Ba anh em nhà Gia Cát |
TRUYỆN GIA CÁT ĐẢN
Gia Cát Đản tự Công
Hưu, người huyện Dương Đô quận Lang Nha, là dòng dõi của Gia Cát Phong(1) vậy.
Lúc đầu vì làm Thượng thư lang mà được bái làm Huỳnh Dương Lệnh.
《Ngụy thị Xuân thu》 viết: Đản làm Lang,
cùng Bộc xạ Đỗ Kì chèo thuyền trên sông Đào, gặp gió lật chìm, Đản cũng cùng bị
đắm. Lính hổ bôn bơi sông cứu Đản, Đản nói: "Cứu Đỗ Hầu trước đi". Đản
trôi vào bờ, chết rồi sống lại.
Vào làm Lại bộ lang,
có người trao gửi người thân, liền xét rõ lời ấy mà cho dùng, sau làm việc sai
trái, liền bị bàn xét lỗi đúng sai mà khen phạt, từ đấy quan lại chẳng ai không
cẩn thận tiến cử. Dần dần chuyển làm Ngự sử Trung thặng Thượng thư, kết thân với
bọn Hạ Hầu Huyền, Đặng Dương, nổi tiếng ở triều đình, người kinh đô cho là phải.
Có người bàn nói Đản, Dương làm việc xa xỉ, chỉ có danh hão, dần dần không nên
dùng lâu. Minh Đế ghét việc này, bãi chức Đản.
《Thế ngữ》 viết: Bấy giờ kẻ sĩ
anh tuấn thời ấy là bọn Tán kị Thường thị Hạ Hầu Huyền, Thượng thư Gia Cát Đản,
Đặng Dương cùng qua lại với nhau, cho rằng bốn người bọn Huyền là 'tứ
thông'(2), tám người bọn Đản là 'bát đạt'(3), ba người là con của Trung thư
giám Lưu Phóng là Hi, con cỉa Tôn Tư là Mật, con của Lại bộ Thượng thư Vệ Trăn
là Liệt đều không bằng được, nhưng vì dựa vào vị thế của cha mà xếp ba người
vào bọn, cả thảy mười lăm người. Đế thấy họ xa xỉ lâu ngày, đều bãi quan ngăn cấm.
Gặp lúc Đế băng, đầu
năm Chính Thủy bọn Huyền còn làm quan, lại lấy Đản làm Ngự sử Trung thặng Thượng
thư, ra làm Dương Châu Thứ sử, thêm chức Chiêu vũ Tướng quân.
Lúc Vương Lăng ngầm
mưu phản, Thái phó Tư Mã Tuyên Vương ngầm đem quân đánh miền đông, lấy Đản làm
Trấn đông Tướng quân, Giả tiết, trông coi các quân Dương Châu, phong Sơn Dương
Đình Hầu. Gia Cát Khác đem quân đến Đông Quan, sai Đản đem các quân đánh Khác,
đánh với nhau, không lợi. Về, chuyển làm Trấn nam Tướng quân.
Sau đó Quán Khâu Kiệm,
Văn Khâm phản, sai sứ giả đến chỗ Đản, kêu gọi quân quân Dự Châu. Đản chém sứ
giả của chúng, cáo thị thiên hạ, cho biết bọn Kiệm, Khâm hung nghịch. Đại Tướng
quân Tư Mã Cảnh Vương đánh miền đông, sai Đản đem các quân Dự Châu vượt bến An
Phong hướng đến Thọ Xuân. Lúc Kiệm, Khâm bị phá, Đản đến Thọ Xuân trước. Hơn mười
vạn người trong thành Thọ Xuân nghe tin Kiệm, Khâm thua, sợ bị giết, đều phá cửa
thành ra ngoài, tản mát nơi đầm núi, có người chạy trốn vào nước Ngô. Vì Đản
lâu ngày ở tại miền Hoài Nam, bèn lại cho làm Trấn đông Tướng quân, Nghi đồng
Tam ti, trông coi Dương Châu. Đại tướng Ngô là bọn Tôn Tuấn, Lữ Cứ, Lưu Tán nghe
tin miền Hoài Nam loạn, vừa lúc Văn Khâm đến, bèn đem quân tướng đến thẳng Thọ
Xuân; bấy giờ các quân của Đản đã đến, không đánh được thành, liền rút. Đản sai
Tướng quân Tưởng Ban đuổi đánh chúng, chém Tán, gửi đầu về, thu lấy ấn thao, tiến
phong Cao Bình Hầu, thực ấp ba nghìn năm trăm hộ, chuyển làm Chinh đông Tướng
quân.
Đản đã thân thiết với
bọn Huyền, Dương, lại nữa bọn Vương Lăng, Quán Khâu Kiệm thay nhau bị giết sạch,
sợ hãi không yên, dốc hết kho tàng cấp chẩn để gắn kết lòng người, nuôi dưỡng mấy
nghìn người thân cùng bọn hiệp khách làm kẻ sĩ liều chết.
《Ngụy lược》 viết: Đản ban thưởng
quá mức, có kẻ phạm cấm đáng chết cũng phá lệ mà tha cho được sống.
Mùa đông năm Cam Lộ
thứ nhất, giặc Ngô muốn đến Từ Yết đánh bộ tướng của Đản là Mã Túc để đợi Đản,
rồi lại xin mười vạn quân giữ Thọ Xuân, lại xin quận Lâm Hoài đắp thành để
phòng giữ giặc cướp, trong lòng muốn giữ lấy miền Hoài Nam. Triều đình ngầm biết
Đản có ý nghi ngờ, nhưng vì Đản là tôi cũ, muốn gọi về để ngăn ngừa. Tháng năm
năm thứ hai, gọi về làm Tư không, Đản nhận chiếu thư, thêm sợ, bèn làm phản. Gọi
họp các tướng, tự ra đánh Dương Châu Thứ sử Nhạc Sâm, giết Sâm.
《Thế ngữ》 viết: Tư Mã Văn
Vương đã nắm việc triều đình, Trưởng sử Giả Sung cho rằng nên sai giúp đỡ vỗ về
bốn phương, do đó sai Sung đến Thọ Xuân. Sung về báo Văn Vương rằng: "Đản
lại về Dương Châu, có oai danh, lòng dân theo về. Nay gọi về, tất không đến, đấy
là họa nhỏ việc nhỏ; không gọi về, việc gấp họa lớn vậy". Bèn bái làm Tư
không. Thư đến, Đản nói: "Ta làm Công khanh đáng được đứng sau Văn Vương,
nay lại làm Tư không sao! Không sai sứ giả mà mang thư đi nhanh, lại sai đem
quân cho Nhạc Sâm, đấy tất là việc mà Sâm làm". Liền đem mấy trăm tả hữu đến
thành Dương Châu, người Dương Châu muốn đóng cửa, Đản quát rằng: "Ngươi
không phải là quan thuộc cũ của ta chăng"! Đi vào, Sâm chạy lên lầu, liền
chém Sâm.
《Ngụy mạt truyện》 viết: Giả Sung gặp nhau với Đản, nói chuyện việc thời ấy, nhân đó bảo Đản nói: "Những người hiền ở Lạc Dương đều muốn nối ngôi, đấy là điều mà ông biết vậy. Ông cho là thế nào"? Đản nghiêm mặt nói: "Ngươi không phải là con của Giả Dự Châu(4) chăng? Nối đời nhận ân của nhà Ngụy, sao lại phản nước, muốn đem nhà Ngụy trao cho người khác thế? Ta không nỡ nghe thế. Nếu Lạc Dương có nạn, ta đành liều chết thôi". Sung im lặng. Đản đã bị gọi về, mời các Nha môn tướng đến bày rượu hội yến, gọi các quân của Nha môn tướng đến, đều ban cho uống rượu, bảo mọi người rằng: "Lúc trước lập nghìn quân mang giáp vừa xong, muốn đem đi đánh giặc. Nay sắp về Lạc Dương, không được dùng nữa, nay tạm đem ra, sẽ cùng mọi người đi vui chơi, chốc lát lại về; các ông tạm dừng". Liền đánh trống sai bảy trăm người đi ra. Nhạc Sâm nghe tin, đóng cửa thành. Đản đi qua cửa nam truyền lệnh nói: "Sắp về Lạc Dương, tạm đi vui chơi, thành Dương Châu sao lại đóng cửa phòng giữ"? Đi đến cửa đông, cửa đông lại đóng, lại sai quân trèo thành phá cửa, người phủ chạy cả, thuận chiều gió phóng lửa, đốt kho phủ của châu, bèn giết Sâm. Đản dâng biểu nói: "Thần nhận việc nặng nề của nhà nước, trông coi quân sĩ ở miền đông, Dương Châu Thứ sử Nhạc Sâm lừa dối, nói là thần qua lại với giặc Ngô, lại nói là nhận chiếu thư nên thay chức của thần, không có phép tắc lâu rồi. Thần chịu mệnh vua, đem cái chết mà báo đền, rút cuộc không có lòng khác. Giận Sâm bất trung, liền đem bảy trăm quân kị bộ đến ngày sáu tháng này đánh Sâm, liền hôm đó chém đầu, treo đầu trên ngựa chuyển đến. Nếu triều đình xét rõ thì thần là tôi của nhà Ngụy; nếu không xét rõ thì thần là tôi của nước Ngô. Không kìm nổi tức giận đã lâu, kính dâng biểu bày tỏ ý ngu, đau xót khóc ra máu, nức nở sụt sùi, không biết làm sao, xin triều đình xét lòng thành của thần".
Thần là Tùng Chi cho
rằng: Lời mà Ngụy mạt truyệnviết đều là thô tục. Ngờ rằng Đản dâng biểu kể lên
không đến nỗi như thế.
Thu hơn mười vạn quan
quân đóng đồn làm ruộng ở các quận huyện miền Hoài Nam và Hoài Bắc, bốn, năm vạn
quân Dương Châu vừa nương dựa, chứa thóc đủ dùng một năm, đóng thành tự giữ.
Sai Trưởng sử Ngô Cương đem con nhỏ là Tịnh đến Ngô xin giúp.
《Thế ngữ》 viết: Cuối năm Hoàng
Sơ, người Ngô đào mộ của Trường Sa Vương Ngô Nhuế(5), đem gạch trong mộ đến Lâm
Tương xây miếu thờ Tôn Kiên. Vẻ mặt Nhuế như lúc sống, áo quần không mục. Sau
có thầy xem tướng gặp Ngô Cương nói: "Ông giống gì với Trường Sa Vương Ngô
Nhuế, hay là cháu nhỏ thôi"? Cương kinh ngạc nói: "Là tổ tiên vậy,
ông sao lại biết được"? Người đó nói nguyên nhân, Cương nói: "Nên
táng lại chăng"? Đáp nói: "Mau táng lại đi". Từ năm Nhuế chết đến
lúc đào mộ đã hơn bốn trăm năm, Cương là cháu đời thứ mười sáu của Nhuế vậy.
Người Ngô rất mừng,
sai tướng là bọn Toàn Dịch, Toàn Đoan, Đường Tư, Vương Tộ đem ba vạn quân ngầm
cùng với Văn Khâm đến cứu Đản. Lấy Đản làm Tả Đô hộ, Giả tiết, Đại Tư đồ, Phiếu
kị Tướng quân, Thanh Châu Mục, Thọ Xuân Hầu. Bấy giờ Trấn nam Tướng quân Vương
Cơ vừa đến, đem các quân vây Thọ Xuân, không thắng. Bọn Tư, Khâm từ phía đông bắc
thành men theo núi đến chỗ hiểm, liền đem quân phá vây vào thành.
Tháng sáu, Nhà vua
đánh miền đông, đến huyện Hạng. Đại Tướng quân Tư Mã Văn Vương đem hai mươi sáu
vạn quân trong ngoài đến miền sông Hoài đánh chúng. Đại Tướng quân đóng đồn ở
Khâu Đầu, sai Cơ cùng bọn An đông Tướng quân Trần Khiên hợp vây bốn mặt, tròn
ngoài nhiều lớp, đắp lũy rất cao, lại sai bọn Giám quân Thạch Bao, Duyện Châu
Thứ sử Trần Thái chọn quân khỏe làm quân đi tuần tra phòng bị giặc ở ngoài vào
cướp. Bọn Khâm mấy lần ra phá vây, đón đánh đuổi chúng. Tướng Ngô là Chu Dị lại
đem đại quân đến đón bọn Đản, vượt sông Lê Tương, bọn Trần Thái cùng đón đánh,
thường bẻ gãy thế mạnh của chúng. Tôn Sâm thấy Dị không tiến được, giận mà giết
Dị. Trong thành lương càng thiếu, quân cứu ở ngoài lại không đến, quân không biết
nhờ ai. Tướng quân Tưởng Ban, Tiêu Di đều là người nanh vuốt bày mưu cho Đản
bèn bỏ Đản trèo thành ra theo Đại Tướng quân.
《Hán Tấn Xuân thu》 viết: Tưởng Ban, Tiêu Di nói với Gia Cát Đản rằng: "Bọn Chu Dị đem đại quân đến mà không tiến được, Tôn Sâm giết Dị mà về Giang Đông, ngoài mượn tiếng là phát binh nhưng trong thực là ngồi mà xem thành bại, ý họ muốn về đã rõ vậy. Nay nên nhân lúc lòng quân còn vững, quân sĩ dùng được, dốc sức liều chết đánh vào một phía, dẫu không thắng cả được nhưng vẫn có chỗ vẹn toàn". Văn Khâm nói: "Người Giang Đông dựa vào oai thắng trận lâu rồi, chưa có cái nạn ở miền bắc. Huống chi ngày nay ông đem hơn mười vạn quân theo về, mà Khâm và bọn Toàn Đoan đều cùng ở nơi đất chết, cha con anh em ở cả tại Giang Đông, nếu Tôn Sâm không muốn cứu, vua trên cùng họ hàng há chịu nghe theo sao? Vả lại Trung Quốc không năm nào không có việc quân, quân dân đều mệt mỏi, nay chống ta một năm, sức lực đã khốn, chỉ mưu nghĩ đường sống, sắp có sinh biến, xét việc cũ mà chuẩn bị việc ngày nay thì có thể tính ngày mà đợi vậy". Ban, Di cố khuyên Đản, Khâm giận, rồi Đản muốn giết Ban. Hai người sợ, lại biết Đản tất thua, đến tháng mười một bèn cùng dắt nhau ra hàng.
Đại Tướng quân lại
sau về li gián, đem việc này khuyên bọn Toàn Đoan, bọn Đoan bèn đem mấy nghìn
quân mở cửa ra ngoài. Người trong thành sợ hãi, không biết làm gì.
Tháng giêng năm thứ
ba, bọn Đản, Khâm, Tư làm chiến cụ lớn, năm sáu ngày đêm phá vòng vây ở phía
nam, muốn quyết đánh mà ra.
《Hán Tấn Xuân thu》 viết: Văn Khâm nói:
"Tưởng Ban, Tiêu Di nói rằng quân ta không ra mà chạy thoát được, Toàn
Đoan, Toàn Dịch lại đem quân ra hàng, đây là lúc địch không phòng bị, nên ra
đánh thôi". Đản và bọn Đường Tư cho là phải, bèn cùng đem hết quân ra
đánh.
Các quân ở trên vòng
vây đến chỗ cao để bắn tên lửa ném tảng đá đốt phá chiến cụ của chúng, tên nỏ
cùng tảng đá bay như mưa rơi, người chết trùm đất, máu chảy đầy lũy. Lại về vào
thành, trong thành lương sắp hết, mấy vạn người ra hàng. Khâm muốn xua hết người
miền bắc ra ngoài, giảm ăn, cùng người Ngô giữ vững, Đản không nghe, do đó
tranh cãi. Khâm vốn có hiềm khích với Đản, dẫu cùng mưu kế nhưng việc gấp thì
ngờ nhau. Khâm gặp Đản bày kế, Đản bèn giết Khâm. Con Khâm là Ương và Hổ lĩnh
quân ở trong thành nhỏ, nghe tin Khâm chết, đem quân đi nhanh đến xem, quân
không theo lệnh. Ương, Hổ chạy riêng, trèo thành ra ngoài theo về Đại Tướng
quân. Quan tướng xin giết họ, Đại Tướng quân hạ lệnh rằng: "Tội của Khâm
không đáng giết, con hắn đáng ra phải giết nhưng Ương, Hổ vì thế cùng mà theo
hàng, vả lại thành chưa phá, giết họ là làm cho lòng người trong thành thêm vững
vậy". Bèn tha Ương, Hổ, sai đem mấy trăm quân kị đi quanh thành, kêu gọi
người trong thành rằng: "Con của Văn Khâm còn không bị giết, người khác sợ
gì"? Cho Ương, Hổ làm Tướng quân, ban tước Quan Nội Hầu. Trong thành vừa mừng
vừa lo, lại ngày càng đói khổ, trí lực của bọn Đản, Tư đã cùng. Đại Tướng quân
lại tự đến vòng vây, phát quân bốn phía, cùng lúc đánh trống trèo lên thành,
người trong thành không dám động. Đản vội vàng một mình cưỡi ngựa đem người dưới
cờ phá cửa thành nhỏ ra ngoài. Quân bản bộ của quan Tư mã Hồ Phấn của Đại Tướng
quân đón đánh, chém Đản, chuyển đầu đến, giết ba họ. Mấy trăm người dưới cờ của
Đản không chịu hàng bị bắt chém, đều nói: "Vì Gia Cát Công mà chết cũng
không tiếc". Đản được lòng người như thế.
《Tấn kỉ》 của Can Bảo viết: Mấy
trăm người bị trói tay xếp thành hàng, hễ chém người nào liền khuyên hàng, đến
hết nhưng chẳng đổi ý, người thời ấy sánh họ với Điền Hoành(6). Tướng Ngô là Vu
Thuyên nói: "Đại trượng phụ chịu mệnh của vua, đem quân cứu người, đã
không thắng được, lại trói tay hàng địch, ta chẳng làm vậy". Liền cởi mũ
xông vào trận mà chết.
Đường Tư, Vương Tộ và
các bộ tướng đều trói tay hàng, quân Ngô có đến vạn người, đồ vũ khí nhiều hất
thành đống.
Lúc đầu vây Thọ Xuân,
nhiều người bàn muốn đánh nhanh đi, Đại Tướng quân cho rằng: "Thành vững lại
quân đông, đánh gấp tất sức mỏi, nếu lại có giặc ngoài, trong ngoài cùng gặp địch,
đấy là nguy vậy. Nay ba tên giặc phản tụ nhau ở trong thành lẻ, đấy là trời
giúp ta sai chúng cùng bị giết, ta nên dùng kế vẹn toàn mà bắt trói chúng, có
thể ngồi mà chống vậy". Đản làm phản từ tháng năm năm thứ hai đến tháng
hai năm thứ ba thì bị phá diệt. Sáu quân bỏ giáp, hào sâu lũy cao mà Đản tự khốn,
rút cuộc không đánh nhiều mà thắng.
《Tấn kỉ》 của Can Bảo viết:
Lúc trước, thành Thọ Xuân mỗi năm mưa to, nước sông Hoài dâng lên tràn ngập
thành ấp, cho nên Văn Vương đắp lũy vây, Đản cười việc ấy nói: "Lũy ấy
không cần đánh mà tự vỡ vậy". Lúc Đại Tướng quân đánh, lại nhiều năm khô hạn.
Thành đã hãm, ngày đó mưa to, lũy vây đều vỡ. Con Đản là Tịnh, tự Trọng Tư, sau
khi Ngô bình thì theo nhà Tấn. Con Tĩnh là Khôi, tự Đạo Minh, làm đến Thượng
thư lệnh, truy tặng chức Tả quang lộc Đại phu Khai phủ.
Lúc phá Thọ Xuân, người
bàn lại cho rằng người miền Hoài Nam vẫn hay phản nghịch, người nhà của quân
Ngô ở tại Giang Nam, không nên tha, nên chôn sống hết chúng. Đại Tướng quân cho
rằng: "Người xưa dùng binh, giữ vững đất nước là trên hết, chỉ giết kẻ đầu
sỏ gây ác mà thôi. Nếu quân Ngô được thả về thì được dịp tỏ rõ cái rộng lượng của
Trung Quốc vậy". Bèn không giết người nào, chia họ ra tại ba quận miền Tam
Hà để ở yên.
Đường Tư vốn là người
quận Lợi Thành. Giữa năm Hoàng Sơ, người quận Lợi Thành phản, giết Thái thú Từ
Cơ, bầu Tư làm chủ. Văn Đế sai các quân đến đánh phá Tư, Tư chạy vào biển, rồi
trốn đến Ngô, làm đến chức Tả Tướng quân, phong tước Hầu, ban Giả tiết. Đản,
Khâm bị giết, Tư cũng bị bắt sống, ba tên giặc phản đều bắt được, thiên hạ vui
mừng.
Phó Tử nói: "Tống
Kiến giết trâu cầu đảo, cuối cùng tự phá diệt. Văn Khâm hằng ngày cúng tế thờ
trời, bị người khác chém. Vợ chồng Gia Cát Đản tụ họp thầy mo, cúng tế xin
phúc, bị phơi thây ở miền Hoài Nam, đấy là việc mà thiên hạ cùng thấy, đủ để
soi rõ vậy".
Bái Tư làm An viễn Tướng
quân, các bộ tướng khác đều ban chức vị, người Ngô theo phục. Người Giang Đông
cảm kích, đều không giết người nhà của Tư. Các quân dân quan tướng miền Hoài
Nam bị Đản bắt ép, chỉ giết kẻ đứng đầu, còn lại đều tha. Nghe nói Ương, Hổ thu
liệm thây Khâm, cấp cho xe ngựa, đến táng ở mộ cũ.
Tập Tạc Xỉ nói: "Từ đấy thiên hạ sợ oai nhớ đức vậy. Người quân tử nói Tư Mã Đại Tướng quân ở trận ấy có thể nói là giỏi dùng đức mà đánh vậy. Người dựng nghiệp tài lạ, đều có chỗ giỏi, nhưng không được giỏi hết cả. Cho nên bậc anh hùng rất thần vũ bị diệt bởi không có lòng nhân, kẻ có nghĩa giữ nước lại thua vì nhu nhược. Nay một trận mà phá được ba kẻ phản, bắt được nhiều quân Ngô, thu cuốn miền Hoài Nam, bắt trói mười vạn người, có thể nói là tráng vậy. Vậy mà không trọn vẹn, gạt bỏ công của Vương Cơ, ban huệ cho người Ngô, kết tình với nước khác, cho Ương táng Khâm, quên hiềm khích ngày trước, không bắt lỗi quân của Đản, khiến cho kẻ sĩ Dương Châu mang thẹn, công cao mà người dân vui theo nghiệp, nghiệp lớn mà địch nhớ đức, oai võ đã lan rộng, tài văn lại thấm sâu, xem đạo ấy của ông, thiên hạ có ai sánh được ông đây"? Gạt công của Vương Cơ, lời nói tại 《Vương Cơ truyện》. Ương còn có tên là Thục. 《Tấn chư công tán》 viết: Sau đó Thục làm Tướng quân, phá giặc ở Lương Châu, tiếng nổi thiên hạ. Giữa năm Thái Khang làm Đông Di Hiệu úy, Giả tiết. Đang làm quan, vào từ biệt Vũ Đế, Đế gặp mà ghét Thục, mượn việc khác mà bãi chức Thục. Đông An Công Do là cháu ngoại của Gia Cát Đản muốn giết Thục, nhân lúc giết Dương Tuấn, gièm Thục mưu phản, bèn giết ba họ.
Chú thích:
(1) Gia Cát Phong: người huyện Gia quận Lang Nha, thời
Hán Nguyên Đế làm Tư lệ Hiệu úy, tính thẳng thắn không xu nịnh.
(2) 'Tứ thông': tức 'bốn người thông minh', chỉ bốn người
là bọn Hạ Hầu Huyền.
(3) 'Bát đạt': tức 'tám người thông đạt', chỉ tám người
là bọn Gia Cát Đản.
(4) Giả Dự Châu: tức Giả Quỳ, thời Ngụy Văn Đế làm Dự
Châu Thứ sử, cho nên gọi là Giả Dự Châu.
(5) Trường Sa Vương Ngô Nhuế: tức Ngô Nhuế, thời Tần làm
Bà Dương Lệnh, rất được lòng dân ở vùng hồ Bà Dương và sông Trường Giang. Lúc
chư hầu nổi dậy chống nhà Tần, đem người Bách Việt giúp chư hầu, Hán Cao Tổ xét
công phong làm Trường Sa Vương, đống đô ở thành Lâm Tương.
(6) Điền Hoành: là dòng dõi quý tộc nước Tề cuối thời Chiến
quốc, cuối thời Tần, cùng anh em Điền Đam, Điền Vinh nổi dậy chống nhà Tần. Sau
khi Lưu Bang thống nhất chư hầu, Hoành không chịu theo nhà Hán, tự sát, hơn năm
trăm tráng sĩ thuộc hạ cũng tự sát theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét