Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

2. Chương II Nguồn gốc

 

Chân dung Bàn Cổ từ Tam tài đồ hội

2. Chương II  Nguồn gốc

A. Huyền thoại

Dân tộc nào cũng tạo ra một số huyền thoại để giảng giải nguồn gốc của mình; địa thế của xứ sở, do đâu mà có núi, sông; đất đại được khai phá ra sao, và dân tộc bắt đầu văn minh ra sao...

1. Bàn Cổ

Người Việt chúng ta tự cho là con Rồng cháu Tiên, người Nhật Bản tự nhận là con cháu nữ thần Mặt Trời; người Trung Hoa bảo tổ tiên của họ chỉ là một người, ông Bàn Cổ, nhưng ông Bàn Cổ còn hơn cả Rồng, Tiên, và Mặt Trời nữa.

Theo một học giả Trung Hoa, ông Tsui Chi trong cuốn Histoire de la Chine et de la Civilisation Chinoise (Payot, 1949 thì thời khai thiên lập địa, trời và đất như lòng trắng và lòng đỏ trứng gà; rồi ông Bàn Cổ sinh ra, lấy những chất trong và sáng tạo ra trời, những chất đục và tối tạo ra đất. Mỗi ngày ông lớn lên được một trượng (khoảng 3 mét), trời cao thêm được một trượng và đất cũng dày thêm được bấy nhiêu. Ông sống được 18.000 năm, khi ông mất thì trời cao lắm và đất cũng dày lắm rồi.

Ông khóc, nước mắt ông chảy xuống trở thành sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, ông thở thành gió, nói thì thành sấm, mắt ông đưa qua chớp lại thành chớp? Khi ông mất, xác ông rơi xuống từng mảnh thành năm ngọn núi thiêng ở Trung Hoa, tức Ngũ Nhạc (Thái Sơn, Hoa Sơn...); hai mắt ông thành mặt trời, mặt trăng, mỡ của ông chảy ra thành sông, biển và tóc ông đâm rễ trong lòng đất, thành cây cối.

2. Tam Hoàng

Không rõ bao nhiêu năm sau khi Bàn Cổ chết thì có những ông vua đầu tiên của Trung Quốc; mà ba ông vua - Tam Hoàng - đó là ai thì các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau. Có ít nhất ba giả thuyết:

a. Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng.

b. Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế.

c. Phục Hi, Nữ Oa, Thần Nông (theo Tsui Chi, sách đã dẫn).

3. Ngũ Đế

Sau Tam Hoàng tới Ngũ Đế. Cũng có nhiều thuyết về Ngũ Đế:

a. Thái Hạo, Hoàng Đế, Thần Nông, Thiếu Hạo, Chuyên Húc.

b. Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc.

c. Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Chí (theo Từ Hải).

d. Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn (theo Tsui Chi).

Thật là lộn xộn, cùng một ông, như Thần Nông, khi thì gọi là Hoàng, khi gọi là Đế, khi thì làm vua trước Hoàng Đế (2b), khi thì sau (3a).

Những ông được nhắc tới nhiều nhất là:

- Hoàng Đế, một ông được coi là tạo nên nền văn minh Trung Hoa: chữ viết, công nghệ; bà vợ ông dạy cho dân tộc Trung Hoa nuôi tằm, dệt lụa.

- Thần Nông, dạy dân cày ruộng, trồng lúa, và tìm được nhiều cây để chữa bệnh.

- Phục Hi (cũng gọi là Thái Hạo), đặt ra bát quái, căn bản của Kinh Dịch.

Nên kể thêm bà Nữ Oa, có công luyện đá ngũ sắc để vá trời khi trời sụp đổ vì những cây cột chống trời gãy.

Mấy vị đó toàn là do dân Trung Hoa tưởng tượng ra cả rồi cho họ trị vì từ khoảng – 2.900 (dấu - trước con số có nghĩa là trước kỷ nguyên Tây lịch tới khoảng – 2.350).

Chỉ có hai ông Nghiêu, Thuấn là có thể coi bán thực bán huyền (semi-historique).

Đế Nghiêu, tranh lụa do họa sĩ Mã Lân thời nhà Tống thực hiện.


4. Từ Nghiêu, Thuấn tới cuối nhà Hạ.

Dân tộc Trung Hoa tin rằng thời đại hoàng kim của họ là thời Nghiêu, Thuấn, hai ông vua mà họ coi là bậc thánh (Nghiêu: - 2.356 – 2.255, Thuấn – 2.255 – 2.205 rất bình dân, sống trong nhà lá, ăn mặc đạm bạc, giản dị như dân, rất yêu dân và giỏi trị nước: người dân nào cũng sung sướng, đủ ăn; không có trộm cướp (cửa không phải đóng, không ai nhặt của rơi ngoài đường), không có giặc giã, cha thì từ, con thì hiếu, người già được kính trọng,không ai cô độc, muộn vợ muộn chồng... Đáng quý nhất là hai ông thánh đó biết lựa người hiền để phụ tá mình, khi gần chết, không ai coi ngôi vua là của mình, không truyền ngôi cho con mà truyền ngôi cho người hiền: Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn cho Vũ.

Truyền thuyết đó có một vẻ huyền thoại. Nội một điều vua Nghiêu ở ngôi đúng một trăm năm cũng đủ cho ta ngờ rồi.

Nhiều học giả cho rằng Khổng tử tạo ra huyền thoại đó để chống đỡ tư tưởng chính trị của ông. Có thể như vậy. Bộ sử cổ nhất của Trung Hoa là Kinh Thư có chép về Nghiêu, Thuấn trong Ngu Thư (sử đời Ngu, tức đời vua Thuấn), nhưng Ngu thư lại bị các học giả ngày nay ngờ là nguỵ thư do nhà nho đời Hán viết vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Tây lịch. Vậy thì tác phẩm đầu tiên nói tới Nghiêu Thuấn phải kể là bộ Luận Ngữ, trong các bài 18, 19 thiên VIII, 4 thiên XV, và I thiên XX.

Bài XX-1 (tuy không ghi rõ là lời Khổng Tử, nhưng có thể tin được là tư tưởng của ông chép lời Nghiêu khuyên Thuấn giữ đạo trung chính khi nhường ngôi cho Thuấn, và sau Thuấn cũng khuyên lại Vũ như vậy khi nhường ngôi cho Vũ.

Còn hai bài thiên VIII thì khen sự nghiệp của Nghiêu vòi vọi, vĩ đại như trời (bài 19), và đức của Thuấn, Vũ rất cao vì được nhường ngôi mà chẳng lấy làm vui, nghĩa là chẳng màng vinh hoa, phú quý (bài 18).

Theo thiển kiến, Khổng tử không thể tạo nên một huyền thoại, và có thể huyền thoại đó đã mờ mờ có từ cả ngàn năm trước, dựa trên một chút sự thực nào đó, khi chế độ thị tộc chuyển qua chế độ phong kiến, chế độ công hữu chuyển qua chế độ tư hữu, mẫu hệ chuyển qua phụ hệ, mà kinh tế vừa săn, hái chuyển qua nông nghiệp, mục súc. Trong lịch sử nhân loại, mỗi khi có một biến chuyển toàn diện, lớn lao thì luôn luôn có nhiều người tiếc thời ổn định cũ và tạo ra một thời đại hoàng kim trong dĩ vãng.

Nghiêu và Thuấn chỉ là tù trưởng của một thị tộc. Có thể Nghiêu được nhiều bộ lạc liên hiệp bầu làm thủ lĩnh (mỗi bộ lạc gồm nhiều thị tộc). Nghiêu, Thuấn lên ngôi cách nhau cả trăm năm như truyền thuyết chép lại thì khó có sự Nghiệu nhường ngôi cho Thuấn được: lúc đó Nghiêu bao nhiêu tuổi, Thuấn bao nhiêu tuổi? Có lẽ Thuấn là thủ lĩnh nhiều bộ lạc khác, sau chiếm được đất đai của Nghiêu, rồi thay Nghiêu mà làm "thiên tử".

Khổng Tử sống cách đời Nghiêu khoảng 1.800 năm và thời Nghiêu, Thuấn chưa có tín sử, chưa có chữ viết thì muốn tô điểm cho Nghiêu, Thuấn ra sao cũng được.

Điều có thể tin được là hai thủ lĩnh đó là người có tài, có uy tín và dân chúng ở thời chế độ thị tộc, chế độ công hữu nguyên thủy đó tuy không văn minh nhưng không nghèo đói, mà được an nhàn.

°

Thuấn nhường ngôi cho Vũ (- 2.205 – 2.197) cũng gọi là Đại Vũ hay Hạ Vũ (vì Vũ là thủy tổ nhà Hạ). Vũ vốn là bề tôi của Thuấn, có công trị thủy. Tương truyền thời đó Trung Hoa bị một trận đại hồng thủy, và Mạnh tử trong chương Đằng Văn Công, thượng, bài 4, bảo Vũ đào chín con sông, vét bốn con sông khác cho nước chảy ra biển, luôn tám năm mới xong, ba lần đi qua nhà mình mà không vào.


Bức vẽ Hạ Vũ, người mở đường chế độ triều đại cai trị Trung Quốc,
của họa sĩ Mã Lân thời Nam Tống.


Thời đó đâu có đủ dân, đủ khí cụ làm công việc thủy lợi vĩ đại như vậy, bất quá Vũ chỉ "sửa sang ngòi lạch" như Khổng Tử nói trong bài VIII-21(Luận Ngữ) để bớt úng thủy thôi. Nhưng Khổng Tử cũng khen Vũ lắm, bảo không chê Vũ vào đâu được vì Vũ sống đạm bạc mà cúng tế quỷ thần thì trọng hậu (ta nên hiểu là đời sống thời đó còn chất phác, và rất tin quỷ thần).

Khi chết, Vũ không truyền ngôi cho người hiền mà truyền ngôi cho con là Khải. Mạnh tử trong chương Vạn Chương, thượng, bài 4, bảo không phải vậy; thực ra Vũ truyền ngôi cho một bầy tôi mà ông cho là hiền, tức ông Ích, nhưng Ích không nhận, nhường ngôi lại cho con ông Vũ là Khải, mà đi ở ẩn tại chân núi Kỳ Sơn; chư hầu và bách tính đều ca ngơi Khải chứ không ca ngợi Ích, như vậy là lòng dân đều hướng về Khải, mà ý dân là ý trời, trời cho Khải được làm vua, chứ không phải vua Vũ cho.

Khổng Tử không hề nói như vậy. Sự thực ở Trung Hoa lúc đó chế độ thị tộc bắt đầu chuyển biến, không còn bầu thủ lĩnh nữa, mà ngôi thủ lĩnh truyền cho con hoặc cho em được khoảng 440 năm (- 2205 - 1766), tới vua Kiệt, 18 đời sau thì mất nước.

Kiệt mất ngôi vì tàn bạo, hoang dâm, mê nàng Muội Hỷ, bị dân chúng ghét. Ông Thành Thang đánh bại Kiệt, lên ngôi, sáng lập ra nhà Thương.

Đó là theo truyền thuyết, còn sự thực ra sao thì chúng ta không biết. Cho tới nay, các công trình khai quật chưa cho phép kết luận gì về đời nhà Hạ cả. Và nhiều học giả cũng nghi ngờ những niên đại trong sử. Nhà Hạ không bắt đầu từ - 2.201, kết thúc năm – 1.760, mà bắt đầu vào khoảng – 1.800, kết thúc vào khoảng – 1.500.

B. Các vụ khai quật gần đây

Trở lên trên là tiếng nói của truyền thuyết, có màu sắc huyền thoại; từ đây tới cuối chương là tiếng nói của khoa học.

1. Xương người

Năm 1921, người ta tìm thấy trong một cái hang ở miền Chu Khẩu Điếm (Bắc Kinh những bộ xương người vào hạng cổ nhất mà chúng ta được biết cho tới nay, có thể vào khoảng 500.000 năm trước. Người ta gọi giống người đó là người vượn Bắc Kinh (Sinanthrope). Hình như người vượn Bắc Kinh đã biết dùng lửa, sống bằng săn bắt và hái trái cây, có thể ăn cả thịt người nữa. Chỉ số sọ của họ dưới 1.000 cc (trung bình của loài người ngày nay là 1.400 – 1.450); họ có đặc điểm này: răng nanh như cái xẻng (pelle). Từ 1921 đến 1960, người ta thỉnh thoảng còn thấy những bộ xương như vậy sống trước hay sau người vượn Bắc Kinh, ở tỉnh Sơn Tây, ở Tingts'ouen (?), tại Hoa Bắc.

Các nhà khoa học sắp họ vào giống người Mongoloid (Mông Cổ). Giống này sống ở nhiều nơi: Siberie, Nga, cực bắc Châu Mỹ.

Ở Hoa Nam, năm 1935, người ta thấy một tiệm thuốc bắc lớn ở Hương Cảng bán những cái răng rất lớn mà người Trung Hoa gọi là "xương rồng" (long cốt? dùng để trị bệnh. Các nhà bác học ngờ rằng không phải là xương rồng mà là răng người. Quả nhiên, hai chục năm sau, họ khai quật được ở Quảng Tây những răng và mảnh hàm như vậy của một giống người to lớn lạ thường, gấp ba, gấp bốn người ngày nay; và họ gọi là giống Giganpithèque, rất gần gũi với giống người Méganthrope ở Java. Họ kết luận rằng đã từ lâu lắm, Hoa Nam đã có liên lạc với miền Đông Nam Á.

Vậy, đại khái, tổ tiên của người Hoa Bắc là người vượn Bắc Kinh; còn tổ tiên người Hoa Nam là người Giganpithèque, cùng gốc với người Mã Lai. Và thuyết tổ tiên người Việt chúng ta cùng gốc với người Mã Lai không phải là vô căn cứ. Hiện nay ta hãy tạm chấp nhận thuyết đó. Khoa khai quật mới có độ một thế kỷ nay, trong lòng đất còn chứa nhiều bí ẩn lắm, chúng ta chưa đào bới được bao nhiêu; những điều tôi dẫn ở trên của Gernet trong La Chine ancienne (Presses universitaires de France - 1964 và của E.O.Reischauer, J.K.Fairbank trong East Asia - the Great Tradition, sau này sẽ có thể phải sửa đổi lại nhiều.

2. Giáp cốt (mai rùa và xương loài vật)

Từ cuối thế kỷ trước, người dân Trung Hoa ở An Dương, tỉnh Hà Nam (phía bắc Hoàng Hà đã đào được một ít khúc xương loài vật và mai rùa có khắc hình, mà họ gọi là "xương rồng" dùng để chữa bệnh. Tin đó lan ra, triều đình nhà Thanh đoán được những hình trên giáp cốt đó là chữ thời cổ và thu mua, cứ mỗi chữ trả 100 gam bạc (hai lượng rưỡi). Tin loan tới phương Tây, Anh và Mỹ phái người tới mua được khá nhiều cho vài Bảo cổ viện của họ. Năm 1914, một người Canada lại An Dương lùng mua được cả trăm ngàn miếng giáp cốt có khắc chữ. Mãi đến 1927, chính phủ Cách mạng Trung Hoa mới cấm dân khai quật miền đồi ở An Dương, và phái nhân viên tới đào bới tìm được nền các dinh thự, các tường thành, lăng tẩm, lò đúc, đồ gốm, đồ đồng, chiến xa... thuộc về các thế kỷ XIV tới XI trước công nguyên (đời Thương và Ân).

Từ 1950, trên khắp đất Trung Hoa, đâu đâu cũng khai quật được đồ đồng (ở Hà Nam), đồ sắt ở Yên (gần Bắc Kinh), đồ sơn ở nước Sở, miền Trường Sa (Hồ Nam), đồ đá cũ (paléothique), đồ đá mới (néolithique) nhiều vô kể, mấy ngàn nơi.

Nhờ những khai quật đó, người ta biết được rằng dân tộc Trung Hoa đã trải qua:

- Thời đá mài, có thể vào khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước Tây lịch. Trung lưu sông Hoàng Hà được trồng trọt sớm nhất (coi bản đồ ở cuối chương); họ đốt rừng làm rẫy, lập được những cộng đồng nhỏ.

Họ đã làm được đồ gốm:

- Đồ gốm đỏ ở Tây An (Thiểm Tây). Họ sống thành từng nhóm, trong những hố tròn đào trong đất, hoặc những chòi tròn cất trên mặt đất, chung quanh có lò gốm, lẫm và nghĩa địa. Họ trồng kê (millet), cao lương... Khí cụ bằng đá, trồng gai, nuôi tằm, nuôi lợn, chó, bò, cừu. Khí cụ của họ bằng đá đẽo sơ sài.

- Đồ gốm đen, xuất hiện sau đồ gốm đỏ (có thể vào đời Nghiêu, Thuấn ở Sơn Đông, Hà Nam, Giang Tô. Kỹ thuật canh tác đã tiến bộ hơn, công cụ bằng đá đã nhọn, bén, đốn cây được. Đồ gốm dùng một thứ đất tốt hơn, bền hơn.

Nhà cửa cũng như thời đồ gốm đỏ, nhưng làng xóm đã có tường đất vây quanh, có tổ chức hơn. Họ đã thờ thần linh và đã dùng xương bả vai động vật hơ lửa để bói.

- Đồ gốm xám, xuất hiện sau cùng ở Hà Nam, ở dưới lớp đất có những đồ đồng. Canh tác cũng như thời đồ gốm đen. Xương người khai quật được thuộc giống mongoloid. Một điểm tiến bộ là họ đã bắt đầu có tổ chức chính quyền ở cuối thiên niên kỷ thứ ba và đầu thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên.

3. Thời đại đồ đồng.

Hình như dân tộc Trung Hoa tiến từ thời đại đá mài lên thời đại đồ đồng một cách dần dần. Người ta đã khai quật được nhiều đồ đồng nhất ở An Dương (Hà Nam), và kỹ thuật làm đồ đồng ở An Dương tiến bộ nhất trong những thế kỷ XIV-XI trước công nguyên. Trước đó, đầu thời Thương, ở những nơi khác, người ta cũng thỉnh thoảng đào được ít đồ đồng mỏng, trang trí sơ sài, phần nhiều là dụng cụ (dao) và khí giới (đầu mũi tên).

Các nhà khoa học ngày nay đoán rằng đồ đồng xuất hiện vào khoảng -1.700 (đầu đời Thương). Kỹ thuật đúc đồng do người Trung Hoa tìm ra, nhưng có thể chịu ảnh hưởng của một số dân tộc phương Tây như miền Mésopotamie hoặc miền Nam nước Nga, và miền Trung Á

Hơn nữa, thời đó, An Dương, trung tâm văn minh Trung Hoa, có thể cũng đã liên lạc với Hoa Nam và các xứ ở Đông Nam Á, vì người ta thấy những yếm rùa rất lớn dùng để bói mà loài rùa lớn đó chỉ có ở thung lũng sông Dương Tử; thấy những đồ bằng đồng đỏ (bronze) 1 chạm hình những người mặt rộng, tròn, mũi tẹt, thuộc giống người Mélanésie (Đông Nam Á); vả lại muốn đúc thứ đồng đỏ đó, cần có thiếc mà Hoa Bắc không có.

Sau cùng, những hình đồ vật khắc ở đời Thương (và Chu giống hình trên những cột totem2 trên bờ biển Tây Bắc Bắc Mỹ, khiến người ta ngờ rằng Trung Hoa và châu Mỹ đã có liên lạc với nhau qua eo biển Behring (La Chine ancienne - sách đã dẫn).

Một điều rất đáng để ý là tên những triều vua đời Thương khắc trên các giáp cốt gần y hệt với tên trong bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên.

--------------------------------

1

Người Trung Hoa gọi là thanh đồng.

2

Cột có chạm trổ hình, thường là vật thiêng để thờ phụng của các bộ lạc thổ dân (như ở Bắc Mỹ).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét