Những trích dẫn hay
trong tác phẩm Luận anh hùng của Dịch Trung Thiên
1
Hạng Vũ cung kính những trượng phu ngang bướng. Ở Hồng Môn yến, dù
Phạm Tăng đã mấy lần ra hiệu, Hạng Vũ vẫn yên lặng, nhưng khi “Hạng Trang múa
kiếm, nhằm vào Bái công”, Hạng Vũ cũng không ngăn. Rõ ràng lúc đó vẫn còn hai
khả năng giết hay không giết Lưu Bang, giống như để theo mệnh trời. Nhưng sau
khi Phàn Khoái bước vào, tình hình liền thay đổi. Phàn Khoái xông qua cửa, bước
thẳng vào trướng, hai mắt giận dữ nhìn thẳng vào Hạng Vũ. Phàn Khoái tóc dựng
ngược, mắt hằn học, Hạng Vũ thất kinh trước hình tượng đó. Nghe Trương Lương
nói, đó là tham thừa của Bái công (gần như thị vệ) liền tán thưởng là “tráng
sĩ”, khi Phàn Khoái uống hết đấu rượu, ăn sống chân sau của lợn, Hạng Vũ liền thấy
thích thú, quý mến Phàn Khoái. Vì vậy khi Phàn Khoái trả lời Hạng Vũ “thần chết
còn chẳng trách, sao có thể từ chối một nậm rượu”, còn dõng dạc chỉ trích Hạng
Vũ “muốn giết người có công”, rõ ràng là “kế thừa Tần đã mất”, Hạng Vũ không
chỉ nổi nóng, còn ra quyết định không giết Lưu Bang. Rõ ràng lúc này Hạng Vũ đã
quên việc tranh giành thiên hạ, quên sĩ diện, lúc này trong lòng chỉ còn lại sự
sùng kính và tán thưởng khí tiết người anh hùng, hảo hán bướng bỉnh đó.
Đó chính là thái độ thẩm mỹ. Và đó cũng là phong thái thời đại của
người anh hùng.
(Hạng Vũ)
2
Con người Tào Tháo lúc nhỏ chừng như là “thiếu niên có vấn đề”,
nhiều chỗ giống với Lưu Bang, Hạng Vũ thuở nhỏ, có điều Tào Tháo thích đọc sách
hơn hai người kia. Sử sách nói, lúc nhỏ Tào Tháo “thích ưng bay chó chạy, phóng
đãng vô độ”. Người chú không vừa mắt khi thấy cảnh đó, thường nhắc nhở Tào Tung
phải thường xuyên trông nom thằng bé này, Tào Tháo biết chuyện, liền nghĩ quỷ
kế để đối phó với ông chú lắm chuyện. Một hôm, Tháo nhận thấy ông chú từ xa đi
tới, liền vờ méo miệng xệch môi. Chú đến hỏi vì sao, đáp đột nhiên trúng gió.
Lập tức người chú đến báo với Tào Tung. Lúc Tào Tung gọi Tào Tháo đến xem, đã
chẳng thấy có chuyện gì. Nhân đó Tào Tháo nói thêm, làm gì có chuyện con trúng
gió! Có thể chú không thích con nên mới nói bừa như vậy! Đã có chuyện “sói đến
rồi” làm vật đệm, từ đó về sau người chú có nói gì đi chăng nữa, Tào Tung đều
không tin.
(Tào Tháo)
3
Kỳ thực, Võ Tắc Thiên không phải tên là “Võ Tắc Thiên”. Bà họ Võ,
tên Chiếu. Chiếu là chữ bà phát minh ra chỉ để đặt tên cho mình.
Ngay cả cái tên này cũng chẳng để làm gì. Vì khi bà có tư cách
phát minh ra chữ quái gở đó để đặt tên cho mình, đã chẳng có ai dám gọi thẳng
tên đó. Bản thân bà cũng không dùng tới nó. Khi đó, bà đã tự xưng là “trẫm”.
Ngay cả cách xưng hô “Võ Tắc Thiên”, bà và những người khác cũng không dùng
tới. Hai chữ “Tắc Thiên” cũng do người con là Trung Tông Lý Hiển đặt tôn hiệu
cho bà khi bà buộc phải dời sang ở cung Thượng Dương, mọi người luôn xưng là
“Tắc Thiên Đại thánh hoàng đế”. Trước khi lâm chung, Võ Tắc Thiên để lại di
chúc, lệnh bỏ đế hiệu, đổi xưng là hoàng hậu. Và, “Tắc Thiên Đại thánh hoàng
hậu”, trở thành thụy hiệu của bà. Có hai cách nói để chỉ rõ vì sao lại gọi là
“Tắc Thiên”. 1. Nói, bà lên ngôi hoàng đế tại “Tắc Thiên môn” ở mặt nam cửa
chính, cung Lạc Dương; 2. Là điển tích trong sách “Luận ngữ”: “Chỉ có trời là
lớn, chỉ có đế Nghiêu bắt chước được trời”. Vì vậy “Tắc Thiên” là hiệu, không
phải là tên của bà.
(Võ Tắc Thiên)
Luận
Anh Hùng bàn về 5 nhân vật tiêu biểu của lịch sử Trung Quốc: Hạng Vũ, Tào Tháo,
Võ Tắc Thiên, Hải Thụy và Ung Chính.
Chúng
ta đã quen với việc quy kết sự hung suy của vương triều, sự hưng suy của vương
triều, sự thành bại của sự nghiệp, sự đổi thay của lịch sử và sự đúng sai của sự
tình do nguyên nhân cá nhân. Quy kết thành một nhân vật lãnh tụ nào đó hoặc
nhân vật chủ đạo nào đó có nhân phẩm tốt xấu, giỏi kém. Đồng thời, các nhân vật
lịch sử Trung Quốc cũng được chia đơn giản thành hai vai thiện – ác, và cả lịch
sử Trung Quốc biến thành một sân khấu kịch lớn. Nhưng chúng ta lại không biết rằng
tại sao lại có nhiều vai ác đến thế, và không biết đến bao giờ mới xuất hiện những
vai thiện.
Luận Anh Hùng phân tích kỹ một số nhân vật tiêu
biểu của lịch sử Trung Quốc, đặt họ trong bối cảnh xã hội đương thời và tương
quan với những nhân vật khác, từ đó làm rõ quan hệ giắc cá nhân và lịch sử,
nguyên nhân của sự hưng suy vương triều, sự thành bại sự nghiệp, sự đổi thay của
triều đại, và sự đúng sai của sự tình.ch Trung Thiên bàn luận về 5 nhân vật: Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc
Thiên, Hải Thụy và Ung Chính, đặt trong bối cảnh
Dịch Trung Thiên là tác giả,
nhà văn, nhà mỹ học sinh năm 1947 tại Hồ Nam. Ông tham gia nhiều ngành khoa
học, có phạm vi nghiên cứu trải rộng, bao gồm cả văn học, thẩm mĩ, tâm lí học,
nhân loại học, sử học.
Dịch
Trung Thiên có nhiều tác phẩm về lịch sử, văn hóa, chính trị: Luận
anh hùng (tên gốc là Phẩm nhân lục), Phẩm
Tam quốc, Chuyện phiếm người Trung Quốc, Tiên Tần chư tử bách gia tranh minh,
Cái kết của Đế quốc, Dịch Trung Thiên Trung Hoa sử.
Trong
đó, Luận anh hùng là tác phẩm thu hút sự chú ý
của nhiều độc giả khi các nhân vật được tác giả lựa chọn để bàn luận, phân tích
đều tạo nên nhiều tranh luận trái chiều.
Chân
dung những người đi ngược dòng thời đại
Luận
anh hùng của nhà sử học Dịch Trung Thiên đặt vấn đề bàn luận về
những con người được xem là “anh hùng” trong lịch sử Trung Quốc. Đó là Hạng Vũ,
Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy và Ung Chính.
“Đối với đúng sai, công tội,
thiện ác, được mất của họ, người đời có thể bàn luận mãi mãi, nhưng cũng chính
vì những điểm này chẳng phải đã chứng minh rõ, họ là những người phi phàm?
Nhưng không có ai không là nhân vật đầy tính bi kịch…”, Dịch Trung Thiên khái
quát năm nhân vật lịch sử mà ông coi là “anh hùng” như vậy.
Ông cho độc giả thấy họ trước
hết là những con người, con người bằng xương thịt, chứa đầy những mặt ưu trội
cũng như hạn chế của con người bình thường. Nhưng trên hết, họ là những cá nhân
có lý tưởng lớn lao, nỗ lực và bền bỉ để thực hiện lý tưởng đó.
Họ mong muốn thiết lập nên một
trật tự chính trị, trật tự xã hội của riêng mình, vận hành theo cách của mình,
hiện thực hóa các mục tiêu cá nhân và nhóm mà họ đại diện.
Sau cùng, họ đều rơi vào những
bi kịch liên tiếp, bị đẩy vào tình huống tranh đấu kịch liệt với hoàn cảnh và
kết thúc cuộc đời của chính mình với những bình phẩm trái chiều, phức tạp của
người đời sau.
Võ Tắc Thiên là một ví dụ. Bà
xuất thân giàu sang, thuộc hàng trâm anh thế phiệt, nhập cung làm vợ của hai vị
hoàng đế nhà Đường. Càng lúc bà càng chứng tỏ bản thân không phải một phụ nữ
bình thường mà là một con người tham vọng chính trị và biết cách làm chính trị.
Triều đại Võ Chu do bà lập nên
đã đưa Trung Quốc tiến xa trên con đường trở thành một đế chế. Nhưng quyền lực
chính trị đẩy bà vào khối bi kịch lớn, phải hạ sát con ruột, phải biến các
hoàng tử khác thành “con rối”, phải sát hại nhiều cận thần, hứng chịu sự coi
thường từ một “triều đình đàn ông”.
Cuối cùng, lực lượng chống đối
chiến thắng và bà phải chấp nhận từ bỏ quyền lực để sống cô đơn nốt phần đời
còn lại. Hậu thế vẫn còn tranh luận rất nhiều về bà cũng như vai trò của nữ
hoàng đế uy quyền.
Lịch sử được xây đắp nên bởi cả
định kiến lẫn tinh thần truy cầu chân lý, cả tư duy đóng khuôn và ý chí tự do,
cả hận thù và tình yêu thương... Không có thứ lịch sử tuyệt đối và duy nhất,
chỉ có vô số nhận thức lịch sử cùng tồn tại, cạnh tranh, tìm ra con đường phát
triển và có được sự chấp nhận của số đông.
Do đó,
không nên chỉ đơn giản dựa vào Sử ký của
Tư Mã Thiên để khẳng định Hạng Vũ chẳng qua thất bại vì không đủ “lòng nhân”,
hữu dung vô mưu, thiếu uy tín để hiệu triệu nhân tài trong thiên hạ.
Cũng không thể chỉ vì xưa nay
trên sân khấu hí kịch Trung Quốc, nhân vật Tào Tháo chỉ xuất hiện dưới lớp mặt
nạ trắng, chẳng tô vẽ nhiều, vốn là thứ mặt nạ ẩn dụ cho kẻ xấu xa, mà “đóng
đinh” nhận thức rằng ông ta chỉ là kẻ gian trá, mưu mẹo, nhẫn tâm mà thiếu đi
trí tuệ, lòng nhân, dũng khí.
Võ Tắc Thiên, Hải Thụy, Ung
Chính cũng không phải chỉ có mặt tàn nhẫn, gàn dở, mê muội. Mỗi cá nhân xuất
chúng ấy, ở một phương diện nào đó, đều góp phần vào diễn trình chung của sự
phát triển.
Và với việc khắc họa chân dung
vừa tỉ mỉ, chi tiết, vừa mới lạ, cuốn hút của năm con người “ngược dòng” trong
quá khứ, Dịch Trung Thiên đã thể hiện bản lĩnh của một nhà sử học chân chính.
Vậy
thế nào là một cá nhân anh hùng?
Năm
nhân vật trong Luận anh hùng trên thực tế thuộc nhóm nhân vật “bên
lề chính sử”. Điều đó không có nghĩa là họ không được ghi chép, không được phản
ánh bởi các bộ sử biên niên mang nặng tính chính thống và tư tưởng chính -
ngụy.
Tuy nhiên, họ không được quan
điểm chính thống thừa nhận một cách niềm nở, dễ chịu như nhiều nhân vật đương
thời hoặc đối địch với họ.
Truyền thống sử ký Trung Quốc
thời trung đại tỏ ra khá khắt khe khi đánh giá những nhân vật sở hữu “lý lịch”
trật ra khỏi hệ quy chiếu Nho giáo - hệ tư tưởng chi phối xã hội.
Hạng Vũ là “kẻ thất bại” trước người sáng lập vương triều Hán tồn tại gần 400 năm, cũng là triều đại mở đầu việc tôn sùng Nho giáo.
Tào Tháo “cưỡng ép Thiên tử, ra
lệnh chư hầu”, cuối đời lại lũng đoạn quyền lực nhà Hán, là quyền thần “khi
quân phạm thượng”.
Võ Tắc Thiên là phụ nữ, ở hậu
cung mà lại tham chính, lấn lướt rồi xóa bỏ cả nhà Đường để làm hoàng đế.
Hải Thụy nguồn gốc ngoại quốc,
tấn công cả vào gốc rễ của chế độ quân chủ và mang hơi hướm của một người đứng
trên cả trật tự xã hội để phán xét về trật tự xã hội.
Ung Chính Hoàng đế lên ngôi khi
còn nhiều mờ ám, lại là người của Mãn Châu, đối lập gay gắt với người Hán ở
Trung Nguyên.
Những nhân vật nằm ở bờ rìa của
nhận thức lịch sử chính thống nhưng lại được Dịch Trung Thiên lựa chọn bởi họ
gần hơn với tiêu chuẩn “anh hùng” của giới bình dân, của đại chúng.
Dịch Trung Thiên đã bóc tách từ
sử liệu để nhìn ra một mối mâu thuẫn lớn trong số phận mỗi nhân vật. Ông thấy
rằng, các nhân vật đều có những tính cách đặc biệt, ở trong những hoàn cảnh đặc
biệt của thời đại mà họ sống, mang đủ tài năng và ý chí muốn thay đổi thời đại,
thay đổi hoàn cảnh nhưng lại gặp phải bi kịch của chính môi trường và xã hội đã
sản sinh ra họ.
Họ thất bại bởi tấn bi kịch
mang tên thời đại - biến động, nhiễu nhương, bất ổn. Phải chăng, người mang cốt
cách “anh hùng” theo Dịch Trung Thiên phải có ý nguyện lớn lao mang tới sự thay
đổi tiến bộ cho xã hội họ đang sống, bằng những công cụ và phương tiện khác
nhau nhưng luôn cô đơn trên chặng đường đó.
Cần nhấn mạnh là cả 5 nhân vật
này đều thoái lui khỏi sân khấu chính trị và trút hơi thở cuối cùng trong cô
đơn.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại
sao Lưu Bang, Khổng Minh, Đường Thái Tông hay Nhạc Phi không được đưa vào cuốn
sách này. Họ cũng là anh hùng, nhưng hẳn nhiên là anh hùng theo nghĩa khác,
chưa bao giờ bị gạt ra ngoài lề chung của chính sử.
Nói khác đi, tuýp anh hùng cổ
điển đã không thực sự tạo ra sự thuyết phục với một người độc đáo như Dịch
Trung Thiên.
Dịch Trung Thiên đã sử dụng dữ
liệu từ lịch sử để kể lại câu chuyện về những con người phi phàm, vượt lên thời
đại nhưng ai cũng bị chính thời đại biến thành con người bi kịch.
Câu chuyện của những con người
bị hủy hoại trong chính bi kịch của mình cũng là câu chuyện của hầu như mọi
mô-típ anh hùng bi kịch mà nhân loại chứng kiến.
Và một
khi nó không còn bó hẹp trong lịch sử Trung Quốc, nhân vật của Luận
anh hùng càng trở nên có sức sống lâu bền và rộng lớn hơn.
Cuốn sách này (Luận anh hùng của Dịch Trung Thiên) viết về năm nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa; nhưng không chỉ dừng lại ở một tiểu luận về đánh giá năng lực hay bình công xét tội.
Trả lờiXóaCuốn sách này lấy bối cảnh của Tần Hán, Tam quốc, Đường, Minh, Thanh nhưng hàm chứa nhiều vấn đề không chỉ bó hẹp trong thời kỳ phong kiến.
Cuốn sách này tên là “Luận anh hùng”; nhưng cũng không thiếu gian hùng, cẩu hùng.
Cuốn sách này viết về những con người cụ thể, nhưng thật ra còn mang tham vọng đánh giá lại dòng chảy phát triển của các mô hình quản lý xã hội Trung Hoa. Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên , Hải Thụy, Ung Chính - Tại sao tác giả Dịch Trung Thiên lại muốn viết về năm người mà mới nghe qua chẳng thấy có điểm chung? Với người đọc Việt Nam, Hạng Vũ là nhân vật quen thuộc nhờ “Hán Sở Tranh Hùng”, Tào Tháo được biết đến qua “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Võ Tắc Thiên hay Ung Chính là chủ đề của các bộ phim điện ảnh Hoa ngữ nổi tiếng. Hải Thụy có lẽ ít nổi tiếng hơn, nhưng những ai từng nghe về cuộc “Đại cách mạng văn hóa” thời kỳ Mao Trạch Đông sẽ biết nó được khởi xướng từ việc phê bình một vở kịch mang tên “Hải Thụy bãi quan”.
Dẫu sao, họ đều là những nhân vật phong vân một thuở, có năng lực, có hoài bão, họ đều có sự nghiệp, có danh tiếng, có di sản để lại.
Hạng Vũ để lại một hình tượng anh hùng bá đạo, uy vũ nhưng cũng tràn đầy cảm hứng và thẩm mỹ, trở thành một chuẩn mực mà hậu thế thường dùng để so sánh với các dũng tướng nổi tiếng đời sau như Lữ Phụng Tiên, Tôn Bá Phù.
Tào Tháo là nhân vật được hậu thế tranh luận nhiều nhất với hình ảnh đa diện “trị thế năng thần, loạn thế gian hùng”, đã có những đóng góp quan trọng cho mô hình quản trị xã hội, chẳng hạn như chế độ tuyển tài.
Võ Tắc Thiên càng không cần phải nói, lịch sử Trung Hoa chỉ có một nữ hoàng duy nhất là bà, hơn nữa bà còn là một hoàng đế xuất sắc, trị lý đất nước tốt hơn rất nhiều những ông vua khác.
Hải Thụy, tên tuổi gắn liền với sự tích “bãi quan”, đã trở thành hình tượng quan viên thanh liêm nhất (chết rồi tài sản không đủ để làm tang lễ), dũng cảm nhất (suýt chết vì dám dâng sớ mắng thẳng vua), có trách nhiệm nhất (không bao giờ ngồi yên, luôn nêu ra các tệ nạn và tìm cách giải quyết).
Ung Chính, vị hoàng đế tài ba đã xử lý được hai vấn nạn nhức nhối nhất cuối thời Khang Hy là lại trị hủ bại và quốc khố cạn kiệt, là người có những đóng góp kiệt xuất trong việc tạo ra giai đoạn thịnh trị bậc nhất của nhà Thanh mà đời sau thường gọi là “Khang Càn thịnh thế” kéo dài đến gần 150 năm.
Tuy vậy, lịch sử Trung Hoa vẫn còn đó bao nhiêu quân vương bá chủ, bao nhiêu danh tướng lương thần để lại công lao hãn mã, sự nghiệp bất thế. Không phải chỉ có năm người bọn họ là có tài năng có lý tưởng, dĩ nhiên cũng không chỉ năm người bọn họ mới xứng với hai chữ “anh hùng”. Lí do khiến tác giả Dịch Trung Thiên lựa chọn Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy, Ung Chính là vì ông ta muốn kể một câu chuyện của những kẻ “ngược dòng”. “Dòng” ở đây chính là dòng chảy của lịch sử, là sự phát triển tất yếu nhưng tàn nhẫn của hình thái xã hội, trong đó bao gồm cả sự chuyển dịch về tư tưởng, kinh tế, chế độ.
(Nguyễn Đỗ Thuyên)