TRUYỆN KHIÊN CHIÊU
Khiên Chiêu tự Tử
Kinh, người huyện Quan Tân quận An Bình. Năm hơn mười tuổi , đến nhà người cùng
huyện là Nhạc Ẩn theo học. Sau đó Ẩn làm Trưởng sử của Xa kị Tướng quân Hà
Miêu, Chiêu đi theo làm lính. Đến thời kinh đô loạn, Miêu, Ẩn bị hại, Chiêu và
học trò của Ẩn là bọn Sử Lộ xông xáo vào nơi đao nhọn, cùng tấn liệm thây Ẩn,
chở về quê chôn táng, trên đường đi bị cướp bóc, bọn Lộ đều tan chạy cả, bọn cướp
muốn phá quách lấy đinh, Chiêu rơi nước mắt xin tha. Bọn cướp khen là có nghĩa,
bèn tha bỏ đi. Do đó mà nổi tiếng.
Kí Châu Mục là Viên
Thiệu mời làm Đốc quân Tòng sự, trông coi quân đột kị Ô Hoàn. Người nhà của Thiệu
trái lệnh, Chiêu chém trước rồi báo sau, Thiệu cho là lạ mà không phạt tội vậy.
Thiệu chết, lại thờ con Thiệu là Thượng. Năm Kiến An thứ chín, Thái Tổ vây huyện
Nghiệp. Thượng sai Chiêu đến Thượng Đảng, coi việc chở lương quân. Chưa về, Thượng
thua chạy đến Trung Sơn. Bấy giờ anh họ bên ngoại của Thượng là Cao Hàn làm
Tinh Châu Thứ sử, Chiêu cho rằng bên trái Tinh Châu có cái hiểm của núi Hằng
Sơn, bên phải có cái vững của sông lớn, có năm vạn quân mặc giáp, phía bắc liền
với người Hồ mạnh, khuyên Hàn đón Thượng, dựa vào đất Tinh Châu mà xem sự biến,
nhưng Hàn không nghe, lại muốn hại Chiêu. Chiêu nghe tin, đi lẻn mà bỏ trốn, đường
nghẽn không theo kịp Thượng, bèn đi về phía đông đến chỗ Thái Tổ. Lúc Thái Tổ
lĩnh cả Kí Châu, cho làm Tòng sự.
Thái Tổ sắp đánh Viên
Đàm, nhưng người Ô Hoàn huyện Liễu Thành muốn đem quân kị giúp Đàm. Thái Tổ cho
rằng Chiêu từng trông coi quân Ô Hoàn, bèn sai đến Liễu Thành. Đến nơi, vừa lúc
Tiễu Vương Nghiêm đang đem năm nghìn quân kị đến tặng Đàm. Lại có Liêu Đông
Thái thú Công Tôn Khanh tự xưng Bình Châu Mục, sai sứ giả là Hàn Trung đem ấn
Thiền vu ban cho Tiễu Vương, Tiễu Vương tụ họp bầy tôi, Trung cũng ngồi trong hội.
Tiêu Vương hỏi Chiêu nói: "Lúc trước Viên Công nhận lệnh của Thiên tử,
phong ta làm Thiền vu; nay Tào Công lại nói sẽ báo cho Thiên tử, phong ta làm
Thiền vu thật; sứ giả quận Liêu Đông lại cầm ấn thao đến. Như thế, ai mới là chính"?
Chiêu đáp nói: "Ngày trước Viên Công thừa lệnh, được tự ý bái phong, nhưng
bên trong là trái lệnh, cho nên Thiên tử sai Tào Công đến đánh, nói là sẽ báo
cho Thiên tử, phong làm Thiền vu thật, là đúng vậy. Liêu Đông là quận dưới, há
được tự ý phong bái sao"? Trung nói: "Liêu Đông ta tại phía đông của
biển lớn, có trăm vạn quân, lại có các đồ dung của người Phù Dư, Uế Mạch; xét
thế ngày nay, kẻ mạnh làm chủ, há chỉ Tào Tháo làm được sao"? Chiêu cười
Trung nói: "Tào Công kính thuận sánh suốt, giúp đỡ Thiên tử, đánh đổ kẻ phản,
vỗ về kẻ phục, vỗ yên bốn cõi, vua tôi nhà ngươi ngang bướng, nay dựa vào nơi
xa hiểm, làm trái lệnh vua, muốn tự tiện phong bái, coi thường Thiên tử, sắp diệt
vong đến nơi, há dám kiêu căng lấn lướt bậc người trên sao"? Liền nắm đầu
Trung ghì xuống nền nhà, rút đao muốn chém đi. Tiễu Vương sợ hãi, đi nhanh ôm lấy
Chiêu để xin tha cho Trung, tả hữu đều biến sắc mặt, Chiêu mới về chỗ ngồi, nói
rõ thành bại, họa phúc giúp bọn Tiễu Vương, đều xuống chiếu quỳ bái, kính theo
lệnh vua, lại biện bác sứ giả Liêu Đông, bãi quân kị của họ.
Thái Tổ diệt Đàm ở
Nam Bì, cho Khiên làm Quân mưu duyện, theo đi đánh người Ô Hoàn, đến Liễu
Thành, bái làm Hộ Ô Hoàn Hiệu úy. Về huyện Nghiệp, sứ giả Liêu Đông đem đầu
Viên Thượng đến, treo đầu ở chợ ngựa, Chiêu nhìn mà thương cảm, đến tế dưới đầu,
Thái Tổ khen là có nghĩa, cử làm Mậu tài. Đi theo bình Hán Trung, giữ Chiêu lại
làm Trung hộ quân. Việc bỏ, về huyện Nghiệp, bái Bình lỗ Hiệu úy, Tướng quân,
trong coi việc quân của các quận Từ Châu, Thanh Châu, đánh giặc Đông Lai, chém
cừ súy của chúng, miền đông yên ổn.
Văn Đế lên ngôi, bái
Chiêu làm Sứ trì tiết, Hộ Tiên Ti Hiệu úy, đóng quân ở Xương Bình. Bấy giờ dân
chúng nơi biên giới lưu tán nơi đầm núi, lại có kẻ phản trốn trong chỗ người
Tiên Ti, mỗi chỗ có đến hàng nghìn người, Chiêu ban bố ân tín, chiêu dụ họ hàng
phục, bọn Kiến nghĩa Trung lang tướng Công Tôn Tập đem lĩnh bộ khúc đến đều
nghe lệnh, sai về quận cũ. Lại vỗ về mấy chục vạn người Tiên Ti của bộ lạc Tối
Lợi, Di Gia, đều lệnh phải ở yên nơi biên ải.
Đại quân muốn đánh
Ngô, gọi Chiêu về, lúc đến, lại bãi binh, bái làm Hữu Trung lang tướng, ra làm
Nhạn Môn Thái thú. Quận này tại biên giới, dẫu có phòng bị dò xét nhưng bị cướp
bóc không thôi, Chiêu bèn dạy dân đánh trận, lại dâng biểu lập lại việc thu tô
thế hơn năm trăm nhà người Ô Hoàn, sai phải sửa sắm yên ngựa, đi ra dò ngóng. Hễ
giặc đến xâm phạm biên ải thì đem quân chặn đánh, kẻ đến liền bị đánh phá, do
đó khí thế của dân nơi biên giới ngày càng hăng hái, nơi đồng hoang không còn
lo sợ nữa. Lại gài người vào li gián, khiến cho giặc tự nghi ngờ nhau. Bọn Đại
phu Bộ Độ Căn, Tiết Quy Nê của người Tiên Ti gây hiềm khích với Tỉ Năng, đem
hơn ba vạn nhà của bộ lạc mình đến quận nương dựa, hạ lệnh quay về đánh Tỉ
Năng, giết em của Tỉ Năng là Tư La Hầu, đến lúc bọn phản phản người Ô Hoàn là
Quy Nghĩa Hầu Vương Đồng, Vương Kí, kết thù oán với nhau, do đó Chiệu tự ra,
đem theo bọn Tiết Quy Nê đánh Tỉ Năng ở quận cũ Vân Trung, đại phá Tỉ Năng.
Chiêu qua lại với hơn mười vạn nhà của bọn Phụ Đầu người Tiên Ti ở phía tây
sông Hà, sửa đắp thành quán ở huyện cũ Hình Bắc, đặt quân đồn đóng để ngăn chặn
trong ngoài, người Di lớn nhỏ chẳng ai không theo về, bọn trốn phản dẫu là gần
gũi cũng không dám giấu giếm, đều bắt hết chở đến. Do đó ngoài đồng bình yên,
giặc cướp ngừng nghỉ. Chiêu lại chọn lựa người có tài năng, đưa đến trường học
dạy cho, sai trở về tự dạy bảo nhau, trong vòng mấy năm, nhiều trường học được
dựng lên. Sở trị của quận ở huyện Quảng Vũ, các giếng nước khô khan, dân đều
gánh thùng đi xa mà múc lấy nước, qua lại đến bảy dặm, Chiêu dò xét thế đất, dựa
vào mạnh của gò núi mà đục bờ đào kênh, dẫn nước vào trong thành, dân được nhờ
cái lợi ấy.
Minh Đế lên ngôi, ban
tước Quan nội hầu. Năm Thái Hòa thứ hai, Hộ Ô Hoàn Hiệu úy Điền Dự ra biên ải,
bị Kha Tỉ Năng vây ở thành cũ Mã Ấp, hạ chiếu sai Chiêu đến cứu, Chiêu liền sắm
sửa binh mã, muốn nhanh đến cứu Dự. Người Tinh Châu dựa theo phép thường để
ngăn Chiêu, Chiêu cho là tướng cầm cờ tiết bị vây, không nên cố chấp theo phép
quan, tự đem quân đi ngay. Lại cùng gửi hịch đến, kể rõ thế trận, nói là nên đến
phía tây bắc bắt lấy nhà giặc rồi mới đi về phía đông, hợp lại đánh giặc. Hịch
đến, quân Dự hăng hái, lại đem một tờ hịch đến dụ gọi giặc, giặc liền sợ hãi,
phe đảng tan rã. Đem quân đến huyện Bình Thành cũ, giặc lại tan chạy. Tỉ Năng
thu nhặt quân kị lại, đến phía bắc biên ải Bình Châu, Chiêu bèn đi lẻn đến
đánh, chém nhiều đầu giặc. Chiêu cho rằng giặc Thục là Gia Cát Lượng nhiều lần
ra đánh, mà Tỉ Năng lại giảo hoạt, có thể qua lại với nhau, bèn dâng biểu xin
phòng bị, người bàn cho là huyện ở xa, chưa ai tin vậy. Gặp lúc Lượng ra tại Kì
Sơn, quả đúng sai sứ đến liên kết với Tỉ Năng. Tỉ Năng đến Thạch Thành quận Bắc
Địa cũ, đầu đuôi qua lại nhau. Đế bèn hạ chiếu gọi Chiêu, sai tùy theo tình thế
thích hợp mà đánh giặc. Bấy giờ Tỉ Năng đã về phía nam sa mạc, Chiêu bàn với Thứ
sử Tất Chấp nói: "Giặc Hồ dời chuyển vô thường, nếu đem quân đuổi xa thì
rút về không theo kịp. Nếu muốn đánh lén lại gặp khe núi hiểm trở, vận chuyển
lương thực lại vất vả, nên sai quân giữ hai cửa ải Tân Hưng, Nhạn Môn, ra đóng
quân ở Hình Bắc, ngoài thì vỗ về, trong thì cho quân làm ruộng, cất chứa lương
thực, đợi đến thu đông ngựa béo thì hợp binh của châu quận, thừa lúc giặc khó
khăn mà đánh dẹp, đánh tất thắng lớn. Chưa kịp thi hành, bị bệnh chết. Chiêu ở
tại quân mười hai năm, oai phong lừng cõi xa. Cái tài thống trị dân biên giới
chỉ đứng sau Điền Dự, trăm họ nhớ ơn Chiêu. Lại có người quận Ngư Dương là Phó
Dung cũng có tiếng tăm ở quận Nhạn Môn, nối nghiệp sau Chiêu, có công lao ở
Liêu Đông vậy.
Con Chiêu là Gia nối
tự. Con thứ là Hoằng, cũng dũng mãnh có phong thái của Chiêu, làm Lũng Tây Thái
thú, theo Đặng Ngải đánh Thục có công, giữa năm Hàm Hi làm Chấn uy Tướng quân.
Gia là người cùng mẹ với Tư đồ Lí Dận của nhà Tấn, chết sớm.
Xét Tấn thư viết: Hoằng
sau này làm Dương Châu, Lương Châu Thứ sử, cứng cỏi mà chết vì việc nước ở biên
giới. Con Gia là Tú, tự Thành Thúc.
Kí Châu Kí của Tuân
Xước viết: Tú có tài năng, tính lại hào hiệp, tuổi trẻ đã có tiếng tốt, vào giữa
năm Thái Khang được bọn Vệ Quán, Thôi Hồng, Thạch Sùng tiến cử, từ chức Tân An
Lệnh Bác sĩ làm Tư không Tòng sự Trung lang, khinh ghét nhau với cậu của Đế là
Hoàng môn Thị lang Vương Khải. Khải sai Tư lệ Tuân Khải lệnh Đô quan tấu vu khống
Tú buổi đêm thông dâm với vợ của Cao Bình Quốc Thú sĩ Điền Hưng. Tú liền dâng
biểu kể rõ nguyên nhân mình bị vu khống, nói rằng Khải làm việc nhơ bẩn, lời lẽ
rất hay đẹp. Bấy giờ dẫu có nhiều bầy tôi chứng minh, nhưng tiếng tăm của Tú do
đó cũng bị tổn hại. Sau đó Trương Hoa xin làm Trưởng sử, dần dần làm đến Thượng
thư. Hà Gian Vương lấy Tú làm Bình bắc Tướng quân, Giả tiết, bị hại tại quận
Phùng Dực. Người đời khen thơ phú của Tú, tiếc tài cán của Tú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét