Ảnh: Đào Cung Tổ ba lần nhường Từ Châu, tranh thời Minh (Tam quốc chí không có chuyện này) |
Tam Quốc Chí - Ngụy Thư 2
ĐÀO KHIÊM TRUYỆN
Đào Khiêm tự Cung Tổ,
người quận Đan Dương.
Ngô thư viết:
"Cha Khiêm trước làm Dư Diêu Trưởng. Khiêm thuở nhỏ cô(1), bất đầu không
chịu gò bó ở trong huyện. Năm mười bốn tuổi, vẫn buộc lụa làm khăn, cưỡi ngựa tre
mà chơi, trẻ con trong ấp đều đi theo. Thương Ngô Thái thú Cam Công ngày trước
là người cùng quận ra đường gặp Khiêm, thấy dáng vẻ ấy mà cho là lạ rồi kêu lại,
dừng xe nói chuyện, rất vui, nhân đó hứa gả con gái cho. Phu nhân của Cam Công
nghe tin, giận nói: 'Thiếp nghe nói đứa trẻ nhà họ Đào vui chơi không ngừng,
sao lại hứa gả con gái cho hắn'? Cam Công nói: 'Hắn có dáng vẻ kì lạ, lớn lên tất
làm được công lớn'. Bèn gả con gái cho".
Thuở nhỏ ham học, làm học trò, nhận lời châu gọi, cử Mậu tài(2), làm Lư Lệnh,
Ngô thư viết:
"Tính Khiêm thẳng thắn, có tiết tháo cao đẹp, thuở nhỏ xét Hiếu liêm(3),
bái làm Thượng thư lang, làm Thư Lệnh, Quận thú(4) Trương Bàn là người bậc trên
cùng quận, làm bạn với cha Khiêm, muốn nhận Khiêm làm người thân nhưng Khiêm xấu
hổ vì chịu cúi thân, cùng quân sĩ về thành, nhân đó lấy việc công mà đến gặp,
có lỗi bãi quan, nhưng Bàn thường cho mời riêng vào gặp, cùng Khiêm ăn yến, có
người ngăn không cho ở lại. Thường cùng múa(5) với Khiêm, Khiêm không đứng dậy,
cố ép Khiêm, lúc múa lại không chuyển. Bàn nói: 'Không chuyển được sao'? Đáp
nói: 'Không chuyển được, chuyển thì hơn người'. Do đó không vui, rút cuộc hiềm
khích. Khiêm làm quan trong sạch, không bị xét hỏi, tế sao Linh, có được năm
trăm tiền, muốn đem dấu đi. Khiêm trao lại chức rồi bỏ đi".
chuyển làm U Châu Thứ
sử, gọi về bái làm Nghị lang, làm Tham quân sự của Xa kị Tướng quân Trương Ôn,
đến miền tây đánh Hàn Toại.
Ngô thư viết: "Gặp
lúc người Khương miền tây cướp biên, Hoàng Phủ Tung làm Chinh tây Tướng quân,
dâng biểu xin cấp cho tướng võ. Gọi bái Khiêm làm Dương vũ Đô úy cùng Tung đánh
người Khương, đại phá chúng. Sau có Biên Chương, Hà Toại làm loạn, Tư không
Trương Ôn nhận lệnh đánh dẹp; lại xin Khiêm làm Tham quân sự, đối đãi rất hậu
nhưng Khiêm coi thường cách làm việc của Ôn, trong lòng không phục. Đến lúc
quân rút về, trăm quan mở hội lớn, Ôn cùng Khiêm uống rượu, người của Khiêm làm
nhục Ôn. Ôn giận, đày Khiêm đến ở biên giới. Có kẻ khuyên Ôn nói: 'Đào Cung Tổ
vốn vì có mưu lược mà được ông kính trọng, một sớm uống rượu mắc lỗi, không được
tha thứ, đày đến chỗ bất mao, đức dày không trọn, kẻ sĩ trong bốn phương há còn
chỗ trông mong! Không bằng giải oán bỏ giận, lập lại phận trước, do đó đức tốt
mới truyền xa'. Ôn khen lời ấy, bèn sai người đến đưa Khiêm về. Khiêm đến, có
người lại bảo Khiêm nói: 'Túc hạ khinh thường Tam công, tội do mình làm, nay được
tha miễn, chẳng ai có đức dày hơn thế; nên dùng lời nhún nhường để tạ lỗi'.
Khiêm nói: 'Được'. Lại bảo Ôn nói: 'Đào Cung Tổ nay tự xét kĩ lỗi mình. Ta lỗi
với Thiên tử xong sẽ đến cửa nhà ông. Ôn theo ý đó để an ủi Khiêm'. Bấy giờ Ôn ở
cửa cung gặp Khiêm, Khiêm ngẩng nói: 'Khiêm tự tạ lỗi với triều đình, há vì ông
sao'? Ôn nói: 'Tật xấu của Cung Tổ vẫn chưa bỏ chăng'? Bèn bày rượu mời Khiêm,
đãi Khiêm như trước".
Gặp lúc quân Khăn
vàng(6) Từ Châu nổi dậy, lấy Khiêm làm Từ Châu Thứ sử, đánh quân Khăn vàng,
đánh đuổi chúng. Thời loạn Đổng Trác, châu quận dấy binh, Thiên tử đóng đô ở
Trường An, bốn phương cắt đứt, Khiêm sai sứ đi lẻn đến cống nạp, chuyển làm An
đông Tướng quân, Từ Châu Mục, phong Lật Dương Hầu. Bấy giờ trăm họ vùng Từ Châu
giàu có, thóc lúa đầy đủ, nhiều dân phiêu dạt theo đến đó. Nhưng Khiêm lại làm
trái đạo dùng người; Quảng Lăng Thái thú Triệu Dục người quận Lang Nha là danh
sĩ của Từ Châu, vì thẳng thắn mà bị đuổi;
Hậu Hán thư của Tạ Thừa
viết: "Lúc Dục ba mươi tuổi, mẹ có bệnh, trải qua ba tháng, Dục buồn rầu
tiều tụy, đến nỗi không chợp mắt, cầm thóc ra đốt, cầu đảo khóc ra máu, người
làng khen là hiếu. Đến chỗ kẻ sĩ ở ẩn người huyện Đông Hoàn là Kì Quán Quân xin
đọc sách Công Dương truyện, học hết các nghề. Qua nhiều năm ẩn chí, không nhìn
ra khỏi ruộng vườn, người thân người xa ít khi gặp mặt. Bấy giờ vào thăm hỏi
cha mẹ, chốc lại lại về. Cao thượng ngay thẳng, giữ lễ mà lập thân, cung kính
trong sạch, chẳng ai bằng chí ấy; làm việc tốt để giáo hóa, trừ việc ác để sửa
tục. Châu quân mời gọi, thường xưng bệnh không theo Tướng quốc Đàn Mô, Trần Tôn
cùng gọi, cũng không đến; có người cả giận, nhưng rút cuộc cũng không đổi ý. Cử
làm Hiếu liêm, làm Cử Trưởng, tuyên dương ngũ giáo, sửa chữa chính trị. Gặp lúc
giặc Khăn vàng làm loạn, cứng cỏi cả năm quận, châu huyện phát binh, do đó sửa
soạn trước. Từ Châu Thứ sử Ba Kì xét công hàng đầu, đáng được thưởng thêm. Dục
xét cho là thẹn trả chức về nhà. Từ Châu Mục Đào Khiêm bắt đầu gọi làm Biệt giá
Tòng sự, xưng bệnh trốn tránh. Khiêm nhiều lần sai Dương Châu Tòng sự Phạm
Tuyên người quận Cối Kê đến gọi, Dục giữ ý không chuyển; muốn dùng hình phạt để
ra oai, sau đó mới đến. Cử làm Mậu tài, chuyển làm Quảng Lăng Thái thú. Bọn giặc
Trách Dung từ Lâm Hoài bị đánh, chạy vào đất quận, Dục đem quân đánh chống,
thua vỡ bị giết".
bọn Tào Hoành là kẻ
tiểu nhân gian ác mà Khiêm lại tin dùng. Hình pháp không yên, nhiều người hiền
lương bị hại, do đó dần loạn. Người huyện Hạ Bì là Khuyết Nghi tự xưng Thiên tử,
lúc đầu Khiêm cùng chúng liên hợp cướp bóc, sau bèn giết Nghi, thu lấy quân của
hắn.
Năm Sơ Bình thứ
tư(7), Thái Tổ đánh Khiêm, đánh lấy hơn mười thành, đến đánh lớn ở Bành Thành.
Quân Khiêm thua chạy, chết đến mấy vạn quân, nước sông Tứ vì thế mà không chảy
được. Khiêm lui về giữ huyện Đàm. Thái Tổ vì lương thiếu mà dẫn quân về.
Ngô thư viết:
"Cha Tào Công bị giết ở quận Thái Sơn, đổ lỗi cho Khiêm. Muốn đánh Khiêm
nhưng sợ cái mạnh của Khiêm, bàn ra lệnh châu quận bãi binh một lúc. Chiếu nói:
'Nay trong nước rối loạn, châu quận dấy binh, quân dân mệt mỏi, nạn giặc chưa
thôi, tướng lại có kẻ không tốt, nhân đó đánh bắt, ức hiếp dân đen, nhiều người
bị hại; tiếng đồn lan xa, rúng động thành ấp,trong tường vách sợ bị gây bạo, kẻ
hiền lành trở thành bọn xấu, đấy có khác gì lấy củi dập cháy, quạt lửa ngăn nước
sôi đâu! Nay dân bốn phương lưu tán, gửi thân xứ lạ, phơi xương trắng nơi đồng
núi, bỏ con trẻ nơi rãnh ao, ngoảnh về quê cũ mà than thở, hướng về đồng ruộng
mà khóc lóc, đói rét khốn khó, cũng đã nhiều lắm rồi! Dẫu tiếc cái sai lầm trước
đây, lo nghĩ giáo hóa ở ngày nay, nhưng liên tiếp điều binh, chĩa mũi nhọn nơi
đồng bằng, sợ nếu một sớm cởi bỏ, đến chiều lại gặp giặc, do đó chia quân đóng
đồn, muốn dừng mà không dám bỏ vậy. Nay hạ chiếu đến, các chỗ bãi quân giáp,
sai trở về trồng trọt, chỉ giữ các quan chức ở lại để cung cấp cho sở quan, tỏ
rõ an ủi gần xa, đều khiến nghe biết'. Khiêm nhận thư, bèn dâng thư nói: 'Thần
nghe nói vỗ về kẻ phương xa, không dùng đức không làm được; dẹp nạn trừ loạn,
không dùng binh không giúp được. Cho nên đồng Trác Lộc, Phản Tuyền, Tam Miêu có
quân của Ngũ Đế(8), có trận đánh các nước Hỗ, Quỷ Phương, Thương, Yểm của bậc
Vương(9), vào thời xa xưa, chưa có ai không dương oai để dẹp loạn, dùng võ để
ngăn bạo vậy. Thần trước đây vì giặc Khăn vàng làm loạn, chịu mệnh ruổi dài,
không kịp nghỉ ngơi. Dẫu có lệnh răn giới, cậy vào uy linh, kính theo ý trời, hễ
đánh là thắng, nhưng giặc ác đông đảo, lại không sợ chết, cha anh ngã mất, con
em lại nổi, gây binh nhiều năm, đến nay còn hại. Nếu vâng mệnh cởi giáp, nước yếu
tự hỏng, bỏ võ bị là giúp loạn, làm tổn uy mà lợi cho giặc. Nếu ngày nay bãi
binh, ngày sau nạn tất đến, trên vốn là vâng mệnh giao phó của triều đình,
nhưng dưới lại làm cho bọn xấu thêm sinh sôi qua ngày tháng, đấy không phải là
việc cứu giúp kẻ yếu ngăn chặn kẻ xấu vậy. Thần dẫu ngu dốt, lòng rộng rãi
không rõ, nhưng mang ơn lo nghĩ báo đền, không nỡ làm thế. Liền lĩnh bộ khúc,
ra lệnh phòng bị. Ra cắt trừ giặc, chỉ tỏ rõ sức, ban bố ân đức, vâng theo chức
phận, đã lập công nhỏ để chuộc tội lỗi'. Lại nói: 'Hoa Hạ sôi sục, đến nay chưa
ngừng, bao mao(10) chẳng vào, cống nạp thiếu ít, ngủ dậy lo lắng, không có ngày
yên. Nghĩ rằng phải đến cống nạp, lễ vật được thông, rồi mới vứt đao cởi giáp,
đấy là ý muốn của thần vậy. Thần trước đây phát trăm vạn học thóc đã vùi dưới
nước sông, nay lại sai quân chở đến'. Tào Công nhận được thư dâng, biết không
bãi binh, bèn đến đánh ở Bành Thành, giết nhiều dân chúng. Khiêm đem quân đến
đánh, Thanh Châu Thứ sử Điền Khải cũng đưa quân cứu Khiêm. Công dẫn quân về".
Thần là Tùng Chi xét:
Thời ấy Thiên tử ở tại Trường An, Tào Công còn chưa nắm chinh trị. Chiếu thư
bãi binh, không phải do họ Tào ban ra.
Năm Hưng Bình thứ nhất(11),
lại đánh miền đông, lấy được các huyện của quận Lang Nha, Đông Hải. Khiêm sợ,
muốn chạy về quận Đan Dương. Gặp lúc Trương Mạo phản đón Lữ Bố, Thái Tổ về đánh
Bố. Năm đó, Khiêm bệnh chết.
Ngô thư viết:
"Khiêm chết lúc sau mươi ba tuổi, bọn Trương Chiêu làm văn điếu cho Khiêm
nói: 'Tốt thay sứ quân, (12) ông hầu Tướng quân(13), tỏ rõ đức dày, giỏi võ giỏi
văn, tính vốn thẳng thắn. Coi Thư và Lư(14), thân ái với dân; trông U và Từ(15),
để lại cam đường(16). Dạy dỗ Di, Mạch(17), nhờ ông mới lành. Giặc cướp ngu xuẩn,
không ông chẳng yên. Được vua ngợi khen, ban cho tước mệnh, làm Mục làm Hầu, mở
đất Lật Dương. Rồi làm Thượng tướng, nhận hiệu An đông, trừ nạn dẹp loạn, xã tắc
tôn sùng. Tuổi thọ không dài, bỗng chốc đã hoăng, kẻ yếu mất dựa, dân biết khốn
cùng. Chưa được tuần ngày, năm quận vỡ tan, người ta buồn đau, còn ai ngóng
trông? Nghĩ theo chẳng kịp, ngẩng than khoảng không. Than ôi thương thay'!
Hai con của Khiêm là
Thương, Ứng đều không làm quan".
Chú thích:
(1) Cô: thuở nhỏ mất cha mẹ.
(2) Mậu tài: tức Tú tài, một hình thức chọn người tài làm
ra làm quan có từ thời Hán.
(3) Hiếu liêm: một hình thức chọn người hiếu thuận và
ngay thẳng ra làm quan có từ thời Hán.
(4) Quận thú: tức quan Thái thú đứng đầu quận.
(5) Múa: thời Hán có lễ nghi múa giao lưu. Lúc ăn yến, chủ
yến múa rồi khách mời múa lại.
(6) Quân Khăn vàng: quân nổi dậy đội khăn vàng cuối thời
Hán.
(7) Năm Sơ Bình thứ tư: tức năm 193 Công nguyên thời Hán
Hiến Đế.
(8) Ngũ Đế: năm vị Đế thời cổ. Ý nói Hiên Viên đánh Xi
Vưu ở đồng Trác Lộc, đánh Du Võng ở dồng Phản Tuyền. Vua Thuấn đánh Tam Miêu ở
vùng hồ Động Đình, hồ Bà Dương.
(9) Bậc Vương: ý nói vua Vũ Đinh của nhà Ân đánh Quỷ
Phương, và các vua của nhà Chu đánh vua Trụ nhà Ân và các nước Yểm, Hỗ.
(10) Bao mao: cỏ tinh mao bỏ vào cái bao để cúng tế.
(11) Năm Hưng Bình thứ nhất: tức năm 194 Công nguyên thời
Hán Hiến Đế.
(12) Sứ quân: tên gọi tôn kính với người đứng đầu châu quận,
ý chỉ Từ Châu Thứ sử Đào Khiêm.
(13) Tướng quân: tướng cầm quân, ý chỉ Xa kị Tướng quân
Trương Ôn.
(14) Thư và Lư: hai huyện Thư và huyện Lư là nơi Khiêm làm
quan Lệnh.
(15) U và Từ : hai châu U Châu và Từ Châu là nơi Khiêm
làm quan Mục và Thứ sử.
(16) Cam đường: là cây cam đường. Xưa Thiệu Bá thời Chu xử
tội ở dưới cây cam đường, đều đâu vào đấy, người đời sau ghi nhớ, ý chỉ ân đức
của quan lại đối với dân.
(17) Di, Mạch: Di là tên gọi chỉ người phương đông và người
ngoài Trung Quốc. Mạch là tên gọi một nhóm người phía đông bắc Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét