Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

DƯƠNG NGHI TRUYỆN

 


Dương  Nghi

DƯƠNG NGHI TRUYỆN


Dương Nghi tự Uy Công, người ở quận Tương Dương, giữa thời Kiến An, làm Kinh Châu thứ sử giữ chức Phó quần chủ bộ, sau đến Tương Dương làm Thái thú cho Quan Vũ. Vũ đánh quân Tào, Nghi phụng mệnh đi sứ vào Tây Thục đến chỗ Tiên chủ. Tiên chủ cùng Nghi bàn luận quân quốc kế sách, phép tắc trị dân những điều được mất, rất hài lòng, nhân đó cho làm Tả tướng quân Binh tào duyện. Khi Tiên chủ xưng làm Hán Trung Vương, đề bạt Nghi làm Thượng thư. Tiên chủ xưng tôn hào (đế), đông chinh phạt Ngô, Nghi cùng với Thượng thư lệnh Lưu Ba bất hoà, bị giáng chức điều đến nơi xa làm Hoằng nông Thái thú.


Năm Kiến Hưng thứ ba, Thừa tướng Lượng lấy Nghi làm Tham quân, cho ở phủ sự, cùng tiến về Nam (Bình Man). Năm Kiến Hưng thứ năm, theo Lượng đến Hán Trung. Năm Kiến Hưng thứ tám, Nghi được thăng làm Trưởng sử, thêm chức Tùy quân Tương quân. Lượng mấy lần xuất quân, Nghi thường bày kế hoạch rõ ràng mạch lạc, lo liệu việc lương thảo, Lượng chẳng cần phải chỉ bảo nhiều, lại rất nhanh chóng và tiện lợi. Việc quân nhung có khuôn phép, Nghi lo liệu rất khéo léo. Lượng rất tiếc tài cán của Nghi, cũng như sự kiêu dũng của Nguỵ Diên, thường hận hai người ấy bất hoà, chẳng nỡ trách cứ thiên lệch để phế bỏ ai.


Năm Kiến Hưng thứ 12, Nghi theo Lượng đóng binh ở Tà Cốc. Lượng chết ở nơi đóng quân. Nghi dẫn binh lui về, giết chết Diên, tự cho rằng mình có công to, nên bấy giờ nghĩ rằng được thay Lượng nắm giữ đại quyền, mới sai Đô uý Triệu Chính lấy sách Chu Dịch ra bói cỏ thi, được quẻ Gia Nhân, thì yên lặng không hài lòng. Khi Lượng còn sống đã ngầm biết, Nghi có tính nhỏ nhen, có ý giao việc cho Tưởng Uyển, Uyển được làm Thượng thư lệnh, Ích châu thứ sử. Nghi về đến nơi, được phong làm Trung quân sư, không được thống lĩnh quân, rất nhàn hạ.”


Khi trước, thời Tiên chủ còn sống Nghi được làm Thượng thư, Tưởng Uyển chỉ làm Thượng thư lang, sau này Nghi đi theo Thừa tướng làm Tham quân Trưởng sử, mỗi khi theo trong quân, nhận việc lao khổ, tự nghĩ mình làm quan trước Uyển, tài năng hơn hẳn, mới phẫn chí oán hận thể hiện rõ ra bên ngoài, than thở quát mắng ra lời. Bấy giờ mọi người sợ ngôn ngữ bất tiết, chẳng ai dám hùa theo, chỉ có Hậu quân Phí Vỹ tới thăm nom an ủi. Vỹ đến Nghi nói rằng rất oán hận, trước sau không thay đổi, lại bảo Vỹ rằng: “Lúc Thừa tướng mới mất, nếu ta dẫn quân theo về với họ Nguỵ, có đâu chìm đắm như bây giờ, nay có hối hận cũng không kịp nữa rồi”. Y mật dâng biểu kể rõ lời ấy. Năm Kiến Hưng thứ 13, phế Nghi làm dân thường, bắt dời đến ở quận Hán Gia. Nghi đến đó, lại gửi thư phỉ báng lên bề trên, lời lẽ gay gắt không phục, triều đình sai người đến bắt Nghi. Nghi tự sát, vợ con Nghi trở về Thục.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét