Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

BÀNH DẠNG TRUYỆN

 

LƯU BÀNH LIÊU LÝ LƯU NGỤY DƯƠNG TRUYỆN

Lưu Phong, Bành Dạng, Liêu Lập, Lý Nghiêm, Lưu Diễm, Ngụy Diên, Dương Nghi.

 


Tạo hình Bành Dạng trên màn ảnh nhỏ

BÀNH DẠNG TRUYỆN


Bành Dạng tự Vĩnh Niên, người Quảng Hán, mình cao tám thước, dung mạo rất tuấn tú, tĩnh cách kiêu ngạo, coi thường phần lớn mọi người, riêng chỉ kính trọng Tần Tử Sắc ở cùng quận. 

Viết thư tiến cử (Tần Mật) với Thái Thú Hứa Tĩnh rằng: ”Xưa Cao Tông mơ Phó Thuyết (1), Chu Văn cầu Lữ Thượng (2). Do vậy đến thời Hán Tổ mới thu nạp những người ăn lộc cả từ trong đám người áo vải. Nhờ đó mà khởi xướng được nghiệp đế vương truyền lại cho đời sau chắp nối chấn hưng huân nghiệp của mình. Nay Minh Công nghiêm trang khảo sát cổ học đến tận cùng, lại được thận linh thuận cho nắm giữ quyền hành. Làm việc công lưu lại đức sáng, cư xử chớ dứt đường ân trạch. Miếu thiêng xây từ chỗ ban đầu, đạo nghĩa phẩm bình ngay từ thuở mới dựng lên. Chỉ có điều lông cánh còn chưa đủ vậy(3). Kính xem đến ẩn sĩ Tần Mật ở Miên Trúc, trong lòng có chứa đức lớn của Trọng Sơn(4), việc làm có tính chính trực của Tuyển Sanh (5). (Ông ta) Gối đầu lên đá, uống nước dưới sông, ngâm vịnh giữa cảnh cơ hàn, giữ yên đường lối nhân nghĩa, an nhiên thắp sáng vùng khí hạo nhiên, khí phách cao thượng, hành sự tiết tháo, giữ lòng không suy suyển, dù là ẩn sĩ thời xưa cũng không hơn được vậy. Nếu Minh Công có thể vời được người này thì tất có được người danh dự lỗi lạc biết nói lời trung trực. Công nghiệp to lớn, lợi ích sâu dày, tạo nên thành tích lập được huân lao, rồi mới đượcghi lại thành tưu nơi Vương Phủ, thanh danh truyền đến đời sau, cũng chẳng phải tốt lắm sao!”


Dạng ra làm quan ở châu, chức vị chẳng qua Thư Tá. Sau lại bị mọi người dèm pha chê bai với Châu Mục Lưu Chương. Chương cắt tóc đóng gông Dạng như tội đồ bị bắt. Lúc ấy Tiên Chủ vào Thục, ngược sông đi lên phía bắc. Dạng muốn dâng lời thuyết phục Tiên Chủ, bèn đến yết kiến Bàng Thống. Thống với Dạng không quen biết nhau từ trước, lại đúng lúc có khách đến, Dạng đi thẳng lên giường Thống mà nằm, bảo Thống rằng: ”Chờ hết khách rồi cùng ngài đàm luận hay hơn.” Khi khách của Thống về hết, Thống đến gần chỗ Dạng ngồi, Dạng lại đòi Thống cho ăn, rồi mới đàm  luận. Lại nhân đó ngủ lại trong nhà Thống đến hôm sau. Thống rất quý Dạng mà Pháp Chính vốn trước cũng đã biết Dạng. Hai người bèn cùng chiêu dụ Dạng cho Tiên Chủ. Tiên Chủ cũng lấy làm lạ, mấy lần ra lệnh cho Dạng giảng giải thuyết minh việc quân cơ, chỉ bảo cho các tướng. Những người nhận lệnh sai khiến đều khen ngợi, hiểu biết mỗi ngày một tăng thêm. 

Sau khi bình định Thành Đô, Tiên Chủ lĩnh chức Ích Châu Mục, đề bạt Dạng làm Trị Trung Tòng Sự. Dạng bước đầu thăng tiến, một sớm đã thành ra bậc trên của người trong châu, dáng vẻ ngạo mạn phóng túng, rất hay tỏ thái đọ vênh vang tự mãn. Gia Cát Lượng bề ngoài qua lại chào mời Dạng nhưng bên trong không hoà hợp thân thiện, thường mật nói với Tiên Chủ, Dạng lòng lớn chí cao, khó có thể gìn giữ yên ổn được. Tiên Chủ đã kính trọng tin tưởng Lượng bèn tăng cường kiểm tra hành vi của Dạng, tình cảm dần dần thưa thớt, cuối cùng giáng chức Dạng làm Giang Dương Thái Thú.


Dạng nghe tin phải ra ngoài đảm đương công việc, trong lòng không vui, bèn đến thăm Mã Siêu. Siêu hỏi Dạng rằng: ”Ông tài năng đầy đủ, ưu tú hơn người. Chúa Công đối đãi rất đặc biệt. Địa vị đang cùng với Khổng Minh, Hiếu Trực các người đều chân ngang hàng cùng bước, lẽ nào lại phải ra ngoài nhận một quận nhỏ, làm lỡ làng niềm trông ngóng của mọi người ngày nay vậy?” Dạng nói: ”Lão Cách lú lẫn ngang ngược, đáng để lại bàn đến chăng!”


Dương Hùng(6) phương ngôn nói: Kê, Tai, Can, Đô, Câu, Cách ấy là già (lão) đó. Quách Phác(7) chú giải rằng: Người già da và lông trên cơ thể đều khô héo, tiều tuỵ. Thần Tùng Chi thấy da bỏ hết lông gọi là Cách (da thuộc).


Người xưa thường dùng Cách (da thuộc) để dùng trong việc binh, vì vậy mới có chữ Binh Cách (chỉ áo giáp hoặc việc quân). Chữ Cách dùng giống như chữ Binh. Dạng chửi Bị là Lão Cách giống như nói Lão Binh (tên lính già).


Lại bảo Siêu rằng: ”Ngài ở ngoài, tôi ở trong, thiên hạ không đủ để an định hay sao.” Siệu bị bó buộc lúc xa nhà mới theo về, vẫn thường có ý lo sợ, nghe lời Dạng rất kinh hoảng, lặng im không đáp. Dạng đi về, Siêu làm biểu kể rõ lời Dạng. Dựa vào đó bắt Dạng giao cho Hữu ti.


Dạng ở trong ngục viết thư gửi Gia Cát Lượng rằng: ”Kẻ hèn này trước từng phụng sự cho các chư hầu. Chỉ vì Tào Tháo bạo ngược, Tôn Quyền vô đạo, Chấn Uy(8) u mê hèn yếu, đương thời chỉ mình Chúa Công có khi độ vương bá cho nên tôi bèn máu chóng thay đổi, coi khinh việc tiến thân. Khi Chúa Công sang tây, kẻ hèn này nhờ Pháp Hiếu Trực khoe khoang hộ cho, lại được Bàng Thống ở giữa châm chước, cuối cùng được tới bái phỏng Chúa Công, khoa chân múa tay bàn bạc, phân tích công việc thời thế, giảng giải đạo nghĩa vương bá, xây dựng kế hoạch giành lấy Ích Châu. Chúa Công cũng dự tính già dặn, suy nghi sáng suốt, liền đồng ý ngay rồi khởi sự. Kẻ hèn này ở châu quê đây không tránh được thói thường, vẫn buồn rầu vì nỗi khổ bị vu hãm, nay bỗng được gặp hội gió mây, bắn tên trúng đích, cầu minh chúa được minh chúa, thực hiện được nguyện vọng, hiển lộ được tiếng tăm. Từ trong đám áo vải cất mình thành quốc sĩ, riêng trộm nghĩ lầm mình là kẻ tài ba. Phận làm con được đối dãi nồng hậu như thế, ai lại còn hơn được nữa. 


Thần Tùng Chi nghĩ: "Phận làm con được đối đãi nồng hậu” câu này là Dạng nói Lưu Chủ lấy ân tình sâu nặng dành cho con cái mà đối xử với mình. Vì vậy đoạn sau của thư này có chỗ viết rằng: ”Phụ bạc người cha từ ái của mình, tội đáng trăm lần chết”.


Dạng một sớm điên rồ bội bạc, tự mong bị băm vằm làm con quỷ bất trung bất nghĩa. Tổ tiên ta có câu rằng tai trai giữ bản đồ thiên hạ, tay phải tự đâm vào yết hầu, dù là thằng ngu cũng không làm. Hống chi kẻ hèn nàycòn hơi biết phân biệt đâu là gạo, đâu là đỗ! Sở dĩ có ý dường như oán vọng, không tự do lường lấy thân, cẩu thả nghĩ mình là người quan trọng trong trong cuộc trung hưng mà có lời đàm luận lúc sắp đến Giang Dương, là vì không hiểu ý của Chúa Công, tình cảm đột nhiên kích động, lại có phần ngấm hơi men, thật đã lỡ lời nói ra chữ ”lão”. Đấy là chỗ nông cạn dốt nát thấp kém trong suy nghĩ của kẻ hèn này vậy. Chúa Công thật ra chưa già. Vả chăng người xây đại nghiệp há ở chỗ già hay trẻ. Tây Bá(9) tuổi đến chín mươi, trong khoảng ấy có lúc chờ ý chí suy sụt hay sao. Phụ bạc người cha từ ái của mình, tội đáng trăm lần chết vậy. Đến như lời nội ngoại(10), chỉ là mong khiến cho Mạnh Khởu lập được công lao nơi các châu phương bắc, chung sức với Chúa Công, cùng dánh Tào Tháo mà thôi, há dám có ý gì  khác đâu? Mạnh Khởi giảng giải câu ấy nhưng mà không phân biệt ý nghĩa bên trong, thật làm cho người ta phải đau lòng vậy. Xưa tôi với Bàng Thống thường cùng thề ước, gần như theo sau dấu chân túc hạ, tận tâm với sự nghiệp của Chúa Công, đuổi theo thanh danh người đời trước, ghi lại công tích vào tre lụa. Thống bất hạnh đã mất, kẻ hèn nay hư hỏng tự chuốc lấy tai hoạ. Đấy là do mình huỷ hoại lấy mình, lại còn oán trách được ai! Túc hạ là Y, Lữ thời nay nên cùng Chúa Công mưu tính công việc cho thật tốt, làm nên đại sự.Trời soi tỏ đất chứng minh, thần linh có thiêng liêng, xét kỹ lời tôi nói lúc này! Kính khiến cho túc hạ hiểu rõ chân tình của kẻ hèn này mà nỗ lực hành sự vậy. Bảo trọng! Bảo trọng!”’ 


Dạng bị tội chết, lúc ấy mới ba mươi bảy tuổi.


CHÚ THÍCH

(1) Phó Thuyết: Đại thần phò tá vua Cao Tông nhà Ân Thương.

(2) Lữ Thượng: Thượng Phụ Khương Thái Công vẫn quen gọi là ông Lã Vọng phò tá cha con Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương dựng lên nhà Chu.

(3) Dịch thoát: Nguyên văn: ⽽六翮未之备也: Nhiên nhi lục cách vị chi bị dã. Lục Cách là sáu chiếc lông cánh, trong văn học Việt cũng từng được nhắc đến trong câu nói của Trần Quốc Tuấn: ”…Chim hồng chim hộc bay cao bay xa là nhờ có sáu chiếc lông cánh cứng…”

(4) Trọng Sơn: Trọng Sơn Phủ phò tá vua Tuyên Vương nhà Chu.

(5) Tuyển Sanh: Em chưa rõ là ai.

(6) Dương Hùng: Học giả Tây Hán.

(7) Quách Phách: Học giả Đông Tấn.

(8) Chấn Uy: Lưu Chương vvón được phong Chấn Uy tướng quân.

(9) Tây Bá: Tây Bá Cơ Xương tức Chu Văn Vương nhà Chu.

(10) Nội ngoại: Chỉ câu Bàng Dạng bảo Mã Siêu: “Ông ở ngoài, tôi ở trong”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét