nên nghe theo đến
đánh, bẻ gãy khí mạnh của giặc, không cần tranh thắng với giặc, nếu thành không
vỡ, giặc tất rút về; sau khi rút về mới đuổi đánh mới thắng lớn được vậy. Nếu
giặc biết kế ấy, tất không đánh thành, như thế cũng phải tự rút chạy. Nếu tiến
binh ngay, tất trúng kế giặc. Lại nữa, đại quân chọn hướng đi phải khiến cho giặc
khó biết, không để giặc tự mưu tính trước". Dự liền tấu lên, Thiên tử theo
kế ấy. Đúng là giặc rút chạy. Sau đó quân Ngô lại đến cướp, Dự đến chống chúng,
giặc lại rút. Các quân buổi đêm kinh hãi, nói: "Giặc lại đến"! Dự nằm
không dậy, lệnh ba quân rằng: "Ai dám đánh thì chém". Chốc lát, rút
cuộc không có giặc đến.
Cuối năm Cảnh Sơ,
tăng ba trăm hộ ấp, cùng năm trăm hộ trước. Đầu năm Chính Thủy, chuyển làm Sứ
trì tiết, Hộ Hung Nô Trung lang tướng, thêm chức Chấn uy Tướng quân, lĩnh chức
Tinh Châu Thứ sử. Người Hồ ngoài biên giới nghe uy danh của Dự, cùng nhau đến cống
nạp. Biên giới yên tĩnh, trăm họ nhờ ơn ấy. Gọi về làm Vệ úy, thường xin nhường
chức, Thái bảo Tư Mã Tuyên Vương cho rằng Dự cứng cỏi, hạ chiếu dụ không nghe.
Dự gửi thư đáp nói: "Qua bảy mươi tuổi mà vẫn nhậm chức, ví như chuông kêu
hồi kết, lại đi đêm không được nghỉ, đấy là kẻ có tội vậy". Lại cố xưng bệnh
nặng, rồi bái làm Thái trung Đại phu, ăn lộc quan Khanh. Tám mươi hai tuổi thì
hoăng. Con là Bành Tổ nối tự.
Ngụy lược viết: Dự từ
quan về nhà, trú ở huyện Ngụy. Gặp lúc quận Nhữ Nam sai Kiện Bộ đi đánh phương
bắc, cảm kích ân đức của Dự, qua bái tạ Dự. Dự bèn giết gà nấu cơm, đi tiễn đến
đầu bờ ruộng, bảo Kiện Bộ nói: "Ta đã già, ngươi vất vả qua đây mà ta
không có gì giúp, vất vả không"? Kiện Bộ thương cái nghèo khổ của Dự, khóc
lóc mà đi, trở về được quan dân khen ngợi. Người quận Nhữ Nam góp mấy nghìn đồng
tiền, sai người đến tặng Dự, Dự chẳng lấy một đồ gì. Gặp lúc bệnh chết, răn vợ
con mình nói: "Phải táng ta ở bên cạnh mộ Tây Môn Báo"(3). Vợ gạn hỏi
nói: "Tây Môn Báo là người thần thời xưa, sao lại phải táng bên người
này"? Dự nói: "Việc mà Báo làm giống ngang với ta vậy, cho nên lúc chết
vẫn có linh, tất làm bạn với ta". Vợ con nghe theo. Người quận Nhữ Nam
nghe tin Dự chết, bùi ngùi, rồi vẽ tranh hình Dự, lại làm bia khắc công.
Dự trong sạch tiết kiệm,
có ban thưởng đều chia cho tướng sĩ. Mỗi khi người Hồ, người Địch tặng riêng, đều
cất vào sở quan, không giấu ở nhà riêng; nhà thường nghèo túng. Dẫu là người
khác, đều khen tiết tháo cao đẹp của Dự.
Ngụy lược viết: Bọn Tố
Lợi người Tiên Ti nhiều lần đến làm khách, nhiều lần đem trâu ngựa đến tặng Dự;
Dự chuyển hết vào sở quan. Người Hồ cho rằng các vật tặng Dự lúc trước rất quý
báu, nhưng không bằng đem tặng vàng, bèn ngầm đem ba mươi cân vàng đến, bảo Dự
rằng: "Nguyện làm tả hữu, ta muốn có cái đạo của tả hữu". Dự nghe
theo, người Hồ nhân đó quỳ bái, nói: "Ta thấy ông nghèo, cho nên trước sau
tặng trâu ngựa cho ông, ông lại cho vào sở quan, nay ngầm đem vàng dâng cho
ông, nên lấy làm tiền của trong nhà mình". Dự đưa túi ra nhận lấy, đối đáp
ý tốt ấy. Sau khi người Hồ đi, đều đem hết ra ngoài, lấy việc này tấu lên. Do
đó hạ chiếu khen Dự nói: "Ngày xưa Ngụy Giáng(4) vỗ về để thu nạp người
Khương, ngày nay khanh nâng túi để nhận vàng của người Địch, trẫm rất khen ngợi".
Lại liền bàn cho năm tram thất lụa. Dự được ban, chia một nửa cất trong nhà
mình, sau đó người Hồ lại đến, đem một nửa tặng cho họ.
Năm Gia Bình thứ sáu,
hạ chiếu khen thưởng, ban tiền gạo cho nhà Dự. Lời này tại truyện Từ Mạc.
Chú thích:
(1) Yên Lăng Hầu Chương: tức Tào Chương, con thứ của Tào
Tháo, được phong tước Yên Lăng Hầu.
(2) Kế của quấy biên của Dự: là kế li gián, quấy rối sự
liên kết của người Hồ của Điền Dự.
(3) Tây Môn Báo: người nước Ngụy thời Chiến quốc, có tài
năng chính trị.
(4) Ngụy Giáng: người nước Tấn thời Xuân thu, đề ra chủ
trương hòa thân với người Sơn Nhung phía bắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét