Tào Nhân. Tranh minh họa đời Thanh |
TÀO NHÂN TRUYỆN
Tào Nhân tự Tử Hiếu,
là em họ của Thái tổ vậy.
[Nguỵ thư chép: Tổ phụ
của Nhân là Bao, làm Thái tú Dĩnh Xuyên. Cha là Sí, làm Thị trung, Trường Thuỷ
hiệu uý.]
Nhân thời trẻ thích
cung ngựa, săn bắn. Sau khi hào kiệt các nơi nổi dậy, Nhân cũng ngầm tụ tập với
những người trẻ tuổi, được hơn nghìn người, đi khắp vùng Hoài, Tứ, sau đi theo
Thái tổ làm Biệt bộ Tư mã, Hành Lệ phong Hiệu uý. Thái tổ phá viên Thuật, Nhân
chém được khá nhiều giặc. Rồi theo đi đánh Từ Châu, Nhân thường đốc xuất kỵ binh,
làm quân tiên phong. Được biệt phái đi đánh tướng của Đào Khiêm là Lã Do, phá
được, quay về cùng với đại quân họp ở Bành Thành, đại phá quân của Khiêm. Sau
theo đi đánh các huyện Phí, Hoa, Tức Mặc, Khai Dương, Khiêm phái biệt tướng đến
cứu các huyện, Nhân dùng kỵ binh đánh phá được. Thái tổ đi đánh Lã Bố, Nhân được
biệt phái đi đánh Câu Dương, hạ được thành, bắt sống tướng của Bố là Lưu Hà.
Thái tổ bình định Hoàng Cân, nghênh đón Thiên tử định đô ở huyện Hứa, Nhân mấy
lần lập công, được bái làm Thái thú Quảng Dương. Thái tổ quý trọng sự dũng lược
của Nhân, không để giữ ở quận, cho làm Nghị lang đốc quân kỵ(1). Thái tổ đi
đánh Trương Tú, Nhân được biệt phái đi đánh chiếm huyện Bàng, bắt sống được hơn
ba nghìn dân nam nữ huyện ấy. Quân của Thái tổ quay về, bị Tú truy đuổi, quân bất
lợi, sĩ tốt mất chí khí, Nhân động viên khích lệ khiến tướng sĩ rất phấn chấn,
Thái tổ khen ngợi Nhân, sau phá được Tú.
Thái tổ cùng Viên Thiệu
cầm giữ nhau ở Quan Độ đã lâu, Thiệu phái Lưu Bị đánh chiếm các huyện Thuỷ Ẩn,
Cường, dân chúng các huyện nổi dậy hưởng ứng Bị. Từ huyện Hứa về phía Nam, quan
dân bất an, Thái tổ rất lo lắng. Nhân nói: "Phương nam thấy đại quân ta
đang có nguy cấp trước mắt, về tình thế chẳng thể cứu ứng được nơi này, Lưu Bị
đem binh mạnh áp sát, họ phản bội lại là đương nhiên. Song Bị mới thống lĩnh
binh của Thiệu, chưa thể dùng bọn họ ngay được, đánh là có thể phá được vậy."
Thái tổ khen lời ấy, bèn sai Nhân dẫn quân kỵ đánh Bị, quân Bị tan vỡ phải bỏ
chạy, Nhân thu lại được hết các huyện làm phản rồi quay về. Thiệu phái biệt tướng
là Hàn Tuân cướp bóc cắt đứt Tây lộ, Nhân tập kích Tuân ở núi Kê Lạc, đại phá
Tuân. Bởi thế Thiệu không dám chia quân ra nơi đó nữa. Nhân lại cùng bọn Sử
Hoán cướp xe tải lương của Thiệu, thiêu sạch lương thảo.
Hà Bắc đã định, Nhân
theo đi vây Hồ Quan. Thái tổ xuống lệnh rằng: "Lấy được thành trì, ta cho
khanh được diệt hết địch quân." Liền một tháng trời không hạ được. Nhân
nói với Thái tổ rằng: "Vây thành phải để cho họ lối thoát, thế nên phải mở
cho họ đường sống. Nay Công tuyên cáo họ phải chết cả, người ta sẽ cố giữ. Vả lại
thành vững mà lương nhiều, đánh thì sĩ tốt thương vong, giữ thì dằng dai lâu
ngày; bây giờ dồn binh dưới chân toà thành vững, đánh bắt cái kẻ tử thủ, chẳng
phải là kế hay vậy." Thái tổ theo lời, thành ra hàng. Vì thế lúc biên xét
công lao trước sau của Nhân, phong cho Nhân tước Đô đình hầu.
Lúc theo đi bình Kinh
Châu, Thái tổ cho Nhân làm Hành Chinh nam tướng quân, lưu lại đóng quân ở Giang
Lăng, cự tướng Ngô là Chu Du. Du dẫn mấy vạn người đến đánh, mấy nghìn quân
tiên phong vừa đến, Nhân trèo lên thành trông ra, lập tức tuyển ba trăm người,
phái bộ tướng là Ngưu Kim đón đánh. Giặc đông, quân của Kim ít, vì thế bị vây
hãm. Quan Trưởng sử là Trần Kiều cùng ở trên thành, trông xa thấy bọn Kim sắp
nguy cấp, tả hữu đều thất sắc. Nhân chí khí rất phẫn nộ, bảo tả hữu mang ngựa đến,
bọn Kiểu cùng níu giữ Nhân lại. Rồi bảo Nhân rằng: "Giặc đông thế thịnh,
chẳng thể đương nổi. Ví như bỏ mất mất mấy trăm người có gì là cay đắng, mà tướng
quân phải đem thân đến đó!" Nhân không chịu, rồi mặc áo giáp lên ngựa, dẫn
mấy chục quân kỵ mang cờ chỉ huy ra khỏi thành. Còn cách quân giặc hơn trăm bước,
gần sát chiến hào, bọn Kiều cho rằng Nhân phải chống giữ bên hào, tạo hình thế ứng
cứu Kim, song Nhân lại vượt qua hào tiến thẳng về phía trước, xông vào vòng vây
của địch, bọn Kim được giải thoát. Số binh sĩ còn lại chưa ra được, Nhân bèn
quay trở lại đột phá, đưa hết binh của Kim ra, giết được mấy chục người, quân
giặc phải lui về. Bọn Kiểu mới thấy Nhân ra, đều sợ hãi, lúc thấy Nhân trở về,
bèn than rằng: "Tướng quân thật là người nhà trời vậy!" Ba quân đều
phục cái dũng của Nhân. Thái tổ càng khen ngợi Nhân hơn, đổi phong cho Nhân tước
An Bình đình hầu.
Thái tổ đánh dẹp Mã
Siêu, lấy Nhân làm Hành An tây tướng quân, đốc xuất chư tướng cự thủ ở Đồng
Quan, phá Mã Siêu ở Vị Nam . Tô Bá, Điền Ngân làm phản, Thái tổ lấy Nhân làm
Hành Kiệu kỵ tướng quân, đô đốc bảy cánh quân đánh dẹp bọn Ngân, phá được. Lại
lấy Nhân làm Hành Chinh nam tướng quân, ban cho Giả tiết, đóng quân ở Phàn
Thành, trấn giữ Kinh Châu. Hầu Âm làm phản ở Phàn Thành, mấy nghìn người cướp
bóc dân chúng ở huyện Bàng, Nhân thống suất chư quân đánh phá Âm, chém đầu Âm,
rồi quay lại đóng quân ở Phàn Thành, Nhân lập tức được bái làm Chinh nam tướng
quân. Quan Vũ đánh Phàn Thành, bấy giờ nước sông Hán mênh mông, bảy cánh quân của
bọn Vu Cấm bị chìm đắm, Cấm hàng Vũ. Nhân có mấy nghìn nhân mã giữ thành, một số
đoạn tường thành mỏng bị nước tràn ngập. Vũ cưỡi thuyền đến sát thành, vây chặt
mấy vòng, liên lạc trong ngoài bị cắt đứt, lương thực sắp hết, cứu binh không đến.
Nhân khích lệ tướng sĩ, thề giữ đến chết, tướng sĩ đều cảm động không ai hai
lòng. Từ Hoảng đến cứu, nước cũng đã giảm chút ít, Hoảng từ phía ngoài tập kích
Vũ, Nhân được dịp ra khỏi vòng vây. Vũ phải lui binh.
Nhân thời còn trẻ
không sửa đổi hạnh kiểm, khi trưởng thành làm tướng, nghiêm chỉnh vâng theo
pháp lệnh, thường đặt điều lệnh cho tả hữu, chiếu theo đó mà làm việc. Yển Lăng
hầu là Chương bắc chinh ô Hoàn, Văn đế ở Đông cung, viết thư răn bảo Chương rằng:
"Làm tướng vâng theo phép nước, chẳng phải là giống như Chinh nam(2) đó
sao?" Lúc lên tức vương vị, bái Nhân làm Xa kỵ tướng quân, đô đốc các việc
quân sự ở các châu Kinh, Dương, Ích, được tấn phong tước Trần hầu, thêm thực ấp
hai nghìn hộ, gồm cả trước đó là ba nghìn năm trăm hộ. Lại truy tặng cho cha của
Nhân là Sí thuỵ là Trần mục hầu, để cho mười nhà canh giữ mộ. Sau cho triệu
Nhân về đóng ở huyện Uyển.
Tôn Quyền phái tướng
là Trần Thiệu đánh lấy Tương Dương, triều đình hạ chiếu cho Nhân đánh dẹp. Nhân
cùng với Từ Hoảng công phá Thiệu, rồi tiến vào Tương Dương, sai tướng quân Cao
Thiên Đẳng dời dân chúng nương náu ở phía nam sông Hán về bắc sông Hán, Văn Đế
phái sứ giả đến lập tức bái Nhân làm Đại tướng quân. Lại hạ chiếu cho Nhân dời
đến đóng quân ở Lâm Dĩnh, thăng làm Đại tư mã, cho thống lĩnh chư quân giữ Ô
Giang, rồi về đóng quân ở Hợp Phì. Năm Hoàng Sơ thứ tư chết, được ban thuỵ hiệu
là Trung hầu.
[Nguỵ thư chép: Bấy
giờ Nhân được năm mươi sáu tuổi.]
[Phó Tử nói: Cái dũng
Tào Đại tư mã, Bôn, Dục(3) chẳng hơn được. Trương Liêu cũng được kể vào hàng ấy.]
Con của Nhân là Thái
nối tự, làm quan đến chức Trấn đông tướng quân, được ban Giả tiết, rồi chuyển
phong tước Ninh Lăng hầu. Thái chết, con là Sơ nối tự. Lại phân phong cho em của
Thái là Giai và Phạm, đều làm Liệt hầu, còn Ngưu Kim làm quan đến chức Hậu tướng
quân.
Em của Nhân là Thuần,
ban đầu làm Nghị lang tham dự việc quân giúp Tư Không.
[Anh hùng ký chép:
Thuần tự Tử Hoà. Năm mười bốn tuổi cha mất, cùng với người anh sinh đôi là Nhân
ở riêng. Thuần nối nghiệp cha, giàu có nhiều tiền của, đầy tớ người hầu có mấy
trăm, Thuần ra kỷ cương quản lý nghiêm khắc, chẳng mất đạo lý, người làng đều
cho là có tài. Thuần thích học vấn, kính ái kẻ kẻ sĩ có học, học sĩ nhiều người
theo về, bởi thế xa gần đều xưng tụng. Năm mười tám tuổi, làm Hoàng môn thị
lang. Năm hai mươi tuổi, theo Thái tổ đến Tương Ấp mộ binh, sau thường theo đi
chinh chiến.]
Thuần đốc xuất quân kỵ
hổ báo theo đi vây Nam Bì. Viên Đàm ra đánh, sĩ tốt chết rất nhiều. Thái tổ định
đình chỉ tấn công, Thuần nói: "Nay đi nghìn dặm đánh địch, tiến chẳng thể
thắng được, lui tất mất uy thế; vả lại quân cô lập thâm nhập đất địch, khó cầm
giữ được lâu. Bên kia thắng mà kiêu căng, ta bại mà cảnh giác, lấy cái cảnh
giác đối phó với cái kiêu căng, hẳn có thể thắng được." Thái tổ khen lời ấy,
liền gấp rút đánh, Đàm bại trận. Thuần chỉ huy quân kỵ thủ hạ chém được thủ cấp
của Đàm. Lúc bắc chinh ba quận, quân bộ kỵ của Thuần bắt được Thiền Vu(4) là Đạp
Đốn. Vì có công lao trước sau, Nhân được phong tước Cao Lăng đình hầu, hưởng thực
ấp ba trăm hộ. Khi theo đi đánh Kinh Châu, truy đuổi Lưu Bị ở Trường Bản, bắt
được xe truy trọng và hai con gái của Bị, thu gom được binh tốt tản mát của Bị.
Lại tiến đến thu hàng Giang Lăng, rồi theo về Tiêu huyện. Năm Kiến An thứ mười lăm
chết. Văn Đế lên tức vị, truy thuỵ cho Thuần là Uy hầu.
[Nguỵ thư chép: Quân
kỵ hổ báo do Thuần đốc xuất, đều là những kẻ kiêu dũng trong thiên hạ, hoặc là
lấy từ chỗ trăm người bù bổ vào, Thái tổ cho là khó chọn được người thống lĩnh.
Thuần được tuyển làm người đốc trách, vỗ về phủ dụ rất được lòng người. Lúc
xong việc, hữu ti bẩm bạch tuyển người thay thế, Thái tổ nói: "Thuần được
chọn rồi, sao có thể chọn lại được! Ta không tin Đốc quân của mình sao?" Rồi
không tuyển lại.]
Con Thuần là Diễn nối
tự, làm quan đến chức Lĩnh quân tướng quân, năm Chính Nguyên trung được tấn
phong tước Bình Lạc hương hầu. Diễn chết, con là Lượng nối tự.
Chú thích:
(1) Thiên tử phong cho Nhân chức quận thú, Tào Tháo quý
tài của Nhân, nghĩ rằng để làm quận thú thì lãng phí tài năng.
(2) Tào Nhân làm Chinh Nam tướng quân, làm việc theo pháp
lệnh, Tào Phi khuyên Tào Chương rất nên làm giống như Tào Nhân.
(3) Mạnh Bôn, Hạ Dục, đều là những dũng tướng nổi danh thời
Xuân Thu.
(4) Thiền vu là chúa một bộ tộc Hung Nô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét