Đại Vận Hà
https://kienthuc.net.vn/di-san/kham-pha-con-kenh-dao-ky-vi-nhat-the-gioi-co-dai-659890.html#p-2
Đại Vận Hà Kinh Hàng là một công trình thuỷ lợi vĩ đại của Trung Quốc cổ
đại được đào vào đời Tuỳ Dạng Đế từ 605 đến 610. Nó lấy Lạc Dương
làm trung tâm, phía bắc từ Bắc Kinh, nam đến Hàng Châu, dài tổng cộng 1794 km,
đó là con sông đào bằng sức người dài nhất thế giới. Nó chảy qua các tỉnh
Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô, Triết Giang, nó lại thông với
5 hệ thống sông Hải Hà, Hoàng Hà, Hoài Hà, Trường Giang, Tiền Đường giang. Con
sông này đã lợi dụng rất nhiều sông ngòi, hồ ao thiên nhiên để tạo thành.
Nó là động mạch chủ giao thông Nam Bắc của Trung Quốc cổ đại. Nó là công
trình thuỷ lợi vĩ đại nhất do nhân dân lao động Trung Quốc xây dựng nên.
Không những nó có tác dụng phòng lụt mà còn có hiệu quả vận chuyển trong quân
sự, đồng thời cũng có tác dụng to lớn trong đời sống xã hội.
Tuỳ Dạng Đế xây dựng Đại Vận Hà
Trong lịch sử, từ rất sớm, người Trung Quốc cổ đại đã biết lợi dụng
các dòng chảy tự nhiên, dùng sức người tu sửa tạo thành sông đào để tưới
ruộng và làm đường vận chuyển. Theo sử sách để lại, thời kỳ Xuân Thu, Ngô Vương
Phù Sai đã huy động sức người đào sông Hàn Câu nối sông Trường Giang và sông
Hoài Hà làm đường vận chuyển lương thực và quân đội trong cuộc tiến công nước
Tề. Đây chính là một đoạn của con sông đào chảy trong địa phận tỉnh Giang Tô.
Thời kỳ Lưỡng Hán đến Nam Bắc triều cũng tiếp tục tu sửa một số sông ngòi.
Những đoạn sông ngòi này tuy ngắn nhưng trên cơ sở đó, ở Giang Nam và Trung
Nguyên, người ta có thể xây dựng những con sông đào đại quy mô. Do tình hình
chính trị, kinh tế và văn hoá ở nam và bắc ngày càng phát triển, việc tu
sửa những con sông đào ngắn không đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. Nền
kinh tế ở khu vực Giang Nam ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong nền
kinh tế cả nước, yêu cầu có một đường vận chuyển trở thành một nhu cầu cấp
thiết trong việc giao lưu kinh tế xã hội.
Năm 605, Tuỳ Dạng Đế cử quan đại thần Vũ Văn Khải quản lý
xây dựng công trình, phụ trách xây đựng Đông Đô. Vũ Văn Khải là một chuyên gia
công trình tài giỏi, ông nắm được yêu cầu xa xỉ của Tuỳ Dạng Đế, đã xây dựng
công trình có quy mô đặc biệt to lớn, gỗ và đá cao cấp để xây dựng
cung điện đều là từ rừng sâu và núi Ngũ Lĩnh ở phía nam chở về, có những cây gỗ
làm cột cần đến hàng nghìn người chặt. Để xây dựng Đông Đô, mỗi tháng
phải sử dụng hai trăm vạn nhân công, ngày đêm làm việc không nghỉ. Ở Lạc Dương,
họ còn xây dựng những vườn hoa lớn để Tuỳ Dạng Đế thưởng ngoạn, gọi là Tây Uyển,
chu vi hai trăm dặm, trong vườn tạo biển và núi giả, đình đài lầu các, kỳ hoa
dị thảo, cái gì cũng có; đặc biệt là vào mùa đông, khi cây cỏ trụi lá, họ dùng
lụa màu kết thành những bông hoa, buộc lên cây làm cho người ta có cảm giác cả
bốn mùa đều là mùa xuân.
Cùng một năm với việc xây dựng Đông Đô, Tuỳ Dạng Đế hạ lệnh
huy động một trăm vạn nhân công ở Hà Nam, Hoài Bắc, đào một con sông từ
Tây Phạm Lạc Dương đến Sơn Dương bờ nam của Hoài Thuỷ (nay là Hoài An Giang
Tô), gọi là Thông Tề Cừ, lại còn huy động hơn mười vạn dân ở Hoài Nam, từ Sơn
Dương đến Giang Đô (nay là Dương Châu, Giang Tô), vét lại con sông Hàn
Câu mà Ngô Vương Phù Sai đã xây đựng thời Xuân Thu. Như vậy, từ Lạc Dương đến
Giang Nam có cả hai đường vận chuyển thuỷ bộ, giao thông trở nên tiện lợi rất
nhiều. Sau đó 5 năm, Tuỳ Dạng Đế lại hai lần huy động nhân công khai thông sông
đào, một là từ bờ bắc Hoàng Hà Lạc Dương đến Trác Quận (nay là thành phố
Bắc Kinh) gọi là Vĩnh Tề Cừ; một là từ Kinh Khẩu đối diện với Giang
Đô đến Từ Hàng (nay là Hàng Châu Triết Giang), gọi là Giang Nam hà. Cuối cùng,
đem nối cả 4 con sông đào ấy lại tạo thành một hệ thống đường thuỷ xuyên nam
bắc, tổng cộng Đại Vận Hà dài hơn 4000 dặm.
Cuộc tuần du phương nam của Tuỳ Dạng Đế
Đại Vận Hà là một trong những công trình vĩ đại nhất
trong lịch sử Trung Quốc, nó có tác dụng rất tích cực với sự phát triển
kinh tế, văn hoá và sự thống nhất của tổ quốc. Có thể nói, để có công trình
này, nhân dân lao động nước ta đã phải đổi bằng máu thậm chí bằng tính mạng.
Tuỳ Dạng Đế đặc biệt thích những cuộc tuần du, một là để du ngoạn hưởng lạc,
hai là để tỏ rõ uy phong với muôn dân. Trong chuyến đi từ Đông Đô đến Giang Đô
trên dòng sông mới hoàn thành, Tuỳ Dạng Đế đã huy động một đội ngũ khổng lồ hơn
20 vạn người . Tuỳ Dạng đế đã cử các quan viên đóng hàng vạn con thuyền. Ngày
xuất phát, Tuỳ Dạng Đế cùng vợ của ông ta ở trên một con thuyền có 4 tầng lầu,
trên thuyền có cung điện và hàng trăm gian cung thất, trang trí bằng vàng ngọc
tráng lệ; đi theo còn có các cung phi, vương công quý tộc, văn võ bá quan trên
mấy nghìn con thuyền; phía sau lại còn mấy nghìn con thuyền chở binh lính
bảo vệ cùng vũ khí và lều trại. Cả đoàn thuyền vạn chiếc trên Đại Vận Hà, từ
đầu đến cuối nối đuôi nhau có đến hai trăm dặm. Đoàn thuyền khổng lồ này làm
sao chạy được? Để phục vụ cho hoàng đế hưởng lạc, người ta đã xếp đặt tất cả.
Trên hai bờ của Vận Hà, người ta đã trồng liễu tạo bóng mát, hơn 8 vạn người đã
được huy động để kéo thuyền, còn có hai đội kỵ binh hộ tống hai bên bờ. Trên
sông là màu sắc rực rỡ của màn trướng, trên bờ là sắc màu của cờ xí rợp trời.
Đêm đến, đàn nến sáng trưng, đàn sáo vang lừng, thật là một cảnh tượng chưa
từng có.
Để cuộc hưởng lạc thật đầy đủ, Tuỳ Dạng Đế còn lệnh cho dân chúng hai bên
bờ chuẩn bị cơm ăn nước uống cho họ, gọi là “hiến thực”. Quan chức các
châu huyện này phải buộc dân chúng mang rượu, có châu phải bày hàng trăm bàn
rượu. Tuỳ Dạng Đế thực ra ăn có bao nhiêu, , những cung phi thái giám, vương
công đại thần cùng ăn cũng không hết. Rất nhiều đồ ăn phải đổ đi ở hai
bên bờ sông. Có thể nói để làm việc “hiến thực” này, dân chúng phải
khuynh gia bại sản.
Đến Giang Đô là một nơi có cuộc sống rất phồn hoa. Để phục vụ mục
đích hưởng lạc phô trương thanh thế của Tuỳ Dạng Đế, ở đây phải huy động
hơn 10 vạn nhân công, phí tổn tài chính lên tới hàng trăm vạn lạng.
Chuyến đi ầm ĩ suốt nửa năm rồi mới lại giễu võ giương oai trở về Đông
Đô. Từ việc xây đựng Đại Vận Hà, chuyến tuần du phương nam đến cuộc chinh phạt
Cao Lệ đã buộc nhân dân phải gánh thêm rất nhiều đóng góp, cuối cùng dẫn đến
những cuộc khởi nghĩa của nông dân khiến cho triều Tuỳ chỉ tồn tại
được mấy chục năm rồi diệt vong. Nhưng xét riêng bản thân con
sông này, Đại Vận Hà đã phát huy tác dụng vô cùng to lớn với đời sau.
Đổi thay
Thời Đường, Đại Vận Hà đã qua một lần tu sửa. Năm 742, ở phía đông
Tam Môn Hiệp, người ta đã đào qua núi đá một con sông gọi là Thiên Bảo
Hà.
Các triều đại sau này, xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích của giai cấp
thống trị, đều đã tiếp tục sử dụng và sửa chữa Đại Vận Hà. Khi triều Nguyên
định đô ở Đại Đô (tức Bắc Kinh), trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước
đã đưa về đây, từ đó nhu cầu có một đường vận chuyển nối liền nam bắc càng lớn.
Năm 1289, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt đã hạ lệnh đào Hội Thông Hà. Con
sông này phía bắc ở Lâm Thanh, Hà Bắc, phía nam đến An Sơn của Đông Bình
Lộ (nay thuộc phạm vi Sơn Đông). Còn đào một con sông nối Bắc Kinh đến Thông
Huyện gọi là Huệ Hà, cùng với dòng cũ tạo thành một dòng sông mới. Như
vậy, từ Hàng Châu đến Bắc Kinh đã có thể không cần qua Lạc Dương. Một phần của
dòng sông mà triều Tuỳ xây dựng đã tắc nghẽn, dần phải bỏ đi. Đại Vận Hà hiện
nay về cơ bản là được xây dựng từ triều Nguyên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét