|
HẠ HẦU UYÊN TRUYỆN
Hạ Hầu Uyên tự Diệu
Tài, là em họ Đôn. Thời Thái tổ còn ở nhà, từng vướng vào chuyện quan sự ở huyện,
Uyên nhận trọng tội thay cho, Thái tổ tính kế cứu Uyên, Uyên được thoát tội.
Nguỵ lược chép: Bấy giờ vùng Duyện, Dự đại loạn, Uyên vì túng thiếu, đem bỏ đứa con trai nhỏ của mình, mà nuôi nấng đứa con gái nhỏ côi cút của người em đã chết(1).
Thái tổ khởi
binh, lấy Uyên làm Biệt bộ tư mã, Kỵ đô uý đi theo bên mình, sau thăng làm Thái
thú Trần Lưu, Dĩnh Xuyên. Lúc Thái tổ và Viên Thiệu giao chiến ở Quan Độ, Uyên
làm Hành Đốc quân Hiệu uý. Thiệu bị phá, Thái tổ sai Uyên đôn đốc việc quân
lương ở các châu Duyện, Dự, Từ. Thời ấy quân lương thiếu thốn, Uyên đem quân
lương tiếp tế, binh lính nhờ đó mà phấn chấn lên được. Xương Hi làm phản, Thái tổ
phái Vu Cấm đến đánh, chưa thắng được, Thái tổ lại phái Uyên và Cấm cùng hợp sức,
sau đánh được Hi, thu hàng hơn một chục đồn binh, Hi đến chỗ Cấm đầu hàng. Uyên
quay về, được bái làm Điển quân Hiệu uý.
Nguỵ thư chép: Uyên
làm tướng, tức tốc xông vào nơi gian khó, thường ra chỗ địch không phòng bị,
cho nên trong quân có câu rằng: "Điển quân Hiệu uý Hạ Hầu Uyên, ba ngày đi
năm trăm dặm, sáu ngày đi ngàn dặm."
Giặc Hoàng Cân ở Tế
Nam, Lạc An là bọn Từ Hoà, Tư Mã Câu tấn công thành trì, giết hại trưởng lại,
Uyên dẫn quân lính ở các quận Thái Sơn, Tề, Bình Nguyên ra đánh, đại phá giặc,
chém Hoà, bình định các huyện, thu lấy lương thảo ở các huyện ấy để cấp cho
quân sĩ. Năm Kiến An thứ mười bốn, Thái tổ lấy Uyên làm Hành lĩnh quân. Thái tổ
đi đánh Tôn Quyền trở về, sai Uyên đốc xuất chư tướng đánh kẻ làm phản ở Lưu
Giang là Lôi Tự, Tự bị phá, Uyên lại làm Hành chinh tây Hộ quân, đốc xuất Từ Hoảng
đánh giặc ở Thái Nguyên, tấn công hạ được hơn hai mươi đồn luỹ, chém đầu lĩnh của
giặc là Thương Diệu, giết sạch quân ở trong thành. Rồi theo đi đánh bọn Hàn Toại,
tác chiến ở Vị Nam, lại đốc xuất Chu Linh bình định Du Mi, Khiên Đê. Lại cùng với
Thái tổ hội quân ở An Định, Dương Thu quy hàng.
Năm thứ mười bảy,
Thái tổ quay về huyện Nghiệp, dùng Uyên làm Hộ quân tướng quân, thống suất bọn
Chu Linh, Lộ Chiêu đóng quân ở Trường An, đánh phá sơn tặc là Lưu Hùng, thu
hàng quân đội của Hùng. Lại vây dư đảng của của Toại, Siêu là bọn Lương Hưng ở
huyện Hộ, dẹp xong, chém Hưng, được phong tước Bác Xương đình hầu. Mã Siêu vây
Thứ sử Lương Châu là Vi Khang ở huyện Ký, Uyên tới cứu Khang, chưa đến nơi,
Khang đã thua trận. Uyên còn cách Ký huyện hơn hai trăm dặm, Siêu đến nghênh
chiến, quân của Uyên bất lợi. Khiên Đê làm phản, Uyên dẫn quân quay về.
Năm thứ mười chín, bọn
Triệu Cù, Doãn Phụng mưu tính đánh Siêu, Khương Tự khởi binh ở Lỗ Thành để hưởng
ứng. Bọn Cù quỷ quyệt lừa Siêu, khiến Siêu xuất binh đánh Tự, rồi ở hậu phương
giết sạch vợ con Siêu. Siêu vội chạy vào Hán Trung, rồi quay lại vây Kỳ Sơn. Bọn
Tự cáo cấp cầu cứu Uyên, chư tướng nghị bàn nên đợi Thái tổ tiết chế. Uyên nói:
"Công ở huyện Nghiệp, đi rồi quay về là bốn ngàn dặm, nhận được hồi báo, bọn
Tự tất đã bại, chẳng bằng ta đánh gấp đi." Rồi hành quân, sai Trương Cáp đốc
xuất năm nghìn quân bộ kỵ ở phía trước, theo đường hẻm Trần Thương tiến vào,
Uyên tự mình đốc lương ở phía sau. Cáp đến gần Vị Thuỷ, Siêu dẫn mấy nghìn quân
Đê, Khương đón đánh Cáp. Chưa giao chiến, Siêu bỏ chạy, Cáp tiến quân thu lấy
khí giới của quân Siêu. Uyên đến nơi, các huyện đều đã ra hàng. Hàn Toại ở Hiển
Thân, Uyên quay ra tập kích Toại, Toại bỏ chạy. Uyên thu lấy quân lương của Toại,
rồi truy kích dến tận thành Lược Dương, còn cách Toại hơn hai mươi dặm, chư tướng
muốn tấn công, có người nói rằng nên tấn công rợ Đê ở Hưng Quốc. Uyên cho rằng
binh của Toại tinh nhuệ, thành Hưng Quốc bền vững, đánh không thể lấy ngay được,
chẳng bằng đánh các tộc Khương ở Trường Li. Những người Khương ở Trường Li đa
phần ở trong quân của Toại, tất sẽ quay về cứu gia tộc mình. Nếu Toại để người
Khương độc thủ thì cô thế, đi cứu Trường Li thì quan binh phải giao chiến ở
ngoài đồng, như thế hẳn ta có thể bắt sống được. Uyên bèn lưu bộ tướng giữ đồ
truy trọng, đem khinh binh bộ kỵ đến Trường Li, tấn công đốt doanh trại của rợ
Khương, chém và bắt sống được rất nhiều địch. Những người Khương ở trong quân của
Toại, đều quay về bộ lạc. Toại quả nhiên đến cứu Trường Li, cùng với quân của
Uyên đối trận. Chư tướng thấy quân của Toại đông, sợ lắm, muốn làm hào luỹ liên
kết các doanh trại rồi mới giao chiến. Uyên nói: "Quân ta di chuyển cả
ngàn dặm, nay lại làm công sự, thì sĩ chúng sẽ mỏi mệt, chẳng thể giữ được lâu.
Giặc tuy đông, cũng dễ đối phó thôi." Bèn thúc trống xuất binh, đại phá
quân của Toại, đoạt được cờ chỉ huy của địch, rồi quay về Lược Dương, tiến quân
vây Hưng Quốc. Đê vương là Thiên Vạn chạy trốn đến chỗ Mã Siêu, dư đảng tộc
Khương ra hàng. Uyên quay sang đánh các huyện Cao Bình, Đồ Các, binh sĩ các nơi
ấy đều bỏ chạy tán loạn, Uyên thu được lương thảo trâu ngựa của họ. Uyên được
ban Giả tiết.
Khi trước, Tống Kiến ở
Phu Hãn nhân lúc Lương Châu loạn lạc, tự xưng là Hà thủ bình Hán vương. Thái tổ
sai Uyên thống suất chư tướng thảo phạt Kiến. Uyên đến nơi, vây Phu Hãn, hơn một
tháng hạ được, chém Kiến và các quan lại từ Thừa tướng trở xuống. Uyên biệt
phái bọn Trương Cáp đi bình định Hà Quan, qua Hoàng Hà xâm nhập Tiểu Hoàng
Trung, các tộc Khương ở Hà Tây ra hàng cả, vùng Lũng Hữu bình định. Thái tổ xuống
lệnh rằng: "Tống Kiến tác loạn hung nghich hơn ba mươi năm, Uyên một lần cất
binh mà diệt được, là hổ bộ ở vùng Quan Hữu, đi đến đâu không có ai là đối thủ.
Trọng Ni có câu rằng: 'Ta chẳng so sánh với ngươi được(2).' Năm thứ hai mươi,
tăng thêm thực ấp cho Uyên ba trăm hộ, gồm cả lúc trước là tám trăm hộ. Sau
Uyên quay về đánh rợ Khương, Đê ở Vũ Đô, Hạ Biện, thu được hơn vạn hộc lương của
người Đê. Thái tổ Tây chinh Trương Lỗ, bọn Uyên dẫn chư tướng, vương hầu ở
Lương Châu đến chúc hạ, cùng với Thái tổ hội họp ở Hưu Đình. Thái tổ mỗi lần hội
kiến các vua người Khương, Hồ, lại lấy Uyên ra doạ họ. Khi Lỗ ra hàng, Hán Trung
bình định, Thái tổ cho Uyên giữ chức Hành Đô hộ tướng quân, thống suất bọn
Trương Cáp, Từ Hoảng bình định Ba Quận. Thái tổ về huyện Nghiệp, lưu Uyên trấn
thủ Hán Trung, lại bái Uyên làm Chinh tây tướng quân. Năm thứ hai mươi ba, Lưu
Bị đóng quân ở ải Dương Bình, uyên thống suất chư tướng chống cự Bị, cầm giữ
nhau liền năm. Năm thứ hai mươi bốn tháng giêng, Bị trong đêm nổi lửa quanh
công sự phòng ngự của Uyên(3). Uyên sai Trương Cáp che chắn vòng vây ở phía
Đông, tự mình dẫn khinh binh chống đỡ ở phía Nam. Bị quay sang khiêu chiến Cáp,
quân của Cáp bất lợi. Uyên phân một nửa binh của mình tương trợ Cáp, vì bị Lưu
Bị tập kích, Uyên ra giao chiến bị chết. Uyên được ban thuỵ hiệu là Mẫn hầu.
Trước đó, Uyên dù mấy
lần chiến thắng, Thái tổ thường răn rằng: "Làm tướng thì phải có lúc khiếp
sợ, chẳng thể chỉ cậy vào cái dũng. Tướng phải lấy dũng làm gốc, hành sự phải
dùng trí mưu; chỉ biết dùng cái dũng, thì địch nổi một kẻ thất phu mà
thôi."
Vợ của Uyên, là em vợ
Thái tổ. Con trưởng của Uyên là Hành, lấy con gái của em trai Thái tổ là Hải
Dương Ai hầu, ân sủng cực trọng. Hành được tập tước, sau đổi phong tước An Ninh
đình hầu. Năm Hoàng Sơ trung, ban tước cho con thứ của Uyên là Bá, năm Thái Hoà
trung, ban cho bốn em của Bá, đều được nhận tước Quan nội hầu. Bá, năm Chính
Thuỷ trung làm Thảo thục hộ quân Hữu tướng quân, được tấn phong tước Bác Xương
đình hầu, vốn nhận sự hậu đãi của Tào Sảng. Nghe tin Sảng bị tru diệt, Bá nghi
ngờ, bỏ trốn vào Thục. Vì Uyên là cựu huân(4) nên xá tội cho con của Bá, dời đến
ở quận Lạc Lãng.
Nguỵ lược chép: Bá tự
Trọng Quyền. Uyên vì bị người Thục giết hại, nên Bá thường nghiến răng căm giận,
có ý muốn báo thù Thục. Năm Hoàng Sơ trung Bá làm Thiên tương quân. Chiến dịch
Tý Ngọ, Bá được gọi đến làm tiên phong, tiến vào vòng vây ở Hưng Thế, hạ trại ở
Khúc Cốc Trung. Người Thục trông xa biết đó là Bá, coi thường phát binh tấn
công. Bá thủ chiến ở trong trại, chờ quân cứu đến, rồi sau được giải vây. Về
sau Bá làm Hữu tướng quân, đóng quân ở Lũng Tây, ở đó nuôi dưỡng sĩ tốt, hoà với
rợ Nhung, được họ vui vẻ giúp đỡ. Đến năm Chính Thuỷ trung, Bá thay Hạ Hầu Nho
làm Chinh Thục hộ quân, thống suất thuộc hạ đi đánh phương Tây. Bấy giờ Chinh
tây tướng quân Hạ Hầu Huyền, đối với Bá là chú cháu, nhưng Huyền với Tào Sảng
là em bên họ ngoại. Lúc Tư mã Tuyên vương giết Tào Sảng, bèn cho triệu gọi Huyền,
Huyền đi về Đông. Bá nghe tin Tào Sảng bị giết mà Huyền lại bị trưng tập, cho rằng
hoạ tất tới với mình, trong lòng đã lo sợ; lại vì trước đây Bá và Thứ sử Ung
Châu là Quách Hoài bất hoà, nhưng Hoài được thay Huyền làm Chinh tây, Bá càng
thấy bất an, nên chạy trốn vào Thục. Rảo bước xuôi Nam tới Âm Bình thì lạc đường,
vào tận Cốc Trung, lương hết, giết ngựa ăn rồi đi bộ, bàn chân bị tróc thịt, nằm
dưới phiến đá, cầu cạnh người đi đường chỉ lối, song không ai mách cho. Người
Thục hay tin, bèn sai người đến nghênh đón Bá. Ngày trước, năm Kiến An thứ năm,
thời người em họ của Bá được mười ba, mười bốn tuổi, ở bản quận, đi ra ngoài kiếm
củi, bị Trương Phi bắt được. Phi biết người ấy là con gái nhà lương thiện, bèn
lấy làm vợ, sinh được một người con gái, làm Hoàng hậu của Lưu Thiện. Cho nên
lúc Uyên mới mất, vợ của Phi xin an táng cho Uyên. Lúc Bá vào Thục, Thiện cùng
tương kiến, vui vẻ bảo rằng: "Phụ thân của khanh bị hại trong lúc hành
quân thôi, không phải là tự tay tiền nhân(5) của ta đâm chết đâu." Rồi trỏ
vào đứa con nhỏ của mình bảo Bá rằng: "Đây là cháu ngoại của họ Hạ Hầu đấy."
Bá được ban tước rất hậu.
Em của Bá là Uy, làm
quan đến Thứ sử Duyện châu.
Thế ngữ chép: Uy tự
Quý Quyền, dốc lòng làm việc nghĩa. Trải chức Thứ sử ở hai châu Kinh, Dự, rất
quý hiển. Con là Tuấn, làm Thứ sử Tinh Châu. Con thứ là Trang, làm Thái thú
Hoài Nam. Con của Trang là Trạm, tự là Hiếu Nhã, uyên bác về văn chương, làm
quan đến Nam Dương tướng, Tán kỵ thường thị. Trang, là anh rể của Cảnh Dương
hoàng hậu nhà Tấn. Bởi thế cả nhà được thịnh vượng một thời.
Em Uy là Huệ, làm
Thái thú Lạc An.
Văn chương tự lục
chép: Huệ tự Trĩ Quyền, lúc ấu thơ vì tài học được xưng tụng, khéo chắp nối tấu
chương. Trải qua chức Tán kỵ hoàng môn thị lang, cùng với Chung Dục(6) mấy lần
biện bác, việc được nhiều người biết. Huệ được thăng làm Yên tướng(7), Thái thú
Lạc An.
Em Huệ là Hoà, làm Hà
Nam doãn.
Thế Ngữ chép: Hoà tự
Nghĩa Quyền, biện bác rành mạch, có tài thảo luận. Trải các chức Hà Nam doãn, Thái
thường. Con thứ ba của Uyển là Xứng, con thứ năm là Vinh.
Theo Tôn Trạm vi kỳ tự
chép: "Xứng tự Thúc Quyền. Từ lúc còn là đứa trẻ ranh đã thích tập hợp bọn
trẻ con, tự mình làm thủ lĩnh, đùa bỡn làm trò quân lữ bầy chiến trận, đứa nào
kháng cự liền dùng roi nghiêm trị, bọn chúng chẳng đứa nào dám phản kháng. Uyên
ngầm cho nó là lạ, cho nó đọc Hạng Vũ truyện và binh thư, nó không chịu, nói:
'Tài năng thì tự có được thôi, sao có thể học người khác được?' Năm Xứng mười
sáu tuổi, Uyên với nó đi săn, thấy một con hổ đang chạy, Xứng ruổi ngựa đuổi
theo, cấm không nổi, nó bắn một mũi tên mà con hổ ngã. Tiếng đến tai Thái tổ,
Thái tổ cầm tay nó mừng rỡ nói: 'Ta dùng được mày rồi.' Hòa cùng với Văn Đế
giao du từ khi áo vải, mỗi khi yến hội, khí thế lấn át cử toạ, kẻ biện sĩ chẳng
thể khuất phục được. Những người cao danh đương thế đa phần tự nguyện theo. Năm
mười tám tuổi Huệ chết. Em của Xứng là Vinh, tự Ấu Quyền. Thuở ấu thơ đã thông
tuệ, bảy tuổi có thể chắp nối văn tự, đọc sách ngày mỗi nghìn chữ, liếc mắt qua
lập tức nhớ được ngay. Văn Đế nghe tiếng cho mời Vinh đến. Tân khách có hơn
trăm người, mọi người viết danh thiếp, các danh thiếp ghi quê quán và danh tính
của họ, người đời gọi đó là 'tước lí thứ', khách bảo cho Vinh biết, Vinh liếc mắt
một lần, nói được hết tên tuổi và danh tính của họ, chẳng sai trật một người
nào. Đế rất lấy làm lạ. Trận thua quân ở Hán Trung, Vinh mới mười ba tuổi, tả hữu
kéo Vinh chạy trốn, Vinh không chịu, nói: 'Vua đang ở chỗ gian khó, sao lại trốn
cái chết được!' Rồi vung kiếm chiến đấu, sau chết trong trận."
Hành chết, con là
Tích nối tự, làm Hổ bôn trung lang tướng. Tích chết, con là Bao nối tự.
Chú thích:
(1) Thiên hạ đại loạn, mất mùa đói kém, Uyên đem vứt bỏ
con mình, để có đủ lương thực nuôi con côi của người em, nghĩa khí ít người bằng.
(2) Trọng Ni tức thầy Khổng Tử. Khổng Tử được Nhan Hồi,
khen Hồi rằng mình chẳng bằng Nhan Hồi được, Tào Tháo khen như thế là tán tụng
cái tài của Uyên vậy.
(3) Câu này nguyên văn là 'Bị dạ thiêu vi lộc giác'. Cái
chữ 'lộc giác' nghĩa đen là cái sừng hươu, có thể tạm hiểu là, ngày xưa, khi lập
doanh trại, người ta dùng cây gỗ vót nhọn cắm xuống đất để cản trở quân địch tấn
công.
(4) Cựu huân tức là cựu thần có công lao.
(5) Tiền nhân tức là cách gọi kính trọng người cha đã chết
của mình.
(6) Chung Dục, là con Chung Do, anh Chung Hội.
(7) Tướng ở đất Yên, tướng ở đây là kiểu như chức Thừa tướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét