Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Châu Âu có phải là Tây không?




Châu Âu có phải là Tây không?

Tawada Yōko
Hà Vũ Trọng dịch




Tawada Yōko (多和田葉子 Đa-hoà-điền Diệp-tử) nhà văn Nhật Bản, sinh ở Tokyo năm 1960, định cư ở Đức từ năm 1982, chọn viết cả hai thứ tiếng Nhật và Đức. Năm 1987 cô xuất bản tập thơ đầu tay song ngữ: Nur da wo du bist da ist nichts—Anata no iru tokoro dake nani mo nai (Khoảng trống chỉ có ở nơi bạn trú ngụ). Truyện của Tawada thường dùng thể tự sự phản kí ức, mô phỏng truyền thuyết Đức và kho tàng dân gian Nhật. Phong cách kì dị của của cô gần như khác biệt hẳn với những nhà văn di dân khác để kiếm tìm một không gian mới ở trong và ngoài nước Nhật. Tadawa nhận nhiều giải thưởng văn học đáng kể, như Gunzo năm 1991 dành cho cây bút mới với truyện “Mất gót”. Giải Akutagawa 1993 với “Chú rể từng là con chó”. 1996, Giải Adelbert von Chamisso, dành cho những nhà văn ngoại quốc đóng góp vào văn hoá Đức. 2003, Kẻ tình nghi trên chuyến tàu đêm đoạt Giải Tanizaki và Giải Văn Chương Ito Sei. Huy chương Goethe năm 2005.


Thập niên 1990 có những khuynh hướng mới trong văn học Nhật Bản, đặc biệt tác phẩm của một số nhà văn nữ đã phê phán truyền thống Nhật, nhờ vậy độc giả Nhật bắt đầu nhìn ra chân tướng của mình trong văn học đương đại. Tawada Yōko thuộc số những nhà văn lẫy lừng nhất, cô rời nước Nhật và nhìn văn hoá mình từ một nhãn quan khác đồng thời chất vấn bản sắc Nhật trong tác phẩm. Sự lựa chọn hai ngôn ngữ của Tawada không chỉ phá vỡ ảo tưởng về sự thuần nhất - một dân tộc, một chủng tộc, và một ngôn ngữ, vốn là một ý hệ thống trị trong cả hai xã hội Đức và Nhật, mà còn minh chứng tiềm năng của một nhà văn khi chọn lựa [những] ngôn ngữ cho mình và không màng đến những biên giới.



Như một kẻ du mục trong không gian liên văn hoá giữa Nhật – Đức và định vị mình ở trung gian, trong những tác phẩm về lí thuyết như Tiếng ngoài: hành trình vượt khỏi tiếng bản xứ (2003), Tawada mô tả kinh nghiệm giải phóng khỏi những biên giới quốc gia và ngôn ngữ, từ đó khai phá và sáng tạo trong không gian liên văn hoá và đa ngôn ngữ. Tác phẩm của Tawada trong số những nhà văn thời trục (axial) rọi một ý ngĩa mới như cuộc kiếm tìm căn cước xuyên quốc gia của di dân trong những nền văn hoá và ngôn ngữ khác. Những sáng tác ở trong “không gian thứ ba” này cùng khái niệm “exophony” (tiếng ngoài) của Tawada gần đây gây tranh luận trong giới hàn lâm, đặc biệt ở Pháp và Đức.


Trong luận văn “Từ tiếng mẹ đến mẹ tiếng” (“Von der Muttersprache zur Sprachmutter”; 1966), Tawada trình bày cách giải cấu quan niệm về tiếng mẹ, từ đó cũng ngụ ý một hình thái giải cấu đặc biệt bác bỏ phương thức hữu cơ để chuyển sang phương thức vô cơ, tới một trú xứ không tưởng vượt qua ngôn ngữ. Cuốn tiếp theo là Ngôn ngữ hải ngoại (Überseezungen; 2002) giải cấu những phương thức sở hữu để tiếp cận một hình thái xuyên quốc gia được mở rộng. Cuốn sách này của Tawada đánh dấu một bước vượt xa ngoài trục Đông-Tây vốn ngự trị cho đến nay đồng thời hướng đến việc tái tổ chức địa hình theo trí tưởng tượng của cô, giờ đây ngoài truc Đông-Tây (Á/Âu) gồm cả sự dấn mình vào cả với trục Nam-Bắc (giàu/nghèo), mang “những tiếng nói từ khắp mọi nơi”.


Tính đa nguyên của sự đa thanh và đa văn hoá của Tawada có thể thấy trong hai tác phẩm xuất bản gần đây được dịch sang tiếng Anh, trong đó gồm sự liên hệ ít nhiều đến bối cảnh Việt Nam: tập truyện ngắn Facing the Bridge (New Directions 2007), và tiểu thuyết The Naked Eye (2009), và Yoko Tawada: Voices from Everywhere (Asiaworld 2007) gồm nhiều tiểu luận phê bình quan trọng từ cuộc hội thảo (MLA 2006) đặc biệt dành riêng cho tác phẩm của Tawada.


Dưới đây xin giới thiệu một khảo luận sắc sảo của Tadawa Yōko khảo sát về vấn đề bản sắc và chủ nghĩa dân tộc.

Người dịch


Tôi có mấy cái hộp trong căn hộ. Một cái là tủ lạnh. Nó cứ ư ử tối ngày mà chẳng nói gì. Một hộp khác là máy giặt thì thường khi quẹo quanh trong nhà. Tuy nhiên, ngôn ngữ phát ra từ cái truyền hình kia mới thật là điên khùng.


Thương hiệu một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Nhật Bản là “National” (Quốc gia/ Dân tộc). Đó là cái tên kì quặc đối với một công ti, có đúng không? Nhưng có lẽ lại rất thích hợp vì nó hiện thân hoàn hảo cho trạng thái phát triển của quốc gia này những năm 1920, vào thời công ti thành lập. Sau này, nó còn thể hiện niềm tự hào về sản phẩm kĩ nghệ thay cho niềm tự hào bị tan nát của quốc gia này sau Thế Chiến Hai. Cuộc chiến kết thúc không làm cho cái tự tính dân tộc kia tan bíến đi. Nhân danh quốc gia, mọi người được thúc giục tái thiết đất nước và phát triển phồn vinh. Sau này, quốc gia còn mang một ý nghĩa khác; nó trở thành một cộng đồng chịu trách nhiệm với lịch sử. Vì tội ác, như cuộc Chiến Tranh đã được phát động nhân danh quốc gia, vì vậy quốc gia này sau cuộc Chiến phải chịu trách nhiệm về nó, phải tiếp tục tồn tại, dù cho cái sự tự do thoát khỏi ý niệm quốc gia được mọi người mong mỏi.


Cái truyền hình tôi mua ở Đức. Công ti chế tạo tên “Grundig”, không phải abgrundig (một lối chơi chữ Đức:Grundig hàm ý sự xuyên suốt, còn abgrundig nghĩa là sâu như vực thẳm...). Ở Đức không có công ti nào tên là “National”. Cái tên này hẳn không tạo ấn tượng tốt đối với khách hàng.


Giống như từ “nation,” từ “German” được dùng với sự thận trọng, hoặc thậm chí bị tránh. Tuy vậy, có hai hạng mục ở đó lòng tự hào quốc gia được cho phép và cả hai đều thuộc những lĩnh vực đời sống mà người ta ham mê: xe hơi và bóng đá.


Ngay cả một trí thức Đức có tính tự phê thường hay chỉ trích quốc gia mình, hẳn sẽ bị xúc phạm nếu bạn nói với y rằng xe hơi Đức phẩm chất rất tồi.


Lại càng dễ xúc phạm đến người Nhật hơn, không chỉ vì họ tự hào về xe hơi, về máy Walkman mà có khi cả về máy giặt nữa. Ngay cả tôi, người không muốn theo chủ nghĩa dân tộc, và không rành việc nội trợ, cũng thấy bị xúc phạm nếu có ai chỉ trích máy giặt của Nhật. Tôi lại thích loại máy giặt do công ti Bosch của Đức chế tạo hơn, bởi vì họ có một quỹ uỷ thác trong số những thứ khác để tài trợ văn chương đương đại. Dù vậy, không có loại máy giặt nào có thể tẩy được tì vết dầu mỡ để lại do tư tưởng dân tộc.


Ở Đức, người ta tự hào về xe hơi Đức mặc dù đa số họ không đủ khả năng tậu một BMW hoặc một Mercedes. Tuy nhiên, một cái quốc kì nho nhỏ thì mọi người mua được. Người ta có thể mua lá cờ trong một tiệm dăm-mươi-xu. Đối với những thanh niên thất ngiệp, thì chủ ngĩa dân tộc kiểu cũ tượng trưng bằng những biểu tượng rõ ràng thì vẫn tốt hơn kiểu tự hào mà tầng lớp thượng lưu tìm trong những nhãn hiệu xa xỉ của Đức vốn quá đắt với mọi người. Những thanh niên này nhận ra rằng họ bị loại ra khỏi sự thịnh vượng có tổ chức và chỉ có thể đạt được trên bình diện dân tộc.


Cách đây mấy năm, một luật mới được phê chuẩn ở Nhật quyết định quốc kì phải được treo vào mỗi buổi lễ diễn ra tại các trường học và đại học trong quốc gia này. Luật cũng quy định kích thước lá cờ. Nếu không thì có một số người có thể quyết định treo cái cờ bé hơn một con tem. Luật này cũng khẳng định rằng lá cờ phải được treo ở giữa khán đài để mọi người có thể nhìn thấy. Vào dịp lễ, phải hát bài quốc ca nguyên bản. Quả là đã có sự cố một thầy giáo dạy nhạc trình tấu quốc ca theo điệu nhạc jazz, và lại còn hát theo phong cách này nữa. Luật này đã mở màn cho cuộc thi diễu “Ikkyu-san” (nhân vật Ikkyu-san là một Till Eulenspiegel của Nhật). Học Viện Ngoại Ngữ ở Tokyo, chẳng hạn, đã treo quốc kì đúng theo luật, với khác biệt nhỏ là cũng treo thêm 110 lá cờ của các quốc gia khác [tức tất cả là 111 lá cờ, đồng âm trong lối chơi chữ ikkyu-san = nhất hựu tam - ND]. Nhưng trò đó chỉ diễn có một lần thôi. Một luật mới “cải thiện” quy định không được treo thêm cờ.


Chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ, như lá quốc kì, có lẽ đã trở lại trong vài năm qua vì hình thức thay thế của chủ nghĩa dân tộc dựa trên sản phẩm kĩ ngệ không còn chức năng. Người ta không còn tự hào về những công ti thích sáp nhập với những hãng ngoại quốc và sa thải nhân công của mình. Hơn nữa, đa số công ti không còn thuộc về riêng một quốc gia nào.


Trong thời gian qua, từ “Âu” trở nên ngày càng thịnh hành. Nếu tôi mở đài phát thanh, đại khái cứ 10 phút là tôi nghe thấy nó. Có một luật pháp Âu nhằm bảo vệ tượng đài, một cuộc thi nhạc pop Âu, và những tiểu thuyết Âu.


Khi so sánh từ “German” (Đức), thì hai tính từ “European” (Âu) và “Western” (Tây) luôn được xem là có tính tích cực. Từ “German” không còn cần thiết nữa. Ngay những người cấp tiến hữu khuynh cũng không cần đến nó. Họ xem “người da trắng” là từ không thích hợp, bởi vì họ thường tấn công những người Nga di dân gốc Đức mặc dù chẳng bao giờ họ nói xấu về những ngôi sao pop Mĩ da đen. Chắc họ muốn là những người kì thị chủng tộc, nhưng trên thực tế họ lại tấn công dữ dội những người mà họ kết cho cái tội nghèo.


Người Nhật không thích nói về một “Á” (Asia) nghe cái vẻ như chủ nghĩa đế quốc Nhật. Châu Á không phải là một, và châu Á tốt vì nó không phải là một. Ở đó cũng không có một tông giáo chung hay một hệ thống chính trị nào chung, thậm chí không có một loại gạo chung. Người Thái hẳn sẽ rất rầu nếu họ phải ăn gạo Nhật, và ngược lại. Từ “Asian” là con đẻ của chủ nghĩa thực dân; sinh ra ở châu Âu, được tiếp nhận và ngược đãi bởi người Nhật, và họ đã bỏ rơi nó sau Thế Chiến Hai.


Ở châu Âu người ta thích nói về món ăn châu Á, y khoa châu Á, hoặc về triết học châu Á, bởi họ muốn ở đó hiện diện một loại văn hoá châu Á thống nhất nào đó. Nếu không, thì sự tồn tại về một nền văn hoá châu Âu sẽ bị ngoài nghi. Tuy nhiên, ở châu Á, thì đủ thứ lí do để người ta vui sướng vì không có một văn hoá châu Á nào chung cả.



Tôi cũng không thể nói về một “thế giới phương Đông”. Quan niệm “Đông” này rất tây-Âu (west-Europe). Từ này thường dùng để đề cập đến vùng Cận Đông, Trung Quốc và Nhật Bản, đôi khi cả Nga, và rất thường khi cả những quốc gia trung Âu hoặc CHLB Đức cũ. Chính quan niệm về “Đông” này đã luôn cần thiết để làm cho hình ảnh của “Tây” xuất hiện cụ thể. Sự nghiên cứu về chủ nghĩa phương Đông (Orientalism) đã tiết lộ điều này từ lâu. Bất cứ ai thừa nhận phương Đông là một hư cấu cũng phải ý thức đến tính hư cấu về châu Âu.


Mới đây trong một chương trình phát thanh ở Đức về đạo Islam, người thuyết minh nói rằng những vấn đề chính trị của chủ ngĩa bảo căn (fundamentalism) Islam không đáng được công nhận như một nền văn hoá khác bởi vì những người bảo căn đã du nhập ý hệ và chiến lược của họ từ châu Âu. Thực ra, họ du nhập từ Stalin và Hitler. Sau đó, người thuyết minh nói về một truyền thống chính trị dân chủ “Tây”, như thể chủ nghĩa toàn trị đã không phải là một phần của truyền thống đó. Ở giữa chương trình, bà có nói rõ rằng Tây không phải lúc nào cũng đã hành xử theo lối Tây, mặc dù bà không định nghĩa được thuật ngữ “Tây,” và cứ nhất mực sử dụng nó. Trái lại, từ “Tây” dường như cung cấp một cơ sở đảm bảo cho lập luận của bà ta. Bà đã không sử dụng bất cứ thuật ngữ nào khác, chẳng hạn như “Âu-Mĩ,” có lẽ vì bà muốn loại trừ Nam Mĩ. Hơn nữa, thuật ngữ “Tây” có thể được sử dụng để loại trừ các quốc gia của Đông Âu, đặc biệt Nga.


Tôi thường thắc mắc tại sao mình không thể uốn lưỡi dễ dàng với những từ “Tây” và “Đông.” Tôi không có lí do chống lại từ “Âu,” mặc dù tôi hiếm khi dùng nó vì đôi khi nó không nói được nhiều. Liệu có bất cứ thứ gì như là đồ ăn châu Âu không? Spaghetti? Ví dụ, người châu Âu, như Na-uy, đã có đóng góp thêm vào truyền thống món pasta của Ý hơn là người Trung Quốc không? Tôi quả thật có nói về văn học “Âu”, nếu như quá lười liệt kê các nước riêng rẽ. Từ “Đức” cũng không tương xứng với thực tế. Ngày nay có thể nào nói về văn học Đức không? Và còn về đồ ăn Đức thì sao? Khoai tây chẳng phải phát xuất từ Nam Mĩ hay sao? Dù sao, tôi ưa từ “Đức”, và từ “Âu” hơn từ “Tây” vì chúng buộc tôi tư duy cụ thể hơn. Thuật ngữ “Tây” một mặt chứa đựng quan niệm trá nguỵ. Nó cố đóng gói một ý hệ theo lối bao bì địa lí: hễ ai bênh vực cho dân chủ, tự do và chủ nghĩa cá nhân thì được coi là định hướng phương Tây. Và, nếu kẻ đó xuất xứ từ địa lí phía tây tức là thuộc về truyền thống của họ. Nếu không, họ phải rời bỏ truyền thống đó. Họ có thể hiện đại nhưng không hoàn toàn là chính họ.




Văn hoá “Tây” truyền thống thường được trình bày như một phát triển đơn tuyến. Tuyến đó, tuy nhiên, là một sự hư cấu được trau dồi kĩ lưỡng. Ví dụ, văn hoá cổ Hilạp được xem là một phần quan trọng của dòng giống văn hoá “Tây” trong khi đó tầm ảnh hưởng của toán học Arập và các ngành khoa học tự nhiên và thì bị loại ra. Tuy vậy, ở Hamburg, tôi không tìm ra bất cứ dấu vết nào của văn hoá Hilạp cổ đại. Trái lại, trong một ngôi đền ở thành phố Nara của Nhật, nơi mút cùng của Con Đường Tơ Lụa, người ta có thể thấy một hoa văn chùm nho có nguồn gốc Hilạp. Chùm trái cây bằng đá này vẫn không bị thối rữa dù đã thọ hơn ngàn năm tuổi và đã có mặt trên đời trước đó hơn một ngàn năm nữa kia. Những nền văn hoá trên mặt đất này đã luôn thành hình nên một mạng lưới chứ không phải vài tuyến song song.


Tôi không còn có thể dùng những thành ngữ như “văn hoá chúng ta” nữa, vì tôi không biết ai giả thiết thuộc về “văn hoá chúng ta” và ai không thuộc về. Tôi sẽ không mơ tới việc mô tả truyền thống kịch nghệ Noh hay vũ đạo Butoh như là thuộc về văn hoá “chúng ta”. Khi dùng những danh xưng như thế tôi không muốn nói đến người Nhật mà về những người tham dự vào những loại hình sân khấu ấy.


Hôm nay, người thuyết minh truyền hình “bổn cũ soạn lại” cái kịch bản như mọi hôm trước, không thành vấn đề nền văn hoá “ngoại quốc” nào mà y đang cho ta thấy. Nếu một cô gái ở một xứ sở mà người thuyết minh xem là ngoại quốc, cô không có bạn trai và sống chung với gia đình mà ở đó người mẹ là mối yêu thương, thì được cho rằng cô ta sống theo truyền thống. Nếu cô ta yêu một người bạn trai, chỏi với gia đình và rời khỏi nhà, thì lại nói rằng cô chịu ảnh hưởng hiện đại của Tây nên đã bỏ nhà theo cuộc sống riêng.

Khi những người Mĩ bước chân lên nước Nhật vào cuối thế kỉ 19, những luật mới được phê chuẩn ở Nhật mục đích hiện đại hoá xứ sở này. Chẳng hạn, những nhà tắm công cộng dành chung nam nữ, sự khoả thân công cộng và đồng tính luyến ái lần đầu tiên bị cấm trong lịch sử của Nhật. Cuộc hiện đại hoá này không liên hệ gì đến sự tự do hay chủ nghĩa cá nhân mà liên hệ hơn tới những toan tính trong cuộc kĩ nghệ hoá theo Thanh giáo và quân phiệt hoá tại xứ sở này. Sau đó, khi người Nhật chọn nước Phổ (Prussia) làm khuôn mẫu để tiếp tục cuộc hiện đại hoá thì cái tính Nhật nổi bật đặc thù đến nỗi nó phải được nhập khẩu từ Phổ. Nói cách khác, những đặc tính nhất định cũng đã hiện hữu trong văn hoá Nhật rồi, như đạo lí của giới samurai, lối lao động tập thể của nông dân, niềm tin vào uy quyền hay đầu óc tôn ti trật tự được chọn là những thành tố thích hợp cho thế giới hiện đại và được gia công theo lối Phổ.


Từ cái hộp, người thuyết minh la lên rằng châu Mĩ Latinh là một mối mâu thuẫn, Đông Á là một mối mâu thuẫn, Arập Saudi là một mối mâu thuẫn, vì cái hiện đại và truyền thống ở đó tồn tại bên nhau. Thế nhưng, điều đó là bình thường khi một quốc gia phải kĩ nghệ hoá mà không hoàn toàn phá huỷ nền văn hoá tiền kĩ ngệ. Ngay cả tại Anh, nơi tiến trình kĩ nghệ hoá bắt đầu rất sớm, thì những hồn ma, những chuyện kinh dị và pháp thuật vẫn còn tồn tại. Vậy mà, bởi thời hiện đại mang tính Âu, cho nên người thuyết minh chẳng bao giờ nói rằng nước Anh là một quốc gia của những mâu thuẫn.


Có lẽ châu Âu đã hứng chịu nhiều nhất dưới nền kĩ nghệ hay thời khai sáng, và để giảm mối đau nhức ấy, nên phương Tây và hiện đại được xem như đồng nghĩa.

Có lẽ là điều tốt khi người Đức sử dụng từ “Tây”. Nhờ vậy, họ không phải bực mình một cách không cần thiết về sự ảnh hưởng của Hoa Kì. Nếu không, thì người thuyết minh sẽ phải tường thuật về nền văn hoá của mình trong cùng với cung cách mà ông ta tường thuật mới đây về một quốc gia gọi là thế giới thứ ba: “Thật đáng buồn biết bao vì những lí do tài chánh mà hệ thống đại học truyền thống tuyệt diệu của Đức phải chấp nhận hệ thống hiện đại của Mĩ. Quả là buồn, nhưng sự tự do của cá nhân trên thị trường mở lại quan trọng hơn nhiều kể cả chính truyền thống của mình. Cũng có thể nói y như thế về những luật chi phối giờ giấc mở cửa tiệm. Nếu người ta có thể mua đồ bất cứ lúc nào họ muốn thì hay quá. Cho đến gần đây sự tự do này đã không tồn tại ở Đức khi cơ sở tông giáo ngăn cấm điều đó. Theo Thánh Kinh, Thượng đế đã không làm việc vào ngày thứ bảy [tức Chủ nhật], vì thế con người cũng không được làm việc vào ngày ấy. Tuy vậy, người ta đang dần dần giải phóng khỏi quan niệm truyền thống và đang tận hưởng sự tự do mua sắm vào ngày Chủ nhật mà không bị lương tâm dằn vặt. Tuy thế, một số công dân sẽ tiếp tục đau khổ do hố ngăn cách giữa truyền thống và hiện đại”. Đó là kịch bản mà người thuyết minh sử dụng khi ông ta tường thuật về những quốc gia phi-Tây.

Có những hình thái dị biệt về hiện đại. Có những loại máy móc truyền hình khác nhau. Có thể bàn về kĩ thuật Nhật khác với Trung Quốc hay với kĩ thuật Hoa Kì. Ví dụ, có một nguyên tắc hiển nhiên trong kĩ thuật Nhật cho rằng càng nhỏ thì càng đẹp. Do đó, loại máy thu thanh bán dẫn, máy nge Walkman, và những thiết bị nhỏ nhắn khác đã được sáng chế và sản xuất ở Nhật. Thế nhưng, kĩ thuật Nhật cũng dễ thích nghi như kĩ thuật châu Âu. Ngày nay những loại xe hơi nhỏ nhất thế giới lại không phải của Nhật mà của châu Âu. Hơn nữa, máy điện toán to nhất thế giới lại là của Nhật, và những kĩ thuật gia Nhật lại không xấu hổ vì nó. Vì vậy, gần như không có cơ sở khi nói về kĩ thuật mang tính dân tộc.


Cũng có thể nói về một hình thái dân chủ hay tự do kiểu Nhật nếu chúng không được xem là những đồ án cao ốc mà là những ngôi nhà làm bằng gỗ với rơm rạ hoặc đá thật sự và được xây ở một địa điểm loại biệt. Khi nói về những dị biệt thì không đồng với khẳng định sự hiện hữu của tính dân tộc.

Cũng đúng như vậy với nghệ thuật sân khấu. Sân khấu hiện đại Nhật Bản không chỉ là của người Nhật thôi. Thật không đúng là chỉ có những đoàn nghệ thuật sân khấu xuất xứ từ Nhật đều là của Nhật. Những diễn viên không phải người Nhật đều có cùng những cơ hội để làm việc với truyền thống Nhật. Những biên giới dân tộc chỉ là đường viền của những lăng kính trên ống kính hiển vi dùng để ngiên cứu hiện tượng đặc thù được chi tiết hơn.

Để giải phóng mình khỏi quan niệm về văn hoá dân tộc người ta có thể đặt tiêu điểm vào những địa phương. “Chúng tôi không muốn văn học Đức nữa, chúng tôi muốn văn học Bavaria”. Đa số mọi người sẽ không thấy phát biểu này có tính sáng tạo hay thú vị. Thế thì tại sao cũng những người đó lại thấy thu hút khi nge nói có một đoàn kịch “truyền thống” đến từ một trong những dân tộc gọi là thiểu số từ cái gọi là thế giới thứ ba đang trình diễn? Người ta cho phép mình nói về truyền thống “chính cống” của một nền văn hoá nếu người ta loại trừ nền văn hoá này ra khỏi thế giới hiện đại.


Thế giới hôm nay, dù sao, mỗi nền văn hoá đều có kiểu hiện đại riêng của nó. Không có nền văn hoá nào hoàn toàn cô lập. Mọi nền văn hoá tương tác – trực tiếp hoặc gián tiếp, một cách ý thức hoặc vô thức – với các hiện tượng đang xảy ra ở bên ngoài nó.


Thật lạ lùng, tôi đã gặp chủ nghĩa địa phương nhiều hơn là chủ ngĩa toàn cầu ở ngay tại Hoa Kì. Ở đây, tôi không có ý nói tới những nhóm thiểu số như dân Amish [gốc Swiss-German] duy trì truyền thống Âu “chính cống”, mà nói về những sinh viên bình thường ở những đại học tỉnh lẻ. Họ đang sống ở ngoài vòng toàn cầu hoá vào ngay thời điểm mà chúng ta đang khiển trách người Mĩ phá huỷ đi tính đa dạng của văn hoá. Ở Missoula, một sinh viên Đại học Montana hãnh diện trả lời “Không!” khi tôi hỏi anh ta ở thị trấn này có tiệm café Starbucks nào không. Hiển nhiên, không phải tất cả Hợp Chúng Quốc đều đã được Mĩ hoá. Ở Tokyo có tới 141 tiệm trong chuỗi café Starbucks, ở California có 1414, ở Berlin 8, còn ở Missoula không có cái nào. Anh sinh viên này sinh ra ở Montana, học ở đó và muốn làm việc ở đó sau khi tốt ngiệp. Anh ta từng tới một thị trấn nhỏ ở Nhật, nhưng chưa hề tới New York. Anh không sống ở Hoa Kì; anh sống ở Montana. Anh ưu tư về sự va chạm giữa văn hoá thành và văn hoá tỉnh. Đám thị dân thì khinh những tỉnh lẻ như Montana, nhưng anh lại thích sống thực với truyền thống của mình.


Tôi đã cười khi anh ta nói về truyền thống ở Montana nhưng thực sự điều anh ta nói thì không tức cười. Truyền thống là một trò hư cấu. Nó luôn sản sinh bằng sự nhận thức muộn màng. Nếu không được chế tạo thì nó không tồn tại. Truyền thống Nhật cũng hư cấu chẳng kém gì Montana. Khi chính quyền Nhật cuối thế kỉ 19 mở cửa ra thế giới bên ngoài, đã vội tái hoạt động những truyền thống Thần Đạo cổ xưa vốn đã không được thực hành hơn ba trăm năm. Truyền thống văn hoá được cần tới để hình thành một căn cước dân tộc. Nó không cần thiết chừng nào quốc gia không có sự liên lạc trực tiếp với thế giới bên ngoài.


Bởi truyền thống là hư cấu, nên không có lí do để cảm thấy phải đồng minh với một truyền thống theo lối di truyền. Mọi nghệ sĩ đều có thể làm việc với bất kì yếu tố nào tìm thấy trên hành tinh này. Một nghệ sĩ có thể sản sinh ra cái mới và lí thú hay không, phụ thuộc không phải vào gốc gác mà vào chính khả năng của người nghệ sĩ.


Nguồn: “Is Europe Western?”, Kyoto Journal, số 61, 2005. Bản dịch tiếng Anh của David Duke.
Bản tiếng Việt đã đăng trên Saigon City Life, số tháng 8, 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét