Chân dung Quan Vũ trong Tam tài đồ hội thời nhà Minh |
QUAN VŨ TRUYỆN
Quan Vũ tự Vân Trường,
trước có tự là Trường Sinh, người ở huyện Giải Lương quận Hà Đông. Sau (có tội)
bỏ xứ lưu lạc đến Trác Quận. Tiên chủ tập hợp mọi người trong vùng (5), Vũ với
Phi cũng theo hầu. Tiên chủ làm Bình Nguyên tướng, lấy Vũ-Phi làm Biệt bộ tư
mã, chia nhau thống lĩnh bộ khúc (6). Tiên chủ cùng với hai người ngủ cùng giường,
tình thân thiết như huynh đệ. Khi có việc công, hai người đứng hầu trọn ngày, mọi
thứ đều do Tiên chủ chu toàn, chẳng tị hiềm gian khổ.
Thục ký viết: Tào
công cùng với Lưu Bị vây Lã Bố ở Hạ Bi (Phì), Bố sai Tần Nghi Lộc đến cầu cứu,
Quan Vũ bày tỏ với Tào công, xin được lấy người ấy làm vợ, Công ưng cho. Bố bị
phá, Vũ lại tỏ ý với Công. Công ngờ rằng người ấy hẳn có nhan sắc, mới sai đón
trước về xem, thầm tính giữ lại không cho đi, Vũ trong lòng bất an. Việc ấy
sách Nguỵ thị Xuân Thu cũng không nói khác Tiên chủ đánh úp Từ châu của Thứ sử
Xa Trụ, sai Vũ giữ thành Hạ Bi, coi việc Thái thú, Nguỵ thư chép:lấy Vũ đốc xuất
việc ở Từ châu, Bị thân đến Bái huyện.
Năm Kiến An thứ năm,
Tào công Đông chinh, Tiên chủ thua chạy sang với Viên Thiệu, Tào công bắt được
Vũ đem về, bái làm Thiên tướng quân, ban cho lễ cực hậu. Thiệu sai Đại tướng
quân (7) Nhan Lương đánh Đông quận Thái thú Lưu Diên ở Bạch Mã thành, Tào công
sai Trương Liêu cùng với Vũ làm tiên phong đánh lại. Vũ trông xa thấy Lương ở
dưới lọng chỉ huy, liền ra roi quất ngựa xông tới đâm chết Lương giữa vạn quân,
chém lấy thủ cấp rồi quay về, chư tướng của Thiệu chẳng ai dám làm gì, Bạch Mã
được giải vây. Tào công liền phong cho Vũ làm Hán Thọ đình hầu. Lúc trước, Tào
công thấy Vũ là người hùng tráng, muốn tỏ ý lưu lại lâu dài, mới bảo Trương
Liêu rằng: “Khanh hãy lấy cái tình của ta đến ướm hỏi y xem.” Liêu liền lấy ý ấy
ra hỏi Vũ, Vũ thở dài nói: “Ta biết Tào công đãi ta rất hậu, nhưng ta đã chịu hậu
ân của của Lưu tướng quân, thề cùng sống chết, chẳng thể bội ước. Ta thà chết
chứ chẳng ở lại được, ý ta muốn lập công để báo ơn Tào công rồi sẽ ra đi”. Liêu
đem lời của Vũ về báo lại với Tào công, Tào công cảm nghĩa ấy.
Phó Tử viết: Liêu muốn
bẩm với Thái tổ, lại sợ Thái tổ giết Vũ, không bẩm, lại sợ trái đạo quân thần,
bèn than thở rằng: “Tào công, là chúa ta; Vũ, là anh em của ta.” Đành phải báo
lại. Thái tổ nói: “Thờ chúa không quên gốc, thật là nghĩa sĩ thiên hạ vậy. Khi
nào thì người ấy sẽ đi?” Liêu đáp: “Vũ chịu ơn sâu của chúa công, nhất định lập
công báo đáp rồi mới ra đi.”
Tới khi Vũ giết Nhan
Lương, Tào công biết Vũ tất bỏ đi, bèn tặng thưởng thêm rất hậu. Vũ liền gói
ghém hết những đồ thưởng để lại, viết thư cáo từ, rồi đi đến chỗ Tiên chủ ở bên
quân Viên. Tả hữu muốn đuổi theo, Tào công nói: “Người ấy bỏ đi vì chủ, chớ nên
đuổi theo.”
Thần là Tùng Chi cho
rằng Tào công biết Vũ chẳng ở lại mà khen ngợi
chí khí ấy, khi Vũ bỏ đi mà chẳng sai người đuổi theo ấy là nghĩa, lại tự
cho rằng mình chưa đủ sự rộng lượng của bậc bá vương, ai có thể làm được như vậy?
ấy thật sự là Tào công đã sử xự cao đẹp vậy.
Vũ theo Tiên chủ tới
chỗ Lưu Biểu. Biểu chết, Tào công bình định Kinh châu, Tiên chủ từ Tương Phàn
vượt sông chạy về phương Nam, sai Vũ lĩnh thuỷ quân đốc xuất mấy trăm thuyền
chiến hẹn gặp nhau ở Giang Lăng. Tào công đuổi kịp (Bị) ở Đương Dương Tràng Bản,
Tiên chủ chạy rẽ sang bến Hán Tân, vừa hay gặp chiến thuyền của Vũ ở đó, mới
cùng nhau đến Hạ Khẩu.
Thục ký chép: Lúc trước,
Lưu Bị ở đất Hứa cùng với Tào công đi săn. Trong khi săn bắn, mọi người tản
mát, Vũ khuyên Bị giết Công, Bị không nghe. Khi ở Hạ khẩu, lúc phiêu dạt trên
sông, Vũ giận nói: “Ngày trước lúc đi săn, ví như theo lời Vũ này, thì ngày nay
có đâu khốn cùng như thế.” Bị nói: “Ấy bởi bấy giờ cũng vì việc quốc gia mà tiếc
(Tháo) đấy thôi; thuận đạo trời mà phụ chính, ấy là muốn yên ổn nên chẳng gây
việc thị phi (8)vậy.”
Thần là Tùng Chi thấy
sau này Bị với Đổng Thừa cùng kết mưu (9), chỉ khi việc bị tiết lộ chẳng nên việc,
mới nói rằng vì việc quốc gia mà tiếc Tào công, nói như thế sao được! Vũ quả thực
khuyên Bị như thế mà Bị chẳng bằng lòng, bởi bên cạnh Tào công có kẻ tâm phúc
thân thích, quân sỹ đông đảo, việc đề phòng dẫu chẳng nghiêm ngặt, nhưng việc
cũng chẳng dễ làm vậy; Tào dù có bị giết, nhưng bản thân cũng khó thoát chết,
tính ra thì có chỉ thế, sao nói là đau tiếc vậy! Việc đã qua rồi, mới nói thác
ra để tỏ vẻ chính đáng vậy.
Quan Vũ tạm biệt Lưu Bị, Gia Cát Lượng đi trấn thủ Kinh Châu |
Tôn Quyền phát binh giúp Tiên chủ cự Tào công, Tào công dẫn binh lui về. Tiên chủ thu được các quận Giang Nam, bèn phong thưởng cho những người có công, lấy Vũ làm Tương dương Thái thú, Đãng khấu tướng quân, đóng giữ Giang Bắc. Tiên chủ sang Tây bình định Ích châu, trao cho Vũ đốc trách mọi việc ở Kinh châu. Vũ nghe tin Mã Siêu theo hàng, chẳng phải người cũ (10), lại nắm tước vị cao. Vũ gửi thư cho Gia Cát Lượng, hỏi Siêu là nhân tài thế nào mà được đứng vào hạng ấy. Lượng đã hiểu Vũ từ trước, bèn phúc đáp thư rằng: “Mạnh Khởi kiêm tài văn võ, hùng liệt hơn người, là hào kiệt một đời, ví như Kình-Bành (11), xứng đáng tranh tài cao thấp với Dực Đức, chẳng thể so sánh được với ông Râu dài tuyệt luân siêu quần (12) vậy”.
Vũ vốn có bộ râu dài
rất đẹp, nên khi thấy Lượng khen vậy rất lấy làm thích thú. Vũ xem thư xong vô
cùng đắc ý(13), lại đưa thư cho các tân khách cùng xem.
Vũ từng bị trúng tên,
bắn xuyên cánh tay trái, sau vết thương tuy đã khỏi, mà mỗi lúc mưa dầm trở
gió, xương cốt vẫn thường đau nhức, thầy thuốc chẩn đoán rằng: “Mũi tên có thuốc
độc, chất độc ấy thấm vào xương cốt, giờ phải khoét thịt ở cánh tay bị thương,
nạo xương trừ bỏ chất độc, rồi sau mới điều trị được gốc bệnh.” Vũ liền duỗi
tay sai thầy thuốc chữa trị. Lúc ấy Vũ đang cùng chư tướng uống rượu nói chuyện,
huyết trên cánh tay chảy đầm đìa như rót, cơ hồ đầy cả chậu, mà Vũ vẫn cắt thịt
nướng uống rượu, cười nói như không.
Năm thứ hai mươi bốn
(Kiến An), Tiên chủ xưng làm Hán Trung Vương, phong Vũ làm Tiền tướng quân, ban
cho tiết việt. Năm ấy, Vũ xuất binh đánh Tào Nhân ở Phàn thành. Tào công sai Vu
Cấm đến giúp Nhân. Đến mùa thu, có mưa lớn, nước sông Hán ngập mênh mông, bảy
cánh quân do Cấm đốc suất đều bị dìm trong nước. Vu Cấm hàng Vũ, Vũ lại chém chết
được tướng quân Bàng Đức. Các xứ Lương, Giáp, Lục (14) đều có ý ngấm ngầm hưởng
ứng Vũ, kết lập bè đảng, Vũ oai chấn cả Hoa Hạ. Tào công tính chuyện dời về Hứa
Đô để tránh mũi nhọn của địch, song Tư mã Tuyên vương và Tưởng Tế cho rằng Quan
Vũ nếu đắc chí, Tôn Quyền ắt hẳn chẳng chịu yên. Nên sai người khéo léo khuyên
nhủ Quyền đánh tập hậu, hứa hẹn rằng sẽ cắt hẳn Giang Nam phong cho Quyền, như
thế tự nhiên Phàn thành sẽ được giải vây. Tào công nghe theo. Nguyên khi trước,
Quyền sai sứ đến tác thành (15) cho con trai của mình và con gái Vũ, Vũ chửi mắng
nhục mạ sứ giả, không đồng ý hôn sự, Quyền rất tức giận.
Điển lược viết: Vũ
vây Phàn thành, Quyền sai sứ đến xin xuất binh giúp đỡ, song Quyền chẳng vội vã
tiến binh, chỉ phái quan chủ bạ đến báo cho Vũ biết. Vũ giận vì đợi lâu, lại bởi
lúc ấy mới bắt được bọn Vu Cấm, bèn mắng rằng: “Tặc tử sao dám vậy, ví như lấy
xong Phàn thành, ta chẳng thể diệt hắn ư!” Quyền nghe nói vậy, biết Vũ coi rẻ
mình, mới vờ viết thư tạ lỗi với Vũ, hứa sẽ xuất binh.
Thần Tùng Chi cho rằng
Kinh-Ngô dẫu ngoài mặt hoà nhau, mà bên
trong có ý nghi ngờ phòng bị lẫn nhau, việc Quyền đánh lén Vũ, tất giấu
kín chẳng hở ra. Lại xét Lã Mông truyện rằng: “Giấu tinh binh trong khoang kín,
sai mặc áo trắng cầm mái chèo, giả dạng làm khách buôn”, nói ra như thế, thì Vũ
chẳng cầu sự giúp đỡ của Quyền, Quyền ắt hẳn chẳng nói với Vũ là bấy giờ sẽ xuất
binh. Nếu hứa rằng bấy giờ xuất binh viện trợ, hà cớ gì phải giấu kín hình tích
như vậy?
Lại nói Nam Quận Thái thú My Phương ở Giang Lăng, tướng quân Phó Sỹ Nhân đóng binh ở Công An, vốn có hiềm khích với Vũ bị coi rẻ. Vũ xuất quân, Phương-Nhân cung cấp quân tư trang, chẳng đầy đủ kịp thời. Vũ nói rằng “khi trở về sẽ trừng trị”, Phương-Nhân trong lòng lo sợ không yên. Bởi thế khi Quyền ngầm dụ hàng Phương-Nhân, Phương-Nhân sai người nghênh đón Quyền. Tào công bèn sai Từ Hoảng đến cứu Tào Nhân,
Thục ký
viết: Vũ cùng Hoảng khi xưa rất quý trọng nhau (16), lúc ấy trông xa nói chuyện,
chỉ nhắc đến những việc thường ngày, không bàn bạc gì đến việc quân. Chốc lát,
Hoảng quay đầu ngựa truyền lệnh: “Ai lấy được thủ cấp Vân Trường, sẽ thưởng
1.000 cân vàng”. Vũ lo sợ cuống cuồng, hỏi Hoảng rằng: “Đại huynh, sao lại nói
như vậy?” Hoảng đáp: “Ấy chỉ bởi việc nước mà thôi.” Vũ không đánh được, phải dẫn
quân lui về. Quyền chiếm được Giang Lăng, bắt sống hết được vợ con tướng sỹ,
quân của Vũ tản mát hết cả. Quyền sai tướng đón đường đánh lén Vũ, chém chết Vũ
cùng con của Vũ là Bình ở Lâm Thư.
Thục ký chép: Quyền sai tướng sỹ đánh lén Vũ, bắt được Vũ cùng con là Bình. Quyền muốn chiêu hàng Vũ dùng để đối địch với Lưu-Tào, tả hữu nói rằng: “Hổ dữ chẳng thể nuôi, sau tất bị nó hại. Tào công chẳng trừ bỏ người ấy, đã rước hoạ lớn, phải bàn đến việc dời đô. Nay há nên để cho sống!” Quyền bèn sai đem chém.
Ngô Lịch viết: Quy Thần
Tùng Chi xét Ngô thư rằng: Tôn Quyền sai tướng là Phan Chương đón bắt được Vũ
lúc trốn chạy, Vũ bị chém chết, vả lại Lâm Thư cách Giang Lăng hai ba trăm dặm,
sao lại dung tha chẳng giết Vũ ngay lúc ấy, còn bàn đến chuyện sống chết vậy? Lại
nói rằng: “Quyền muốn chiêu hàng Vũ để đối địch với Lưu-Tào”, thế là chẳng
đúng, như vậy tuyệt trí chỉ là lời cửa miệng hay sao (17).
Ngô Lịch viết: Quyền
đem đầu của Vũ đến chỗ Tào công, Tào công lấy lễ chư hầu mà an táng cho Vũ”.
Sau này Vũ được truy
tặng thuỵ hiệu là Tráng mâu hầu.
Thục ký viết: Vũ ban
đầu xuất quân vây Phàn thành, mộng thấy có đàn
lợn cắn vào chân, mới nói nhỏ với Bình rằng: “Ta nay tuổi đã cao, như thế
ắt nay đi chẳng thể trở về!” Giang Biểu truyện viết: Vũ thích xem Tả truyện,
thường đọc ngâm nga những chỗ mưu lược đầy vẻ thích thú.
Con nối dõi của Vũ là
Hưng. Hưng tên tự là An Quốc, lúc còn ít tuổi được làm lệnh ở huyện Vấn, được
Thừa tướng Gia Cát Lượng quý trọng khác thường. Sau làm quan Thị trung, Trung
giám quân. Được mấy năm thì chết. Con Hưng là Thống nối tự, lấy công chúa (con
Hậu chúa), làm quan đến Hổ bôn Trung lang tướng. Khi chết, không có con nối
dõi, mới lấy con thứ của Hưng là Di kế tục tước.
Thục ký viết: Con
Bàng Đức là Hội, theo Chung-Đặng phạt Thục, Thục bị diệt, đã cho giết sạch gia
tộc Quan Vũ.
CHÚ THÍCH
(5) Đánh giặc khăn
vàng.
(6) Tướng tá binh sĩ
dưới trướng.
(7) Đại tướng quân ở
đây chỉ ý rằng Nhan Lương là đại tướng cầm quân của Viên Thiệu chứ không phải
mang hàm Đại tướng quân của nhà Hán.
(8) Nguyên văn là
‘phúc tà’, phúc là tốt lành, tà là cong queo - dịch thoát.
(9) Bị với Thừa ký
vào ‘chiếu đai áo’ của Hán Hiến đế ước thề giết Tào Tháo.
(10) Siêu mới theo
hàng được thăng quan tước ngang hàng với Quan Vũ, Vũ giận cho rằng Siêu chưa có
công lao gì, sao được đứng ngang hàng với Vũ nên gửi thư hỏi Gia Cát Lượng.
(11) Kình Bố, Bành Việt
là những dũng tướng của Hán Cao Tổ.
(12) Tài giỏi kỳ tuyệt
hơn đời.
(13) Nguyên văn ‘đại
duyệt’ tức là rất hài lòng, thái độ của Vũ rất ngạo mạn nên dịch rõ nghĩa là rất
đắc ý.
(14) Không rõ những địa
danh nào, có lẽ là mấy vùng đất ở gần Hứa huyện của Tào Tháo.
(15) Cầu hôn, kết
thông gia.
(16) Nhắc lại chuyện
ngày Vũ còn ở với Tào Tháo. Hoảng, Liêu và Vũ đều có nghĩa khí nên rất quý trọng
nhau.
(17) Ý rằng người ta
vẫn khen Quan Vũ là bậc tuyệt trí siêu quần, Vũ chẳng thể nào hàng Ngô được.
Bùi Tùng nói vậy có hàm ý là việc nói rằng Quyền muốn chiêu hàng Vũ là không có
thật, tức là Thục ký nói sai việc ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét