Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

15. PHẦN IV THỜI DÂN CHỦ - Chương I NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG HÒA

 

 

Quang cảnh đường Nam Kinh sau cuộc khởi nghĩa Thượng Hải năm 1911, hai bên đường đều treo cờ Ngũ tộc cộng hòa, sau này trở thành quốc kỳ chính thức của Trung Hoa Dân Quốc.

15. PHẦN IV  THỜI DÂN CHỦ

Đúng lý, tôi phải gọi phần này là Thời Đảng Trị (chuyên chính) vì ngày nay ở Trung Hoa cũng như ở khắp các nước khác tự xưng là Dân Chủ, dân không thực sự làm chủ; họ chỉ bầu lên một cách tự do hay bị bắt buộc một đảng và chính đảng đó mới trị dân, nhiều khi ngược hẳn nguyện vọng của dân.

Danh từ dân chủ sai, nhưng nó thông dụng quá rồi, khó bỏ được.

Đời Tống cũng đã có hai đảng tân và cựu thay nhau lên cầm quyền, nhưng vẫn là theo sự chỉ định của nhà vua, chưa thật là Đảng trị hay đảng Quốc Dân và đảng Cộng Sản ngày nay

LỜI NÓI ĐẦU

Thế kỷ XVIII Âu Châu cho Trung Hoa là nước văn minh nhất thế giới, thế kỷ sau họ gọi Trung Hoa là con sư tử ngủ, chính Napoléon cũng bảo "Khi Trung Hoa cựa mình thức dậy thì thế giới sẽ rung động" (Quand la Chine s' éveillera, le monde tremblera). Qua đầu thế kỷ chúng ta, Trung Hoa đã thức dậy; từ cách mạng 1911 tới nay mới được bảy chục năm thời gian này còn ngắn quá trong lịch sử loài người thế giới chưa rung động nhưng cũng đã ngạc nhiên và ngài ngại.

Khi ngủ thì họ ngủ cả ngàn năm mà khi thức dậy thì họ tiến rất mau: từ một nước quân chủ chuyên chế, mới đầu họ chỉ muốn tiến thành một nước quân chủ lập hiến; ý đó chưa kịp thực hiện thì họ đã nhảy một bước nữa, thành một nước Cộng Hòa Dân Chủ, đồng thời lại có một phe muốn thành lập một nước Cộng sản; trong khoảng hai chục năm hai phe tranh giành nhau và tới 1949 thì phe Cộng sản thắng. Như vậy là chỉ trong bốn chục năm, Trung Hoa, về chính trị, đã "mới" nếu không muốn gọi là "tiến" hơn Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật... Tôi nói về "chính trị", vì về kinh tế, kỹ nghệ, văn hóa... họ vẫn còn lẹt đẹt.

Hiện nay họ nhận thấy nhược điểm đó, nên đã có ý chuyển hướng, không ai dám kiên đoán về tương lai của họ cả.

Vì có hai phe tranh hùng: phe Quốc Đảng và phe Cộng Sản, tức phe Tưởng Giới Thạch và phe Mao Trạch Đông, nên việc chép sử thời nay khó được minh bạch biến cố rất nhiều, tác động đến cả hai phe, chép riêng về phe Quốc Dân Đảng trước rồi mới phe Cộng Sản thì vô nghĩa, tôi phải chép chung lịch sử của hai phe tới năm 1949, cho vào chương II, nhan đề là thời Dân Quốc; chương III chép về thời Cộng Sản (1 Thời này phe Tưởng chỉ chỉ còn giữ được đảo Đài Loan, tồn tại được nhờ sự che chở của Mỹ, không có ảnh hưởng gì cả. Còn chương I tôi dành cho những vận động của Tôn Văn, “cha của Cách Mạng”, và sự thành lập hai đảng Quốc và Cộng.

Nói khó khăn lớn nhất là việc kiếm và lựa tài liệu. Viết về các triều đại thời Quân Chủ, tài liệu chúng tôi kiếm được không nhiều: dăm ba bộ sử Trung Hoa và khoảng mười cuốn của Pháp, Anh, Mỹ. Đại khái thì sự nhận định của các tác giả tuy có khác nhau, nhưng không đến nổi mẫu thuẫn nhau. Do đó việc lựa chọn tương đối dễ.

Trái lại, về thời hiện đại, sách Trung Hoa, ngoài vài cuốn giao khoa của phe Dân Quốc chép rất vắn tắt, tới năm 1949 thôi, không có gì cả, còn sách của người Âu thì viết rất nhiều, không sao đọc hết được, nếu kể cả những bài báo, những tập phóng sự, hồi ký, du ký. Mà càng nhiều lại càng khó lựa, khó biết được sự thật ở đâu. Ví dũ vụ Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc ở Tây An, mỗi tác giả chép một khác, tới bây giờ vẫn còn có điều bí ẩn.

Vì vậy để lựa chọn cho đỡ lầm, tôi tự đặt bốn tiêu chuẩn dưới đây:

1- Tin các học giả hơn các phóng viên, chính khách, nhất là khi các học giả đó không theo Cộng thuộc vào các nước Trung lập trong chiến tranh Quốc Cộng.

2- Lựa sách theo sự hướng dẫn của các học giả có uy tín, như của Lucien Blanco trong mục Biographie annotée (Les origines de la Révoluction Chinoise Gallimard).

3- Khi có hai thuyết khác nhau của những học giả đáng tin thì tôi dẫn cả hai ;

4- Từ năm 1950 chính quyền cách Mạng (Cộng Sản của nước ta theo sát đường lối, chính sách, tổ chức giống của Trung Hoạ tôi chỉ thấy “công xã nhân dân”, “cách mạng văn hóa” của họ là không truyền qua ta). Vậy cuốn nào viết về xã hội Trung Quốc, mà có nhiều điểm giống với xã hội của ta thì cuốn đó đáng tin (chẳng hạn cuốn La Chine devant l’échec của Fernand Gigiou Flammarion 1962 mà tôi cho là có giá trị mặc dầu ít người nhắc tới).

Chép sử thì không ai có thể hoàn toàn khách quan được chỉ có thể thành thực được thôi. Chỉ ghi lại những việc xảy ra, không tìm hiểu nguyên nhân, không khen, không chê, thì theo tôi, không phải là viết sử. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta phải tôn trọng, phải bênh vực, trái lại thì phải chê. Có như vậy mới la thành thực với người đọc và với chính mình.

N. H. L

(Các sách Hán đều gọi chế độ của Tưởng Giới Thạch là Trung Hoa Dân Quốc; của Mao Trạch Đông là Trung Hoa nhân dân Cộng Hòa Quốc. Các sách Pháp, Mỹ thì gọi là Trung Hoa Quốc Dân Đảng (Chine du KouôMin Tang) hay Trung Hoa Cộng Hòa (République Chinoise) và Trung Hoa Nhân Dân (Chine Populaire) hay Trung Hoa Cộng Sản (Chine Communiste). Lộn xộn quá. Tôi dùng tên Dân Quốc (Tưởng) và Cộng Sản (Mao) cho gọn và dể nhớ


Chương I

NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG HÒA

A- Tôn Văn và cuộc cách mạng tiểu tư sản 1911 (Tân Hợi)

Trong số các nhà cách mạng Trung Hoa, Tôn Văn là người đầu tiên biết ngọai ngữ và đi nhiều nước nhất, từ Á qua Âu. Hai phần ba đời ông ở ngoại quốc.

Ông sanh năm 1889 ở huyện Hương Sơn, Quảng Đông, trong một gia đình trung nông. Lớn lên ông có hai tên hiệu nữa: Trung Sơn và Dật Tiên.

Ông học ở huyện tới 14 tuổi rồi xin phép cha mẹ qua quần đảo Hawaï (thuộc Mỹ) ở với người anh cả lập nghiệp tại Honolulu. Ông vào học một trường đạo ở Honolulu, bắt đầu được biết các môn học phương Tây và đạo Ki Tô.

Mới học được ba năm, ông anh đuổi về nước vì thấy ông mau Âu hóa quá.. Nhưng ông không ở quê nhà được lâu vì ông báng bổ một vị thần của làng. Cha ông cho ông qua Hương Cảng học y khoa. Trong thờI gian đó gia đình ông cướI cho ông một thiếu nữ quê mùa (sau sanh được ba người con), và ông xin rửa tội, theo đạo Ki Tô.

Học hết ba năm, ông qua Hạ Môn (Ma Cao), muốn hành nghề, nhưng không được vì ông chỉ có bằng cấp của Anh chứ không có bằng cấp của Bồ đào Nha (Ma Cao thuộc Bồ Đào Nha).

Ông phải lên Hoa Bắc và bắt đầu có tư tưởng chính trị: muốn cứu nước thì phải lật đổ nhà Thanh, lập Dân Quốc.

Năm 1894 ông lập Hưng Trung Hội, mới đầu chỉ có độ mười đồng chí.Năm sau Thanh đình thua Nhật một cách nhục nhã, toàn dân phẫn uất, ông thành một nhà cách mạng nhiệt tâm nhất, được một phú thương Mỹ hoá Charles Jone Song (Tống) giúp. Ông họ Tống này có bốn người con, ba gái, một trai (út) đều học ở Mỹ và theo đạo Tin Lành. Sau Tôn Văn cướp cô lớn: Tống Khánh Linh; cô thứ nhì thành vợ Tưởng Giới Thạch; cô thứ ba thành vợ Khổng Tường Hi (cháu bảy mươi mấy đờI của Khổng Tử?) người nắm hết tài chánh của Quốc Dân Đảng, nên dân chúng gọI là ông Thần Tài (khổng tài thần) còn cậu út, Tống Tử Văn sau thành một nhân viên rất quan trọng trong nội các của Tưởng Giới Thạch. Không có gia đình nào mà quyền khuynh thiên hạ và đoàn kết với nhau như vậy. Đoàn kết lúc đầu thôi, về sau Tống Khánh Linh, quả phụ Tôn Văn, theo cộng làm phó chủ tịch Trung Cộng.

Năm 1895, Tôn khởi nghĩa lần đầu, mưu đánh chiếm Quảng Châu, việc tiết lộ, đồng đảng bị giam và bị giết hơn 70 người. Ông phải trốn qua Nhật rồi qua Honolulu (Hawaï). Năm sau ông qua Anh để tìm hiểu thêm phương Tây, học thêm môn xã hội học.

Öng bị Thanh đình truy tầm, sứ thần Trung Hoa ở Londres dụ ông tới sứ quán rồi bắt. May nhờ có thầy học cũ người Anh, tên là Contlie cứu cho. Thoát nạn rồi, ông ở lại Âu Châu hai năm nữa, hiểu rằng vấn đề dân sinh rất quan trọng ngang hàng với vấn đề chính trị.

Năm 1900, sau khi cuộc biến chính của nhóm Khang Lương thất bạI, Tôn về Nhật để tiện mưu đồ cách mạng trong nước.

Khi Nghĩa hoàn toàn khởi sự, ông ra lệnh cho đồng chí khởi nghĩa lần nữa, mưu giết Tổng Đốc Quảng Châu, lại thất bại, một số đồng chí tuẫn nạn.

Thấy lực lượng của đảng còn yếu, ông đi tuyên truyền gần khắp Đông Á trong vài năm. Từ Việt Nam tới Xiêm, Mã Lai Singapore ….chỗ nào có nhiều Hoa Kiều, ông đều tới. Số người này được trên mười triệu (có sách nói mười lăm triệu), gần hết là thương nhân gốc Phúc Kiến, Quảng Đông, quê ông nên rất quí ông, tiếp ông rất niềm nở. Họ có lòng ái quốc, có tinh thần tiến bộ, lại biết đoàn kết, giúp ông được nhiều tiền, thành một lực lượng đáng kể của đảng ông.

Năm 1905, ông đổi Hưng Trung Hội thành Đồng Minh Hội, để mở rộng đảng và cho ra tờ Dân Báo vạch đường lối của đảng, chú trọng vào dân sinh, chia lại ruộng đất. Sinh viên gia nhập khá đông, trong số đó có một thanh niên tên là Uông Tinh Vệ, thông minh, hoạt bát, học về chính trị ở Nhật, cộng tác với ông, sau thành ký giả họat động nhất của tờ Dân Báo.

Thấy đảng ông hoạt động mạnh quá. Nhật không muốn chứa chấp ông nữa, ông để Uông Tinh Vệ ở lại thay ông, còn ông thì qua Mỹ quyên tiền Hoa Kiều.

Uông muốn gây một tiếng Vang lớn, tổ chức một cuộc ám sát bằng lựu đạn viên phụ chính Thanh, Chưa kịp thi hành thì bị phát giác. Uông bị bắt giam. Danh của Uông càng lên, Dó là vụ bạo động thứ tám.

Vụ khởi nghĩa thứ 9, năm 1907 (trong khi Tôn ở Âu Châu), thành công một chút. Nghĩa quân đánh Hà Khẩu, Mông Tự (gần biên giớI Việt), thắng được quân Thanh một trận nhỏ, rồi thiếu viện trợ phảI rút lui.

Vụ thứ 10, ở Quảng Châu, Tháng ba năm 1911, lực lượng đã khá mạnh, đảng quyết định đánh lớn, lựa ở các lộ 500 cảm tử, hợp với tàn quân và quân địa phương mà đảng đã cài thanh niên vào, thuyết phục được, giao cho Hoàng Hưng điều khiển để đánh vào dinh Tổng đốc Quảng Đông; định hể chiếm được Quảng Đông rồI, thì một mặt tiến lên Hồ Nam, Hồ Bắc, một mặt tiến lên Giang Tây để đánh Nam Kinh. Không ngờ khí giớI và quân cảm tử không cùng tới một lượt, chưa kịp thi hành kế hoạch thì bị tiết lộ. Bọn người đánh vào dinh Tồng Đốc phải tuẫn mạn, sau tìm được 72 tử thi đem chôn ở Hoàng Hoa Cương, một đồi ở Quảng Châu 1.

Vụ đó, nghĩa quân tuy thất bại nhưng cũng làm cho Thanh đình lo ngại, đánh điện cho các tỉnh, bắt đề phòng nghiêm ngặt. Tổng Đốc Hồ Bắc ra sức lùng bắt được nhiều đảng viên, lại có cả một danh sách nữa. Binh sĩ theo cách mạng trong các doanh thấy nguy, phải làm liều, tấn công liền, không đợi chỉ thị của đảng mà cũng chảng kịp chuẩn bị. Vậy mà lại thành công rất dễ dàng không ngờ. Ngày 10-10-1911, bảy tháng sau vụ ở Quảng Châu, họ nổi dậy, tự xưng là dân quân, vây đánh dinh Tồng Đốc. Viên Tổng Đốc đem gia quyến xuống trốn trong một chiến hạm, viên Thống Chế cũng đào tẩu. Dân quân lúc đó không có ai cầm đầu, nửa đêm xông vào nhà một viên Đô Đốc, tên là Lê Nguyên Hồng, dí súng vào người, buộc phải lãnh đạo họ. Lê tính tình vui vẻ, thân mật, hiền từ, nên được lòng quân lính, ông miễn cưỡng theo, còn mọi việc do "dân quân" quyết định lấy. Họ chiếm được Võ Xương, rồi Hán Dương, Hán Khẩu, ba thị trấn sát nhau, trên bờ sông Dương Tử, nơi trung tâm Trung Hoa, mà lại thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. Xưởng binh công, nơi chế tạo binh khí vào tay họ. Lãnh sự các nước điều động binh thuyền để tự vệ. Họ cho lãnh sự đoàn biết đại nghĩa của họ, yêu cầu các nước trung lập, và cam đoan giữ cho các cơ quan giao thông và tài chính được yên ổn, tài sản của ngoại nhân được bảo vệ. Chỉ trong năm chục ngày, 14 trên 18 tỉnh của Trung Hoa hưởng ứng phong trào cách mạng, đuổi các Tổng Đốc của Thanh đi, lập chính quyền cách mạng địa phương, luyện tập dân quân, nhiều thanh niên tự nguyện gia nhập. Ngay ở chung quanh Bắc Kinh đảng cũng hoạt động ngầm.

Thanh triều sai một tướng Mãn xuống dẹp nghĩa quân ở Võ Xương, nhưng hắn thua. Bất đắc dĩ, họ phải kêu Viên Thế Khải (mà mấy năm trước họ đã nghi kị, cách chức, trở lại, cho làm Tổng Đốc Hồ Quảng, đem thủy lục quân khắc phục lại Hán Khẩu. Nhưng đồng thời nghĩa quân cũng chiếm được Nam Kinh.

Viên Thế Khải

Viên Thế Khải là một tên đại gian hùng, đã phản phe Cách mạng Khang Lương, phản vua Quang Tự năm 1898, để cứu Từ Hi, vì lúc đó thấy thế của Từ Hi còn mạnh, Quang Trị không có quyền gì cả. May mắn sáng suốt nhận ra rằng toàn quốc muốn lật nhà Thanh, nhà Thanh khó đứng vững được, nên hắn ráng chiếm lại Hán Khẩu để tỏ với Cách Mạng và Thanh đình rằng hắn đứng về phía nào thì cán cân nghiêng về phía đó.

Biểu diễn một màn ở Hán Khẩu rồi, hắn không tấn công mạnh nữa, hai bên chỉ đụng độ nho nhỏ với nhau, trong khi hắn phái đại biểu cùng với Lê Nguyên Hồng nghị hòa.

Khi được tin dân quân chiếm được Võ Xương, Tôn Văn đưong ở Mỹ, không về nước vội, ở lại Âu Mỹ để lo việc ngoại giao. Việc này theo ông, quan trọng ngang với quân sự. Trong số liệt cường, có 6 nước quan hệ lớn với Trung Quốc: Mỹ và Pháp đồng tình với Cách Mạng, Đức và Nga phản đối, Nhật thì dân chúng đồng tình mà chính quyền phản đối, Anh thì dân chúng đồng tình mà chính phủ còn chờ xem, chưa tỏ rõ thái độ. Ông nghĩ phải vận động Anh, hể Anh ngã theo Cách mạng thì Nhật không làm gì được, vì quyền lợI của Anh ở Trung Quốc lớn nhất mà thế của Anh trên bàn cờ quốc tế cũng mạnh nhất.

Ông bèn qua Anh, yêu cầu bộ Ngoại Giao Anh hai điều:

1- Đừng cho Thanh đình vay tiền nữa.

2- Thuyết phục Nhật ngưng viện trợ cho Thanh đình. Anh nhận lời.

Ông lạI yêu cầu ngân hàng bốn nước (Mỹ, Pháp, Anh, Nhật) từ nay chỉ giao thiệp vớI tân chính phủ (Chính phủ Cách mạng) về việc cho vay tiền thuế. Sau đó ông qua Paris tiếp xúc với một số chính khách và nhân sĩ Pháp.

Xong việc rồI ông mớI về nước (ngày 25-12-1911). Bốn ngày sau, đại biểu 14 tỉnh bầu ông làm Lâm Thời ĐạI Tồng Thống ở Nam Kinh. Ông tựu chức, cử Lê Nguyên Hồng làm phó Tổng Thống. Trung Hoa dân quốc chính thức thành lập. Nội các tuyên cáo với các nước công nhận hết thảy những điều ước, bồi khỏan, tài khoản nhà Thanh đã ký, hứa tôn trọng, bảo hộ tính mạng, tài sản của nhân dân các nước trên đất Trung Hoa.

2- Vua Thanh thoái vị - Nhà Thanh chấm dứt

Tôn về nước thấy Viên Thế Khải có một đạo quân mạnh, mà quân Cách mạng chưa được tổ chức. Riêng ông, tuy được bầu lên, được đồng chí ngưỡng mộ, nhưng đại chúng còn xa lạ với ông, cho nên ông nghĩ rằng muốn cho Cách Mạng thành công thì phải có Viên giúp sức. Trong khi hai bên vẫn tiếp tục đụng độ nhau nho nhỏ, ông tiếp xúc với Viên. Viên chịu nhận làm trung gian giữa Cách Mạng và Thanh đình. Hắn thuyết phục được nhà cách mạng rằng vua Thanh chỉ chịu trao quyền cho hắn thôi; mặt khác hắn lại thuyết phục Thanh đình rằng nhà vua phải thoái vị, trao quyền cho hắn thì mới khỏi mất đầu. Rốt cuộc Tôn Văn bằng lòng trao chức Tổng Thống cho hắn sau khi vua Thanh thoái vị, và hắn phải tuyên thệ tuân giữ lâm thời ước pháp do tham nghị viện (coi các trang sau) thảo ra. Viên chấp nhận đề nghị đó và sai Đoàn Kì Thụy với một số tướng lãnh hiếp vua Thanh thoái vị với những điều kiện như sau:

- Được giữ tôn hiệu như cũ để đối đãi với các nước ngoài trong các lễ tiết.

- Tôn miếu, lăng tẩm được bảo tồn.

- Các tước vương, công đều được thế tập như cũ, người trong hoàng tộc không phải đi lính.

- Người Mãn, Mông, Hồi, Tây Tạng được bình đẳng với người Hán, tài sản được bảo đảm.

Thái Hậu Long Dụ triệu tập nội các họp hội nghị ngự tiền.... Mọi người khóc nức nở. Một hồi lâu. Long Dụ mới bảo Phổ Nghi (vua Tuyên Thống) lúc đó mới khoảng 7 tuổi; "Con được như ngày nay đều là do công của Viên đại thần, con phải bước xuống tạ ơn Viên đại thần đỉ.”

Viên hoảng hốt, vội vàng quỳ xuống từ tạ khóc không dám ngẩng mặt lên.

Thanh đế thoái vị chiếu thư (1912) chấm dứt chế độ quân chủ ở Trung Quốc

Ngày 12-2-1912 Phổ Nghi hạ chiếu thoái vị, trong có đoạn:

- Chính thể của nước một ngày không định thì dân sinh một ngày không an. Nay lòng của nhân dân toàn quốc đa số khuynh về chế độ Cộng Hòa, các tỉnh phương Nam đã đề xướng, rồi các tướng ở phương Bắc cũng theo. Coi nhân dân hướng về đâu thì biết được mệnh trời rồi. Ta đâu nhẫn tâm vì các tôn vinh của một họ mà không nghĩ tới lòng chiếu cố của dân. Nay ta.... đem quân thống trị làm việc cùng cho toàn quốc, định cho chính thể là Cộng Hòa lập hiến để gần thì thỏa lòng mong trị, chán loạn của trăm họ, xa thì hợp với nghĩa "thiên hạ của công" của thánh hiền thời trước (...) Viên Thế Khải được toàn quyền tổ chức chính phủ Cộng Hòa, cùng với dân quân thương nghị đề thống nhất điệu pháp"

Vậy là Cách mạng đã thành công: lật đưọc nhà Thanh, lập được chính thể Cộng Hòa một cách dể dàng mà không phải đổ máu bao nhiêu. Nhà Thanh được ưu đãi hơn nhà Nguyễn nhiều.

Năm Tân Hợi 1911 được coi là năm đầu của chế độ Cộng Hòa Dân Quốc, bỏ âm lịch dùng dương lịch.

So với tất cả các cuộc Cách Mạng trước, cách mạng Tân Hợi có nhiều điểm tiến bộ.

° Thủ lãnh là người có tân học, lịch duyệt, hiểu tình hình thế giới.

° Đảng viên hầu hết là thị dân, thương dân, thanh niên ái quốc, do đó mà người Ậu gọi cách mạng này là cách mạng tiểu tư sản (révoluction bourgeoise).

° Đảng viên không tuyên truyền, lôi kéo nông dân mà tuyên truyền trong giới quân nhân của nhà Thanh;

° Cách mạng lật đổ nhà Thanh không phải để thay ngôi, mà cốt để thay một chế độ; các nhà cách mạng trước mong thành công rồi để được làm vua, Tôn Văn hy sinh cho cách mạng chỉ để cãi tạo xã hội, mua hạnh phúc cho dân. Ông hoàn toàn bất vị lợi.

Người ta có thể trách ông; đại biểu 14 tỉnh bầu ông lên chức Tổng Thống, mà ông lại nhường chức đó cho Viên Thế Khải. Đành rằng ông phải tùy cơ ứng biến, cứu cách mạng đỡ phải đổ máu, nhưng lẽ nào ông không biết Viên là người tráo trở, phản bội, nhiều thủ đoạn? Chỉ có mỗi một cách biện hộ cho ông là cách mạng Tân Hợi thành công bất ngờ quá, đảng của ông không kịp chuẩn bị, không có tài chánh, quân đội cũng không được tổ chức, không thể nắm được các tỉnh mà chính ông cũng chưa được dân chúng biết, nên ông phải tạm thời nhường Viên Thế Khải.

3- Viên Thế Khải phản Cách Mạng

Ngày 15- 2- 1912, Viên được Tôn nhường chức, thành tổng thống của chính phủ Cộng Hòa Nam Bắc liên hợp, Thái Nguyên Bồi một học giả giỏi cả cổ học lẩn tân học vì đã qua Âu Châu học một thời gian, sau làm viện trưởng viện Đại Học Bắc Kinh, được Tôn Văn phái lên Bắc Kinh mời Viên Thế Khải xuống Nam Kinh tuyên thệ, nhưng hắn không muốn rời căn cứ của mình, bí mật khiến một số binh sĩ (do Tào Côn thống lĩnh) nổi loạn. Thái Nguyên Bồi sợ phương Bắc có biến, đề nghị để Viên tuyên thệ và tựu chức ở Bắc Kinh. Do đó mà kinh đô là Bắc Kinh, trái với ý muốn của Cách Mạng.

Viên nhận theo ước pháp Tôn Văn đã công bố ở Nam Kinh để tổ chức chính phủ:

1- Chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc thuộc về toàn thể quốc dân.

2- Quyền thống trị chia ba theo nguyên tắc phân quyền: lập pháp về Nghị Viện, hành chánh về Tổng Thống, tư pháp về Pháp viện.

Được cả vua Thanh lẫn Cách Mạng trao quyền, địa vị của Viên thật danh chính ngôn thuận, nên các cường quốc từ đó chỉ giao thiệp với Viên.

Năm đầu Viên công bố luật bầu cử; một Tham nghị viện (Thượng Viện) gồm 264 nghị viện do hội đồng tỉnh bầu lên, một Chúng Nghị Viện (như Hạ Viện), gồm 296 nghị viên do dân (đàn ông thôi) trên 21 tuổi, có tài sản hoặc có bằng cấp, bầu lên.

Trong nước có hai đảng: đảng Quốc Dân đảng (của Cách Mạng) đông nhất, cấp tiến và đảng Tiến Bộ (gồm đảng Dân chủ của Lương Khải Siêu ở Nhật về), hợp với vài đảng nhỏ khác ôn hòa hơn.

Mặc dầu Viên đã dự phòng kĩ mà Quốc dân Đảng vẫn được nhiều ghế nhất ở cả hai viện và Viên phải tìm cách triệt họ để không còn phe chống đối nữa. Muốn vậy phải có nhiều tiền, phải hỏi vay Ngân hàng đoàn (một Ngân hàng do sáu nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga 2) bỏ ra vốn để cho riêng Trung Hoa vay 25 triệu Anh bảng mà không đợi Quốc Hội thông qua. Số tiền phải trả trong 47 năm bằng thuế muối, và Viên phải để cho Ngân hàng kiểm soát tài chánh riêng về muối. Quốc Hội phản kháng, nhưng hắn bất chấp.

Các đô đốc theo Quốc dân đảng ở nhiều tỉnh nổi dậy, hắn sai đem quân dẹp, trong hai tháng dẹp được. Phe Quốc dân đảng ít binh đành chịu thua. Lúc đó Tôn Văn ở Nhật, Viên đã cử ông qua đó với chức bộ trưởng bộ Hỏa xa để nghiên cứu rồi lập kế hoạch mở mang các đường xe lửa ở Trung Hoa, ông nhận lời, bảo rằng bất cứ việc gì có mục đích tân thức hóa Trung Hoa thì ông cũng làm. Nhưng trong thâm tâm ông có muốn tránh Viên không?

Viên một mặt mua chuộc những kẻ lưng chừng trong Quốc Hội, mặt khác dùng một quỷ kế để loại Quốc Dân đảng. Quốc Hội đang soạn thảo hiến pháp, hắn đòi được dự vào việc đó. Quốc Dân đảng vội thảo cho xong, trước khi hắn tới họp, để thành một việc đã rồi, hắn không sửa đổi gì được nữa. Hắn tuyên bố rằng những đảng viên Quốc Dân đều khả nghi, và sắc lệnh trục xuất họ ra khỏi Bắc Kinh, bắt giam những người cầm đầu.

Đã tiến vào con đường độc tài, thấy thành công được vài lần, hắn càng sấn tới, ra lệnh giải tán lưỡng viện, thay bằng một ủy ban chính trị gồm toàn những tay sai của hắn, rồi ban bố một hiến pháp mới do hắn thảo. Theo hiến pháp đó, Tổng Thống có quyền chuyên chế, quyết định mọi việc không cần có sự thỏa thuận của Quốc Hội. Thi hành hiến pháp mới, hắn cử hành cuộc bầu cử chính thức Tổng Thống. Ngày bỏ phiếu, hắn cho Công Dân đoàn (do hắn tổ chức) bao vây Quốc Hội để uy hiếp phe đốI lập.

Dĩ nhiên hắn đắc cữ Đại Tổng Thống, Lê Nguyên Hồng làm phó.

Các nước Tây Phương và Nhật đều thừa nhận Trung Hoa Dân quốc. Ngày 10 thánh 10 hắn nhận chức, giao tất cả địa vị quan trọng cho bọn tay chân. Bọn này tụi đại thần cũ, hủ bại, chỉ biết trung thành với chủ, không có chút ý niệm gì về dân chủ, dân quyền, hắn bảo gì cũng làm.

Ở các tỉnh miền Bắc từ khi nhà Thanh suy, các tổng đốc, đô đốc, quen cai trị theo ý riêng, xưa nhân danh Hoàng Đế thì nay cũng nhân danh Tổng Thống, chỉ nghĩ tới lợi riêng chứ không biết lợi của nước. Còn ở miền Nam thì nhiều tỉnh bất bình, nhưng chưa phản kháng, còn chờ xem.

Tóm lại, Trung Hoa Dân Quốc chính thức thành lập rồi, nhưng chỉ hạ bệ được Phổ Nghi, còn ý nghĩa của Cách Mạng Tân Hợi thì hoàn toàn mất cả.

Được làm Tổng Thống chính thức trong ba năm, Viên chưa mãn nguyện, muốn làm Hoàng Đế kia, Hắn tiến lần lần từng bước để dò xem có phản ứng không. Hắn khéo lợi dụng ước pháp, kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thống từ 3 năm lên 10 năm; thắng êm, hắn kéo dài thêm thành chung thân Tổng Thống, bãi chế độ tự trị của địa phương, giải tán hội nghị ở các tỉnh, như vậy là biến chế độ Cộng Hòa thành chế độ chuyên chế.

Thấy việc lộng hành ấy không gây phản đối, chỉ trừ Lương Khải Siêu, rút ra khỏi nội các, viết báo chỉ trích, hắn vận động khôi phục để chế, phái một bọn đàn em đi thu tiền lời, thỉnh cầu của đoàn thể các tỉnh trình lên Tổng Thống xin triệu tập đại biểu quốc dân giải quyết vấn đề quốc thể. Tháng 10 năm Dân Quốc thứ 4 (1915), đại biểu quốc dân các tỉnh đều bỏ phiếu chủ trương quân chủ lập hiến và ủy Tham Chính viện thay mặt Quốc Dân tôn Viên Thế Khải lên ngôi Hoàng Đế.

Tôn Văn lúc đó có lẽ vẫn còn ờ Nhật (?) thấy công cuộc Cácnh Mạng của mình sụp đổ, Kỹ luật đảng lỏng lẻo, một số đồng chí bị Viên mua chuộc, bàn cải tổ Quốc Dân Đảng, đổi tên là Trung Hoa Cách Mạng đảng, để củng cố hàng ngũ, và mưu đồ lật đổ Viên, Đảng tiến bộ của Lương Khải Siêu cũng liên kết với đảng của Tôn Văn để Vận động phản đế chế.

Lần này Viên đã tính sai. Sức phản động rất mạnh, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng tây, Hồ Nam nổi lên chống đối. Vân nam, Quí Châu, Chiết Giang, Thiểm Tây cũng lần lượt tuyên bố độc lập, thành ra cục diện Bắc nam chia rẻ. Thấy vậy, ngay bộ hạ của Viên là Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Quốc Chương cũng theo phe Nam mà phản đối đế chế.

Đã chuẩn bị lể đăng quang để leo lên ngai vàng rồi, đã lựa cả niên hiệu là Hồng Hiến nữa (Hiến pháp lớn). Viên vội vàng bỏ ý xưng đế chỉ giữ chức Tổng Thống thôi, nhưng phe phản đối cũng không chịu. Tháng 5 năm 1916, bọn Cách mạng ở Quảng Châu thời trước (đầu năm 1911), vụ Hoàng Hoa Cương thành lập chính phủ Cộng Hòa và bầu Lê Nguyên Hồng làm Tổng Thống. Viên ưu uất chết tháng sáu năm đó, có sách nói là hắn tự tử, có sách bảo là vì bệnh niếu độc (urémie).

Lê nguyên Hồng lấy tư cách là phó Tổng Thống lên kế vị, khôi phục ước pháp cũ, tuyển Phùng Quốc Chương làm phó Tổng Thống, bỗ Đoàn Kỳ Thụy làm Tổng Lý Nội Các. Nhưng họ không đoàn kết với nhau được, và bọn tướng quân gây thành cuộc tương tranh đưa Trung Hoa vào cảnh hỗn loạn trên mười năm.

4- Ngoại Giao với liệt cường

Thừa dịp Trung Hoa gặp nhiều khó khăn, Nga, Anh và Nhật lại tính xâu xé thêm Trung Hoa, và Viên Thế Khải một phần vì không đủ sức, một phần vì phải nhờ họ (thừa nhận địa vị của mình, giúp đỡ tài chánh....) nên theo một chính sách hòa dịu, nhượng bộ.

Ở trên chúng ta đã biết trong việc vay tiền, Viên đã phải để cho Ngân hàng đoàn của 6 nước bóc lột và kiểm soát tài chánh của Trung Hoa.

Vụ thứ nhì, năm 1912 là Anh xúi Tây Tạng gây khó khăn với Trung Hoa, rồi bênh vực Tây Tạng, đòi Trung Hoa phải để cho Tây tạng hoàn toàn độc lập. Viên không chịu và Tây Tạng thấy phải lệ thuộc Anh, thà lệ thuộc Trung Hoa còn hơn, nên Anh bỏ qua không làm tới.

Ở Mông Cổ, Nga cương quyết hơn. Ngoại Mông lúc đó chịu nhiều ảnh hưởng của Nga. Cuối năm 1911, vị Lạt Ma ở Ourga (Khổ Luân) tuyên bố độc lập và trục xuất người Trung Hoa ra khỏi nước, dĩ nhiên là do Nga xúi, Viên Thế Khải phải ký một hiệp ước với Nga (1913) nhận Ngoại Mông được độc lập, nhưng phải phụ thuộc Trung Hoa. Còn Nội Mông thì vẫn là đất của Trung Hoa như cũ.

Nhật hung hăng hơn cả, mỗi ngày mỗi mở rộng ảnh hưởng ở Nhiệt Hà (Mãn Châu), mượn cớ 3 con buôn Nhật bị hại, đem sáu chiến hạm đến Nam Kinh buộc Trung Hoa phải cho họ xây cất 5 con đường xe lửa ở Mãn Châu. Viên Thế Khải mới được đắc cử chính thức Đại Tổng Thống, muốn Nhật thừa nhận Dân Quốc, nên thuận cho cả.

Rồi thế giới chiến tranh 1914-1918 nổ. Nhật đứng về phía Đồng Minh ngay từ 1914 (Trung hoa mãi tới 1917 mới gia nhập) và tức thì đem quân tấn công Đức ở Trung Hoa, chiếm Giao Châu mà Trung Hoa đã tô tá cho Đứa từ 1898. Họ chiếm được dễ dàng sau một cuộc tấn công ngắn và cuối năm 1914, họ nghiễm nhiên thay Đức làm chủ Sơn Đông. Lúc đó, Viên Thế Khải đương thương thguyết với Đức để lấy lại Giao Châu, chưa xong thì Nhật phỗng tay trên mất. Sơn Đông là đất của Trung Hoa, để cho Nhật làm chủ thì nguy, Viên muốn chiếm lại mà không đủ sức. Thánh Giêng năm 1915, Nhật đưa ra "Hai mươi mốt điều yêu cầu" mà dưới đây là những điều quan trọng nhất.

- Nhật đòi kế thừa tất cả quyền lợi Đức ở Sơn Đông, được có địa vị ưu việt ở Nam Mãn và Đông Mông.

- Nhật được đặc quyền ở tỉnh Phúc Kiến.

- Được kiểm soát công cuộc khai mỏ ở Hoa Trung (khu vực sông Dương Tử).

- Trung Hoa không được nhường hoặc cho thuê các cửa bể, vịnh, cù lao của mình cho nước khác;

- Kiều dân Nhật được quyền mua đất đai, lập trường học, dưỡng đường tại Trung Hoa;

- Trung Hoa muốn dùng cố vấn ngoại quốc về chính trị, quân sự, tài chánh thì phải lựa người Nhật trước hết.

- Trung Hoa phải dùng một số khí của Nhật, số ấy phải hơn già nữa số Trung Hoa cần dùng.

Thật lá tai ác! Trung Hoa mà chịu nhận hết những "yêu cầu" đó thì thành một thuộc địa của Nhật rồi. Nhật biết rằng lúc đó liệt cường đương lo chống với Đức ở Âu Châu, không rảnh để nghĩ tới đất đai Trung Hoa, vả lại chính Nhật là đồng minh của họ rồi mà, nên chẳng dùng thủ đoạn đàm phán nữa, gởi ngay tối hậu thư cho Trung Hoa (7-5-1915) Chính phủ Bắc Kinh dưới sự uy hiếp của hải lục quân Nhật, phải thừa nhận các điều yêu Cầu, có sửa đổi đôi chút. Từ đó Nhật thay Anh, Nga làm chủ tình hình quốc tế ở Đông Nam Á.

Tức thì xảy ra một cảnh tượng hoàn toàn bất ngờ cho ngay cả những người tự hào là biết rõ tâm hồn dân tộc Trung Hoa. Lần đó là lần đầu tiên mà toàn dân Trung Hoa nổi lên chống kẻ xâm lăng. Thời Nha phiến, chiến tranh, Anh, Pháp cắt xẻo Hoa Nam mà Hoa Bắc thản nhiên, rồi năm 1900, liên quân tám nước vào phá Bắc Kinh, đóng quân ở miền Bắc mà miền Nam cũng dửng dưng, coi như việc của nước khác. Bây giờ thì cả Nam lẫn Bắc đều nghiến răng nguyền rủa Nhật và Viên Thế Khải.

Họ biết rằng họ là kẻ yếu, không thể chống với Nhật bằng súng ống và tàu chiến được, nhưng kẻ yếu có khí giới của kẻ yếu; họ đông và đồng lòng tẩy chay hàng Nhật. Nhật không bán được hàng hóa cho Trung Hoa thì kinh tế sẽ lung lay, vì còn bán cho nước nào được nữa. Họ gọi ngày ngũ thất (bảy tháng năm, Trung Hoa giống Anh, Mỹ, kể tháng trước rồi mới kể ngày, trái với Việt Nam và Pháp), tức ngày Nhật gởi tối hậu thư, là ngày "quốc sỉ" (ngày nhục của nước). Trên các bao thư, bưu điện đóng thêm con dấu: "Người Trung Hoa đừng bao giờ quên ngày quốc sỉ". Họ ra truyền đơn hô hào tẩy chay Nhật. Phong trào lan từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng tẩy chay đồ Nhật, chống Nhật. Họ quyên tiền để cho vào quỹ tuyên truyền. Họ thay phiên nhau đứng trước các cửa hàng Trung Hoa bán đồ Nhật, vừa khuyên nhủ, vừa de dọa cả người bán lẫn người mua. Trước kia họ rời rã như đống cát thì bây giờ họ thành một khối cứng; họ quên hết mọi tranh chấp, mọi ý kiến bất đồng, mà chỉ còn nhắm vào mỗi một mục đích là phá kinh tế của Nhật.

Gerges Dubarbier trong cuốn La Chin moderne (P.U.F – 1966) bảo đó là ảnh hưởng của Quốc Dân đảng. Những tư tưởng của đảng đó truyền bá thấm lần vào lòng dân chúng, gây tinh thần ái quốc của mọi giới và bây giờ mới bắt đầu kết trái. Dubarbier còn nói thêm: Giá bấy giờ Trung Hoa có một lãnh tụ khác, không nghĩ đến tư lợi đến quyền thế của riêng mình như Viên Thế Khải thì có thể Trung Hoa đã thống nhất được ngay và tránh được cái họa nội chiến kéo dài nhiều năm sau. Lời đó có thể đúng. Mà vị lãnh tụ do Trung Hoa đã có: Tôn Văn, nhưng Tôn Văn lại đương ở Nhật, nghiên cứu về xe lửa với bà vợ sau, thư ký của ông Tống Khánh Linh! Lòng phẩn uất của toàn dân Trung Hoa còn phát lên nhiều lần nữa, một lần vô cùng sôi nổi khi các cường quốc ký hòa ước Versailles, năm 1919 (sẽ chép ở sau).

5- Họa Quân Phiệt Sau Khi Viên Chết

Viên Thế Khải là một chính trị gia có tài, thông minh, biết tổ chức, mưu mô, cương quyết, có bản lãnh, có thủ đoạn, chỉ tiếc hắn ham quyền quá, nhiều tham vọng quá, không dùng tài của mình vào việc giúp nước, mà chỉ để nhắm cái ngai vàng như Napoléon (hắn có đọc sử Pháp không mà hành động giống Napoléon thế và những thất bại bi đát hơn Napoléon).

Viên chết rồi, Lê Nguyên Hồng lên làm tổng thống nhưng sự đoàn kết giữa các tướng lĩnh không còn nữa. Phe quân nhân Bắc Dương (đàn em của Viên là Đoàn kì Thụy, Phùng Quốc Chương, Tào Côn, Trương Tác Lạm xưng hùng ở phương Bắc; ở phương Nam thì Đường Kế Nghiêu, Lục Vĩnh Đình, quật khởi để gây cuộc tương tranh quân phiệt giữa Nam và Bắc sau này.

Di nhiên, ở cùng địa phương, họ tranh chấp nhau còn mạnh hơn giữa phương này và phương khác. Mỗi ông tướng (đốc quân chiếm một tỉnh có khi hai tỉnh và “tìm cách" mở mang bờ cõi), hoặc uy hiếp chính phủ trung ương.

Chép lại các tranh chấp đó là điều vô ích, nhưng chúng ta cũng nên biết qua hành động của họ. Họ là những ông vua nhỏ, bắt dân phải nộp thuế (có kẻ) bắt dân phải nộp thuế cho ba bốn chục năm sau (như một quân phiệt ở Tứ Xuyên, năm 1933 thu thuế đến năm 1974) phải đi lính mà không trả lương, cho nên lính phải cướp bóc của dân để sống, do đó mà nơi nào cũng có cướp, miền Hà Nam có năm có tới 400.000 tên cướp. Dân không còn làm ăn gì được hết, ruộng nương bỏ hoang, trường học đóng cửa điêu đứng vô cùng, mà các ông tướng đa số vô học, nhưng giàu kinh khủng, ăn nhậu, xa xí, dâm dật, bắt cóc con gái lương dân tàn nhẫn vô cùng hơn các ông tướng tá Hòa Hảo của ta thời Pháp sau thế chiến rất nhiều. Cũng có một số đốc quân khá như Yeng Si Chang (?) ở Sơn Tây, Đường Kế Nghiêu ở Vân Nam, dân ở dưới quyền họ đỡ khổ hơn.

Họ đánh nhau liên miên, hể thua thì chạy trốn vào các tô tá điạ của ngoại nhân, mà hễ thắng cướp được nhiều của cải thì đem gởi vào ngân hàng ngoại nhân, mua khí giới của ngoại nhân. Anh, Mỹ ủng hộ phe quân phiệt ở Hà Bắc (phe Trực Lệ: Ngô Bội Phu), còn Nhật thì ủng hộ phe Hoản (tỉnh An Huy): Đoàn kì Thụy và phe Phụng Tiên: Trương Tác Lâm 3. Vì biết đâu chừng, mấy ông tướng đó mà thắng, uy hiếp được chính phủ Lê Nguyên Hồng, thì còn lợi nào bằng. Một ông tướng Trương Huân đã chẳng đem quân vào Bắc Kinh, bắt Lê Nguyên Hồng giải tán Quốc Hội, rồi thoái vị đấy ư? Khang Hữu Vi còn ở Nhật, lúc dó đã về nước, vẫn chủ trương bảo hoàng, muốn khôi phục ngôi vua cho Phổ Nghi, có lẽ vì ông thấy những vụ tranh giành, rối loạn trong những năm đầu Dân Quốc mà thất vọng. Ông làm quân sư cho Trương Huân, khi Lê Nguyên Hồng thoái vị rồi, Trương vào trong cung, mời phế đế Phổ Nghi lên làm vua trở lại, sử gọi vụ đó là “phục tích”, và có sử già ví nó vụ phục tích của giòng họ Bourbois ở Pháp sau khi Napoléon bị hạ bệ.

Lê Nguyên Hồng trốn vào sứ quán Nhật, mời Phùng Quốc Chưong thay ông làm Tổng Thống, Phùng sai Đoàn Kì Thụy về đánh Bắc kinh, Trương Huân thua, trốn vào sứ quán Hà Lan. Phục tích chưa được mười ngày đã chấm dứt. Từ đó Khang Hữu Vi sống cô đơn, ảm đạm, đóng vai “di lão triều Thanh”, lãnh một số trợ cấp nhỏ của chính phủ.

Sau vụ Phục tích, ngoài Phùng Quốc Chưong, còn vài tổng thống nữa: Từ Thế Xương, một kẻ sĩ hiền lành, thủ cựu đã làm sư phó của Phổ Nghi, sau cùng là Tào Côn, nhưng họ không có quyền gì cả, quyền ở trong tay của quân phiệt Đoàn Kì Thụy, Ngô Bội Phu, Phùng Ngọc Tường, Trương Tác Lâm. Lâm hợp tác với Nhật, sau bị Nhật giết (1925).

Các quân phiệt phương Nam không chấp nhận, chính phủ Bắc Kinh, thỉnh thoảng đem quân lên đánh các quân phiệt phương Bắc, không bên nào thắng hẳn bên nào. Lại có nhiều tỉnh tách hẳn ra; không theo Bắc, không theo Nam, tuyên bố độc lập thảo một hiến pháp riêng (như tỉnh Hồ Nam), rồi tỉnh Chiết Giang, Hà Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam thành một phong trào địa phương tự trị, không muốn thống nhất mà muốn chính thể liên bang.

Các ông tướng như vậy, còn dân chúng thì chỉ lo làm ăn để nuôi gia đình; họ cần cù, nhẫn nại. Chịu đủ các ức hiếp của bọn tướng, đủ các tai nạn, lụt, hạn, cướp bóc… cho đó là mạng trời, là số phận của họ. Từ xưa tới nay, mỗi khi một triều đại chấm dứt, thì luôn luôn, họ phải chịu cái họa đó.

Để lại một món nợ 25 triệu bảng Anh phải trả trong 47 năm, một cái ách nặng Nhật tròng vào cổ quốc dân (21 yêu cầu), và một xã hội chia rẽ, loạn lạc, nghèo khổ, đó là tội của Viên Thế Khải. Giá hắn đừng ham ngai vàng, cứ chung thân Tổng thống thì khỏi phải chết sớm mà có thể giúp quốc dân được nhiều.


Sinh viên 
Bắc Kinh biểu tình trong phong trào Ngũ Tứ

6. Ngũ Tứ Vận động

(Hòa hội Versailles và Hội Nghị Washington). Chúng ta đã biết ngày 7–5-1915, toàn dân Trung Hoa nỗi dậy chống Nhật, vì Nhật uy hiếp Trung Hoa tới mức coi Trung Hoa như một thuộc địa của họ.

Ngày ngũ tứ 4-5-1919, lại xảy ra một vụ nổi dậy của dân chúng nữa, lớn hơn lần trước nhiều, trong sử gọi cuộc ngủ tứ vận động.

Đầu thế chiến I, Nhật đứng thế phía đồng minh để chiếm Giao Châu, đấy là tô tá của Đức. Hồi đó Trung Hoa còn Trung lập, tới năm 1917, thấy Đức sắp thua, chính phủ phương Bắc mới tuyệt giao với Đức, nhưng Tôn Văn và Quốc hội phản đối.

Chiến tranh kết liễu, hòa hội ở Versailles (Paris) năm 1919. Chính phủ Bắc Kinh và chính phủ Quảng Châu, (của Tôn Văn, coi ở sau) đều phái đại biểu đến dự, tin chắc thế nào các bạn đồng minh cũng trả lại cho Trung Hoa những quyền lợi của Đức ở Sơn Đông và thủ tiêu những điều Viên Thế Khải đã ký với Nhật. Nhưng Anh, Pháp, Ý lại ủng hộ Nhật, trách Trung Hoa. Chỉ tuyên Chiến và gởi thợ qua giúp trong các xưởng vũ khí chứ không dự chiến, chính Nhật mới giúp đồng minh được nhiều. Lúc đó Lương Khải Siêu đương ở Paris, đánh điện về báo tin rằng phái đoàn Trung Hoa hoàn toàn thất bại.

Các báo đăng tin đó lên trang nhất và nêu rõ nguyên nhân thất bại: năm 1916 chính phủ ngoại giao Trung Hoa Chương Tôn Tường, công sứ Trung Hoa ở Nhật đã ký hiệp ước Sơn Đông với bốn chữ <hân nhiên đồng ý> (vui vẻ đồng ý) và Lục Tôn Dữ do Đoàn Kì Thụy thay chính phủ Bắc Kinh vay tiền của Nhật để mua khí giới Trung Hoa không thể cãi vào đâu được, mà Tổng Thống Mỹ (Wilson) cũng không sao bênh vực Trung Hoa được. Đại biểu Trung Hoa bỏ về, không chịu ký. Tức thì toàn dân phẫn nộ, 3.000 học sinh ở Bắc Kinh biểu tình diểu qua các đường phố, yêu cầu chính phủ trừng trị ba tên bán nước: Tào Như Lâm (người ra lệnh ký hiệp ước với Nhật) Chương Tôn Tường và Lục Tôn Dữ;

Hủy bỏ điều ước 21 khoản năm 1915;

Và đả đảo đế quốc.

Bị cảnh sát ngăn cản, họ lại nhà Tào Nhữ Lâm, gặp Chương Tôn Tường mới về nước. Tào bỏ trốn. Chương không kịp trốn, bị học sinh đánh gần chết.

Chính phủ càng đàn áp (30 học sinh bị giết, 1000 bị nhốt khám) thì sức phản động càng mạnh. Học sinh Bắc Kinh họp nhau thành một hội, quyết định bãi khóa, các giáo sư cũng từ chức để phản đối việc truy tố học sinh. Phong trào lan tràn toàn quốc. Liên hiệp học sinh toàn quốc thành lập. Họ tổ chức các đoàn diễn giảng vạch cho nhân dân biết những tội ác của Nhật và của chính phủ.

Tới đầu tháng 6, giai cấp công thương càng hưởng ứng. Trong hai ngày đêm, hàng ngàn quần chúng tụ tập trước Quốc môn (một cửa thành ở Bắc Kinh), khóc lóc, than vãn về cái nhục mất nước, mất chủ quyền. Rốt cuộc cuối tháng 6, chính phủ phải nhượng bộ, bãi chức những tên bán nước.

Về phương diện ngoại giao, cuộc vận động ngũ tứ có kết quả: Trung Hoa phản kháng với liệt cường và hội nghị chín nước họp ở Whasington (1921 – 22 xét lại vấn đề Sơn ông, ép Nhật trả lại Trung Hoa một số quyền lợi: trả đất tô tá Giao Châu cho Trung Quốc chuộc lại con đường sắt Giao Tế, và Nhật phải chia từng kỳ rút quân về. Các nước Anh, Pháp, Đức, Ý nhất là Mỹ thấy Nhật mạnh lên mau quá, sẽ có một lực lượng hải quân bậc nhất ở Thái Bình Dương, nên đè Nhật xuống hàng ba 4 Nhật phải nuốt hận, chấp nhận. Hội nghị lại đưa ra bốn quy tắc:

1- Liệt cường phải trọng sự độc lập và chủ quyền của Trung Hoa;

2- Cho Trung Hoa có cơ hội phát triển và duy trì một chính phủ vững chãi;

3- Giữ sự bình đẳng của các nước về thương mãi và kỹ nghệ trên đất Trung Hoa.

4- Liệt cường không được nhân lúc Trung Hoa đương loạn lạc mà mưu chiếm những quyền lợi đặc biệt.

Thật là may mắn cho Trung Hoa. Đó là công duy nhất của chính phủ Bắc Kinh, mà được vậy là nhờ học sinh Bắc Kinh trước hết rồi tớI tất cả c ác giới trong nước.

Cuộc ngũ tứ vận động còn nhiều ảnh hưởng quan trọng nữa, nó thúc đẩy cuộc cách mạng chính trị, nó đầu tiên đưa ra khẩu hiệu đả đảo đế quốc, làm cho nhiều nhà cách mạng trong Quốc dân đảng đổi hướng, mà đảng cộng sản Trung Hoa sớm thành lập, lực lượng thợ thuyền được đoàn kết, gây cuộc phản đế sôi nổi ngày 30–5–1925, sử gọi là cuộc Ngũ táp vận động, mà tôi sẽ xét ở sau.

Chính vì nó có tác động lớn như vậy nên một số sử gia cho nó mới là cuộc cách mạng dầu tiên của Trung Hoa, còn cuộc cách mạng Tân Hợi chỉ là một vụ đảo chánh bất ngờ mà thành công quá dễ, nên thất bại cũng mau

B- CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG Ở MIỀN NAM

1- Tôn Văn lập chánh phủ, tiếp xúc với Nga

Vắng mặt bốn năm năm, năm 1971 Tôn Văn mới lại xuất hiện đúng lúc các đốc quân ở Bắc can thiệp vào chính trị, giải tán Quốc Hội và các đốc quân phương Nam nổi lên phản đối. Tổng trưởng hải quân là Trình Bích quang từ chức; Tôn cùng với Trình suất lĩnh hải quan đến Quảng Đông, đánh điện đi các tỉnh mời nghị viên Quốc Hội Quảng Châu khai hội và tổ chức chính phủ để chống với phương Bắc. Ông được bầu làm đại nguyên súy và đại biểu Trung Hoa dân Quốc trong việc đổi ngoại. Lục Vĩnh Đình, đốc quân Quảng tây và Đường Kế Nghiêu, đốc quân Vân Nam làm phó nguyên súy. Cuộc thế Nam Bắc đối lập bắt đầu từ đó.

Nhưng ở Bắc có nhiều phe chống đối lẫn nhau mà ở Nam thì Tôn và Lục, Đường ý kiến cũng bất đồng. Về thực lực, Tôn chỉ điều khiển được một bộ phận hải quân, còn lục quân ở trong tay hai phó nguyên súy, nên Tôn không làm được gì cả. Rồi Lục và Đường lại chia rẽ. Thế của chính phủ phương Nam rất yếu. Một đốc quân đem quân đánh Quảng Đông, Lục Vĩnh Đình chống không nổi.

Trần Quýnh Minh, rước Tôn Văn về Quảng Châu, cải tổ chính phủ, cũng nhóm quốc hội, cử Tôn làm Tổng Thống, nhưng địa hạt của chính phủ Quảng Châu chỉ có mỗi một tỉnh Quảng Đông (1921).

Uy tín của Tôn đã xuống nhiều, Trần Quýnh Minh cũng lại bất đồng ý kiến với ông. Ông muốn Bắc phạt không được, mà muốn lấy lại uy quyền cũng không xong. Ông sửa lại đảng chương 5 (coi ở sau mục "tư tưởng chính trị của Tôn Văn"), nhưng cũng không thi hành được nữà, sau cùng Trần Quýnh Minh tấn công đốt nhà công, tính giết ông, may mắn ông trốn thoát, được lên Thượng Hải.

Ông đã thất bại, rút được kinh nghiệm, hiểu rằng phải bỏ đường lối tấn công, đảo chánh ở nhiều nơi cùng một lúc, mà phải chiếm được một địa bàn vững, phải tổ chức đảng và huấn luyện cán bộ, phải lập được một đạp quân tân thức; rồi từ địa bàn đó chiếm đất lần lần, chiếm đưọc miền nào thì đảng viên và cán bộ cai trị miền đó, dùng tuyên truyền để thu phục dân chúng, như vậy lần lần sẽ chiếm được trọn nước.

Bây giờ ông mới thấy ông lẻ loi. Vẫn còn nhiều người ngưỡng mộ ông đấy, nhưng người ta thấy ông bất lực: đảng của ông ít người, quân đội ông không có, mà tiền thì các nước tư bản không giúp ông. Năm 1911, trước khi về nước, ông có qua Anh, xin chính phủ cho vay tiền, chính phủ Anh từ chối, chỉ hứa không giúp tiền cho Thanh đình nữa thôi.

Bây giờ họ có thêm một lý do nữa để từ chối; họ đã thừa nhận chính phủ hợp pháp Bắc Kinh rồi. Vả lại tâm lý của họ là giúp kẻ mạnh chứ không giúp kẻ yếu, mà ông là kẻ yếu; trong mười năm từ 1912 đến 1921 ông đã thất bại, để cho Viên Thế Khải phá hoại cách mạng, phá hoại hiến pháp, như vậy ai dám tin ông nữa.

Simon Lays trong cuốn Les habis neuf du Président Mao (Edition Chant libre 1977) trách phương Tây (Anh, Mỹ, Pháp …) chỉ nâng đỡ bọn thối nát như Thanh triều, Viên Thế Khải, mà không biết đứng về phe các nhà cách mạng được dân chúng quý như Hồng Tú Toàn, Tôn Văn. Chê như vậy là cố ý khen Nga đã biết giúp Tôn Văn.

Tháng 10-1917, cuộc cách mạng vô sản của Nga thành công, Trung Hoa cũng như các nước khác, chưa thừa nhận Liên Xô,. Trong hai năm 1919–1920 chính phủ Nga nhiều lần tuyên bố bãi bỏ các điều ước bất bình đẳng mà Nga hoàng đã ký với Trung Hoa.


Trần Độc Tú


Năm 1921 đảng Cộng Sản Trung Hoa thành lập, đứng vào hàng ngũ Đệ Tam quốc tế. Các nhà lãnh tụ buổI đầu là Trần Độc Tú, Mao Trạch Đông, Trương Đại Lôi; đảng viên chỉ được 50 ngườI. Cũng năm đó, Chu Ân Lai học ở Pháp về.

Tôn Văn bị Anh, Mỹ, Pháp, Nhật hất hủi, không giúp gì cả, phải quay về phía Nga Xô y như Nasser năm 1956, khi Mỹ không bán khí giới cho. Năm 1922, vì bất hòa vớI Trần Quýnh Minh. Ông phải bỏ Quảng Châu mà lên Thượng Hải, rồi tiếp xúc với nhân viên cơ quan thông tin quốc tế của Nga Xô để rút kinh nghiệm cách mạng của họ.

Họ đem thuyết Mác Lê giảng cho ông. Theo thuyết đó, chế độ tư bản đạt tới tột đỉnh thì đưa tới chủ nghĩa đế quốc, vì muốn giữ mức sống cao cả của giai cấp tư sản (bourgeois) thì bọn tư bản phảI bóc lột chẳng những các giai cấp khác trong nước, mà còn bốc lột các dân tộc chậm tiến nữa, những thuộc địa ở Á, Phi: mua rẻ hoặc cướp tài nguyên của những nước này, dùng nhân công rẽ mạc của họ để sản xuất cho rẻ rồi bán lại cho họ với một giá đắt. Trung Hoa là một bán thuộc địa của các nước tư bản, đã bị bóc lột tám chục năm rồi, muốn thoát khỏi ách của Âu, Mỹ và Nhật thì phải làm cách mạng vô sản như Nga, Nga có thể giúp Trung Hoa được.

Tôn Văn nghe vậy, thấy có lý và trong một số hội nghị Quốc Dân đảng, ông bảo: “Lénine bị các nước tư bản bôi nhọ vì ông ta dám nói trắng ra rằng 1.250.000.000 người ức hiếp, bốc lột ".

Tuy nhiên ông rất thực tế, bảo Trung Hoa chưa thể thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản được, mà hãy thực hiện chủ nghĩa Tam dân của ông đã.

Năm sau (1923) Nga phái một ủy viên về ngoại giao, Adolphe Joffe qua. Hai bên tuyên bố chung: Tôn chỉ cho phép đảng Cộng sản tự do hoạt động trong việc chiến đấu dân tộc để giành lại độc lập, mà cuộc chiến đấu là bước đầu đưa tới xã hội chủ nghĩa, chứ không nhận ngay Cộng Sản là một chủ nghĩa chính thức, vì nó không hợp với tình hình Trung Hoa thời đó, Joffe cũng nhận rằng Trung Hoa cần được thống nhất và độc lập trước hết và Nga Xô sẵn sàng giúp cuộc cách mạng dân tộc của Trung Hoa trong việc tổ chức quân đội, đào tạo cán bộ tuyên truyền.

Tức thì hai bên hợp tác với nhau liền. Mùa hè năm 1923, Tôn phái một đại tá trẻ mà ông mà ông rất tin cậy qua Moscou, tức Tưởng Giới Thạch, Tưởng học ở Nga 6 tháng rồi về nước lập trường võ bị Hoàng Phố ở gần Quảng Châu, làm hiệu trưởng trường lục quân đó. Tưởng được một số chuyên viên Nga giúp sức. Chu Ân Lai cũng lãnh một chân giáo sư, về chính trị(?). Mỗi khóa học chỉ có sáu hay tám chín tháng. Số học viên khóa đầu được dăm trăm, 6 chính họ có công trong việc Bắc phạt sau này.

Đầu thu năm đó Nga lại gởi qua Borodine (Trung Hoa gọi là Pháo La Đình) một người rất giỏi về tổ chức, đã có hồi ở Mỹ. Ông ta dùng Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh sau này) làm thư ký riêng, thông ngôn và phiên dịch, vì Nguyễn thông bốn ngôn ngữ: Hán, Anh, Pháp, Nga Borodine làm cố vấn kỹ thuật về cách mạng, lập một viện đào tạo một bọn tuyên truyền để lôi kéo quần chúng. Học viên đều là những người trong đảng cộng sản Trung Hoa, nhất là trong giới lãnh đạo. Đảng được tổ chức lại theo Nga, thành từng tổ, thường họp hội nghị (hội nghị đầu tiên vào đầu năm 1924). Trên cùng có ủy ban trung ương thi hành đường lối của đảng. Borodine thuyết phục Tôn Văn cho phép đảng viên Cộng Sản được vô Quốc Dân đảng, thành thử đảng này có một hạt nhân mà khi nào nhân (noyau) của Cộng Sản mà khi nào Quốc Dân đảng thành công thì Cộng Sản đương nhiên được dự vào việc nước. Đồng thời Nga tuyên bố thừa nhận Ngoại Mông thuộc lãnh thổ Trung Hoa, hủy bỏ hết các điều ước Trung Hoa ký với Nga hoàng. Công việc đào tạo cán bộ tuyên truyền của Borodine có kết quả rất mau. Một cuộc bãi công của công nhân Hỏa xa trên đường Bắc Kinh – Hán Khẩu xảy ra, nhưng chưa đủ kinh ngjiệm nên bị Ngô Bội Phu (?) đàn áp kịch liệt, chết rất nhiều, mẵc dầu các tổ chức khác cũng bãi công để ủng hộ

Sau đó xảy ra cuộc Ngũ táp vận động (táp là ba mươi: 30-5-1925) Nguyên do chỉ tại thái độ ngạo mạn, tàn nhẫn của bọn đế quốc. Họ không coi người Trung Hoa ra gì cả, 7 hơi một chút là chất vấn chính phủ Bắc Kinh, đòi hỏi bồi thường và bắn xả vào dân bản xứ.

Lần này trong một xưởng dệt ở Thượng Hải, một người thợ Trung Hoa bị một nhân viên Nhật bắn chết. Hai tuẩn lễ sau, học sinh và thợ thuyền Trung Hoa ở Thượng Hải làm lễ truy điệu kẻ xấu số và biểu tình phản đối Nhật trong khu vực tô giới của Anh. Cảnh sát Anh bắn vào đám biểu tình: mười hai người chết và mười bảy người bị thương.

Dân chúng khắp nơi phẩn nộ; tại các khắp khu kỷ nghệ và ở Hương Cảng, phong trào phản đế nổi lên rầm rộ, thợ đình công ở các xưởng ngoại quốc, dân chúng tẩy chay hàng hóa ngoại quốc đặc biệt là hàng hóa Anh và Nhật

Chưa chắc phong trào do Cộng sản tổ chức và phát động, nhưng ta có thể tin rằng Cộng Sản đã chỉ huy một phần nào rồi lợi dụng để gây uy thế cho đảng. Ở Thượng Hải cuộc đấu tranh kéo dài tới một năm rưỡi, được mọi người ủng hộ, và gây chấn động khắp thế giới, làm tê liệt công việc kinh doanh của Anh ở Hoa Nam đến nổi Hương Cảng (Cảng thơm đã thành một tử cảng - cảng chết), và người Trung Hoa mỉa mai gọi nó là "xú cảng " (cảng hôi thối).

Chưa đầy một tháng sau, lại xảy ra một vụ sôi động nữa: chiến hạm Anh, Pháp, Nhật, Bồ bắn vãi vào dân biểu tình tẩy hàng ngoại quốc, lòng căm phẫn của dân càng bừng bừng lên.

Cuộc vận động ngũ táp đó gây ảnh hưởng quan trọng về văn hóa, làm cho phái tả thêm được nhiều cây bút có tài và tràn trề nhiệt huyết. Nhưng đó là chuyện sau, chúng ta hãy xét tiếp hoạt động của Tôn Văn đã.

Có một địa bàn ở (Quảng Châu) một đạo quân do Nga tổ chức huấn luyện, một đảng đã cải tổ vớI một thành phần mới (Cộng Sản); lại được quần chúng ủng hộ, ngoài giới trí thức tiểu tư sản ra, thêm giới thợ thuyền, nông dân, thương nhân nữa. Tôn Văn bắt đầu gây lại được uy quyền, có thể nghĩ tới việc Bắc phạt. Theo J J. Brieux trong La Chine du nationlisme au communisme (Seuil- 1950) thì hồi này ông rất phấn khởi, lại đeo đuổi cái mộng không tưởng của ông từ trước là liên kết Hoa - Nhật. Năm 1924 ông qua Nhật ngày 25-11, tuyên bố ở Nagasaki: "Tình thân ái của chúng ta vớI Nhật phải mỗI ngày mỗi tăng. Mọi bất hòa và nghi ngờ lẫn nhau phải xóa bỏ cho hết. Nhật tiến bộ hơn chúng ta nhiều lắm về kỹ nghệ, khoa học, văn minh. Nếu chúng ta muốn thực tâm cộng tác với Nhật thì chúng ta sẽ tiến chắc chắn mà Nhật cũng được lợi; hàng hóa của hai nước sẽ được tự do xuất, nhập, không phải đóng thuế, hai nước tất phải giàu" (la Chine của Roger Lévy PUF 1904).

Lần này ông ở Nhật không lâu rồi về, kế đó chính phủ Bắc Kinh bị các quân phiệt lật đổ; Đoàn Kì Thụy, Trương Tác Lâm và Phùng Ngọc Tường mời ông lên Bắc Kinh để bàn việc thống nhất, lập chính phủ trung ương Borodine khuyên ông đừng nhận, nhưng ông cứ nhận, một phần vì thấy bệnh ung thư không cho ông sống được lâu nữa. Nhưng mới tới Bắc Kinh, hai bên chưa kịp thảo luận với nhau thì ông từ trần (12-3-1925) thọ 59 tuổI (1866-1925).

Di chúc ông đọc cho Uông Tinh Vệ (đồng chí trẻ thân nhất của ông chép), và ông ký một ngày trước khi mất, trước mặt chín người. Tống Khánh Linh, Tống Tử Văn (em trai Khánh Linh) Tôn Khoa (con bà vợ trước của ông ….) những người này cũng ký sau ông.

Dưới đây tôi dịch bản chữ Hán trong Trung Cận đại sử.

"Trong bốn chục năm, tôi tận lực với cách mạng, mục đích để Trung Quốc được tự do bình đẳng. Kinh nghiệm bốn chục năm cho tôi thấy rằng muốn đạt mục đích đó phải kêu gọi toàn dân đứng dậy và liên hợp với những nước nào trên thế giới đãi ta một cách bình đẳng, để cùng nhau phấn đấu.

Hiện nay cách mạng còn chưa thành công. Các đồng chí phải theo phương lược kiến quốc và đại cương kiến quốc, cùng tam dân chủ nghĩa … của tôi mà tiếp tục gắng sức cho đạt thắng lợi cuối cùng …. Việc gấp nhất là mở Quốc Đân Đại Hội, và từ bỏ các điều ước bất bình đẳng, phải thực hiện cho thật mau. Đó là di chúc của tôi "


Tôn Trung Sơn


2. Học thuyết Tôn Văn

Trong cuộc đời trôi nổi, ông ghi chép được nhiều tính soạn một tác phẩm lớn nhan đề là Tam Dân chủ nghĩa, nhưng tài liệu không còn gì sau vụ Trần Quýnh Minh, phán ông ở Quảng Châu năm 1922. Gần cuối đời, ông rán nhớ lại và thu vào trong 16 diễn văn. Văn nghiệp của ông chỉ còn bấy nhiêu.

Những diễn văn đó được nhiều người dịch, người thì cho nó có màu sắc mác xít, người thì bảo có màu sắc tự do.

Ông trích dần Mạnh tử, nhất là câu: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh", và câu này: "Thiên thị tại ngã dân thị, thiên thính tại ngã dân thính".

Ông bảo: "Tôi muốn mọi người hiểu thế nào dân chủ, phải hiểu rồi mới bỏ được cái ý muốn làm hoàng đế đi. Nước ta thành nước Cộng Hòa rồi thì ai làm hoàng đế? Bốn trăm triệu dân làm hoàng đế?"

Nhưng ông chê chính quyền đại diện. Vì có nhiều thói xấu, mà cho chính quyền chuyên chế của dân (vô sản) như ở Nga tốt hơn. Ông muốn rằng dân là kỹ sư mà chính quyền là cái máy, máy phải mạnh, và viên kỹ sư tức dân phải có đủ sức để điều khiển máy.

Chủ nghĩa tam dân của ông là dân tộc, dân quyền, dân sinh. Chủ nghĩa dân tộc chống chính sách xâm lăng của đế quốc Âu Mỹ. Dân tộc nào cũng được tự do, bình đẳng và không được xâm phạm đến tự do của dân tộc khác. Các dân tộc Hán, Mãn, Mông.... phải đoàn kết với nhau để giải thoát Trung Hoa rồi giải thoát các dân tộc bị áp bức khác.

Chủ nghĩa dân quyền đặt quyền chi phối chính trị vào tay toàn thể nhân dân, còn quyền chính trị về phần chính phủ. Nhân dân có quyền tuyển cử, đề nghị phúc quyết (nghĩa là bãi bỏ những quyết định nào của nghị viện mà trái với công ích) rồi quyết định lại và quyền bãi miền những quan lại bất lực hoặc có thành tích xấu xa.

Chính phủ có năm quyền, gọi là ngũ quyền hiến pháp: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và quyền Giám sát.

Chủ nghĩa dân sinh làm thỏa mãn bốn nhu cầu của nhân dân là ăn, mặc, ở, đi; tư bản cá nhân phải tiết chế cho tư bản quốc gia được phát đạt, địa quyền về người cày và phải lần lần tiến tới sự bình quân. Ông bảo: “Cải cách điền địa của ông sẽ tránh cho nước khỏi bị các cuộc nông dân nổi loạn, các cuộc cách mạng mà chính sách kỹ nghệ sẽ bỏ được giai đoạn tư bản và cuộc cách mạng vô sản; vì sự giai cấp đấu tranh là một bệnh xã hội, không phải là một yếu tố tấn bộ! (…)

Chính sách tôi đề nghị đó không đưa tới một chương trình tàn bạo hoàn toàn không thích hợp với thời đại chúng ta…. Tôi muốn ngăn sự thành lập các đại tư bản cá nhân, mà xã hội sau này khỏi bị cái họa do sự bất bình đẳng giữa kè giàu, người nghèo gây ra (La Chine sách đã dẫn).

Một điểm nữa trong học thuyết của ông là ngay từ năm 1905, ông đã tính phải có ba thời kỳ: thời kỳ quân chính, chính quyền về quân nhân, phải độc tài để dẹp loạn, dẹp mọi sự chóng đối ; thời kỳ huấn chính, có một đảng duy nhất cầm quyền dạy cho cho dân quen với chế độ dân chủ, hiểu quyền hạn, bổn phận của mình, thời kỳ thứ ba là thời kỳ hiến chính; lập hiến pháp rồi thi hành.

3. Công của Tôn Văn

Khi hay tin Tôn Văn chết, Ph. Berthelot, Tổng thư ký bộ ngoại vụ Pháp, thản nhiên bảo: "Thế là chấm dứt cuộc đời một con người thay đổi hoài, không thực hiện được chút gì hết". Nhưng viên thông dịch của ông ta đã ở Bắc Kinh, đâu biết rõ người Trung Hoa, đáp: "Tôn Văn khi sống không được việc gì; nhưng chết rồi ông ta sẽ thành một vị thần".

Hầu hết- Nếu không phải là hết thảy – các chính trị gia phưong Tây trước năm 1925 đều coi thường Tôn Văn và chê ông như Berthelot. Lénine còn bảo ông "ngây thơ như một trinh nử" (Virginale naiveté nữa: tin ở Viên Thế Khải, ở Anh, ở Nhật nữa, hai con cá mập hung hăng nhất thời đó). Ông mâu thuẫn với ông, ông chủ trương hợp tác với những nước đãi Trung Hoa một cách bình đẳng, mà chính hai nước đó coi đồng bào ông như tôi mọi, như loài vật, còn Mỹ bênh vực Trung Hoa nhất thì ông lại không nhờ cậy họ. Lúc thì ông muốn Bắc phạt, lúc thì lại muốn bắt tay với các quân phiệt ở Bắc. Ông làm Tổng Thống, rồi làm một "chuyên viên" hỏa xa, sau lại làm đại nguyên súy không bao lâu, lại làm Tổng Thống, mà chẳng lần nào được việc gì cả. Gần cuối đời, ông cho cán bộ Cộng Sản gia nhập Quốc Dân Đảng, như vậy khi Cách Mạng thành công, họ đương nhiên được dự vào việc nước, mà ông lại bảo "giai cấp đấu tranh là một bệnh của xã hội" như vậy thì làm sao ta hiểu được chủ trưong của ông? Tưởng Giới Thạch là môn đệ của ông, mà Mao Trạch Đông cũng coi ông là bậc thầy; cả hai đều bảo mình tiếp tục sự nghiệp của ông, trớ trêu thật. Mà Uống Tinh Vệ khi làm bù nhìn cho Nhật, trong chiến tranh Trung Nhật (coi ở sau) cũng có thể khoe rằng theo đúng đường lối thân Nhật của Tôn nữa!

Chủ trương tam dân của ông, các học giả và chính trị gia phương Tây cho là chẳng có gì đặc biệt. Họ đã có một chiến chương về quyền của con người, tiến bộ hơn chủ nghĩa của ông nhiều.

Những lời chê kể trên đều đúng hết. Nhưng ai cũng phải nhận rằng ông nhiệt tâm, ái quốc, hoàn toàn bất vị lợi, có nghị lực, kiên nhẩn suốt đời nhằm một mục đích là cứu dân, cứu nước (điểm bất biến của ông ở đó); ông có tài hùng biện, truyền được cho dân chúng ảo tưởng của ông, khiến dân chúng tin ông và trọng ông.

Lévy, học giả Pháp có cảm tình với ông nhất bảo ông sống trong thời "bạc bẽo" của lịch sử Trung Hoa.

Lời đó đúng, thời ông là thời loạn lạc, chia rẽ như cuối thời Chiến Quốc, mà ông chỉ là một nhà tư tưởng, thiếu kinh nghiệm, thấy thuyết nào mới cũng nhận, thấy nước nào mạnh cũng muốn nhờ cậy, đi vào hướng này bị kẹt thì quay tìm một hướng khác, vì vậy mà ông thường thay đổi cả trong tư tưởng lẫn hành động. Ông tùy cơ, tòng quyền để kiếm một lối thoát cho dân tộc ông, và lúc đó nhờ được kinh nghiệm của Nga, biết tổ chức đảng, tổ chức quân đội rồi, thì chết. Nếu ông sống thêm được mươi năm nữa, thì chắc được thấy cách mạng thành công mà có thể tránh cho được Trung Hoa cuộc tương tàn giữa Quốc và Cộng.

Ông chết rồi, toàn dân Trung Hoa cả phe Quốc lẫn phe Cộng 8 đều gọi ông là "Cha của Cách Mạng", là "Cha của nước" (Quốc phụ), nhà nào cũng treo hình ông với lời di chúc của ông. Nhưng từ năm 1949. Khi Cách Mạng vô sản thành công thì Hoa Lục, lòng tôn sùng cũng nhạt đi: Ông chỉ còn một ngẫu tượng lỗi thời thôi. Cái gì mà chẳng theo tốc độ của thờI đại! May mà xác ông không bị ướp. Nếu bị ướp như Staline, Mao Trạch Đông thì chỉ vài chục năm nữa, qua thế kỷ XXI, nó sẽ thành một cổ vật như xác ướp của Pharaon Ai Cập. Nghe nói mấy năm trước, Nga đã sửa lại bộ Bách Khoa tự điển hay bộ Tự Điển triết hoạc, không còn coi Lénine là một vị thánh nữa.

Không biết tin đó có đúng không.

C- CÁCH MẠNG VĂN HOÁ

1-     Vai trò của giới trí thức mới.

Từ đời Hán đến vụ Thái Bình Thiên Quốc đời Thanh, Trung Hoa chỉ có những vụ nông dân nổi loạn, mà có rất nhiều. Trong hai phần trên tôi chỉ kể những vụ thành công thôi, mà cứ một vụ thành công thì có không biết bao nhiêu vụ thất bại.

Nông dân đói quá, bị ức hiếp quá, nổi lên cướp bóc, giết quan lại. Một người trong giới họ, cũng ít học như họ, nhưng can đảm hơn, mưu mô hơn, được cảm tình của họ, qui tụ họ, làm thủ lãnh, lợi dụng lòng mê tín của họ, gây được một phong trào; phong trào lớn lên rất mau, tới khi quân lính của triều đình cũng đứng về phe họ nữa thì triều đình thế nào cũng bị lật đổ, và mới đầu là giặc, sau họ thành vua.

Làm vua, họ vẫn giữ chế độ cũ, tổ chức xã hội cũ, chỉ thay triều đại thôi. Hình như không có một kẻ sĩ nào cầm những phong trào đó cả, có một số giúp với tư cách quân sư hay tướng quân, và những người đó, khi thành công, cũng làm quan cho triều đại mới y như các quan thời trước, không hề có ý thức cải tạo xã hội.

Những cuộc nỗi loạn đó từ thời Chu, vẫn gọi là cách mạng, tức đổi mệnh vua (vua chịu mệnh trời), đổi triều vua. Từ khi tiếp xúc với phương tây, người Trung Hoa dùng danh từ cách mạng để dịch chữ révoluction và có nghĩa là một sự thay đổi rất lớn lao về chế độ, có khi thay đổi triệt để, phá hết những tổ chức cũ, người ta cho là xấu xa mà dựng lên những tổ chức mới. Hiểu theo nghĩa đó thì từ khi có tin sử tới đầu đời Thanh, Trung Hoa chỉ có mỗi một cuộc cách mạng của Tần Thủy Hoàng; từ chế độ phong kiến qua chế độ quân chủ chuyên chế, thống nhất về mọi phương diện: đất đai, chính trị, kinh tế, văn hóa. (Nhà Chu chỉ cải thiện chế độ phong kiến của nhà Thương, chứ không có sự thay đổi gì quan trọng).

Vụ Thái Bình Thiên Quốc cũng là một cuộc cách mạng vì Hồng Tú Toàn tuy vẫn giữ đế chế nhưng đã muốn thay đổi xã hội và văn hóa: Chia đất cho nông dân làm tập thể, gặt lúa rồi phân phối cho từng bộ, như xã hội chủ nghĩa ngày nay, cho phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với đàn ông, được học hành, thi cử và làm quan, bỏ Nho Giáo mà thay bằng Ki Tô Giáo.

Hồng Tú Toàn thất bại. Trên nửa thế kỷ sau lại có cuộc cách mạng Tân Hợi của Tôn Văn.

Những cuộc cách mạng theo nghĩa mới này ở phương Tây, cũng như phương Đông, thời Cổ cũng như thời Kim gần như luôn luôn được một số triết gia Văn nhân mở đường, như bọn Pháp gia (Thương Ưởng, Hàn Phi…) thời Chiến Quốc, bọn triết gia thế kỷ XVIII ở Pháp (Montesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau) bọn Marx, Hegel (Đức) với bọn tiểu thuyết gia thế kỷ XIX (Gogol Léon Tolstoï, Dostoievski, Tchekhov) … ở Nga;

Ở Trung Hoa, Thái Bình Thiên Quốc, không được người mở đường, có thể vì đó mà thất bạI chăng? Nhưng cách mạng Tân Hợi thì được nhóm Khang Lương, Lâm Thư, Nghiêm Phục …. mở đường cho từ một hai chục năm cuố thế kỷ XIX.

Bọn mở đường bao giờ cũng ở trong giới trung lưu (bourgeoisie), vì họ được học như giớI thượng lưu cầm quyền, mà được rảnh rang để suy tư hơn bọn cầm quyền; họ tiến bộ hơn bọn cầm quyền nữa, kẻ cầm quyền bao giờ cũng thủ cựu vì quyền lợI, vì tự ái, vì ngại thay đổi; còn bọn bình dân, nhất là thời xưa thì vô học, chỉ lo yên ổn làm ăn, vợ con khỏi đói rách, không thể lập một học thuyết được.

Đó là xét về hạng người mở đường cho cách mạng. Ngay nhà làm cách mạng cũng phải là người có học. Tôi chắc tần Thủy Hoàng có học hơn Lưu Bang nhiều, ông ta đọc Hàn Phi thích tới nỗi phải làm sao gặp được Hàn Phi thì mới mãn nguyện. Hồng Tú Toàn thì tú tài mấy lần rớt, nhưng rớt chưa chắc đã dốt, nhất là trong các kỳ thi dùng văn tám vế hồi xưa; mà ông ta biết làm thơ, vậy cũng là người có học nữa, không như bọn thủ lãnh của cuộc nổi loạn thời trước. Còn Tôn Văn thì ai cũng phải nhận là về cổ học, không sâu sắc nhưng ít nhất cũng hiểu tứ thư, ngũ kinh (ông thưòng dẫn lời Mạnh Tử) mà về dân tộc thì ông là người tiến bộ sớm nhất thời, ông có bằng bác sĩ, đi khắp Đông Á và tây Âu, qua cả Mỹ, thông Anh ngữ, Nhật ngữ, có thể biết qua loa vài ngoại ngữ khác nữa.

Ở trên tôi xét chung cách mạng Trung Hoa và cách mạng phương Tây khác các cuộc nông dân nổi loạn ra sao. Dưới đây tôi sẽ vạch một nét đặc biệt của cách mạng Trung Hoa từ 1911 đến 1949.

Trễ nhất là từ đời Tống (có người nói là ngay từ đời Hán) học sinh Trung Học đã họp nhau để trình quốc sách lên triều đình, vạch mặt một số quan tham nhũng. Họ là kẻ sĩ, có bổn phận góp ý hoặc kiểm sát nhà cầm quyền trong những thời suy bại. Trung Hoa có câu: "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách". Thất phu còn vậy, huống hồ là kẻ sĩ.

Tới đầu thế kỷ XX, vì Trung Hoa phải bỏ hẳn chế độ cũ mà nhóm Cổ Học Khang Lương chê là lỗi thời, để theo chế độ mới của phương Tây, nên cờ cách mạng chuyển qua tay những thanh niên có tân học, tức các sinh viên đại học trong nước và du học ở ngoại quốc về. Họ dạy học, họ giới thiệu văn minh phương Tây diễn thuyết, viết báo, viết văn. Chẳng những họ phát động, mà còn chỉ huy phong trào nữa. Họ cảnh tỉnh đồng bào, thúc đẩy đồng bào, hướng dẫn đồng bào, mà đồng bào lại rất ít học; có thể tớI 95% không biết đọc, biết viết họ phảI dùng một thứ chữ dể đọc, một ngôn ngữ dẽ học để truyền bá tư tưởng cho rộng.

Tóm lại là các giáo sư, các văn nhân, các sinh viên có một vai trò rất quan trọng. Song song với cuộc cách mạng chính trị, phải gây một cuộc cách mạng, văn học, văn hóa. Có lúc cách mạng văn hóa thúc đẩy cách mạng chính trị; có lúc cách mạng chính trị thúc đẩy ngược lại cách mạng văn hóa.

Mới đầu người ta chuyên đả đảo văn hóa cổ, để làm một cuộc cách mạng của giới trí thức và tiểu tư sản, cách mạng này chưa thành công thì ở Nga đã có cuộc cách mạng vô sản và một số người cho cách mạng tiểu tư sản còn lạc hậu, mà chuyển hướng qua Nga. Con "sư tử Trung Hoa" ngủ thì say thật, nhưng khi thức dậy thì chồm lên cũng dữ. Người ta muốn bỏ giai đoạn tư bản đi, từ phong kiến nhảy vọt tới Cộng sản. Đó là điểm đặc biệt của cách mạng Trung Hoa: Cách mạng chính trị song song với cách mạng văn hóa, mà trong cách mạng chính trị thì cách mạng tiểu tư sản cũng song song với cách mạng vô sản.

2. Những nhà mở đường (1898 – 1916)

Trong giai đoạn đầu, giai đoạn giao (thời từ 1898 – 1916) mới chỉ có những cải cách rụt rè. Các nhà lãnh đạo phong trào du tân đều là những nhà nho ái quốc, tiến bộ, có chút tư tưởng mới, như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Hoàng Tuân Hiến …. Họ nhận thấy Khổng học, nói chung là Cổ học không hợp thời nữa, nhưng không mạt sát, nhưng họ vẫn còn dùng cổ văn để diễn một số tư tưởng, cảm xúc mới. Chủ trương của họ là cựu bình mà tân tửu, nghĩa là giữ cái bình cũ (cổ văn, chỉ bỏ lối văn tám vế đi thôi), đánh bóng, lau chùi nó lại một chút để chứa một thứ rượu mới nhập cảng ở phương Tây, sau khi chế biến qua loa cho hợp khẩu vị dân chúng.

Ở trên tôi đã giới thiệu tư tưởng của Khang Lương. Ở đây tôi chỉ ghi thêm: Lương có lẽ người đầu tiên hiểu được tác động rất lớn của tiểu thuyết trong việc cải tạo xã hội. Trong bài "Luận tiểu thuyết dữ quân trị chi quan hệ" (bàn về quan hệ giữa tiểu thuyết và sự trị dân) ông viết.

"Tiều thuyết có lực lượng rất mạnh: nó in đúc, thấm nhuần, kích thích, đề khởi, nên muốn canh tân đầu óc dân chúng, canh tân đạo đức, canh tân tôn giáo canh tân chính trị, canh tân phong tục, canh tân học thuật, canh tân nhân tâm, nhân cách thì trước hết phải canh tân tiểu thuyết và cuộc cách mạng tiểu thuyết phải đi trước những cuộc cách mạng khác.”

Rồi ông sáng lập tạp chí Tiểu Thuyết Mới, trong đó nhiều văn nhân vừa dịch tiểu thuyết nước ngoài vừa sáng tác. Mười năm sau tiểu thuyết phát triển rất mạnh là do ảnh hưởng của ông.

Đọc ấy hàng trên của ông, chúng ta thấy ngay, mặc dầu dùng cổ văn chứ không phải bạch thoại mà văn của công có vẻ mới lắm, không cô động, cân đốI, mà hơi rườm, bình dị, có sức lôi cuốn, đúng là lốI viết báo, tuyên truyền.

Ông thích chép sử cách mạng của ngoại quốc, như Ý ĐạI LợI kiến quốc tam liệt truyện, Nhã Điển tiểu sử, Triều Tiên vong quốc sử lược, để kích thích lòng ái quốc của độc giả. Ông cũng viết tiểu thuyết nữa, nhưng không hay. Về thơ chúng ta phảI kể Hoàng Tuân Hiến, sinh năm 1848 ở Quảng Đông, như Khang Lương. Đậu cử nhân được làm ở xứ quán Trung Hoa tại nhiều nước: Nhật, Mỹ, Tân Gia Ba, nên nhãn quan rộng, kinh nghiệm nhiều, hiểu tình hình thế giới, đọc nhiều sách của Rousseau, Moutesquieu, do Nhật dịch, nhờ vậy mà có óc mới.

Ông tập đại thành những cái hay của thơ truyền thống, có bài tả nỗi khổ của dân như Đỗ Phủ, có bài chép thời sự như Bạch Cư Dị, có bài ái quốc nồng nhiệt, ý chí hào hùng như Lục Du; mà lại có nhiều ý cảnh mới như khi ông làm lãnh sự ở Mỹ, Anh, Tân Gia Ba. Ông vẫn dùng thể cổ, nhưng có một số bài dùng hình thức mới, phá cả mọi cách luật, như những bài quân ca, nhi đồng ca, mỗi câu chỉ có ba chữ, đặc biệt là ông dám dùng thể văn xuôi để làm thơ không theo luật bằng trắc, có câu dài tới trên hai chục chữ, có bài dài hơn 2000 câu khiến Lương Khải Siêu phải kính phục (bài Ngọa Phật, Phật nằm ở Tích Lan).

Nhiều bài nội dung và hình thức đều mới đó như bài Bi Bình Nhưỡng, Ai Lữ Thuận, Khốc Uy Hải.... thật hùng hồn, lâm ly, được cả phái cựu tán thưởng; có người khen ông là "thiên niên tuyệt bút", "tiền vô cổ nhân". Thi sĩ Tản Đà của mình rất phục ông.

Trong giai đoạn này phải kể thêm công của hai dịch giả: Lâm Thư và Nghiêm Phục.

Chúng ta phải phục dân tộc Trung Hoa là hiếu học và có những người tận tụy suốt đời cho văn hóa. Đời Đường Huyền Trang và Nghĩa Tĩnh đã qua tận Ân Độ học đạo, đem về 657 bộ kinh Phật rồi dịch hết, làm giàu cho tư tưởng và ngôn ngữ họ rất nhiều. Cuối đời Thanh, tiếp xúc với văn hóa phương Tây, họ lại gây một phong trào dịch thuật bồng bột như vậy.

Mời đầu, vào khoảng năm 1840. Thanh triều dùng một số người dịch sách phương Tây, sau họ mở trường dạy ngoại ngữ (Quảng phương ngôn quán) gởi sinh viên qua Âu Mỹ học, và tới 1895, họ đã có một số sách dịch, nhiều nhất là về khoa học (thực dụng và thuần túy); 70%, rồi tới Sử, Địa, Xã hội: 20%. Sách Anh được dịch trước hết, sau mới tới sách Nhật, Đức, Pháp 9.

Nhưng những sách đó để cho nhà cầm quyền hiểu phương Tây không có mục đích khai hóa quốc dân không được truyền bá rộng. Công việc này gần cuối thế kỷ 19, một số học giả mới đứng ra đảm nhiệm.

°

Người đi đầu là Lâm Thư và Nghiêm Phục, cùng sống một thời (Lâm 1852 - 1924, Nghiêm 1835 - 1921). Lâm chuyên dịch tiểu thuyết, Nghiêm chuyên dịch triết lý,, học thuật.

Sức làm việc của Nghiêm thật đáng kính, không kém Huyền Trang. Theo thống kê của Hàn Quang, ông dịch được 171 lọaị tác phẩm gồm 270 cuốn, không kể 14 lọai nữa chưa in. Trong số đó, ít nhất cũng có 40 loại có giá trị. Được hoan nghênh nhất là cuốn Ba Lê Trà Hoa Nữ di sự (Dame aux camélias của A. Dumas) và cuốn Hắc Nô Hu thiên Lục (la Case de l' Oncle Tom) của H. Beecher Stowe. Ông dịch đủ cả tiểu thuyết, kịch của Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Na Uy, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản.... từ Shakespeare, Swift Dickens, Washington Irving, tới Victor Hugo, Alexaudre Dumas (cha và con), Balzac, Ibsen, Cervebtes Tolstoi ....

Tài tình nhất là ông ông hề biết một ngoại ngữ, nhờ bạn dịch miệng cho, rồi ông diễn ra cổ văn (thế kỷ II, III), những người đầu tiên dịch kinh Phật cùng theo cách đó mỗi giờ có thể viết được 1.500 chữ (!) có khi bạn chưa kịp dịch miệng xong, ông đã viết xong (theo Trịnh Chấn Đạc trong bài Lâm Cầm Nam tiên sinh, Cầm Nam là tên tự của Lâm - ở bộ Trung Quốc văn học nghiên cứu). Bạn ông chắc không thể biết được mọi sinh ngữ phương Tây, tất phải dùng những bản dịch (chẳng hạn Nga dịch ra Anh, ra Pháp....), vậy tới Lâm đã qua hai lần dịch, rồi tới đọc giả là qua ba lần dịch, so với nguyên tắc sai lầm tất phải nhiều. Độc giả trách ông, ông thẳng thắn cảm ơn và nhận lời. Nhiều tác phẩm ông chỉ tóm tắt thôi.

Nghiêm Phục dịch ít hơn ông, chỉ được chín cuốn về triết lý, học thuật tư tưởng của Darwin, Huxley, Spencer, Stuart Mill...., mà bản dịch "Thiên diễn luận" (De l'origine des specs par la selection naturelle) của Darwin có ảnh hưởng rất lớn ở Đương thời ngang với cuốn Vạn Pháp Tin Lý (L’ esprit des loi của Moutesquieu). Nhà ái quốc Trung Hoa và Việt Nam nào cũng tìm đọc hai cuốn dó, cuốn trên vì thuyết ưu thắng liệt bại gợi cho họ lòng tự cường, quyết chiến đấu để khỏi bị sa thải trên hoàn vũ; cuốn dưới vì thuyết tam quyền phân lập; quyền lập pháp, quyền hành chánh và quyền tư pháp phải độc lập, mỗi quyền thuộc một cơ quan riêng, không được gom cả ba quyền vào một người như chế độ quân chủ chuyên chế.

Nghiêm Phục có thái độ rất nghiêm cẩn, cố tìm chữ dịch cho đúng nghĩa, có khi do dự cả tuần, cả tháng để tạo một danh từ. Nhưng ông có tật là dùng những tiếng có sẵn đời Tiên Tần để diễn những quan niệm, tư tưởng của Âu Tây, cơ hồ như ông muốn tỏ rằng những quan niệm, tư tưởng ấy tuy có vẻ mới mà kỳ thực Trung Quốc đã có từ xưa rồi. Như vậy nhã thì có nhã mà thiếu tín.

Sau Lâm Thư, công việc dịch thuật được nhóm Tiểu thuyết Nguyệt San tiếp tục. Họ dịch nhiều nhất là tiểu thuyết Nga, rồi tới tiểu thuyết Pháp có lẽ vì hai nước đó là tổ quốc của cách mạng. Sau tới tác phẩm của Anh, Mỹ, Đức …. cả Ấn Độ nữa.

3. Cao trào cách mạng (1917 – 1927)

Giai đoạn, trên là giai đoạn bình cũ rượu mới. Qua giai đoạn này họ phá luôn cái bình cũ, thay vào cái bình mới, và cuộc cách mạng văn hóa thực sự bắt đầu.

Trước hết phải kể vai trò của Đại Học Bắc Kinh (cái lò của cách mạng văn hóa) mà người điều khiển là Thái Nguyên Bồi, được coi là cha của phong trào Văn Nghệ phục hưng Trung Hoa.

Thái sinh ở Giang Nam (1867 – 1940) nổi tiếng là thần đồng, đậu tiến sĩ, mới 25 tuổi đã được bổ vào viện Hàn Lâm, nghĩa là được Thanh đình trọng dụng lắm, nhưng khi sau cuộc Biến Pháp 100 ngày thất bại, ông xin từ chức, để làm cách mạng, gia nhập Đồng Minh Hội trước 1905, qua Đức học 4 năm về triết học, về làm bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ Tôn Văn năm 1912; khi Viên Thế Khải lên làm Lâm thời Tổng Thống thay Tôn Văn, ông rất sáng suốt biết Viên sẽ phản cách mạng, nên từ chức ngay, không hợp tác với Viên, rồi lại qua Đức và Pháp học nữa. Ít năm sau, chính quyền Bắc Kinh bổ ông làm tỉnh trưởng Chiết Giang (quê hương ông). Ông từ Pháp đánh điện về từ chối.

Nhưng năm 1916, khi được mời làm viện trưởng viện Đại Học Bắc Kinh thì ông nhận liền. Ngay từ năm 1912, ông đã hô hào phải tôn trọng tự do tư tưởng, vì "Giáo Dục" phải ở trên chính trị … “không bị chính trị kiểm soá". Ông đã đem tư tưởng Âu Châu về truyền bá ở Trung Hoa.

Trước hết ông nhận chức Viện Trưởng, đại học Bắc Kinh rất hủ lậu. Sinh viên hầu hết là con các quan lớn, coi đại học chỉ là một bàn đạp để tiến lên quan trường. Vô đại học rồi thì được gọi là "đại nhân" liền, vì dù dốt nát, lười biếng thì cũng ra trường và làm quan. Tư cách bọn "đại nhân"đó rất kém, cho nên đại học bị dân chúng coi là "sòng bạc" "ổ điếm", chưa bao giờ giới quan liêu sa đọa như thời ấy.

Thái Nguyên Bồi trừ ngay cái tệ đó, tuyển chọn giáo sư theo tài năng, chẳng kể là theo xu hướng nào, cho sinh viên được tự do tư tưởng, không buộc phải theo một đường lối nào. Đúng là tinh thần trong các đại học Âu Mỹ. Nhờ vậy mà sinh viên đại học Bắc Kinh đóng được vai trò cách mạng, bãi khóa, phản đốI chính quyền về vụ chịu chấp nhận 21 khoản của Nhật (Vận động Ngũ Tử - năm 1919).

Trong số giáo sư Thái Nguyên Bồi tuyển, có hai người: Trần Độc Tú và Hồ Thích khởi động phong trào cách mạng văn học. Trần Độc Tú (1879 – 1942) lớn tuổi hơn, có cổ học (thi đậu cử nhân?) rồi qua Pháp học 4 năm (1907 – 1910) về nước dự cuộc cách mạng Tân HợI, chống Viên Thế Khải. Năm 1915 ông sáng lập tờ Tân Thanh Niên, đả đảo Khổng học thủ cựu, hô nào thanh niên phảI có tinh thần độc lập, phản kháng, tiên thủ, khoa học …

Hồ Thích (1891 – 1962) sinh ở An Huy theo đạo Tin Lành, biết về cổ học, nhưng không thi cử, năm 1910 qua Mỹ học ở đạI học Colombia tớI 1917, rất phục triết gia John Dewey, thầy của ông.

Namm 1917, từ Mỹ, Hồ gửi về Trung Hoa bài Văn học cải lương xô nghị (bàn về cải lương văn học) để đăng lên tờ Tân Thanh Niên của Trần Độc Tú. Bài đó làm chấn động văn đàn, không kém tiếng súng nổ ở Vũ Xưong ngày 10–10–1911. Trong bài đó ông chủ trương:

- Văn học phải tùy thời thay đổi.

-  Văn bạch thoại là văn chính tông của Trung Quốc và lợi khí của văn học tương lai.

Vậy là ông muốn bỏ cổ văn đã dùng trong mấy ngàn năm, lưu lại biết bao thơ văn bất hủ, mà dùng bạch thoại, tiếng nói hằng ngày của dân chúng, vì cổ văn phải học mới hiểu được, còn bạch thoại, hễ đọc được thì ai cũng hiểu được, mà nếu không đọc được, người khác đọc lên, người dân nào nghe cũng hiểu được.

Cổ văn ở Trung Hoa thời đó so với bạch thoại cũng như tiếng La tinh ở Ý, tiếng cổ Hy Lạp ở Hy Lạp so với tiếng Ý, tiếng Hi Lạp ở thời chúng ta. Người Ý đã bỏ tiếng La Tinh, người Hy Lạp đã bỏ tiếng cổ của họ từ sáu, bảy thế kỷ trước, người Trung Hoa bây giờ vẫn chưa bỏ cổ văn. Không bỏ nó, không dùng bạch thoại thì không thể truyền bá kiến thức trong dân chúng mau được.

Sau đó ông viết hai bài nữa, chủ trương:

- Có điều gì đáng nói thì mới nói, đừng "Vô bệnh thân ngâm" (Không đau mà rên) nghĩa là văn thơ phải mạnh mẽ, đừng lãng mạn.

- Có điều gì thì nói điều ấy, muốn nói điều gì thì noí thẳng ra, tránh dùng điển, những tiếng sáo; cứ dùng những tiếng thông tục.

- Dùng lời của ta, đừng dùng lời của người, nghĩa là đừng dùng mô phỏng, nô lệ cổ nhân, người ở thời đại nào thì dùng tiếng của thời ấy.

Hồ Thích đề xướng. Trần Độc Tú hưởng ứng. Trong một bài nghị luận về văn học cách mạng, ông hô hào:

- Đả đảo lối văn điêu luyện, a dua của bọn quý tộc, kiến thiết lối văn bình dị, tả tình của quần chúng;

- Đả đảo lối văn cổ điển, hủ bại, khoa trương; kiến thiết lối văn tả chân, mới mẻ, thành thực.

- Đả đảo lối văn tối tăm, khó hiểu; kiến thiết lối văn rõ ràng thông tục.

Nhiểu giáo sư ở trường đại học Bắc Kinh như Tiền Huyền Đồng, Chu Thụ Nhân (tức Lỗ Tấn … tán thành, phát biểu ý kiến trong tờ Tân Thanh Niên. Tờ này và trường đại học Bắc Kinh biến thành đại bản dinh của nhóm Hồ, Trần.

Dĩ nhiên, phe cổ học nhao nhao lên phản đối, mạt sát. Có người trách Thái Nguyên Bồi, bảo muốn theo chủ trương của Hồ, Trần thì cứ mời bọn phu xe, bọn bán tương ở Bắc kinh làm giáo sư đại học, cần gì phải giao con em cho Thái nữa. Thái đáp:

- "Bắc Kinh Đại Học không bỏ cổ văn mà chuyên dạy bạch thoại; vả lại bạch thoại cũng diễn được ý nghĩa sách cổ, mà những giáo sư đề xướng bạch thoại đâu có dùng ngôn ngữ của bọn kéo xe, bán tương. Còn về nhiệm vụ của ông làm viện trưởng thì ông phải theo thông lệ trên khắp thế giới là tôn trọng tự do tư tưởng, dù không đồng quan niệm với các giáo sư, cũng phải để họ phát biểu ý kiến, nhất là hoạt động của họ ở ngoài phạm vi nhà trường, ông lại càng không có quyền can thiệp".

Tiếp đó xảy ra cuộc Ngũ Tứ vận động và chính cuộc biến động này đã làm cho phong trào dùng bạch thoại lên như diều. Bọn thanh niên thấy rằng muốn cải tạo quốc gia thì phải quét sạch những tư tưởng cổ hủ, muốn cảnh tỉnh đồng bào thì phải dùng bạch thoại, ngôn ngữ của đồng bào, do đó, cuộc vận động chính trị biến thành cuộc vận động văn hóa. Vô số tờ báo đề xướng tản văn hóa mọc lên ở khắp nơi, tờ nào cũng dùng bạch thoại dễ viết hơn văn ngôn (tức cổ văn) mà bình dân hiểu được. Thành thử cuộc cách mạng chính trị mau bành trướng.

Chỉ trong ba năm (1919-1922) văn bạch thoại được toàn dân chấp nhận, ngay bộ Giáo Dục cũng cho dạy văn bạch thoại ở khắp nước từ 1920.

Thế là cuộc cách mạng Hồ, Trần hoàn toàn thành công. Bốn trăm triệu người khỏi phải học một từ ngữ mà được học một sinh ngữ, đỡ tốn biết bao công phu.

Từ 1921 đến 1925, có cả trăm hội văn học thành lập. Không khí thật tưng bừng. Đúng là một cuộc cách mạng. Ngọn cờ chuyển qua tay các nhà tân học ở Nhật, hoặc Âu, Mỹ về. Cái bình cũ (văn ngôn) đã được thay bằng cái bình mới (bạch thoại). Mà rượu cũng mới hơn, nồng hơn. Người ta cổ xúy một thứ văn học mới để truyền bá, thực hiện chủ trương dân chủ mới. Các văn nhân hăng hái áp dụng kỹ thuật phương Tây trong việc sáng tác và chỉ mới thành công về truyện ngắn. Họ mạt sát Khổng học, đả đảo đại gia đình, đề cao cá nhân, nhất là giải phóng phụ nữ, mạnh hơn các nhà văn nước ta từ 1925 đến 1938. Phụ nữ phải bỏ tục lệ bó chân đi, bỏ công việc bếp nước, may vá đi mà lo việc quốc gia, xã hội như đàn ông, nhất là phải đòi cho được quyền tự do kết hôn.

Nổi tiếng nhất, có một bút pháp sắc sảo, mạnh mẽ, cay độc nhất là Lỗ Tấn, sanh năm 1881 ở Chiết Giang, có thời gian qua Nhật học, tác giả những truyện Cuồng nhân nhật ký, Khổng Ất Ký, Chúc Phúc, AQ chính truyện …. Trong truyện cuối đã được dịch ra nhiều tiếng, ông châm biếm xã hội nông thôn Trung Hoa ở cuối đời Thanh và đầu thời cách mạng Tân Hợi.

Thứ rượu đó đã nồng lắm rồi, như khi sau đảng Cộng Sản Trung Hoa thành lập ở Thượng Hải (30-6-1921), một số người cho nó còn là nhạt nhẻo, muốn thay luôn nó nữa. Trần Độc Tú là một trong số người thành lập đảng, có tư tưởng cấp tiến, chê Hồ Thích ôn hòa quá, (lúc này Hồ đã ở Mỹ về, làm giáo sư đại học Bắc Kinh), còn giữ tác phong tư bản, nên xa dần Hồ.

Kiện tướng trong nhóm là Quách Mạt Nhược, sinh năm 1892 ở Tứ Xuyên, trong một gia đình địa chủ lớn. Viết rất nhiều, rất mau về đủ loại, văn không chuốt bằng Lỗ Tấn, nhưng rất truyền cảm, hùng hồn, cuồng nhiệt. Ông lớn tiếng hô hào:

"Chúng tôi phản đối bọn quỷ tư bản! Chúng tôi phản đối lối văn nô lệ. Vận động văn học của chúng tôi là phát biểu tinh thần của giai cấp vô sản, tức là nhân loại thuần túy".

Tư tưởng dó bắt nguồn ở Nga. Theo ông, lời phải bình dị, ai cũng hiểu được, lý luận phải đúng với biện chứng pháp, còn mục đích là lật đổ chế độ tư bản.

Vậy là về chính trị, vào khoảng 1927. Trung Quốc có hai đảng: Quốc dân và Cộng sản (coi chương sau).

Thì về văn hóa cũng có hai phe: Hữu và tả.

Chỉ trong khoảng 15 năm (từ 1912) họ đã tiến từ phong kiến lên dân chủ, rồi cộng sản.

--------------------------------

1

Năm 1924, liệt sĩ Việt Nam Phạm Hồng Thái, sau khi ám sát hụt toàn quyền Merlin, nhảy xuống sông tự tử, cũng được chôn ở đó.

2

Sau Mỹ rút ra vì thấy họ bóc lột Trung Hoa quá, vì vậy mà có sách chỉ kể năm nước.

3

Phùng Ngọc Tường (Ki Tô Giáo) mới đầu theo Ngô Bội Phục rồi sau theo Trương Tác Lâm.

4

Tỷ lệ chiến hạn của Anh, Mỹ, Nhật ở Thái Bình Dương là 5, 5, 3. Anh và Mỹ bằng nhau 5, Nhật 3.

5

Chương trình chính trị của đảng.

6

Một số nhà cách mạng của ta học ở trường đó.

7

Tới mỗi tại một công viên ở Tô Giới Thượng Hải, người Anh cắm một cái bảng "cấm chó và người Trung Hoa vào".

8

Sau năm 1949 bà Tống Khánh Linh ở lại Hoa Lục.

9

Sách Nga từ năm 1919 đến năm 1949, số dịch còn thấp, năm 1950 mới đứng đầu: 77%, trên Anh 18%.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét