Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

HOẮC TUẤN TRUYỆN

 QUYỂN 11 - HOẮC, VƯƠNG, HƯỚNG, TRƯƠNG, DƯƠNG, PHÍ TRUYỆN



HOẮC TUẤN TRUYỆN


Hoắc Tuấn tự Trọng Mạc, người Chi Giang, Nam Quận. Anh là Đốc, từng ở trong thôn chiêu tập mấy trăm người làm bộ hạ. Sau khi Đốc chết, Kinh Châu mục Lưu Biểu lệnh cho Tuấn thống lĩnh đám người này. Biểu chết, Tuấn dẫn quân đi theo Tiên Chủ, Tiên Chủ phong Tuấn làm Trung lang tướng. Tiên Chủ từ ải Hà Manh tiến xuống phía nam tập kích Lưu Chương, giữ Tuấn ở lại thủ Hà Manh. Trương Lỗ sai tướng Dương Bạch dụ Tuấn đầu hàng, Tuấn nói: “Lấy được đầu (Tuấn), không lấy được thành.” Bạch đành lùi đi. Sau Chương sai tướng Phù Cấm, Hướng Tồn dẫn hơn vạn người từ trên Lăng Thủy vây công Tuấn, hơn một năm vẫn không thể hạ. Trong thành của Tuấn quân sỹ chỉ có mấy trăm người, chờ lúc sơ hở, lựa quân tinh nhuệ xuất kích, đại phá địch, chém đầu Tồn. 

Tiên Chủ bình định được đất Thục, khen thưởng công Tuấn, phân Quảng Hán thành Tử Đồng quận, phong Tuấn làm Thái thú Tử Đồng, Tì tướng quân. Làm quan ba năm, bốn mươi tuổi chết, táng tại Thành Đô. Tiên Chủ vô cùng thương tiếc, bèn hạ chiếu bảo Gia Cát Lượng: “Tuấn là tướng tốt, có công với nước, cần tới bái tế.” Sau đó đích thân dẫn quần thần tới điếu tế, vì (Tiên Chủ) ngủ lại mộ, đương thời rất là vinh hiển.


Con Tuấn là Dực, tự Thiệu Tiên, làm Thái tử Xá Nhân(1) những năm cuối đời Tiên Chủ. Sau Hậu Chủ đăng cơ, phong làm Yết Giả. Thừa tướng Gia Cát Lượng bắc phạt đóng quân ở Hán Trung, mời đến làm Ký thất, cho ở chung với con trai mình là Gia Cát Kiều để hai người qua lại với nhau. Lượng chết, được phong Hoàng Môn Thị lang. Hậu Chủ lập thái tử Toàn, phong Dực làm Trung Thứ Tử (2), Toàn ham săn bắn, ra vào vô độ, Dực viện dẫn tích cổ, hết lời khuyên can, mài dũa đưa vào quy củ.

Sau được phong làm Tham Quân tại phủ Đồn Phó Nhị Đô Đốc tại Lai Hàng (3), lại chuyển làm Hộ Quân, quản việc như trước. Lúc đó Di Liêu (4) ở quận Vĩnh Xương không phục nổi dậy, mấy lần xâm phạm vào cõi, Dực kiêm nhiệm chức thái thú Vĩnh Xương, dẫn quân đi đánh, chém được đầu thủ lĩnh giặc, phá tan nhà ấp, quận biên được yên ổn. Được thăng làm Tham quân, Dực Quân tướng quân, kiêm chức thái thú Kiến Ninh, còn quản việc Nam Quận. Năm Cảnh Diệu thứ sáu, được thăng làm An Nam tướng quân. Năm đó, Thục bị Ngụy chiếm, Dực ở Ba Đông và La Hiến ở Tương Dương lĩnh quân bảo toàn một phương, giữ nguyên quân bản bộ xin hàng, do đó được giữ nguyên chức, lại được vua Ngụy sủng ái.


Sách Hán Tấn Xuân Thu viết: “Hoắc Dực nghe Ngụy quân tới, muốn trở về Thành Đô, nhưng Hậu Chủ đã định kế hoạch đầu hàng, không nghe theo. Thành Đô không hề thủ giữ, Dực mặc áo tang gào khóc, cả ba ngày trời không thôi. Các tướng đều khuyên nên mau chóng hàng, Dực nói: “Hiện giờ đường đi cách trở, chưa biết chúa an nguy thế nào, đại địch không biết ra sao, không thể tùy tiện. Nếu chúa thượng và Ngụy hòa, lấy lễ mà đãi, ta sẽ bảo toàn biên cảnh mà hàng, khi đó cũng không muộn. Nếu vạn nhất có điều gì nguy nhục, ta sẽ lấy cái chết cự tuyệt, quan tâm chi đến nhanh chậm!” Sau khi được tin của Hậu Chủ mới dẫn tướng thủ ở sáu quận dâng biểu nói:


“Thần nghe nói đời người có ba mối(5) mà phụng sự cả ba chỉ một (nguyên tắc thôi). Gặp lúc nguy nan, ắt phải (cống hiến) sinh mệnh. Nay thần nước thua chủ hàng, chẳng thể thủ nữa, chỉ đành dâng lễ tỏ lòng, không dám phản bội.” Tấn Văn Vương nghe vậy, liền phong làm Đô đốc Nam Trung, giữ nguyên đất cũ. Sau này sai binh tướng tới cứu viện Lữ Hưng, bình định ba quận Giao Chỉ, Nhật Nam, Cửu Chân, được phong làm Liệt hầu, tiến hiệu thăng chức. Cháu Dực là Bưu, Thái thú Việt Tây đời Tấn.


Sách Tương Dương Ký có viết: La Hiến tự Lệnh Tắc. Cha là Mông, tránh loạn mà tới Thục, quan làm tới thái thú Quảng Hán. Hiến từ nhỏ đã học giỏi nổi tiếng, năm mười ba tuổi đã có thể viết văn. Hậu Chủ lập thái tử, phong cho làm Thái Tử Xá Nhân, sau thăng lên Thứ Tử(6), Thượng Thư Sử bộ lang, lĩnh chức chức Tuyên Tín Hiệu Úy sang sứ đất Ngô, người Ngô rất tán tụng. Lúc đó Hoàng Hạo can dự vào chính sự, mọi người đều hùa theo, Hiến một mình không theo, Hạo ghét, đẩy đi làm Thái Thú Ba Đông. Lúc ấy Hữu đại tướng quân Diêm Vũ là đô đốc Ba Đông, Hậu Chủ phong Hiến làm phó cho Vũ. Ngụy đi đánh Thục, (Hậu Chủ) gọi Vũ về tây(7), lưu lại hai ngàn người của Vũ, lệnh Hiến đi thủ thành Vĩnh An. Nghe tin Thành Đô thất bại, trong thành náo động, các Trưởng Sử ở bên sông đều bỏ thành mà chạy, Hiến chém chết một người nói Thành Đô đã loạn, bách tính mới ổn định. Được tin Hậu Chủ gọi về, Hiến vẫn dẫn quân đóng lại đó. Ngô nghe tin Thục bại, khởi binh tiến về phía tây (Thục), nói dối là cứu viện, thực ra muốn đánh lén Hiến. Hiến nói: “Bản triều sụp đổ, Ngô là môi răng, không những không cứu giúp mà còn nhân loạn đi kiếm lợi, phản bội minh ước. Mà Hán đã vong, Ngô liệu còn được bao lâu, sao có thể đi hàng Ngô chứ!” Bảo vệ thành trì, chỉnh đốn trang bị, thề cùng tướng sĩ, thà mất mạng cũng phải giữ tiết nghĩa.


Ngô nghe tin Chung, Đặng(8) thất bại, Thành Đô vô chủ, liền có lòng chiếm Thục, mà Ba Đông cố thủ, binh không thể vượt qua, liền dẫn binh tướng tiến về phía tây. Hiến thấy nơi đó gần sông, không thể phòng thủ, sai Tham Quân Dương Tông đột vây lên phía bắc, cáo cấp với An Đông tướng quân Trần Khiên, lại đưa cả ấn tín văn võ, tỏ lòng muốn hàng Tấn. Hai bên cùng nhau giao chiến, Hiến ra thành ứng chiến, đại phá quân Ngô. Tôn Hưu tức giận, liền sai Lục Kháng dẫn ba vạn quân đi vây đánh Hiến. Bị đánh tới sáu tháng mà viện quân không tới, trong thành bệnh tật quá nửa. Có người hiến kế nên bỏ chạy, Hiến nói: “Kẻ sĩ phải lấy nhân làm chủ, bách tính mong ngóng, đã không thể làm an cái nguy, vội vã bỏ chạy, quân tử há đâu lại làm như vậy, dù mất mạng cũng phải thủ lại nơi này.” Trần Khiên tấu lên Tấn vương, Tấn vương liền sai Thứ sử Kinh Châu là Hồ Liệt đi cứu Hiến, Kháng đành phải lui. 

Tấn Vương cho Hiến giữ nguyên việc cũ, phong làm Giang Lăng tướng quân, Vạn Niên đình hầu. Về sau bốn huyện ở Võ Lăng phản Ngô hàng Ngụy, Hiến liền được phong làm Thái thú Giang Lăng, Giám quân Ba Đông. Năm Thái Thủy nguyên niên cải phong làm Tây Ngạc huyện hầu. Hiến đưa vợ con về ở Lạc Dương, Vũ đế (9) phong con Hiến là Tập làm Chấp Sự. Tháng ba năm (Thái Thủy) thứ tư , trong tiệc rượu của nhà vua tại Hoa Lâm viên, vua hỏi về các đại thần của nhà Thục, những ai có thể dùng, Hiến tiến cứ Thường Kị, Đỗ Chẩn, Thọ Lương ở Thục Quận, Trần Thọ ở Ba Đông, Cao Quỹ ở Nam quận, Lữ Nhã, Hứa Quốc ở Nam Dương, Phí Cung ở Giang Hạ, Gia Cát Kinh ở Lang Tà, Trần Dụ ở Nhữ Nam, tất cả đều được dùng, công danh đủ cả. Khi Hiến vẫn còn, Tập lấy được Vu Thành của Ngô, nhân đó còn dâng kế đánh Ngô. Hiến sống nghiêm chỉnh, đãi binh sĩ không tệ, không ham tiền tài thích làm việc thiện, không để lại nhiều sản nghiệp. 


Năm (Thái Thủy) thứ sáu thì chết, được ban chức An Nam tướng quân, thụy là Liệt hầu. Con là Tập, làm Lăng Giang tướng quân thống lĩnh bộ thuộc cũ của cha, chết sớm, được truy phong làm Thái thú Quảng Hán. Con Tập là Huy, làm Nội sử ở Thuận Dương, năm Vĩnh Gia thứ năm chết vì loạn các vương. Những cống hiến này, đồn đại khác nhau, cũng không được rõ ràng cho lắm.

 

CHÚ THÍCH

(1) Tên chức quan thời Tần Hán, là người thân cận chuyên ở cạnh Thái tử.

(2) Chức quan tương đương với Thị trung, chuyên đi theo hầu Quốc quân, Thái tử, Tướng quốc.

(3) Nhà Thục Hán đặt ra phép quận đồn, Lai Hàn đồn hiện ở khu vực huyện Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam. Chức Tham Quân giống như cố vấn.

(4) Ý chỉ các dân tộc thiểu số.

(5) Tức quân, sư, phụ.

(6) Tên chức quan, người đi theo sát Thái Tử.

(7) Chỉ Tây Thục.

(8) Chung Hội, Đặng Ngải.

(9) Tư Mã Viêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét